Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Sáu - Pháp Hội Thiện Trụ ý Thiên Tử - Phẩm Thứ Tám - Phẩm Phá Phàm Phu Tướng
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ BA MƯƠI SÁU
PHÁP HỘI THIỆN TRỤ Ý THIÊN TỬ
PHẨM THỨ TÁM
PHẨM PHÁ PHÀM PHU TƯỚNG
Bấy giờ Thiện Trụ Ý Thiên Tử lại bạch Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: Bạch Đại Sĩ! Nay Ngài có hứa cho tôi tu phạm hạnh chăng?
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Phải, này Thiên Tử! Nếu nay Ngài có thể chẳng nghĩ tác cầu chẳng suy tiến xu thì tôi sẽ hứa cho Ngài tu phạm hạnh.
Bạch Đại Sĩ! Ngài nói như vậy là có nghĩa gì?
Này Thiên Tử! Nếu có vi tác có thể gọi phạm hạnh, nếu không vi tác thì có gì gọi là phạm hạnh. Lại nếu có thấy được có thể gọi là phạm hạnh, nếu không thấy được thì có gì gọi là phạm hạnh.
Bạch Đại Sĩ! Nay lẽ nào Ngài không phạm hạnh ư!
Này Thiên Tử! Đúng như vậy, tôi không phạm hạnh.
Tại sao?
Vì xét về phạm hạnh thì chẳng phải phạm hạnh, vì chẳng phải phạm hạnh nên tôi gọi phạm hạnh.
Thiện Trụ Ý Thiên Tử khen rằng: Lành thay, lành thay, bạch Đại Sĩ! Ngài có đầy đủ lạc thuyết biện tài hay tuyên thuyết vô ngại như vậy.
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Nếu tôi có đủ vô ngại biện thì thành chướng ngại.
Tại sao?
Vì phàm thủ trước ngã và ngã sở đều do phân biệt, vì tất cả phân biệt không gì chẳng phải là chướng ngại vậy.
Này Thiên Tử! Nay nếu Ngài có thể giết chết tất cả chúng sanh mà chẳng cầm dao chẳng cầm gậy chẳng nắm tảng chẳng nắm khối để hành sự thì tôi sẽ đồng cùng với Ngài tu phạm hạnh.
Bạch Đại Sĩ! Lại do nghĩa gì mà Ngài nói như vậy?
Này Thiên Tử! Nói là chúng sanh ấy, nơi ý Ngài thế nào?
Bạch Đại Sĩ! Theo tôi thì chúng sanh ấy và nhẫn đến tất cả chỉ có danh tự vì đều là tưởng chấp thôi.
Này Thiên Tử! Vì thế nên tôi nói nay Ngài phải cần giết hại ngã tưởng, giết hại nhân tưởng, giết chúng sanh tưởng, giết thọ mạng tưởng, nhẫn đến diệt trừ tưởng danh tự v.v... phải giết hại như vậy.
Bạch Đại Sĩ! Nơi dùng sát cụ gì để giết hại?
Này Thiên Tử! Tôi thường dùng dao bèn trí huệ ấy để hành sát. Lúc hành sát nên cầm dao trí huệ như vậy, nên giết như vậy, nhưng cũng không có ý tưởng cầm nắm và giết hại.
Do nghĩa này nên Ngài phải khéo biết giết hại ngã tưởng và chúng sanh tưởng, đây gọi là chân thật sát hại tất cả chúng sanh. Được như vậy tôi sẽ hứa cho Ngài phạm hạnh.
Này Thiên Tử! Nay tôi lại bảo Ngài rằng: Nếu Ngài tu hành mười ác nghiệp đạo, Ngài lại hay thành tựu pháp đen trược cấu uế, bỏ mười thiện nghiệp đạo phá hoại ly tán pháp trong trắng thanh bạch thì tôi sẽ cùng Ngài tu phạm hạnh.
Bạch Đại Sĩ! Do nghĩa gì mà Ngài nói như vậy?
Này Thiên Tử! Tất cả những nhiễm trược thanh bạch đều bình đẳng. Với bình đẳng ấy tôi được đồng với phạm hạnh của Ngài.
Này Thiên Tử! Ý Ngài thế nào?
Ngài lấy pháp gì làm nhiễm trược bình đẳng?
Bạch Đại Sĩ! Do chẳng tham chẳng làm chẳng thối chẳng đọa, đây gọi là nhiễm trược bình đẳng.
Này Thiên Tử! Lại do pháp gì làm thanh bạch bình đẳng?
Bạch Đại Sĩ! Do như pháp tánh và cùng thiệt tế ba môn giải thoát, đây là thanh bạch bình đẳng.
Này Thiên Tử! Như tôi khiến Ngài ở trong cơn pháp giới đầy đủ tu hành xoay vòng qua lại, sự ấy có được chăng?
Bạch Đại Sĩ! Chẳng được.
Vì lẽ ấy nên, này Thiên Tử, tôi nói nhiễm trược thanh bạch tất cả bình đẳng rồi sau mới có thể cùng tu phạm hạnh.
Này Thiên Tử! Nay nếu Ngài có thể tay nắm người đáng chết rồi Ngài cầm dao bén chém đầu người ấy, tôi sẽ hứa cho Ngài phạm hạnh như vậy.
Bạch Đại Sĩ! Do nghĩa gì mà Ngài lại nói như vậy?
Này Thiên Tử! Kẻ đáng chết là ai?
Cái gì là đầu?
Ai hay hành sát?
Này Thiên Tử cần phải giết tham dục sân khuể ngu si, nhẫn đến cần phải giết những ngã mạn tật đố khi đối siểm khúc chấp trước thủ tướng và thọ tưởng v.v... đây là những kẻ đáng giết.
Này Thiên Tử! Nếu người nhất tâm chuyên tinh tự thủ, lúc tâm tham dục phát khởi liền phải hay biết phương tiện trừ tan nó khiến trở ngại tịch tĩnh.
Trừ tan nó thế nào?
Nên suy nghĩ như vậy: Đây là không là bất tịnh, tìm tâm dục ấy chỗ sanh chỗ diệt, từ đâu đến, đi đến đâu, trong đây ai nhiễm, ai thọ nhiễm, gì là pháp nhiễm.
Quan sát như vậy chẳng thấy năng nhiễm chẳng thấy sở nhiễm chẳng thấy sự nhiễm. Vì chẳng thấy nên không có thủ. Vì không có thủ nên không có xả. Vì không có xả nên không có thọ. Chẳng xả chẳng thọ thì gọi là ly dục tịch diệt Niết Bàn.
Nhẫn đến tất cả tâm cũng đều quan sát như vậy.
Này Thiên Tử! Phải biết pháp giết hại như vậy liền giết liền sanh, nên được gọi là lúc hành sát ấy trước hết chặt đầu nó. Đây là chân thật sát vậy.
Lại này Thiên Tử! Nay nếu Ngài có thể chống trái Chư Phật hủy báng pháp và Tăng tôi sẽ đồng phạm hạnh với Ngài.
Bạch Đại Sĩ! Nay sao Ngài lại nói như vậy?
Này Thiên Tử! Ý Ngài thế nào, lấy gì làm Phật?
Bạch Đại Sĩ! Như như pháp giới, tôi nói là Phật vậy.
Này Thiên Tử! Ý Ngài thế nào, như như pháp giới có thể nhiễm trước chăng?
Bạch Đại Sĩ! Không được.
Này Thiên Tử! Vì nghĩa ấy mà tôi nói nếu Ngài có thể chống trái Chư Phật thì tôi sẽ đồng phạm hạnh với Ngài.
Này Thiên Tử! Ý Ngài thế nào, lấy gì làm pháp?
Bạch Đại Sĩ! Ly dục tịch tĩnh tôi gọi là pháp.
Này Thiên Tử! Ý Ngài thế nào, pháp tịch tĩnh ấy có thể nhiễm trước được chăng?
Bạch Đại Sĩ! Không được.
Này Thiên Tử! Vì nghĩa ấy mà tôi nói nếu nay Ngài có thể hủy báng chánh pháp thì tôi sẽ đồng phạm hạnh như vậy.
Này Thiên Tử! Ý Ngài thế nào, lấy gì làm Tăng?
Bạch Đại Sĩ! Pháp vô vi ấy gọi là Thánh Tăng, như Đức Thế Tôn dạy rằng tất cả Thánh Nhân do vô vi mà được tên, nên pháp vô vi gọi là Thanh Văn Tăng.
Này Thiên Tử! Pháp vô vi ấy có thể chấp trước được chăng?
Bạch Đại Sĩ! Không được.
Này Thiên Tử! Vì nghĩa ấy nên tôi nói nếu nay Ngài có thể phá hoại Thánh Tăng thì tôi sẽ đồng phạm hạnh với Ngài như vậy.
Này Thiên Tử! Nếu người thấy Phật là họ trước Phật, thấy Pháp là trước Pháp, thấy Tăng là trước Tăng.
Tại sao?
Vì Phật Pháp Tăng chẳng phải có thể được. Nếu người chẳng thấy Phật chẳng nghe Pháp chẳng biết Tăng, người ấy là chẳng trái Phật cẳng báng Pháp chẳng phá Tăng vậy.
Tại sao?
Vì người ấy chẳng có được Phật Pháp Tăng vậy.
Này Thiên Tử! Nếu người ái Phật ái Pháp ái Tăng, người ấy có nhiễm trước Phật Pháp Tăng. Phải biết nếu người chẳng nhiễm trước Phật, Pháp, Tăng, thì gọi là ly dục tịch diệt. Do nghĩa này mà tôi nói nếu Ngài chẳng nhiễm trước Phật Pháp Tăng thì tôi sẽ đồng phạm hạnh cùng Ngài.
Thiện Trụ Ý Thiên Tử nói với Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: Hy hữu, hy hữu, Đại Sĩ hay tuyên nói nghĩa xứ thậm thâm như vậy. Đối với Đại Sĩ tôi lấy gì để báo ơn.
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Ngài chớ báo ơn.
Tại sao?
Vì Ngài có thể chẳng báo ơn như vậy tức là chân báo ơn.
Bạch Đại Sĩ! Nay Ngài chừng có thể không báo ơn chăng?
Đúng như vậy, này Thiên Tử, tôi chẳng báo ơn cũng chẳng phải là chẳng báo ơn.
Bạch Đại Sĩ! Do nghĩa gì mà Ngài nói như vậy?
Này Thiên Tử! Kẻ phàm phu tạo nhiều sự khởi nhiều kiến chấp làm nhiều hạnh. Bởi họ làm những kiến những hạnh như vậy nên họ nghĩ rằng tôi sẽ báo ơn. Đây chẳng phải là những chánh hạnh. Người có chánh hạnh thì chẳng có chút gì để làm hoặc làm hay chẳng làm, người này trọn chẳng hề nói tôi nhớ báo ơn.
Lại này Thiên Tử! Người chẳng báo ơn như Đức Phật Thế Tôn tuyên nói bình đẳng. Nghĩa là tất cả pháp không có sở tác không có chỗ làm đều nhập vào bình đẳng không có thối chuyển cũng không siêu việt chẳng phải tự chẳng phải tha không có tác bất tác. Vì thế nên tôi không báo ơn vậy.
Bạch Đại Sĩ! Ngài trụ chỗ nào mà nói như vậy?
Ngài trụ nhẫn mà nói hay trụ pháp mà nói?
Này Thiên Tử! Chỗ tôi trụ chẳng phải nhẫn chẳng phải pháp.
Bạch Đại Sĩ! Ngài thiệt trụ chỗ nào mà nói như vậy?
Này Thiên Tử! Tôi không chỗ trụ, như thân hóa nhân tôi trụ như vậy.
Bạch Đại Sĩ! Hóa nhân ấy lại y cứ nơi đâu để trụ?
