Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ NĂM MƯƠI BỐN
PHÁP HỘI HẢI HUỆ BỒ TÁT
PHẦN BA
Này Hải Huệ!
Tịnh ấn tam muội có ba mươi pháp:
Một là nội tịnh.
Hai là ngoại tịnh.
Ba là tâm tịnh.
Bốn là kiêu mạn tịnh.
Năm là thân tịnh.
Sáu là nhãn tịnh.
Bảy là tất cả chúng sanh không có chúng sanh tịnh.
Tám là tất cả pháp bổn tánh tịnh.
Chín là tất cả pháp đồng một vị tịnh.
Mười là không vô tướng vô nguyện tịnh.
Mười một là giải thoát pháp môn tịnh.
Mười hai là tất cả pháp nhập pháp giới tịnh.
Mười ba là tất cả các pháp nhập vào một tánh tịnh.
Mười bốn là tín tâm không hư hoại tịnh.
Mười năm là không có chướng ngại tịnh.
Mười sáu là tất cả giải thoát tịnh.
Mười bảy là vô vi tịnh.
Mười tám là quán mười hai nhân duyên tịnh.
Mười chín là Thập lực tứ vô sở úy tịnh.
Hai mươi là vô thắng tịnh.
Hai mươi mốt là nhất thiết pháp trí tịnh.
Hai mươi hai là quá khứ nghiệp tịn.
Hai mươi ba là từ bi tịnh.
Hai mươi bốn là chẳng rời bỏ chúng sanh tịnh.
Hai mươi năm là phá các ma nghiệp tịnh.
Hai mươi sáu là lìa nội tham tịnh.
Hai mươi bảy là lìa các tập khí tịnh.
Hai mươi tám là một niệm biết tất cả pháp tịnh.
Hai mươi chín là chẳng mất niệm tâm tịnh.
Ba mươi là đầy đủ trang nghiêm tịnh.
Bồ Tát đầy đủ các pháp như vậy gọi là tịnh ấn tam muội. Được tam muội ấy rồi thì được tám pháp bất cộng.
Những gì là tám?
Một là Thế Giới của Bồ Tát này thì kim cương làm đất.
Hai là trên mỗi cây trong Thế Giới ấy đều đầy đủ mọi thứ nhánh lá tốt mọi thứ hoa quả thơm ngon.
Ba là tất cả chúng sanh trong Thế Giới ấy chẳng khởi phiền não của các loài địa ngục ngạ quỷ và súc sanh.
Bốn là tất cả chúng sanh trong Thế Giới ấy đều thấy Bồ Tát ngồi cội bồ đề.
Năm là thấy Bồ Tát rồi thì đều được khoái lạc vi diệu.
Sáu là kim quang chiếu khắp vô lượng Thế Giới.
Bảy là tất cả Đại Địa chấn động sáu cách mà không có một chúng sanh nào bị nhiễu hại.
Tám là có trí trong một niệm biết tất cả pháp.
Muốn tuyên lại nghĩa này Đức Thế Tôn nói kệ rằng:
Nếu biết các pháp như hư không
Tịnh nơi bổn tánh chẳng sanh diệt
Liền hay tịnh được Như Lai ấn
Cũng được trụ ở định căn bổn
Dầu được cúng dường lòng chẳng mừng
Mắng chửi hủy nhục lòng chẳng giận
Tu tập từ bi tâm bình đẳng
Đây gọi là tịnh ấn tam muội
Xa lìa tất cả các kiêu mạn
Lìa rồi trong lòng chẳng tự cao
Hay trách phiền não các kiết phược
Đây thì gọi là tịnh ấn định
Thân ấy lìa hẳn các kiến phược
Trang nghiêm diệu tướng ba mươi hai
Đầy đủ thanh tịnh cả sáu căn
Cũng lại chẳng sanh lỗi kiêu mạn
Thấy kẻ thân xấu không xinh đẹp
Nghèo cùng hèn hạ lòng chẳng khinh
Vì đạo bồ đề nói tịnh pháp
Đây thì gọi là tịnh ấn định
Quán sát nơi thân tánh chân thiệt
Phá lòng tham thân của chúng sanh
Vì vậy mà được thượng pháp thân
Xa lìa tất cả thân tạp thực
Thường tại thiền định pháp hỉ thực
Vì độ chúng sanh thọ đoàn thực
Cam Lồ thượng vị tăng pháp mạng
Đây thì gọi là tịnh ấn định
Ưa thích Thánh hạnh trì tịnh giới
Xa lìa tham dục sân khuể si
Bồ Tát trước tự điều thân mình
Rồi sau vì người mà diễn thuyết
Thần thông đi khắp mười phương cõi
Để diễn thuyết pháp dạy chúng sanh
Hiện thân mình đồng sắc thân chúng
Theo ý nguyện họ mà thuyết pháp
Thân phóng vô lượng kim sắc quang
Chiếu khắp mười phương các Thế Giới
Hay trừ chúng sanh phiền não nóng
Tăng trưởng công đức tâm bồ đề
Nếu có chúng sanh ba ác đạo
Kim quang làm họ thoát khỏi khổ
Đều được xa lìa báo ác đạo
Thành tựu tín tâm tu thiện nghiệp
Thân nghiệp thanh tịnh được Phật nói
Để cho chúng sanh tịnh Phật Thân
Nếu ai hay tu thân nghiệp tịnh
Thì được tịnh thân như Tiên Phật
Nếu ai xa lìa nghiệp ác khẩu
Thì được âm thanh tùy trí phát
Lời diễn thuyết pháp người thích nghe
Người nghe đều được sanh mầm lành
Lìa sáu mươi bốn thứ ác khẩu
Người này nói được pháp Cam Lộ
Nói được vô vi đại thừa pháp
Hiểu rành ngôn ngữ các chúng sanh
Xa lìa lời nói tham sân si
Diễn nói nghĩa thậm thâm chân thiệt
Tiếng ấy mười phương đều được nghe
Vì chúng tuyên nói chân giải thoát
Xa lìa mắng chửi chẳng giận tranh
Nói lời dịu dàng lòng thương mến
Vì chúng nói pháp chẳng nói được
Nói rồi trong lòng chẳng kiêu mạn
Nếu thanh tịnh được khẩu nghiệp ấy
Người này xa lìa các ác khẩu
Khẩu nghiệp thanh tịnh được Phật nói
Để người nghe được lưỡi rộng dài
Nếu ai tu tập ý nghiệp thiện
Người này một niệm biết các tâm
Thường ở thiền định hiện oai nghi
Phá các ma nghiệp lòng chẳng kiêu
Chẳng thọ hay thọ vì chúng sanh
Biết rõ chân thiệt chẳng chứng diệt
Bồ Tát tâm duyên mà chẳng biết
Thanh Văn Duyên Giác cũng chẳng rõ
Chẳng hề sanh lòng hại mình người
Hay quán thậm thâm các pháp giới
Nếu người muốn được tịnh ấn định
Thường phải tu tập đủ mười pháp
Thanh tịnh trang nghiêm Phật Quốc Độ
Thanh tịnh thiện pháp và Lục Độ
Đầy đủ công đức và thân tướng
Được vô ngại thuyết Đà La Ni
Như pháp an trụ tịnh thân mình
Niệm tâm chẳng mất tuyên vô ngã
Lìa tất cả chướng huệ vô ngại
Tâm ý không lỗi đủ công đức
Tu trợ đạo pháp không phóng dật
Vì các chúng sanh nói bồ đề
Vô lượng Thế Giới thân vô ngại
Diễn thuyết chánh pháp dạy chúng sanh
Đầy đủ tám thứ bất cộng pháp
Được có vô thượng lợi ích lớn
Kim Cương làm đất, các loại cây
Chúng thấy Bồ Tát ngồi đạo thọ
Nếu muốn có đủ công đức ấy
Thường Tu Tịnh ấn tam muội định
Như Lai do tu tam muội này
Nên được công đức bất tư nghị.
Này Hải Huệ! Muốn được Tịnh ấn tam muội, Đại Bồ Tát phải tu tập tịnh bồ đề xa lìa tất cả tâm cặn đục.
Này thiện nam tử! Nếu chẳng thấy được các pháp tánh tịnh thì bị phiền não khát ái làm ô nhiễm. Tất cả các pháp chẳng thể tư duy là bất tác bất hành, thanh tịnh tịch tĩnh không có trần cấu cũng không có tội lỗi, là rốt ráo thanh tịnh như giải thoát tánh.
Pháp giới bất hoại không có phân biệt, thiệt tánh pháp tánh không có sai biệt, tất cả các pháp không vô tướng vô nguyện, như giải thoát tánh vô ngại bình đẳng thì tất cả các pháp cũng như vậy. Nếu có thể chánh quán sát như vậy thì gọi là vô trược không có nhơ đục.
Này thiện nam tử! Nếu có thể vì chúng sanh mà nói pháp như vậy thì gọi là không có cặn bã. Nếu Bồ Tát không có cặn bã nhơ đục thì được tịnh ấn tam muội.
Hải Huệ Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tam muội như vậy nghĩa của nó thậm thâm vì là chẳng nói được, vì là chẳng nhìn thấy được chẳng đoán chẳng đếm được, khó hiểu rõ được vì chẳng thể thấy, là đại trí huệ nhiếp tất cả pháp vậy.
Tất cả Bồ Tát đều bình đẳng không có nhơ không có cặn không có các chướng ngại không có trụ xứ vi diệu khó tỏ chẳng thể ví dụ để nói được.
Tánh ấy kiên cố như Kim Cương bất sanh bất diệt chẳng phá chẳng hoại chẳng trói chẳng buộc, là ánh sáng lớn vì xa lìa tối tăm, chẳng thể nghĩ bàn thanh tịnh vô cấu vì xa lìa tham vậy, không có tranh tụng vì tu tập đại từ vậy, chẳng giác chẳng quán vì xa lìa khứ lai vậy, tất cả bình đẳng vì như hư không vậy.
Bạch Đức Thế Tôn! Quán nhân duyên gì mà được tịnh ấn tam muội này?
Đức Phật nói: Này thiện nam tử! Ví như có người muốn đi trên hư không họ tự trang nghiêm lớn rộng. Cũng vậy, Bồ Tát muốn được tam muội này thì phải trang nghiêm lớn trang nghiêm bình đẳng tất cả các pháp. Tại sao, như pháp thế gian từ hột mà được trái.
Này thiện nam tử! Tất cả pháp hữu vi thì thức là chủng tử. Còn tam muội này không có chủng tử. Tại sao, vì tam muội này chẳng phải nhãn thức biết nhẫn đến chẳng phải ý thức biết, chẳng phải tạo tác, chẳng phải sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Xem tất cả pháp khắp tất cả đều bình đẳng không có hai không có sai biệt thì gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác.
Này thiện nam tử! Chẳng phải vì tướng khác gọi là sanh tử vì tướng khác gọi là Niết Bàn, mà tùy nơi tướng sanh tử tức là tướng Niết Bàn, tại sao, vì tất cả các pháp bổn tánh thanh tịnh, tánh bổn tánh ấy gọi là vô tánh, mà vô tánh ấy gọi là vô tướng tánh.
Nếu là vô tướng tánh tức là vô tác, vô tác như vậy tức là pháp tánh không có văn tự, nếu có văn tự thì gọi là Như, như trước thì giữa và sau cũng vậy đây gọi là Tam Thế.
Mà tam thế ấy thì gọi là rỗng không, rỗng không ấy thì là vô tác, vô tác như vậy thì nào có tác giả nên gọi vô tác là rỗng không.
Nếu không có tác không có tác giả thì nên biết là không có pháp. Nếu không có pháp thì không có cầu không có nguyện.
Nếu không nguyện cầu thì không có ba nghiệp thân khẩu ý. Không có ba nghiệp thân khẩu ý thì gọi là vô ngại. Vô ngại ấy gọi là bất sanh, bất diệt, bất trụ.
Chẳng sanh diệt trụ tức là tướng vô vi. Tướng vô vi ấy gọi là vô trụ. Vô trụ ấy có nghĩa là không có tất cả nghiệp sở tác, thức chẳng trụ nơi sắc, chẳng trụ nơi thọ, chẳng trụ nơi tưởng, chẳng trụ nơi hành. Nơi bốn chỗ ấy mà thức chẳng trụ thì gọi là vô trụ.
Nếu vô trụ thì chẳng sanh tương tự ngã mạn. Nếu không có tương tự ngã mạn như vậy thì không có tăng trưởng. Nếu không có tăng trưởng thì không có nhân. Nếu không có nhân thì không có giác quán. Nếu không có giác quán thì gọi là tịch mặc.
Này thiện nam tử! Các pháp như vậy nghĩa của nó thậm thâm, nếu có thể tin được thì được giải thoát xa lìa điên đảo phiền não chướng ngại, thì có thể thọ trì tất cả pháp tạng của Chư Phật quá khứ vị lai hiện tại, là đại thuyền sư là Đạo Sư thương chủ là Thần Chú sư, là Đại Y sư.
Có thể thừa sự cúng dường Tam Thế Chư Phật, đây gọi là chân Phật Tử, khỏi ma nghiệp phá ma chúng, chẳng lâu sẽ được tịnh ấn tam muội, có thể đại trang nghiêm thuyền buồm bền chắc tế độ chúng sanh nơi biển sanh tử.
Hải Huệ Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát có thể phá hoại các ma bạn đảng?
Đức Phật nói: Này Hải Huệ! Nếu Bồ Tát có thể chẳng cầu các pháp thì chính lúc ấy có thể phá hoại ma chúng mà chẳng cầu tất cả cảnh giới nhân duyên.
Này thiện nam tử!
Có bốn thứ ma:
Một là ấm ma.
Hai là phiền não ma.
Ba là tử ma.
Bốn là Thiên Ma.
Này thiện nam tử! Nếu có thể quán các pháp như tướng ảo huyễn thì người này có thể phá hoại ấm ma. Nếu thấy các pháp đều là tướng rỗng không thì người này có thể phá hoại phiền não ma.
Nếu thấy các pháp chẳng sanh chẳng diệt thì người này có thể phá hoại Thiên Ma.
Còn nữa, này thiện nam tử! Nếu biết khổ thì có thể phá ấm ma, nếu xa lìa tập nhân thì phá phiền não ma, nếu chứng diệt thì phá tử ma, nếu tu trợ đạo thì phá Thiên Ma.
Còn nữa, này thiện nam tử! Nếu thấy tất cả pháp hữu vi khổ thì phá ấm ma, nếu thấy các pháp chân thiệt vô thường thì phá phiền não ma, nếu thấy các pháp chân thiệt vô ngã thì phá tử ma, nếu thấy các pháp tịch tĩnh Niết Bàn thì phá Thiên Ma.
Còn nữa, này thiện nam tử! Ở nơi thân mình nếu Bồ Tát có thể không tham ái lúc xả thân bố thí hồi hướng bồ đề thì có thể phá ấm ma, lúc bố thí thân xa lìa lòng xan tham thì phá phiền não ma, nếu thấy tài vật tất cả đều vô thường thì phá tử ma, vì chúng sanh mà tâm từ bi bố thí thì phá Thiên Ma.
Còn nữa, này thiện nam tử! Nếu Bồ Tát chẳng vì ngã kiến mà thọ trì tịnh giới thì có thể phá ấm ma, nếu chẳng vì có tham mà trì giới thì phá phiền não ma, nếu vì xa lìa tội lỗi sanh tử mà trì giới thì phá tử ma, nếu hay sanh tâm làm cho người phá giới trở lại trì tịnh giới mà trì giới thì có thể phá được Thiên Ma.
Còn nữa, này thiện nam tử! Nếu Bồ Tát chẳng thấy ta nhẫn ta tu hạnh nhẫn nhục thì phá ấm ma, chẳng thấy có chúng sanh tu hạnh nhẫn nhục thì phá phiền não ma, chẳng thấy sanh tử thì phá tử ma, chẳng thấy bồ đề thì phá Thiên Ma.
Còn nữa, này thiện nam tử! Nếu Bồ Tát siêng tu tinh tiến thân mình tịch tĩnh thì phá ấm ma, siêng tu tinh tiến tâm mình tịch tĩnh thì phá phiền não ma, siêng tu tinh tiến thấy pháp vô sanh thì phá tử ma, siêng tu tinh tiến vì điều chúng tu khiến chuyển sanh tử thì phá Thiên Ma.
Còn nữa, này thiện nam tử! Nếu Bồ Tát chẳng vì thân ngũ ấm mà tu thiền định thì phá ấm ma, chẳng tham trước Thập bát giới Thập nhị xứ mà tu thiền định thì phá phiền não ma, chẳng tham trước lục nhập mà tu thiền định thì phá tử ma, có bao nhiêu thiện căn đều hồi hướng bồ đề thì phá Thiên Ma.
Còn nữa, này thiện nam tử! Nếu Bồ Tát biết ngũ ấm phương tiện thì phá ấm ma, biết thập bát giới phương tiện thì phá phiền não ma, biết lục nhập phương tiện thì phá tử ma, đem tất cả thứ phương tiện ấy hồi hướng bồ đề thì phá Thiên Ma.
Còn nữa, này thiện nam tử! Nếu Bồ Tát quán tất cả pháp tướng rỗng không thì phá ấm ma, quán tất cả pháp không có tướng thì phá phiền não ma, quán tất cả pháp không có nguyện cầu thì phá tử ma, có đủ ba pháp quán như vậy đều hồi hướng bồ đề thì phá Thiên Ma.
Còn nữa, này thiện nam tử! Nếu Bồ Tát quán thân thân xứ chẳng giác chẳng trước thì phá ấm ma, quán thọ thọ xứ chẳng giác chẳng trước thì phá phiền não ma, quán tâm tâm xứ chẳng giác chẳng trước thì phá tử ma, quán pháp pháp xứ chẳng giác chẳng trước thì phá Thiên Ma.
Quán tất cả như vậy mà trọn chẳng hề mất tổn tâm bồ đề thì có thể phá hoại cả bốn thứ ma.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Ba Pháp Quán Bảy Xứ - Kinh Số Hai Mươi Bốn
Phật Thuyết Kinh Niệm Tụng được Lược Ra Trong Kim Cương đỉnh Du Già - Phần Mười Bảy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Trưởng Giả
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Nan đề - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Mốt - Pháp Hội Hằng Hà Thượng ưu Bà Di