Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Năm - Pháp Hội Hư Không Tạng Bồ Tát - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ NĂM MƯƠI NĂM

PHÁP HỘI HƯ KHÔNG TẠNG BỒ TÁT  

PHẦN HAI  

Này Hư Không Tạng! Bồ Tát lúc hành nhẫn Ba la mật chẳng có quan niệm họ đến mắng tôi tôi có thể nhịn chịu, cũng chẳng thấy người mắng kẻ bị mắng và cách mắng, chẳng quan niệm ấy, chẳng hí luận rằng họ rỗng không tôi cũng rỗng không.

Cũng chẳng suy nghĩ rằng âm thanh như vang do gì mà phát ra, cũng chẳng quan niệm rằng tôi phải còn họ thì quấy, cũng chẳng quan niệm rằng họ vô thường tôi cũng vô thường, cũng chẳng nghĩ rằng họ ngu tôi trí, cũng chẳng tưởng rằng chúng ta nên hành nhẫn nhục.

Này Hư Không Tạng! Như có người vì cầu nhánh cây Sa La nên cầm búa bén vào rừng Sa La đến một cây Sa La lớn chặt lấy một nhánh, các nhánh Sa La khác chẳng nghĩ rằng họ chặt nhánh ấy mà chẳng chặt tôi, nhánh bị chặt cũng chẳng nghĩ rằng tôi đã bị chặt các nhánh khác không bị chặt, tất cả nhánh bị chặt cùng chẳng bị chặt đếu chẳng có quan niệm ghét thương.

Lúc hành Nhẫn Ba la mật, Đại Bồ Tát quán biết tất cả pháp tánh như cỏ cây tường vách ngói đá, mà thị thân thể bị chặt chém đứt rời để giáo hóa chúng sanh, không có giận ghét, không có thương yêu, hoàn toàn không có nhớ nghĩ phân biệt. Đây là Bồ Tát hành Nhẫn Ba la mật bình đẳng với hư không.

Này Hư Không Tạng! Nếu Bồ Tát thành tựu bốn pháp thì hành tinh tiến Ba la mật bình đẳng với hư không: Bồ Tát siêng cầu tất cả pháp lành mà biết tất cả pháp tự tánh chẳng thành tựu, Bồ Tát đem tất cả món vật cần dùng tối thắng cung cấp cúng dường Chư Phật Thế Tôn nhưng chẳng thấy có Như Lai và các món cúng dường.

Bồ Tát khéo có thể thọ trì diệu pháp được nói của tất cả Chư Phật cũng chẳng thấy có văn tự để thọ trì, Bồ Tát có thể thành tựu vô lượng chúng sanh thấy chúng sanh tánh tức là Niết Bàn rốt ráo không có sanh không có khởi. Đây là bốn pháp Bồ Tát thành tựu hành Tiến Ba la mật bình đẳng với hư không.

Này Hư Không Tạng!

Nếu Bồ Tát thành tựu tám pháp thì có thể tịnh tinh tiến Ba la mật:

Bồ Tát vì tịnh thân mà phát cần tinh tiến biết thân như bóng trong gương chẳng tham trước nơi thân.

Bồ Tát vì tịnh khẩu nên phát cần tinh tiến biết tiếng từ miệng thốt ra như vang chẳng tham trước nơi khẩu.

Bồ Tát vì tịnh ý nên phát hành tinh tiến biết ý như ảo huyễn không có phân biệt chẳng tham trước nơi ý.

Bồ Tát vì đầy đủ các Ba la mật nên phát cần tinh tiến biết các pháp không có tự tánh bị nhiếp thuộc nhân duyên chẳng nên hí luận.

Bồ Tát vì được trợ Bồ Đề phần pháp nên phát cần tinh tiến để giác liễu tất cả pháp chân thiệt tánh không bị chướng ngại vướng mắc.

Bồ Tát vì tịnh Phật Quốc Độ nên phát cần tinh tiến để biết tất cả Quốc Độ như hư không vì vậy mà chẳng ỷ thị chỗ được tịnh.

Bồ Tát vì được tất cả Đà La Ni nên phát cần tinh tiến biết tất cả pháp không có niệm chẳng phải không có niệm do đây mà không có quan niệm hai tướng.

Bồ Tát vì thành tựu tất cả Phật Pháp nên phát cần tinh tiếnđể biết tất cả pháp nhập nhất tướng bình đẳng nhưng chẳng hoại hư pháp tánh, đây là tám pháp Bồ Tát thành tựu thì có thể tịnh tinh tiến Ba la mật.

Này Hư Không Tạng!

Như hư không không có mỏi mệt, Bồ Tát trong vô lượng kiếp phát cần tinh tiến không có mỏi mệt cũng như vậy.

Như hư không đều có thể dung thọ tất cả sắctượng mà hư không không có che chướng. Bồ Tát vì dung thọ tất cả chúng sanh mà phát cần tinh tiến bình đẳng vô ngại cũng như vậy, như hư không có thể sanh tất cả cỏ cây lù rừng mà hư không không có trụ xứ. Bồ Tát vì tăng ích thiện căn tất cả chúng sanh mà phát cần tinh tiến không chỗ dựa dính không có trụ xứ cũng như vậy.

Như hư không đến tất cả chỗ mà không có đi đến. Bồ Tát vì đến tất cả chỗ nên phát cần tinh tiến mà không có đến không có không đến cũng như vậy.

Như hư không chẳng phải sắc hình mà trong hư không thấy các sắc hình. Bồ Tát vì nhất thừa nên phát cần tinh tiến mà vì thành tựu thuần chí nên thị hiện các thừa sai biệt cũng như vậy.

Như hư không bổn tánh thanh tịnh không bị khách trần làm ô nhiễm. Bồ Tát phát cần tinh tiến bổn tánh thanh tịnh vì chúng sanh mà hiện thọ thân sanh tử nhưng chẳng bị trần lụy làm ô nhiểm cũng như vậy.

Như hư không tánh là thường không có vô thường. Bồ Tát cứu cánh vì chẳng dứt mất Tam bảo nên phát cần tinh tiến cũng như vậy.

Như hư không vô thỉ vô chung chẳng thủ chẳng xả. Bồ Tát phát cần tinh tiến vô thỉ vô chung bất thủ bất xả củng như vậy.

Này Hư Không Tạng! Tinh tiến có hai thứ đó là ban đầu phát tinh tiến và rốt sau thành tinh tiến. Bồ Tát do ban đầu phát cần tinh tiến tu tập thành tất cả pháp lành, do rốt sau thành tinh tiến phân biệt tất cả pháp chẳng có tự tánh, chỉ có căn lành đã được tu tập thấy là bình đẳng, sở kiến bình đẳng cũng chẳng phải bình đẳng.

Này Hư Không Tạng! Như người thợ điêu khắc tượng người gỗ có đủ thân tướng, sự nghiệp được làm đều có thể hoàn thành, nhưng nơi có làm cùng chẳng có làm đều chẳng có quan niệm sai biệt.

Bồ Tát vì thành tựu trang nghiêm bổn nguyện mà phát cần tinh tiến tu tất cả nghiệp, nơi làm cùng chẳng làm không quan niện sai biệt, bỏ lìa hai bên củng như vậy. Đây là Bồ Tát hành Tiến Ba la mật bình đẳng như hư không.

Này Hư Không Tạng! Thế nào là Bồ Tát hành thiền Ba la mật bình đẳng như hư không?

Bồ Tát nếu thành tựu bốn pháp thì hành thiền Ba la mật bình đẳng với hư không Bồ Tát chuyên nhiếp nội tâm mà chẳng thấy có nội tâm, Bồ Tát ngăn tâm duyên các cảnh giới ngoài mà chẳng thấy có tâm ngoài hành xứ.

Bồ Tát do tâm mình bình đẳng nên biết tất cả chúng sanh tâm đều bình đẳng cũng chẳng y dựa hai pháp là tâm và bình đẳng, Bồ Tát tư duy pháp giới định tánh không có nhiếp thâu không có loạn tán biết tất cả pháp tánh không có hí luận. Thành tựu bốn pháp như vậy, Bồ Tát hành thiền Ba la mật bình đẳng với hư không.

Này Hư Không Tạng! Nếu Bồ Tát thành tựu tám pháp thì có thể tịnh thiền Ba la mật: Bồ Tát chẳng y dựa các ấm để tu thiền, chẳng y dựa các giới để tu thiền, chẳng y dựa các nhập để tu thiền, chẳng y dựa tam giới để tu thiền, chẳng y dựa hiện thế để tu thiền, chẳng y dựa hậu thế để tu thiền, chẳng y dựa đạo để tu thiền, chẳng y dựa quả để tu thiền. Đây là Bồ Tát thành tựu tám pháp hay tịnh thiền Ba la mật.

Này Hư Không Tạng!

Như hư không không có dựa dính. Bồ Tát tu thiền không có y chỉ cũng như vậy.

Như hư không không có ái luyến. Bồ Tát tu thiền không có nhiễm trước cũng như vậy.

Như hư không không có dính mắc các kiến chấp. Bồ Tát tu thiền bỏ lìa các kiến chấp củng như vậy.

Như hư không không có kiêu mạn. Bồ Tát tu thiền bỏ lìa kiêu mạn cũng như vậy.

Như hư không cứu cánh vô diệt. Bồ Tát tu thiền khéo nhập vào pháp tánh cứu cánh bất thối cũng như vậy.

Như hư không chẳng thể phá hoại. Bồ Tát tu thiền chẳng hoại bổn tế cũng như vậy.

Như hư không không có biến đổi. Bồ Tát tu thiền chẳng biến đổi như như cũng như vậy.

Như hư không chẳng phả tâm rời lìa tâm. Bồ Tát tu thiền rời lìa tâm ý thức cũng như vậy.

Này Hư Không Tạng! Bồ Tát dùng tâm bình đẳng tu thiền chẳng phải tâm chẳng bình đẳng.

Thế nào là tâm bình đẳng?

Nếu tâm chẳng cao chẳng hạ, không có cầu không chẳng cầu, không có tác không chẳng tác, không có phân biệt không chẳng phân biệt, không có hành không chẳng hành, không có thủ không có xả, không tối không sáng, vô tri vô niệm, không chẳng tri không chẳng niệm.

Chẳng một chẳng khác, chẳng phải hai chẳng phải chẳng hai, không có động không chẳng động, không có khứ không chẳng khứ, không có tu không chẳng tu, tâm chẳng duyên nơi tất cả cảnh giới, đây gọi là tâm bình đẳng.

Vì Bồ Tát tâm bình đẳng nên chẳng duyên lấy sắc bỏ lìa nhãn và sắc hai pháp mà tu tập thiền. Vì tâm bình đẳng nên chẳng duyên lấy thanh hương vị xúc và pháp bỏ lìa hai pháp ý và pháp mà tu tập thiền.

Này Hư Không Tạng! Như hư không lúc đại hỏa tai khởi lên chẳng đốt cháy được, lúc đại thủy tai khởi lên chẳng đẩy trôi được, Bồ Tát chẳng bị lửa lớn phiền não đốt cháy, chẳng bị các thiền tam muội cuốn trôi đi thọ sanh, tự mình không có định và loạn mà hay khiến chúng sanh loạn tâm được định.

Sở hành của mình đã thanh tịnh mà chẳng bỏ tinh tiến, bình đẳng với hư không mà thị hiện sai biệt nhưng chẳng thấy tướng bình đẳng và bất bình đẳng, khéo hay khắp quán trí huệ chân tánh tâm Bồ Tát chẳng bị ái kiến phiền não che chướng, ở trong các pháp hành, thật hành không bị dính mắc bình đẳng với hư không. Đây là Bồ Tát hành thiền Ba la mật bình đẳng với hư không vậy.

Này Hư Không Tạng! Thế nào là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật bình đẳng với hư không?

Bồ Tát thành tựu bốn pháp thì hành bát nhã Ba la mật bình đẳng với hư không. Do vì ngã tịnh nên Bồ Tát biết chúng sanh cũng tịnh, vì trí tịnh nên biết thức cũng tịnh, vì nghĩa tịnh nên biết văn tự cũng tịnh, vì pháp giới tịnh nên biết tất cả pháp cũng tịnh. Đây là bốn pháp mà Bồ Tát thành tựu thì hành bát nhã Ba la mật bình đẳng như hư không.

Này Hư Không Tạng! Nếu Bồ Tát thành tựu tám pháp thì có thể tịnh bát nhã Ba la mật: Bồ Tát tinh cần muốn đoạn dứt tất cả pháp bất thiện mà chẳng dính mắc đoạn kiến, Bồ Tát tinh cần muốn sanh tất cả pháp lành mà chẳng dính mắc thường kiến, Bồ Tát biết tất cả pháp hữu vi đều từ duyên sanh mà chẳng động nơi vô sanh pháp nhẫn, Bồ Tát phân biệt nói tất cả tự cú mà thường bình đẳng không có ngôn thuyết.

Bồ Tát khéo biện tất cả pháp hữu vi vô thường khổ vô ngã mà nơi pháp giới tịch tĩnh chẳng động, hay khéo phân biệt các nghiệp sở tác mà biết tất cả pháp vô nghiệp vô báo, khéo hay phân biệt pháp cấu pháp tịnh mà biết tất cả pháp tánh thường tịnh, khéo hay suy lường Tam Thế các pháp mà biết các pháp không có quá khứ vị lai hiện tại. Đây là Bồ Tát thành tựu tám pháp hay tịnh bát nhã Ba la mật.

Này Hư Không Tạng!

Như hư không chẳng phải hành chẳng phải không hành, Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật lìa tất cả hành cũng như vậy.

Như hư không không gì phá hoại được cũng như vậy.

Như hư không tánh thường tịch tĩnh cũng như vậy.

Như hư không không tánh thường vô ngã, Bồ Tát hành bát nhã biết rõ vô ngã cũng như vậy.

Như hư không tánh chẳng phải chúng sanh, Bồ Tát hành bát nhã rời lìa kiến chấp chúng sanh cũng như vậy.

Như hư không tánh không có thọ mạng, Bồ Tát hành bát nhã lìa thọ mạng kiến cũng như vậy.

Như hư không tánh không có nhân. Bồ Tát hành bát nhã lìa nhân kiến cũng như vậy.

Như hư không chẳng phải vật chẳng phải chẳng vật chẳng đặt tên hiệu được, Bồ Tát hành bát nhã rời lìa vật chẳng phải vật cũng như vậy.

Này Hư Không Tạng!

Bát nhã là cú nghĩa tịch tĩnh vì không có tri giác vậy.

Bát nhã là cú nghĩa vô tác vì tự tướng thanh tịnh vậy.

Bát nhã là cú nghĩa vô biến vì không có hành tướng vậy.

Bát nhã là cú nghĩa chân thiệt vì chẳng phát động vậy.

Bát nhã là cú nghĩa chẳng khi dối vì không có sai khác vậy.

Bát nhã là cú nghĩa liễu đạt vì nhập vào nhất tướng vậy.

Bát nhã là cú nghĩa thông minh vì dứt tập khí vậy.

Bát nhã là cú nghĩa đầy đủ vì không có muốn cầu vậy.

Bát nhã là cú nghĩa thông đạt vì hay chánh kiến vậy.

Bát nhã là cú đệ nhất vì vô sở đắc vậy.

Bát nhã là cú nghĩa bình đẳng vì không có cao không có hạ vậy.

Bát nhã là cú nghĩa lao cố vì không gì phá hoại được vậy.

Bát nhã là cú nghĩa bất động vì không có sở y vậy.

Bát nhã là cú nghĩa kim cương vì không gì xô dẹp được vậy.

Bát nhã là cú nghĩa đã độ vì việc làm đã xong vậy.

Bát nhã là cú nghĩa chân tịnh vì bổn tánh tịnh vậy.

Bát nhã là cú nghĩa không tối vì chẳng cậy sáng vậy.

Bát nhã là cú nghĩa vô nhị vì chẳng tích tụ vậy.

Bát nhã là cú nghĩa tận vì cứu cánh tận tướng vậy.

Bát nhã là cú nghĩa vô tận vì tướng vô vi vậy.

Bát nhã là cú nghĩa vô vi vì rời lìa sanh diệt vậy.

Bát nhã là cú nghĩa hư không vì không có chướng ngại vậy.

Bát nhã là cú nghĩa vô sở hữu vì chân thiệt thanh tịnh vậy.

Bát nhã là cú nghĩa vô xứ vì không có hành tích vậy.

Bát nhã là cú nghĩa không có ổ hang vì không chỗ dựa ỷ vậy.

Bát nhã là cú nghĩa trí vì không có thức phân biệt vậy.

Bát nhã là cú nghĩa không hàng phục vì không có bầy bọn vậy.

Bát nhã là cú nghĩa vô thể vì không có thọ thân hình vậy.

Bát nhã là cú nghĩa tri kiến vì biết khổ chẳng sanh vậy.

Bát nhã là cú nghĩa đoạn dứt vì biết tập chẳng hòa hiệp vậy.

Bát nhã là cú nghĩa diệt vì cứu cánh vo sanh vậy.

Bát nhã là cú nghĩa đạo vì không có hai giác quán vậy.

Bát nhã là cú nghĩa giác vì giác bình đẳng vậy.

Bát nhã là cú nghĩa pháp vì cứu cánh bất kiến vậy.

Này Hư Không Tạng! Bát nhã này chẳng từ người mà được vì là tri kiến tự chứng như tánh mà hiện hành vậy. Biết văn cú nghĩa như vang, ở nơi ngữ ngôn âm thanh tùy đáng nên mà đáp ứng biện thuyết chẳng dứt nhưng chẳng nắm dính văn tự ngôn thuyết.

Đại Bồ Tát có thể ở trong tất cả ngôn thuyết khéo có thể báo đáp, biết các âm thanh ngôn thuyết như vang vì hiểu là bất khả đắc vậy nên chẳng chấp trước cũng chẳng hí luận. Đây là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật bình đẳng với hư không.

Muốn sáng tỏ lại nghĩa này, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Lìa chấp trước mà làm bố thí

Khắp đến vừa theo đánh chúng sanh

Thí xong rồi tâm không chướng ngại

Cũng chẳng có sanh lòng phân biệt

Vì ngã tịnh nên thí thanh tịnh

Vì thí tịnh nên nguyện thanh tịnh

Vì nguyện tịnh nên bồ đề tịnh

Vì đạo tịnh nên tất cả tịnh

Không ngã tưởng không ngã sở tưởng

Rời lìa ái lìa các kiến chấp

Bỏ lìa tất cả tướng bỉ ngã

Tâm bố thí dường như hư không

Bỏ lìa tất cả tưởng mà thí

Không có tâm mong cầu báo đáp

Bỏ lìa tâm tật đố kiết sử

Tâm bố thí như hư không kia

Hư không chẳng phải sắc không dựa

Không thọ không tưởng không phân biệt

Cũng không hành cũng không có thức

Lúc bố thí tâm như hư không

Như hư không lợi ích tất cả

Từ thỉ đến chung không cùng tận

Hiểu rõ pháp thí vô cùng tận

Lợi ích cho tất cả chúng sanh

Như hoá nhân thí cho hoá nhân

Chẳng trông mong sở thí được báo

Người có trí huệ thí cũng vậy

Trọn hẳn chẳng trông mong báo đáp

Dùng huệ dứt trừ các kiết sử

Phương tiện lực chẳng bỏ chúng sanh

Chẳng thấy có kiết sử chúng sanh

Bố thí như vậy đồng hư không

Biết rõ thân như tượng trong gương

Biết thanh âm như vang ứng tiếng

Biết rõ tâm như ảo như hóa

Pháp tánh vô ngại như hư không

Chẳng bỏ vô thượng đại bồ đề

Chảng cầu Thanh Văn Duyên Giác Thừa

Thường kính trọng hộ trì tịnh giới

Của tất cả Chư Phật quá khứ

Vì chẳng quên bỏ bổn thệ nguyện

Nên có thể ở trong các loài

Khéo có thể thành tựu bổn nguyện

Nhiếp ý cần hộ trì tịnh giới

Như hư không không có hi vọng

Không nhiệt não không có cao hạ

Không trược nhơ cũng không biến đổi

Nhười trí trì giới cũng như vậy

Như hư không dung thọ tất cả

Như Trăng trong nước chẳng trì giới

Người hộ trì giới phải như vậy

Tịnh giới như hư không thủy nguyệt

Mắng chửi đánh đập cùng thù giận

Vì sức nhẫn nhục nên chẳng sân

Không thấy có mình không có người

Do bỏ lìa tưởng có kia đây

Nội tâm thuần chí thiện thanh tịnh

Cảnh hành ngoài đều cũng thanh tịnh

Do vì thuần chí nên không sân

Tùy thuận pháp như hay nhẫn nhục

Rời lìa các kiến như hư không

Bỏ giác quán cũng lìa niệm tưởng

Không có nguyện không có hi vọng

Bỏ các hành pháp và sở thủ

Không có ái luyến như hư không

Chẳng cợt đùa chẳng hoài oán hận

Không có hí luận không cầu báo

Vô lậu nhẫn nhục là như vậy

Không người nhẫn không người mắng đánh

Tiếng người mắnh chửi dường như vang

Là không thiệt cũng là vô thường

Không có những hí luận như vậy

Không nghĩ người ngu ta là trí

Không có sanh mà thị hiện sanh

Cũng vẫn không có phân biệt ấy

Đây là tu thành vô sanh nhẫn

Như nhánh Sa La bị người chặt

Nhánh khác chẳng nghĩ không bị chặt

Thân bị chém đứt không phân biệt

Nhẫn nhục này tịnh như hư không

Siêng tu không sở y sở trụ

Cúng dường Phật không quan niệm Phật

Thọ trì chánh pháp chẳng trước văn

Độ chúng sanh không thấy chúng sanh

Thân nghiệp tịnh cũng tịnh pháp thân

Khẩu nghiệp tịnh không có ngôn thuyết

Tâm nghiệp tịnh không có ý hành

Đầy đủ tất cả Ba la mật

Đầy đủ pháp trợ bồ đề phần

Quốc Độ thanh tịnh như hư không

Thành tựu biện tài Đà La Ni

Cầu được các Phật Pháp như vậy

Như hư không chẳng mệt chẳng mỏi

Hay sanh trưởng cỏ cây lùm rừng

Đến khắp mọi nơi không hình sắc

Tinh tiến không mỏi như hư không

Hằng thường thanh tịnh như hư không

Không có thỉ cũng không có chung

Người tu tinh tiến cũng như vậy

Không có thỉ không có trung thành

Như người máy do gỗ tạo thành

Tất cả việc làm không phân biệt

Người tu hành không có hai tưởng

Tinh tiến như vậy như hư không

Biết xa ma tha trụ nội tâm

Nhiếp thâu tâm duyên cảnh giới ngoài

Tâm của mình và tâm của người

Đây là y chỉ vô tâm thiền

Các pháp tánh thường không lặng vắng

Dùng vô lậu trí biết rõ được

Chẳng dựa ngũ ấm lục nhập giới

Cũng chẳng y chỉ trong ba cõi

Chẳng y chỉ quá vị hiện tại

Chẳng y chỉ đạo hành quả chứng

Như hư không kia thường vô y

Người tu thiền này cũng vô y

Hư Không chẳng có ái kiến mạn

Người tu thiền cũng không phiền não

Hư không chẳng thối chẳng hư biến

Người tu thiền cũng giống như vậy

Thường bình đẳng không tịch giải thoát

Người trí thường chẳng quan niệm giới

Không kiết sử cũng không có thiền

Vì vậy mà thiền như hư không

Vì ngã tịnh nên chúng sanh tịnh

Vì trí tịnh nên thức cũng tịnh

Vì nghĩa tịnh nên văn tự tịnh

Vì pháp tịnh nên giới cũng tịnh

Dứt pháp bất thiện và tập khí

Bậc Đại Sĩ tích tập thiện căn

Nên biết hữu vi là duyên sanh

Nhưng chẳng trước vô sanh vô diệt

Khéo có thể phân biệt văn tự

Nói các pháp vô thường và khổ

Nhưng vẫn thị hiện thọ nghiệp báo

Nói có pháp cấu và pháp tịnh

Biết rõ pháp tánh cũng thanh tịnh

Mà suy lường quá vị hiện tại

Hư không không hành không chẳnh hành

Huệ không có hành cũng như vậy

Như hư không chẳng gì phá được

Không có ngã nhân không thọ mạng

Chẳng phải vật chẳng phải không vật

Bỏ dứt các chấp kiến nhị biên

Biết cú là giả nên chẳng nhiễm

Là bất biến cú chân thiệt cú

Là mãn túc cú thông đạt cú

Liễu đạt nhất nghĩa và huệ cú

Bình đẳng bất động lao cố cú

Kim cương dĩ độ chân tịnh cú

Thông minh cú tận vô tận cú

Là vô vi cú hư không cú

Không xứ không ổ không thức biệt

Không hàng phục vô thể là trí cú

Không tập không diệt không đạo cú

Là pháp là giác trí huệ cú

Như vang kia ứng theo thanh âm

Bồ Tát vô tận biện cũng vậy

Thuyết Pháp vô y vô sở đắc

Bát nhã này tịnh như hư không.

Lại này Hư Không Tạng! Thế nào là Bồ Tát hành công đức bình đẳng với hư không?

Bồ Tát vì nghe Phật vô lượng pháp rộng lớn như hư không nên phát tâm nhất thiết trí, nghĩ rằng bồ đề vô lượng, Phật vô lượng, tự tại giác vô lượng, trong vô lượng như vậy sanh ra vô lượng lạc dục tinh tiến bất phóng dật hạnh, vì Phật Đạo mà phải hành vô lượng pháp sở hành của Bồ Tát.

Tại sao?

Vì như Chư Phật có vô lượng công đức trang nghiêm nơi thân, ta cũng vì trang nghiêm nơi thân mà phải thành tựu vô lượng thiện căn.

Như Chư Phật có vô lượng công đức trang nghiêm khẩu, trang nghiêm ý, trang nghiêm Đạo Tràng, trang nghiêm Phật Độ, ta cũng vì trang nghiêm khẩu, trang nghiêm ý, trang nghiêm Đạo Tràng, trang nghiêm Quốc Độ nên phải thành tựu vô lượng thiện căn. Ta phải giáo hóa vô lượng chúng sanh để thành tựu thiện căn.

Vì thành tựu thiện căn nên ta ở trong vô lượng sanh tử chẳng hề mỏi nhàm. Chư Phật Thế Tôn có vô lượng Quốc Độ vô lượng trí huệ vô lượng thần thông, các chúng sanh ấy có vô lượng hạnh vô lượng tâm vô lượng các căn sai biệt ở trong sanh tử thọ vô lượng khối khổ não phát khởi các phiền não, ta vì nhập vô lượng Phật Pháp, vì bỏ sở hành các căn khối sanh tử khổ não của vô lượng chúng sanh nên thành tựu vô lượng thiện căn.

Bồ Tát dùng tâm chánh chân quán sát những công đức được làm tương ưng với các Ba la mật, tương ưng với tứ nhiếp pháp, tương ưng với tứ vô lượng tâm, tương ưng với pháp trợ bồ đề.

Thành tựu chúng sanh thọ trì chánh pháp cúng dường Chư Phật Thế Tôn và tịnh pháp sở hành tương ưng của Bồ Tát, vô lượng công đức được làm như vậy bình đẳng với hư không, vì chúng sanh tánh vô lượng, vì Phật trí huệ vô lượng, vì pháp giới vô lượng, nên chỗ tu hành cũng vô lượng như hư không.

Chúng sanh tánh, Phật trí huệ trong pháp giới không chỗ nào chẳng đến nên tất cả chúng sanh đều được nhờ lợi ích.

Cũng vậy, công đức của Bồ Tát làm đến tất cả chỗ lợi ích cho chúng sanh, vì không dựa dính vậy, vì sức nguyện phương tiện vậy. Đây là Bồ Tát hành công đức bình đẳng với hư không như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần