Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Bốn - Phẩm Buông Lung - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BỐN

PHẨM BUÔNG LUNG  

TẬP BA  

Lúc ấy vua liền ra lệnh đại xá, tất cả tù nhân đều được thả ra. Rồi vua liền ra khỏi thành, đến đón rước Đức Như Lai.

Đức Như Lai trông thấy vua Bình Sa xuống xe, đi bộ đến chỗ Như Lai, rồi đảnh lễ sát chân Ngài, vua xưng tên họ ba lần: Con là vua Bình Sa nước Ma Kiệt Đà.

Đức Thế Tôn nói: Trước đây, Ta đã biết vua nước Ma Kiệt rồi! Sau khi mời vua ngồi, Đức Phật lần lượt nói pháp, khiến một muôn hai ngàn người nước Ma Kiệt và tám muôn vị Trời đều dứt hết bụi nhơ, đạt được mắt pháp.

Cho nên nói: Người nước Ma Kiệt không buông lung, được duyên trong sạch mà sinh lên Cõi Trời.

Không dục được tiếng khen

Người trí hiểu rõ nghĩa

Không buông lung nhiều nghĩa

Được người trí thừa nhận.

Không dục được tiếng khen: Các Bậc Hiền Thánh có chánh kiến, lại được đệ tử của các Phật, Hiền Thánh khen ngợi. Hạng người này có khả năng dẹp bỏ buông lung mà sống với hạnh trong sạch. Người không buông lung đối với các pháp lành được tăng thêm công đức, đạt nhiều ích lợi lớn.

Người ở đời từ đời này cho đến đời sau, thường gặp pháp lành, gặp Hiền Thánh, nghe pháp liền được giải thoát. Ấy là nhờ không buông lung mà được tiếng khen như vậy. Bất cứ nơi nào, họ cũng là người tiếp nối dòng giống của Phật, làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian.

Cho nên nói: Không dục được tiếng khen.

Người trí hiểu rõ nghĩa: Người học rộng thì vừa biết ý nghĩa thế tục, vừa biết ý nghĩa đạo pháp.

Sao gọi là biết ý nghĩa thế tục?

Như biết cày ruộng, trồng trọt hay ra biển tìm vật báu, hoặc giỏi thư, văn từ hay tính toán lịch số, hoặc biết khắc bản in sách, cất vào kho tàng, cả đến việc làm sứ giả cho vua mang quốc thư đến các nước gần xa, hoặc giảng hòa hai bên thù nghịch để cả hai cùng sống an lạc. Các ý nghĩa thế tục như vậy mà được thành tựu đều nhờ không buông lung.

Thế nào gọi là người trí hiểu rõ ý nghĩa đạo pháp?

Ngồi thiền, tụng Kinh, làm việc giúp chúng.

Ngồi thiền là gì?

Hễ ai ngồi thiền, nhập định thì chứng được các quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, đạt được Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, Không xứ, Thức xứ, Bất dụng xứ, Hữu tưởng, Vô tưởng xứ.

Hoặc được bốn đẳng từ bi hỷ hộ, thần túc, thiên nhĩ, biết tâm người khác nghĩ gì, tự biết kiếp trước của mình, lại thấy chúng sinh chết đây sinh kia. Người không kiêu mạn thì nhập thiền định ý, chứng được các pháp này thành tựu nghĩa bậc nhất. Đó đều là nhờ không buông lung. Còn ai sống buông lung thì không bao giờ thành tựu việc gì cả.

Cho nên nói: Người ngồi thiền được nhiều công đức.

Thế nào là Tụng Kinh mà có đủ khả năng tu tập?

Các loại Khếb Kinh, Luật, A Tỳ Đàm, Tạp Tạng và các thứ Kinh Điển mà ngoại đạo dị học đọc tụng, có người thuộc hết những thứ ấy, nhưng không bỏn sẻn việc giải cho người khác hiểu. Nếu có người ngoại đạo, dị học đến hỏi thì họ có khả năng trả lời, không còn chỗ nào ngờ vực. Kẻ sống buông lung thì không thể tu tập pháp này, kẻ buông lung thì không thể thành tựu công việc.

Thế nào là làm việc giúp chúng?

Đó là người không buông lung, có khả năng khuyên bảo bốn chúng thờ phượng Tam Bảo, xây cất Chùa Tháp, xây cất giảng đường, nhà ấm cho mùa đông, nhà mát cho mùa hè, hay xây cất nhà ăn, tu bổ những nơi xuống cấp, hư hoại, rải bông, thắp nhang, rưới nước quét dọn, rải nước thơm dưới đất, cung cấp những vật dụng cần thiết cho Chúng Tăng vị lai, quá khứ, hiện tại. Người sống không buông lung thì có khả năng làm xong những công việc ấy. Trái lại, kẻ sống buông lung thì không làm được gì.

Cho nên nói: Người trí hiểu rõ nghĩa.

Không buông lung nhiều nghĩa: Người không buông lung có nhiều của cải, vật báu, giỏi về các thứ kỹ thuật ở đời. Khi bắt tay làm thì muốn trở nên người xuất chúng tiêu biểu. Họ thu thập được nhiều chân châu, xa cừ, mã não, hổ phách, thủy tinh, lưu ly, châu ma ni vô giá. Đó là những món có được của người không buông lung ở thế gian.

Còn Xuất Gia học đạo thì người không buông lung sẽ chứng quả A La Hán, được trí tuệ nhiệm mầu bậc nhất, nó giúp cho mình chứng được tam muội không nhập không, được tam muội vô nguyện nhập vô nguyện, được tam muội vô tưởng nhập vô tưởng. Đó là đạt được con đường trọng yếu đưa đến Niết Bàn, đó đều là nhờ không buông lung mà đạt được.

Cho nên nói: Không buông lung nhiều nghĩa.

Được người trí thừa nhận: Người được gọi là trí là người có lời nói không có lầm lỗi. Khi nói thường mỉm cười, không có tâm kiêu mạn. Họ có khả năng làm phát sinh các công đức nói trên.

Người không có trí tuệ thì không làm nên chuyện gì.

Cho nên nói:

Được người trí thừa nhận.

Nghĩa còn ở hiện tại

Và còn tới đời sau

Dũng sĩ giảng nói được

Đó là bậc minh trí.

Nghĩa còn ở hiện tại: Người không buông lung đối với pháp hiện tại được nhiều tài sản vật báu, hưởng phước tự nhiên, được mọi người nhớ nghĩ, lời nói được người ta nghe theo, vâng theo lời người ấy dạy bảo. Người buông lung thì không được như vậy.

Cho nên nói: Nghĩa còn ở hiện tại.

Và còn tới đời sau: Người không buông lung khi được làm người thì hay bố thí, giữ giới, tu trai, thấy ai tu hành thì vui mừng.

Lấy các pháp lành làm mùi thơm xoa cơ thể, trải trăm ngàn đời dung nhan vẫn tươi đẹp mãi.

Cho nên nói: Còn tới đời sau.

Dũng sĩ giảng nói được: Thích ứng theo lúc mà không để mất bản chất mình. Dũng sĩ chỉ cho Đức Phật và đệ tử Ngài.

Cho nên nói: Dũng sĩ giảng nói được.

Đó là bậc Minh trí: Mình có khả năng thành tựu các pháp tu, suy nghĩ chỉ rõ cho kẻ khác, là người dẫn dắt chỉ bày điều lành cho kẻ khác để dứt bỏ điều ác cho họ.

Tỳ Kheo cẩn thận, vui

Buông lung nhiều tội, lo

Tránh được nạn biển sâu

Như voi thoát bùn lầy.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Lúc ấy vua Ba Tư Nặc có một con voi dữ, qua những chiến trận đều mang về chiến thắng. Nhưng một hôm, nó uống quá nhiều rượu lún xuống bùn sâu. Một số voi lớn và hằng ngàn người kè nhau kéo lên, nhưng không nhúc nhích được nó.

Thấy vậy, có một người hiểu biết đến hỏi: Các vị đang làm việc gì thế?

Mọi người trả lời: Con voi lớn thiện chiến của Nhà vua bị sa xuống bùn sâu, với sức mạnh của mấy ngàn voi và rất đông người cùng kéo nó lên, nhưng không nhúc nhích được nó.

Người hiểu biết liền hỏi: Trước đây sức mạnh của con voi này thế nào?

Mọi người đáp: Sức chiến đấu của con voi này không có giới hạn.

Người hiểu biết bảo mọi người: Các vị hãy cho các con voi về, tôi có thể kéo nó ra khỏi bãi lầy mà không cần các con voi ấy. Rồi thì người ấy tập hợp các trống, tù và rồi đánh trống khua chiêng lên inh ỏi như đang trong trận chiến, lại cho mọi người mặc áo giáp, cầm binh khí.

Nghe trống dậy voi ngỡ là quân thù đang xâm nhập biên cương, hai bên đang giao chiến nên từ bùn sâu, voi bèn cố hết sức trườn mình lên, nhanh chóng theo quân sĩ chạy khắp bốn phía để chiến đấu.

Bấy giờ vua Ba Tư Nặc hỏi những người đứng bên cạnh: Ai đã ra sức kéo con voi ra khỏi bùn lầy như thế?

Mọi người tâu: Có một người hiểu biết ở nơi xa đến, người này đã bày mưu hay mà cứu voi thoát nạn.

Vua liền ban thưởng và cho làm quan phụ tá.

Khi ấy, có rất nhiều Tỳ Kheo tai nghe mắt thấy việc ấy, bèn nghĩ rằng: Voi thuộc loài lục súc không có trí sáng, rơi vào chỗ nằm chờ chết, nhưng khi nghe tiếng trống trận giục giã, nó từ bùn lầy liền trườn mình lên.

Nhưng mọi người chúng ta chìm trong biển sinh tử, không tránh khỏi tai nạn trong năm đường ác, đầy dẫy khổn nạn về sinh, già, bệnh, chết độc hại đáng sợ, nhưng ta lại không thể tự cứu vớt mình được. Cùng nối theo nhau, thân này chết lại chịu thân sau. Hành động theo liên với tội lỗi, trôi lăn mãi trong sáu đường, không lúc nào ra khỏi.

Từ đó các Tỳ Kheo đêm ngày tinh tấn không màng ăn uống nghỉ ngơi, gấp rút như chữa cháy trên đầu, như tránh kiếp lửa hỏa thiêu, các pháp đốt cháy kết sử, như sắt nung luyện nhiều lần mới thành đao kiếm bén. Con người cũng vậy, kết sử hết, còn lại tâm, hoát nhiên đại ngộ, chứng quả A La Hán, được sáu thần thông, tự tại sống chết.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng thiên nhãn thanh tịnh, không chút tì vết, quán sát, Ngài biết được các Tỳ Kheo ấy giữ ý chí vững bền, lòng tin không lười mỏi, cùng khuyến tấn lẫn nhau. Đức Thế Tôn cũng biết việc voi trận nọ tự trườn lên khỏi bùn lầy.

Vì muốn làm ngọn đuốc sáng lớn cho chúng sinh đời sau, cũng muốn cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, mở rộng đại giáo, xa gần đều nghe, Đức Thế Tôn bèn nói bài kệ này ở trước đại chúng:

Tỳ Kheo cẩn thận, vui

Buông lung nhiều tội, lo

Tránh được nạn biển sâu

Như voi thoát bùn lầy.

Tỳ Kheo cẩn thận, vui: Tỳ Kheo giữ hạnh, tâm không buông lung cả trong lẫn ngoài đều trong suốt, không có tì vết nhơ bẩn. Tâm chí an trụ trong vô vi, vô nhiễm, vô uế.

Cho nên nói: Tỳ Kheo cẩn thận, vui.

Buông lung nhiều tội, lo: Nguồn gốc của mọi nỗi lo sợ thường do các tội lỗi. Nước mất nhà tan cũng do tội lỗi. Nó giống như lửa, như giặc, như thuốc độc. Người buông lung thì tâm ý điên đảo sai lầm, đọa vào địa ngục, tự mình nhảy xuống vực sâu, lại xúc xiểm kẻ khác nhảy xuống vực sâu, mắc nhiều lo sợ thì không bao giờ có tâm vui vẻ.

Cho nên nói: Buông lung nhiều tội, lo.

Tránh được nạn biển sâu: Nạn biển sâu là gì?

Đó là ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục. Từ ba đường ấy, muốn tìm mảy may pháp lành cũng không thể có. Ai có năng lực nhổ mình ra khỏi thì được quả Tu Đà Hoàn. Còn muốn thoát ra khỏi nạn ngạ quỷ, súc sanh thì phải lìa các tai hoạn ở đời, không sống chung với tội ác.

Cho nên nói: Tránh được nạn biển sâu.

Như voi thoát bùn lầy: Lúc ấy con voi thiện chiến tự nghĩ: Từ trước đến nay ta được hưởng ân sủng của vua, ăn uống ngon lành. Trước, ta ăn uống rồi đã chiến đấu cho vua, không trận nào không thắng. Ngày nay nếu ta chìm trong bùn lầy này mà không tự thoát ra để chiến đấu cho vua thì tiếng tăm ta sẽ mất, lại làm cho cả nước mang nhục.

Cho nên nói:

Như voi thoát bùn lầy.

Tỳ Kheo cẩn thận, vui

Buông lung nhiều tội, lo

Phá tan hết pháp ác

Như gió thổi lá rơi.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong hang Thạch Thất, vườn cam lê, nước Ma Kiệt. Bấy giờ, có rất nhiều Tỳ Kheo ở trong chúng, đêm ngày hành đạo. Cây cối sum suê, bóng mát che dày, cả đến ban ngày cũng không nhìn thấy nhau.

Bọn trộm cướp ung dung tung hoành làm nhiều việc bạo ngược, làm cho các thầy Tỳ Kheo hành đạo phải lo sợ. Khi tiết thu sang, gió thổi lá rụng hết, nhìn thấy rõ nhau, bọn cướp phải ẩn núp.

Bấy giờ các Tỳ Kheo lại nghĩ rằng: Bởi cây lá sum suê, bóng mát che dày nên bọn giặc mới tha hồ tung hoành. Việc bên ngoài là vậy, việc bên trong cũng thế. Râu tóc răng móng, hình dung đẹp đẽ bên ngoài đậy các kết sử, gian trá, ái dục, phóng đãng. Chúng rình rập cơ hội thuận tiện cướp đoạt hết của cải pháp lành.

Đến giờ, rất đông các Tỳ Kheo ôm bát vào thành khất thực, rồi trở về Tinh Xá, trải đồ ngồi, giữ gìn tâm ý, buộc niệm trước mặt, suy nghĩ phương cách để đánh gục giặc kết sử, dần dứt bỏ mọi nhơ bẩn, ái dục Cõi Dục, ái dục Cõi Sắc, ái dục Cõi Vô Sắc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng thiên nhãn thanh tịnh, không chút tì vết, Ngài thấy các Tỳ Kheo khuyên tấn lẫn nhau với tâm tha thiết. Rồi mỗi vị tìm nơi thanh vắng suy nghĩ, tìm cách dứt bỏ ái dục cõi dục, ái dục cõi sắc, ái dục cõi vô sắc.

Khi ấy, muốn chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian và muốn làm ngọn đuốc sáng lớn cho chúng sinh đời sau, muốn mở mang đại giáo cho xa gần đều được nghe, nên Đức Phật, ở trước đại chúng nói bài kệ này:

Tỳ Kheo cẩn thận, vui

Buông lung nhiều tội, lo

Phá tan hết pháp ác

Như gió thổi lá rơi.

Kết sử dù gom nhóm nhiều nhưng bị lửa trí tuệ đốt cháy. Điều ấy không do thầy dạy mà do tự nhiên giác ngộ. Nếu kẻ hậu học mà thực hành theo pháp ấy thì đó là bậc thượng trong những người tu học. Còn nếu thọ học với thầy mà không tiến bộ thì đó là bậc hạ trong những người tu học. Như vậy, các thầy hãy cầu học theo bậc thượng, chớ học theo bậc hạ.

Tỳ Kheo cẩn thận, vui

Buông lung nhiều tội, lo

Dù kết sử trói chặt

Nhưng lửa tuệ đốt trụi.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong hang Thạch Thất, vườn cam lê, nước Ma Kiệt. Bấy giờ, có rất đông Tỳ Kheo đêm ngày hành đạo. Nơi đây cỏ cây rậm rạp, không nhìn thấy nhau. Bọn cướp tha hồ tung hoành, bạo ngược, làm cho các Tỳ Kheo hành đạo phải lo sợ. Khi tiết thu sang, gió thổi lá rụng hết. Nhìn thấy rõ nhau, bọn cướp phải ấn núp.

Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghĩ rằng: Bởi cây sum suê dày đặc nên bọn cướp mới tha hồ tung hoành. Việc bên ngoài là vậy, huống nữa là việc bên trong, tóc lông răng móng, hình dung đẹp đẽ bên ngoài che đậy của kết sử, gian trá, ái dục phóng đãng bên trong. Chúng rình rập cơ hội thuận tiện cướp đoạt hết của cải pháp lành.

Đến giờ, rất đông các Tỳ Kheo ôm bát vào thành khất thực, rồi trở về Tinh Xá, trải đồ ngồi, giữ gìn tâm ý, buộc niệm trước mặt, suy nghĩ phương cách để đánh gục giặc kết sử, dần dứt bỏ mọi nhơ bẩn, cắt dứt ái dục cõi dục, ái dục cõi sắc, ái dục cõi vô sắc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng thiên nhãn, không chút tì vết, Ngài thấy các Tỳ Kheo khuyến tấn lẫn nhau với tha tâm thiết. Rồi mỗi vị tìm nơi thanh vắng suy nghĩ tìm cách dứt bỏ ái dục cõi dục, ái dục cõi sắc, ái dục cõi vô sắc.

Khi ấy Đức Thế Tôn muốn cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian và muốn làm ngọn đuốc sáng lớn cho chúng sinh đời sau, mở mang đại giáo cho xa gần đều được nghe, nên Đức Phật, ở trước đại chúng nói bài kệ này:

Tỳ Kheo cẩn thận, vui

Buông lung nhiều tội, lo

Dù kết sử trói chặt

Nhưng lửa tuệ đốt trụi.

Giống như lửa đồng trống thiêu rụi hết cỏ rậm, không còn sót thứ gì. Việc này cũng vậy, dứt trừ kết sử cõi dục, không còn để lại chút gì.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần