Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Chín - Pháp Hội Hư Không Mục - Phần Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN

PHÁP HỘI HƯ KHÔNG MỤC  

PHẦN BẢY  

Bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên ấy nên tất cả Chư Thiên thích ở nhân gian. Người trì Kinh ấy chết liền được sanh Cõi Trời, làm cho Chư Thiên tăng trưởng sắc, lực và thọ mạng, những ác tướng diệt hêt không còn thừa sót. Người không tin tôi có thể khiến họ tin.

Nếu hàng tứ chúng đệ tử Phật, với Kinh Điển như vậy chẳng thể thọ trì đọc tụng thơ tả, chẳng ưa tịch tĩnh, chẳng thiện tư duy, thích cầu cúng dường, chẳng trì tịnh giới, lười biếng kiêu mạn, tâm không tàm quý gần kề hàng bạch y.

Tỳ Kheo như vậy dùng sức lực của cải thế tục huỷ báng đệ tử Phật hoặc đánh hoặc giết, hoặc trói hoặc mắng, đến Vua đến quan nói lỗi xấu. Hàng đệ tử Phật nghe sự ấy rồi sanh tâm đại ác. Sanh ác tâm rồi, các thiện quỷ thần bỏ xứ ấy qua xứ khác, do đây ác quỷ được tiện lợi.

Ác quỷ được tiện lợi rồi, các nước hưng binh đánh lẫn nhau, mưa gió xấu ác làm cho xứ ấy mất mùa nhân dân đói kém, cướp giết lẫn nhau.

Bấy giờ Chư Bồ Tát Thập Phương Thế Giới bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chư Phật Như Lai vì các chúng sanh ở Thế Giới ngũ trược như vậy mà chế cấm giới. Duy nguyện Như Lai vì chánh pháp còn lâu mà chế cấm giới, đó là thân giới, khẩu giới, ý giới, chẳng được thọ chứa vật bất tịnh, chẳng được ác tâm đấu tranh, chẳng được gần kề Vua quan trưởng giả thọ chứa tất cả vật của người tục, như các Phật Độ khác đã chế cấm giới.

Đức Phật nói: Thôi thôi, Phật tự biết thời.

Này các thiện nam tử! Nhân duyên chưa phát xuất, thì Như Lai chẳng dự chế cấm giới.

Đức Phật bảo Vua Tần Bà Sa La rằng: Này Đại Vương!

Quốc Pháp của nước Vua, thế nào gọi là đại tội, sao gọi là tiểu tội?

Vua Tần Bà Sa La nói: Bạch Đức Thế Tôn!

Quốc pháp nước tôi có bốn trọng tội:

Một là giết chết người.

Hai là trộm đến năm tiền.

Ba là dâm phụ nữ khác.

Bốn là vì năm tiền mà ở bên Vua bên đại chúng cố ý nói dối.

Bốn tội như vậy, người phạm bị tử hình.

Đức Phật nói: Nay Phật cũng vì đệ tử vị lai mà chế bốn trọng ấy.

Lại này Đại Vương! Vương Tử bao nhiêu tuổi thì chẳng cho vào nội cung?

Vua nói: Bạch Thế Tôn! Quá hai mười tuổi thì chẳng cho vào nội cung.

Đức Phật nói: Ta cũng vậy! Sa Di hai mươi tuổi nhẫn đến đắc đạo chẳng cho nhập chúng.

Vua nói: Bạch Đức Thế Tôn! Như Quốc Pháp của tôi có người phạm trọng tội thì quyết định phải chết, hoặc phải tội đánh, hoặc mắng, hoặc nhốt, hoặc trói, hoặc thâu tài vật, hoặc đuổi ra khỏi nước.

Trong pháp Phật thì thế nào?

Đức Phật nói: Này Đai Vương! Trong pháp Phật của ta cũng như vậy. Nếu có người sai phạm thì hoặc bắt phải làm việc nhọc một tháng hai tháng, hoặc chẳng cùng nói chuyện, chẳng cùng ngồi chung ăn chung, hoặc chẳng ở chung, hoặc đuổi đi, hoặc ra một nước, hoặc ra bốn nước.

Xứ có Phật Pháp xử trị các ác Tỳ Kheo như vậy rồi, các thiện Tỳ Kheo an lạc học chánh phá nên làm cho Phật Pháp còn lâu chẳng dứt diệt.

Này Đại Vương! Đời vị lai nếu có đệ tử Phật giàu sang nhiều của nhiều thế lực được vua quan thân ái, tất cả đại chúng chẳng đuổi trị được thì các vua chúa sẽ trị phạt.

Nếu Sát Lợi, Bà La Môn, Tỳ Xá, Thủ Đà chẳng thể trị được thì hàng tứ tánh như vậy làm dứt chủng tánh Tam Bảo của Phật, hay làm tắt đuốc pháp, làm chìm thuyền pháp, cháy cạn pháp vị, cướp mắt chúng sanh. Lúc chánh pháp Phật diệt hoại thì tâm buông bỏ.

Này Đại Vương! Ví như một người đoạt tất cả con mắt của mọi người thì tội ấy có nhiều chăng?

Vua nói: Rất nhiều, bạch Đức Thế Tôn! Chẳng thể cân lường được, chẳng thể tính đếm được.

Đức Phật nói: Này Đại Vương! Nếu có hàng tứ tánh có thế lực lớn thấy Phật Pháp diệt bỏ mà chẳng thủ hộ, người này mắc tội cũng như vậy.

Này Đại Vương! Nếu có Quốc Chủ trong vô lượng đời tu thí giới huệ thấy Phật Pháp diệt bỏ mà chẳng thủ hộ, thì vô lượng thiện căn đã vun trồng thảy đều diệt mất.

Xứ ấy sẽ có ba sự bất tường: Một là gạo quý, hai là binh cách và ba là tật dịch.

Tất cả thiện thần đều bỏ đi qua xứ khác, giáo lịnh nước ấy nhân dân chẳng theo, thường bị lân quốc xâm lăng nhiễu loạn, lửa dữ ngang nổi dậy, mưa gió xấu ác, lụt lũ tăng trưởng cuốn trội nhân dân, người thân tín trong ngoài cùng nhau mưu phản. Vua xứ ấy chẳng lâu sẽ mắc trọng bệnh, chết sanh vào địa ngục.

Nếu phước lành đời trước theo đến được lại sanh trong loài người, thì nhiều đời thường đui mù, nghèo cùng linh đinh xin ăn để sống thường sanh ác tâm, do ác tâm ấy nen lại đọa trong địa ngục. Như Vua, Phu Nhân, Thái Tử, Đại Thần, chủ thành, chủ thôn, tướng soái, quận thú, tể quan cũng như vậy.

Vua Tần Bà Sa La tai nghe lời ấy buồn khóc nghẹn ngào lau lệ bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi được gặp Như Lai mà vẫn còn chưa trị nước đúng chánh pháp, huống là đời vị lai các Vua Chúa phóng dật chẳng thể trì giới tu hành tinh tiến, chẳng trị được ác Tỳ Kheo để hộ trì Phật Pháp, chẳng thể nối thạnh chủng tánh Tam Bảo. Các Vua Chúa như vậy mãi mãi thường đi trong ba ác đạo.

Lúc ấy các Vua, Phu Nhân, Thái Tử, Đại Thần, Thành Chủ, Thôn Chủ, Tướng Soái, Quận Thú, Tể Quan đều bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay trong đời hiện tại, chúng tôi cần phải siêng tâm thủ hộ Phật Pháp, cũng nên cúng dường người thọ trì chánh pháp những món vật cần dùng như y phục, món ăn uống, giường nệm, thuốc men, chúng tôi phải trị ác Tỳ Kheo, nối thạnh Tam Bảo.

Đức Phật nói: Này đại chúng! Nếu các người có thể kiến lập sự việc ấy, đó là cúng dường Tam Thế Chư Phật, cũng được vô lượng bất khả tư nghị các thiện công đức.

Đức Phật lại bảo Chư Thiên rằng: Này Chư Thiên Tử! Hôm nay các Ngài chớ có lòng lo lắng. Nay ta vì các chánh pháp nên sẽ lập nghiêm cấm chế cho hàng đệ tử Phật ở vị lai, vì để chẳng đoạn tuyệt tánh Tam Bảo, vì muốn tăng trưởng các thiện pháp, vì tăng trưởng đa văn đầy kho Pháp Bảo, vì lìa tất cả khổ phiền não, vì thành đạo vô thượng bồ đề.

Này Chư Thiên Tử! Nay chỗ Phật nói tất cả Thanh Văn đầy đủ thành tựu được Thanh Văn thừa, tất cả Duyên Giác đầy đủ thành tựu được Duyên Giác thừa, tất cả Bồ Tát thành tựu đầy đủ ba thứ phạm hạnh được trí vô thượng.

Này Chư Thiên Tử! Kinh này có thể lìa các ác chúng sanh, hay phá hoại các pháp ác bất thiện của các chúng sanh, hay diệt thân khẩu ý ba nghiệp bất thiện, hay phá trừ tất cả các quả báo ác. Nếu có Thiện Nam Thiện Nữ cúng dường Kinh này thì là cúng dường Thập Phương Chư Phật.

Lúc bấy giờ Ta Bà Thế Giới tất cả chúng sanh khác miệng đồng lời nói rằng: Lành thay lành thay, bạch Đức Thế Tôn! Tôi trước chưa nghe pháp tụ lớn này nay được nghe đó. Tôi có thể thọ trì thủ hộ pháp ấy, vì cớ hộ pháp tôi chẳng tiếc thân mạng.

Nếu có hàng tứ chúng đệ tử Phật thọ trì pháp ấy, tôi sẽ cúng dường tuỳ chỗ cần dùng đều cung cấp cho họ. Nếu còn có người hay cúng dường những người thọ trì Kinh này, chúng tôi cũng sẽ siêng thủ hộ người ấy, khiến nội ngoại của cải vàng ngọc chẳng bị tổn hao. Xứ nào có Kinh này lưu bố, tôi cũng thủ hộ xứ ấy khiến không có các sự ác.

Đức Phật nói: Lành thay lành thay, này thiện nam tử! Người có thể thủ hộ chánh pháp như vậy đó là cúng dường tam thế Chư Phật.

Này thiện nam tử! Nếu các chúng sanh có tâm hộ pháp hoặc sanh Nhân Thiên được đại tự tại, nhẫn đến sanh trong loài chim thú cũng có đại lực, người nể trọng chẳng bị các sự khốn khổ.

Này thiện nam tử! Người hộ pháp ấy, ác chẳng hại được, lòng không sợ sệt, không ai phá hoại được, các ma phiền não chẳng được tiện lợi, quyến thuộc đông nhiều, trí huệ đầy đủ. Phàm có nói ra không bị chướng ngại, thích làm Thập Thiện tu tập chánh định.

Cha mẹ các Vua quan thấy thì cung kính, hay thăng pháp toà chuyển chánh pháp luân, pháp đã được nghe trọn chẳng quên mất.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai ngồi trên Tòa Sư Tử phóng đại quang minh dường như nhật nguyệt, được đại tự tại như Phạm Vương, Đế Thích, công đức cao hiển như núi Tu Di, pháp giới thậm thâm dường như đại hải.

Đức Thế Tôn ở trong đại chúng diễn nói chánh pháp sơ trung hậu thiện, tự nghĩa chân chánh, đầy đủ thanh tịnh ban tuyên phạm hạnh, vì Chư Bồ Tát mà thanh tịnh pháp ấn, khiến Chư Bồ Tát nghe rồi tinh cần tu tập.

Đông phương quá chín vạn hai ngàn Thế Giới Chư Phật, có Thế Giới tên là Thiện Hoa, có Phật Hiệu Tịnh Trụ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn tuyên nói chánh pháp để giáo hoá chúng sanh.

Có một Bồ Tát tên là Bảo Kế cùng tám ngàn Bồ Tát rời Thế Giới ấy muốn đến cõi này mang theo lọng báu vi diệu muốn dâng lên Phật.

Lọng báu ấy che khắp nhất Thiên Tiểu Thiên Thế Giới. Cũng còn mang theo hương hoa muốn cúng dường Phật.

Dùng âm thanh vi diệu nói kệ tán thán Như Lai:

Nếu hàng Nhân Thiên được thấy Phật

Thì tức là được lợi ích lớn

Như Lai trước thọ khổ vô lượng

Vì siêng tinh tiến được Bồ Đề

Thưở trước tinh tiến được Bồ Đề

Vượt hơn tất cả Chư Bồ Tát

Vì khiến chúng sanh được lợi ích

Nên chuyển vô thượng chánh pháp luân

Như Lai như vậy khó được thấy

Chánh pháp Phật nói khó được nghe

Được thân loài người cũng là khó

Các căn đầy đủ cũng như vậy

Nếu các chúng sanh làm nghiệp ác

Cũng chẳng làm được ba nghiệp thiện

Nếu người muốn được đại lợi ích

Phải nên gặp thấy Thích Thế Tôn

Nếu muốn nghe học pháp vô thượng

Cùng thấy mười phương Chư Bồ Tát

Đầy đủ ba mươi hai diệu tướng

Phải nên mau đến Đại Bảo Phường

Nay nếu chẳng trồng các thiện căn

Sau ắt chẳng được đại Niết Bàn

Nếu muốn đầy đủ được thân người

Phải nên mau đến cõi Ta Bà

Nếu muốn phá hoại ba ác đạo

Muốn thọ Nhân Thiên vi diệu lạc

Muốn được vô thượng vô tỉ lạc

Phải nên mau đến cõi Ta Bà

Y Vương nay ban vị Cam Lộ

Trừ diệt chúng sanh các phiền não

Như Lai Đạo Sư Đại Pháp Vương

Ngày nay nói pháp giới vô thượng.

Lúc Bảo Kế Bồ Tát nói kệ tán thán Phật, âm thanh ấy vang khắp đại thiên Thế Giới.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nghe tiếng kệ ấy bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tiếng nói kệ ấy diễn tại xứ nào?

Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Đông phương quá chín vạn hai ngàn Thế Giới Chư Phật, có Thế Giới tên là Thiện Hoa, có Phật Hiệu là Tịnh Trụ Như Lai, có Bồ Tát tên là Bảo Kế cùng tám ngàn Bồ Tát đều muốn đến đây.

Tiếng nói kệ ấy là của Bảo Kế Bồ Tát ấy nói vang khắp đại thiên Thế Giới đồng được nghe để khuyên các chúng sanh tu tập thiện pháp.

Bảo Kế Bồ Tát và tám ngàn Bồ Tát cùng vô lượng Nhân Thiên đến chỗ Phật đầu mặt lễ lạy bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thiện Hoa Thế Giới Tịnh Trụ Như Lai kính lời thăm hỏi Thế Tôn đi đứng nhẹ nhanh khí lực an lành chăng, đại chúng có thích học chánh pháp chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Tôi từ Thế Giới kia đến đây để nghe Bồ Tát tịnh hạnh pháp ấn. Duy nguyên Như Lai đại từ thương xót vì tất cả đại chúng mà phân biệt giải nói.

Khiên Chư Bồ Tát nghe rồi tu tập, phá hoại tất cả phiền não tập khí, tu Bồ Tát hạnh biết rõ tất cả tâm chúng sanh, có thể tu tất cả hành tướng của Bồ Tát, hay hiểu rõ được trí huệ hành, hay biết tất cả phiền não hành, hay tu pháp hành của Bồ Tát tu, hay quán sát sâu tất cả tội lỗi, thân được vô ngại, được thấy tất cả Phật.

Đức Phật nói: Lành thay lành thay, này Bảo Kế! Lắng nghe lắng nghe, nay Phật sẽ nói một phần mười tịnh hạnh như vậy. 

Này Bảo Kế! Đại Bồ Tát có bốn hạnh, đó là Ba la mật hạnh, trợ bồ đề hạnh, thần thông hạnh và điều phục chúng sanh hạnh.

Ba la mật hạnh là nguyện phương tiện. Trợ Bồ Đề hạnh là tu tập đạo phương tiện. Thần thông hạnh là điều tâm phương tiện. Điều phục chúng sanh hạnh là Bồ Đề Tâm kiên cố phương tiện.

Này Bảo Kế! Thế nào gọi là Đàn Ba la mật?

Đàn Ba la mật tức là tịnh hạnh, hay phá hoại si tâm, hay tu xả tâm, tu xả tâm rồi hay bố thí tất cả. Nếu Bồ Tát hay bố thí tất cả thì được bốn thứ vô phân biệt tâm, đó là chẳng phân biệt chúng sanh, chẳng phân biệt pháp, chẳng phân biệt tâm và chẳng phân biệt nguyện cầu.

Chẳng phân biệt chúng sanh là chẳng phân biệt kẻ đáng cho kẻ chẳng đáng cho, kẻ này cho nhiều kẻ kia cho ít, đây cho phần thượng đây cho phần hạ, đây kính cho kia khinh cho, đây cho trọn kia cho một phần, đây trì giới kia phá giới, đây phước điền kia chẳng phước điền, đây được báo lớn kia chẳng báo lớn, đây chánh kiến kia tà kiến, đây hành chánh tụ kia hành tà tụ v.v…

Lúc bố thí không tâm kiêu mạn, không có tâm thượng hạ, không có tâm chướng ngại, là tâm bình đẳng, là tâm chân chánh, bình đẳng thí giới, bình đẳng từ bi, tâm không có phân biệt dường như hư không. Đây gọi là chẳng phân biệt chúng sanh.

Chẳng phân biệt pháp là chẳng phân biệt người học thì dạy người chẳng học thì chẳng dạy, với người học pháp thì cho vật cần dùng, trọn chẳng quán sát với kẻ phàm phu thì chẳng nên ban cho với Bậc Hiền Thánh thì nên ban cho. Đây gọi là chẳng phân biệt pháp.

Chẳng phân biệt tâm là quán sát các chúng sanh tâm Bồ Tát đều bình đẳng, chẳng vì báo đáp mà bố thí, chẳng tham nội ngoại vật mà bố thí, chẳng phải vì danh mà bố thí, chẳng cầu quả báo mà bố thí, vật được mến thích đem bố thí rồi thì chẳng hối tiếc, vì nhiếp chúng sanh nên làm việc bố thí. Đây gọi là chẳng phân biệt tâm.

Chẳng phân biệt nguyện cầu là lúc bố thí chẳng vì cầu được thân Đế Thích, thân Phạm Vương, thân Ma Vương, thân Chuyển Luân Vương, thân Trưởng Giả, thân Đại Thần, lại cũng chẳng vì cầu được đại tự tại, được đại quyến thuộc, được cõi trên, cũng chẳng vì cầu Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa nhẫn đến chẳng vì cầu vô thượng bồ đề mà bố thí. Đây gọi là bất phân biệt nguyện vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần