Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Hai - Pháp Hội Bồ Tát Tạng - Phẩm Thứ Chín - Phẩm Tỳ Lê Gia Ba La Mật - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ MƯỜI HAI
PHÁP HỘI BỒ TÁT TẠNG
PHẨM THỨ CHÍN
PHẨM TỲ LÊ GIA BA LA MẬT
PHẦN BA
Này Xá Lợi Phất! Giả sử bao nhiêu chúng sanh trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều thành tựu trí tùy tín hành cả, dùng tất cả trí tùy tín hành ấy đem so sánh với một trí tùy pháp hành thì chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, chẳng bằng một phần trăm ngàn muôn một phần toán, một phần số, một phần dụ, nhẫn đến chẳng bằng một phần Ưu ba ni sa đà.
Lại này Xá Lợi Phất! Giả sử tất cả chúng sanh trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều thành tựu trí tùY Pháp hành muốn đem so sánh với một trí đệ bát nhẫn thì chẳng bằng một phần trăm cho đến chẳng bằng một phần Ưu ba ni sa đà.
Lại này Xá Lợi Phất! Giả sử tất cả chúng sanh trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều thành tựu trí đệ bát nhẫn muốn đem so sánh với một trí Tu Đà Hoàn quả thì chẳng bằng một phần trăm cho đến chẳng bằng một phần Ưu ba ni sa đà.
Lại này Xá Lợi Phất! Giả sử tất cả chúng sanh trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều thành tựu trí Dự Lưu quả muốn đem so sánh với một trí Tư Đà Hàm hướng.
Như vậy, tất cả trí nhất lai hướng muốn đem so sánh với một trí Tư Đà Hàm quả, tất cả trí Tư Đà Hàm quả muốn đem so sánh với một trí A Na Hàm hướng.
Tất cả trí Bất Hoàn hướng muốn đem so sánh với một trí A Na Hàm quả, tất cả trí A Na Hàm quả muốn đem so sánh với một trí A La Hán hướng, tất cả trí vô sanh hướng muốn đem so sánh với một trí A La Hán quả. Tất cả trí A La Hán quả muốn đem so sánh với một trí Độc Giác, tất cả trí Độc Giác muốn đem so sánh với một trí Bồ Tát tu quá trăm kiếp, tất cả trí Bồ Tát tu quá trăm kiếp muốn đem so sánh với một trí Bồ Tát bất thối Chuyển.
Tất cả trí Bồ Tát bất thối Chuyển muốn đem so sánh với một trí Bồ Tát Nhất Sanh Bổ Xứ thì chẳng bằng một phần trăm nhẫn đến chẳng bằng một phần Ưu ba ni sa đà.
Này Xá Lợi Phất! Giả sử tất cả chúng sanh trong mười phương Thế Giới đều thành tựu trí Bồ Tát Nhất Sanh Bổ Xứ muốn đem so sánh với một trí thị xứ phi xứ của Như Lai thì chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn nhẫn đến chẳng bằng một phần Ưu ba ni sa đà.
Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát ấy do thật hành Tỳ Lê Gia Ba la mật nên lúc nghe trí huệ thậm thâm của Như Lai như vậy lòng không kinh sợ, với trí huệ ấy sanh lòng thích muốn phát khởi chánh cần chẳng thôi bỏ mà quan niệm rằng:
Nay tôi tu hành dũng mãnh tinh tấn, giả sử thân của tôi khô cạn cả máu huyết da thịt gân xương tủy não, nếu chưa được trí thị xứ phi xứ ấy, tôi vẫn tinh tấn dũng mãnh kiên cố trọn không thôi bỏ giữa chừng. Đây gọi là tướng dạng Đại Bồ Tát tinh tấn Ba la mật dũng mãnh kiên cố chẳng mỏi, phải nên học như vậy.
Lại này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát vì thật hành Tỳ Lê Gia Ba la mật Đa nên phát khởi tinh tấn dũng mãnh chẳng mỏi, thường phải tu học như vậy. Do tu học nên có thể diệt lửa các phiền não của các chúng sanh.
Này Xá Lợi Phất! Giả sử bao nhiêu tâm quá khứ của tất cả chúng sanh đều vào chuyển trong một tâm chúng sanh, như vậy nhẫn đến mỗi mỗi tâm của tất cả chúng sanh đều có đủ số lượng tâm trên phiền tạp khó biết được.
Mỗi mỗi tâm sau đây đều có đủ vô lượng tham sâu si phiền não phiền tạp. Đem tất cả phiền não của tất cả chúng sanh đều cho vào chuyển. Trong một tâm của một chúng sanh.
Giả sử tất cả chúng sanh đều có đủ vô lượng phiền não phiền tạp khó biết như vậy. Đại Bồ Tát suy nghĩ rằng tôi phải cố gắng phát khởi tinh tấn dũng mãnh tìm cầu trí huệ tư lương ấy, tùy tôi phát khởi sức chánh cần, với lửa tham sân si và các nhiệt não khác, tôi phải làm cho diệt dứt không sót, đều làm tan nát mất như tro tàn, khiến chúng sanh mau ở trên đường Niết Bàn.
Đây gọi là Đại Bồ Tát tinh tấn Ba la mật dũng mãnh chẳng mỏi, phải nên học như vậy.
Lại này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát vì tu Tỳ Lê Gia Ba la mật nên an trụ tinh tấn không mỏi thường phải tinh tấn tu học như vậy. Do tu học nên các thiện nghiệp nơi thân nơi khẩu và nơi ý đều không thôi bỏ. Nhẫn đến tất cả tinh tấn đều là phương tiện sách tấn thân khẩu ý của Bồ Tát.
Này Xá Lợi Phất trong đời chỉ nói đến tướng hai nghiệp thân và khẩu của Bồ Tát là tinh tấn đệ nhất mà chẳng nói đến tướng tâm tinh tấn của Bồ Tát. Tướng tâm tinh tấn của Bồ Tát vô lượng vô biên nay Phật sẽ nói lược. Tâm Bồ Tát tu hành chánh cần hoặc tấn hoặc chỉ.
Thế nào là chánh cần tấn chỉ?
Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát tu hành đại tinh tấn vì vô thượng bồ đề mà siêng tu tinh tấn. Nói tấn là đối với chúng sanh thì phát khởi đại bi.
Nói chi là vô ngã trí.
Nói tấn là nhiếp các chúng sanh.
Nói chỉ là chẳng chấp lấy pháp.
Nói tấn là ở sanh tử không mỏi.
Nói chỉ là chẳng thấy có ba cõi.
Nói tấn là xả bỏ tất cả.
Nói chỉ là bố thí chẳng chán.
Nói tấn là nhiếp lấy tịnh giới.
Nói chỉ là chẳng nhàm Thi La.
Nói tấn là cam chịu các khổ.
Nói chỉ là không lòng hủy hoại.
Nói tấn là phát khởi pháp lành.
Nói chỉ là tâm thường xa lìa.
Nói tấn là nhiếp thọ tịnh lự.
Nói chỉ là tâm thường tịch diệt.
Nói tấn là nghe pháp chẳng chán.
Nói chỉ là khéo giỏi như lý.
Nói tấn là nghe nói không nhàm.
Nói chỉ là không hí luận pháp.
Nói tấn là cầu tư lương trí huệ.
Nói chỉ là dứt các hí luận.
Nói tấn là tăng trưởng tịnh tín.
Nói chỉ là chân trí hành xả.
Nói tấn là đủ năm thần thông.
Nói chỉ là khắp biết lậu tận.
Nói tấn là tu các niệm xứ.
Nói chỉ là niệm vô công dụng.
Nói tấn là phương tiện chánh cần.
Nói chỉ là thiện ác đều xả bỏ.
Nói tấn là dẫn phát thần túc.
Nói chỉ là nhiệm vận tác dụng.
Nói tấn là thiện quyền ngũ căn.
Nói chỉ là quán chẳng phải căn tánh.
Nói tấn là nhiếp thọ ngũ lực.
Nói chỉ là trí không chế phục.
Nói tấn là sanh bồ đề phần.
Nói chỉ là trí giảng trạch pháp.
Nói tấn là cầu tư lương chánh đạo.
Nói chỉ là không tánh lai vãng.
Nói tấn là cầu xa ma tha.
Nói chỉ là tâm an trụ tịch chỉ.
Nói tấn là tư trợ thắng quán.
Nói chỉ là gẩm xét pháp tánh.
Nói tấn là liền theo xét xem các nhân.
Nói chỉ là biết khắp các nhân.
Nói tấn là theo người nghe phát âm.
Nói chỉ là đúng như pháp tu hành.
Nói tấn là thân trang nghiêm.
Nói chỉ là pháp tánh thân.
Nói tấn là ngữ trang nghiêm.
Nói chỉ là thánh mặc nhiên tánh.
Nói tấn là tin môn giải thoát.
Nói chỉ là không có phát khởi.
Nói tấn là xa rời bốn ma.
Nói chỉ là bỏ phiền não tạp khí.
Nói tấn là phương tiện thiện xảo.
Nói chỉ là quán sát thâm huệ.
Nói tấn là quan sát duyên cảnh.
Nói chỉ là vô công dụng quán.
Nói tánh là quán sát giả danh.
Nói chỉ là tỏ thấu thiệt nghĩa.
Này Xá Lợi Phất! Bao nhiêu tướng tấn và tướng chỉ ấy gọi là Đại Bồ Tát duy tâm tinh tấn. Nếu như Đại Bồ Tát nghe những tướng tâm tinh tấn như vậy phải nên phát khởi tinh tấn dũng mãnh đầy đủ không mỏi. Đây gọi là Đại Bồ Tát tu tập tinh tấn Ba la mật thành tụ tướng tinh tấn dũng mãnh không chán mỏi.
Lại này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát tinh tấn dũng mãnh không mỏi ấy thành tựu năm pháp tăng tấn thì có thể mau ngộ vô thượng bồ đề. Đó là gặp Phật xuất thế, được gần thiện hữu, được toàn đủ không nạn chướng, tất cả pháp lành đã được tu tấn thì vĩnh viễn không hư mất, theo tu học với Đại Bồ Tát an trụ luật nghi.
Có được năm điều trên là thành tựu năm pháp tăng tấn, do đó mà Đại Bồ Tát tinh tấn dũng mãnh không mỏi sẽ mau ngộ vô thượng bồ đề.
Bấy giờ Trưởng Lão Xá Lợi Phất bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Vả có Bồ Tát nào cũng giảng năm pháp này chăng?
Đức Phật phán: Có! Này Xá Lợi Phất! Nếu Bồ Tát có năm pháp sau đây thì có thể tổn giảm. Đó là có Phật xuất thế mà chẳng gặp, chẳng muốn gần thiện hữu, chẳng được không nạn chướng, pháp lành tu tập phần nhiều hư mất, không muốn theo học với Bồ Tát an trụ luật nghi. Do có những pháp tổn giảm ấy nên chẳng mau ngộ vô thượng bồ đề.
Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát có năm pháp sau đây thì bị tổn giảm: Quốc Vương hay Đại Thần đem sức oai thế khủng bố chúng sanh, đến đổi ai có sự duyên thì cầu thỉnh oai phước, nếu có ai làm xong việc như vậy sẽ trọng tạ. Hàng Bồ Tát tại gia vì thấy có lợi nên lòng chẳng chánh trực bèn lãnh làm, phàm nói năng đều vì lợi cả.
Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát tại gia do làm sự việc ấy mà tổn giảm thiện đạo, tổn giảm vô nạn, vì dưỡng thân mà làm ác hạnh nên chẳng gặp Phật xuất thế nhẫn đến chẳng mau ngộ vô thượng bồ đề. Đây gọi là Bồ Tát có pháp tổn giảm thứ nhất vậy.
Lại này Xá Lợi Phất! Tại gia Bồ Tát ở nơi thành hư hoại.
Này Xá Lợi Phất! Nếu Chư Phật xuất thế vì các chúng sanh mà chuyển pháp luân thanh tịnh vi diệu.
Bấy giờ sẽ có bốn chúng xuất hiện: Đó là những Chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di. Lúc ấy chư ni vì bảo hộ giới hạnh mà đến ở trong các thành ấp thôn xóm. Các Bồ Tát tại gia đến chỗ Chư Ni ở làm nhiễm ô người giữ giới.
Do vì hủy giới nên gọi là ở nơi thành hư hoại. Bồ Tát tại gia phạm sự ấy thì chẳng gặp Phật xuất thế nhẫn đến chẳng mau ngộ vô thượng bồ đề. Đây gọi là Bồ Tát có pháp tổn giảm thứ hai vậy.
Lại này Xá Lợi Phất! Tại gia Bồ Tát thấy thời kỳ có nhiều người nương theo giới luật diễn nói chánh pháp bèn làm chướng ngại sự nghe pháp tu tập của cha mẹ anh chị em vợ con quyến thuộc và các chúng sanh.
Do làm chướng ngại chánh pháp như vậy nên trong thời gian dài, tại gia Bồ Tát ấy thường bị chướng ngại nơi giới luật chẳng gặp Phật xuất thế nhẫn đến chẳng mau ngộ vô thượng bồ đề. Đây gọi là Bồ Tát tổn giảm thứ ba vậy.
Lại này Xá Lợi Phất! Tại gia Bồ Tát nghe trong Kinh Đức Phật nói khen pháp thiểu dục tri túc xuất gia yên tĩnh ở núi rừng lìa khổ, bèn không tin trở lại hủy báng và cũng bảo người có kiến chấp như vậy.
Vì hủy báng pháp thanh tịnh của Như Lai nên tại gia Bồ Tát bất thiện ấy bị sa chìm trong các loài đáng hủy báng đó là địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ, hoặc sanh biên địa và trong nhóm ác kiến.
Tại gia Bồ Tát ấy chẳng gặp Phật xuất thế nhẫn đến chẳng được mau ngộ vô thượng bồ đề. Đây gọi là Bồ Tát có pháp tổn giảm thứ tư vậy.
Lại này Xá Lợi Phất! Tại gia Bồ Tát nương theo Quốc Vương hay Đại Thần hoặc những người giàu sang có thế lực mà làm điều tệ ác, cậy thế lực chê cợt mắng chửi các chúng sanh.
Do đó ngữ ác hạnh ấy nên mau chiêu vời các báo ác đạo mà chẳng gặp Phật xuất thế, chẳng gần thiện hữu, chẳng được không nạn, căn lành hư mất, chẳng theo Bồ Tát gìn luật nghi tu học chánh pháp và chẳng mau ngộ vô thượng bồ đề. Đây gọi là Bồ Tát có pháp tổn giảm thứ năm vậy.
Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
Bồ Tát nếu có năm pháp tổn
Do đó trí huệ không tăng trưởng
Đã chẳng gặp được Phật ra đời
Lại chẳng gần gũi bậc thiện hữu
Hoặc là Vua chúa các Đại Thần
Khi trá dối gạt các chúng sanh
Vì có những thứ nghiệp chẳng lành
Nên chẳng được gặp Đấng Cứu Thế
Thế lực khủng bố nhiều hữu tình
Bắt nạp hối lộ hoặc tổn hại
Gây tạo ác nghiệp như vậy rồi
Chẳng còn gặp được Phật Thế Tôn
Chư ni ở tu giới thanh tịnh
Làm hư giới hạnh sanh buồn khổ
Sẽ rời vô lượng ức Như Lai
Chẳng được thành tựu những vô nạn
Với cha mẹ vợ con quyến thuộc
Chướng ngăn chẳng cho tu pháp hạnh
Lại ngăn nghe học Phật chánh pháp
Sẽ mau cảm quả ngu si ác
Có người nhàm đời thích xuất gia
Tìm cách bắt bớ ngăn trở họ
Sẽ rời vô lượng Đấng Thế Tôn
Chẳng được thành tựu những vô nạn
Có người nghe học pháp xuất ly
Thiểu dục tri túc ở vắng vẻ
Bèn chẳng bằng lòng sanh hờn giận
Hủy báng chánh pháp sanh tà kiến
Hủy báng chánh pháp như vậy rồi
Thường đọa sanh manh báo rất khổ
Trong tất cả tội nghiệp trọng chướng
So đây chẳng bằng phần mười sáu
Sẽ khó gặp được Chư Như Lai
Dầu thấy cũng không lòng tin kính
Cảm thấy hoàng hôn nữ sanh manh
Lại đọa lạc đà lừa heo chó
Đối với Chư Phật Chư Bồ Tát
Sanh lòng ân trọng yêu kính mến
Rời xa tất cả chướng ngại rồi
Nối tiếp tu học Đạo Hiền Thánh
Cha mẹ vợ con cùng quyến thuộc
Thường thích đặt ngồi trong chánh pháp
Có người nhàm đời cầu xuất gia
Khen ngợi giúp đỡ cho toại chí
Nếu ở trong quyến thuộc chánh pháp
Sẽ mau sanh lên cõi hiền lành
Có ai tán trợ người xuất gia
Sẽ mau tỏ ngộ vô thượng Giác.
Lại này Xá Lợi Phất! Lại còn có năm pháp, nếu xuất gia Bồ Tát mà có thì chẳng gặp Phật xuất thế, chẳng gần thiện hữu, chẳng được vô nạn, thiện căn hư hỏng, chẳng theo Bồ Tát giữ giới để tu học chánh pháp, do đó chẳng mau ngộ vô thượng bồ đề.
Đây là năm pháp:
Một là hủy phạm Thi La.
Hai là chê bai chánh pháp.
Ba là tham trước danh lợi.
Bốn là chấp chặt ngã kiến.
Năm là ganh ghét người khác.
Này Xá Lợi Phất! Thí như chó đói khổ sở đi dọc theo đường gặp được khúc xương khô màu hơi đỏ, nó cho là hậu vị liền ngoạm đem đến ngã tư chỗ đông người.
Vì tham thèm nên nước dãi chảy ra trên xương, nó vọng cho là ngon ngọt, rồi hoặc gặm hoặc liếm hoặc nhai hoặc chép, nó thích thú gặm nhấm mãi chẳng bỏ rời khúc xương ấy.
Bấy giờ có hàng Sát Lợi, Bà La Môn và các trưởng giả đều là nhà phú quý đi qua đường ấy. Chó đói thấy họ từ xa đi lại, lòng nó khó chịu cho là các người ấy sẽ cướp món ăn ngon của nó, nên nó giận dữ gào sủa nhe răng đỏ mắt rượt cắn họ.
Này Xá Lợi Phất! Ông nghĩ thế nào?
Những người đi đến ấy là vì việc khác hay là muốn tìm lấy khúc xương khô hơi đỏ đó chăng?
Bạch Đức Thế Tôn! Không phải họ tìm lấy xương khô.
Này Xá Lợi Phất! Nếu như vậy thì tại sao chó đói ấy lại giận sủa nhe răng rượt cắn họ?
Bạch Đức Thế Tôn! Theo ý tôi hiểu thì chó đói ấy sợ những người đi lại tham đồ ăn ngon tất sẽ cướp mất mỹ vị Cam Lộ của nó, vì thế mà nó nhe răng sủa cắn họ.
Này Xá Lợi Phất! Đúng như lời ông nói. Đời mạt thế sau này có các Tỳ Kheo dầu được không nạn mà đối với các nhà thí chủ, do lòng bỏn sẻn mà ghét ganh tham ăn tham uống chẳng tu chánh pháp.
Phật cho Tỳ Kheo này như chó đói kia vậy. Nay Phật xuất thế vì xót thương cứu độ chúng sanh, nên lo việc ấy mà vì các ác Tỳ Kheo đời mạt thế nói ra thí dụ như vậy.
Này Xá Lợi Phất! Chư Đại Bồ Tát vì muốn lợi ích an lạc vô lượng chúng sanh nên cầu Phật trí mà thật hành Tỳ Lê Gia Ba Na La Mật. Thịt nơi thân của mình, các Bồ Tát ấy còn vui vẻ đem cho, huống lại vọng tưởng thịt xấu mà ganh ghét người khác.
Này Xá Lợi Phất các ác Tỳ Kheo ganh ghét người khác ấy, Phật gọi họ là si trượng phu, là kẻ tham sống, là nô lệ giữ lúa tiền, là kẻ bị trói trong của cải trân ngoạn, là kẻ chỉ biết trọng áo cơm, là kẻ tham ăn mà ganh ghét.
Này Xá Lợi Phất! Phật lại nói chánh pháp như vậy: Các Tỳ Kheo đến nhà người thí chủ trước, chẳng nên thấy các Tỳ Kheo khác mà sanh lòng ghen ghét. Nếu có Tỳ Kheo trái lời ta dạy, thấy các Tỳ Kheo khác hoặc nói nhà thí chủ này là chỗ quen trước của tôi, thầy ở đâu lại tới đây.
Với nhà này tôi rất thân mật, thầy ở đâu đến muốn xâm đoạt.
Này Xá Lợi Phất! Tại sao các Tỳ Kheo tham lam ấy đối với kẻ đến sau lại sanh lòng ganh ghét?
Này Xá Lợi Phất! Vì nhà thí chủ ấy đã hứa cúng cho họ những y phục đồ uống ăn đồ nằm thuốc men và các vật dụng khác. Họ sợ thí chủ đem đồ hứa cúng này mà thí cho các Tỳ Kheo kia vậy.
Như thế, đối với nhà thí chủ họ phát khởi ba lỗi nặng:
Một là phát khởi lỗi nơi chỗ ở. Họ thấy các Tỳ Kheo khác hoặc nói lời hờn rằng nay tôi sẽ rời chỗ này.
Hai là với nhà quen thân sẽ bảo: Chưa biết nên cho hay chẳng nên.
Ba là với nhà chẳng nhất định họ sẽ vọng sanh các lỗi lầm.
Này Xá Lợi Phất! Các Tỳ Kheo tham sẻn ấy đối với người đến sau phát ba ác ngôn:
Một là nói nhà thí chủ nhiều việc xấu ác cho các Tỳ Kheo khác bỏ đi.
Hai là với các Tỳ Kheo đến sau có lời thành thật, mà trái lại là nói dối.
Ba là trá hiện lành tốt để gần gũi rình tìm chút lỗi nhỏ rồi ra trước chúng cử tội.
Này Xá Lợi Phất các Tỳ Kheo ở nhà thí chủ sanh lòng ganh bỏn xẻn thì mau dứt mất tất cả pháp lành đã có.
Này Xá Lợi Phất! Nếu có Tỳ Kheo tham ganh bỏn xẻn, Phật gọi họ là người bất thiện, là vứt bỏ bồ đề tư lương, lại chẳng thể theo Bồ Tát giữ luật nghi để tu chánh pháp.
Này Xá Lợi Phất! Thuở quá khứ vô lượng vô số bất tư nghì kiếp, có Phật xuất thế hiệu Thắng Hiện Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, thọ chín mươi câu chi na do tha đều là đại A La Hán.
Này Xá Lợi Phất! Thời kỳ ấy có một Trưởng Giả tên Thiện Trạch nhà giàu có lớn. Trưởng Giả ấy có hai con trai tên Luật Nghi và Trụ Luật Nghi. Cả hai còn ấu trĩ dung mạo đoan chánh xinh đẹp ai cũng thích nhìn.
Một hôm vào lúc sáng sớm, Đức Phật Thắng Hiện Vương đáp y mang bát cùng Tỳ Kheo Tăng vì lợi ích chúng sanh mà đi khất thực vào thành của Trưởng Giả ấy ở.
Phật và Chúng Tăng oai nghi tường tự, các căn vắng lặng, tâm ý điềm bạc, tu nhiếp các căn như đại Long tượng, đứng lặng không vẫn đục như nước ao sâu, đức lớn vòi vọi như tòa lầu vàng, thân sắc vững sáng như tòa núi vàng tử kim, lại cũng như biễn cả đầy châu báu, như Vua Đế Thích Chư Thiên vây quanh, như Đại Phạm Vương tâm ý tịch tịnh.
Này Xá Lợi Phất! Hai con trai của Trưởng Giả Thiện Trạch ở trên lầu thấy Phật Thăng Hiện Vương từ xa đi lại phát khởi lời khen lòng vui mừng khen chưa từng có.
Trụ Luật Nghi thấy Phật trước vui mừng nói với anh rằng: Từ khi sanh ra đến nay anh có thấy Vua chúng sanh đoan nghiêm thế ấy chăng?
Luật Nghi đáp: Ta từ nào chưa từng thấy Vua chúng sanh đoan nghiêm như vậy. Trụ Luật Nghi nói với anh rằng như chỗ tôi nghĩ thì đời sau tôi quyết định sẽ làm Vua chúng sanh như vậy.
Trụ Luật Nghi Đồng Tử nói kệ với anh rằng:
Như anh Luật Nghi nay đã thấy
Đời sau tôi quyết được như vậy
Chúng đại Tỳ Kheo vây quanh tôi
Sẽ lại gấp bội hơn ngày nay
Vì cầu nhân duyên bồ đề đạo
Tôi thề chẳng nuốt những uống ăn
Anh đã thích ở trong lao ngục
Ý tôi quyết định sẽ siêu thắng
Đấng Vua tất cả chúng sanh ấy
Đồng như vầng Trăng giữa tinh tú
Ai được thấy mà chẳng kính tin
Lại thích ở nhà chẳng xuất ly.
Luật Nghi Đồng Tử nói kệ đáp lời em:
Vả thôi em chớ nên lớn tiếng
Chẳng phải nói suông mà thành sự
Ta chẳng cần phát ngôn ngữ đời
Thử xem ai thành Chánh Giác trước.
Trụ Luật Nghi Đồng Tử nói kệ thưa anh rằng:
Đạo Bồ Đề vô thượng như vậy
Chẳng phải lòng xấu rít mà được
Tôi phải phát tiếng hiền lành lớn
Quyết định thành Phật trên loài người
Luận người xấu rít như thế này
Của cải chẳng muốn cho người biết
Nay tôi đâu cứ nín lặng
Thân mạng còn bỏ huống của báu
Tôi đem của nhà đều bố thí
Để cầu nhân duyên bồ đề đạo
Luôn phần gia tài của anh có
Cúng phước điền Phật vì rất kính
Ai thấy Thế Tôn Đấng Tối Thắng
Đủ ba mươi hai tướng tốt đẹp
Mà chẳng phát nguyện đến bồ đề
Chỉ trừ kẻ kiến chấp hạ liệt
Bao nhiêu nhà cửa và của báu
Cha mẹ với tất cả quyến thuộc
Tôi sẽ đều xả ly tất cả
Mau đến chỗ Đức Như Lai Phật
Là mặt nhật sáng đời cậy nương
Từ Tôn soi đời rất khó gặp
Trăm ngàn câu chi do tha kiếp
Thắng tướng như vậy khó được nghe
Tôi thấy Thế Tôn vào Vương Đô
Chúng Đại Tỳ Kheo vây quanh Phật
Như Trăng tròn sáng tại Trời trong
Rọi ánh sáng soi khắp mặt đất
Tôi thấy Thế Tôn tới ngã tư
Tướng tốt trang nghiêm tất cả chỗ
Khác nào mặt nhật tia nắng vàng
Đầy cả hư không thường chiếu khắp
Tôi thấy Thế Tôn đi trước chúng
Trang nghiêm hiển phát Tỳ Kheo Tăng
Dường như núi chúa Tu Di kia
Chói các núi báu đều nghiêm lệ
Oai quang của Phật tất rực rỡ
Soi hết quần sanh ở cõi này
Lưỡng Túc Tôn có đủ tướng tốt
Ánh sáng làm đẹp hàng đại chúng
Như Lai có sức thần thông lớn
Ngự trị Trời Rồng Nhân Phi Nhân
Lại khởi vô lượng thứ biến hiện
Vì chúng sanh mà vào Vương Đô
Ai thấY Pháp Vương thạnh như đây
Ba mươi hai tướng trang nghiêm lớn
Mà lại mong cầu hạ liệt thừa
Chỉ trừ người thấp hèn ngu tối
Nay tôi mừng thấy Đức Thế Tôn
Phát sanh lòng tin rất thanh tịnh
Vì độ chúng sanh tu Bồ Đề
Cần phải mau đến chỗ Như Lai.
Luật Nghi Đồng Tử lại nói kệ đáp lời em:
Ta đối đường sá chẳng phải lười
Mà chẳng mau đến chỗ Như Lai
Chờ ta xuống tòa lầu này
Sẽ ra phía ngoài suy gẫm kỹ
Phải nên bỏ rời tưởng chấp ngã
Lại chẳng luyến tiếc thân mạng mình
Và cầu trí huệ Phật tối thượng
Rồi mới đi đến chỗ Như Lai
Cha mẹ cửa nhà và của báu
Thứ ấy làm người luyến ái nặng
Nay ta đồng thời đều vứt bỏ
Rồi mới đi đến chỗ Như Lai
Nếu người nguyện muốn sẽ thành Phật
Lại rất mến thích Đức Như Lai
Phải mau rời bỏ khối trân bảo
Xa rời tục gia đến phi gia.
Này Xá Lợi Phất! Trụ Luật Nghi Đồng Tử nghe lời anh nói xong liền xuống thang lầu để đến chỗ Thắng Hiện Vương Phật. Luật Nghi Đồng Tử xuống lầu nhanh chóng chạy đến chỗ Phật kính lễ xong Trụ Luật Nghi mới đến.
Bấy giờ Luật Nghi Đồng Tử đem mười ức y phục báu vô giá dâng lên Đức Phật và nói kệ rằng:
Nay tôi chẳng cầu các tướng đẹp
Dâng cúng Như Lai y vô giá
Xin nguyện được báo ở đời sau
Đồng Phật Như Lai đây không khác
Tối thắng trong tất cả hàm linh
Khéo ở trong tất cả diệu pháp
Xin nguyện được báo ở đời sau
Đồng Phật Như Lai đây không khác
Đầy đủ tạng trí huệ vô thượng
Khéo ở chánh cần các oai lực
Ba mươi hai tướng thân có đủ
Nguyện mau được thành Phật vô thượng
Thành tựu Chư Phật mười trí lực
Khéo an trụ bốn vô sở úy
Xin nguyện được báo ở đời sau
Đồng Phật Như Lai đây không khác
Như chỗ Phật biết pháp chân tịnh
Chỉ Phật khéo ở soi sáng cả
Xin Phật diễn nói pháp ấy cho
Khiến tôi mau ngộ vô thượng giác
Nay tôi chẳng cầu tướng tốt đẹp
Dâng Phật y vô giá tối thượng
Chỉ mong bồ đề diệu tịch tĩnh
Để độ Chư Thiên và nhân thế
Như Lai đã ở pháp vi diệu
Tất cả dị luận không động được
Nay tôi vì cầu pháp như vậy
Nên dâng y vô giá thắng thượng
Các pháp không sanh không lão bệnh
Cũng không rầu buồn lo khổ than
Xin Phật dạy nói pháp tịch tĩnh
Dắt dìu lợi ích Trời người vậy
Nếu pháp không có tham sân si
Cũng không kiêu mạn và khác ái
Xin nói bồ đề và Phật Tánh
Pháp vô vi mát mẻ Cam Lồ
Những pháp Như Lai đã an trụ
Được hàng Thiên Long đều kính lễ
Hoặc có tư lự hoặc vô tư
Xin Phật dạy nói pháp tịch tĩnh
Phật ở tại đây hay chiếu khắp
Bốn phương vô lượng những Phật Độ
Như ngọn lửa hừng trong hang tối
Tôi nguyện chứng được Cam Lộ này
Hoặc tất cả những ái vô ái
Tánh thường chẳng nương nơi Dục Giới
Sắc Vô Sắc Giới cũng chẳng nương
Xin Phật tuyên nói pháp diệu ấy.
Trụ Luật Nghi nghe anh nói kệ xong bèn đem một bộ guốc báu mới dâng cúng Thắng Hiện Vương Như Lai và nói kệ rằng:
Nguyện tôi sẽ vì các quần sanh
Làm cứu làm về làm nhà ở
Chẳng còn lại đi trên đường tà
Hằng dắt bầy mê nói Chánh Đạo
Nguyện thường chẳng quen các tham dục
Tham dục là đường kẻ ngu đi
Rời hẳn tất cả pháp hữu vi
Hằng gặp Như Lai Phật xuất thế
Đã gặp được Đấng Soi Sáng Đời
Phải nên cúng dường Lưỡng Túc Tôn
Cần cầu vô thượng Phật Bồ Đề
Lợi ích cho các quần sanh vậy
Phải đem vô lượng vòng hoa hương
Tràng phan cao đẹp và lọng báu
Dâng hiến Vua rồng trong loài rồng
Lợi ích cho các quần sanh vậy
Lại đem các thứ y phục đẹp
Mền nệm uống ăn những thuốc men
Đều mang đem dâng hiến Phật Thế Tôn
Lợi ích cho các quần sanh vậy
Đánh trống lớn nhỏ thổi ốc loa
Hòa tấu tiêu sáo tiếng ca thanh
Đều đem dâng hiến Đấng Soi Đời
Lợi ích tất cả quần sanh vậy
Món ăn thơm ngon rất bổ dưỡng
Thế gian vi diệu thường ưa chuộng
Đều đem dâng hiến Đấng cứu đời
Lợi ích tất cả quần sanh vậy
Cúng dường rộng lớn như vậy rồi
Lợi ích vô lượng các chúng sanh
Bấy giờ tôi liền học xuất gia
Siêng năng tu học các phạm hạnh
Sẽ an trụ nơi bát chánh đạo
Lại an vui lượng ức chúng sanh
Nguyện tôi làm chỗ hữu tình nương
Thường chẳng đi trên đường tà vạy
Chư Thánh quở rầy rất hạ liệt
Đó là dâm dục tôi bỏ được
Lại sẽ vứt bỏ các phóng dật
Với chẳng phóng dật luôn tu học
Nguyện tôi chẳng sanh vào các nạn
Thường được sanh vào nhà tịnh tín
Đời đời thường thấy Đức Thế Tôn
Thấy được Phật rồi rất tin tưởng
Đã tin tưởng Phật rồi cung kính
Đem vòng hoa đẹp và hương thoa
Các thứ âm nhạc cúng dường rồi
Cần cầu trí huệ sâu của Phật
Rộng sắm đồ cúng Phật như vậy
Trải qua vô lượng câu chi kiếp
Dứt hẳn dục lạc bỏ tại gia
Siêng năng tu học hạnh thanh tịnh.
Trụ Luật Nghi Đồng Tử nói kệ xong, liền tại chỗ của Phật Thắng Hiện Vương xây dựng Đạo Tràng bằng xích chiên đàn cao đẹp bốn do tuần ngang rộng trang nghiêm đủ kiểu chạm đẹp.
Đã lập Đạo Tràng trang nghiêm xong, Đồng Tử Trụ Luật Nghi đem dâng Phật Thế Tôn ấy mà nói kệ rằng:
Đức Phật an trụ bốn thứ trụ
Đấng Tối Thắng xưa thường khen ngợi
Nay tôi mừng cầu trụ như vậy
Xin Đấng Thiện Thệ từ mẫn hứa
Nếu có an trụ chỗ trụ ấy
Tâm thường biết rõ vô lượng chúng
Và biết đời quá khứ vị lai
Nay tôi mừng cầu trụ như vậy
Nếu ở chỗ ấy đến cứu cánh
Bốn thứ chánh cần bốn thần túc
Và bốn tối thắng vô ngại biện
Nay tôi mừng cầu trụ như vậy.
Lúc ấy vì thương Đồng Tử ấy nên Phật Thắng Hiện Vương nhận tòa Đạo Tràng thắng thượng được hiến dâng. Phật cùng Tỳ Kheo Tăng vào ở trong ấy.
Thấy Phật và Tỳ Kheo Tăng đã nhận và vào ở tòa Đạo Tràng của bình dân, Đồng Tử Trụ Luật Nghi rất vui mừng lại đem các thứ cúng dường Thượng Diệu dâng hiến cung kính tôn trọng khen ngợi gấp bội trọn nửa tháng không ngớt nghỉ. Sau đó, ở trước Phật, Đồng Tử ấy cạo bỏ râu tóc mặc áo Ca Sa do lòng tin thanh tịnh mà xuất gia chuyên chí tinh tấn cầu các pháp lành.
Này Xá Lợi Phất! Lúc ấy, hai Đồng Tử cầu pháp lành rồi tâm trí chân chánh với vô thượng bồ đề đều phát hoằng thệ. Luật Nghi Đồng Tử phát thệ rằng nguyện tôi thành Phật trước.
Phật ấy hiệu Thế Gian Y Hộ phóng đại quang minh. Trụ Luật Nghi Đồng Tử phát thệ nguyện rằng nguyện tôi thành Phật trước. Phật ấy hiệu Đại Đạo Thương Chủ cứu độ Trời, người.
Luật Nghi Đồng Tử ở trước Đức Phật Thắng Hiện Vương đứng chấp tay đại thệ trang nghiêm nói kệ rằng:
Tôi sẽ chẳng còn ngồi yên nữa
Và cũng chẳng dựa thân nằm ngủ
Chuyên ròng cần cầu đạo bồ đề
Để lợi ích các chúng sanh vậy
Tôi sẽ chẳng kể thân mạng sống
Thường bỏ giải đãi siêng tinh tấn
Chí cầu vô thượng bồ đề đạo
Để làm lợi ích các chúng sanh
Giả sử máu thịt đều cạn khô
Da xương gân mạch đều teo gầy
Phải bỏ giải đãi và thân mạng
Siêng cầu đến bồ đề vô thượng.
Trụ Luật Nghi Đồng Tử nghe lời anh phát thệ vui mừng hớn hở liền ở trước anh nói kệ rằng:
Nay phải cùng hiệp đồng hòa hảo
Tu hành bồ đề vô thượng hạnh
Phát khởi tinh tấn siêng tối thắng
Để lợi ích tất cả quần sanh
Nay tôi giảm lo cho thân mạng
Mặc cho máu thịt lần khô cạn
Phát khởi tinh tấn học theo anh
Để cầu vô thượng bồ đề đạo
Tôi sẻ ở riêng rảnh vắng vẻ
Núi rừng hoang vắng siêng tinh tấn
Thường cầu trí tối thắng vô thượng
Ở ngôi trang nghiêm đại Pháp Vương.
Này Xá Lợi Phất! Thuở quá khứ ấy hai Đồng Tử Luật Nghi Đại Bồ Tát và Trụ Luật Nghi Đại Bồ Tát ở trong Pháp Hội của Thắng Hiện Vương Như Lai phát hoằng thệ lớn, vì thật hành Tỳ Lê Gia Ba la mật nên siêng năng tu hành Chánh Đạo.
Này Xá Lợi Phất! Lúc hai Bồ Tát ấy thực hành tinh tấn, trong thời gian một ngàn năm chưa hề bị sự ngủ nghỉ xen đoạt chừng khoảng đàn chỉ, trong ngàn năm chưa hề có ý muốn nằm nghỉ, trong ngàn năm chưa hề có ý thích ngồi, trong ngàn năm chưa hề có một lần khom lưng ngồi xổm chỉ trừ lúc tiêu tiểu, nếu lúc muốn ăn thì đứng thẳng.
Trong ngàn năm chưa hề ăn hai lần, một ngày chỉ ăn một lần, mỗi lần chỉ ăn một vắt và uống một chén nước. Trong ngàn năm chưa hề có ý thích ăn uống như có ý nghĩ rằng nay tôi đói khát cần phải uống ăn thứ ấy. Trong ngàn năm chưa từng có một lần ăn uống quá lượng.
Trong ngàn năm chưa hề có quan niệm ăn uống vừa ý: Thứ này mặn, này lạt, này ngọt, này đắng, này cay, này chua, này ngon, này đở.
Trong ngàn năm mỗi khi đi khất thực thì nhất tâm chánh niệm, chưa hề nhìn ngó mặt người cúng thí, chưa hề có ý nghĩ ai cho ta, là đàn ông hay đàn bà, nhẫn đến đồng nam đồng nữ cũng chẳng nhìn ngó.
Trong ngàn năm ở dưới cội cây mà chưa hề ngước mặt ngó hình cây.
Trong ngàn năm chưa hề thay đổi y phục để mặc.
Trong ngàn năm chưa hề có ý tham ý giận ý hại.
Trong ngàn năm chưa hề có ý tưởng nhớ thân quyến, hoặc cha hoặc mẹ hoặc anh chị em và các quyến thuộc khác.
Trong ngàn năm chưa hề nhớ nghĩ nhà cũ.
Trong ngàn năm chưa hề có ý nghĩ ngước xem màu sắc như nguyệt tinh tú mây ráng Hư Không.
Trong ngàn năm chưa hề có ý nghĩ đem thân dựa nơi cây nơi vách.
Trong ngàn năm chưa hề có ý nghĩ dùng tô dầu thoa tay chân.
Trong ngàn năm chưa hề có quan niệm kinh sợ.
Trong ngàn năm chưa hề có ý nghĩ thân tâm mỏi mệt.
Trong ngàn năm chưa hề có nghĩ lười biếng phóng dật mà chỉ có ý nghĩ nay ta tu hành lúc nào sẽ chứng vô thượng bồ đề.
Trong ngàn năm chưa hề có một lần thân tâm đau khổ.
Trong ngàn năm chưa hề có ý nghĩ tôi muốn cạo tóc, chỉ trừ Tứ Thiên Vương đế dung thần lực lấy tay xoa, tóc mang về Cung Trời xây Tháp báu cúng dường.
Trong ngàn năm dầu có Chư Thiên Vương hoặc đến hoặc đi mà hai Đồng Tử Bồ Tát không hề có ý tưởng đến đi.
Trong ngàn năm chẳng hề có quan niệm từ trong bóng râm tối đi đến chỗ ánh sáng, từ chỗ nóng nực đến chỗ mát mẻ.
Trong ngàn năm dầu là mùa rét lạnh cũng chưa hề có ý tưởng mặc áo dầy ấm.
Trong ngàn năm chưa hề có quan niệm luận bàn việc thế gian vô ích.
Này Xá Lợi Phất! Trong ngàn năm hai Đồng Tử Bồ Tát ấy thực hành tinh tấn kiên cố như vậy. Bấy giờ có ác ma tên Ngu Si Niệm, như ngày nay ta xuất thế có ác ma Ba Tuần vậy.
Này Xá Lợi Phất! Lúc ấy ác ma vì muốn làm nhiễu loạn nên ở khắp đường kinh hành của Luật Nghi Bồ Tát, ác ma bố trí đầy dao đưa lưỡi nhọn bén lên. Luật Nghi Bồ Tát thấy đường đầy dao hơi quên chánh niệm, có ý tưởng dao nhọn bén.
Vì có ý tưởng ấy liền tự giác ăn năn phát âm thanh lớn hai lần xướng rằng: Quái lạ thay tại sao nay tôi lại phóng dật! Âm thanh ấy vang khắp tam thiên đại thiên Thế Giới. Trên hư không có sẵn trăm ngàn câu chi đồ đảng.
Thiên ma nghe tiếng xướng lên của Bồ Tát liền đồng thanh bảo Bồ Tát rằng: Lời phổ cáo của Ngài rất hay rất hay.
Này Xá Lợi Phất! Những âm thanh ấy chỉ riêng Luật Nghi nghe, còn trụ Luật Nghi chẳng nghe, đó là do ma lực vậy.
Này Xá Lợi Phất! Nghe lời nói của Thiên Ma Luật Nghi Bồ Tát phấn phát đại tinh tấn kiên cố đi kinh hành trên đường ấy nhiếp tâm lại chẳng còn nghĩ tưởng đến dao nhọn, hàng phục ma oán ấy xong. Luật Nghi Bồ Tát an trụ oai nghi như vậy, thật hành diệu hạnh như vậy, tu đạo tích như vậy, khởi đại bi như vậy, phát khởi tinh tấn dũng mãnh như vậy chưa hề thôi nghỉ.
Lại này Xá Lợi Phất! Hai bồ Tát ấy ở trong Pháp Hội Phật Thắng Hiện Vương vì thực hành Tỳ lê Gia Ba la mật nên đều thành tựu đại bi dũng mãnh.
Lại trong ngàn năm ở rừng vắng rảnh tu tập Phật tùy niệm. Sau thời gian ấy Phật Thắng Hiện Vương nhập Niết Bàn. Chư Thiên đến báo tin ấy với hai Bồ Tát.
Hai Bồ Tát ấy liền đến chỗ Đức Phật nhập diệt đứng chấp tay chiêm ngưỡng Đức Như Lai chẳng rời mặt, lòng rất mến luyến kính trọng và nghĩ rằng: Đức Như Lai xuất thế đại từ bi che chở chúng sanh đồng như nhà ở, sao Phật sớm nhập Niết Bàn khiến chúng tôi không chỗ nương không chỗ nhờ.
Này Xá Lợi Phất! Hai Bồ Tát ấy đứng trước Đức Phật luyến mến kính ngưỡng trọn bảy ngày bảy dêm chân chẳng dợi động chẳng xiết cảm thương, liền mạng chung sanh lên Cõi Phạm Thiên.
Đã được thân Phạm Thiên có sức trí biết đời trước, liền dùng thần thông đến hội Niết Bàn, hai vị ấy vì Xá Lợi, của Phật Thắng Hiện Vương mà xây Tháp báu cao lớn cực trang nghiêm mãn bốn mươi ngàn năm mới hoàn thành, trên Tháp treo nhiều lọng tròn.
Xây Tháp xong, hai Bồ Tát ấy rất vui mừng đứng chấp tay chiêm ngưỡng mến kính mãi đến bảy mươi ngàn năm mới cúi đầu đảnh lễ. Do đó hai Bồ Tát mạng chung đều sanh về nhà Chuyển Luân Vương ở Thiện Bộ Châu.
Lúc sơ sanh hai Bồ Tát nhớ những sự việc quá khứ liền nói rằng: Nay tôi phải an trụ nơi pháp bất phóng dật tối thượng đệ nhất.
Hai bồ Tát ấy lại nói kệ tự răn mình rằng:
Nay tôi sanh nhà Vua Chuyển Luân
Của cải rộng lớn đều như ý
Phải nên xả bỏ những phóng dật
Cần cầu vô thượng bồ đề đạo
Của báu sắc dục và ngôi Vua
Vô thường mau chóng trong giây lát
Người trí chẳng ham thích thứ ấy
Siêng tu vô thượng Phật bồ đề
Với của báu nếu chẳng ham ưa
Vì lợi chúng sanh cầu Phật Quả
Phải mau rời nhà cầu xuất gia
Tu hành thắng diệu hạnh thanh tịnh
Thuở quá khứ xưa vô lượng kiếp
Đam mê ngũ dục làm phước đức
Hoặc sanh lên trời hoặc nhân gian
Chưa hề có lòng chán ngũ dục
Phải bỏ ngũ dục và ngôi Vua
Cha mẹ quyến thuộc và của báu.
Bỏ cả quốc thành và quan quân
Xuất gia cần cầu chứng Phật Quả.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Khởi Thế - Phẩm Tám - Phẩm Tam Thập Tam Thiên - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Tạp - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hỏa Dữ
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Bốn - Tinh Tấn độ Vô Cực - Kinh Số Năm Mươi Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Năm - Phẩm Biện đại Thừa - Phần Mười