Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi Mốt - Pháp Hội Vô Tận ý Bồ Tát - Phần Mười
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ SÁU MƯƠI MỐT
PHÁP HỘI VÔ TẬN Ý BỒ TÁT
PHẦN MƯỜI
Thưa Tôn Giả!
Đại Bồ Tát có bốn thứ thí đầy đủ trí huệ:
Một là đem giấy viết mực cho Pháp Sư để biên chép Kinh.
Hai là các thứ trang sức trang nghiêm toà ngồi đẹp dâng cho pháp Sư.
Ba là đem các thứ cần dùng cúng dường dâng cho pháp Sư.
Bốn là tâm không có siểm khúc thường tán thán pháp Sư.
Bồ Tát còn có bốn thứ trì cấm giới đầy đủ trí huệ:
Một là trì giới thường diễn thuyết pháp.
Hai là trì giới thường siêng cầu pháp.
Ba là trì giới chánh phân biệt pháp.
Bốn là trì giới hồi hướng bồ đề.
Bồ Tát còn có bốn thứ nhẫn nhục đầy đủ trí huệ:
Một là lúc cầu pháp nhẫn kia mắng nhiếc.
Hai là lúc cầu pháp chẳng tránh đói khát lạnh nóng gió mưa.
Ba là lúc cầu pháp tuỳ thuận Hoà Thượng A Xà Lê hành.
Bốn là lúc cầu pháp hay nhẫn không, vô tướng và vô nguyện.
Bồ Tát còn có bốn thứ tinh tiến đầy đủ trí huệ:
Một là siêng năng đa văn.
Hai là siêng năng tổng trì.
Ba là siêng năng lạc thuyết.
Bốn là siêng năng chánh hành.
Bồ Tát còn có bốn thứ thiền định đầy đủ trí huệ:
Một là thường thích ở một mình.
Hai là thường thích nhất tâm.
Ba là cầu thiền và thông.
Bón là cầu trí vô ngại giải.
Bồ Tát còn có bốn thứ trí huệ đầy đủ trí huệ:
Một là chẳng trụ đoạn kiến.
Hai là chẳng trụ thường kiến.
Ba là tỏ mười hai duyên.
Bốn là nhẫn vô ngã hành.
Bồ Tát còn có bốn pháp ủng hộ đầy đủ trí huệ:
Một là ủng Hộ Pháp Sư như Vua Chúa mình.
Hai là ủng hộ các thiện căn.
Ba là giúp hộ thế gian.
Bốn là ủng hộ lợi ích người khác.
Bồ Tát còn có bốn pháp mãn túc đầy đủ trí huệ:
Một là thuyết pháp mãn túc.
Hai là trí huệ mãn túc.
Ba là lợi ích mãn túc.
Bốn là các pháp mãn túc.
Bồ Tát còn có bốn lực đầy đủ trí huệ:
Một là tinh tiến lực vì cầu đa văn được giải thoát vậy.
Hai là niệm lực vì tâm bồ đề chẳng quên mất vậy.
Ba là định lực vì bình đẳng vô sai biệt vậy.
Bốn là huệ lực vì tu đa văn vậy.
Bồ Tát còn có bốn phương tiện đầy đủ trí huệ:
Một là tuỳ thế gian hành.
Hai là tuỳ chúng sanh hành.
Ba là tuỳ chư pháp hành.
Bốn là tuỳ trí huệ hành.
Bồ Tát còn có bốn đạo đầy đủ trí huệ:
Một là các Ba la mật đạo.
Hai là trợ bồ đề đạo.
Ba là hành bát Thánh đạo.
Bốn là cầu nhất thiết trí huệ đạo.
Bồ Tát còn có bốn hành không nhàm đầy đủ trí huệ:
Một là thích đa văn không nhàm đủ.
Hai là thích thuyết pháp không có nhàm đủ.
Ba là hành huệ không nhàm.
Bốn là hành trí không nhàm.
Lại trợ trí huệ ấy, là tuỳ tất cả chúng sanh tâm hành, là tuỳ tất cả pháp hành, là tuỳ bố thí hành, là tuỳ trì giới hành, là tuỳ nhẫn nhục hành, là tuỳ tinh tiến hành, là tuỳ thiền định hành, là tuỳ trí huệ hành, là tuỳ từ bi hỉ xả hành được đầy đủ trí huệ.
Tại sao vậy?
Như Chư Bồ Tát chỗ phát khởi hành đều lấy trí huệ làm căn bổn vậy. Trí huệ hành rồi trở lại y chỉ trí. Bồ Tát ấy an trụ nơi trí y chỉ nơi nhất thiết trí nên chúng ma và quyến thuộc ma không thể làm hại được, vì vậy mà có thể được nhất thiết trí. Đây gọi là Bồ Tát trợ trí vô tận vậy.
Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát tứ niệm xứ cũng chẳng thể tận.
Thế nào là Bồ Tát tứ niệm xứ vô tận?
Bồ Tát ấy quán thân tu thân hành, thấy các thân quá khứ, vị lai, hiện tại điên đảo hoà hiệp. Như các vật ngoài những tường vách, ngói đá, cỏ cây theo nhân duyên mà có chẳng thể trưởng dưỡng không có chỗ hệ thuộc. Thân này theo nhân duyên sanh chẳng thể trưởng dưỡng không có hệ phược cũng như vậy. Trong ấm giới nhập ấy, ngã và ngã sở rỗng không, thường và vô thường rỗng không.
Thân ấy không có ngã và ngã sở. Thân ấy chẳng vững bến chẳng thể dựa nhờ. Nên cầu thân bồ đề Chánh Giác.
Thế nào là thân bồ đề Chánh Giác?
Đó là Pháp Thân, là thân kim cương, thân chẳng thể hư hoại, là thân vững chắc, là thân ra khỏi Tam Giới.
Thân này của ta dầu có vô lượng tội lỗi nhưng ta nguyện sẽ trừ diệt thành thân Như Lai.
Bồ Tát ấy sở dĩ kiên nhẫn ở lâu nơi thân tứ đại các kiết khổ hoạn là vì lợi ích chúng sanh vậy.
Như sự vật ngoài, những thứ tứ đại địa thuỷ hoả phong các thứ pháp môn, các thứ sở tác, các thứ hình mạo, các thứ khí vật, các thứ sở dụng đều vì lợi ích tất cả chúng sanh. Nay thân ta vì lợi ích chúng sanh cũng như vậy.
Đại Bồ Tát thấy sự lợi ích lớn như vậy rồi, quán thân các sự khổ não mà chẳng sanh nhàm lìa, quán thân vô thường mà chẳng nhàm sanh tử, quán thân vô ngã mà chẳng bỏ giáo hoá, quán thân tịch diệtmà chẳng theo nơi xả.
Bồ Tát ấy lúc quán nội thân chẳng sanh phiền não, lúc quán ngoài thân cũng chẳng sanh phiền não.
Bồ Tát ấy rời lìa thân nghiệp đen nhơ mà thành thân nghiệp trắng sạch, có đủ diệu tướng để tự trang nghiêm, ở trong nhân thiên có nhiều lợi ích. Đây gọi là Bồ Tát quán thân mà tu thân hành.
Thế nào là Bồ Tát quán thọ tu thọ hành?
Bồ Tát tư duy như vậy: Các thọ tất cả đều khổ, Bồ Tát khéo phân biệt thọ trí huệ suy lường biết thọ tịch diệt. Lúc thọ lạc chẳng tham sở dục, lúc thọ khổ quán ba ác đạo khởi lòng đại bi chẳng sanh giận hờn, lúc thọ bất khổ bất lạc chẳng khởi ngu si.
Bồ Tát chánh niệm thọ xứ, như chỗ được thọ hoặc vui hoặc khổ hay chẳng vui chẳng khổ, nơi các thọ như vậy biết xuất phát biết tu tập.
Bồ Tát quán chúng sanh thọ tịch diệt trang nghiêm, các chúng sanh ấy ở trong các thọ chẳng biết xuất tu, nên lúc họ thọ lạc sanh lòng tham trước, lúc thọ khổ sanh lòng giận hờn, lúc thọ chẳng vui chẳng khổ sanh lòng ngu si.
Nay ta cần phải tiến tu trí huệ trừ tất cả thọ phát các thiện căn, khởi tâm đại bi nhiếp lấy trí huệ, cũng vì chúng sanh trừ dứt các thọ mà vì họ thuyết pháp. Kẻ chưa biết thọ thì thọ khổ, người hiểu được thọ thì thọ vui.
Thế nào là hiểu thọ?
Đó là không có thọ giả, không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng, dưỡng dục, sĩ phu. Diệt trừ kẻ nhiếp thủ thọ, kẻ nhiếp, kẻ thọ lấy, kẻ thọ thọ, kẻ thọ có, kẻ thọ điên đảo, kẻ thọ phân biệt, kẻ thọ các kiến chấp, kẻ thọ tướng nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, kẻ thọ tướng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thọ nhãn duyên sắc sanh xúc thọ khổ lạc bất khổ bất lạc.
Thọ nhĩ duyên thanh sanh xúc thọ khổ lạc bất khổ bất lạc, thọ tỷ duyên hương sanh xúc thọ khổ lạc bất khổ bất lạc, thọ thiệt duyên vị sanh xúc thọ khổ lạc bất khổ bất lạc, thọ thân duyên xúc sanh giác xúc thọ khổ lạc bất khổ bất lạc, thọ ý duyên pháp sanh xúc thọ khổ thọ lạc bất khổ bất lạc. Đây gọi là thọ.
Còn có một thọ, đó là giác liễu tứ đại.
Còn có hai thọ, đó là nội thọ, ngoại thọ.
Còn có ba thọ, đó là quá khứ, vị lai và hiện tại thọ.
Còn có bốn thọ, đó là giác liễu tứ đại.
Còn có năm thọ, đó là tư duy ngũ ấm.
Còn có sáu thọ, đó là phân biệt lục nhập.
Còn có bảy thọ, đó là thất thức trụ xứ.
Còn có tám thọ, đó là tám tà pháp vậy.
Còn có chín thọ, đó là chín xứ địa của chúng sanh.
Còn có mười thọ, đó là mười bất thiện pháp.
Tóm lại nói thì vô lượng chúng sanh có những tư duy thọ cảnh giới sở duyên tất cả đều gọi là thọ. Ở trong đó, Bồ Tát tu thọ quán hạnh khởi đại trí huệ, biết các chúng sanh thiện hay bất thiện tướng sanh trụ diệt của họ. Đây gọi là Bồ Tát chánh thọ niệm xứ mà chẳng thể cùng tận.
Thế nào là Bồ Tát quán tâm niệm xứ?
Tâm bồ đề chẳng quên chẳng mất, chánh niệm chẳng loạn quán tâm như vậy. Tâm sanh rồi diệt không có tướng trụ. Tâm ấy chẳng trụ ở trong cũng chẳng từ ngoài đến.
Lúc ta ban sơ phát tâm bồ đề ấy, tâm ấy đã tận quá khứ biến khác, nó chẳng đến chỗ nào, không có trụ xứ chẳng thể tuyên nói.
Nếu tâm có tập họp các thiện căn, nó cũng là quá khứ tận diệt biến khác, nó chẳng đến chỗ nào chẳng thể tuyên nói không có trụ xứ.
Nếu tâm thiện căn hồi hướng vô thượng bồ đề cũng là pháp diệt tận biến khác chẳng đến chỗ nào chẳng thể tuyên nói không có trụ xứ.
Tâm chẳng biết tâm, tâm chẳng thấy tâm, tâm chẳng sanh tâm, ta dùng tâm nào thành vô thượng bồ đề. Tâm bồ đề ấy chẳng cùng tâm thiện căn hiệp. Tâm thiện căn ấy chẳng cùng tâm hồi hướng hiệp. Tâm hồi hướng chẳng cùng tâm bồ đề hiệp.
Nếu lúc quán tâm như vậy mà Bồ Tát chẳng kinh chẳng bố, đây gọi là Bồ Tát cần tinh tiến vậy. Bồ Tát lại tư duy quán thậm thâm thập nhị nhân duyên chẳng mất nhân quả. Biết tâm tánh ây thuộc các nhân duyên, chẳng thể trưởng dưỡng không có tác không hệ thuộc, như tâm tất cả các pháp cũng như vậy, như pháp tu hành như chỗ được trang nghiêm. Nay ta phải chuyên cần tu tập trang nghiêm chẳng lìa tâm tánh.
Thế nào là tâm tánh và thế nào là trang nghiêm?
Tâm tánh ấy dường như ảo hoá không có chủ không có tác, không có thi thiết. Trang nghiêm ấy, chỗ làm bố thí đều đem hồi hướng trang nghiêm thanh tịnh Phật Độ.
Tâm tánh ấy dường như cảnh được thấy trong mộng, tâm tướng tịch diệt. Trang nghiêm ấy, thanh tịnh trì giới tu tập các thần thông.
Tâm tánh ấy như tượng trong gương, tướng nó thanh tịnh. Trang nghiêm ấy, nhẫn nhục được tu đều hồi hướng vô sanh pháp nhẫn.
Tâm tánh ấy như dương diệm cứu cánh tịch diệt. Trang nghiêm ấy nơi các thiện pháp thâm phát tinh tiến hồi hướng đầy đủ vô thượng Phật Pháp.
Tâm tánh ấy không có sắc, không có đối, không có chỗ tạo tác. Trang nghiêm ấy tất cả chỗ tu thiền định giải thoát Tam Muội hồi hướng đầy đủ Phật thiền định.
Tâm tánh ấy chẳng thể thấy được cũng chẳng thể lấy được. Trang nghiêm ấy nơi tất cả chỗ gạn hỏi đều khéo phân biệt hồi hướng đầy đủ Phật trí huệ.
Tâm tánh ấy không có duyên thì chẳng sanh. Trang nghiêm ây thường quán thiện căn.
Tâm tánh ấy không có nhân thì chẳng sanh. Trang nghiêm ấy nhân trợ bồ đề mà phát khởi tâm.
Tâm tánh ấy bỏ lìa lục trần thì không chỗ khởi. Trang nghiêm ấy nhập Phật cảnh giới.
Bồ Tát quán tâm hành ây như vậy nhiếp niệm thần thông. Được thần thông rồi có thể biết tất cả chúng sanh các tâm. Đã biết tâm họ rồi tuỳ theo tâm lượng ấy mà vì họ thuyết pháp.
Bồ Tát lại quán tâm hành nhiếp niệm đại bi giáo hoá chúng sanh không có nhàm mỏi.
Bồ Tát lại quán tâm hành chẳng khởi tướng tận diệt biến khác, chẳng bỏ sanh tử tương tục phiền não. Chánh niệm tâm ấy biết không có sanh khởi thành chánh quyết định.
Hành giả như vậy chẳng sa vào Thanh Văn địa, Bích Chi Phật địa, tột thế lực tâm ấy dùng nhất niệm trí thành vô thượng bồ đề. Đây gọi là Bồ Tát chánh tâm niệm xứ mà chẳng thể tận.
Thưa Tôn Giả! Thế nào là Bồ Tát quán pháp niệm xứ?
Bồ Tát thường dùng huệ nhãn thấy tất cả pháp đến lúc ngồi Đạo Tràng không có giữa chừng mất. Đương lúc quán pháp như vậy, Bồ Tát ấy chẳng thấy một pháp nhẫn đến tướng vi tế lìa không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vô sanh, vô diệt, vô vật, cũng chẳng thấy một pháp nhẫn đến tướng vi tế chẳng nhập vào thập nhị duyên. Bồ Tát quán pháp thấy các phi pháp không gì chẳng phải là pháp.
Thế nào là pháp?
Đó là nghĩa vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ mạng, đây gọi là pháp.
Thế nào là phi pháp?
Đó là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ mạng kiến, đoạn kiến, thường kiến, hữu kiến, vô kiến, đây gọi là phi pháp. Còn nữa, tất cả là pháp, tất cả là phi pháp.
Tại sao vậy?
Quán không, vô tướng, vô nguyện, đây gọi là tất cả pháp là pháp. Ngã mạn, kiêu mạn ngã và ngã sở nhiếp lấy các kiến, đây gọi là tất cả pháp là phi pháp.
Lúc quán pháp, Bồ Tát ấy chẳng thấy có pháp chẳng phải là nhân bồ đề nhân xuất thế đạo. Bồ Tát ấy biết tất cả pháp đều là xuất thế được vô ngại đại bi.
Bồ Tát ấy quán tất cả pháp phiền não kiết phược như tướng ảo hoá. Biết các pháp ấy chẳng phải có phiền não chẳng phải không phiền não.
Tại sao vậy?
Vì Bồ Tát ấy tỏ biết các pháp nghĩa không có hai tánh, các phiền não ấy không có chỗ ẩn tàng không có tụ tập. Nếu hiểu phiền não thì hiểu bồ đề.
Như phiền não tánh tức bồ đề tánh. Bồ Tát ấy an trụ chánh niệm không có một pháp có thể đem phân biệt được, không có các chướng ngại khéo hay hiểu rõ chánh trụ pháp tánh.
Như trụ pháp tánh tức trụ chúng sanh tánh. Như trụ chúng sanh tánh tức trụ hư không tánh. Như trụ hư không tánh tức trụ nhất thiết pháp tánh.
Lúc quán pháp, Bồ Tát y cứ Phật Pháp hiểu tất cả pháp tức là Phật Pháp, tâm Bồ Tát lúc ấy chẳng sanh tận trí vô vi. Dầu tận mà cũng chẳng tận, nhập vào vô sanh trí, cũng quán chúng sanh chẳng bỏ giả danh.
Pháp niệm xứ ấy, an trụ chánh niệm tất cả các pháp, đó là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát Chánh Giác chỗ biết tất cả giả danh các pháp tận vị lai tế trọn không quên mất.
Pháp niệm xứ ấy, nói vô lượng hành thân cận Phật Pháp hoại các ma chúng được tự nhiên trí. Đây gọi là Bồ Tát Chánh Pháp niệm xứ mà chẳng thể tận.
Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát Tứ chánh cần cũng chẳng thể tận.
Những gì là bốn?
Nếu là pháp ác bất thiện chưa sanh, vì chẳng sanh nên sanh dục siêng tinh tiến nhiếp tâm chánh trừ. Pháp ác bất thiện đã sanh vì đoạn trừ nên sanh dục siêng tinh tiến nhiếp tâm chánh trừ.
Pháp thiện chưa sanh vì sanh nên sanh dục siêng tinh tiến nhiếp tâm chánh trừ. Pháp thiện đã sanh vì an trụ tu tập để tăng thêm rộng lớn chẳng mất nên sanh dục siêng tinh tiến nhiếp tâm chánh trừ.
Pháp ác bất thiện chưa sanh vì chẳng sanh nên sanh dục siêng tinh tiến. Nói dục ấy, là thiện tư duy vậy. Nói siêng tinh tiến ấy, là chẳng bỏ thiện tư duy vậy. Nói nhiếp tâm chánh trừ ấy, là quán thiện tư duy vậy.
Tại sao vậy?
Vì lúc thiện tư duy chẳng cho pháp ác bất thiện nhập vào tâm.
Thế nào là pháp ác bất thiện?
Pháp ác bất thiện chẳng phải bè bạn của giới tụ, chẳng phải bè bạn của thiền định, chẳng phải bè bạn của trí huệ.
Thế nào là chẳng phải bạn của giới tụ?
Hoặc phá trọng giới và các giới khác. Đây gọi là chẳng phải bạn của giới tụ.
Thế nào là chẳng phải bạn của thiền định?
Hoặc phá oai nghi và các pháp loạn tâm. Đây là chẳng phải bạn của định tụ.
Thế nào là chẳng phải bạn của huệ tụ?
Hoặc nhiếp lấy các kiến và các kiến chướng ngại khác. Đây là chẳng phải bạn của huệ tụ. Đây gọi là những pháp ác bất thiện.
Lúc thiện tư duy, các pháp ác bất thiện ấy chẳng cho nhập vào tâm. Đây gọi là chánh cần thứ nhất.
Pháp ác bất thiện đã sanh vì đoạn dứt nên sanh dục siêng tinh tiến nhiếp tâm chánh trừ.
Như trên đã nói, pháp ác bất thiện tâm chẳng tụ họp không có nơi chỗ không có trụ xứ, pháp ác bất thiện ấy vì tâm hành đoạn dứt vậy, vì tịnh mà sanh dục, vì ngại chướng mà sanh sân, vì vô minh duyên mà sanh ngu si.
Thiện tư duy ấy lúc quán bất tịnh diệt tham dục, lúc tu tập từ tâm diệt sân hận, quán thập nhị duyên diệt ngu si. Các phiền não như vậy tịch diệt tức là đoạn trừ tất cả giả danh, lại cũng chẳng thấy có gì để đoạn. Đây gọi là đệ nhị chánh cần. Pháp thiện chưa sanh vì sanh nên sanh dục siêng tinh tiến nhiếp tâm chánh trừ. Các thiện pháp ấy có đến vô lượng.
Tại sao?
Vô lượng thiện pháp được Bồ Tát tu tập, trong các thiện pháp ấy thì dục là căn bổn. Siêng tinh tiến tu tập nhiếp tâm ấy là vượt quá thiện pháp.
Chánh trừ ấy là tại tại xứ xứ thường ở tại thiện pháp. Đây gọi là đệ tam chánh cần. Pháp thiện đã sanh an trụ tu tập để tăng quảng chẳng mất nên nhiếp tâm chánh trừ. Các thiện căn ấy đều đã hồi hướng vô thượng bồ đề.
Tại sao vậy?
Vì các thiện căn hồi hướng vô thượng bồ đề thì chẳng thể cùng tận.
Tại sao?
Vì các thiện căn như vậy chẳng y chỉ Tam Giới. Nếu y chỉ Tam Giới thì có tổn hao. Vì thế nên nói hồi hướng nhất thiết chủng trí thì các thiện căn như vậy chẳng thể tận. Đây gọi là đệ tứ chánh cần. Đây gọi là Bồ Tát tu tứ chánh cần mà chẳng thể tận vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Lực - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Mười - Chuyển Công đức Hạnh
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Chín - Phẩm đẳng Pháp - Phần Ba
Phật Thuyết Muôn Pháp Hội Trổ Một Hoa Vô Tướng - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bản Sự