Này Thiên Tử! Như như như trụ, hóa nhân trụ như vậy.
Này Thiên Tử! Nếu là như vậy sao Ngài lại hỏi an trụ tại chỗ nào, là tại nhẫn hay tại pháp.
Này Thiên Tử! Vì thế nên tôi nói nhẫn chỉ có danh tự. Danh tự không có chỗ trụ. Pháp cũng như vậy, không có chỗ trụ không có động chuyển cũng không có phân biệt.
Thiên Tử nên biết tất cả các pháp đều không có chỗ trụ, mà nói chỗ trụ ấy là Đức Phật vì các chúng sanh mà nói. Như Đức Phật nói. Như Lai trụ trong pháp như như ấy tất cả chúng sanh cũng như vậy trụ trong như như chẳng hề di động. Như chúng sanh như là Như Lai như, Như Lai như là chúng sanh, chúng sanh và Như Lai không hai không khác.
Bạch Đại Sĩ! Nói rằng: Sa Môn na.
Sa Môn na ấy có nghĩa gì?
Này Thiên Tử! Nếu chẳng phải Sa Môn chẳng phải Bà La Môn thì gọi là chân Sa Môn vậy.
Tại sao?
Vì họ chẳng trước Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới nên gọi chân Sa Môn.
Lại này Thiên Tử! Nếu nhãn chẳng lộ nhĩ tỉ thiệt thân và ý chẳng lậu, tôi gọi là chân Sa Môn.
Này Thiên Tử! Nếu chẳng y chỉ thuyết chẳng y chỉ chúng chẳng y chỉ xứ, tôi lại gọi là chân Sa Môn vậy.
Này Thiên Tử! Nếu không chỗ đi không chỗ đến không tổn không hại không tổn không hại, tôi lại nói là chân Sa Môn vậy.
Này Thiên Tử! Vì thế nên câu nói trên kia: Chẳng phải Sa Môn chẳng phải Bà La Môn tôi mới nói là chân Sa Môn vậy.
Thiện Trụ Ý Thiên Tử khen Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: Lành thay, lành thay! Tthật chưa từng có, chí Ngài dường kim cương, lời Ngài tuyên nói không có chương cú cũng không có xứ sở, tâm đều liễu đạt không có sót thừa.
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Tâm tôi chẳng cương, tại sao, vì tôi tự phóng ý lòng an nhu nhẫn nên chẳng cương vậy.
Bạch Đại Sĩ! Nghĩa ấy thế nào?
Này Thiên Tử! Tôi thả lỏng tâm nhập Thanh Văn địa ở Duyên Giác cảnh nên gọi là phóng ý. Tôi lại thả lỏng tâm vào trong các trần lao sanh tử mà cũng chẳng chán ghét họa hại phiền não tham sân si nên gọi là phóng ý.
Thiện Trụ Ý Thiên Tử lại khen Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: Lành thay, lành thay, hy hữu Đại Sĩ! Do Ngài từ quá khứ đã lâu cúng dường Chư Phật trồng các cội đức lành nên Ngài hay tuyên nói vi diệu dường ấy.
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Tôi không cúng Phật, không trồng cội lành.
Tại sao?
Vì tôi không hề thấy thuở xưa đã qua, cũng chẳng biết đương lai sẽ làm. Dầu có làm cũng không có làm.
Nơi các Phật Pháp tôi chưa hề kiến lập thì sao lại hay trồng các cội đức lành!
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Năm - Phẩm Tập Tương ưng - Kinh Tàm Quý
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Mười - Mười Pháp - Phẩm Ba - Phẩm Lớn - Phần Sáu - Kalì
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Mười - Lợi Mình Lợi Người
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba - Phẩm Thiện Hiện - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Năm - Phẩm Biện đại Thừa - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Pháp Môn Căn Bản - Phần bốn - Bậc A La Hán I
Phật Thuyết Kinh Lạc Anh Lạc Trang Nghiêm Phương Tiện - Phần Hai