Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Hai - Pháp Hội Bảo Nữ - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ NĂM MƯƠI HAI
PHÁP HỘI BẢO NỮ
PHẦN BA
Bấy giờ Bảo Nữ đồng nữ lại dâng các thứ trân bảo vật quí đẹp cúng dường Đức Phật mà bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát hành các pháp hạnh như vậy tức là tu hành tất cả Phật hạnh, liền được thọ ký ngồi bồ đề thọ thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi Bảo Nữ: Có phải nhân giả đã biết Bồ Tát bất thối ấn chăng?
Đồng nữ Bảo Nữ nói kệ đáp rằng:
Các chúng sanh giới và pháp giới
Nếu bình đẳng xem không có khác
Chẳng sanh phân biệt số nhất nhị
Đây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Quá khứ vị lai và hiện tại
Mười phương Thế Giới các Thế Tôn
Thảy đều bình đẳng quán pháp giới
Đây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Thấy hữu vi giới đều vô thường
Hữu lậu vô lậu cũng như vậy
Biết tất cả pháp bổn tánh tịnh
Đây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Thấy các sanh tử không số lượng
Chẳng thể đếm kể biết số ấy
Nếu trong một niệm mà biết được
Đây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Tất cả thế gian các pháp giới
Và cùng xuất thế các Thánh pháp
Nếu hay bình đẳng rõ chân thật
Đây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Nếu biết rõ được các pháp giới
Và cùng Ba Tuần các ma giới
Thông đạt hai giới vô sai biệt
Đây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Tham dục sân khuể cùng ngu si
Tất cả phiền não của chúng sanh
Biết từ điên đảo nhân duyên sanh
Đây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Pháp sanh tử cùng với Niết Bàn
Vô thượng, chánh đạo và bồ đề
Quan sát pháp ấy vô sai biệt
Đây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Thấy biết ngũ ấm thập bát giới
Và lục nhập đồng tánh bồ đề
Các pháp như vậy không hai tánh
Đây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Địa thủy hỏa phong và sở tạo
Thấy nó dường như hư không giới
Như vậy thì được chân thật ấn
Cũng như mười phương Chư Phật ấn
Như nhãn giới bồ đề cũng vậy
Hai pháp bình đẳng vô sai biệt
Tự mình thọ trì cũng dạy người
Đây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Biết tất cả tâm của chúng sanh
Hay làm nhân duyên tất cả tâm
Nhân duyên như vậy không chướng ngại
Đây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Hay khắp quán sát các chúng sanh
Căn của họ thượng trung hoặc hạ
Hay quán sanh tử tận bỉ ngạn
Đây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Bao nhiêu chữ nghĩa câu vô tận
Trong vô lượng kiếp thường diễn thuyết
Không thể phá hoại chướng ngại được
Đây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Biên tế hư không có thể cùng
Gió mạnh thế gian có thể buộc
Những tâm bất thối của Bồ Tát
Tất cả thế gian chẳng chuyển được
Thành tựu vô lượng Đà La Ni
Ở trong các pháp chẳng thất niệm
Thứ đệ diễn thuyết các pháp nghĩa
Như từ miệng Phật không có khác
Mười phương Thế Giới Phật Thế Tôn
Vì độ chúng sanh thuyết vô lượng
Đều hay thọ trì hiểu thâm nghĩa
Đây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Những pháp được nghe vô lượng kiếp
Như hiện tại nghe mà diễn thuyết
Vô lượng đời học Đà La Ni
Chúng được vô tận ấn như vậy
Thành tựu đầy đủ tổng trì ấy
Cũng đủ vô thượng chân trí huệ
Nếu được Bồ Tát bất thối ấn
Thì hay tuyên nói pháp như vậy
Nếu quán tất cả pháp rỗng không
Cũng chẳng thân cận chẳng viễn ly
Nếu thành tựu được bất thối tâm
Thì biết người này có không ấn
Tất cả các pháp như hư không
Tánh nó bổn lai không sanh diệt
Nếu biết rõ được pháp giới ấy
Đây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Các pháp đều từ nhân duyên có
Rời các nhân duyên không pháp giới
Nếu biết rõ được nhân duyên sanh
Phải biết là có bất thối ấn
Bao nhiêu oai nghi những sắc thanh
Trong một niệm đều hay thị hiện
Vì muốn giáo hóa các chúng sanh
Đây là Bồ Tát bất thối ấn
Tâm bố thí rộng như hư không
Trong vô lượng kiếp chẳng cùng tận
Thành tựu vô lượng các công đức
Đây là Bồ Tát bất thối ấn
Tu tập tịnh giới vì Phật Giới
Chứng được Phật Giới như hư không
Thành tựu như vậy vô thượng giới
Đây là Bồ Tát bất thối ấn
Tất cả chúng sanh có cấm giới
Và hữu học giới vô học giới
Dầu có như vậy vô lượng giới
Chẳng bằng bất thối một phần nhỏ
Nếu được tối thượng vô sanh nhẫn
Thành tựu vô lượng cũng vô biên
Nếu được như vậy vô sanh nhẫn
Như quá khứ Phật đã chứng được
Vì chúng sanh phát thiện trang nghiêm
Trong vô lượng đời chẳng thôi nghỉ
Siêng thường tu tập hạnh tinh tiến
Đây là Bồ Tát bất thối ấn
Thường thích tu tập các thiền định
Cũng vì chúng sanh tuyên nói pháp
Dầu lại thị hiện các oai nghi
Mà nội tâm ấy không rời định
Đầy đủ vô thượng, chánh tri kiến
Xa lìa phiền não các tập khí
Nếu có thành tựu bất thối tâm
Thì hay gần kề cảnh giới Phật
Đầy đủ ba thứ đại thần thông
Cũng đủ Như Lai thiện phương tiện
Nếu có thành tựu bất thối tâm
Người ấy sắp được Chánh Giác ấn
Tất cả chúng sanh chẳng biết được
Tâm hành cảnh giới của người ấy
Tu vô lượng hạnh vì chúng sanh
Đây là Bồ Tát bất thối ấn
Kỳ thiệt chưa được Vô Thượng Đạo
Mà hay thị hiện thân Như Lai
Giáng sanh thành Phật chuyển pháp luân
Cũng lại thị hiện đại Niết Bàn
Chưa bỏ Bồ Tát bất thối ấn
Cũng hay chứng được ấn như vậy
Cũng như hư không không có biên
Phật ấn đã được cũng như vậy.
Lúc Bảo Nữ đồng nữ nói kệ ấy, Đại Thiên Thế Giới chấn động sáu cách, trong Pháp Hội có năm ngàn Bồ Tát được bất thối ấn.
Đức Thế Tôn khen rằng: Lành thay, lành thay! Bảo Nữ nói Bồ Tát bất thối ấn rất hay.
Tôn giả Tu bồ đề bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Bảo Nữ quyết định đã được bất thối chuyển ấn, nếu chưa chứng được thì làm sao có thể tuyên nói như vậy được.
Đức Phật phán dạy: Đúng như vậy, này Tu bồ đề như lời ngươi nói, Bảo Nữ ấy từ lâu đã được bất thối ấn, trí nhẫn thành tựu đã cùng tận bờ đáy đại thừa thậm thâm.
Bảo Nữ lại bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Cớ sao gọi là đại thừa?
Đức Phật phán dạy: Này Bảo Nữ! Gọi là đại thừa ấy, vì thừa ấy rộng lớn, vì với tất cả các chúng sanh không có quái ngại, vì là căn bổn của thiện căn nhất thiết trí, vì không có các phiền não kiết sử vô minh, vì quang minh ấy không chỗ nơi nào mà không chiếu khắp, vì vòng khắp các bên của nó đều có nhãn mục, vì bổn tánh nó thường thanh tịnh không hề có ô nhiễm, vì dứt sạch các phiền não tất cả tập khí, vì có đủ các điều như vậy nên gọi là đại thừa.
Lại vì hộ trì cấm giới nên gọi là thanh tịnh, vì tu tập chánh định nên gọi là an trụ, vì tu tập trí huệ nên gọi là vô lậu, vì tu giải thoát nên gọi là không trói buộc, vì chỉ bày tất cả các pháp bình đẳng vô nhị nên gọi là giải thoát, vì trí nhiếp thập lực nên gọi là vô năng động, vì đủ bốn vô sở úy nên gọi là không kinh sợ.
Vì nhiếp lấy mười tám pháp bất cộng nên gọi là vô ngại, vì tu tập đại từ nên gọi là bình đẳng, vì phá hoại tất cả ma chúng nên gọi là tối thắng, vì dẹp phiền não ma nên gọi là tịch tĩnh, vì phá hoại ngũ ấm ma nên gọi là bất khả sổ, vì phá hoại tử ma nên gọi là thường trụ, vì đầy đủ Đàn Ba la mật nên gọi là phú túc, vì đầy đủ Thi la Ba la mật nên gọi là vô nhiệt.
Vì đầy đủ sằn đề Ba la mật nên gọi là vô oán, vì đầy đủ tinh tiến Ba la mật nên gọi là vô động, vì đầy đủ thiền Ba la mật nên gọi là vô lậu vô chuyển, vì đầy đủ bát nhã Ba la mật nên gọi là thắng tất cả thế gian và xuất thế gian, vì đầy đủ phương tiện Ba la mật nên gọi là nhiếp lấy tất cả các thừa, vì đoạn dứt tất cả các hữu nên gọi là vô hữu.
Vì có nhân nơi bát chánh đạo nên gọi là đặt đủ cánh định huệ, vì đi qua lại vô ngại điều phục các căn nên gọi là đại thần thông, vì tu tứ niệm xứ và tứ chánh cần nên thấy được tất cả Chư Phật Thế Giới và xa lìa ác pháp gần kề thiện pháp, vì tu thất giác phần nên xa lìa tất cả phiền não kiết sử, vô vi, vô lậu, vô thắng, vô thượng, vô kiến đảnh, vô năng tri, vô chướng ngại.
Nên cũng không có kiến văn không có chỗ nhập xuất, là đại chúng đại đường, là nhất vị, là bất tác, không có số lượng bình đẳng không có hai, được danh hiệu lớn, mười phương vô ngại, được tất cả nhân thiên cung kính.
Thành tựu vô lượng vô biên công đức, dứt hẳn tất cả xan lẫn phá giới tổn hại giải đãi loạn tâm vô minh, hay làm cho tất cả chúng sanh được đa văn được an lạc, dứt tất cả khổ khiến làm thiện nghiệp, được Phật trí, vô ngại trí, vô thượng trí, bình đẳng trí, nhất thiết trí. Đây gọi là đại thừa vậy.
Lúc Đức Phật nói pháp ấy rồi có một vạn hai ngàn chúng sanh phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Đã phát tâm rồi lại đồng nói rằng: Nếu có chúng sanh có thể phát tâm đại thừa như vậy thì được vô lượng thiện pháp lợi ích.
Bảo Nữ đồng nữ lại bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Do có chướng ngại gì mà làm cho chúng sanh chẳng mau được đại thừa?
Đức Phật phán dạy: Có ba mươi hai sự có thể làm nhân duyên chướng ngại:
Một là thích Thanh Văn thừa.
Hai là thích Duyên Giác thừa.
Ba là thích thân Thiên Đế Thích.
Bốn là thích thân Phạm Thiên.
Năm là thích được vui thế gian mà thọ cấm giới.
Sáu là thích tu một điều thiện.
Bảy là thường có lòng ganh ghét.
Tám là có nhiều của cải mà tham lẫn.
Chín là chẳng thích khuyên bảo người tu pháp lành.
Mười là có tâm kiêu mạn.
Mười một là chẳng cầu tâm bồ đề.
Mười hai là sợ tâm bồ đề.
Mười ba là ở trong một pháp sanh lòng tham trước.
Mười bốn là tư duy chẳng lành.
Mười năm là chẳng có thể gần kề Sư Trưởng, Hòa Thượng, thiện tri thức.
Mười sáu là phỉ báng các bộ phái khác.
Mười bảy là chẳng thể thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý.
Mười tám là chẳng thể hộ trì pháp vô thượng.
Mười chín là được chút ít pháp vị lẫn tiếc chẳng nói dạy người.
Hai mươi là hiểu được chút ít pháp nghĩa sanh đại mạn.
Hai mươi mốt là xa lìa Tứ Nhiếp Pháp.
Hai mươi hai là chẳng thể cung kính bạn đồng thầy đồng học.
Hai mươi ba là chẳng thích nhớ niệm sáu pháp Ba la mật.
Hai mươi bốn là xa lìa tam tụ.
Hai mươi năm là chẳng phát đại nguyện.
Hai mươi sáu là ít thiện căn.
Hai mươi bảy là điên đảo hiểu nghĩa.
Hai mươi tám là chẳng tán thán Tam Bảo.
Hai mươi chín là phỉ báng các sự bồ đề đại thừa.
Ba mươi là tự chẳng hiểu nghĩa mà chê người nói pháp.
Ba mươi mốt là chẳng hiểu biết rõ những sự ma.
Ba mươi hai là thích sanh tử.
Đây là ba mươi hai sự chướng ngại đại thừa chẳng cho chúng sanh mau được đại thừa.
Này Bảo Nữ! Những sự chướng ngại như vậy có đến vô lượng, nay Phật vì ngươi mà nói lược thôi.
Này Bảo Nữ! Đại Thừa có vô lượng công đức nên sự chướng ngại cũng có vô lượng. Cũng như Niết Bàn công đức vô lượng, sự chướng ngại Niết Bàn cũng là vô lượng. Lỗi sanh tử có vô lượng vô biên chính đó là sự chướng ngại đại thừa vậy.
Này Bảo Nữ! Nếu người có thể xa lìa vô lượng ác pháp ấy nên biết người ấy liền được đại thừa.
Này Bảo Nữ! Nếu Bồ Tát có thể được tâm thanh tịnh nên biết người ấy liền được đại thừa.
Bảo Nữ đồng nữ bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng sanh thế nào mau được thành tựu vô thượng đại thừa?
Đức Phật phán dạy: Này Bảo Nữ! Có ba mươi hai sự chúng sanh tu tập thì có thể mau được đại thừa vô thượng.
Một là chúng sanh chẳng thỉnh mà tự qua hiến giúp.
Hai là thấy người được phước đức không sanh lòng ganh ghét.
Ba là chí tâm tu tập vô lượng thiện căn.
Bốn là kinh doanh sự nghiệp cho người chẳng sanh sầu não.
Năm là tâm không trược loạn thân khẩu ý thanh tịnh.
Sáu là chẳng vì lợi dưỡng mà cải đổi oai nghi.
Bảy là an trụ đúng như thuyết.
Tám là với các chúng sanh tâm luôn thanh tịnh.
Chín là trọn chẳng buông bỏ tâm bồ đề.
Mười là thanh tịnh trang nghiêm Đàn Ba la mật.
Mười một là thanh tịnh thi Ba la mật vì thương xót kẻ hủy cấm giải vậy.
Mười hai là thanh tịnh nhẫn Ba la mật vì chẳng tiếc thân mạng vậy.
Mười ba là thanh tịnh tinh tiến Ba la mật vì được thập lực tứ vô sở úy vậy.
Mười bốn là thanh tịnh thiền Ba la mật vì xa lìa phiền não vậy.
Mười năm là thanh tịnh bát nhã Ba la mật vì trừ tập khí phiền não vậy.
Mười sáu là tu dũng kiện định vì phá các ma nghiệp vậy.
Mười bảy là chí tâm độ thoát các chúng sanh.
Mười tám là tu tứ nhiếp pháp.
Mười chín là tâm thường bình đẳng.
Hai mươi là chẳng bỏ tất cả chúng sanh.
Hai mươi mốt là biết ơn báo ơn.
Hai mươi hai là hộ trì chánh pháp.
Hai mươi ba là tu tập pháp trợ đạo chẳng thôi nghỉ.
Hai mươi bốn là với các pháp lành tâm không nhàm đủ.
Hai mươi năm là phá kiêu mạn.
Hai mươi sáu là cúng dường Tam Bảo.
Hai mươi bảy là nơi tất cả pháp không sanh lòng phỉ báng.
Hai mươi tám là giỏi hiểu mười hai thâm nhân duyên.
Hai mươi chín là có đủ thất thánh tài.
Ba mươi là nơi tất cả pháp được tự tại.
Ba mươi mốt là tu sáu thần thông.
Ba mươi hai là tu tập định tuệ.
Đây gọi là ba mươi hai sự mà chúng sanh tu tập thì mau được bồ đề vậy. Lúc Đức Phật nói Pháp này có bảy vạn hai ngàn chúng sanh phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, một vạn hai ngàn Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn.
Chư Thiên dùng hương hoa kỹ nhạc cúng dường Đức Phật tôn trọng tán thán mà nói lời rằng: Nếu có ai được nghe các Kinh như vậy thì nên biết người ấy quyết định được vô thượng bồ đề.
Lúc ấy, Phạm Thiên, Đạo Lợi Thiên, Tứ Thiên Vương Thiên đồng bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Hôm nay Đức Như Lai diễn nói vô hạn lượng nghĩa như vậy, nghĩa liễu nghĩa như vậy, nghĩa phá phiền não như vậy có thể dẹp các nghiệp ma phá các tà kiến có thể hộ trì tất cả chánh pháp vô thượng.
Chúng tôi cũng có thể thọ trì đọc tụng thơ tả giải thuyết. Nếu đệ tử Phật mà có ai hay thọ trì đọc tụng thơ tả vì người diễn nói rộng thì chúng tôi sẽ vệ hộ người ấy. Nếu có ác quỷ muốn làm hại người ấy chúng tôi sẽ ngăn trở không cho làm hại được.
Đức Phật khen Chư Thiên rằng: Lành thay lành thay, này chư thiện nam tử! Lúc ấy nếu các người có thể hộ trì đệ tử của Phật thì tức là hộ trì Phật chánh pháp, hộ trì như vậy thì chánh pháp được còn lâu.
Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan rằng: Này A Nan! Ông nên thọ trì ủng hộ diễn thuyết Kinh Điển như vậy. Nếu có Bồ Tát trong vô lượng kiếp thích tu tập huệ thí, lại có Bồ Tát thọ trì Kinh này đọc tụng thơ tả rộng nói cho người tu đại từ bi gồm đem nghĩa Kinh này khuyên người tu học thì người này được phước nhiều hơn người kia và có thể mau được đại thừa.
Tôn Giả A Nan bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Kinh này tên là gì và phụng trì thế nào?
Đức Phật phán dạy: Này A Nan! Kinh này tên là Chân thật pháp nghĩa Tỳ Ni phương tiện thành tựu phát tâm vô lượng bảo tụ vô lượng Đà La Ni thập lực tứ vô sở úy bất cộng pháp tụ Bồ Tát Ma Ha Tát bất thối chuyển ấn quảng thuyết đại thừa, cũng gọi là Bảo Nữ sở vấn. Ông nên phụng trì như vậy.
Tôn Giả A Nan tất cả Đại Chúng Nhân Thiên nghe Đức Phật nói Kinh này rồi đều rất vui mừng tín thọ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh An Trạch đà La Ni Chú
Phật Thuyết Kinh Tối Thượng Bí Mật Na Nõa Thiên - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bảy Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh Niệm Phật Ba La Mật - Phẩm Ba - Phẩm Niệm Phật Công đức
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Du Hành - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Bảy - Phẩm Nhập Dự Luận
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chúng đa
Phật Thuyết Kinh Lược Giáo Giới Kinh
Phật Thuyết Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế âm Bồ Tát
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Tán Hoa