Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi Mốt - Pháp Hội Vô Tận ý Bồ Tát - Phần Mười Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ SÁU MƯƠI MỐT

PHÁP HỘI VÔ TẬN Ý BỒ TÁT  

PHẦN MƯỜI HAI  

Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát nhất đạo cũng chẳng thể tận.

Thế nào là nhất đạo?

Bồ Tát chỗ được chân thiệt trí huệ chẳng từ người khác nghe. Lại nhất đạo ấy, Bồ Tát độc nhất không có bạn lữ, đã ở nơi vô thượng bồ đề có thể đại trang nghiêm dùng thế lực tinh tiến của mình nhiếp lấy, cứu cánh tự tu tập chẳng nhờ người làm.

Bồ Tát tự dùng sức nhân duyên dũng mãnh kiến lập trang nghiêm kiên cố như vậy. Như các chúng sanh tạo tác bao nhiêu thiện nghiệp, ta cũng sẽ có thể làm nên tất cả như vậy. Và các Thánh Nhân từ lúc sơ phát tâm đến sau làm bao nhiêu công hạnh ta cũng sẽ làm.

Bố thí chẳng phải là bạn của ta mà ta là bạn của bố thí. Trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí huệ chẳng phải là bạn của ta mà ta là bạn của chúng.

Các Ba la mật chẳng thể sai sử ta mà ta có thể sai sử chúng, nhẫn đến các thiện căn cũng đều như vậy. Các pháp như vậy dầu chẳng phải bạn của ta mà ta cần phải làm.

Chẳng cậy dựa nơi kia, Bồ Tát tự lực dũng mãnh riêng làm không có bạn, ngồi toà kim cương nơi Đạo Tràng phá các ma chúng, dùng một niệm huệ thành vô thượng bồ đề. Bồ Tát phải tỏ rõ phân biệt như vậy. Đây gọi là Bồ Tát Nhất đạo vô tận.

Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát sở tu phương tiện cũng chẳng thể tận.

Thế nào là Phương tiện?

Thấy tất cả pháp là phương tiện. Phát khởi các pháp là phương tiện. Làm Bồ Tát sứ là phương tiện. Cứu cánh phân biệt là phương tiện. Không có hạn lượng là phương tiện. Chí ý thường cầu pháp xuất thế là phương tiện.

Lúc bố thí liền có đầy đủ các Ba la mật là phương tiện. Lúc trì giới nơi nơi xứ xứ tự tại Vãng Sanh là phương tiện.

Lúc nhẫn nhục trang nghiêm tự thân và bồ đề đạo là phương tiện. Lúc hai tinh tiến tâm không có sở trụ là phương tiện. Lúc tu thiền định không có thối thất là phương tiện. Lúc tu trí huệ chẳng chứng vô vi là phương tiện.

Lúc tu tâm từ thương kẻ không có thế lực là phương tiện. Lúc tu tâm bi chẳng nhàm sanh tử là phương tiện. Lúc tu tâm hỉ chẳng thích ở chỗ vui là phương tiện. Lúc tu tâm xả phát tâm tu tập tất cả thiện căn là phương tiện. Lúc tu Thiên Nhãn là muốn thành tựu Chư Phật Nhãn là phương tiện.

Lúc tu thiên nhĩ là vì muốn thành tựu Chư Phật nhĩ là phương tiện. Lúc tu tha tâm trí là vì muốn được Chư Phật trí biết tất cả chúng sanh căn lượng cạn sâu là phương tiện. Lúc tu túc mạng trí là vì được Phật trí biết tam thế vô ngại là phương tiện.

Lúc tu tập thần thông là vì muốn được Chư Phật thần thông lực là phương tiện. Tuỳ chúng sanh tâm là phương tiện. Đã tự hiểu rõ lại hiểu rõ chúng sanh là phương tiện. Đã tự độ rồi thị hiện chưa độ mà gắng sức siêng tu cầu được độ thế là phương tiện. Đã lìa phiền não mà thị hiện phiền não là phương tiện.

Đã xả bỏ gánh nặng mà thị hiện có gánh nặng là phương tiện. Hay biết căn lượng chúng sanh tuỳ căn lượng thuyết pháp là phương tiện. Khéo có thể dạy bảo tiến tu hàng độn căn chúng sanh là phương tiện.

Biết thời biết phi thời là phương tiện. Biết chúng sanh có thể hành đạo mà sa vào tà kiến có thể đặt ở chánh đạo là phương tiện. Có thể khiến lượng làm vô lượng khiến vô lượng làm lượng là phương tiện.

Khiến tổn hoại hoàn phục như cũ là phương tiện. Thị hiện thắng kẻ kia là phương tiện. Thị hiện nói Niết Bàn có ngũ dục lạc là phương tiện. Đã được giải thoát thị hiện có hệ phược là phương tiện. Ở nơi sanh tử mà chẳng đọa sanh tử là phương tiện.

Nơi các oai nghi không chỗ chuyên đúng cũng chẳng thối thất là phương tiện. Chỉ quán chúng sanh chẳng thấy trì giới hay phá giới là phương tiện. Nhiếp các kiến duyên chẳng sanh tranh cạnh là phương tiện. Rõ âm thanh ấy giả danh không thiệt là phương tiện.

Thường đi trong Tam Giới là phương tiện. Được giải thoát tướng hành là phương tiện. Thân cận phàm phu như thân cận Thánh Nhân là phương tiện.

Chẳng chứng Niết Bàn thường ở sanh tử là phương tiện. Nơi mà hành xứ hiển hiện đại quang minh không có phiền não là phương tiện. Tất cả thị tất cả phi là phương tiện. Đây gọi là Bồ Tát tu hành phương tiện cũng chẳng thể tận.

Thưa Tôn Giả! Đây gọi là Bồ Tát tám mươi vô tận. Tám mươi vô tận ấy đều có thể chứa đựng tất cả Phật Pháp. Lúc Vô Tận Ý Đại Bồ Tát nói pháp môn phẩm ấy, có sáu mươi bảy trăm ngàn chúng sanh, người chưa phát tâm, đều liền phát tâm vô thượng bồ đề. Năm trăm hai ngàn Đại Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn.

Bấy giờ đại chúng dâng các thứ hoa, các thứ tràng hoa, các thứ lọng hoa cúng dường Như Lai và Vô Tận Ý Đại Bồ Tát cùng Kinh Điển ấy.

Trên Hư Không có vô lượng thiên nhạc tự nhiên phát thanh nói rằng: Chư Phật Thế Tôn trong vô lượng kiếp tập họp vô thượng bồ đề, nay trong hội Đại Tập này Vô Tận Ý Bồ Tát đã nói nghĩa ấy. Nếu có ai nghe pháp môn vô tận ấy mà tin hiểu thọ trì đọc tụng giải thuyết, nên biết người ấy là đầy đủ pháp vô tận ấy vậy.

Đức Thế Tôn lấy y trùm vai ban cho Vô Tận Ý Bồ Tát mà nói rằng: Lành thay lành thay! Đại Sĩ nói nghĩa ấy rất hay, chẳng phải chỉ có ta hứa khả, thập phương Chư Phật cũng như vậy.

Vô Tận Ý Đại Bồ Tát hai tay bưng y để trên đỉnh đầu mình mà bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chư Thiên và thế nhân sẽ coi y này hơn cái Tháp, vì là vật được Như Lai dùng. Lúc bấy giờ có nhiều các thứ y báu, các thứ lọng báu, các thứ phan báu, các thứ cây báu, các thứ tràng hoa báu tự nhiên từ Thập Phương Thế Giới bay đến che Vô Tận Ý Đại Bồ Tát để cúng dường.

Các thứ y, lọng, phan, thọ, tràng hoa báu ấy tự nhiên diễn nói lời rằng: Lành thay lành thay! Thiện Nam Tử có thể khéo nói pháp môn vô tận ấy. Như lời ông đã nói, được chúng ta hứa khả.

Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Những y báu cúng dường như vậy từ xứ nào đến phát ra tiếng nói như vậy?

Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Lúc Vô Tận Ý Bồ Tát sơ phát tâm vô thượng bồ đề giáo hoá các chúng sanh ây, nay họ đã thành vô thượng bồ đề ở Thế Giới mười phương. Đây là Chư Phật Chánh Biến Tri kia vì biết ơn báo ơn nên sai các thứ báu ấy đến khen ngợi công đức chân thiệt của Vô Tận Ý Bồ Tát và cũng cúng dường Kinh Điển được tuyên nói.

Lúc này đại chúng đối với Vô Tận Ý Bồ Tát càng thêm cung kính tôn trọng tán thán đồng nói rằng: Hôm nay chúng tôi mừng được đại lợi ích, được thấy Vô Tận Ý Bồ Tát cung kính cúng dường tôn trọng tán thán và được nghe pháp môn vô tận.

Nếu có ai tai được nghe danh tự Vô Tận Ý Bồ Tát cũng được lợi ích lành hà huống mắt thấy gồm được nghe Kinh này.

Đức Thế Tôn ở trong đại chúng nghe lời ấy liền bảo Xá Lợi Phất Tôn Giả rằng: Này Xá Lợi Phất! Nếu có Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhân học Bồ Tát đạo trong một kiếp cúng dường Chư Phật học giới oai nghi do sức kham nhẫn tận sanh tử khổ tế của các chúng sanh, siêng năng tinh tiến tu tập như cứu đầu cháy, nơi các thiền định nhất tâm thành tựu trí huệ phương tiện, nếu rời lìa Kinh Điển này, ta nói người ấy chưa có thể đầy đủ Sáu Ba la mật.

Này Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe Kinh Điển này tin hiểu thọ trì đọc tụng giải nghĩa như thuyết tu hành, ta nói người ấy đã là đầy đủ Sáu Ba la mật được thành tựu vô thượng bồ đề.

Tại sao vậy?

Này Xá Lợi Phất! Nếu có Bồ Tát thọ trì Kinh này vì người diễn nói tức là đầy đủ Đàn Ba la mật.

Tại sao?

Vì trong các sự bố thí thì pháp thí là hơn cả, chẳng hề quên mất tâm Bồ Tát. Nếu trì Kinh này tức là trì giới, nên có thể đầy đủ Thi Ba la mật.

Tại sao?

Vì cấm giới của tất cả Bồ Tát học được nhiếp nơi Kinh này. Nếu ở Kinh này có thể kham nhẫn thích ưa, tất cả chúng sanh chẳng trở hoại được, có thể ở nơi đây tiến tu nhẫn nhục, tức là đầy đủ Sằn Đề Ba la mật.

Nếu ở Kinh này siêng làm chuyển nói, thân khẩu ý ba nghiệp tinh tiến tu tập, tức là đầy đủ Tỳ Lê Gia Ba la mật.

Nếu ở Kinh này tâm được tịch diệt không có tán loạn, nhất tâm định ý phân biệt các tướng, tức là đầy đủ Thiền Na Ba la mật.

Nếu ở Kinh này tự được hiện trí, chẳng từ người nghe được chánh hành trí, tức là đầy đủ Bát Nhã Ba la mật.

Này Xá Lợi Phất! Nếu có Bồ Tát siêng học Kinh này nếu muốn đầy đủ các Ba la mật thì không khó.

Này Xá Lợi Phất! Nếu có Bồ Tát học tập Kinh này thọ trì đọc tụng như thuyết tu hành biên chép Kinh quyển, nên biết người ấy tất cả Phật Pháp đã ở trong tay.

Tánh Tứ Đại có thể biến đôỉ khác, tâm Bồ Tát ấy ở nơi vô thượng bồ đề chẳng thể còn chuyển đổi.

Này Xá Lợi Phất! Kinh Điển này là ấn bất thối chuyển của Bồ Tát, vì vậy nên Bồ Tát phải cầu ấn ấy.

Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân thân cận ấn ấy thì tức là thân cận tất cả Phật Pháp.

Lúc bấy giờ Tứ Thiên Vương cùng các quyến thuộc từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tứ Thiên Vương chúng tôi là đệ tử Phật đã được dấu đạo. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì Kinh này, chúng tôi kham nhiệm vì họ mà làm kẻ hộ vệ cung cấp hầu hạ, sẽ coi người ấy như đức Như Lai.

Tại sao?

Vì trong Kinh Điển này xuất sanh các thừa vậy.

Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhân từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay hướng Phật mà bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi thường theo Phật nghe vô lượng vô biên Kinh Điển, chưa từng được nghe Kinh Điển phân biệt nghĩa thậm thâm như vậy.

Bạch Đức Thế Tôn! Nơi xứ xứ, chỗ nào có diễn nói Kinh này, đích thân tôi và Chư Thiên Đao Lợi sẽ đến đó nghe học, thủ Hộ Pháp Sư tăng thêm khí lực mạnh mẽ tinh tiến chánh niệm biện tài, khiến Pháp Sư ấy ở trong đại chúng được vô sơ uý rộng có thể tuyên nói Kinh Điển như vậy.

Đức Phật nói: Lành thay lành thay! Này Kiều Thi Ca! Ông có thể ủng hộ người thuyết pháp ấy khiến được dũng mãnh tinh tiến chánh niệm biện tài.

Này Kiều Thi Ca! Nếu có thể ủng hộ người thuyết pháp ấy tức là ủng hộ Chư Phật chánh pháp. Người ủng hộ chánh pháp tức là người ủng hộ tất cả chúng sanh.

Phạm Tự Tại Thiên Vương quỳ dài chắp tay hướng Phật mà bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu xứ nào có Kinh Điển này lưu bố, đích thân tôi cùng Chư Phạm Thiên và quyến thuộc sẽ bỏ thiền hỉ lạc để đến đó nghe học thưa hỏi thỉnh cầu.

Lúc tôi đến đó sẽ hiện bốn điềm tướng khiến được hay biết:

Một là làm cho thấy quang minh vi diệu.

Hai là được nghe mùi hương thơm lạ.

Ba là khiến người thuyết pháp được vô ngại biện và chánh ức niệm, pháp được nói lành tốt chẳng mất chương cú.

Bốn là khiến đại chúng ấy phát tâm lành muốn vui mừng nghe pháp không có nhàm đủ.

Có bốn điềm tốt ấy, nên biết đó là Phạm Thiên Vương cùng quyến thuộc chư Phạm Thiên đích thân đến nghe pháp.

Đệ Lục Dục Thiên Ma Ba Tuần chắp tay bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Kinh Điển như vậy khiến thế lực tôi yếu kém.

Tại sao?

Vì nếu có Bồ Tát nghe Kinh này thọ trì đọc tụng vì người mà rộng nói, phải biết người ấy tức là được thọ ký.

Bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát như vậy đến xứ nào, đến Thế Giới Chư Phật, nên biết như là Đức Phật Thế Tôn. Nay tôi có những tâm kiêu mạn tật đố cống cao, do sức oai đức của Vô Tận Ý mà đều bị xô dẹp hết cả. Nay tôi sẽ thủ hộ Kinh Điển này và người thuyết pháp. Nơi nào có lưu bố Kinh này, tôi chẳng khởi một niệm tâm trở ngại, huống là tự mình đến đó làm hại.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan rằng: Này A Nan! Từ ngày hôm nay ông nên vì chánh pháp ở lâu thế gian mà thọ trì Kinh Điển này đọc tụng giải thuyết.

Tôn Giả A Nan liền đứng dậy chỉnh y phục trịch bày vai hữu gối hữu chấm đất chắp tay hướng Phật bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi kính vâng lời Phật thọ trì Kinh ấy, chỉ tự hận chẳng có thể rộng tuyên nói lưu bố như Chư Bồ Tát.

Đức Phật nói: Này A Nan! Ông nên an lòng. Nay ở trong Pháp Hội này có Chư Đại Bồ Tát có thể hộ trì khiến Kinh Điển này rộng tuyên lưu bố.

Liền đó trong đại hội có sáu mươi ức Chư Đại Bồ Tát, những người đáng phải hộ pháp, từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay hướng Phật bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tôi cần phải tuyên truyền Kinh này đến khắp mười phương. Tại Ta Bà Thế Giới này có Di Lặc Đại Sĩ, Ngài ở đây tự sẽ hộ trì Kinh này và người thuyết pháp.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu lúc Phật diệt độ rồi, năm trăm năm sau, nếu có Bồ Tát nghe Kinh Điển này thọ trì đọc tụng, nên biết đều là sức oai thần của Di Lặc Bồ Tát kiến lập.

Đức Phật khen chúng Đại Bồ Tát Hộ Pháp rằng: Lành thay lành thay! Chư thiện nam tử! Các ông chẳng những ngày nay ở trước ta hộ trì chánh pháp, mà các ông cũng đã từng hộ trì chánh pháp của hằng hà sa số Chư Phật quá khứ.

Vô Tận Ý Đại Bồ Tát bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi tự dùng phần ít trí huệ nói Kinh Điển này, văn tự cú nghĩa ắt chẳng đầy đủ. Nay tôi ở trước Chư Phật và Chư Đại Bồ Tát đã thành tựu vô tận pháp mà sám hối tội lỗi.

Đức Phật nói: Này Vô Tận Ý! Nếu Bồ Tát có đủ bốn vô ngại trí thì chỗ giảng thuyết không có sai lầm. Bồ Tát như vậy được chân không nghĩa phân biệt pháp môn mới có thể tuyên nói Kinh Điển như vậy.

Này Vô Tận Ý! Nay ông đã đến chỗ đệ nhất thành tựu tứ biện tự tại vô ngại. Kinh Đại Thừa này chẳng từ người nghe mà có thể phân biệt.

Này Vô Tận Ý! Nay ông thành tựu bậc trụ như vậy thân khẩu ý nghiệp không có sai lầm.

Tai sao?

Vì Bồ Tát tu tập ba nghiệp thành tựu thường dùng trí huệ làm căn bổn vậy.

Này Vô Tận Ý! Đã có vô lượng trăm ngàn vạn ức Chư Phật Thế Tôn đều đồng khen ngợi nghe ông thuyết pháp.

Này Vô Tận Ý! Ông trước đã ở chỗ ta và Chư Phật cứu cánh sám hối không có sót mất.

Tôn Giả A Nan bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Kinh này tên là gì và phụng trì thế nào?

Đức Phật nói: Kinh này tên là Vô Tận Ý sở thuyết bất khả tận nghĩa chương cú pháp môn. Còn có tên là Đại Tập. Ông nên phụng trì như vậy.

Này A Nan! Ông phải tín thọ Kinh Điển như vậy.

Tại sao?

Vì ông thọ trì Kinh này rồi thì những pháp đã được trì niệm sẽ tăng hơn trước cả ngàn lần. Nếu vì người nói thì là kiến lập Phật Sự vậy.

Đức Phật nói Kinh này rồi, Vô Tận Ý Đại Bồ Tát, các Tôn Giả Xá Lợi Phất, A Nan, Chư Thiên, Long, Thần, Càn Thát Bà, A Tu La v.v…, tất cả đại chúng nghe lời Phật nói đều rất vui mừng làm lễ mà đi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần