Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Sáu - Pháp Hội Vô Ngôn Bồ Tát - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ NĂM MƯƠI SÁU

PHÁP HỘI VÔ NGÔN BỒ TÁT  

PHẦN MỘT  

Như vậy tôi nghe Đức Thế Tôn lúc ấy vẫn ở trong Đại Bảo Phường Đình giữa hai Cõi Dục Giới và Sắc Giới, cùng hàng đại chúng vây quanh thuyết pháp. Bấy giờ trong thành Vương Xá nhà của Sư Tử Tướng Quân sanh một con trai.

Lúc trai ấy vừa sanh ra, trên hư không có đông Chư Thiên nói rằng: Này Đồng Tử! Phải nên niệm pháp, tư duy nơi pháp. Lúc phát ngôn chớ nói thế sự. Thường nên tuyên nói pháp xuất thế. Thường phải giữ miệng, cẩn thận lời nói, nói ít. Chớ sanh giác quán nơi thế sự. Phải y nơi nghĩa, chớ y văn tự.

Lúc Đồng Tử nghe lời Chư Thiên nói liền chẳng còn kêu khóc không có tướng trẻ nít, cho đến bảy ngày sắc mạo vui vẻ thấy người mừng rỡ mắt chưa từng nháy.

Có người bảo cha mẹ Đồng Tử rằng trẻ này bất tường chẳng nên nuôi dưỡng, tại sao, vì nó câm không hề lên tiếng vậy.

Cha mẹ Đồng Tử nói: Con trai chúng tôi dầu câm chẳng phát ra tiếng, nhưng thân nó có đủ các tướng, hình thể không thiếu chỗ nào. Do đây nên biết trẻ này ắt có phước đức chẳng phải là người bất tường bạc phước. Nhân vì trẻ ấy không phát ra tiếng nên đặt tên cho nó là Vô Ngôn.

Đồng Tử Vô Ngôn lần lần trưởng đại như trẻ lên tám, đi đến đâu đều được mọi người thích nhìn. Hễ chỗ nào có thuyết pháp chuyển pháp luân thì Đồng Tử Vô Ngôn đều thích đến nghe, mà miệng không hề nói. Do thần lực của Phật, Vô Ngôn Đồng Tử cùng cha mẹ và quyến thuộc tôn thân đến Đại Bảo Phường Đình.

Đến nơi rồi thấy Phật, Đồng Tử lòng rất vui mừng lễ kính cúng dường hữu nhiễu ba vòng chắp tay đứng yên. Đồng Tử gồm thấy Chư Bồ Tát từ mười phương đến lòng thêm mừng rỡ.

Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Đồng Tử con trai của nhà Sư Tử Tướng Quân thân căn đầy đủ mà chẳng nói được.

Là do ác nghiệp nhân duyên gì mà gây nên như vậy?

Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Nay ông chớ nên nói như vậy, chớ nên khinh Đồng Tử này. Tại sao, vì Đồng Tử này là một vị Đại Bồ Tát đã ở chỗ vô lượng vô biên Chư Phật vun trồng thiện căn bất thối chuyển nơi đạo vô thượng bồ đề.

Lúc Đồng Tử này sanh ra, có nhiều Chư Thiên đến bảo rằng: Lành thay Đồng Tử! Nên niệm chánh pháp nên tư duy chẳng pháp, chớ có tuyên nói sự việc thế gian, nên thường tuyên nghĩa xuất thế, thường phải giữ miệng, cẩn thận lời nói, ít nói, chớ có giác quán nơi thế sự. Nên y nơi nghĩa chớ y văn tự.

Này Xá Lợi Phất! Đồng Tử này tuân lời Chư Thiên nên không nói mà yên lặng tư duy được Tứ Thiền.

Này Xá Lợi Phất! Vô Ngôn Bồ Tát thị hiện thân như vậy thì có thể điều phục vô lượng chúng sanh nên yên lặng không nói.

Này Xá Lợi Phất! Nay Phật nói Kinh Đại Tập thậm thâm này, Vô Ngôn Bồ Tát có thể ở trong Kinh Điển này lợi ích lớn cho vô lượng chúng sanh.

Lúc ấy Vô Ngôn Bồ Tát dùng sức nguyện của mình thần thôngđạo lực của mình làm cho hàng Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đều riêng thấy trong bàn tay hữu của mình có hoa sen lớn như vòng xe đầy đủ sắc hương tươi đẹp đệ nhất được người thích thấy, trên mỗi hoa đài đều có một Bồ Tát ngồi kiết già đủ ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân hình.

Hiện đại thần thông như vậy rồi, Vô Ngôn Bồ Tát chắp tay cúi đầu xướng rằng: Nam Mô Phật Đà, Nam Mô Phật Đà. Các Bồ Tát ngồi trên đài hoa sen cũng đồng xướng Nam Mô Phật Đà, Nam Mô Phật Đà.

Tiếng xướng ấy vừa dứt thì cả Đại Địa trong mười hằng hà sắc thế gian chấn động sáu cách. Chư Thiên trong hư không dùng các thứ hoa hương kỹ nhạc cúng dường Đức Phật.

Vô Ngôn Bồ Tát do Phật thần lực và nguyện lực của mình cùng Chư Bồ Tát đồng vọt lên hư không cao bằng bảy cây đa lại hướng ngay về phía Đức Phật mà nói kệ rằng:

Như Lai không sắc thị hiện sắc

Cũng lại nơi sắc không nhiễm trước

Nếu có chúng sanh nhập Phật Pháp

Thế nào sẽ biết sắc chân thiệt

Trong khối phi sắc có Như Lai

Cũng chẳng rời sắc có Như Lai

Như Lai đã rời các sắc tướng

Vì thương chúng sanh mà hiện sắc

Như Lai vì thương các chúng sanh

Dùng các tướng hảo trang nghiêm sắc

Thiệt không sắc tướng vì chúng nói

Vì vậy Như Lai khó nghĩ bàn

Chánh Pháp Như Lai không văn tự

Rời văn tự rồi không có tiếng

Không có văn tự không nói được

thậm thâm tịch tĩnh không giác quán

Như Phật ngày trước ở đạo thọ

Giác ngộ các pháp cũng như vậy

Pháp ấy không chữ không âm thanh

Cũng không tạo tác không nói được

Các pháp như vậy không tướng mạo

Cũng vì xa lìa tất cả tướng

Tất cả các pháp nếu vô tướng

Như Lai thế nào mà diễn nói

Như Lai đầy đủ đại từ bi

Thế nên thương xót làm lợi ích

Pháp chẳng nói được mà diễn nói

Cũng biết chân thiệt chẳng nói được

Như Lai biết rõ chẳng nói được

Cũng biết âm thanh tánh không tịch

Chân thiệt biết rõ tất cả nghĩa

Vì vậy gọi Phật Đấng Chánh Giác

Những pháp được nói gọi Thế đế

Như Lai chân thiệt biết rõ đó

Thế đế chẳng ngoài tánh có không

Chẳng tạo tác được không thời kỳ

Chân thiệt không có sắc tướng mạo

Vì chúng nên hiện các thứ sắc

Biết pháp không pháp Đấng Vô Thượng

Vì chúng sanh nên diễn nói pháp

Lúc tôi sơ sanh được Trời bảo

Vì vậy nín lặng không nói tăng

Chí tâm niệm pháp tư duy pháp

Vì vậy chẳng thấy sắc và tiếng

Nếu được nhập vào thâm pháp giới

Bấy giờ không có các sắc thanh

Nếu xa lìa được các tâm nghiệp

Thì được xa lìa các khẩu nghiệp

Không có ngôn thuyết tức là lời

Dầu có ngôn thuyết cũng không lời

Lời chẳng phải làm chẳng phải nói

Vì bổn tánh ngôn ngữ tịch tĩnh

Nay tôi chí tâm niệm bồ đề

Cũng lại chí tâm tu bồ đề

Nay tôi nói lời vô thượng này

Quyết định sẽ được chân thiệt đạo

Tâm tôi chẳng được đạo bồ đề

Khẩu và khẩu hành cũng chẳng được

Vô thượng bồ đề tức rỗng không

Tánh ấy bổn lai thường tịch tĩnh

Như tánh bồ đề thanh cũng vậy

Chẳng thấy chẳng lấy pháp tánh vậy

Như vậy thanh âm chẳng thấy được

Bồ đề được cầu cũng như vậy

Vì bồ đề nên có tu hành

Hành ấy cũng không có chỗ đến

Như vậy hành ấy không chỗ đến

Nên chỗ bồ đề chẳng phải chỗ

Sáu Ba la mật như bồ đề

Tất cả thiện pháp cũng như vậy

Tất cả ngữ ngôn không ngữ ngôn

Trong không ngữ ngôn hay thuyết ngữ

Nếu có bố thí diệu âm thanh

Chủ bố thí ấy và tài vật

Bình đẳng bố thí tức bồ đề

Tất cả thảy đều bất khả thuyết

Nếu bố thí ấy miệng nói được

Thể bồ đề lẽ ra nói được

Tánh thể bồ đề như hư không

Tất cả âm thanh cũng như vậy

Nếu nơi tâm hay chân thiệt biết

Biết rồi hay tuyên thuyết âm thanh

Tùy biết thanh ấy diệt chỗ nào

Tức là bồ đề chân thiết tướng

Nếu hay xa nghiệp thân khẩu ý

Tất cả phiền não cũng lìa xa

Tức là tất cả Ba la mật

Là thiệt pháp tánh được Phật nói

Bố thí chẳng ở trong bồ đề

Bồ đề chẳng ở trong bố thí

Hai pháp như vậy tức âm thanh

Cũng không chỗ trụ không chỗ đến

Nếu hay biết được như vậy thảy

Tức là chân thiệt đại bồ đề

Nếu lúc bố thí chẳng kiêu mạn

Tức là thí chủ đại vô thượng

Hộ trì cấm giới tức là thanh

Không có hình sắc không chỗ đến

Các pháp chẳng sanh cũng chẳng diệt

Tức là tướng trì giới vô thượng

Cấm giới như vậy không năng tác

Cũng lại không nghiệp thân khẩu ý

Chẳng sanh chẳng diệt chẳng tạo tác

Thế nào gọi được là cấm giới

Vì lưu bố phát ra âm thanh

Chúng sanh đặt tên gọi cấm giới

Biết các cấm giới thanh cũng vậy

Hai pháp như vậy đều vô lậu

Vì được miện nói là cấm giới

Nên nói các loại thứ trang nghiêm

Âm thanh cũng không các trang nghiêm

Chân thiệt biết là vô sở hữu

Thân nghiệp khẩu nghiệp và tâm nghiệp

Hay hồi giới này hướng bồ đề

Cấm giới âm thanh và bồ đề

Hai pháp như vậy như hư không

Nếu hay chân thiệt biết như vậy

Người này thì hành chỗ giới hành

Thì hay đến được giới bỉ ngạn

Chỗ ấy thậm thâm khó thấy được

Nói nhẫn âm thanh tức là không

Tánh không không xứ không tạo tác

Nhẫn nhục với không là hai pháp

Không có sai biệt như hư không

Tiếng nhẫn nhục chẳng phải sắc tướng

Chẳng nhìn thấy được không xứ sở

Nếu hay tướng tu tập tâm bình đẳng

Tức là tướng nhẫn chân thiệt vậy

Nhẫn nhục dầu là niệm niệm diệt

Mà cùng sắc than thường đi chung

Tất cả văn tự đều vô lậu

Chúng sanh đạt tên gọi nhẫn nhục

Nếu hay điều phục than khẩu ý

Đâu là nhẫn nhục tối vô thượng

Nêu hay nhẫn người nhẫn nhục

Đây cũng là nhẫn nhục vô thượng

Nếu có chúng sanh nghiền than mình

Lóng đốt nát nhỏ như hột mè

Xem thân dường như gỗ cỏ khô

Đây thì gọi là thân nhẫn nhục

Lúc nghe ác khẩu tiếng mắng chửi

Tâm niệm chẳng động trụ đúng pháp

Quán sát âm thanh như hư không

Đây là vô thượng khẩu nhẫn nhục

Nếu hay thông đạt nhân phiền não

Xa lìa tất cả các phiền não

Đây thì gọi là tâm nhẫn nhục

Chẳng bị phiền não làm nhiễm ô

Như nhẫn nhục là tánh bồ đề

thân khẩu ý nghiệp cũng như vậy

Nếy hay hồu nhẫn hướng bồ đề

Đây thì gọi là được bồ đề

Nếu có chúng sanh siêng tinh tiến

Hoặc thượng trung hạ hoặc thô tế

Trong vô lượng kiếp tu tập đó

Vô sở đắc cũng vô cứu cánh

Nếu người tinh tiến vô sở đắc

Nên gọi bồ đề vô sở đắc

Nếu hay chẳng được tất cả pháp

Tức là vô thượng cần tinh tiến

Nếu hay tinh tiến được như vậy

Chẳng tăng chẳng giảm như hư không

Như vậy tức là đại Bồ Tát

Siêng hành tinh tiến vô sở úy

Tất cả các thiền không có họp

Không có tạo tác không chỗ đến

Nếu hay tư duy tất cả pháp

Tức là chân Thiền Ba la mật

Xa lìa tất cả các ác sắc

Ác thân ác khẩu cũng xa lìa

Hay tiêu tất cả các phiền não

Tức là chân Thiền Ba la mật

Nếu hay quán tâm chân thiệt tánh

Trong tất cả pháp cũng chẳng thấy

Nếu hay vô tâm xa rời tâm

Tức là chân Thiền Ba la mật

Nếu hay quán tâm và bồ đề

Tức là vô thượng chân thiệt thấy

Nếu hay như vậy chân thiệt thấy

Chứng được bồ đề chẳng khó khăn

Nếu hay thấy biết không văn tự

Tất cả các pháp không sanh diệt

Nếu người xem thấy được như vậy

Đây thì gọi là đại trí huệ

Dầu là miệng nói đại trí huệ

Trí huệ cũng chẳng ở miệng tiếng

Nếu biết miệng tiếng thiệt không tiếng

Tức là chân tánh của trí huệ

Nếu pháp không trụ đây trụ kia

Trung gian cũng lại không chỗ trụ

Tất cả pháp tánh không chỗ trụ

Đây là vô thượng đại trí huệ

Không có văn tự không có hành

Không có tướng mạo không có tánh

Không có hai tướng thủ xả thảy

Đây gọi vô thượng đại trí huệ

Nếu quán tất cả Ba la mật

Tánh nó bình đẳng như hư không

Đây thì gọi là không bình đẳng

Hay quán tất cả pháp bình đẳng

Nếu hay bình đẳng tất cả pháp

Cũng hay quán chúng sanh bình đẳng

Đều hay bình đẳng quán Chư Phật

Trí huệ được đó không bình đẳng

Nếu Chư Bồ Tát người có trí

Hay quán pháp vô đẳng như vậy

Thì được vô thượng bồ đề quả

Cũng như Tiên Phật đã chứng được.

Lúc Vô Ngôn Bồ Tát nói kệ ấy, có một vạn hai ngàn nhẫn nhục do tha chúng sanh phát tâm vô thượng bồ đề, sáu vạn Bồ Tát được vô sanh nhẫn.

Chư Bồ Tát trong hoa đài đều đứng dậy đầu mặt lễ Phật, rồi dùng diệu Liên Hoa cung kính cúng dường lên Vô Ngôn Bồ Tát miệng tuyên lời rằng: Tôi là người biết ơn, nay đây tôi báo ơn.

Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn!

Có nhân duyên gì mà Bồ Tát này nói: Tôi là người biết ơn nay tôi báo ơn?

Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Chư Bồ Tát này đều nhân nơi Vô Ngôn Bồ Tát mà phát bồ đề tâm, vì vậy nên đồng lên tiếng nói: Tôi là người biết ơn, nay tôi báo ơn. Nay Chư Bồ Tát ấy lại nhân nơi Vô Ngôn Bồ Tát mà được nghe thọ Kinh Điển Đại Tập thậm thâm này gồm đến đây thân cận nhìn thấy cúng dường nơi ta.

Vô Ngôn Bồ Tát bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi có chỗ nghi nay muốn thưa hỏi. Ngưỡng mong Đức Như Lai thương xót hứa cho.

Đức Phật nói: Này Vô Ngôn! Tùy ý ông hỏi, Phật sẽ vì ông mà nói.

Tôn giả Xá Lợi Phất hỏi Vô Ngôn Bồ Tát: Thưa Đại Sĩ! Nếu không có ngôn ngữ sao lại hỏi được?

Vô Ngôn Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức! Tất cả các pháp thảy đều vô ngôn tự vô thuyết, tại sao, vì tất cả chúng sanh tánh vô ngôn vậy. Do nơi giác quán mà có âm thanh phát ra, nếu không có giác quán thì làm sao có âm thanh làm sao nói được làm sao có văn tự.

Thưa Đại Đức! Luận về trong giác quán không văn tự không ngôn thuyết, lìa rời giác quán cũng không có âm thanh văn tự, thể của giác quán tức chẳng phải giác quán. Tôi làm văn tự cũng chẳng giác quán.

Tôi nhân nơi giác quán mà có công đức lớn. Nếu hay quán thâm pháp như vậy thì gọi là thập nhị nhân duyên. Nếu pháp từ duyên sanh tức là rỗng không tịch tĩnh thì không có tướng nhất định. Nếu có chân thiệt biết như vậy tức là chân thiệt biết rõ pháp tánh.

Thưa Đại Đức! Các pháp đều từ nhân duyên hòa hiệp. Mà trong hòa hiệp thiệt không có tác giả không có sanh không có xuất. Vì vậy mà các pháp không có chủ không có âm không có thanh không có tâm không có giác quán chẳng phải không giác quán.

Tại sao, vì điên đảo nhân duyên mà có sanh có diệt. Vì vậy nên nếu có hỏi có nghe có giải nói đều chẳng hiệp chẳng tan là nhất tướng là vô tướng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần