Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Bảy - Pháp Hội Phú Lâu Na - Phẩm Thứ Sáu - Phẩm đại Bi
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ MƯỜI BẢY
PHÁP HỘI PHÚ LÂU NA
PHẨM THỨ SÁU
PHẨM ĐẠI BI
Bấy giờ Ngài Đại Mục Kiền Liên suy nghĩ rằng: Đức Thế Tôn hy hữu. Đức Thế Tôn thành tựu đại bi như vậy hay khéo giải thuyết sự việc của Chư Bồ Tát.
Tại sao?
Bởi Chư Bồ Tát đầy đủ tu tập Phật Pháp vì vô sanh diệt mà khai thị giác ngộ các chúng sanh.
Đức Phật biết chỗ suy nghĩ của Đại Mục Kiền Liên nên bảo Ngài rằng: Đúng như vậy, này Đại Mục Kiền Liên! Chư Phật thành tựu tâm đại bi, nếu hàng đệ tử của ta nghe nói đầy đủ nghĩa đại bi ấy thì chắc chắn tâm sẽ mê loạn không còn vui thích gì nữa.
Này Đại Mục Kiền Liên! Đừng nói đại bi của Như Lai, nếu Phật tự thuật đại bi được có lúc Phật làm Bồ Tát, ông nghe cũng sẽ mê muộn không còn vui thích gì nữa.
Ngài Đại Mục Kiền Liên bạch rằng: Lành thay Đức Thế Tôn! Xin nói chút ít phần đại bi thuở Đức Phật làm Đạo Bồ Tát.
Đức Phật bảo Ngài Đại Mục Kiền Liên: Nay ông lắng nghe, khéo nhớ và thọ trì sẽ vì ông mà nói chút ít phần đại bi lúc làm Đạo Bồ Tát. Sẽ dùng thí dụ để giải thuyết nghĩa ấy. Thuở trước lúc tu Bồ Tát Đạo thật hành đại bi nói chẳng hết được. Mà đại bi ấy y chỉ nơi bốn sự.
Những gì là bốn?
Đại bi ấy của Bồ Tát, theo chỗ an trụ nơi đại bi Bồ Tát hay tu tập Phật Pháp, gọi là đại bi.
Trước kia Phật có đại bi như vậy, có đại nguyện như vậy: Bao nhiêu chúng sanh bị khổ não nơi A Tỳ Địa Ngục, nơi hỏa nhiệt đại địa ngục, nơi hàn băng đại địa ngục, tôi thường thay thế các chúng sanh ấy mà chịu khổ trong các đại địa ngục, cho đến lúc tội xong hết chịu các sự khổ, lòng tôi không hề hối hận.
Này Đại Mục Kiền Liên! Nếu có các chúng sanh do nhân duyên ấy mà đắc độ, ta có thể thay thế tất cả khiến các chúng sanh ra khỏi đại địa ngục, ta thay thế họ chịu khổ, một lần vào địa ngục làm mãn hết tội nghiệp của các chúng sanh trong ấy, lúc bấy giờ lòng ta không hề lo buồn ăn năn.
Thuở ấy, ta phát đại nguyện tinh tấn như vậy rồi tìm hỏi các bậc trí huệ, đó là Chư Phật và hàng đệ tử Phật có được đạo lý nhân duyên thay thế chúng sanh chịu khổ như vậy mà làm cho các chúng sanh ra khỏi địa ngục chăng?
Các bậc trí huệ nghe ta hỏi, đều vì ta mà tán thán nói về đa văn sâu phát tâm Bồ Đề bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, khen nói sự gần gũi thiện tri thức.
Được nghe lời khen dạy ấy, ta phát đại tinh tấn. Vì cầu Phật Pháp nên ta phát đại nguyện cầu được thành tựu pháp lớn của Chư Phật, siêng tu tinh tấn đầy đủ các Ba la mật, thật hành sâu về hạnh nhẫn nhục.
Này Đại Mục Kiền Liên! Thuở trước ta thật hành sâu về hạnh nhẫn nhục thế nào?
Lúc làm Bồ Tát ta phát tâm như vậy: Bao nhiêu chúng sanh ở mười phương, hoặc có sắc hay không sắc, hoặc có tưởng hay không tưởng, hoặc phi hữu tưởng phi vô tưởng, giả sử các chúng sanh ấy đều được thân người đều đến chỗ ta mà nói rằng: Ông phát tâm vô thượng bồ đề, chúng ta phần đông thiếu thốn ngũ dục lạc, thiếu những đồ cần để sống, nếu ông chẳng cung cấp đủ cả cho tất cả chúng tôi thì ông chẳng được vô thượng bồ đề.
Vì chẳng được vừa ý nên các chúng sanh ấy đều ác khẩu mắng nhiếc chửi rủa và dùng dao gậy ngói đá gia hại thân ta, lúc ấy ta chẳng nên giận hờn, chẳng nên hối hận.
