Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba - Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BA

PHÁP HỘI MẬT TÍCH KIM CANG LỰC SĨ  

PHẦN NĂM  

Thưa Ngài Tịch Ý! Đó là thân Đức Như Lai bí yếu vậy. Đức Như Lai ứng hiện biến hóa tự tại, dùng pháp khai hóa hiểu biết tâm ý của chúng sanh mà thuyết pháp cho họ được giải thoát.

Đối với chúng sanh kia, Đức Như Lai vốn không tác không hành, chưa bao giờ Đức Như Lai chí chân nghĩ rằng tôi sẽ hóa hiện thân hình.

Những chúng sanh được hóa độ tâm họ tự quan niệm rằng: Đức Như Lai chí chân ở trước chúng tôi. Từ vô số Thế Giới, Đức Như Lai đến Thế Giới này. Từ thân Như Lai phóng quang minh vô lượng màu sáng.

Quang minh ấy chiếu suốt hằng hà sa Quốc Độ. Chúng sanh do quang minh ấy mà được khai hóa. Vì thế nên ở Như Lai không có tác nghiệp, không có công hạnh.

Thưa Ngài Tịch Ý! Thân của Như Lai bí yếu, bao nhiêu là tâm niệm, bao nhiêu là sự ban bố tuyên thuyết, bao nhiêu là thành tựu chúng sanh phát tâm vô thượng bồ đề. Chẳng thể tính kể được sự bí yếu của thân Như Lai. Lúc nói thân hành bí yếu của Như Lai, có mười ngàn người phát tâm vô thượng bồ đề, tám ngàn Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn.

Chư Thiên, A Tu La, người thế gian khen Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ: Lành thay! Lành thay! Nhạc Trời chẳng trỗi tự kêu. Hư không mưa hoa Trời.

Đức Thế Tôn đặt tay mặt lên đỉnh đầu Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ mà khen rằng: Lành thay! Lành thay! Khéo nói thân của Như Lai bí yếu như vậy. Lời Mật Tích tuyên nói ấy như lời Phật dạy không khác.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói với Ngài Tịch Ý Bồ Tát: Thế nào là khẩu bí yếu của Đức Như Lai?

Thưa Ngài Tịch Ý! Từ đêm nào Đức Như Lai thành tối Chánh Giác đến lúc nhập Vô Dư Niết Bàn, khoảng thời gian ấy Đức Như Lai thi thố một văn tự bèn có thể ban bố tuyên thuyết phân biệt tất cả vô hạn nghĩa lý, vô số ức năm giảng diễn khắp các pháp.

Tại sao vậy?

Đức Như Lai thường định. Đức Như Lai chí chân không thở ra hít vào, không tư niệm, không chỗ làm, không tư tưởng. Dầu miệng tuyên thuyết, nhưng Đức Như Lai vẫn không tưởng niệm không chỗ làm.

Chỗ làm của Đức Như Lai không làm không chẳng làm, không lời không nói, chẳng nghĩ tưởng có người. Đức Thế Tôn chỗ nói tất cả Tam Muội chánh thọ siêu việt đều dùng văn tự mà phân biệt diễn thuyết.

Tất cả chúng sanh đều riêng cho rằng: Đức Như Lai vì tôi mà giảng nói Kinh Pháp. Đức Như Lai ban một âm thanh đều khắp tất cả chỗ tưởng chỗ niệm của tất cả chúng sanh, không ai là chẳng vui đẹp. Ngôn từ của Như Lai phát ra sáu mươi phẩm âm thanh sai khác.

Những là âm thanh cát tường, âm thanh êm diu, âm thanh đáng ưa, âm thanh thanh tịnh đẹp ý, âm thanh rời cấu nhơ, âm thanh rõ sáng, âm thanh vi diệu, âm thanh nghe rõ, âm thanh không rối loạn, âm thanh không huyên náo, âm thanh bậc thầy, âm thanh không cứng rắn, âm thanh không thô xẵng.

Âm thanh thiện thuận, âm thanh an trọng, âm thanh hòa lành, âm thanh theo tâm đúng lúc, âm thanh vui vẻ, âm thanh gợi lòng yêu an ổn, âm thanh không nhiệt não, âm thanh đứng đắn, âm thanh thức đạt, âm thanh thân cận, âm thanh ý thích, âm thanh mừng rỡ, âm thanh dạy dỗ hiền hòa.

Âm thanh rõ ràng, âm thanh siêng cần, âm thanh nhẫn nại, âm thanh lớn rõ, âm thanh vang trừ ô uế, âm thanh như sư tử rống, âm thanh như rồng gầm, âm thanh như mưa tốt, âm thanh như sấm dậy, âm thanh chân đà la kỹ, âm thanh như chim loan hót, âm thanh như chim ưng kêu.

Âm thanh chim hạc ré, âm thanh kỳ vức, âm thanh như tiếng chim anh vũ, âm thanh như sét nổ, âm thanh chẳng mất, âm thanh chẳng bạo, âm thanh vào trong tất cả tiếng vang, âm thanh chẳng phi thời, âm thanh không thiếu, âm thanh không khiếp, âm thanh sung sướng.

Âm thanh thông sướng, âm thanh giới cấm, âm thanh ngon ngọt, âm thanh tiến hành, âm thanh rộng khắp, âm thanh đầy đủ, âm thanh các căn không sức mẻ, âm thanh chẳng nhẹ mau, âm thanh vô trụ, âm thanh vang vào khắp các chúng hội, âm thanh tuyên bày các công đức. Đó là sáu mươi phẩm âm thanh của Đức Như Lai.

Âm thanh của Đức Như Lai thông khắp mười phương Thế Giới của Chư Phật làm vui đẹp lòng tất cả chúng sanh. Đức Như Lai không có tâm tưởng niệm rằng tôi sẽ vì chúng sanh mà miệng tuyên nói Kinh Trường Hàng, Kinh Trùng Tụng, Kinh Kệ Tụng, Kinh Bổn Sanh, Kinh Bổ Sự, Kinh Tự Thuyết, Kinh Nhân Duyên, Kinh Phương Quảng, Kinh Vị Tằng Hữu, Kinh Thí Dụ, Kinh Luận Nghị, Kinh Thọ Ký, ban bố xa gần cho họ hiểu biết, tuyên thuyết pháp nghĩa để khai hóa họ.

Lại ở trong các chúng hội, Đức Như Lai chí chân tuyên thuyết pháp nghĩa. Thân cận bên Đức Phật có các chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thanh Tín Sĩ, Thanh Tín Nữ, Chư Thiên, Long Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân, Phi Nhân.

Chúng hội ấy, tùy theo căn tánh, chỗ tu tinh tiến, tùy pháp sở thích mà làm cho họ được nhập đạo. Do thuận nhập đạo nên tìm cầu chúng sanh bèn rõ biết không có nhân mà giáo hóa họ. Các chúng sanh ấy tự nghĩ rằng âm thanh từ miệng Đức Như Lai phát ra.

Đức Như Lai chẳng riêng rẽ thuyết pháp cho họ, mà tùy theo tâm họ sai khác, ngôn ngữ đúng lúc mỗi mỗi đều nghe pháp mà được tỏ ngộ. Đây gọi là khẩu bí mật của Đức Như Lai.

Thưa Ngài Tịch Ý! Vô số chúng sanh tâm hành chẳng kể được. Ngôn ngữ của họ có đến tám muôn bốn ngàn. Dìu dắt hạng chúng sanh hạ liệt vô minh tối tăm ấy vào chánh pháp của Như Lai cho họ được Khai Ngộ. Lại tâm hành của chúng sanh chẳng hạn lượng được.

Nếu có chúng sanh hoặc tham dâm, hoặc sân hận, hoặc ngu si, hoặc đẳng phần, Đức Như Lai tùy theo thời nghi vào trong đó để cứu tế cho họ được vô sở trụ.

Nhưng Đức Như Lai không có tâm niệm vào trong chúng sanh vì họ phân biệt hành nghiệp tội phước, dùng quyền phương tiện đều vì họ nói pháp riêng khác.

Chúng sanh vô hạn chẳng thể đếm kể tính lường được, chỗ làm của họ chẳng đồng, Đức Như Lai thiện quyền phương tiện ban tuyên bao nhiêu phẩm pháp.

Lời dạy của Đức Như Lai đều khắp vào tâm họ, tùy theo bổn hạnh của họ mà tuyên bố đạo nghiệp cho họ đều được hiểu biết nhập đạo. Đây thời gọi là sự bí yếu của Đức Như Lai.

Hoặc có vị Bồ Tát vào trong bí yếu của Đức Như Lai, những vị ấy chẳng biết mà cho rằng Đức Như Lai chí chân diễn nói môn hữu vi. Nhưng thiệt thì pháp của Đức Như Lai đều là vô vi.

Lại Đức Như Lai tuyên một âm thanh. Chúng sanh tưởng là có ngôn thuyết bèn chỉ tưởng nhớ ưa thích âm thanh của Đức Như Lai mà hư vọng tưởng nhớ chỗ được nói. Chẳng nên có quan niệm như vậy. Mà phải biết rằng miệng của Đức Như Lai vĩnh viễn không có nói năng.

Tại sao vậy?

Hoặc có chúng sanh nghe âm thanh của Như Lai phát ra từ tướng bạch hào giữa chặng hai chân mày lại cho là ở đỉnh đầu, hoặc có người tưởng là tóc, biết là màu xanh biếc, đứng nơi giữa Trời, mắt rất sáng đẹp.

Mọi người chẳng kham nhìn kỹ Đức Như Lai được. Sở dĩ hiện ra cho họ thấy, là để tiêu trừ các điều sái quấy, bỏ những tâm ganh hại. Nếu thấy cổ, vai , cánh tay thì trừ các họa ngầm.

Nếu thấy ngón tay, hoặc hông, hoặc có ngợi khen từ lưng đến chân, hoặc là bụng, rún, âm tàng, gối, bắp chân thì hết sân hận, hoặc do đó mà được có những tướng tốt hơn hẳn thế gian.

Hoặc có người tưởng niệm Đức Như Lai chí chân nghe âm thanh của Đức Như Lai, tùy theo căn tánh lợn độn và sở thích của họ chỗ đáng được độ mà khai hóa.

Đức Như Lai khai diễn âm thanh giáo hóa chúng sanh đều làm cho họ vào đạo. Dầu vậy nhưng Đức Như Lai cũng không có tưởng niệm.

Thưa Ngài Tịch Ý! Ví như nhạc khí, điều chỉnh âm giai, lấy tay đánh đó phát ra tiếng nhạc du dương thanh thoát. Không phải tại nơi nhạc khí làm ra âm thanh ấy. Đều do nơi các duyên hòa hiệp mà có tiếng hay. Cũng vậy, ngôn từ của Đức Như Lai khai hóa tâm chúng sanh, do họ mà thuyết giáo.

Với những chúng sanh ấy, Đức Như Lai diễn thuyết không có riêng tư, đều do túc duyên đã tạo lập công hạnh mà có thành quả đặc biệt lạ lùng. Ở nơi chúng sanh, Đức Như Lai siêu tuyệt nguy nguy là do sự đặc biệt lạ lùng sẵn từ trước.

Thưa Ngài Tịch Ý! Ví như tiếng kêu to có âm vang đến xa. Âm vang ấy chẳng ở tại trong, chẳng ở tại ngoài, chẳng ở chặng giữa. Cũng vậy, Đức Như Lai phát âm khai hóa tâm chúng sanh. Lời lẽ ngôn giáo ấy chẳng từ nơi thân phát ra, cũng chẳng phải từ nơi tâm, chẳng trong, chẳng ngoài, chẳng từ chặng giữa.

Ví như trong đại hải có minh châu như ý phát ánh sáng làm vừa ý tất cả mọi người. Nếu đặt minh châu ấy trên đầu ngọn phướng chiếu khắp thành thị, tùy theo lòng cầu muốn của mọi người, minh châu ấy hiện ra bảo vật đồ dùng vừa theo ý muốn của mọi người. Minh châu ấy vẫn không có tưởng niệm.

Cũng vậy, Đức Như Lai bảo tâm thanh tịnh nắm tràng đại bi, theo căn tánh của chúng sanh không đâu là chẳng ứng, đều làm cho họ được Khai Ngộ. Dầu hiển thị giáo hóa như vậy nhưng cũng không có tưởng niệm. Đây là sự tuyên giáo bí yếu của Đức Như Lai.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ lại nói với Ngài Tịch Ý Bồ Tát: Tôi xem khắp trên Trời và trong thế gian, các Ma Vương, Phạm Thiên, Sa Môn, Phạm Chí, Chư Thiên và nhân dân đều chẳng thể hạn lượng được âm thanh văn từ đức của Như Lai tuyên ra.

Tại sao vậy?

Như chính tôi nhớ lại ngày trước Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn đây ở tại núi Linh Thứu, có Chư Bồ Tát quyến thuộc vây quanh.

Có hội thuyết pháp tên là Tràng Tịnh Âm do Di Lặc Bồ Tát kiến lập. Đức Thế Tôn rộng vì chúng hội mà ban bố Pháp Âm. Lúc ấy Ngài Đại Mục Kiền Liên nghĩ rằng tôi muốn thử biết coi âm vang của Đức Như Lai đến bao xa. Liền đó Ngài Đại Mục Kiền Liên từ chỗ Ngài ngồi bỗng biến mất, Ngài hiện đứng trên đỉnh núi Tu Di vẫn nghe âm thanh của Như Lai như ở gần trước mắt.

Ngài bèn dùng thần lực bay đi đến cuối mé ngoài tam thiên Đại Thiên Thế Giới, đứng trên đỉnh núi Đại Thiết Vi tột mé ngoài, vẫn còn nghe tiếng nói của Như Lai như cũ không khác, vẫn như gần bên chớ chẳng phải xa.

Lúc đó sanh Đức Như Lai nghĩ rằng ông Đại Mục Kiền Liên muốn thử âm thanh tịnh của Như Lai. Ta nên trợ hiển thần túc cho ông ấy.

Ngài Đại Mục Kiền Liên nương oai thần của Đức Như Lai, dùng thần túc của Ngài bay qua Thế Giới phương Tây xa đến qua khỏi chín mươi chín hằng hà sa Thế Giới của Chư Phật.

Nơi ấy có Thế Giới tên Quang Minh Phan, Đức Phật ở Thế Giới ấy hiệu Quang Minh Vương Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác hiện đương thuyết pháp.

Ngài Đại Mục Kiền Liên đến Thế Giới Quang Minh Phan ấy mà vẫn nghe âm thanh của Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni như tiếng nói của người đối diện.

Đức Phật Quang Minh Vương ấy thân hình cao bốn mươi dặm. Chư Bồ Tát thân hình cao hai mươi dặm. Bát đựng đồ ăn của Chư Bồ Tát cao một dặm. Lúc ấy Ngài Đại Mục Kiền Liên đi vòng trên vành bát.

Chư Bồ Tát bạch Đức Phật Quang Minh Vương: Bạch Đức Thế Tôn! Con trùng này từ đâu đến, mình nó mặc y phục Sa Môn đang đi trên vành bát.

Đức Phật Quang Minh Vương Như Lai bảo Chư Bồ Tát ấy: Các Thiện Nam Tử! Cẩn thận chớ sanh lòng khinh mạn hiên giả ấy. Ngài tên Đại Mục Kiền Liên, là vị đệ tử thần thông đệ nhất trong hàng Thanh Văn tại Pháp Hội của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật ở Ta Bà Thế Giới.

Đức Quang Minh Vương Phật bảo Ngài Đại Mục Kiền Liên: Chư Bồ Tát ở cõi nước ta và các Thanh Văn thấy thân ông nhỏ thấp nên có lòng khinh mạn. Ông nên tự hiển thần thông mà nương oai đức của Phật Thích Ca Mâu Ni.

Ngài Đại Mục Kiền Liên rời vành bát đến trước Đức Phật Quang Minh Vương đảnh lễ dưới chân đi quanh bảy vòng rồi bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi muốn thân này kiết già ngồi tại đây được chăng?

Đức Phật nói: Tùy ý ông muốn. Ngài Đại Mục Kiền Liên liền bay vọt lên hư không cao trăm ức trượng, hiện làm một chiếc giường báu, tự ngồi kiết già trên giường ấy.

Từ giường báu ấy rũ thòng ức trăm ngàn triệu xâu chuỗi Bảo Châu. Mỗi viên Bảo Châu trên mỗi chuỗi phóng trăm ngàn tia sáng. Mỗi tia sáng đều có hoa sen báu.

Trên tất cả hoa sen báu đều hiện có Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi tuyên thuyết pháp âm thanh tịnh đồng như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hiện thần thông xong, Ngài Đại Mục Kiền Liên trở lại trước Đức Phật Quang Minh Vương.

Chư Bồ Tát bên ấy được chưa từng có, bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Ngài Đại Mục Kiền Liên do việc gì mà đến Thế Giới Quang Minh Phan này?

Đức Phật nói với Chư Bồ Tát bên ấy: Vì muốn biết âm vang của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật xa bao nhiêu nên ông ấy bay đến đây.

Đức Phật Quang Minh Vương bảo Ngài Đại Mục Kiền Liên: Ông chẳng nên thử âm vang của Đức Như Lai chí chân. Âm vang của Như Lai vô hạn, không có xa gần, mà ông muốn biết chừng hạn thì rất lầm.

Dầu cho ông có dùng thần túc đi qua phương Tây mãi không ngừng quá hằng ha sa kiếp, cũng chẳng biết được chừng hạn âm vang của Như Lai. Âm vang của Chư Phật Thế Tôn rộng xa vô hạn, siêu tuyệt vô lượng chẳng gì ví dụ được.

Ngài Đại Mục Kiền Liên sụp lạy sám hối rằng: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy, tôi thiệt kém sáng suốt. Âm thanh của Phật vô lượng, mà tôi lại ngang bướng sanh lòng muốn biết chừng hạn xa gần.

Đức Phật Quang Minh Vương bảo Ngài Đại Mục Kiền Liên: Ông đi quá xa, vượt qua khỏi chín mươi chín hằng hà sa Thế Giới mà đến cõi này.

Ngài Đại Mục Kiền Liên bạch: Bạch Đức Thế Tôn! Rất xa rất xa. Nay thân tôi quá nhọc mệt chẳng thể trở về được.

Đức Phật nói: Ý ông nghĩ thế nào, phải chăng ông tự dùng thần lực mà đến được đây?

Ông chớ quan niệm như vậy. Phải biết đó là do oai đức của Phật Thích Ca Mâu Ni nên ông mới có thể đến đây được. Ông phải vội đảnh lễ Phật Thích Ca Mâu Ni, oai thần của Đức Phật ấy sẽ đem ông về đến Bổn Quốc.

Giả sử ông tự dùng thần lực, dầu đi suốt một kiếp cũng về không đến. Lúc ông về đến sẽ không kịp thấy Thích Ca Mâu Ni Phật nhập diệt.

Ông nghĩ thế nào, ông có biết phải từ hướng nào để trở về chăng?

Bổn Quốc Ta Bà ở hướng nào chăng?

Ngài Đại Mục Kiền Liên thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi quên mất phương hướng, thiệt chẳng biết Bổn Quốc ở chỗ nào, ở hướng nào?

Đức Phật dạy: Đức Thích Ca Mâu Ni Phật ở về hướng Đông.

Liền lúc ấy, Ngài Đại Mục Kiền Liên hướng về phương Đông, vội kính lễ Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, rồi quỳ chắp tay nói kệ rằng:

Đấng Tôn quý của Trời người

Oai đức vòi vọi rất lớn

Trời và người đều cung kính

Xin rủ lòng thương xót tôi.

Âm vang Phật suốt vô lượng

Trí huệ Phật không ngằn mé

Xin hiển hiện cõi Ta Bà

Tôi muốn về đến Bổn Quốc.

Lúc ấy tại núi Linh Thứu, các Ngài Xá Lợi Phất v.v... nghe tiếng xướng kệ của Ngài Đại Mục Kiền Liên đều rất ngạc nhiên.

Ngài A Nan bước lên bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Ai tuyên kệ quy lễ Đức Thế Tôn như vậy?

Đức Phật nói: Này A Nan! Đó là Đại Mục Kiền Liên ở tại Thế Giới Quang Minh Phan của Đức Phật Quang Minh Vương Như Lai chí chân cách cõi này chín mươi chín hằng hà sa Thế Giới về phương Tây. Ông ấy muốn trở về đây nên tuyên kệ kính lễ.

Ngài A Nan lại hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Duyên cớ gì mà Ngài Đại Mục Kiền Liên đến Thế Giới Quang Minh Phan ấy?

Đức Phật nói: Này A Nan! Chờ Đại Mục Kiền Liên về tới, ông sẽ hỏi ý ấy.

Đại chúng đều bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tôi muốn được thấy Thế Giới Quang Minh Phan và Đức Quang Minh Vương Như Lai chí chân đẳng chánh giác. Cũng muốn được thấy Ngài Đại Mục Kiền Liên đi nơi cõi ấy.

Đức Phật biết lòng khao khát của chúng hội, liền từ tướng bạch hào giữa chặng mày phóng ra tia sáng lớn tên câu thọ, chiếu suốt qua chín mươi chín hằng hà sa Thế Giới đến cõi Quang Minh Phan. Chúng hội đều thấy Thế Giới Quang Minh Phan và Đức Quang Minh Vương Như Lai chí chân.

Ngài Đại Mục Kiền Liên thấy tia sáng của Đức Phật liền gieo mình kính lễ. Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni nói bảo Ngài Đại Mục Kiền Liên nương tia sáng ấy để trở về Bổn Quốc.

Ngài Đại Mục Kiền Liên nương theo tia sáng của Đức Phật, trong khoảnh khắc về đến núi Linh Thứu, đảnh lễ chân Đức Phật, đi quanh bảy vòng, quỳ chắp tay ăn năn tự trách:

Bạch Đức Thế Tôn! Tôi tư mê lầm. Âm vang của Đức Như Lai chẳng thể hạn lượng mà tôi lại muốn thử. Tôi đi mãi quá xa. Đến đâu cũng vẫn nghe âm thanh của Đức Như Lai y như ở gần bên như nhau không khác.

Âm vang của Đức Như Lai thiệt là vòi vọt không ngằn mé.

Đức Phật nói: Đúng như lời ông nói. Thanh âm của Đức Như Lai suốt đến xa không lấy gì ví dụ được. Muốn biết thanh âm của Đức Như Lai vang đến xa gần, cũng như là do hư không muốn biết ngằn mé. Như hư không cùng khắp vô biên, tiếng nói của Đức Như Lai vang suốt không ngằn mé.

Thưa Ngài Tịch Ý! Đương lúc nói phẩm Đại Mục Kiền Liên đi và về, ở trong Pháp Hội ấy có một vạn người phát tâm vô thượng bồ đề. Đây là ngôn từ bí mật của Đức Như Lai.

Thưa Ngài Tịch Ý! Ngài nghĩ thế nào?

Tâm niệm của tất cả chúng sanh có thể biết được chăng?

Ngài Tịch Ý Bồ Tát nói: Tâm niệm của một người, tư tưởng khó hạn đinh. Giả sử tất cả chúng sanh trong tam thiên đại thiên Thế Giới suốt cả một kiếp cùng tính đếm nhiều ít cũng chẳng biết được.

Huống là tâm niệm tư tưởng của tất cả chúng sanh!

Thưa Ngài Tịch Ý! Tâm tưởng của tất cả chúng sanh vô hạn ngần ấy, huống lại tâm tánh của chúng sanh không có hình tướng chẳng thể ví dụ được.

Khi ấy Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói kệ rằng:

Chúng sanh Cõi Đại Thiên

Đều khiến thành Duyên Giác

Một người trong một kiếp

Tâm niệm chẳng biết được.

Tất cả tâm tưởng niệm

Đức Phật biết rõ cả

Phật dùng tâm vô tưởng

Đều biết tất cả niệm.

Tùy chúng sanh tưởng niệm

Phật tuyên giảng Kinh Điển

Thanh âm ấy tại tâm

Mà diễn nên đạo pháp.

Như tất cả chúng sanh

Nghĩ tưởng các danh sắc

Một chân lông của Phật

Phóng quang minh cũng vậy.

Như danh sắc và tâm niệm

Của tất cả chúng sanh

Thanh âm của Phật diễn

Hơn số tưởng của chúng.

Phật ban tuyên tất cả

Dẫn dụ kể tưởng niệm

Tiếng kia chẳng thôi nghỉ

Lời Phật không hạn mé.

Ai có thể mến lời

Không sắc nói không nói,

Không sắc không có nói

Tiêu diệt không sắc trần.

Giả sử trần không sắc

Tất cả chẳng thể được

Do vì không sắc trần

Rốt ráo chẳng thể được.

Dầu nói nhưng chẳng thiệt

Không trong cũng không ngoài

Trần lao đồng hư không

Nên gọi không trong ngoài

Lời nói chẳng thể được

Phật nói suốt mười phương

Trần lao cũng vô hạn

Đây kiến lập nơi chỗ.

Lời nói thượng trung hạ

Của tất cả chúng sanh

Không thân khẩu ý nghiệp

Chẳng bỏ cũng chẳng lấy.

Dường như xướng kỹ kia

Âm nhạc của Chư Thiên

Cũng không thân khẩu nghiệp

Mà âm thanh hòa khắp.

Tâm chúng sanh cũng vậy

Vốn thanh tịnh như thế

Phật đều ban lời dạy

Tâm Phật không tưởng niệm.

Ví như vang theo tiếng

Không trong cũng không ngoài.

Lời Phật nói cũng vậy

Không trong cũng không ngoài.

Vô niệm như diệu bảo

Lời Phật đẹp chúng sanh

Lời Phật không vọng tưởng

Lợi ích cho muôn loài.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói với Tịch Ý Bồ Tát rằng: Đó là khẩu ngôn bí yếu của Đức Như Lai. Lại khẩu bí yếu của Đức Như Lai, tùy theo âm thanh ấy mà vì chúng sanh thuyết pháp khai hóa.

Cõi Dại Thiên này giả sử có bao nhiêu loài, Đức Như Lai chí chân tuyên bố dạy dỗ, theo tiếng nói của họ, dùng những danh hiệu chẳng kể hết chí thành giáo hóa. Đây gọi là khổ tập diệt đạo. Gọi là Địa Thần ủng hộ.

Tâm Phật kiên cố, bổn ý ở nơi đây.

Thần Chú rằng:

A bì a bà mâu lê, gia hà ha na di, kha ca ưu đầu. 

Thần Chú này hộ trì tất cả, thế nên gọi là khổ tập diệt đạo.

Trong Hư Không, tất cả Chư Thiên đều khen lời nói ấy, đồng tuyên chú rằng:

Hượt tri, a hượt tri, a hượt tra ca di, a hòa ni nê lê.

Thần Chú này cứu hộ tất cả, thế nên gọi là khổ tập diệt đạo.

Chư Thiên ở Trời Tứ Vương lại nói Chú rằng:

Y nê di nê, đa bế đa đa bế, duy lô.

Thần Chú này cứu tất cả chúng sanh, thế nên gọi là khổ tập diệt đạo pháp.

Chư Thiên ở Trời Đao Lợi nói Chú rằng:

Kỳ hồi chuyển, quán tập, chủ diệt tận, vi tận bất tương cử yếu.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Thiên ở Trời Dạ Ma nói Chú rằng:

Thủ lê đạo la tư, hòa lê đạo la tê tuy tà, đạo tê tuy tà bị hòa ni.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Thiên Trời Đâu Suất nói Chú rằng:

Độc phạm diện xúc, hồi chuyển tích súc nghiệp.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Thiên ở Trời Hóa Lạc nói Chú rằng:

Sở độ câu sở độ, hộ sở độ, chủ độ nữ.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Thiên ở Trời Tha Hóa Tự Tại nói Chú rằng:

A hô sự nghiệp hô, hòa nê di, a la ni hàm.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Phạm Thiên nói Chú rằng:

Hữu sự nghiệp, sự nghiệp chủng, nhân duyên thọ dĩ nhân duyên độ.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Thiên Phạm Thân nói Chú rằng:

Thanh minh, tạo thanh tịnh, thanh tịnh phong, động thanh tịnh.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Thiên Phạm Mãn nói Chú rằng:

Vô cực để, câu tương khứ, đạo ngự chủ, niệm kiên yếu.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Thiên Phạm Độ nói Chú rằng:

Hòa na hòa na tán đề, hòa na ha ha na, hòa na câu ma na.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Thiên Đại Phạm nói Chú rằng:

Mộc mật, mộc mật tiên bỉ diệc tiên, ấn thị.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Thiền Quang Diệu nói Chú rằng:

Y hài hài, tương hài khứ thân cận.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Thiên Thiểu Quang nói Chú rằng:

Thị thủ khứ, bất tương khứ, bất sử khứ, vô sở chí.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Thiên Vô Lượng Quang nói Chú rằng:

Quán tập, câu cung tập tập diệt tận, tập vô lượng.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Thiên Quang Âm nói Chú rằng:

Dĩ đoạn chung, tự tại đoạn thuận tùng hòa, thường thanh tịnh.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Thiên Ước Tịnh nói Chú rằng:

Sở chí thu, sở khả quy, cận sở đáo, dĩ cận sở đáo.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Thiên Thiểu Tịnh nói Chú rằng:

Thanh tịnh, thanh tịnh thị, tịnh phục tịnh, quy thanh tịnh.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Thiên Vô Lượng Tịnh nói Chú rằng:

Vô ngã thị, vô ngô ngã thị, phi cống cao quy tự đại.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Thiên Tịnh Nan Đệ nói Chú rằng:

Giải thoát dĩ độ, tích giải độ, bổn cận giải.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

Chư Thiên Quảng Quả, Chư Thiên Ngự Từ nói Chú rằng:

Dĩ vô tác, vô sở tác, trừ sở tác, sở tác cứu cánh.

Thần Chú này cứu hộ tất cả.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần