Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Thập Hồi Hướng - Phần Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI PHƯƠNG
QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẨM HAI MƯƠI NĂM
PHẨM THẬP HỒI HƯỚNG
PHẦN TÁM
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát lúc tu hành những căn lành như vậy, đối với chúng sanh ác không hề nhàm bỏ. Dầu cho tất cả chúng sanh khắp thế gian đều không biết ơn, Bồ Tát không hề có một niệm hờn ghét, cũng không mảy may cầu báo đáp, mà chỉ muốn trừ diệt vô lượng sự khổ não cho họ.
Ðối với thế gian, lòng Bồ Tát như hư không, chẳng chút nhiễm trước. Bồ Tát quan sát tướng chân thật của các pháp, phát thệ nguyện lớn cứu khổ chúng sanh, trọn chẳng nhàm bỏ chí nguyện đại thừa, dứt tất cả kiến chấp, tu tập các hạnh nguyện bình đẳng của Bồ Tát.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát quán sát như thế rồi, nhiếp các căn lành đều đem hồi hướng như vậy:
Nguyện tất cả chúng sanh luôn luôn sanh thêm vô lượng pháp lành, trọn nên tâm vô thượng.
Nguyện tất cả chúng sanh được pháp bất động, thấy Chư Phật đều hoan hỷ.
Nguyện tất cả chúng sanh vui thích vườn pháp, được thấy vườn diệu lạc của Phật.
Nguyện tất cả chúng sanh được tâm tịnh diệu, thường thấy vườn rừng thần thông của Phật.
Nguyện tất cả chúng sanh được sự vui của Phật, thường khéo đi trong cảnh giới trí huệ.
Nguyện tất cả chúng sanh được sự vui thần thông, đến khắp cả Đạo Tràng Pháp Hội trong vô lượng cõi.
Nguyện tất cả chúng sanh thành tựu thần thông giải thoát của Bồ Tát, cùng tận kiếp vị lai thật hành hạnh Bồ Tát không hề biết nhọc.
Nguyện tất cả chúng sanh thấy Chư Phật đấy khắp pháp giới, phát tâm rộng lớn ở vườn rừng của Phật.
Nguyện tất cả chúng sanh đều đến được khắp các Cõi Phật và cúng dường khắp tất cả Phật.
Nguyện tất cả chúng sanh được tâm nguyện lành, trang nghiêm thanh tịnh tất cả Cõi Phật.
Trên đây là Đại Bồ Tát lúc bố thí vườn rừng đình đài đem căn lành hồi hướng, vì muốn tất cả chúng sanh được thấy Chư Phật, được đi trong vườn rừng của Phật.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát mở trăm ngàn ức na do tha vô lượng vô số hội bố thí rộng lớn, tất cả đều thanh tịnh, Chư Phật đều ấn khả, trọn không tổn não đến một chúng sanh, làm cho khắp mọi loài xa lìa các điều ác, ba nghiệp thanh tịnh, trọn nên trí huệ, sắp bày trăm ngàn ức na do tha vô lượng vô số cảnh giới thanh tịnh, chứa nhóm trăm ngàn ức na do tha vô lượng.
Vô số đồ dùng tốt đẹp, phát tâm bồ đề vô thượng, bố thí không giới hạn, làm cho tất cả chúng sanh an trụ nơi đạo thanh tịnh, tất cả đều lành, đều có lòng tin hiểu thanh tịnh.
Tùy theo chổ sở thích của trăm ngàn ức vô lượng chúng sanh mà làm cho họ đều hoan hỷ, dùng lòng đại bi cứu hộ tất cả, cúng dường phụng thờ Tam Thế Chư Phật.
Vì muốn thành tựu tất cả Phật chủng nên Bồ Tát tu hành công hạnh bố thí không hề hối tiếc, thêm lớn lòng tin, trọn vẹn hạnh lớn, luôn luôn tiến đến Ðàn Ba la mật.
Bấy giờ Đại Bồ Tát đem căn lành hồi hướng như vậy:
Nguyện tất cả chúng sanh phát tâm đại thừa đều được thành tựu hạnh bố thí rộng lớn.
