Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Mười
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ NĂM MƯƠI BỐN
PHÁP HỘI HẢI HUỆ BỒ TÁT
PHẦN MƯỜI
Này Hải Huệ! Nếu có Bồ Tát hay hiểu những cú nghĩa như vậy, ắt sẽ ngồi pháp tòa kim cương sư tử dưới cội bồ đề.
Lúc Đức Phật nói pháp ấy, có tám ngàn Bồ Tát được nhập pháp môn Đà La Ni, cũng được nhất thiết chúng sanh bình đẳng Tam Muội.
Chư Bồ Tát từ mười phương đến đem diệu hương hoa và các thứ kỹ nhạc cúng dường Đức Phật nói kệ khen:
Chúng tôi đảnh lễ Đấng Vô Thượng
Hay biết ấm thanh tất cả chúng
Nói tướng vô tướng thiệt nhất tướng
Mà được tướng tốt ba mươi hai
Nếu có chúng sanh nhất nhị tâm
Bình đẳng nhiếp các chúng sanh tâm
Nói hạnh không hạnh thiệt nhất hạnh
Vì vậy tôi lễ Đấng Vô Thượng
Như Lai chân thiệt biết nhân quả
Nên vì chúng sanh nói nghiệp báo
chân như pháp giới chẳng có không
Vì vậy tôi khen Đấng Vô Thượng
Tất cả chúng sanh không giác quán
Tâm ấy bổn tịnh không có tham
Vì theo nhân duyên có tham dục
Vì vậy tôi lạy nhân chân thiệt
Tôi thấy thân Phật các mầu sắc
Mà thân Như Lai thiệt không sắc
Vì thương chúng hiện sắc không sắc
Tôi lạy Đấng Pháp Vương vô thượng
Tất cả phước điền vào nhất điền
Mà nhất điền này không tăng giảm
Bất động pháp giới chẳng chuyển dời
Vì vậy tôi lạy đấng vô thượng
Quán các chúng sanh tâm như huyễn
Các pháp cùng bồ đề cũng vậy
Biết tất cả pháp đều bình đẳng
Vì vậy tôi lạy đấng bình đẳng
Quán các pháp giới đều bình đẳng
Vì vậy các pháp không một hai
Chẳng có chẳng không là giải thoát
Vì vậy tôi lậy đấng vô kiến
Nhật nguyệt nói được rơi xuống đất
Gió mạnh nói được dây cột buộc
Tu Di nói được miệng thổi động
Chẳng thể nói được Phật hai lời
Thiệt ngữ chân ngữ và tịnh ngữ
Thân tâm thanh tịnh như hư không
Chẳng nhiễm thế pháp như hoa sen
Vì vậy tôi lậy đấng vô thượng
Nếu ai khen ngợi đức như vậy
Thì được các công đức như vậy
Tôi vì các công đức như vậy
Nên lậy khối công đức như vậy.
Chư Bồ Tát nói kệ tán thán Đức Phật rồi bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Luận về đại bảo ấy đó là Phật vậy. Đức Phật xuất thế là lạc xuất, là tín xuất, là niệm xuất, là trí xuất, là thí xuất, là giới xuất, là nhẫn xuất, là tinh tiến xuất, là thiền định xuất, là huệ xuất, là từ xuất, bi xuất, hỉ xuất, xả xuất.
Đức Phật xuất thế là trí pháp nghĩa thập nhị nhân duyên xuất, là niệm xứ xuất, là chánh cần xuất, là như ý túc xuất, là chánh đạo phần xuất, là tất cả thiện pháp xuất.
Bấy giờ trong chúng có một Đại Bồ Tát tên là Huệ Tụ bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Sanh lão bệnh tử xuất ra nơi thế gian ấy tức là Phật xuất. Vô minh ái xuất, tham sân si xuất, tất cả lưới nghi phiền não xuất tức là Phật xuất.
Tại sao vậy?
Vì nếu tất cả các pháp như vậy chẳng xuất ra nơi thế gian thì Đức Phật có duyên cớ gì mà xuất hiện thế gian ư!
Đức Phật nói: Lành thay lành thay!
Này Huệ Tụ! Đúng như lời ông nói.
Hải Huệ Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người chẳng thấy được các pháp như vậy, lúc bấy giờ Đức Như Lai là xuất thế hay chẳng xuất thế?
Đức Phật nói: Này Hải Huệ! Bồ Tát lúc mới phát tâm bồ đề tâm thiệt chẳng biết các pháp như vậy, nên Phật vì họ mà tuyên nói để dạy họ.
Này Hải Huệ! Bồ Tát có bốn hạng:
Một là sơ Phát bồ đề Tâm, hai là tu hành đạo bồ đề, ba là kiên cố bất thối bồ đề và bốn là một đời sẽ bổ xứ thành Phật.
Bồ Tát sơ phát tâm thấy sắc tướng Phật, thấy rồi mà phát tâm vô thượng bồ đề.
Bồ Tát tu hành thấy Phật có đủ tất cả pháp lành, thấy rồi liền phát tâm vô thượng bồ đề.
Bất thối Bồ Tát thấy thân của Đức Như Lai cùng tất cả các pháp thảy đều bình đẳng.
Nhất sanh bổ xứ Bồ Tát chẳng thấy có Như Lai công đức cũng không thấy có tất cả pháp, tại sao, vì huệ nhãn của bậc Bồ Tát này tỏ rõ thanh tịnh vậy, vì dứt hai kiến vậy, vì tịnh trí huệ vậy.
Nếu người chẳng thấy tịnh, chẳng thấy bất tịnh, chẳng thấy tịnh bất tịnh, chẳng thấy chẳng phải tịnh chẳng phải bất tịnh, người này thì có thể thấy rõ Đức Như Lai.
Này Hải Huệ! Thuở xưa kia ta thấy Phật Nhiên Đăng như vậy, thầy rồi liền được vô sanh pháp nhẫn, cũng có thể rõ ràng biết là được. Không được mà được rồi liền bay lên hư không cao bảy cây Đa La. Trụ ở hư không rồi tỏ rõ được biết tất cả pháp giới.
Tỏ rõ biết rồi tâm vô sở trụ. Vô sở trụ rồi được tám vạn môn Tam Muội.
Lúc ấy Phật Nhiên Đăng liền thọ ký cho ta rằng này Ma Nạp! Đời vị lai ông sẽ được làm Phật Hiệu Thích Ca Mâu Ni Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, Lúc ấy ta trọn chẳng nghe âm thanh thọ ký, cũng không có ý tưởng Phật và thọ ký.
Lúc ấy ta có đủ ba tịnh huệ, đó là chẳng thấy có ngã, chẳng thấy có Phật và chẳng thấy có thọ ký. Còn có ba thứ tịnh huệ, đó là chẳng thấy ngã, chẳng thấy chúng sanh và chánh pháp. Còn có ba thứ tịnh huệ, đó là chẳng thấy danh, chẳng thấy sắc và chẳng thấy nhân.
Còn có ba thứ tịnh huệ, đó là tất cả ấm đều vào pháp ấm, tất cả giới đều vào pháp giới, tất cả nhập đều vào pháp nhập. Còn có ba thứ tịnh huệ, đó là pháp quá khứ đã tận, pháp vị lai chẳng sanh, pháp hiện tại chẳng trụ.
Còn có ba thứ tịnh huệ, đó là quán thân như thủy nguyệt, quán thanh chẳng nói được, quán tâm chẳng thấy được. Còn có ba thứ tịnh huệ, đó là không vô tướng vô nguyện. Nếu thấy như vậy tức là chân thiệt thấy thọ ký.
Này Hải Huệ! Nếu Bồ Tát thấy như vậy thì gọi là thiệt thấy.
Hải Huệ Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát nếu có đủ các thứ thấy như vậy thì phát những nguyện gì?
Đức Phật nói: Này Hải Huệ! Người như vậy thì như bổn phát nguyện.
Đại Bồ Tát hoặc tâm tại định hoặc tâm chẳng tại định, vì chúng sanh nên như bổn phát nguyện.
Này Hải Huệ! Ví như người có ruộng lúa tốt rộng đủ một khoảnh mặt đất bằng phẳng, lúc muốn tưới nước mở thuỷ khẩu của ruộng mặc cho nước chảy vào không còn cần tốn công sức nước tự nhiên lan khắp ruộng.
Cũng vậy, Đại Bồ Tát hoặc ở trong định nhiếp tâm tư duy, hoặc chẳng ở định chẳng tư duy, vì chúng sanh nên như bổn phát nguyện những thiện căn được làm thảy đều cho chúng sanh chung. Cùng chung rồi hồi hướng Phật Pháp vô thượng.
Bồ Tát tâm thanh tịnh, giới nhẫn định và huệ cũng thanh tịnh, quán Phật Pháp cùng các chúng sanh bình đẳng không hai.
Dầu có nguyện như vậy mà từ đầu trọn không có tâm. Mặc dầu Bồ Tát không có tâm mà đối với các chúng sanh sức thệ nguyện chưa từng chẳng đến họ, những thiện căn được có đều cùng họ chung, cùng chung rồi hồi hướng vô thượng bồ đề.
Này Hải Huệ! Như cây ta la có người chặt gốc đã đứt rồi thì theo chỗ bị chặt đó mà ngã. Cũng vậy, Đại Bồ Tát tu tập Tam Muội thường hướng đến bồ đề.
Giả sử có người kêu to rằng cây ta la này chớ ngã từ chỗ bị chặt đứt!
Cây ấy vẫn ngã theo chỗ bị chặt đứt! Cũng vậy, Đại Bồ Tát chỗ tu hành pháp lành muốn chẳng hướng đến vô thượng bồ đề thì không bao giờ có, tại sao, vì pháp tánh như vậy.
Đại Bồ Tát chỗ tu pháp lành chỉ vì chẳng dứt chủng tánh Tam Bảo, vì thanh tịnh Phật Độ, vì trang nghiêm thân ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, vì trang nghiêm khẩu lúc Thuyết Pháp chúng sanh thích nghe, vì trang nghiêm tâm xem tất cả chúng sanh bình đẳng không hai, vì được Phật Pháp Chư Phật Tam Muội.
Dầu Bồ Tát chẳng tham những pháp như vậy nhưng tự nhiên có thể được những pháp ấy, tại sao, vì sức thệ nguyện vậy.
Này Hải Huệ! Ví như nhà lò gốm, lúc khối bùn còn ở trên vòng khuôn chẳng được có tên món vật. Lúc đã thành món vật rồi thì tùy theo món vật mà có tên.
Cũng vậy, pháp lành của Bồ Tát lúc chưa phát nguyện thì chẳng được tên Ba la mật, vì vậy nên tất cả pháp lành của Bồ Tát cần phải phát nguyện.
Này Hải Huệ! Ví như nhà thợ vàng, lúc vàng chưa thành món vật cũng chẳng được có tên, đến lúc thành món vật rồi được tên anh lạc. Cũng vậy, pháp lành của Bồ Tát lúc chưa phát nguyện thì chưa được có tên Ba la mật.
Ví như Tỳ Kheo lúc muốn nhập diệt tận định, trước lập thệ rằng, nay tôi nhập định nếu tiếng chuông khánh kêu mới sẽ xuất định.
Mà trong định ấy không có tiếng chuông khánh, do vì sức thệ nguyện nên lúc gõ chuông khánh thì Tỳ Kheo ấy liền xuất định.
Cũng vậy, Đại Bồ Tát vì thương mến chúng sanh nên phát nguyện rằng: Người chưa được độ tôi sẽ độ họ. Lúc tu tập bình đẳng, Đại Bồ Tát nhập thâm Tam Muội, do sức đại bi nên nhớ các chúng sanh mà chẳng chứng Thanh Văn thừa và Bích Chi Phật thừa. Vì vậy mà Đại Bồ Tát dầu tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà chẳng chứng đạo quả.
Này Hải Huệ! Chỗ sở hành của Đại Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn, dầu nhập thâm định mà chẳng chứng quả Sa Môn. Như có hai người muốn vượt qua chỗ có lửa cháy lớn, một người mặc giáp kim cương thì qua khỏi, một người mang giáp bằng cỏ khô thì bị cháy.
Tại sao, vì kim cương là chất không bén lửa, còn cỏ khô là chất nhạy lửa nên phải cháy. Cũng vậy, Đại Bồ Tát thương mến chúng sanh mà chuyên niệm bồ đề trang nghiêm vô lượng thậm thâm tam muội, do sức tam muội nên vượt quá chánh vị Thanh Văn Duyên Giác chẳng lấy quả chứng, từ định dậy rồi được Chánh Giác đạo Như Lai tam muội.
Người mang cỏ khô dụ hàng Thanh Văn. Người Thanh Văn nhàm lìa sanh tử, đối với chúng sanh không có lòng từ bi, vì vậy mà không vượt quá chánh vị Thanh Văn và Duyên Giác.
Tại sao?
Vì người Nhị Thừa ở trong phước đức sanh ý tưởng tri túc. Người Đại Thừa Bồ Tát ở trong phước đức không có lòng nhàm đủ.
Giáp kim cương là dụ cho ba môn giải thoát không, vô tướng và vô nguyện. Ngọn lửa mạnh là dụ cho các hành pháp. Đại Bồ Tát quán tất cả pháp không, vô tướng và vô nguyện mà có thể chẳng chứng các đạo quả Sa Môn.
Hải Huệ Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát có đủ những sự như vậy chẳng thể nghĩ bàn, tu các tam muội ấy mà chẳng thủ chứng, đi trong lửa sanh tử chẳng bị lửa cháy.
Đại Bồ Tát thành tựu phương tiện nhập tất cả định cũng chẳng bị định nó gạt lầm. Vì có phương tiện nên hành các công hạnh mà tâm không nhiễm trước. Dầu vì hạng tà kiến giải nói quả Sa Môn, mà tự mình chẳng chứng Sa Môn đạo quả.
Đức Phật nói: Lành thay, lành thay!
Này Hải Huệ! Đúng như lời ông nói!
Này Hải Huệ! Như ba thứ nước nhuộm, đó là la, uất kim và chàm xanh đựng chung trong một chậu nhuộm ba thứ là vải lông, nỉ và y kiều xa gia. Vải lông bị nước nhuộm thấm thành mầu xanh.
Nỉ vì giặt sạch nên thành mầu vàng. Y kiều xa gia trược bị tro thấm thì thành mầu đỏ. Ba vật như vậy dầu đồng nhuộm trong một chậu mà chịu mầu đều riêng khác.
Người tam thừa cũng như vậy. Chậu là dụ cho không, vô tướng và vô nguyện. Ba mầu là dụ cho Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát. Tùy vật chịu mầu là dụ ba thứ bồ đề.
Không, vô tướng và vô nguyện chẳng có ý nghĩ cho quả như vậy, chẳng cho quả như vậy. Vải lông dụ hàng Thanh Văn. Nỉ dụ hàng Duyên Giác. Y Kiều xa gia dụ hàng Bồ Tát.
Đại Bồ Tát thấy tất cả pháp như điếc như đui, không có chúng sanh. Lúc thấy như vậy tâm Bồ Tátkhông có nhiễm trước cũng không có thối hối.
Bấy giờ trong tâm Bồ Tát như thiệt biết rõ, ta ở nơi chúng sanh chẳng phải có lợi ích chẳng phải không có lợi ích, cũng vì chúng sanh tu tập đại bi.
Này Hải Huệ! Ví như vi diệu tịnh lưu ly bảo, dầu ở trong bùn suốt cả trăm năm mà tánh chất nó luôn thanh tịnh ra khỏi bùn thì trong sạch như cũ.
Đại Bồ Tát cũng vậy, biết rõ tâm tánh bổn tánh thanh tịnh bị khách trần phiền não làm chướng ô, mà thiệt ra khách trần phiền não chẳng có thể làm ô nhiễm được tâm tánh thanh tịnh, như bảo châu tại bùn chẳng bị bùn làm ô nhiễm. Đại Bồ Tát nghĩ rằng nếu tâm tánh ta bị phiền não làm ô nhiễm thì ta làm sao độ chúng sanh được.
Vì vậy mà Bồ Tát thường thích tu tập phước đức trang nghiêm, thích ở tại các cõi cúng dường Tam Bảo, thích vì chúng sanh mà làm lụng theo họ sai khiến, nơi chỗ sanh tham chẳng hề tham, thường hộ trì chánh pháp, thích ban cho bố thí, đầy đủ tịnh giới, trang nghiêm nhẫn nhục, siêng tu tinh tiến, trang nghiêm thiền chỉ, tu tập trí huệ, đa văn không nhàm, thanh tịnh phạm hạnh tu đại thần thông, có đủ ba mươi bảy phẩm trợ bồ đề.
Này Hải Huệ! Đại Bồ Tát tu hành các pháp như vậy chẳng bị phiền não làm nhiễm ô, chẳng dính mắc Ba Cõi. Vì Đại Bồ Tát hành thiện phương tiện công đức lực, nên mặc dầu đi trong Tam Giới mà thân tâm không ô nhiễm.
Này Hải Huệ! Ví như Trưởng Giả chỉ có một con trai lòng rất thương yêu. Đứa con trai ấy chơi giỡn lầm té vào hầm phẩn. Người mẹ thấy gớm ghét hôi dơ, sau đó người cha thấy quở trách bà mẹ rồi liền vào hầm phẩn kéo dắt đứa con trai ra rồi đem tắm rửa sạch sẽ.
Do vì thương yêu nên người cha ấy quên cả hôi dơ.
Trưởng giả cha mẹ ấy dụ cho Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát. Hầm phẩn dụ Tam Giới. Đứa con trai dụ chúng sanh. Bà mẹ chẳng vớt con được là dụ hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Ông cha hay cứu vớt đứa con được là dụ Chư Bồ Tát. Lòng thương yêu con là dụ đại bi.
Đại Bồ Tát đủ thiện phương tiện vào tam giới mà chẳng bị tam giới nhiễm ô.
Vì vậy mà đạo có hai thứ: Một là Thanh Văn thừa, hai là Bồ Tát đại thừa. Thanh Văn thừa nhàm Tam Giới. Bồ Tát thừa chẳng nhàm Tam Giới.
Đại Bồ Tát tu tập không, vô tướng, vô nguyện, dầu đi trong các cõi mà chẳng bị đọa trong các cõi. Đã chẳng đọa các cõi mà cũng chẳng thủ chứng. Đi trong các cõi gọi là thiện phương tiện, chẳng thủ chứng gọi là trí huệ.
Đại Bồ Tát quán sát tất cả pháp không có hai tướng. Quán tất cả pháp bình đẳng thì chúng sanh cũng bình đẳng. Bình đẳng như vậy thì Niết Bàn cũng bình đẳng, đây gọi là trí huệ. Nếu có thể quán chúng sanh bình đẳng như vật mà chẳng chứng Niết Bàn thì gọi là phương tiện.
Thanh tịnh bố thí gọi là huệ, phát nguyện hồi hướng bồ đề thì gọi là phương tiện.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai Mươi Năm - Tịnh Phục Tịnh Vương
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Hai Mươi Hai - Pháp Hội đại Thần Biến - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Ba Mươi Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bốn Quả - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Như Lai Giáo Thắng Quân Vương