Ta phải tự điều phục tâm mình như vậy: Các chúng sanh ấy ngu si chẳng biết sanh khởi nghiệp ngu si. Nếu đối với các chúng sanh ngu si ấy mà ta khởi giận hờn thì có khác gì họ là chẳng nhập đạo.
Nay ta nhập đạo lành nơi các chúng sanh ấy lãnh nhận sự khổ chẳng khởi sân nghiệp, lòng ta phải như mặt đất bình đẳng hứng chịu các thứ tốt xấu. Thuở trước ta sâu thật hành nhẫn nhục như vậy.
Lại này Đại Mục Kiền Liên! Từ lâu ta thường xem tất cả chúng sanh như con một. Như Trưởng Giả giàu lớn tu trăm hạnh Trai giới cầu sanh được một con trai rất cưng yêu không biết chán đủ. Trưởng Giả ấy đối với con trai thường cầu sự tốt, thường cho sự tốt, thường ban lợi ích, chẳng để suy não.
Cũng vậy, này Đại Mục Kiền Liên! Từ lâu ta đối với các chúng sanh thường xem như con một, thường vì các chúng sanh mà cầu sự tốt để lợi ích cho họ chẳng để suy não.
Với các chúng sanh thất đạo, các chúng sanh tà đạo, ta chỉ dạy họ chánh đạo khiến họ an trụ trong chánh đạo. Do cớ ấy nên biết rằng Đức Như Lai từ lâu đối với các chúng sanh rất thương nhớ họ xem họ như con một.
Này Đại Mục Kiền Liên! Thuở quá khứ có đoàn người đi buôn ban đêm lạc đường, vì đêm tối nên chẳng biết phải đi hướng nào đều nói rằng: Chúng ta lạc đường không ai cứu không chỗ về không nơi y chỉ, có ai hoặc Trời hoặc rồng hoặc thần hoặc nhân, Phi nhân dẫn dắt chúng tôi giữa đêm tối đến đường chánh, ai có thể thương xót làm lợi ích chúng tôi, làm ánh sáng cho chúng tôi giữa đêm tối tăm nơi đường hiểm này.
Này Đại Mục Kiền Liên! Bấy giờ trong rừng vắng có Tiên Nhân ở thảo am giữa đêm nghe đoàn người buôn kêu than ai oán tự nghĩ rằng: Giữa đêm tối nới rừng vắng này đoàn người bị lạc đường nếu ta chẳng cứu họ thì chẳng phải. Hoặc họ sẽ bị các ác thú giết hại.
Nghĩ xong Tiên Nhân kêu to bảo các người buôn rằng: Các người chớ sợ, tôi sẽ cứu các người, tôi sẽ làm ánh sáng chỉ con đường chánh. Kêu gọi an ủi đoàn người buôn xong, Tiên Nhân ấy lấy áo lông bó quấn hai tay nhúng đầy dầu rồi châm lửa đốt làm đuốc sáng chỉ đường cho đoàn người buôn.
Mọi người thấy vậy đều nghĩ rằng: Nay Tiên Nhân này thật hi hữu vì cứu chúng ta mà chẳng tiếc thân mạng.
Lúc Tiên Nhân dùng ánh sáng nơi hai cánh tay chỉ đường cho đoàn người buôn xong, đối với các chúng sanh lòng từ bi càng tăng thêm nguyện rằng: Lúc tôi được vô thượng bồ đề, với chúng sanh tà đạo, tôi sẽ làm ánh sáng pháp dạy họ chánh đạo.
Này Đại Mục Kiền Liên! Thuở quá khứ ấy dầu đốt hai tay mà thân tâm ta chẳng biến đổi.
Tại sao?
Vì thâm tâm của Bồ Tát ở nơi sự lợi ích cho người chẳng tham tiếc thân mạng, do nhân duyên dùng tâm thanh tịnh bố thí nên hai cánh tay bình phục như cũ chẳng có thương tích.
Đoàn người buôn được đường chánh đến sáng thấy hai cánh tay Tiên Nhân không bị thương tích liền sanh ý tưởng hi hữu: Nay Tiên Nhân này có đại thần lực, suốt đêm đốt hai cánh tay soi sáng cho chúng ta được con đường chánh mà cả hai tay đều không bị thương tích, chắc chắn đã nên hạnh lớn, chắc chắn có đức lớn.
Họ thưa Tiên Nhân rằng: Lành thay Đại Tiên! Có thể làm khổ hạnh khó làm đệ nhất, nay dùng công hạnh này Ngài muốn nguyện điều chi?
Tiên Nhân nói với đoàn người buôn: Do sự việc này ta nguyện khi được vô thượng bồ đề rồi sẽ độ các người ra khỏi khổ sanh tử, với chúng sanh tà đạo sẽ vì họ mà nói chánh đạo.
Đoàn người buôn đều rất vui mừng thưa rằng: Chúng tôi nên dùng gì để báo đáp ơn đức của Ngài?
Tiên Nhân bảo: Các người nên chuyên làm điều lành chớ có phóng dật.
Đoàn người buôn đồng thưa: Kính nghe lời dạy. Họ đều vui mừng cung kính từ biệt mà đi.
Này Đại Mục Kiền Liên! Thuở quá khứ ấy, Tiên Nhân đốt hai cánh tay làm đuốc sáng soi đường chính là thân ta, còn đoàn người buôn này là ngàn hai trăm năm mươi Đại Tỳ Kheo vậy.
Từ lâu Đức Như Lai đối với chúng sanh sợ hãi thì bố thí vô uý cho họ. Đối với chúng sanh tà đạo thì chỉ con đường chánh. Với chúng sanh không mắt sáng thì khiến họ được mắt thanh tịnh. Với chúng sanh bệnh nặng thì chữa trị cho lành. Do duyên cớ ấy nên phải biết rằng Như Lai từ lâu thường đối với các chúng sanh rất có lòng đại bi.
Lại này Đại Mục Kiền Liên! Quá khứ xa xưa, trong Diêm Phù Đề này đến kiếp bệnh tật lớn, khắp nơi chúng sanh bị bệnh lớn làm khổ. Bấy giờ Vua Diêm Phù Đề tên Ma Ha Tu Na có tám vạn bốn ngàn đại thành, Vua có oai thế tự tại. Phu Nhân lớn nhất mang thai, nếu lấy tay chạm đến ai thì người ấy liền lành bệnh. Đầy tháng sanh con trai.
Vừa sanh xong hoàng nam ấy liền cất tiếng nói: Tôi có thể chữa trị các người bệnh.
Lại lúc sanh, trong Diêm Phù Đề Chư Thiên quỷ thần đều xướng lời rằng: Hoàng nam được sanh đây là nhân dược. Vì âm thanh ấy vang khắp nơi, mọi người đều nghe nên đặt tên là Nhân Dược. Người thời ấy đều tuần tự mang bệnh nhân đến cho Vương Tử điều trị. Khi bệnh nhân đến, Vương Tử hoặc tay chạm thân đụng thì bệnh liền lành an ổn khoái lạc.
Trong ngàn năm Vương Tử Nhân Dược trị bệnh cho mọi người, sau đó mạng chung.
Các người bệnh đến hay tin Vương Tử đã chết đều buồn rầu khóc than: Ai là người cứu khổ chúng tôi. Họ tìm đến chỗ thiêu thi hài lấy tro xương tán mịn thoa lên thân tất cả bệnh liền lành. Họ đồng xướng to rằng tro tàn của thi hài Vương Tử Nhân Dược còn có thể trị lành bệnh. Khi đã dùng hết tro xương, mọi người lấy đất chỗ thiêu thi hài thoa lên thân bệnh cũng được lành.
Này Đại Mục Kiền Liên! Vương Tử Nhân Dược thuở xưa dùng phương tiện trị bệnh cho người ở kiếp đại bệnh ấy chính là thân ta vậy. Đối với các chúng sanh bệnh tật không ai cứu không chỗ y tựa, ta cứu trị cho họ. Nay ta được vô thượng bồ đề cũng dùng thuốc đại trí huệ chữa trị cho các chúng sanh cứu cánh hết khổ. ta vì chúng sanh mà thọ thân, tùy theo sự gì có thể lợi ích cho họ thì làm lợi ích.
Lại này Đại Mục Kiền Liên! Quá khứ xa xưa ta từng di một mình, có ác thú đến muốn ăn thịt.
Lúc sắp chết lòng ta phát nguyện rằng: Sau khi chết tôi sẽ sanh trong rừng vắng này làm thân thú lớn, sẽ làm cho các ác thú sát hại tôi đều được no đủ. Tại sao, vì các ác thú thường bắt giết các thú nhỏ ăn mà chẳng được no đủ.
Sau khi chết ta liền sanh làm thân thú to lớn ở tại rừng hoang vắng ấy cho các ác thú uống máu ăn thịt, tất cả đều được no đủ. Như vậy lần lượt đến trăm ngàn vạn ức na do tha đời ấy ta cố ý thọ thân để làm lợi ích các chúng sanh.
Này Đại Mục Kiền Liên! Nếu ta tự nói lúc hành đạo Bồ Tát đem thịt máu nơi thân mà bố thí cho chúng sanh được no đủ, dầu nói đến cả một kiếp hay dưới một kiếp cũng chẳng hết. Với các chúng sanh khổ não ta sanh lòng đại bi làm lợi ích cho họ như vậy.
Lại này Đại Mục Kiền Liên! Quá khứ xa xưa ta nhớ thân trước của ta thấy các chúng sanh khổ não nên nghĩ rằng: Nay tôi chẳng nên bỏ họ mà chẳng cứu.
Liền đến chỗ họ mà hỏi họ có sự khổ gì có cần muốn gì?
Họ đáp: Chúng tôi rất đói khát.
Hỏi: Cần thứ gì để ăn uống?
Họ đáp: Nay chúng tôi chỉ muốn uống máu ăn thịt. Nếu có thể đem thân máu thịt cho chúng tôi ăn uống thì chúng tôi rất sung sướng không còn đau khổ nữa. Lúc ấy ta hứa cho và liền cắt thịt hứng máu cho họ ăn uống.
Lòng ta chẳng hề hối hận chẳng sầu chẳng mê, chỉ suy nghĩ rằng: Nay tôi cắt thịt cũng sứt được phần khổ sanh tử cho họ. Tôi sẽ mãi mãi vui thích bố thí như vậy. Bố thí như vậy rồi ta rất vui sướng. Do duyên cớ ấy mà biết rằng Như Lai đối với các chúng sanh có lòng đại bi rất sâu vậy.
Lại này Đại Mục Kiền Liên! Ta nhớ thuở quá khứ có Quốc Vương tên Đại Lực có đức lớn thiện căn dầy.
Nhà Vua ấy nghĩ rằng: Nay ta sao chẳng lập hội đại thí tha hồ kẻ đến cầu xin: Cần ăn cho thức ăn, cần uống cho thức uống, cần y phục cho y phục, cần ngọa cụ cho ngọa cụ, cần thuốc men cho thuốc men, cần vàng bạc thất bảo của cải đều cấp cho cả, đến tôi trai tớ gái xe cộ voi ngựa bò dê ruộng đất sản nghiệp hương hoa phan lọng lục vải cũng đều cung cấp đủ.
Bấy giờ Thiên Đế Thích nghĩ rằng: Sao ta chẳng làm sự chướng ngại cho Vua ấy chẳng trọn bố thí.
Liền hóa làm Bà La Môn đến hỏi Vua Đại Lực rằng nay hội thí này bố thí thứ chi?
Vua đáp: Tôi có thứ gì đều bố thí cả chẳng hối tiếc.
Bà La Môn hỏi: Chí nguyện của Nhà Vua như vậy, nay tôi có chỗ muốn cầu xin, có cho được chăng?
Vua đáp: Tôi đã nói có gì đều cho cả.
Bà La Môn nói: Nhà Vua đã bảo như vậy, nay tôi cần từng phần thân của Vua.
Đại Lực Vương nghĩ rằng: Bà La Môn này chẳng cần của tiền đồ vật mà muốn phá sự đại thí này. Nếu ta chẳng đem thân phần của ta để cho ông ấy thì chính ta tự phá hội đại thí.
Suy nghĩ xong, Vua bảo Bà La Môn: Tôi cho người thân phần của tôi, người cứ chặt lấy mang đi.
Bà La Môn hỏi: Nhà Vua nói như vậy mà chẳng hối hận ư?
Vua nói: Lòng tôi chẳng hối tiếc. Chỉ vì hôm nay có nhiều người từ bốn phương đến xin tôi đều phải cung cấp cho họ được đầy đủ.
Bà La Môn nói: Nay một mình tôi còn chẳng đầy đủ luận chi đến người khác.
Bấy giờ Vua Đại Lực cầm dao bén tự chặt đứt cánh tay cho Bà La Môn nói rằng: Người nên lấy một cánh tay này. Lúc chặt cánh tay, Vua Đại Lực không động tâm không hối hận, vì nhất tâm bố thí và vì hay xả bỏ tất cả nên cánh tay Vua bình phục như cũ.
Thiên Đế Thích do duyên cớ ấy mà mất hết phước trời lòng nóng đốt khổ não kêu la, hiện thân sa vào đại địa ngục A tỳ.
Này Đại Mục Kiền Liên! Thuở xưa ấy Vua Đại Lực đem thân mình bố thí chính là thân ta. Còn Thiên Đế Thích muốn chướng ngại hội đại thí là thân trước của Điều Đạt vậy.
Thuở xưa ấy, Điều Đạt si nhân lòng ganh tị muốn phá hội đại thí của ta mà chẳng phá được rồi bị đọa địa ngục A tỳ. Ngày nay ta được vô thượng bồ đề lập đại pháp thí, Điều Đạt si nhân vẫn còn ganh tị tham lợi dưỡng cùng người hiệp mưu muốn giết ta.
Trong lúc ta kinh hành dưới núi Kỳ Xà Quật, Điều Đạt trèo lên núi dùng cơ quan xeo lăn đá khối tự phá căn lành của mình sanh lòng ác đối với ta mà phải mất lợi dưỡng thế lực tôn quí đọa vào đại địa ngục A tỳ.
Này Đại Mục Kiền Liên! Đối với Điều Đạt si nhân từ nào ta không có thân khẩu ý ác, mà ông ấy mãi oán thù ta, đời đời muốn chướng ngại sự tu tập hạnh lành của Ta, nhưng vẫn chẳng chướng ngại được. Ta thường lấy đức từ bi ban bố mà vẫn chẳng khiến được ông ấy có tình thân với ta. Điều Đạt đời đời chẳng biết ơn ta, cũng chẳng biết ơn Trời người thế gian. Người như vậy thì nhập vào hạng tà định.
Này Đại Mục Kiền Liên! Sau này lúc sắp vào địa ngục A tỳ, đối với ta mới sanh lòng tốt sâu chắc, đó cũng là do sức oai thần của Như Lai.
Lúc sắp sa vào địa ngục A tỳ, Điều Đạt si nhân chẳng biết ơn ấy nghe có tiếng gọi to rằng: Điều Đạt si nhân giận thù Đức Phật, nơi đấng chẳng thể giết hại được mà muốn ngang khởi nhân duyên giết hại, do tội ấy nên nay sa vào đại địa ngục A tỳ.
Nghe lời xướng to ấy, Điều Đạt rất đỗi kinh sợ, lòng liền điều phục mà nói rằng: Nay tôi đem cả cốt tủy nhất tâm quy mạng nơi Phật. Kêu lớn như vậy xong, lòng Điều Đạt liền được an vui kính tin nơi Phật, liền sa vào địa ngục A tỳ. Do duyên lành ấy, sau này khi ra khỏi địa ngục được sanh trong loài người xuất gia tu hành thành Bích Chi Phật Hiệu là Cốt Tủy.
Này Đại Mục Kiền Liên! Nay Phật thọ ký cho Điều Đạt được làm Bích Chi Phật rồi thì đã thoát khổ sanh tử. ta độ cho Điều Đạt như bổn nguyện của ta.
Đời trước ta muốn độ Điều Đạt mà bảo rằng: Ta sẽ độ ngươi mà không độ ai khác.
Này Đại Mục Kiền Liên! Điều Đạt chỉ ở chỗ ta mà gieo nhân duyên Niết Bàn chớ chẳng gieo chỗ khác. Từ đây về sau Điều Đạt cũng chẳng ở chỗ khác trồng căn lành mà chỉ ở chỗ ta phát lòng tin thanh tịnh nói rằng quy mạng Phật. Do nhân duyên căn lành này nên ngày sau sẽ được đạo Bích Chi Phật.
Này Đại Mục Kiền Liên! Ta thường từ lâu thương nhớ chúng sanh như cha mẹ thương nhớ con một, thương họ côi cút nghèo cùng không có tài vật, qua lại sanh tử ác đạo hiểm nạn ngu si vô trí mù lòa không con mắt, ai dắt đường họ, ai hay cứu họ, chỉ có một mình Phật phải dắt cứu họ.
Này Đại Mục Kiền Liên! Ta nghĩ tưởng như vậy rồi, nếu có chúng sanh ác khẩu mắng ta, ta chẳng mắng lại, trách chửi ta, ta chẳng chửi lại, giận thù ta, ta trọn chẳng giận lại.
Tại sao?
Vì đối với tất cả chúng sanh ta phải thường ban cho an vui trọn vẹn, phải thường trừ dứt tất cả khổ não suy loạn mà chẳng nên làm khổ làm não họ. Đối với các chúng sanh ấy, ai có thể nhẫn nhịn, chỉ có ta hay nhẫn nhịn. Nay ta phải học pháp chúng sanh nhẫn, pháp thiện tịch diệt, pháp nhu hòa thuận, phải như voi chúa điều phục chớ chẳng như voi chẳng điều phục.
Ví như voi chúa điều phục lúc vào chiến trận lòng chẳng thối khuất có thể chịu được tiếng trống tiếng loa tiếng sừng tiếng hô to, nghe các thứ tiếng ghê rợn ấy chẳng kinh chẳng sợ, có thể chịu đựng được lạnh nóng muỗi mòng độc trùng gió mưa đói khát, có thể chịu được vết thương vì đao kiếm cung nỏ roi gậy mà xông thẳng vào trận chiến chẳng lui chẳng khuất. Voi lớn điều phục ấy chẳng có ý nghĩ ta chẳng xông vào được trận giặc mà nó chỉ nghĩ ta sẽ thắng giặc.
Này Đại Mục Kiền Liên! Lúc ta hành Đạo Bồ Tát phát tâm nguyện lớn cũng như vậy, đối với các chúng sanh ta điều phục tâm mình. Nếu có ai ác khẩu chửi mắng ta chẳng mắng lại, họ giận thù đánh giết tranh giành ta đều chẳng báo oán.
Ta luôn chẳng thối chuyển nơi vô thượng bồ đề cũng chẳng phân biệt sự này chịu được sự kia chẳng chịu được, đây nên thân cận, kia chẳng nên thân cận. Trong tất cả sự không lo sầu không hối hận không giận hờn.
Lòng không hề chán rời sự Bồ Tát, chẳng bao giờ có ý nghĩ ta chẳng vào được trận giặc lớn ma chướng phiền não, mà chỉ nghĩ rằng ta có thể phá tan trận giặc ác to lớn để được vô thượng bồ đề hầu cứu độ vô lượng chúng sanh trong Tam giới sanh tử khổ.
Này Đại Mục Kiền Liên! Thuở ta làm đạo Bồ Tát trước kia, ta tu hành nhẫn nhục, bao nhiêu sự từ bi đối với chúng sanh, nếu dùng lời để nói thì không thể hết được.
Lại này Đại Mục Kiền Liên! Quá khứ xa xưa có ngoại đạo tên Nhẫn Lực thọ pháp như vậy: Với các chúng sanh tôi chẳng sanh lòng giận hờn. Bây giờ có ma tên Ác Ý nghĩ rằng nay ta sẽ đến chỗ Tiên Nhân phá hoại pháp nhẫn nhục khiến sanh sân hận hư mất tâm nhẫn nhục.
Ma liền sai ngàn người mắng chửi giỏi đến vây quanh Tiên Nhân buông lời ác chửi mắng, lúc đi cũng mắng, vào tụ lạc cũng mắng, lúc ăn cũng mắng, ăn xong cũng mắng, đứng dậy cũng mắng.
Ra khỏi tụ lạc cũng mắng, về đến rừng cây chỗ cư ngụ cũng mắng, lúc đứng lúc ngồi nằm lúc kinh hành đều mắng chửi, cho đến thở ra thở vào cũng mắng, luôn theo mắng chửi không lúc nào nghỉ.
Ngàn người do ma sai khiến ấy mắng chửi suốt tám muôn bốn ngàn năm, còn ma Ác Ý lúc Tiên Nhân vào tụ lạc nó tự lấy cứt đái đổ lên đầu lên bát lên y lên thân của Tiên Nhân.
Tiên Nhân Nhẫn Lực dấu bị mắng nhục cả tám vạn bốn ngàn năm mà lòng chẳng hề giận hờn, chẳng hề có quan niệm lui bỏ hạnh tu, chẳng tự nói tôi có tội lỗi gì, cũng chẳng dùng ác nhãn nhìn ngó kẻ ác.
Sau tám vạn bốn ngàn năm vây quanh mắng chửi Tiên Nhân Nhẫn Lực, ngàn người giỏi mắng ấy biết chẳng phá hoại được nên sanh lòng tin thanh tịnh sám hối trừ tội và thưa rằng: Ngài tu tập cầu được pháp gì chúng tôi cũng nguyện được pháp ấy. Họ cung kính cúng dường tôn trọng khen tặng Tiên Nhân. Được cung kính cúng dường, Nhẫn Lực cũng chẳng sanh lòng tham ái.
Này Đại Mục Kiền Liên! Tiên Nhân Nhẫn Lực thuở xưa chính là thân ta. Thuở ấy ta tu pháp nhẫn nhục, ma Ác Ý sai sai ngàn người mắng chửi làm nhục suốt tám vạn bốn ngàn năm cũng chẳng khiến lòng ta đổi khác được.
Ngàn người giỏi mắng sau khi hối hận sanh lòng tin sám hối tội lỗi theo học Tiên Nhân phát tâm vô thượng bồ đề, an trụ trong Phật Pháp.
Ngàn người ấy đầy đủ Sáu Ba la mật thứ đệ thành Phật đều đã nhập Vô Dư Niết Bàn rồi. Còn ma Ác Ý ấy chính là Điều Đạt vậy.
Lại này Đại Mục Kiền Liên! Ta nhớ đời quá khứ tự đem thân bố thí cho chúng sanh vì người đời mà làm nô bộc. Thuở ấy mọi người sai sử ta. Có người sai ta đổ rửa phân tiểu, có người sai ta đổ đất, dọn cỏ, lấy thóc gạo sữa bơ dầu mật, có người sai ta lấy củi than nước lửa, bao nhiêu thứ dịch vụ như vậy đều sai ta làm.
Này Đại Mục Kiền Liên! Thuở ấy ta chẳng hề sanh tâm niệm rằng có người sai khiến ta làm việc dơ dáy mà không tùy theo, còn sai bảo lấy hoa hương châu báu vật thực dưa trái thì liền tuân lời, ta cũng chẳng hề ham sự vụ tốt mà chê sự vụ cực, ta cũng chẳng hề có quan niệm giai cấp theo Sát Lợi chẳng theo Bà La Môn.
Theo Bà La Môn chẳng theo Sát Lợi, theo Tỳ Xá chẳng theo Thủ Đà, theo Thủ Đà chẳng theo Tỳ Xá, ta chẳng hề phân biệt người lớn người nhỏ, theo kẻ này chẳng theo kẻ kia, hễ ai kêu ta trước thì ta liền vui vẻ theo làm.
Này Đại Mục Kiền Liên! Thuở ta tu Đạo Bồ Tát, ta chẳng nhớ có ai sai ta làm sự việc đúng pháp mà ta chẳng làm dầu ta trọn không có sức, không bao giờ làm việc gì mà không cứu cánh, không bao giờ làm việc lành mà việc lành ấy chẳng trọn vẹn.
Nói tóm lại, thuở ta tu Đạo Bồ Tát, ta chưa hề tham thân huống là tài vật. Ở trong tài vật, ta chẳng có ý tưởng là tài vật của mình, chỉ do nghiệp nhân quả báo trước mà ta có tài vật, ở nơi tài vật ấy ta quan niệm tài vật ấy nên cùng chúng sanh dùng chung, ta có phần trong ấy thì chúng sanh cũng có phần.
Này Đại Mục Kiền Liên! Ta tu đạo Bồ Tát được gần Phật Pháp thì ở trong ấy, vui chẳng tham trước chẳng nhiếp cũng lấy, vui rời xa các pháp, chẳng ưa nhận lấy các pháp, vui tất cả pháp không, chẳng ưa tất cả pháp có, vui tất cả pháp tịch diệt, chẳng ưa tất cả pháp sự tướng, vui bổn tánh vô sở hữu, chẳng ưa bổn tánh có sở hữu.
Này Đại Mục Kiền Liên! Ta nhớ thuở ta tu Đạo Bồ Tát vô lượng trăm ngàn vạn đời, trong đêm tối tăm ta tự đốt thân mình để soi sáng dắt đường cho người đi lạc, tự cắt thịt thân mình bố thí cho loài chúng sanh ăn thịt bị đói, tự chích lấy máu mình thí cho loài chúng sanh uống máu khiến chúng đều được no đủ vui sướng.
Nói tóm lại, ở trong thế gian tất cả tài vật đồ dùng sanh sống cho đến thân thể, đối với các chúng sanh ta trọn chẳng tham tiếc, chẳng não chẳng hại chúng sanh, được người trí bằng lòng, được Hiền Thánh khen ngợi, trong đêm trường ta thường thật hành lòng bi sâu xa đối với các chúng sanh.
Lại này Đại Mục Kiền Liên! Ta nhớ thuở quá khứ làm chủ đoàn buôn tên là Cát Lợi vào đại hải lấy được nhiều châu báu an ổn ra khỏi biển trở lại Bổn Quốc vào thành về đến trước cổng nhà.
Hay tin, có nhiều kẻ ăn xin đến vây quanh nói rằng: Lành thay đại thí chủ Cát Lợi, chúng tôi có chỗ muốn xin, nếu Ngài vui lòng chúng tôi sẽ cầu xin.
Cát Lợi nói: Mọi người cứ xin, nếu tôi có thể cho được thì không hề tham tiếc.
Chúng ăn xin nói: Ngài Cát Lợi vào đại hải được bao nhiêu vật báu quí xin cho hết chúng tôi, được vậy chúng tôi đều được lợi tốt. Cát Lợi liền đem tất cả trân bảo cho chúng ăn xin có đến tám mươi ức châu ma ni, mỗi châu ma ni đều giá trị trăm ức lượng vàng.
Bố thí xong, Cát Lợi chẳng vào nhà mình mà trở lại vào biển tìm lấy trân bảo. Sau khi vào đại hải được châu báu gấp bội, hơn tám mươi năm mới về đến Bổn Quốc. Lúc muốn vào thành thấy người phạm tội bị trói mang đi đến chỗ giết.
Kẻ tử tội xa thấy Cát Lợi liền kêu to: Xin chủ đoàn buôn ban cho tôi sự vô úy cứu tôi khỏi tội chết ban tôi mạng sống. Ngài là đại thí chủ người tốt hiền lành.
Cát Lợi nói với tử tội: Vâng, tôi sẽ cứu người khỏi tội chết ban cho người sự vô úy. Cát Lợi liền đến chỗ ban giám sát tặng mỗi người một châu ma ni giá trị một ức lượng vàng để yêu cầu tạm đình án lịnh chờ Cát Lợi vào tâu Quốc Vương. Cát Lợi liền gấp rút vào thành tâu với Quốc Vương xin đem trân bảo tốt mua mạng sống người ấy.
Quốc Vương nói: Tội người ấy chẳng tha thứ được, chẳng thể mua được. Nếu quyết muốn mua thì có bao nhiêu tài vật ông phải nộp hết cho ta và ông phải chịu chết mới tha người ấy được.
Cát Lợi nghe lời phán của Quốc Vương lòng rất vui mừng mà nói rằng tôi được lợi lớn được sở mãn nguyện, cứu được người ấy rất vừa ý tôi.
Cát Lợi liền đem tất cả tài sản và tất cả châu báu lấy được ở đại hải kể có vô lượng ngàn ức vàng bạc châu báu nộp cho Quốc Vương mà tâu rằng: Xin tha người ấy, tất cả sở hữu của tôi đều hiện ở đây. Quốc Vương nhận tài vật xong truyền đem Cát Lợi đi chém, tay cầm đao bén đưa lên mà chém xuống chẳng được.
Thị thấn cả Kinh đem Cát Lợi về triều tâu sự việc ấy lên Quốc Vương. Nghe tâu, Quốc Vương liền tự cầm đao lên muốn chém xuống, cả hai cánh tay Vua liền rơi rụng xuống đất, quá đau tức, Vua kêu to lên mà chết.
Này Đại Mục Kiền Liên! Chủ đoàn buôn thuở ấy chính là thân ta. Còn Quốc Vương kia là Điều Đạt người ngu si vậy. Thuở xa xưa ấy Điều Đạt muốn giết ta mà chẳng giết được. Đến Đời nay ta được vô thượng bồ đề, Điều Đạt cũng muốn giết ta mà cũng chẳng được.
Tại sao, vì với Như Lai, tất cả thế gian Trời, Người, A Tu La không ai có thể hại được, huống là người ngu si Điều Đạt. Nay Điều Đạt mưu mô tập họp những kẻ ác đến muốn giết ta, ông ấy cũng tự phương tiện muốn giết cho được ta, do đó ông ấy phải mất lợi dưỡng danh tiếng thế lực, thân sống sa thẳng vào địa ngục A tỳ.
Này Đại Mục Kiền Liên! Lúc thật hành đạo Bồ Tát ta chẳng thấy làm lợi ích cho ai bằng làm lợi ích cho Điều Đạt, mà ông ấy chẳng biết ơn nghĩa. Lúc tu đạo Bồ Tát, ta đối với chúng sanh như cha mẹ, do đó mà biết rằng tâm từ của Như Lai luôn luôn sâu đậm đối với chúng sanh.
Lại này Đại Mục Kiền Liên! Thuở quá khứ xa xưa ở bên núi Tuyết có bầy voi năm trăm con, trong đó có voi chúa lớn thân hình khả ái sức mạnh có trí. Chỗ ở của bầy voi rất hiểm trở chỉ có một con đường để đi ra. Bấy giờ có thợ săn rình thấy bầy voi liền suốt đêm đào hố sâu rộng giữa đường hiểm rồi xua đuổi bầy voi đến bên hố, bầy voi không thể vượt qua hố được. Voi chúa liền nằm ngang miệng hố làm cầu cho bầy voi chạy qua.
Bầy voi qua hết rồi voi chúa vọt mình qua khỏi hố.
Lúc ấy sơn thần nói kệ rằng:
Kẻ ác đào hố sâu
Bầy voi có voi chúa
Độ chúng cũng độ mình
Uổng công đào hố sâu.
Này Đại Mục Kiền Liên! Thuở xưa voi chúa ấy chính là thân ta, bầy voi năm trăm con ấy nay là năm trăm Tỳ Kheo bị Điều Đạt khuyến dụ đó, thợ săn thuở ấy nay là bọn ông Điều Đạt như Tỳ Kheo Kiển Đà Đạt Đa, Tỳ Kheo Ca Lâu La Đề Xá, Tỳ Kheo Tam Văn Đà Đạt, Tỳ Kheo Câu La Lê Bà Đạt Đa.
Này Đại Mục Kiền Liên! Từ lâu xa, thấy chúng sanh bị bố úy, ta ban cho họ sự vô úy, thấy chúng sanh khổ não, ta ban cho họ sự an vui, thấy chúng sanh nghèo cùng, ta ban cho họ tài vật, thấy chúng sanh tà đạo, ta chỉ cho họ chánh đạo, thấy chúng sanh bệnh khổ, ta trừ bệnh cho họ, thấy chúng sanh đói khát, ta cho họ ăn uống, đem cả thân thể mình cho các chúng sanh ăn thịt uống máu.
Này Đại Mục Kiền Liên! Khi ta phát nguyện gì, ta đều làm đúng và trọn vẹn, khi ta đã hứa điều chi với chúng sanh thì không bao giờ ta biếng trễ.
Này Đại Mục Kiền Liên! Từ lúc ta phát tâm vô thượng bồ đề đến nay thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, trong thời gian giữa, lời nói ra đều thành thiệt không hề đổi khác, việc làm đều tinh tiến không hề giải đãi thôi bỏ. Bao giờ ta cũng làm đúng như lời nói và lời nói đều đúng như việc làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Tám - Phẩm Lệ - Kinh Tiễn Dụ
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Tám - Phẩm Uế - Kinh Uế Phẩm
Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân - Phần Hai Mươi
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Tiểu Kinh Phương Quảng - Phần Chín - Tùy Miên
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Phương Quảng - Phần Sáu - Thắng Tri
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn - Pháp Hội Tịnh Cư Thiên Thử - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Hai - Pháp Hội Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn