Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

 

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ NĂM MƯƠI BỐN

PHÁP HỘI HẢI HUỆ BỒ TÁT  

PHẦN NĂM  

Lại này Hải Huệ! Vì được vô thượng bồ đề mà Đại Bồ Tát siêng tu tinh tiến. Có ai siêng tu tinh tiến thì nên biết người ấy tức là có bồ đề.

Có ai siêng tu tinh tiến thì người ấy tức là có Đàn Ba la mật, Thi Ba la mật, Sằn Đề Ba la mật, Tỳ Lê Gia Ba la mật, Thiền Ba la mật, Bát Nhã Ba la mật, có thể lợi ích mình mà cũng có thể lợi ích người.

Này thiện nam tử! Vô lượng kiếp quá khứ có Đức Phật Thế Tôn hiệu Cần Tinh Tiến Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, Quốc Độ tên Thiện Kiến, kiếp ấy tên Hoa Tụ.

Lúc ấy đại thủy tràn đầy cả Thế Giới, trong đại thủy sản xuất tám vạn bốn ngàn thượng diệu Liên Hoa, mỗi hoa sen ngang rộng đủ ngàn do tuần có vô lượng ức ánh sáng màu hoàng kim, mùi thơm vi diệu.

Chư Thiên Cõi Trời Sắc Cứu Cánh thấy các hoa sen ấy cảm thọ nhiều an lạc đồng nói rằng trong thế gian mà có nhiều hoa sen ấy thì nên biết là có nhiều Đức Phật xuất thế. Do cớ ấy mà kiếp ấy có tên là Hoa Tụ.

Thuở ấy cả Thế Giới tịch tĩnh không có tiếng động. Vì tịch tĩnh mà Chư Bồ Tát ở vô lượng Thế Giới thường thích quán sát. Do quán sát nên mỗi mỗi Bồ Tát đều được hỷ hành tam muội. Vì cớ ấy mà Thế Giới ấy có tên là Thiện Kiến.

Quốc Độ Thiện Kiến có nhiều rừng cây Thất Bảo, nhiều những điện đền lầu các Thất Bảo như Đâu Suất Thiên. Chúng sanh cõi ấy ăn uống đầy đủ, phần đông đều có thần thông, tất cả đều hóa sanh, không có thân người nữ cũng không có ba ác đạo, đều tu pháp đại thừa, không có nhị thừa.

Đức Phật Cần Tinh Tiến có ba vạn sáu ngàn Bồ Tát xuất gia đều được tâm bất thối chuyển vô thượng bồ đề, còn có vô lượng nhân Thiên sơ phát tâm bồ đề kiên cố chẳng thối chuyển. Đức Cần Tinh Tiến Như Lai thường thích tuyên nói hạnh cần tinh tiến.

Lúc ấy trong đại chúng có một vị Bồ Tát tên Kiên Cố Trang nghiêm từ chỗ ngồi đứng dậy đến lễ chân Đức Cần Tinh Tiến Như Lai rồi quỳ dài chắp tay bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát cần hành tinh tiến?

Đức Cần Tinh Tiến Như Lai nói: Này Kiên Cố Trang nghiêm! Cần hành tinh tiến có bốn pháp, đó là phát tâm, tác tâm, quán tâm và như pháp trụ. Bốn pháp như vậy tức là đầy đủ nhân duyên Phật Pháp.

Tại sao vậy?

Này thiện nam tử! Do phát tâm nên sanh thiện pháp. Do tu tác mà thiện pháp tăng trưởng. Do quán sát mà lợi ích chúng sanh. Do như pháp trụ nên nhập vào tất cả nhân duyên Phật Pháp.

Còn nữa, này thiện nam tử! Phát ấy là cầu được nghe chánh pháp. Tác ấy là nghe pháp rồi có thể nói. Quán ấy là giỏi tư duy nghĩa. Như pháp trụ ấy là như pháp được nói mà an trụ.

Lại phát ấy là điều phục tâm xan tham, tác ấy là có thể bố thí tất cả, quán ấy là vì chúng sanh bố thí hồi hướng bồ đề, như pháp trụ ấy là chẳng cầu quả báo bố thí.

