Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BẢY

PHÁP HỘI MẶC GIÁP TRANG NGHIÊM  

PHẦN BA  

Này Vô Biên Huệ! Chư Đại Bồ Tát mặc đại giáp trụ như vậy rồi cũng chẳ bỏ rời nhẫn đến sức tinh tiến kiên cố vô biên chẳng bao giờ động lay mà hướng đến vô thượng bồ đề.

Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Bồ Tát mặc giáp trụ

Để nhiếp các chúng sanh

Vì chúng sanh vô biên

Mặc giáp cũng vô biên

Vì bố thí thanh tịnh

Khiến tất cả đầy vui

Vì lợi ích chúng sanh

Mà mặc giáp trụ này

Vì trì giới thanh tịnh

Lợi ích cho thế gian

Vì lợi ích chúng sanh

Mà mặc giáp trụ này

Vì nhẫn nhục thanh tịnh

Dũng mãnh khéo an trụ

Vì làm lợi chúng sanh

Mà mặc giáp trụ này

Vì tinh tiến thanh tịnh

Thành tựu bất thối chuyển

Vì làm lợi chúng sanh

Mà mặc giáp trụ này

Vì thiền định thanh tịnh

Cảnh sở hành cũng vậy

Vì làm lợi chúng sanh

Mà mặc giáp trụ này

Vì trí huệ thanh tịnh

Vô lậu và vô thượng

Vì làm lợi chúng sanh

Mà mặc giáp trụ này

Tất cả các chúng sanh

Thích gì sẽ cho đủ

Khéo biết ý nghĩa ấy

Mà mặc giáp trụ này

Bồ Tát nơi chúng sanh

Hay làm sự lợi ích

Dùng tứ nhiếp thanh tịnh

Ban khắp trong các cõi

Nếu làm người đối trí

Trừ bệnh tham sân si

Trao thuốc cho chúng sanh

Tật bệnh đều tiêu trừ

Do đây các Bồ Tát

Hay khéo mặc giáp trụ

Nơi công đức tư lương

Được vô biên phương tiện

Chúng sanh khổ sanh tử

Bức ngặt chẳng an ổn

Tôi thường làm cứu hộ

Mặc giáp trụ vô biên

Vô biên khổ sanh tử

Tôi làm giải thoát được

Lưới ái kiến trói buộc

Tất cả đều sẽ đứt

Với lưới phiền não này

Làm đứt được tất cả

Sức tinh tiến kiên cố

Dũng mãnh mà mặc giáp

Tất cả các chúng sanh

Cho ở đường an lạc

Do đây đến Niết Bàn

An ổn mà vô thượng

Do sức đại tinh tiến

Mà mặc giáp trụ này

Sẽ cùng tất cả ma

Chiến đấu thường chẳng mệt

Với những nhà ngoại đạo

Nắm chặt các kiến chấp

Đi trong rừng rậm hiểm

Mặc giáp làm lợi họ

Và vô lượng chúng khác

Đi ở trong phi đạo

Với họ đều lợi ích

Nên mặc giáp vô biên

Mặc giáp trụ ấy rồi

Chẳng rời bỏ giáp trụ

Khởi sức đại tinh tiến

Mặc giáp trụ kiên cố

Vào trong cõi chúng sanh

Do nhẫn nhục được an

Thành tựu kiên cố nhẫn

Mặc giáp trụ vô thượng

Rời xa các bố uý

Cũng không có kinh sợ

Mặc vô biên giáp trụ

Tất cả siêng tu tập

Khéo mặc đại giáp trụ

Thường hay chánh giác ngộ

Tịch diệt chẳng động lay

Chẳng loạn chẳng thối chuyển

Mặc giáp như vậy rồi

Trí giả lại nên mặc

Giáp cứu hộ chúng sanh

Giáp phá hoại quân ma

Giáp cầu đò vô biên

Tất cả giáp đều mặc

Người trí huệ dũng mãnh

Mặc giáp được ở an

Vì bỏ gánh rất nặng

Mà mặc giáp vô thượng

Độ tất cả chúng sanh

Đều khiến thoát gánh khổ

Thêm lớn tin thanh tịnh

Khéo đều nhiếp sáu căn

Tương ưng với tịnh giới

Mặc giáp trụ vô thượng

Thành tựu trí dũng mãnh

Bồ Tát hay an trụ

Oai nghi đúng giới luật

Mặc giáp không bị động

Xưa ở trong Chúng Thánh

Tu các hạnh thanh tịnh

Thế nên mặc giáp trụ

Mà thường chẳng khiếp nhược

Dùng trí yêu chúng sanh

Lợi ích các thế gian

Thông đạt các phương tiện

Mặc giáp khéo an trụ

Với trí phương tiện khéo

Bồ Tát thông đạt được

Mặc giáp như vậy rồi

Dứt trừ các khiếp phược

Rời xa tất cả chấp

Chánh tín chẳng sai trái

Người trí mặc giáp trụ

Hướng đến đạo vô thượng

Bồ Tát hay quyết định

Tư lợi và lợi tha

Do sức đại tinh tiến

Kiên cố chẳng thối chuyển.

Đức Phật phán tiếp: Lại này Vô Biên Huệ! Trong vô lượng kiếp, Đại Bồ Tát mang những gánh nặng, mặc giáp trụ lớn. Giáp trụ như vậy, hoặc là ma hoặc là quyến thuộc ma hoặc là sứ giả của ma, và những chúng sanh đi nơi. Lùm rừng rậm rợp xấu hiểm tà kiến đều chẳng thấy được.

Tại sao vậy?

Vì giáp trụ ấy không có hình sắc hiển bày, không tướng không đối, bỏ tướng rời tướng, không có danh tự vậy.

Này Vô Biên Huệ! Giả sử có cây phi tiễn lượng như núi Tu Di, bén nhọn bắn đến không thể trúng được. Giả sử tất cả chúng sanh trong Cõi Đại Thiên đều làm ma, mỗi chúng sanh ma đều riêng có ngần ấy quyến thuộc quân ma, tất cả đồng thời buông tên lượng như núi Tu Di, họ cũng chẳng thể làm hư hoại giáp trụ của Chư Đại Bồ Tát, dầu là làm hư chừng bằng sợi lông.

Đối với Chư Đại Bồ Tát, còn chẳng thể làm cho các Ngài có ý niệm khác huống là làm động tới thân. Chư Đại Bồ Tát này nếu có một tâm niệm dẹp trừ họ, thì có thể làm cho quân ma ấy tan nát tiêu diệt. Khéo an trụ giáp trụ như vậy mà chẳng động lay thì tất cả chúng sanh không có ai phá hoại được.

Tại sao vậy?

Vì là vô tướng, vì là chẳng phải chỗ đi chỗ thấy của chúng sanh. Tất cả chúng sanh chẳng thấy biết được Chư Đại Bồ Tát, mà Bồ Tát có thể biết rõ tất cả pháp vậy.

Vì thấy biết đúng thiệt mặc giáp trụ lớn để cứu hộ tất cả chúng sanh vậy. Với tất cả pháp không có chấp trước, vì muốn lợi ích tất cả chúng sanh vậy.

Với tất cả pháp cũng vô sở đắc thế nên chúng sanh chẳng thấy biết được giáp trụ như vậy, vì giáp trụ ấy không có hình tướng, không có lộ bày, không có ngôn thuyết vậy. Giáp trụ ấy chẳng tương ưng với sắc, với thọ, tưởng, hành thức, chẳng tương ưng với nội, ngoại và trung gian, cũng chẳng tương ưng với chẳng phải nội ngoại trung gian, chẳng tương ưng với thập nhị xứ, thập bát giới.

Chẳng tương ưng với địa thủy hỏa phong và không đại chủng, chẳng tương ưng với Cõi Dục Cõi Sắc và Cõi Vô Sắc, chẳng tương ưng với hữu tác, vô tác, diệc hữu tác vô tác và phi hữu tác vô tác, chẳng tương ưng với Thanh Văn địa, Bích Chi Phật địa và Phật địa.

Chẳng tương ưng với đường ngữ ngôn, chẳng tương ưng với sắc nhơ và sắc tướng, chẳng tương ưng với thọ, tưởng, hành, thức, nhân và thọ, tưởng, hành, thức tướng, chẳng tương ưng với tướng và phi tướng, với tất cả pháp chẳng tương ưng cũng chẳng phải chẳng tương ưng, không có trói buộc, không có giải thoát, cũng chẳng phải toán số hay thí dụ mà biết được, vì tất cả pháp quá các số vậy.

Giáp trụ như vậy, tất cả pháp kiến đếu bất khả đắc cả. Những là sắc kiến bất khả đắc, thọ kiến bất khả đắc nhẫn đến thức kiến bất khả đắc, cho đến không có chút pháp kiến nào khả đắc cả.

Giáp trụ như vậy, chẳng cùng tất cả pháp tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, chẳng cùng sắc, thọ, tưởng hành, thức tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng. Với tất cả pháp hoặc tương ưng hoặc chẳng tương ưng kia đều rời xa.

Giáp trụ như vậy không có tạo tác vì không có tác giả vậy, không có tướng vì chẳng ohải tướng vậy, không có tướng xứ sở, không có tướng hòa hiệp, không có phân biệt, không có động lay, không có phan duyên, không có tánh để thấy được. Người mặc giáp trụ cũng bất khả đắc. Mặc giáp như vậy cũng chẳng thể thấy được.

Tại sao vậy?

Vì lúc Chư Đại Bồ Tát mặc giáp trụ mà chẳng thấy có ai là người mặc giáp, mặc giáp chỗ nào, tù đâu mặc giáp, cũng chẳng thấy tôi có thể mặc giáp, chẳng thấy áo giáp được tôi mặc, cũng chẳng thấy có chỗ này mặc giáp, chỗ kia mặc giáp, cũng chẳng thấy có mặc giáp vậy.

Vì các chúng sanh nơi tất cả pháp không chỗ hành, không chỗ kiến nên Chư Đại Bồ Tát mặc giáp trụ như vậy, cũng là mặc giáp trụ của Đức Như Lai mặc, thân bất khả đắc, tâm bất khả đắc, ý bất khả đắc, vì bất khả đắc nên xa rời phân biệt.

Nếu Chư Bồ Tát còn chút pháp, hay là được chút pháp mà hiện tại mặc giáp trụ hay là sẽ mặc giáp trụ, thì chẳng nên gọi rằng mặc đại giáp trụ. Nếu tâm Bồ Tát vượt quá các pháp mới gọi là mặc đại giáp trụ tư nghị.

Chư Đại Bồ Tát chẳng vì thiểu số chúng sanh mà mặc đại giáp trụ, cũng chẳng vì một kiếp chúng sanh mà mặc đại giáp trụ, cũng chẳng vì trăm kiếp, ngàn kiếp cho đến trăm ngàn na do tha câu chi kiếp chúng sanh mà mặc đại giáp trụ, chánh là vì vô lượng vô số kiếp chúng sanh mà Đại Bồ Tát mặc đại giáp trụ, vì thế nên gọi rằng vô lượng đại giáp trụ vậy.

Lúc mặc đại giáp trụ, Đại Bồ Tát mặc giáp trụ chẳng sanh tưởng là chúng sanh, mặc giáp trụ chẳng khởi tưởng là ngã, mặc giáp trụ rời lìa tưởng có chúng sanh, mặc giáp trụ diệt trừ tưởng có ngã, mặc giáp trụ biết rõ tánh chúng sanh, mặc giáp trụ biết rõ tánh ngã, mặc giáp trụ vượt quá thọ và tưởng.

Mặc giáp trụ biết rõ tất cả pháp không có tướng tạo tác, là tướng rỗng không, là tướng vô tướng, là tướng vô nguyện, là tướng vô sanh, là tướng vô diệt, mặc giáp trụ biết rõ tánh tướng sai biệt của tất cả pháp và tánh tướng vô sai biệt của tất cả pháp, mặc giáp trụ biết rõ sự tướng của tất cả pháp và vô sự tướng của tất cả pháp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần