Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Sáu - Pháp Hội Vô Ngôn Bồ Tát - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ NĂM MƯƠI SÁU
PHÁP HỘI VÔ NGÔN BỒ TÁT
PHẦN BA
Này Liên Hoa! Ví như bảo châu để trên tràng cao ánh sáng của nó chiếu khắp bốn do tuần, ban cho chúng sanh các thứ vật cần dung, mà thể tướng của bảo châu vẫn không tăng giảm.
Huệ đăng tam muội cũng như vậy.
Đại Bồ Tát trụ tam muội này dứt hẳn tất cả phiền não tập khí, tịnh giới, tịnh định, tịnh huệ, tịnh thân tâm, tịnh các phương tiện, tịnh Đà La Ni, tu tập đại bi, phóng đại quang minh chiếu khắp vô lượng Chư Phật Thế Giới, tùy theo ý chúng sanh mà làm các Phật Sự.
Bồ Tát dầu làm các sự việc như vậy mà tướng tánh Bồ Tát vẫn không tăng giảm.
Này Liên Hoa! Ví như hư không dụng thọ Phật Độ không có chướng ngại. Cũng chẳng chướng ngại tất cả giọt mưa, hỏa tai, thủy tai, phong tai, vô lượng vô biện tất cả chúng sanh.
Huệ đăng tam muội cũng như vậy. Đại Bồ Tát trụ tam muội này vì các chúng sanh nói tất cả pháp không có chướng ngại. Phương tiện giáo hóa tất cả chúng sanh.
Vì người có sức thiện nhân mà diễn nói phương tiện khiến họ giải thoát điều phục thành thục. Vì kẻ tà định mà phương tiện diễn nói khiến phá tà định. Vì người không có nhân lành phương tiện diễn nói khiến gieo nhân lành. Người không pháp khí khiến làm pháp khí.
Vì người pháp khí phân biệt tuyên nói vô thượng bồ đề. Với người cầu Thanh Văn thì phương tiện thuyết pháp cho họ được bốn quả Sa Môn. Với người cầu Duyên Giác thì phương tiện dạy bảo cho họ được Bích Chi Phật đạo.
Lại vì các người cầu nhị thừa ấy phương tiện thuyết pháp tiệm kiến khiến họ đều phát tâm vô thượng bồ đề trụ bậc bất thối. Thông đạt tám vạn bốn ngàn pháp môn, vì phá tâm nghi của các chúng sanh mà khai thị phân biệt giải thuyết chánh pháp.
Giải thuyết một sự trong vô lượng kiếp chẳng thể cùng tận. Dầu làm vô lượng sự như vậy mà tam muội ấy cũng không có tăng giảm.
Này Liên Hoa! Ví như sức một ngọn đèn lớn hay hiển thị các sắc tượng. Huệ đăng tam muội cũng như vậy, Bồ Tát trụ tam muội này, trong một tâm có thể nơi vô lượng Thế Giới Chư Phật thị hiện các loại sắc tượng mà tam muội này không có khuynh động.
Vì vậy, nên trong tứ niệm xứ, pháp niệm xứ làm đầu, trong tứ chánh cần chưa sanh thiện pháp hay sanh thiện pháp làm đầu, trong tứ như ý túc thân tâm tịch tĩnh gọi là đứng đầu, trong ngũ căn, ngũ lực thì huệ căn và huệ lực làm đầu, trong bát chánh đạo thì chánh kiến làm đầu.
Tất cả hàng ngoại đạo chỗ có những xa ma tha thì Tỳ Bà Xá Na làm đầu. Trong tứ Chân Đế thì diệt đế làm đầu. Trong Tứ y thì y nghĩa làm đầu. Trong Tứ vô ngại trí thì nghĩa vô ngại trí làm đầu. Trong Lục thần thông thì lậu tận thông làm đầu. Trong tứ vô lượng tâm thì bi tâm đứng đầu. Trong tu hành phạm hạnh thì trí huệ đứng đầu.
Trong các Ba La Mật thì Bát Nhã đứng đầu. Trong tất cả Phương tiện thì biết tâm chúng sanh đứng đầu. Trong tất cả các lực thì xứ phi xứ lực đứng đầu. Trong tứ vô sở úy thì thuyết nhất thiết trí vô úy đứng đầu.
Trong Bất cộng pháp thì vô ngại đứng đầu. Trong ba mươi hai tướng thì vô kiến đảnh tướng đứng đầu. Trong tám mươi tùy hảo thì thuyết pháp chẳng luống uổng đứng đầu.
Trong trang nghiêm khẩu thì hiểu tất cả ngữ ngôn đứng đầu. Trong trang nghiêm tâm thì phá kiêu mạn đứng đầu. Trong tất cả pháp thì trí huệ đứng đầu. Đây gọi là huệ đăng tam muội vậy.
Lúc Đức Phật nói pháp ấy, Liên Hoa Bồ Tát và một vạn Bồ Tát được huệ đang tam muội. Đại địa khắp đại thiên Thế Giới chấn động sáu cách. Tất cả đại chúng đem hoa hương các thứ kỹ nhạc cúng dường Đức Phật Thế Tôn và kính trọng tán thán.
Chư Bồ Tát trong đại hội đều nói rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Từ trước đến nay chúng tôi chưa từng được nghe tên hiệu của tam muội này, huống là được nghe phân biệt rộng nói huệ đăng tam muội.
Nay chúng tôi đều được tam muội ấy nên vì báo ơn mà làm sự cúng dường này. Nếu có người được nghe danh hiệu huệ đăng tam muội thì có thể được lợi ích lớn chẳng mất tâm vô thượng bồ đề.
Đức Phật nói: Lành thay, lành thay, đúng như lời các ông nói.
Này chư thiện nam tử! Nếu có chúng sanh đã ở chỗ vô lượng vô biên Chư Phật vun trồng thiện căn thân cận thiện tri thức rồi sau mới được nghe diễn nói tam muội huệ đăng này. Lúc nói lời trên, trong rún của Phật xuất hiện một Bồ Tát thân màu chân kim đủ ba mươi hai tướng tốt tám mươi tùy hảo phóng đại quang minh nào bằng.
Bồ Tát ấy kính lễ chân Phật hữu nhiễu bảy vòng quỳ dài chắp tay bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đức Huệ Kiều Như Lai chuyên ý vô lượng thăm hỏi Thế Tôn đi đứng nhẽ nhàng thân không có bệnh hoạn, đại chúng có an ổn chăng?
Nay cõi này của tôi có sáu vạn ức Chư Bồ Tát đến nghe thọ Kinh Điển Đại Tập thâm diệu và cũng muốn thấy Vô Ngôn Bồ Tát cùng Chư Bồ Tát từ mười phương đến, đồng thời được nghe huệ đăng tam muội.
Lành thay, lành thay, Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn mong được khai thị khiến các người đều đến được huệ đăng tam muội trở lại cõi này.
Tôn giả Xá Lợi Phất bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Huệ Kiều Như Lai ở phương nào cách đây bao xa, Thế Giới ấy tên gì, Bồ Tát này tên là gì, sáu vạn ức Chư Bồ Tát ở tại đâu?
Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Thế Giới Phật ấy ở phương Đông cách đây số thế giới bằng số cát Sông Hằng trong những Sông Hằng bằng số cát một Sông Hằng. Thế Giới tên là Kim Cương Kiên Căn, Phật Hiệu Huệ Kiều Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Này Xá Lợi Phất! Có nhân duyên gì mà Thế Giới ấy tên là Kim Cương Kiên Căn?
Này Xá Lợi Phất! Thế Giới ấy đất bằng kim cương, do nguyên lực của Huệ Kiều Như Lai làm thành. Thân thể của Phật ấy và thân của Bồ Tát của chúng sanh đều là kim cương nên Thế Giới ấy có tên như vậy.
Bồ Tát này hiệu là Kim Cương Tê. Bồ Tát này có thể trong một niệm phá hoại tất cả núi kim cương, thẳng đến vô lượng Thế Giới Chư Phật thị hiện trong rún của Chư Phật mà đi ra. Do thần lực của Phật và tự nguyện lưc nên hiệu là Kim Cương Tê vậy.
Này Xá Lợi Phất! Vừa rồi ông có hỏi Chư Bồ Tát như vậy nay ở tại chỗ nào. Ông nên hỏi Bồ Tát Kim Cương Tê sẽ được giải đáp cho ông.
Tôn giả Xá Lợi Phất liền hỏi Kim Cương Tê Bồ Tát: Thưa Đại Sĩ! Ngài nói sáu vạn ức Bồ Tát ấy, nay ở tại đâu!
Kim Cương Tê Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức! Như Lai nói Đại Đức là bậc trí huệ nhất, Đại Đức nên dung Thánh trí xem coi Chư Bồ Tát ấy ở tại đâu?
Tôn Giả Xá Lợi Phất liền dùng Thánh trí để xem mà chẳng thấy, liền nói với Kim Cương Tê Bồ Tát rằng: Thưa Đại Sĩ! Tôi đã dung tận Thánh trí mà chẳng thấy.
Kim Cương Tê Bồ Tát nói: Đồng học của Đại Đức là Tôn Giả A Nâu Lâu Đà có thiên nhãn đệ nhất nên bảo xem coi ở tại chỗ nào?
Lúc ấy Tôn Giả A Nâu Lâu Đà dung Thiên nhãn xem khắp Đại Thiên Thế Giới rồi nói với Tôn Giả Xá Lợi Phất: Tôi dùng thiên nhãn xem mà chẳng thấy được.
Kim Cương Tê Bồ Tát nói với Tôn Giả Xá Lợi Phất: Bạn đồng học của Đại Đức nếu chẳng thấy được thì chẳng nên gọi là Thiên nhãn mà nên gọi là nhục nhãn.
Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi: Thưa Đại Sĩ! Thiên nhãn của Đại Sĩ có nghĩa là gì?
Kim Cương Tê Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức! Thiên nhãn của tôi, những sắc mà hang Thanh Văn các ông chẳng thấy được, tôi đều có thể thấy.
Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi: Thưa Đại Sĩ! Những sắc gì tôi chẳng thấy được mà Đại Sĩ thì thấy.
Kim Cương Tê Bồ Tát hỏi: Thưa Đại Đức! Nay Đại Đức có thấy Thế Giới Kim Cương Kiên Căn, Phật Huệ Kiều và chúng Bồ Tát ở Thế Giới ấy chăng?
Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Tôi không thấy, thưa Đại Sĩ. Tôi chỉ nghe danh mà chẳng được thấy.
Kim Cương Tê Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức! Phật độ ấy cùng Phật và Chư Bồ Tát cùng các chúng sanh ở cõi ấy, thiên nhãn của tôi đều thấy rõ cả. Đây gọi là Bồ Tát thanh tịnh Thiên nhãn. Thiên nhãn như vậy, hàng Thanh Văn và Duyên Giác không có được.
Lúc nói pháp ấy, có sáu vạn chúng sanh cầu Thanh Văn liền bỏ chí cũ mà phát tâm vô thượng bồ đề, đều nói rằng: Nguyện tôi được vô ngại Phật nhãn mà chẳng cần chướng ngại nhãn của Thanh Văn và Bích Chi Phật.
Kim Cương Tê Bồ Tát liền nhập tam muội, Đời thần thông lực của Phật và tự nguyện lực làm cho đại chúng tất cả đều thấy sáu vạn ức Chư Bồ Tát ở tại trong thân Phật ngổi đài Liên Hoa chí tâm chuyên niệm nghe lời nói của Phật, mà chẳng bức chạm thân Phật, thân của Phật cũng không tăng không giảm không có chướng ngại. Đại chúng thấy rồi, cúng dường cung kính hoan hỉ tán than sự việc của Như Lai bất khả tư nghị.
Đại chúng còn đồng nói rằng: Thân Như Lai, trí huệ tam muội Như Lai tất cả thảy đều bất khả tư nghị. Tại sao, vì sáu ức Chư Bồ Tát đều ở tại trong thân Phật mà không chướng ngại.
Quan sát đại chúng, Kim Cương Tê Bồ Tát nói: Thưa đại chúng! Các Ngài chẳng bình đẳng thân Như Lai như hư không chăng?
Thân Như Lai là thân vô biên, là thân không chướng ngại, là thân rộng, là thân pháp, là thân không có tướng mạo, là thân vô lượng.
Thưa đại chúng! Đức Như Lai nếu muốn nạp tất cả vật như là Quốc Độ, thành ấp, thôn xóm, tụ lạc, núi sông, cây cỏ, để trong thân cũng không có chướng ngại, vì vậy nên Như Lai bất khả tư nghị.
Thưa đại chúng! Mười phương Thế Giới vô lượng Tịnh Độ vô lượng Bồ Tát đến chỗ Như Lai nghe Kinh Đại Tập thành tựu diệu sắc đủ hai mươi tám tướng Đại Nhân, Đức Như Lai cũng nạp để trong thân của mình.
Tại sao, vì nếu để chúng sanh cõi Ta Bà này cả đến hang Đế Thích, Phạm Thiên, các Thiên Vương mà thấy thì họ sẽ hổ thẹn, vì vậy mà chẳng cho thấy một người.
Lúc ấy do công đức lực của Phật và oai thần lực của Kim Cương Tê Bồ Tát đều làm cho đại chúng thấy sáu vạn ức Chư Bồ Tát ấy từ một lỗ lông của Phật đi ra. Ra rồi lễ Phật hữu nhiễu bảy vòng rồi ngồi một phía.
Kim Cương Tê Bồ Tát bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nhân duyên gì mả Vô Ngôn Bồ Tát có tên là Vô Ngôn?
Đức Phật nói: Này Kim Cương Tê! Ông tự nên hỏi Vô Ngôn Bồ Tát, ông ấy sẽ giải đáp cho ông.
Kim Cương Tê Bồ Tát liền hỏi Vô Ngôn Bồ Tát: Thưa Đại Sĩ! Nhân duyên gì mà Ngài tên là Vô Ngôn?
Vô Ngôn Bồ Tát nín lặng. Hỏi lần thứ hai lần thứ ba, Vô Ngôn Bồ Tát vẫn nín lặng như vậy.
Kim Cương Tê Bồ Tát hỏi: Thưa Đại Sĩ! Sao Ngài không đáp?
Vô Ngôn Bồ Tát nói: Tôi tìm ngôn từ trọn không thể được, vì vậy nên tôi nín lặng không chỗ tuyên nói.
Kim Cương Tê Bồ Tát hỏi: Thưa Đại Sĩ! Nếu tìm ngôn từ không thể được sao lại có lời nói là không thể được ấy?
Vô Ngôn Bồ Tát nói: Thưa Đại Sĩ! Tôi đáp tất cả Phật ngữ, tất cả thế ngữ.
Thế nào gọi là đáp Phật ngữ?
Tôi dung niệm lực thọ trì chỗ nói của tất cả Chư Phật chẳng quên chẳng mất mà trọn chẳng thấy âm thanh tự cú, vì lưu bố mà tuyên nói đó, cũng vì chúng sanh phá hoại âm thanh tự cú ấy mà diễn thuyết pháp.
Thế nào gọi là đáp thế ngữ?
Hiểu các loại ngôn ngữ âm thanh của tất cả chúng sanh, tùy theo ngữ ngôn của họ mà diễn thuyết pháp.
Kim Cương Tê Bồ Tát hỏi: Thưa Đại Sĩ! Ngài có thể tùy thuận thuyết pháp như vậy từ bao lâu rồi?
Vô Ngôn Bồ Tát nói: Tôi từ lúc trừ diệt giác quán thì có thể tùy thuận thuyết pháp như vậy.
Kim Cương Tê Bồ Tát hỏi: Do nhân duyên gì mà thuyết pháp như vậy?
Vô Ngôn Bồ Tát nói: Nếu không có giác quán thì âm thanh làm sao phát xuất. Vì nhân duyên ấy mả thuyết pháp như vậy.
Kim Cương Tê Bồ Tát hỏi: Luận về âm thanh phát xuất ấy, là từ thân phát xuất hay từ nơi tâm phát xuất?
Vô Ngôn Bồ Tát nói: Luận về âm thanh thì nó chẳng ở thân và tâm. Tại sao, vì thân như cỏ cây còn tâm thì như ảo hóa, do các nhân duyên có âm thanh phát xuất.
Nếu từ nhân duyên mà phát xuất tức là vô thường. Nếu là vô thường tức là vô định. Vô thường vô định tức là rỗng không không có. Luận về âm thanh ấy dường như hư không chẳng thể nhìn thấy được cúng dường thể tuyên nói được, như hư không tất cả các pháp cũng như vậy.
Nếu âm thanh không có thì pháp do âm thanh biểu thị cũng không có. Vì âm thanh rỗng không nên tất cả pháp rỗng không. Vì âm thanh tịch tĩnh nên tất cả pháp tịch tĩnh. Vì âm thanh chẳng thấy được nên tất cả pháp cũng chẳng thể thấy. Vì âm thanh chẳng xuất sanh nên tất cả pháp cũng chẳng xuất sanh.
Nếu chẳng xuất sanh thì không khứ lai. Nếu không khứ lai thì là thậm thâm mười hai nhân duyên không tạo tác không hệ thuộc. Nếu không có tác thuộc thì không có sanh xuất. Không sanh không xuất tức là câu không có.
Nếu là câu không có tức là chẳng sanh nhãn sắc và thức, chẳng sanh nhĩ thanh và thức, chẳng sanh tỷ hương và thức, chẳng sanh thiệt vị và thức, chẳng sanh thân xúc và thức, chẳng sanh ý, pháp và ý thức. Không có các khổ sanh lão bệnh tử. Không có quan niệm nhật Nguyệt Quang minh oán thân, dứt tất cả hành, khó nhìn thấy được, chẳng gần chẳng xa.
Kim Cương Tê Bồ Tát hỏi: Thưa Đại Sĩ! Các lời nói như vậy là nói những gì?
Vô Ngôn Bồ Tát nói: Như vậy tức là cứu cánh chẳng xuất.
Kim Cương Tê Bồ Tát hỏi: Những gì gọi là cứu cánh chẳng xuất?
Vô Ngôn Bồ Tát nói: Chẳng gần chẳng xa là cứu cánh chẳng xuất.
Kim Cương Tê Bồ Tát hỏi: Nhựng gì gọi là chẳng gần chẳng xa?
Vô Ngôn Bồ Tát nói: Tức là hư không vậy. Nếu thấy các pháp như hư không thì gọi là bình đẳng.
Kim Cương Tê Bồ Tát hỏi: Do nghĩa gì mà gọi tất cả pháp như hư không?
Vô Ngôn Bồ Tát nói: Pháp quá khứ không có chung cánh, pháp vị lai và pháp hiện tại cũng không có chung cánh. Tam thế vô chung tức là thiệt tướng tức là không có hai. Luận về hai ấy tức là nhãn sắc, nhĩ thanh, tỹ hương, thiệt vị, thân xúc, ý pháp. Nếu có hai tức là nói được.
Nếu không hai tức là chẳng nói được. Chẳng nói được tức là không có thức không có tâm không có ý. Vì nghĩa ấy nên chẳng tuyên nói được.
Luận về có nói được tức là hai pháp, còn chẳng nói được tức là không hai.
Kim Cương Tê Bồ Tát nói: Ai làm hai ấy?
Vô Ngôn Bồ Tát nói: Luận về không hai thì chẳng có thể làm hai, mà hai cũng chẳng có thể làm không hai. Nhu vững chắc chẳng thể làm mỏng manh, mà mỏng manh cũng chẳng thể làm vững chắc.
Pháp sanh tử chẳng thể làm không hai, pháp Niết Bàn chẳng thể làm hai. Tánh chánh kiến chẳng làm tà kiến, tánh tà kiến chẳng làm chánh kiến.
Kim Cương Tê Bồ Tát bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Vô Ngôn Bồ Tát phàm có giải quyết tợ như đã được huệ đăng tam muội như vậy.
Đức Phật nói: Lành thay, lành thay, này Kim Cương Tê! Ông cho rằng Vô Ngôn Bồ Tát chẳng được huệ đăng tam muội chăng?
Lúc đó Chư Bồ Tát chúng của Huệ Kiều Như Lai ở Kim Cương Kiên Căn Thế Giới hỏi Vô Ngôn Bồ Tát: Thưa Đại Sĩ! Ngài trụ địa nào có thể đáp như vậy?
Vô Ngôn Bồ Tát nói: Như lời Phật có nói Bồ Tát trụ giới địa thì có thể đáp như vậy.
Chư Bồ Tát nói: Lành thay, lành thay, thưa Đại Sĩ! Mong được giải nói giới địa như vậy.
Vô Ngôn Bồ Tát nói: Nếu không có thân trụ tâm trụ ý nội trụ ngoại trụ và nội ngoại trụ tức là trụ nơi giới vậy. Nếu vô tướng vô mạng vô tác vô hành tức là trụ nơi giới vậy. Nếu Bồ Tát trụ giới như vậy tức là vô trụ. Nếu là vô trụ thì hẳn chẳng quan niệm rằng tôi hay phát ra tiếng có chỗ diễn thuyết.
Thưa Chư Đại Sĩ! Như các Ngài có hỏi trụ tại địa nào có thể đáp như vậy?
Tôi trụ pháp tánh thiệt tướng pháp giới nên có thể đáp như vậy. Nếu biết pháp chân thiệt như vậy thì không giác quán, nếu không giác quán thì làm sao có nói.
Chư Bồ Tát hỏi: Lúc nói như vậy là nói những gì?
Vô Ngôn Bồ Tát nói: Lúc nói như vậy là nói hai pháp. Đó là diệt tận và bất xuất, là quá khứ và vị lai, vì hiện tại chẳng trụ nên chẳng nói được. Pháp quá khứ chẳng thể duyên lấy, pháp vị lai và pháp hiện tại cũng như vậy. Giả như có người ở nơi pháp tam thế mà duyên lấy có tướng tức là điên đảo.
Vì vậy nên nghĩa của tất cả pháp chẳng thể tuyên nói được. Nghĩa của tất cả pháp thân khẩu ý v.v… chỗ chẳng nói được.
Tại sao, vì không nghiệp không tác không có sắc mạo không có khẩu nghiệp không có giác quán, vì như vang như hóa.
Chư Phật và Bồ Tát phàm có ngôn thuyết đều trái nghịch thế ngữ, vì vậy nên Chư Phật Chư Bồ Tát bất khả tư nghị. Chư Phật Chư Bồ Tát chỗ có trí huệ bất khả tư nghị bất khả cùng tận, chẳng động pháp giới.
Chư Bồ Tát đồng lên tiếng tán than Vô Ngôn Bồ Tát: Lành thay, lành thay, Vô Ngôn Bồ Tát khéo có thể phân biệt Pháp Môn như vậy làm cho chúng tôi được lợi ích lớn và được ty vô lượng Đại Bồ Tát như vậy.
Kim Cương Tê Bồ Tát nói với Vô Ngôn Bồ Tát rằng: Thưa Đại Sĩ! Tôi muốn cùng Ngài trở về Kim Cương Kiên Căn Thế Giới để lễ kính cúng dường Huệ Kiều Như Lai.
Vô Ngôn Bồ Tát nói: Kim Cương Kiên Căn Thế Giới tức là nơi đây Ta Bà thế giới, Huệ Kiều Như Lai tức là Thích Ca Mâu Ni Như Lai, tôi cần gì qua Thế Giới kia.
Kim Cương Tê Bồ Tát nói: Phật Thế Giới này đất chẳng phải kim cương, sao lại nói tức là Thế Giới kia.
Vô Ngôn Bồ Tát nói: Thần thông của Ngài có thể phá hoại vô lượng núi kim cương đi thẳng qua vô ngại. Nay Ngài thử phá hoại với trần cõi này. Như với trần này bị phá hoại vậy sau mới biết tên hiệu Ngài là Kim Cương.
Nói xong, Vô Ngôn Bồ Tát liền nhập kim cương tam muội biến hết cõi này tất cả núi rừng cỏ cây vi trần đều là kim cương. Kim Cương Tê Bồ Tát tận thần lực mình nhẫn đến chẳng phá hoại được một vi trần.
Kim Cương Tê Bồ Tát bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thần lực của tôi có thể phá hoại tất cả thế giới kim cương và các núi vách.
Do cớ gì nay ở cõi này nhẫn đến chẳng hoại được một vi trần, là chỗ thần lực của Như Lai hay là do đạo lực của Vô Ngôn Bồ Tát?
Đức Phật nói: Này Kim Cương Tê! Đây là do Vô Ngôn Bồ Tát nhập kim cương tam muội, vì sức tam muội ấy làm cho Đại Thiên Thế Giới này tất cả sở hữu đều là kim cương, nếu muốn lại làm cho vô lượng Thế Giới làm kim cương sức tam muội ấy cũng có khả năng.
Kim Cương Tê Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát có đủ mấy pháp thì có thể được tam muội ấy?
Đức Phật nói: Đại Bồ Tát có bốn pháp thì có thể được kim cương tam muội như vậy: Một là chí tâm niệm bồ đề, hai là thiện pháp được làm thí cứu cánh, ba là chí tâm trang nghiêm thiện pháp nguyện hướng bồ đề, bốn là có thể quán mười hai nhân duyên.
Còn có bốn pháp: Một là thành tựu thần thông, hai là tu hành bạch môn giải thoát, ba là trì giới tinh tiến thường quán pháp giới, biết tất cả pháp không có căn bổn, không có giác quán chẳng tuyên nói được, bốn là biết nghĩa biết thời biết thiệt biết tất cả pháp thảy đều bình đẳng.
Còn có bốn pháp: Theo tâm đại bi cầu đại trí huệ, hai là theo thiện phương tiện cầu bạch mươi bảy pháp trợ bồ đề, ba là theo tâm đại từ quán tất cả chúng sanh thảy đều bình đẳng, bốn là từ tâm xả quán từ Chân Đế.
Còn có bốn pháp đó là thân nghiệp khẩu nghiệp ý nghiệp và bồ đề tâm chẳng bị trở ngại hư hoại đều như kim cương.
Này Kim Cương Tê! Đại Bồ Tát thành tựu đầy đủ những pháp như vậy thì có thể được kim cương tam muội.
Lúc Đức Phật nói pháp ấy, sáu vạn ức Bồ Tát đều được kim cương tam muội.
Bấy giờ Vô Ngôn Bồ Tát thưa cha mình là Sư Tử Tướng Quân rằng: Thưa Tôn Trưởng! Phật xuất thế tức là đầy đủ vô lượng công đức, khối đại công đức tức là Như Lai.
Lúc Phật xuất thế vô lượng chúng sanh được đại lợi ích, đại lợi ích ấy tức là Niết Bàn. Luận về Niết Bàn ấy thường chẳng biến đổi.
Cớ sao Tôn Trưởng chẳng phát tâm vô thượng bồ đề?
Người cha đáp rằng: Lúc ta sơ sanh đã phát tâm vô thượng bồ đề rồi.
Lúc ấy cũng có vô lượng Chư Thiên đến bảo rằng: Như Ngài vậy không có khác. Sự việc như vậy chỉ có Phật chứng biết.
Quyến thuộc theo Sư Tử Tướng Quân số đủ năm trăm người đều phát tâm vô thượng bồ đề.
Vô Ngôn Bồ Tát khen quyến thuộc mình: Lành thay, lành thay, khéo có thể trang nghiêm tâm bồ đề.
Các quyến thuộc hỏi: Thế nào gọi là trang nghiêm tâm bồ đề?
Vô Ngôn Bồ Tát nói: Có bốn mươi sự trang nghiêm tâm bồ đề.
Những gì là bốn mươi?
Đó là: Tin Phật chẳng nghi. Chẳng động pháp Giới. Cúng dường Thánh Chúng. Thân cận thiện hữu. Nơi Chư Bồ Tát quan niệm là Y Vương. Nơi các chúng sanh tâm mình bình đẳng. Cúng dường cung kính các Sư Trưởng, Hòa Thượng, cha mẹ có đức.
Thuận thọ lời dạy bảo của các bậc ấy. Hộ Pháp, cầu pháp, chí tâm nghe pháp. Đã thọ trì rồi vì người diễn nói rộng. Cúng dường cung kính người Hộ Pháp.
Vì người thuyết pháp chẳng có ý tham. Phá hoại kiêu mạn. Biết ơn báo ơn. Thường khéo tư duy. Như pháp mà trụ. Hay xả thí vật khó xả thí. Chí tâm hộ giới. Tinh tiến siêng tu tất cả pháp lành.
Đầy đủ thành tựu công đức trang nghiêm. Tâm không tật đố. Hộ Trì Chúng sanh. Phòng ngừa chế ngự phiến não. Điều phục tâm mình và tâm người. Điều phục chúng sanh.
Hay dứt phiền não. Tri túc tịch tĩnh. Tu tịch phạm hạnh. Chẳng dứt giống Thánh. Thế pháp chẳng ô nhiễm. Cúng dường cung kính người thuyết pháp. Tùy thuận thế gian.
Xa lìa giải đãi. Không có phóng dật. Chẳng cầu tâm bồ đề hạ thừa. Tâm vô thượng bồ đề trọn chẳng động chuyển. Ở tại sanh tử long chẳng nhàm hối. Xa lìa tất cả pháp bất thiện.
Đầy đủ tất cả diệu pháp thuần thiện. Trang nghiêm phạm hạnh. Đây gọi là bốn mươi sự trang nghiêm tâm vô thượng bồ đề vậy.
Sư Tử Tướng Quân nói với Vô Ngôn Bồ Tát: Đại Sĩ nên luôn luôn thường thị hiện thân mình để cho chúng tam muội chẳng thối tâm vô thượng bồ đề.
Vô Ngôn Bồ Tát nói: Thưa Tôn Trưởng! Nếu có đủ mười pháp thì thường được thân cân thận Phật và Bồ Tát.
Những gì là mười?
Đó là: Tự xả bỏ vật vui thích của mình để ban cho chúng sanh. Tu tập nhẫn nhục hộ trợ kẻ vô lực. Thường khuyên chúng sanh tu tập thiện pháp. Hóa đạo tất cả xu hướng bồ đề.
Nguyện cho chúng sanh trước được vô thượng bồ đề, tôi sẽ cúng dường nghe họ thuyết pháp thọ trì ủng hộ rồi sau tôi sẽ thành đạo vô thượng. Biết thiện pháp tánh.
Vì Hộ Pháp mà chẳng tiếc thân mạng. Nghe thâm pháp giới chẳng sanh kinh sợ. Quán không có bồ đề không có người được. Quán mình bình đẳng tất cả chúng sanh cũng bình đẳng. Do chúng sanh bình đẳng quán pháp giới cũng bình đẳng.
Do pháp bình đẳng quán hư không bình đẳng. Quán sanh tử khổ cũng chẳng bỏ lìa. Thấy lỗi sanh tử long không thối hối. Đầy đủ các thiện pháp như vậy thì thường thấy Chư Phật Chư Bồ Tát và thường thân cận.
Lúc nói pháp ấy, tướng quân và quyến thuộc được nhu thuận nhẫn.
Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Này A Nan! Ông nên thọ trì đọc tụng thơ tả Kinh Điển như vậy. Tại sao, trong Kinh Điển này phân biệt diễn nói tất cả pháp tướng, cũng làm cho vô lượng vô biên chúng sanh phát tâm vô thượng bồ đề.
Này A Nan! Nếu có người ở chỗ vô lượng Chư Phật trồng các thiện căn, người ấy mới có thể ở nơi kinh này thọ trì đọc tụng biên chép rộng phân biệt nói nghĩa ấy.
Người thọ trì Kinh này có ba sự: Quyết định phát tâm vô thượng bồ đề, hai là tâm bất thối, ba là hay hộ trì chánh pháp.
Đại chúng nghe lời này, có bảy na do tha Bồ Tát đứng dậy bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tôi có thể sau khi Như Lai diệt độ thọ trì đọc tụng thơ tả Kinh này.
Vô Ngôn Bồ Tát bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Như Lai Thế Tôn được những pháp gì mà khiến Chư Bồ Tát này thọ trì đọc tụng thủ hộ?
Đức Phật nói: Này Vô Ngôn! Nếu có thể hộ người trì pháp ấy tức là hộ pháp. Đó là người biên chép người đọc tụng người giải nói văn tự. Văn tự nói được còn pháp thì chẳng nói được.
Này Vô Ngôn! Có hai hạng người có khả năng hộ pháp, đó là người như pháp mà trụ và người tụng văn tự này. Nếu không có văn tự pháp chẳng thể nói được.
Nghe Phật nói xong, tất cả đại chúng và Sư Tử Tướng Quân các quyến thuộc Chư Thiên thế nhân đều rất vui mừng tín thọ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Những Kinh Do Tăng Già La Sát Tập Thành - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Dần đủ Tất Cả Trí đức - Phẩm Sáu - Trụ Mục Kiến
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bất Phân Du
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ngoại đạo - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Chín - Trưởng Lão Ni Kệ - Phẩm Tám - Tập Tám Kệ