Lại phát ấy là tìm cầu người lãnh thọ, tác ấy là khi thấy người đến cầu xin thì sanh lòng thương xót, quán ấy là quán sát của cải vô thường, như pháp trụ ấy là chẳng cầu quả báo.

Lại phát ấy là cầu của cải đúng như pháp, tác ấy là cầu được tịnh mạng, quán ấy là nơi vật chẳng bền mà tu pháp bền vững, như pháp trụ ấy là lúc xả thí tất cả chẳng có lòng kiêu mạn.

Lại phát ấy là lìa các ác cấm giới, tác ấy là chí tâm thọ trì các tịnh cấm giới, quán ấy là chí tâm điều phục người phá giới, như pháp trụ ấy là trì tịnh cấm giới chẳng sanh lòng kiêu mạn.

Lại phát ấy là tịnh khẩu nghiệp, tác ấy là tịnh thân nghiệp, quán ấy là tịnh ý nghiệp, như pháp trụ ấy là tu tập thiện pháp.

Lại phát ấy là xa lìa tâm sân hận, tác ấy là tu tập nhẫn nhục, quán ấy là thủ hộ mình và người, như pháp trụ ấy là tu nhẫn nhục rồi chẳng sanh lòng kiêu mạn.

Lại phát ấy là thích giáo hoá chúng sanh tà kiến, tác ấy là hay phá tâm sân hận của các chúng sanh, quán ấy là chẳng thấy có nội ngoại, như pháp trụ là xa lìa tất cả phiền não kiết sử.

Lại phát ấy là xa lìa giải đãi, tác ấy là siêng tu tinh tiến, quán ấy là điều phục tất cả chúng sanh giải đãi, như pháp trụ ấy là khuyên các chúng sanh tu tinh tiến.

Lại phát ấy là thiện từ, tác ấy là việc phải làm đã xong, quán ấy là chẳng cầu các thừa khác, như pháp trụ ấy là chẳng mất tâm vô lượng bồ đề.

Lại pháp ấy là trang nghiêm thiền chi, tác ấy là trang nghiêm tam muội, quán ấy là tu tập chẳng sanh tương tợ ngã mạn, như pháp trụ là phá hoại tâm hành ác của các chúng sanh.

Lại phát ấy là trang nghiêm niệm tâm, tác ấy là trang nghiêm các cõi, quán ấy là ý chí kiên cố, như pháp trụ là dũng kiện không khiếp sợ.

Lại phát ấy có tên như pháp nhân, tác ấy có tên như phương tiện, quán ấy có tên môn hộ, như pháp trụ ấy có tên giải thoát.

Lại phát ấy là cầu văn tự, tác ấy là thọ trì văn tự, quán ấy là tự bất khả thuyết, như pháp trụ ấy là xa lìa văn tự.

Lại phát ấy là lìa ác tri thức, tác ấy là cầu thiện tri thức, quán ấy là ở nơi thiện tri thức chí tâm nghe pháp, như pháp trụ ấy là chẳng hiểu sai nghĩa.

Lại phát ấy là thích rời bỏ nhà, tác ấy là xa lìa oán và thân, quán ấy là cầu phá lành, như phát trụ là chẳng theo ý người.

Lại phát ấy là nói thiểu dục, tác ấy là nói tri túc, quán ấy là dễ nuôi dễ thoả mãn, như pháp trụ ấy là khéo biết thời nghi.

Lại phát ấy là tu đúng cấm giới, tác ấy là nơi cấm giới chẳng hư, quán ấy là như định học giới, như pháp trụ ấy là như huệ học giới.

Lại phát ấy là Đàn Na và Thi La Ba la mật, tác ấy là Sằn Đề và Tỳ Lê Gia Ba la mật, quán ấy là Thiền Na và Bát Nhã Ba la mật, như pháp trụ ấy là trí và phương tiện Ba la mật.

Lại phát ấy là hành bố thí nhiếp thủ, tác ấy là hành nhuyến ái ngữ nhiếp thủ, quán ấy là làm lợi ích cho người nhiếp thủ, như pháp trụ ấy là đồng sự với người nhiếp thủ.

Lại phát ấy là đại từ, tác ấy là đại bi, quán ấy là đại hỷ, như pháp trụ ấy là đại xả.