Nguyện tất cả chúng sanh đều có thể mở hội bố thí lớn, bố thí tất cả, bố thí lành, bố thí hơn hết, bố thí vô thượng, bố thí vượt trên thế gian, bố thí được tất cả Chư Phật ngợi khen.
Nguyện tất cả chúng sanh làm thí chủ đệ nhất, hết lòng cứu khổ cho chúng sanh trong ác đạo đều khiến họ được vào trí huệ vô ngại, tu nguyện bình đẳng, tu thiện căn như thật, được trí vô sai biệt, chứng tự cảnh trí.
Nguyện tất cả chúng sanh an trụ trong trí tịch tịnh của các môn thiền định, vào đạo bất tử, trọn nên tất cả trí huệ thần thông, dũng mãnh tinh tiến, chứng đủ các bậc, trang nghiêm Phật Pháp, đến bờ đại giác trọn không thối chuyển.
Nguyện tất cả chúng sanh lập hội bố thí lớn, chẳng nhàm chẳng biết nhọc, cứu giúp chúng sanh không ngừng ngớt, đến rốt ráo chủng trí vô thượng.
Nguyện tất cả chúng sanh luôn siêng gieo trồng tất cả căn lành nhẫn đến vô lượng công đức vô thượng.
Nguyện tất cả chúng sanh thường được Chư Phật khen ngợi làm đại thí chủ cho thế gian, đầy đủ công đức ban bố sự vui vô thượng khắp Thập phương pháp giới.
Nguyện tất cả chúng sanh lập hội bố thí lớn, chứa nhiều căn lành, bồ đề dìu dắt mọi loài đến bờ vô thượng giác.
Nguyện tất cả chúng sanh thành hạnh bố thí hơn hết, làm cho khắp mọi loài đều an trụ nơi nhất thừa.
Nguyện tất cả chúng sanh bố thí đúng thời, xa hẳn sự bố thí trái thời.
Nguyện tất cả chúng sanh thành tựu sự bố thí lành nhẫn đến sự bố thí viên mãn rốt ráo của Phật.
Nguyện tất cả chúng sanh thường thật hành sự bố thí trang nghiêm rộng lớn rốt ráo, lấy Chư Phật làm thầy và luôn gần gũi cúng dường.
Nguyện tất cả chúng sanh bố thí thanh tịnh, chứa vô lượng phước đức khắp pháp giới đến bờ Chánh Giác.
Nguyện tất cả chúng sanh làm bậc đại thí chủ của thế gian, thệ độ mọi loài đến quả địa Như Lai.
Trên đây là Đại Bồ Tát lập hội bố thí lớn đem căn lành hồi hướng, vì muốn cho tất cả chúng sanh thật hành sự bố thí vô thượng, sự bố thí rốt ráo của Phật, sự bố thí trọn lành, sự bố thí bất hoại, sự bố thí vì cúng dường Phật, sự bố thí không xen hờn giận.
Sự bố thí cứu khổ mọi loài, sự bố thí trọn nên nhất thiết trí, sự bố thí thường thấy Chư Phật, sự bố thí tinh tấn trọn lành, sự bố thí rộng lớn trọn nên công đức của Bồ Tát và trí huệ của Phật.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát bố thí tất cả vật dụng không chút hối tiếc, chẳng mong đền đáp, chẳng cầu quả báo, không hề mong được sự giàu vui ở đời, rời tâm vọng tưởng, khéo suy gẫm chánh pháp.
Chỉ vì muốn lợi ích tất cả chúng sanh, xét kỹ thật tánh của tất cả pháp, tùy theo mọi loài chúng sanh sai khác, chỗ cần chỗ muốn đều khác nhau mà sắm sửa vô lượng vật dụng, tất cả đều bền chắc tốt đẹp, rồi thật hành hạnh bố thí vô biên, bố thí tất cả, bố thí trong thân ngoài của.
Lúc bố thí như thế, Bồ Tát thêm lớn chí nguyện, được công đức lớn, thấy bổn tâm, có thể thường gia hộ cho tất cả chúng sanh đều làm cho họ phát sanh chí nguyện thù thắng.
Bồ Tát trọn không có một niệm cầu đền đáp, do đây thiện căn của Bồ Tát này được đồng với Chư Phật, đều để viên mãn nhất thiết chủng trí.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát đem tất cả căn lành bố thí trên đây hồi hướng như vậy:
Nguyện tất cả chúng sanh được điều phục thanh tịnh.
Nguyện tất cả chúng sanh dứt trừ phiền não nghiêm tịnh tất cả Cõi Phật.
Nguyện tất cả chúng sanh do tâm thanh tịnh nơi khoảng một niệm đi khắp pháp giới.
Nguyện tất cả chúng sanh có trí huệ khắp cả hư không pháp giới.
Nguyện tất cả chúng sanh được nhất thiết trí điều phục chúng sanh khắp cả ba đời, trong tất cả thời gian luôn chuyển pháp luân thanh tịnh bất thối.
Nguyện tất cả chúng sanh đủ nhất thiết trí, có thể khéo thị hiện thần thông phương tiện làm lợi ích chúng sanh.
Nguyện tất cả chúng sanh đều có thể tỏ ngộ vào trí huệ Phật, cùng tận kiếp vị lai thường nói chánh pháp khắp thập phương Thế Giới không thôi nghỉ, cho mọi loài đều được nghe biết.
Nguyện tất cả chúng sanh trong vô lượng kiếp tu hạnh Bồ Tát đều được viên mãn.
Nguyện tất cả chúng sanh tu hạnh Bồ Tát khắp trong tất cả Thế Giới ở mười phương.
Nguyện tất cả chúng sanh trong mỗi niệm luôn thật hành sự nghiệp của Tam Thế Chư Phật, giáo hóa mọi loài thẳng đến nhất thiết trí.
Chư Phật Tử! Tùy theo chỗ cần dùng của chúng sanh, đem vô số vật dụng đẹp tốt cung cấp cho họ. Như thế là vì Đại Bồ Tát muốn Phật Pháp được nối luôn không dứt, vì lòng đại bi cứu khổ tất cả mọi loài, vì lòng đại từ tu hạnh đại thừa, không hề trái lời Phật dạy, dùng phương tiện khéo tu những hạnh lành, chẳng dứt chủng tánh của Chư Phật, tùy theo chỗ cầu xin của người mà cấp cho không hề nhàm, xả thí tất cả không hề tiếc, luôn luôn hướng về nhất thiết trí.
Bấy giờ các Quốc Độ ở mười phương, có vô số loài chúng sanh cùng vô số phước điền đều hội đến chỗ Bồ Tát mà cầu xin. Lòng Bồ Tát rất vui mừng đều nhiếp thọ tất cả, xem họ như bạn lành, lòng đại bi xả thí mạnh mẽ không chút mỏi nhàm, tùy theo chỗ cầu xin của mỗi người mà cung cấp đầy đủ, cho họ hết thiếu thốn.
Những người đến xin đều rất hài lòng, hết sức truyền tụng tán dương Đức Hạnh của Bồ Tát. Thấy họ vui sướng, lòng Bồ Tát cũng hoan hỷ vô lượng.
Ðem sự hỷ lạc trong trăm ngàn ức na do tha kiếp của Trời Ðế Thích, sự hỷ lạc trong vô số kiếp của Trời Dạ Ma, trong vô lượng kiếp của Trời Ðâu Suất, trong vô biên kiếp của Trời Biến Hóa, trong vô đẳng kiếp của Trời Tha Hóa, trong bất khả sổ kiếp của Trời Phạm Vương.
Trong bất khả kiếp của Chuyển Luân Vương, trong bất khả tư kiếp của Trời Biến Tịnh, sự diệu lạc trong bất khả thuyết kiếp của Trời Tịnh Cư, so sánh cũng không bằng lòng hoan hỷ của Đại Bồ Tát lúc thấy người đến cầu xin.
Do đây Đại Bồ Tát được thêm lớn đức tin, chí nguyện thanh tịnh, sáu căn điều thuận, đầy đủ tín giải nhẫn đến tăng tấn Phật trí.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát đem căn lành này hồi hướng, muốn cho tất cả chúng sanh được lợi ích, tất cả chúng sanh được an lạc, tất cả chúng sanh được lợi lớn, tất cả chúng sanh được thanh tịnh, tất cả chúng sanh đều cầu Phật đạo, tất cả chúng sanh đều được bình đẳng.
Tất cả chúng sanh đều được lòng hiền lành, tất cả chúng sanh đều vào đại thừa, tất cả chúng sanh đều được trí huệ lành, tất cả chúng sanh đều trọn đủ Hạnh Nguyện Phổ Hiền, viên mãn mười trí lực, hiện thành Chánh Giác.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát lúc đem căn lành trên đây hồi hướng như thế, thời thân, ngữ, ý, ba nghiệp đều giải thoát cả: Không dính mắc, không buộc ràng, không chúng sanh tưởng, không mạng giả tưởng, không ngã tưởng, không nhân tưởng.
Không đồng tử tưởng, không sanh giả tưởng, không tác giả tưởng, không thọ giả tưởng, không hữu tưởng, không vô tưởng, không tưởng đời này đời sau, không tưởng chết đây sanh kia, không tưởng thường, không tưởng vô thường, không tưởng có ba cõi, không tưởng không ba cõi, chẳng phải tưởng, không phải chẳng phải tưởng.
Như thế là hồi hướng không hệ phược, hồi hướng không hệ phược giải thoát, hồi hướng chẳng phải nghiệp, hồi hướng chẳng phải nghiệp báo, hồi hướng chẳng phải phân biệt, hồi hướng chẳng phải vô phân biệt, hồi hướng chẳng phải đã tư duy, hồi hướng chẳng phải tâm, hồi hướng chẳng phải vô tâm.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát lúc hồi hướng như thế không chấp trong chấp ngoài, không chấp năng duyên, không chấp sở duyên, chẳng chấp nhân, chẳng chấp quả, chẳng chấp pháp, chẳng chấp phi pháp, chẳng chấp tu duy, không chấp chẳng tư duy, chẳng chấp sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng chấp sắc, thọ, tưởng, hành, thức diệt.
Chư Phật Tử! Đại Bồ Tát nếu không chấp trước các pháp, thời không hệ phược nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không hệ phược sắc, thọ, tưởng, hành, thức sanh, không hệ phược sắc, thọ, tưởng, hành, thức diệt. Nếu có thể không hệ phược với các pháp, thời đối với các pháp cũng không giải thoát. Bởi vì không có chút pháp nào là hiện sanh, đã sanh, sẽ sanh. Không có pháp nào có thể lấy, có thể chấp.
Tất cả các pháp: Tự tướng nó là như vậy. Nó không có tự tánh, tự tánh nó vốn rời lìa. Nó chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải nhiều, chẳng phải vô lượng, chẳng phải nhỏ, chẳng phải lớn, chẳng phải hẹp, chẳng phải rộng, chẳng phải sâu, chẳng phải cạn, chẳng phải rộn ràng, chẳng phải tịch tịnh, không phải xứ, không phải Phi Xứ, không phải pháp, không phải phi pháp, không phải thể, không phải chẳng phải thể, chẳng phải có, chẳng phải không có.
Bồ Tát quan sát các pháp là chẳng phải pháp, trong lời nói, thuận theo thế gian, kiến lập chẳng phải pháp làm pháp, chẳng dứt các nghiệp đạo, chẳng bỏ hạnh Bồ Tát, cầu nhất thiết trí trọn không thối chuyển, rõ biết tất cả nghiệp duyên như giấc mơ, tất cả âm thanh như vang.
Tất cả chúng sanh như bóng, tất cả pháp như ảo, nhưng cũng chẳng hoại nhân duyên nghiệp lực, rõ biết các nghiệp lực công dụng nó rộng lớn, hiểu thấu tất cả pháp đều không sở tác, thật hành đạo vô tác chưa bao giờ tạm bỏ.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát này trụ nhất thiết trí, hoặc xứ hay Phi Xứ thảy đều hoan hỷ nhất thiết trí, nơi tất cả chỗ đều hồi hướng không thối chuyển.
Do nghĩa gì gọi là hồi hướng?
Vì vĩnh viễn độ thế gian đến bờ giác, vì thoát khỏi năm uẩn đến bờ giác, vì vượt qua ngôn ngữ đến bờ giác, vì xa lìa các vọng tưởng đến bờ giác, vì dứt hẳn thân kiến đến bờ giác, vì lìa hẳn chỗ sở y đến bờ giác, vì tuyệt hẳn sở tác đến bờ giác, vì ra khỏi hẳn các cõi đến bờ giác, vì bỏ hẳn các sự chấp lấy đến bờ giác, vì thoát hẳn thế pháp đến bờ giác. Vì những điều trên đây mà gọi là hồi hướng.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát lúc hồi hướng như thế thời là thuận theo Phật mà trụ, thuận theo pháp mà trụ, thuận theo trí mà trụ, thuận theo Bồ Đề mà trụ, thuận theo nghĩa mà trụ, thuận theo hồi hướng mà trụ, thuận theo cảnh giới mà trụ, thuận theo hạnh mà trụ, thuận theo chân thật mà trụ, thuận theo thanh tịnh mà trụ.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát hồi hướng như thế thời là liễu đạt tất cả các pháp, thời là trọn vẹn thừa phụng tất cả Chư Phật, không có một Ðức Phật nào mà chẳng thừa phụng, không có một pháp nào mà chẳng cúng dường, không có một pháp nào mà có thể hoại diệt được, không có một pháp nào mà có thể chống trái được.
Không có một vật nào mà có thể tham trước, không có một pháp nào mà có thể nhàm lìa, với tất cả pháp trong, pháp ngoài không thấy có một chút diệt hoại trái với luật nhân duyên. Bồ Tát này đầy đủ pháp lực không hề thôi ngớt.
Chư Phật Tử! Ðây là bậc Đại Bồ Tát tùy thuận kiên cố nhất thiết thiện căn hồi hướng thứ sáu. Lúc Đại Bồ Tát an trụ nơi bậc hồi hướng này thời thường được Chư Phật hộ niệm nên được kiên cố bất thối, nhập pháp tánh tu nhất thiết trí, tùy thuận pháp nghĩa, tùy thuận pháp tánh, tùy thuận kiên cố tất cả căn lành, tùy thuận tất cả đại nguyện viên mãn, tùy thuận đầy đủ pháp kiên cố, tất cả như Kim Cang không gì phá hoại được, được tự tại với tất cả pháp.
Bấy giờ Kim Cang Tràng Bồ Tát quán sát mười phương, quán sát đại chúng và quán sát pháp giới xong liền nhập nơi nghĩa thậm thâm của tự cú, tu tập tâm vô lượng rộng lớn, đem lòng đại bi bao trùm thế gian, thêm lớn tánh Phật chủng quá khứ, hiện tại và vị lai, vào nơi công đức của tất cả Phật, thành tựu thần lực tự tại của Chư Phật.
Bồ Tát quán sát tâm sở thích của chúng sanh, thuận theo căn lành đáng được thành thục của họ, rồi y cứ nơi pháp tánh thân mà vì họ hiện sắc thân, nương thần lực của Ðức Phật nói kệ rằng:
Bồ Tát hiện thân làm Quốc Vương
Là ngôi cao nhất ở thế gian
Oai quyền phước đức hơn tất cả
Ðể làm lợi ích khắp quần sanh.
Lòng Ngài thanh tịnh không nhiễm trước
Tự tại trong đời đều tuân kính
Hoằng tuyên chánh pháp để dạy người
Cho khắp nhân dân được an ổn.
Hiện sanh dòng sang lên ngôi vua
Thường theo Phật Giáo chuyển pháp luân
Bẩm tánh nhân từ không bạo ngược
Mọi người kính mến tuân lời dạy.
Trí huệ phân biệt thường tỏ sáng
Dung mạo tài năng đều đầy đủ
Truyền lịnh cả nước đều tuân hành
Trừ dẹp quân ma không thừa sót
Giữ chặt tịnh giới không hề phạm
Quyết chí chịu khổ không động lay
Nguyện trọn trừ dứt lòng giận hờn
Luôn thích tu hành theo Phật Pháp.
Ðồ uống, món ăn, hương, y phục
Xe cộ, gường, nệm, ghế, bàn, đèn
Nhẫn đến vô lượng món cần dùng
Bồ Tát đều thí cho tất cả.
Vì lợi chúng sanh mà bố thí
Cho họ khai phát quảng đại tâm
Nhẫn đến Thế Tôn cùng Chư Thánh
Lòng đều thanh tịnh rất hoan hỷ.
Bồ Tát cung cấp khắp mọi loài
Sở hữu trong ngoài đều bố thí
Lòng luôn bền vững không động lay
Chẳng hề tạm thời sanh hối tiếc.
Bồ Tát thí đầu hoặc cho mắt
Hoặc thí cánh tay hoặc thí chân
Thịt, da, xương, tủy tất cả vật
Ðều vui bố thí lòng không tiếc.
Bồ Tát hiện thân ở ngôi vua
Dòng họ giàu mạnh hơn mọi người
Dầu là cắt lưỡi cho người xin
Lòng vẫn vui mừng không luyến tiếc.
Công đức thí lưỡi của Bồ Tát
Hồi hướng cho tất cả mọi loài
Nguyện họ nương nhờ công đức này
Ðều được tướng lưỡi Phật dài rộng.
Hoặc thí ngôi vua và vợ con
Hoặc xả thân mình làm tôi tớ
Trong lòng hoan hỷ luôn thanh tịnh
Bồ Tát như vậy không hối tiếc.
Tùy người sở thích đều thí cho
Cung cấp đúng thời không mỏi nhọc
Tất cả sở hữu đều phân chia
Mọi người đến xin đều đầy đủ.
Vì nghe pháp, Bồ Tát xả thân
Tu những hạnh khổ cầu Phật Đạo
Lại vì chúng sanh bỏ tất cả
Cầu vô thượng giác không thối chuyển.
Vì nghe chánh pháp nơi chỗ Phật
Bồ Tát xả thân làm thị giả
Vì muốn cứu khổ khắp quần sanh
Lòng thêm hoan hỷ vô biên lượng.
Bồ Tát thấy Phật Đại Ðạo Sư
Từ tâm rộng lớn, cứu độ lớn
Do đây hớn hở lòng vui mừng
Nghe lảnh pháp vị sâu của Phật.
Bao nhiêu căn lành Bồ Tát có
Ðều hồi hướng cả cho chúng sanh
Cứu độ tất cả không sót thừa
Cho giải thoát hẳn luôn an lạc
Bao nhiêu quyến thuộc của Bồ Tát
Dung mạo đẹp xinh trí thông minh
Y phục, hương thơm cùng vàng ngọc
Các thứ trang sức đều đẹp đủ,
Quyến thuộc sang quý như thế này
Bồ Tát có thể bố thí cả
Chuyên cầu thành Phật Độ quần sanh
Lòng thí cầu này không tạm bỏ.
Bồ Tát suy gẫm tất cả pháp
Thật hành đầy đủ hạnh rộng lớn
Ðều đem hồi hướng khắp chúng sanh
Chẳng có mảy may lòng chấp trước.
Bồ Tát xả thí ngôi Quốc Vương
Nhẫn đến thành ấp cùng cả nước
Cung điện, đền đài và vườn rừng
Tôi đòi, thị vệ đều không tiếc.
Bồ Tát từ lâu vô lượng kiếp
Ði khắp mọi nơi làm bố thí
Nhân đó giáo hóa khắp mọi loài
Ðều khiến vượt lên vô thượng giác
Chúng sanh phẩm loại nhiều vô lượng
Mười phương họp đến đông vô số
Bồ Tát xem thấy rất vui mừng
Theo họ cần chi đều cấp đủ.
Chư Phật hồi hướng như thế nào
Bồ Tát cũng tu hạnh như thế
Thế Tôn thật hành công hạnh gì?
Bồ Tát theo học đến toàn vẹn.
Bồ Tát quán sát tất cả pháp
Ai là người vào được pháp này?
Thế nào là vào, chỗ nào vào?
Thuận theo bố thí lòng không trụ.
Bồ Tát hướng về trí thiện xảo
Bồ Tát hướng về pháp phương tiện
Bồ Tát hướng về nghĩa chân thật
Nhưng trong pháp đó vẫn không trước.
Với tất cả nghiệp không phân biệt
Cũng chẳng nhiễm trước nơi nghiệp quả
Biết tánh Bồ Đề theo duyên khởi
Bồ Tát tùy thuận nhập pháp giới.
Chẳng ở trong thân mà có nghiệp
Cũng chẳng nơi tâm mà trụ trước
Trí huệ rõ biết không nghiệp tánh
Vì do nhân duyên, nghiệp chẳng mất.
Lòng chẳng vọng chấp pháp quá khứ
Cũng chẳng tham lấy pháp vị lai
Chẳng thấy hiện tại có pháp trụ
Rõ thấu tam thế đều trống lặng
Bồ Tát thấu triệt ngằn mé sắc.
Thọ, tưởng, hành, thức cũng thấu suốt
Vượt khỏi thế gian dòng sanh tử
Tâm ý khiêm hạ luôn thanh tịn.
Quán kỹ ngũ uẩn, thập nhị xứ,
Quán thập bát giới và thân mình
Mỗi mỗi nơi đây cầu Bồ Ðề.
Thể tánh rốt ráo bất khả đắc.
Chẳng lấy tướng thường trụ của pháp
Nơi tướng đoạn diệt cũng chẳng chấp
Pháp tánh: phi hữu cũng phi vô
Nghiệp lý thuần tự trọn vô tận.
Ðối với các pháp không sở trụ
Ðối với chúng sanh và Bồ Ðề.
Mười phương Quốc Độ khắp ba đời
Cầu đó rốt ráo bất khả đắc.
Quán được các pháp đều như vậy
Thời sự hiểu biết đồng Chư Phật,
Dầu tìm tự tánh bất khả đắc
Công hạnh Bồ Tát chẳng luống uổng.
Bồ Tát biết pháp theo duyên có
Chẳng trái tất cả đạo đã tu
Khai thị giải thoát những nghiệp nhân
Vì muốn chúng sanh đều thanh tịnh.
Ðây là đạo hạnh của người trí
Là điều chỉ giáo của Như Lai
Tùy thuận tư duy vào chánh nghĩa
Tự nhiên giác ngộ thành bồ đề.
Các pháp: không sanh cũng không diệt
Cũng lại không đến và không đi
Cũng chẳng chết đây mà sanh kia
Người này giác ngộ các Phật Pháp.
Rõ thấu thật tánh của các pháp
Nhưng không phân biệt nơi pháp tánh
Biết pháp không tánh không phân biệt
Người này chứng nhập trí huệ Phật,
Pháp tánh ở khắp tất cả chỗ
Khắp cả chúng sanh và Quốc Độ
Ba đời đều khắp không sót thừa
Cũng không hình tướng có thể được.
Tất cả Chư Phật chỗ giác ngộ
Thảy đều nhiếp lấy không còn thừa
Dầu rằng diễn nói tất cả pháp
Nhưng các pháp đó đều chẳng có.
Như pháp tánh kia khắp tất cả
Bồ Tát hồi hướng cũng cùng khắp
Hồi hướng tất cả cho chúng sanh
Thường ở thế gian không thối chuyển.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Tám Mươi Mốt - Kinh Gấu Cắn, Bắn Tiên
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Bốn Mươi - Phần Hai - Chánh Kiến
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Bảy - Phẩm Bảo Tích - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi Chín - Phẩm Chăn Trâu - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Mười - Mười Pháp - Phẩm Ba - Phẩm Lớn - Phần Một - Con Sư Tử
Phật Thuyết Kinh Chư Phật Cảnh Giới Nhiếp Chân Thật - Phần Một