Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Du Hành - Phần Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT
KINH TRƯỜNG A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
KINH DU HÀNH
PHẦN SÁU
Bấy giờ, Thế Tôn vào thành Câu Thi, đi về phía Bản sanh xứ, giữa khu rừng Song Thọ của dòng họ Mạt La và bảo A Nan: Ngươi hãy sửa chỗ ở giữa cây Song Thọ cho ta nằm, đầu xây hướng Bắc, mặt xây hướng Tây. Sở dĩ như thế, vì giáo pháp của ta sẽ lưu truyền lâu dài ở phương Bắc.
A Nan đáp: Vâng! Rồi dọn chỗ, cho đầu xây về phương Bắc. Rồi Thế Tôn tự mình lấy y Tăng Già Lê gấp làm tư, đắp lên mình, nằm nghiêng hông tay mặt như sư tử chúa, hai chân chồng lên nhau. Lúc đó giữa đám cây Song Thọ có các quỷ thần vốn dốc lòng tin Phật, lấy các thứ hoa sái mùa rải khắp mặt đất.
Phật bảo A Nan rằng: Vị thần cây Song Thọ ấy lấy hoa sái mùa cúng dường cho ta như thế, chưa phải cúng dường Như Lai.
A Nan thưa: Sao mới là cúng dường Như Lai?
Phật dạy: Người nào biết lãnh thọ và thực hành đúng chánh pháp, mới là người cúng dường Như Lai.
Quán sát ý nghĩa này, Phật nói bài kệ:
Phật ở giữa Song Thọ,
Nằm nghiêng, tâm không loạn.
Thần cây tâm thanh tịnh,
Rải hoa lên trên Phật.
A Nan hỏi Phật rằng:
Thế nào là cúng dường?
Nghe pháp và thực hành,
Cúng dường bằng hoa giác.
Hoa vàng như bánh xe,
Chưa phải cúng dường Phật.
Ầm, giới, nhập vô ngã,
Là cúng dường bậc nhất.
Lúc đó ông Phạm Na Ma cầm quạt đứng hầu quạt trước Phật, Phật bảo: Ngươi hãy tránh ra, chớ đứng ở trước ta.
A Nan nghe vậy thầm lặng suy nghĩ: Phạm Na Ma thường hầu hạ Phật, cung cấp mọi sự cần thiết, tôn kính Như Lai không hề chán nản.
Nay vào ngày cuối cùng, lẽ để cho ông chăm sóc, chứ sao Phật lại đuổi đi, là có ý gì?
Rồi A Nan sửa lại y phục, đến trước Phật, bạch rằng: Phạm Na Ma thường hầu hạ Phật, cung cấp mọi sự cần thiết, tôn kính Như Lai không hề chán nản.
Nay vào ngày cuối cùng, lẽ để cho ông xem sóc, chứ sao Phật lại đuổi đi, là có ý gì?
Phật nói: Phía ngoài thành Câu Thi này mười hai do tuần, thảy đều là chỗ các vị Đại Thiên Thần, chật ních không có khoảng trống.
Họ đều than phiền: Vị Tỳ Kheo này sao đứng choán trước Phật. Nay giờ phút cuối cùng Phật sắp vào Niết Bàn, chúng ta các thần muốn đến chiêm bái một lần, mà vị Tỳ Kheo đó với oai đức lớn lao, ánh sáng chói che không cho chúng ta được gần Phật để lễ bái cúng dường.
Này A Nan, vì thế mà ta bảo tránh ra.
A Nan bạch Phật: Chẳng hay vị Tỳ Kheo đó xưa kia chứa phúc đức gì, tu hạnh nghiệp gì mà nay có oai đức như thế?
Phật dạy: Vào kiếp thứ chín mươi mốt trong đời quá khứ, có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ Bà Thi. Vị Tỳ Kheo đó, lúc ấy đem tâm hoan hỷ cầm cây đuốc cỏ soi sáng vào ngôi Tháp của Phật, nhờ đó nay ông được có oai quang chiếu suốt cả hai mươi tám tầng Trời, ánh sáng của Chư Thiên Thần không thể sánh kịp.
Rồi thì, A Nan rời khỏi chỗ ngồi, trịch áo bày vai hữu, quỳ xuống, chắp tay bạch Phật: Xin Phật chớ diệt độ tại chỗ đất hoang vu trong thành chật hẹp thô lậu này.
Vì sao?
Hiện có các nước lớn như Chiêm Bà, nước Tỳ Xá Ly, thành Vương Xá, nước Bạt Kỳ, nước Xá Vệ, nước Ca Tỳ La Vệ, nước Ba La Nại. Ở đó nhân dân đông đúc, nhiều người tín mộ Phật Pháp. Phật diệt độ tại các chỗ đó, ắt nhiều người cung kính, cúng dường Xá Lợi.
Phật dạy: Thôi, đủ rồi, chớ có nhận xét như thế. Chớ cho nơi này là bỉ lậu.
Vì sao thế?
Khi xưa tại nước này, có vị Vua tên Đại Thiện Kiến và thành này lúc đó tên là Câu Xá Bà Đề. Đô thành của Vua dài bốn trăm tám mươi dặm, rộng hai trăm tám mươi dặm.
Bấy giờ được mùa lúa rẻ, nhân dân phồn thịnh. Thành này có bảy lớp, bao quanh cũng có bảy lớp lan can, chạm trổ văn vẻ, linh báu treo xen. Móng thành bề sâu ba nhẫn, lên cao mười hai nhẫn. Lâu đài trên thành cao mười nhẫn.
Vòng cột ba nhẫn. Thành vàng thì cửa bạc, thành bạc thì cửa vàng, thành lưu ly thì cửa thủy tinh, thành thủy tinh thì cửa lưu ly. Quanh thành trang nghiêm bằng tứ bảo, xen kẽ lan can bằng tứ bảo. Lầu vàng thì treo linh bạc, lầu bạc thì treo linh vàng.
Có hào bảy lớp, mọc đầy hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng. Đáy hào toàn lát bằng cát vàng. Hai bên bờ hào có nhiều cây Đa Lân. Cây vàng thì lá hoa trái bạc. Cây bạc thì lá hoa trái vàng.
Cây thủy tinh thì hoa trái lưu ly. Cây lưu ly thì hoa trái thủy tinh. Giữa đám cây Đa Lân có ao tắm. Dòng nước sâu, trong, thanh khiết không dơ. Hai bên bờ ao lát bằng gạch tứ bảo.
Thang bằng vàng thì bậc thang bằng bạc. Thang bạc thì bậc bằng vàng. Thềm cấp bằng lưu ly thì bậc thềm bằng thủy tinh.
Thềm cấp bằng thủy tinh thì lưu ly làm bậc. Chung quanh, lan can vây bọc liên tiếp nhau. Trong thành ấy nơi nào cũng sanh cây Đa Lân. Cây vàng thì lá hoa trái bạc. Cây bạc thì lá hoa trái vàng. Cây thủy tinh thì hoa trái lưu ly. Cây lưu ly thì hoa trái thủy tinh.
Khoảng giữa các cây có các ao bằng tứ bảo, sanh bốn loại hoa. Đường xá ngay ngắn, hàng ngũ tương đương. Gió thổi, hoa rơi lá bay hai bên đường. Gió nhẹ thổi qua các cây báu, phát ra âm thanh dịu dàng như Thiên nhạc. Người trong nước, trai gái lớn nhỏ, dạo chơi vui vẻ giữa các cây.
Nước ấy thường có mười loại âm thanh: Tiếng vỏ sò, tiếng trống, tiếng ba la, tiếng ca, tiếng múa, tiếng thổi, tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe cộ, tiếng ẩm thực, tiếng cười đùa.
Vua Đại Thiện Kiến có đủ bảy báu. Vua cũng có đủ bốn đức.
Bảy báu là: Bánh xe vàng báu, voi trắng báu, ngựa xanh báu, thần châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu và quân binh báu.
Vua Đại Thiện Kiến thành tựu bánh xe vàng báu như thế nào?
Thường vào ngày rằm Trăng tròn, Vua tắm gội nước hương, lên ngồi tại bảo điện, có thể nữ bao quanh, tự nhiên có bánh xe báu hiện ra trước mặt. Vành xe có ngàn căm sáng chói, do thợ Trời làm chớ không phải đời có được. Bánh xe toàn bằng chân kim, đường kính bằng một trượng tư.
Khi ấy Vua Đại Thiện Kiến thầm nghĩ: Ta từng nghe các bậc Tiên Túc kỳ cựu nói: Nếu Vua Quán đảnh dòng Sát Lỵ, đến ngày rằm Trăng tròn, tắm gội nước hương, lên ngồi tại bảo điện, có thể nữ bao quanh, thời tự nhiên có bánh xe vàng hiện đến trước mặt, bánh xe có ngàn căm, ánh sáng rực rỡ, là tác phẩm của thợ nhà Trời chứ không phải do con người làm, được làm thành bằng vàng thật, đường kính trượng tư, khi đó được gọi là Chuyển Luân Thánh Vương.
Nay có bánh xe báu ấy hiện đến há không là đây chăng?
Ta hãy thử coi xe đó thế nào?
Vua Đại Thiện Kiến liền triệu bốn thứ binh, hướng về phía bánh xe vàng, trịch áo bày vai phải, đầu gối phải quỳ sát đất, rồi lấy tay phải vỗ lên bánh xe và nói: Ngươi hãy theo đúng phép mà vận chuyển về phương Đông, chớ trái lệ thường. Bánh xe liền chuyển về phương Đông. Vua bèn dẫn bốn chủng quân binh đi theo bánh xe vàng, trước bánh xe vàng có bốn vị thần dẫn đường. Đến chỗ xe vàng ngừng thì Vua cũng dừng xe.
Bấy giờ, các tiểu quốc phương Đông thấy Đại Vương đến, họ đem bát vàng đựng lúa bạc, bát bạc đựng lúa vàng đến trước Vua, cúi đầu tâu rằng: Đại Vương đến, thật lành thay. Nay phương Đông này đất ruộng phì nhiêu, nhân dân sung túc, chí tánh nhân hòa, từ hiếu trung thuận. Cúi mong Thánh Vương lấy chánh pháp trị hóa chốn này, chúng tôi xin cung cấp hầu hạ, vâng chịu mọi việc cần dùng.
Vua Đại Thiện Kiến nói với các Tiểu Vương: Thôi thôi Chư Hiền. Thế là các ngươi đã cúng dường ta rồi đó. Các ngươi nên lấy chánh pháp mà trị dân, chớ làm cho thiên lệch, không để cho quốc nội có hành vi phi pháp.
Đó tức là ta trị hóa. Các Tiểu Vương vâng lệnh. Họ liền theo Vua đi tuần khắp nước, đến tận mé biển Đông mới trở về.
Vua lần lượt đi về phương Nam, rồi phương Tây, phương Bắc. Hễ bánh xe vàng đến ở đâu thì các Quốc Vương đều đến cống hiến như các tiểu quốc phương Đông vậy.
Bấy giờ, Vua Đại Thiện Kiến sau khi đã theo bánh xe vàng đi khắp bốn biển, đem chánh đạo khai hóa, an ủi dân chúng xong trở về thành Câu Xá Bà Đề của Bổn Quốc, thì bánh xe vàng dừng lại trên không trung ngay cửa Cung Điện.
Vua Đại Thiện Kiến vui mừng phấn khởi nói: Bánh xe vàng báu này thật là điềm tốt của ta. Nay ta chính thật là Chuyển Luân Thánh Vương. Đó là sự thành tựu bánh xe vàng báu.
Vua Đại Thiện Kiến thành tựu voi trắng báu như thế nào?
Lúc bấy giờ, vào buổi sáng sớm, Vua Đại Thiện Kiến đang ngồi trên chánh điện, tự nhiên voi báu hốt nhiên xuất hiện trước mặt. Lông nó thuần trắng. Bảy chỗ đầy đặn. Có thể bay được. Đầu nó tạp sắc. Sáu ngà thon nhọn, xen cẩn bằng vàng ròng.
Sau khi nhìn thấy, Vua tự nghĩ: Con voi này khôn. Nếu khéo huấn luyện, có thể cưỡi. Bèn sai huấn luyện thử. Tập các khả năng đều đủ. Khi ấy Vua Đại Thiện Kiến muốn tự mình thử voi, bèn cưỡi lên, rồi vào lúc sáng sớm, ra khỏi thành, chu du khắp bốn biển. Đến giờ cơm thì đã về tới.
Thấy thế, Vua Thiện Kiến phấn khởi nói: Con voi trắng báu này thật sự là điềm lành cho ta. Nay ta thật sự là Chuyển Luân Thánh Vương. Đó là sự thành tựu voi trắng báu.
Vua Đại Thiện Kiến thành tựu ngựa báu như thế nào?
Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Vua Đại Thiện Kiến đang ngồi trên chánh điện, tự nhiên ngựa báu hốt nhiên xuất hiện trước mắt. Lông nó màu xanh, bờm đỏ. Đuôi, đầu và cổ, như voi. Nó có khả năng bay.
Khi ấy Vua Thiện Kiến tự nghĩ: Con ngựa này khôn. Nếu huấn luyện kỹ, có thể cưỡi. Rồi Vua sai huấn luyện thử, tập đủ các khả năng. Khi Vua Thiện Kiến muốn tự mình thí nghiệm ngựa báu, bèn cưỡi lên, vào lúc sáng sớm, ra khỏi thành, chu du bốn biển. Đến giờ ăn thì đã về tới.
Vua Thiện Kiến phấn khởi nói: Con ngựa báu màu xanh này thật sự là điềm lành cho ta. ta nay thật sự là Chuyển Luân Thánh Vương, đó là sự thành tựu ngựa trắng báu.
Vua Đại Thiện Kiến thành tựu thần châu báu như thế nào?
Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Vua Đại Thiện Kiến đang ngồi trên chánh điện, tự nhiên thần châu báu hốt nhiên xuất hiện trước mắt. Màu sắc tinh chất, trong suốt, không có tỳ vết.
Thấy rồi, Vua nói: Hạt châu này đẹp quá. Ánh sáng của nó có thể rọi sáng cả nội cung. Rồi Vua muốn thử hạt châu ấy, bèn gọi bốn chủng quân binh vào, đặt bảo châu này ở trên Tràng Phan.
Vào lúc nửa đêm Trời tối, mang nó ra ngoài thành. Ánh sáng của hạt châu này rọi sáng tất cả quân binh, chẳng khác gì ban ngày. Ở vòng ngoài quân binh, nó lại chiếu sáng cả một do tuần.
Người trong thành đều thức dậy làm việc, vì cho là ban ngày.
Vua Đại Thiện Kiến phấn khởi nói: Nay hạt thần châu báu này thật sự là điềm lành cho Ta. ta nay thật sự là Chuyển Luân Thánh Vương, đó là sự thành tựu thần châu báu.
Vua Đại Thiện Kiến thành tựu ngọc nữ báu như thế nào?
Khi ấy ngọc nữ báu hốt nhiên xuất hiện. Nhan sắc thung dung, diện mạo đoan chánh, không cao, không thấp, không thô, không tế, không đen, không trắng, không cương, không nhu, đông thì thân ấm, hè thì thân mát, các lỗ chân lông trên khắp thân thể toát ra mùi hương Chiên Đàn, miệng thở ra hương hoa Ưu Bát La, nói năng dịu dàng, cử động khoan thai, đứng dậy trước, ngồi xuống sau, không hề mất nghi tắc.
Vua Thiện Kiến lúc bấy giờ thanh tịnh không nhiễm trước. Tâm không hề có chút ý niệm gì, huống hồ gần gũi.
Bấy giờ Vua Thiện Kiến phấn khởi nói: Ngọc nữ này thật là điềm lành của ta. Ta nay thật sự là Chuyển Luân Thánh Vương. Đó là sự thành tựu về ngọc nữ báu.
Vua Đại Thiện Kiến thành tựu cư sĩ báu như thế nào?
Khi ấy cư sĩ trượng phu hốt nhiên tự xuất hiện. Kho báu tự nhiên có. Tài sản vô lượng. Cư sĩ có túc phước nên con mắt có thể nhìn suốt thấy mỏ báu dưới lòng đất. Vật hữu chủ hay vô chủ, đều nhìn mà biết hết. Nếu có chủ, ông có thể gìn giữ hộ. Nếu vô chủ, ông thu lấy đem hiến cho Vua dùng.
Cư sĩ báu đi đến tâu Vua: Đại Vương, có vật cống hiến, Vua đừng lo buồn. Tôi có thể tự giải quyết.
Bấy giờ, Vua Đại Thiện Kiến muốn thử cư sĩ báu, bèn ra lệnh chuẩn bị thuyền để du hí.
Vua bảo cư sĩ: Ta cần vàng. Ngươi hãy kiếm nhanh cho ta.
Cư sĩ tâu: Đại Vương, xin hãy chờ giây lát. Đợi lên bờ đã.
Vua tìm cách thúc hối: Ta dừng đây. Đang cần dùng. Ngươi đem đến ngay.
Khi ấy cư sĩ bị Vua ra lệnh nghiêm, bèn quỳ ngay trên thuyền, dùng tay phải thọc vào trong nước. Bình báu từ trong nước cùng lên theo tay. Như con sâu leo cây, cũng như thế, với cư sĩ báu, bảo vật từ trong nước duyên theo tay mà xuất hiện đầy thuyền.
Rồi ông tâu Vua: Vừa rồi Đại Vương nói cần báu.
Nhưng cần bao nhiêu?
Vua Thiện Kiến nói với cư sĩ: Thôi, đủ rồi. ta không cần dùng gì. Chỉ là để thử nhau mà thôi. Ngươi nay như thế là đã cống hiến cho ta rồi đó. Cư sĩ kia nghe Vua nói như vậy liền ném trả bảo vật xuống nước.
Vua Thiện Kiến phấn khởi nói: Cư sĩ báu này thật sự là điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển Luân Thánh Vương. Đó là thành tựu cư sĩ báu.
Vua Đại Thiện Kiến thành tựu chủ binh báu như thế nào?
Khi ấy chủ binh báu hốt nhiên xuất hiện, trí mưu, hùng mãnh, thao lược, quyết đoán.
Rồi chủ binh đi đến chỗ Vua, tâu: Đại Vương, nếu có chỗ cần chinh phạt, xin đừng lo lắng. Tôi có thể tự mình giải quyết.
Vua Thiện Kiến lúc ấy muốn thử chủ binh báu, liền cho tập họp bốn chủng binh và nói với chủ binh rằng: Ngươi nay dụng binh, chưa tập họp hãy tập họp, đã tập họp hãy giải tán, chưa nghiêm hãy nghiêm, đã nghiêm hãy cho buông lỏng, chưa đi hãy bảo đi, đã đi hãy bảo dừng.
Chủ binh báu nghe Vua nói xong, liền điều khiển bốn chủng quân khiến cho chưa tập họp thì tập họp, đã tập họp thì giải tán, chưa nghiêm thì nghiêm chỉnh, đã nghiêm chỉnh thì cho buông lỏng, chưa đi, bảo đi, đã đi, bảo dừng.
Vua Thiện Kiến lúc ấy phấn khởi nói: Chủ binh báu này thật sự là điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển Luân Thánh Vương. Đó là chủ binh báu. Này A Nan, đó là Vua Đại Thiện Kiến thành tựu bảy báu.
Thế nào là bốn thần đức?
Một là sống lâu, không yểu, không ai sánh bằng.
Hai là thân thể cường tráng, không bệnh hoạn, không ai sánh bằng.
Ba là nhan mạo đoan chánh, không ai sánh bằng.
Bốn là kho báu tràn đầy, không ai sánh bằng.
Đó là Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu bảy báu và bốn thần đức.
A Nan, một thời gian lâu Vua Thiện Kiến mới bảo đánh xe xuất du hậu viên.
Vua bảo người đánh xe: Ngươi đánh xe đi thong thả.
Vì sao vậy?
Ta muốn xem xét kỹ nhân dân có được an lạc, không hoạn nạn xảy ra chăng.
Lúc bấy giờ, nhân dân trong nước đi đường mà gặp, liền nói với kẻ đánh xe: Ngươi hãy cho đi chậm. Tôi muốn ngắm rõ uy nhan của Thánh Vương.
Này A Nan, khi ấy Vua Thiện Kiến vỗ về trìu mến nhân dân như cha yêu con. Quốc dân kính mộ Vua như con kính cha.
Có gì quý hiếm họ đem dâng Vua: Cúi xin Đức Vua nạp thọ, tùy ý sử dụng.
Vua bảo: Thôi đủ rồi, các khanh. ta có đủ tài bảo cần dùng rồi. Các Khanh hãy cất lấy mà dùng.
Vào lúc khác Vua nghĩ: Ta muốn tạo tác cung quán.
Khi vừa có ý nghĩ đó thì người trong nước đến chỗ Vua, tâu: Tôi xin xây dựng cung điện cho Vua.
Vua bảo: Ta cho như vậy là đã được các ngươi cúng dường rồi. Ta sẵn có tài bảo để lo liệu.
Quốc dân lặp lại thỉnh cầu: Chúng tôi xin xây dựng cung điện cho Vua.
Vua bảo: Tùy ý các ngươi muốn. Quốc dân được lệnh, liền đem tám mươi bốn ngàn chiếc xe chở vàng đến thành Câu Xá Bà để tạo lập chánh pháp điện.
Khi ấy vị Thiên Thần thợ khéo ở Trời Đao Lợi tự nghĩ: Chỉ có ta mới có khả năng xây dựng chánh pháp điện cho Vua Đại Thiện Kiến.
Này A Nan, khi ấy Thiên Thần khéo xây dựng chánh pháp điện dài sáu mươi dặm, rộng ba mươi dặm, được trang sức bằng tứ bảo. Mặt nền bằng phẳng. Thềm được lát bảy lớp gạch báu.
pháp điện có tám muôn ngàn cây cột. Thân cột bằng vàng thì chóp cột bằng bạc. Thân cột bạc thì chóp cột vàng.
Bằng lưu ly và thủy tinh cũng vậy. Bao quanh điện là bốn lớp lan can, đều được làm bằng tứ bảo. Lại có bốn thềm cấp cũng bằng tứ bảo. Trên pháp điện ấy có tám vạn bốn ngàn lầu báu.
Lầu bằng vàng thì các cửa sổ bằng bạc. Lầu bằng bạc, cửa sổ bằng vàng. Bằng thủy tinh và lưu ly cũng vậy. Lầu vàng thì giường bạc. Lầu bạc, giường vàng. Chăn đệm mềm mại được dệt bằng kim lũ trải trên giường. Bằng thủy tinh và lưu ly cũng vậy.
Ánh sáng của cung điện chói lọi làm hoa mắt mọi người, như mặt Trời lúc cực sáng không ai có thể nhìn được.
Bấy giờ, Vua Thiện Kiến phát sanh ý nghĩ: Nay ở hai bên điện, ta hãy lập nhiều ao và vườn cây Đa Lân. Vua bèn cho lập vườn. Ngang dọc một do tuần.
Vua lại nghĩ: Ở trước pháp điện ta hãy lập một ao pháp. Bèn cho xây ao pháp, ngang dọc một do tuần. Nước ao trong lắng, tinh khiết, không bợn dơ. Đáy ao lát bằng gạch tứ bảo.
Bao quanh ao là lan can, đều làm bằng bốn thứ báu: Hoàng kim, bạch ngân, thủy tinh và lưu ly. Nước trong ao, mọc xen lẫn các thứ hoa như Ưu Bát La, Ba Đầu Ma, Câu Vật Đầu, Phân Đà Lỵ.
Hoa tỏa ra hương thơm sực nức khắp nơi. Khoảng đất ở bốn mặt ao mọc các thứ hoa như A Hê Vật Đa, Chiêm Bặc, Ba La La, Tu Mạn Đà, Bà Sư Ca, Đàn Cu Ma Lê. Vua sai người trông coi ao.
Những ai đi ngang qua, dẫn xuống ao tắm, mát mẻ vui đùa tùy ý thích. Cần nước tương thì cho nước tương. Cần thức ăn thì cho thức ăn. Y phục, hương hoa, xe ngựa, tài bảo các thứ, đều không để nghịch ý người.
A Nan, bấy giờ Vua Thiện Kiến có tám vạn bốn ngàn voi, trang sức bằng vàng bạc, tua dải bằng bảo châu, Tề Tượng Vương là bậc nhất.
Có tám vạn bốn ngàn ngựa, trang sức bằng vàng bạc, tua dải bằng bảo châu, lực mã vương là bậc nhất.
Có tám vạn bốn ngàn cỗ xe, lót bằng da sư tử, trang nghiêm bằng tứ bảo, kim luân bảo là bậc nhất.
Có tám muôn bốn ngàn hạt châu, thần châu bảo là bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn ngọc nữ, ngọc nữ báu là bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn cư sĩ, cư sĩ báu là bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn Sát Lỵ, chủ binh báu là bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn thành, Câu Thi Bà Đề là bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn cung điện, chánh pháp Điện là bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn lầu, Đại Chánh lầu là bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn giường, thảy đều bằng các thứ báu hoàng kim, bạch ngân. Bên trên giường trải nệm lông, chăn lông các thứ.
Tám vạn bốn ngàn ức áo bằng các thứ vải như sơ ma, ca thi, kiếp ba là bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn thức ăn, mỗi ngày dọn mỗi món khác nhau.
A Nan, bấy giờ, vào buổi sáng sớm, Vua Thiện Kiến cưỡi Tề Tượng Vương, cùng với tám vạn bốn ngàn thớt voi, ra khỏi thành Câu Thi, xem xét thiên hạ, đi khắp bốn biển. Trong khoảng chốc lát, trở về thành ăn cơm.
Rồi cưỡi lực mã bảo, cùng với tám vạn bốn ngàn ngựa, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành xuất du, xem xét thiên hạ, đi khắp bốn biển.
Trong chốc lát, trở về thành ăn cơm. Cưỡi xe kim luân, lực mã bảo kéo, cùng với tám vạn bốn ngàn cỗ xe, vào buổi sáng sớm xuất du, xem xét thiên hạ, đi khắp bốn biển.
Trong chốc lát trở về thành ăn cơm. Cùng với tám vạn bốn ngàn minh châu, dùng thần châu bảo soi sáng nội cung. Ngày đêm luôn luôn sáng.
Với tám vạn bốn ngàn ngọc nữ, ngọc nữ bảo khôn ngoan, khéo léo, hầu hạ phục thị hai bên.
Với tám vạn bốn ngàn cư sĩ, mọi thứ nhu yếu đều giao cho cư sĩ báu lo.
Với tám vạn bốn ngàn Sát Lỵ, nếu có chinh phạt, giao cho chủ binh báu.
Với tám vạn bốn ngàn thành, thủ đô trụ sở thường trực ở Câu Thi Thành.
Với tám vạn bốn ngàn cung điện, Vua thường ngự ở chánh pháp Điện.
Với tám vạn bốn ngàn lầu, chỗ Vua thường nghỉ là Đại Chánh Lầu.
Với tám vạn bốn ngàn chỗ ngồi, Vua thường ngồi trên tòa pha lê, vì để an thiền.
Với tám vạn bốn ngàn ức y, trang sức bằng thượng diệu bảo, tùy ý mà mặc để che người cho khỏi hổ thẹn.
Với tám vạn bốn ngàn thức ăn, Vua thường ăn thức ăn tự nhiên. Vì là tri túc.
Khi tám vạn bốn ngàn thớt voi hiện đến, chúng dày xéo, dẫm đạp, làm hại chết chúng sanh không kể xiết.
Vua bèn tự nghĩ: Đám voi này làm thương tổn chúng sanh quá nhiều. Từ nay về sau, cứ một trăm năm mới cho hiện một con voi. Lần lượt như vậy cho đến hết vòng thì quay trở lại.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với A Nan: Vua Đại Thiện Kiến thầm nghĩ: Ta sẵn chứa công đức gì, tu được điều lành gì mà nay được quả báo đẹp đẽ như thế?
Vua lại nhớ rằng nhờ ba nhân duyên mà gây được phúc báo đó.
Ba nhân duyên ấy là gì?
Một là bố thí, hai là trì giới, ba là thiền tứ.
Vua lại suy nghĩ: Nay ta đã được thọ hưởng phúc báo nhân gian, ta hãy tiến tu thêm về phúc nghiệp Cõi Trời. Ta hãy tự hạn chế và bớt đi, lánh chỗ ồn ào, ẩn ở chỗ yên tĩnh để tu luyện đạo thuật.
Rồi Vua liền sai gọi ngọc nữ Hiền Thiện đến, bảo rằng: Nay ta đã được thọ hưởng phúc báo nhân gian, ta hãy tiến tu thêm về phúc nghiệp Cõi Trời. Ta hãy tự hạn chế và bớt đi, lánh chỗ ồn ào, ẩn ở chỗ yên tĩnh để tu luyện đạo thuật.
Ngọc nữ đáp: Kính vâng. Xin tuân lời Đại Vương dạy. Rồi sắc lệnh cho cả trong ngoài từ nay miễn sự chầu hầu. Vua liền lên pháp điện, vào tòa lầu bằng vàng, ngồi trên giường ngự bằng bạc, tư duy tham dục là ác bất thiện. Với giác và quán, có hỷ và lạc phát sanh từ sự viễn ly, chứng đắc thiền thứ nhất.
Trừ giảm giác và quán, nội tín, hoan duyệt, nhiếp tâm chuyên nhất, không giác không quán, có hỷ và lạc do định sanh, chứng thiền thứ hai. Xả hỷ thủ hộ chuyên niệm không loạn, tự cảm biết thân lạc, điều mà Hiền Thánh mong cầu, cùng hành với hộ, niệm và lạc, chứng đắc thiền thứ ba.
Xả bỏ khổ và lạc, trừ diệt ưu và hỷ từ trước, không khổ, không lạc, hộ và niệm thanh tịnh, chứng đắc thiền thứ tư.
Rồi Vua Thiện Kiến rời khỏi giường ngự bằng bạc, ra khỏi lầu vàng, đi đến lầu đại chánh, ngồi trên giường lưu ly tu tập về từ tâm, rải lòng từ đầy khắp một phương này rồi đến một phương khác cũng vậy, trùm khắp, rộng lớn, không hai, không hạn lượng, trừ mọi sân hận, tâm không còn chút ganh ghét, mà vui điều tĩnh mặc từ nhu.
Rồi tiếp tu về bi tâm, hỷ tâm, xả tâm cũng như thế.
Bấy giờ, ngọc nữ báu thầm tự suy nghĩ: Đã lâu không thấy tôn nhan, tưởng nên đến hầu thăm một phen. Nay nên diện kiến Đức Vua.
Rồi ngọc nữ báu Hiền Thiện nói với tám vạn bốn ngàn các thể nữ rằng: Các ngươi mỗi người hãy tắm gội nước thơm, trang điểm y phục. Sở dĩ như vậy vì đã lâu chúng ta không gặp tôn nhan, nên hãy hầu thăm một phen.
Thể nữ nghe thế, thảy đều trang điểm y phục, tắm gội sạch sẽ.
Rồi ngọc nữ nói với chủ binh báu thần tập họp bốn chủng quân, rằng: Đã lâu chúng ta không gặp tôn nhan, nên hãy hầu thăm một phen.
Chủ binh báu thần liền tập họp bốn chủng quân, thưa với ngọc nữ báu: Bốn chủng quân đã tập. Nên biết thời. Rồi ngọc nữ báu dẫn tám vạn bốn ngàn thể nữ, cùng với bốn thứ quân đi đến vườn Kim Đa Lân. Ấm thanh chấn động của đại chúng vang đến Vua. Nghe thế, Vua đi đến cửa sổ để xem. Ngọc nữ báu lúc ấy đứng một bên trước cửa.
Thấy ngọc nữ báu, Vua liền nói: Ngươi khỏi bước tới. Ta sẽ ra xem. Vua Thiện Kiến rời tòa pha lê, ra khỏi lầu Đại Chánh, đi xuống chánh pháp điện, cùng với ngọc nữ đi đến vườn Đa Lân, ngồi lên chỗ soạn sẵn. Lúc ấy dung sắc Vua Thiện kiến tươi sáng hơn hẳn bình thường.
Ngọc nữ báu Hiền Thiện tự nghĩ: Nay, sắc mặt Đại Vương hơn hẳn bình thường.
Có điềm lạ gì chăng?
Rồi ngọc nữ báu tâu Vua: Đại Vương, nay nhan sắc khác thường.
Há không phải là điềm sắp xả thọ mạng chăng?
Nay tám vạn bốn ngàn voi này, bạch tượng bảo là bậc nhất, được trang sức bằng vàng bạc, với bảo châu làm tua dải, tất cả là sở hữu của Vua.
Mong Vua lưu ý một chút, cùng chung vui hưởng, chớ xả bỏ tuổi thọ mà bỏ rơi vạn dân. Lại tám vạn bốn ngàn ngựa, lực mã vương bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn cỗ xe, kim luân bảo bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn minh châu, thần châu bảo bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn ngọc nữ, ngọc nữ báu bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn cư sĩ, cư sĩ báu bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn Sát Lỵ, chủ binh báu là bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn thành, Câu Thi thành bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn cung điện, chánh pháp điện bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn tòa lầu, đại chánh lầu bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn tòa ngồi, bảo sức tòa bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn ức y, nhu nhuyến y bậc nhất.
Tám vạn bốn ngàn thức ăn, mỗi vị đều quý hiếm.
Hết thảy bảo vật ấy đều thuộc về Vua.
Mong Vua lưu ý một chút, cùng chung vui thú, chớ xả thọ mạng, bỏ rơi vạn dân.
Vua Thiện Kiến nói với ngọc nữ báu: Từ trước đến nay, ngươi cung phụng ta một cách từ hòa kính thuận, chưa bao giờ nói lời thô lậu, sao nay ngươi lại có lời ấy?
Ngọc nữ tâu: Chẳng hay lời ấy có gì không thuận.
Vua nói: Những thứ mà ngươi vừa nói, voi, ngựa, xe cộ, đền đài, y phục, hào soạn quý báu kia đều vô thường, không giữ gìn lâu được, mà khuyên ta lưu lại hưởng thụ, như thế có thuận chăng?
Ngọc nữ tâu: Chẳng hay phải nói thế nào mới là thuận?
Vua bảo: Giá ngươi nói, các thứ voi, ngựa xe cộ, đền đài, y phục, hào soạn đều vô thường, không giữ gìn lâu được, mà khuyên ta đừng mê luyến đến làm gì cho lao thần tổn tứ.
Vì mạng Vua chẳng còn bao lâu sẽ qua đời khác. Hễ có sanh tất có chết, có hợp tất có ly, đâu phải sống đời ở đây được. Vậy hãy cắt đứt ân ái để chuyên tâm vào đạo lý. Nếu ngươi nói như thế mới là kính thuận.
Này A Nan, nghe lời Vua dạy như thế, ngọc nữ buồn khóc than thở, gạt nước mắt mà nói: Các thứ voi, ngựa xe cộ, đền đài, y phục, hào soạn đều vô thường, không giữ gìn lâu được, đừng mê luyến đến làm gì cho lao thần tổn tứ.
Vì mạng Vua chẳng còn bao lâu sẽ qua đời khác. Hễ có sanh tất có chết, có hợp tất có ly, đâu phải sống đời ở đây được. Vậy hãy cắt đứt ân ái để chuyên tâm vào đạo lý.
Này A Nan, ngọc nữ báu kia vừa nói xong giây lát, Thiện Kiến Vương bỗng nhiên mệnh chung, không chút đau khổ, như kẻ tráng sĩ trong một bữa ăn ngon, hồn thần sanh lên Cõi Trời Phạm Thiên thứ bảy.
Sau khi Vua băng hà bảy ngày, các thứ luân bảo, thần châu biến mất, voi báu, ngựa báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, quân binh báu cũng một ngày chết hết. Thành ao, pháp điện, đền đài, các thứ trang sức bằng báu, vườn Kim đa lân, đều biến thành gỗ, đất.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Lực - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Mười - Chuyển Công đức Hạnh
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Chín - Phẩm đẳng Pháp - Phần Ba
Phật Thuyết Muôn Pháp Hội Trổ Một Hoa Vô Tướng - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bản Sự