Lại phát ấy là hộ trì chánh pháp, tác ấy là thanh tịnh phước điền, quán ấy là trang nghiêm tướng hảo, như pháp trụ ấy là điều phục chúng sanh.

Lại pháp ấy là thiệt biết ấm ma, tác ấy là lìa phiền não ma, quán ấy là phá tử ma, như pháp trụ ấy là xô dẹp Thiên Ma.

Lại phát ấy là thân niệm xứ, tác ấy là thọ niệm xứ, quán ấy là tâm niệm xứ, như pháp trụ là pháp niệm xứ.

Lại phát ấy là rành rẽ biết khổ, tác ấy là xa lìa tập nhân, quán ấy là chúng chân thiệt diệt, như pháp trụ là tu tập trợ đạo.

Lại phát ấy là tín căn, như pháp trụ ấy là huệ căn.

Lại phát ấy là thất giác phần, tác ấy là bát chánh đạo phần, quán là Xa ma tha, như pháp trụ là Tỳ bà xá na.

Này thiện nam tử! Như tất cả hạnh lành đều gọi là phát, tu tập pháp lành đều gọi là tác, tất cả tâm thanh tịnh đều gọi là quán, biết tất cả nghiệp thì gọi là như pháp trụ.

Lại này Kiên Cố Trang Nghiêm Bồ Tát!

Người siêng tu tinh tiến thì tịch tĩnh tâm mình, nếu tâm tịch tĩnh tức là tinh tiến.

Nếu phá tâm tham thân tức là tinh tiến.

Nếu biết thân và ý tức là tinh tiến.

Nếu đoạn dứt ngã và ngã sở tức là tinh tiến. Đoạn dứt các hệ phược tức là tinh tiến. Phiền não chướng dứt hết tức là tinh tiến.

Nếu có thể xa lìa tất cả chướng ngại tức là tinh tiến.

Nếu có thể trừ bỏ mười thứ kiêu mạn tức là tinh tiến.

Nếu phá tham sân tức là tinh tiến.

Nếu phá vô minh hữu ái tức là tinh tiến.

Nếu chẳng phóng dật tu tập thiện pháp tức là tinh tiến.

Nếu có thể chân thiệt thấy nội lục nhập ngoại lục nhập tức là tinh tiến.

Nếu chân thiệt biết ngũ ấm, thập bát giới, thập nhị nhập tức là tinh tiến. Tâm tịch tĩnh tức là tinh tiến. Phá hoại lòng nghi tức là tinh tiến. Nơi Tam Thế chẳng phân biệt tức là tinh tiến.

Nếu quán pháp giới chẳng động chuyển tức là tinh tiến.

Nếu chẳng lậu tức là tinh tiến.

Nếu chẳng hại tức là tinh tiến.

Nếu chẳng sanh hối tức là tinh tiến.

Nếu chẳng cầu tức là tinh tiến.

Nếu chẳng diệt tức là tinh tiến.

Nếu chẳng tác tức là tinh tiến.

Nếu không có tăng giảm tức là tinh tiến.

Không có thượng không có hạ tức là tinh tiến.

Chẳng xả chẳng trước tức là tinh tiến.

Chẳng phược chẳng giải tức là tinh tiến.

Chẳng đến chẳng đi tức là tinh tiến.

Bất sanh bất diệt tức là tinh tiến.

Chẳng phải phóng dật chẳng phải chẳng phóng dật tức là tinh tiến.

Không có tác không có tác giả tức là tinh tiến.

Không có tối không có sáng tức là tinh tiến.

Chẳng phải có thấy chẳng phải chẳng thấy tức là tinh tiến.

Đức Thế Tôn bảo Hải Huệ Đại Bồ Tát: Này thiện nam tử! Lúc Đức Cần Tinh Tiến Như Lai nói pháp tinh tiến như vậy có vô lượng Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn. Hiện nay trong Pháp Hội này cũng có năm ngàn Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn, bảy ngàn Thiên nhân phát tâm vô thượng bồ đề.

Này thiện nam tử! Thuở xa xưa ấy, Kiên Cố Trang Nghiêm Bồ Tát nghe Đức Cần Tinh Tiến Như Lai nói pháp ấy rồi, vì muốn được vô lượng pháp như vậy nên siêng tu tinh tiến chứng được hạ nhẫn.

Vì cầu pháp mà Bồ Tát ấy chẳng ngồi chẳng nằm cho đến mạng chung. Lúc đã bỏ thân liền sanh Trời Phạm Thiên, trong vô lượng đời cúng dường Phật và nghe pháp thọ trì.

Trong kiếp Hoa Tụ ấy Bồ Tát Kiên Cố Trang Nghiêm cúng dường cùng khắp tám vạn bốn ngàn Chư Phật Như Lai nghe pháp thọ trì siêng tu tinh tiến.

Này Hải Huệ! Ông có biết thuở kiếp Hoa Tụ xa xưa, Bồ Tát Kiên Cố Trang Nghiêm ấy là người nào chăng?

Chính là thân ta Thích Ca Mâu Ni Phật vậy.

Này Hải Huệ! Từ lâu ta đầy đủ tinh tiến nên siêu việt Di Lặc và chư vị Đại Bồ Tát mà thành Chánh Giác trước. Vì vậy mà ta nói rằng ai có tinh tiến thì nên biết người ấy tức là có bồ đề.

Này Hải Huệ! Ta siêng tu tinh tiến mà còn khó được vô thượng bồ đề huống là giải đãi ư!

Nếu có Bồ Tát hay siêng tu tinh tiến thì người ấy có thể tự lợi lợi tha.

Muốn tuyên lại nghĩa ấy Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Ta nhớ quá khứ vô lượng đời

Trong kiếp Hoa Tụ tinh tiến Phật

Thế Giới Thiện Kiến nước tràn đầy

Sản xuất tám vạn bốn ngàn hoa

Cõi ấy báu đẹp như Đâu Suất

Dư nhiều vật thực không thân nữ

Chúng sanh tất cả đều hóa sanh

Cũng không nhị thừa thuần nhất thừa

Mười phương Thế Giới Chư Bồ Tát

Thấy cõi Thiện Kiến thọ an lạc

Ba vạn hai ngàn chúng xuất gia

Vô lượng nhân Thiên phát giác tâm

Tinh Tiến Phật khen hạnh tinh tiến

Chỉ vì Kiên Cố Trang Nghiêm nói

Nếu hay phát tâm siêng tu thiện

Nhiếp tâm tư duy như pháp trụ

Cần Tinh Tiến Phật vì kiên cố

Phân biệt nói rộng bốn câu ấy

Phát bồ đề tâm như pháp hành

Tư duy được nhẫn như pháp trụ

Nếu cầu chánh pháp gọi sơ phát

Như pháp mà nói gọi là tác

Hiểu nghĩa chẳng sai tư duy tốt

Tu tập pháp nhẫn như pháp trụ

Nếu siêng bố thí gọi sơ phát

Cầu người nhận lãnh gọi là tác

Thấy rõ vô thường tư duy tốt

Chẳng thấy hai tướng như pháp trụ

Cầu của đúng pháp gọi sơ phát

Thanh tịnh sanh sống gọi là tác

Phá hoại san tham tư duy tốt

Chẳng sanh kiêu mạn như pháp trụ

Xa lìa ác giới gọi sơ phát

Trì giới chẳng hư gọi là tác

Điều phục người lỗi tư duy tốt

Tịnh giới không kiêu như phá trụ

Xa lìa ác khẩu gọi sơ phát

Thân thường tịch tĩnh gọi là tác

Ý nghiệp tịch tĩnh tư duy tốt

Các pháp tịch tĩnh như pháp trụ

Xa lìa hại tâm gọi sơ phát

Tu tập nhẫn nhục gọi là tác

Gìn giúp mình người tư duy tốt

Nhẫn chẳng kiêu mạn như pháp trụ

Khuyên dạy kẻ sân gọi sơ phát

Xa lìa kẻ ác gọi là tác

Trong ngoài tịch tĩnh tư duy tốt

Tâm không trước ngã như pháp trụ

Xa lìa giải đãi gọi sơ phát

Siêng tu tinh tiến gọi là tác

Biết rõ chân thiệt tư duy tốt

Tu tập trợ đạo như pháp trụ

Mới cầu pháp lành là sơ phát

Cầu rồi tu tập gọi là tác

Niệm tâm thọ trì tư duy tốt

Chẳng mất thiện pháp như pháp trụ

Cầu nơi thiền chi gọi sơ phát

Tu tập tam muội gọi là tác

Không tương tợ mạn tư duy tốt

Không có lỗi lầm như pháp trụ

Tâm niệm nơi huệ gọi sơ phát

Chứng được pháp môn gọi là tác

Ủng hộ chánh pháp tư duy tốt

Dũng kiện tinh tiến như pháp trụ

Chánh niệm nhân duyên là sơ phát

Tu thiện phương tiện gọi là tác

Quán xem nội pháp tư duy tốt

Đã được giải thoát như pháp trụ

Mới cầu văn tự gọi sơ phát

Thông đạt hiểu rõ gọi là tác

Biết bất khả thuyết tư duy tốt

Rõ không văn tự như pháp trụ

Xa lìa ác hữu là sơ phát

Gần kề thiện hữu gọi là tác

Nghe pháp hiểu đúng tư duy tốt

Chẳng rời chánh pháp như pháp trụ

Phật Pháp xuất gia là sơ phát

Trừ bỏ oán thân gọi là tác

Tu tập pháp lành thiện tư duy

Chẳng theo ý người như pháp trụ

Thiểu dục sơ phát tri túc tác

Thích nơi tịch tĩnh tư duy tốt

Trụ tịch tĩnh rồi giảng vô tranh

Cũng tự tu tập như pháp trụ

Theo giới mà học gọi sơ phát

Thường thích tịch tĩnh gọi là tác

Dễ nuôi dễ đủ thiện tư duy

Quán sát vô thường như pháp trụ

Thích tu thí giới gọi sơ phát

Nhẫn nhục tinh tiến gọi là tác

Thiền và bát nhã tư duy tốt

Trí cùng phương tiện như pháp trụ

Bố thí nhiếp thủ là sơ phát

Ái ngữ nhiếp thủ gọi là tác

Lợi ích cho người tư duy tốt

Đồng sự nhiếp thủ như pháp trụ

Tu từ là phát tu bi tác

Tam thế vô nhị tư duy tốt

Vì các chúng sanh tịnh thân tâm

Tu tập hỉ xả như pháp trụ

Hộ trì chánh pháp là sơ phát

Thanh tịnh phước điền gọi là tác

Trang nghiêm tự thân tư duy tốt

Điều phục chúng sanh như pháp trụ

Phá hoại ấm ma là sơ phát

Rời phiền não ma gọi là tác

Phá được tử ma tư duy tốt

Dẹp phục ma địch như pháp trụ

Tu tập thân niệm là sơ phát

Tu tập thọ niệm gọi là tác

Tu tập tâm niệm tư duy tốt

Tu tập pháp niệm như pháp trụ

Rành rẽ biết khổ là sơ phát

Xa lìa nhân tập gọi là tác

Chứng diệt chân thiệt tư duy tốt

Tu tập trợ đạo như pháp trụ

Tu tập tín căn là sơ phát

Tu tập các lực gọi là tác

Tu niệm tam muội tư duy tốt

Tu tập trí huệ như pháp trụ

Thân tâm tịch tĩnh là sơ phát

Xa lìa tà kiến gọi là tác

Quán rõ danh sắc tư duy tốt

Tinh tiến chẳng hối như pháp trụ

Không ngã ngã sở là sơ phát

Không phược không giải gọi là tác

Không khứ không lai tư duy tốt

Pháp tánh bất động như pháp trụ

Xa lìa kiêu mạn là sơ phát

Từ bỏ tham sân gọi là tác

Quán mười hai duyên tư duy tốt

Lìa si hữu ái như pháp trụ

Nếu hay xa lìa tất cả tướng

Phá hoại sở hữu các chướng ngại

Đầy đủ thập lực tứ vô úy

Hay nói công Đức Cần Tinh Tiến

Như Lai nói pháp tinh tiến này

Mười ngàn chúng sanh ngộ vô sanh

Năm ngàn Bồ Tát được pháp nhẫn

Vô lượng Trời Người phát bồ đề

Bồ Tát Kiên Cố nay Thích Ca

Tinh tiến vượt hơn Chư Bồ Tát

Nếu muốn chứng được vô thượng đạo

Nên tu tinh tiến như Phật trước.

***

 

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần