Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Hai - Phẩm Sinh Tử - Tập Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM HAI
PHẨM SINH TỬ
TẬP BA
Lại nữa, Tỳ Kheo kia quán xét về thọ ấy: Thọ này của ta trụ được bao lâu?
Người kia quan sát thọ của ta sinh diệt tương tục, giống như ánh sáng của điện chớp.
Tỳ Kheo quan sát: Nghĩa này như thế nào?
Nhân duyên của nhãn thọ có sinh ra tỷ thọ không?
Người kia quan sát đúng đắn do duyên của ý căn sinh thọ, thọ ấy hủy hoại thọ của tất cả căn khác. Giống như bò, trâu, ngựa, lạc đà đều có chung một tướng hoại, nhưng nhân duyên đưa đến cái hoại thì khác nhau.
Từ vô thỉ đến nay, năm căn khởi lên đều duyên dựa do hỷ lạc, nhưng cảnh giới của hỷ lạc lại khác nhau. Nếu hủy hoại cảnh giới của tướng ý lạc thì cảnh giới của căn hoại theo. Ví như trâu, ngựa, lạc đà, heo…
Tỳ Kheo kia quán về thọ như vậy thì được trí tuệ vi tế.
Tỳ Kheo kia đối với trí ấy ưa thích tu tập và thực hành nhiều. Quán xét về lạc thọ rồi, tùy thuận quán thọ một cách rốt ráo.
Tỳ Kheo kia suy nghĩ: Thọ này của ta do nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý mà khởi lên.
Nó từ đâu sinh và diệt thì đi về đâu?
Tỳ Kheo kia tùy thuận quan sát thì biết thọ đã diệt sạch, do tư duy về đạo lý. Quán như vậy rồi, Tỳ Kheo kia biết thọ không từ đâu sinh và diệt thì cũng không đi về đâu. Nhãn thọ này của ta xưa không, nay có, có rồi lại hoàn không. Nhãn này của ta không từ đâu đến, giống như nước biển.
Diệt rồi thì không đi về đâu như nước các sông đều chảy về biển cả. Thọ thuộc về nhãn của ta xưa không, nay có, có rồi lại hoàn không, nó do nhân duyên sinh. Thọ thuộc về nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng đều như vậy.
Giống như người thợ gốm hoặc đệ tử của ông ta nhờ vào các duyên: Bánh quay, khối đất, sức lực và kỹ thuật, nước, khúc cây của con người mà làm ra cái bình. Như vậy cái bình không từ đâu đến và diệt thì cũng không đi về đâu, nhưng cái bình ấy nhờ vào các nhân duyên mà có. Như vậy, nhãn nhờ duyên với sắc, ánh sáng, hư không, sự nhớ nghĩ mà sinh ra nhãn thọ là khổ, vui hay không khổ không vui.
Giống như cái bình kia nếu nhân duyên tốt thì được cái bình tốt, còn nhân duyên xấu thì có cái bình xấu. Như vậy, duyên vào duyên thiện thì sinh nhãn thọ thiện. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng đều như vậy.
Nếu hợp những thọ thiện lại, thuận theo thứ lớp mà tu hành thì đạt đến Niết Bàn. Nếu nhân duyên bất thiện thì nhãn thọ bất thiện sinh dục, sân, si.
Luôn luôn sinh tử bị đọa vào cảnh giới của đường ác: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Tất cả việc làm thiện, quả báo thiện của Tỳ Kheo kia, nếu tùy thuận chuyên tâm quan sát về thọ ấy thì không có chỗ nương dựa, không có người tạo tác, không có nhân khởi, không phải là không có nhân khởi, không có nhóm họp, phi thường, phi sắc, luôn luôn thay đổi trong từng niệm, chẳng phải là pháp điên đảo.
Tỳ Kheo thấy thọ ấm như vậy thì diệt hữu ái, hỷ lạc sinh. Ái dục xấu ác, tất cả sinh tử đều thấy là vô thường, người kia lại ưa thích tu tập và tu tập nhiều về đạo xuất thế gian đoạn trừ tất cả kết, xa lìa hết thảy sử.
Thế nào là kết?
Là kết của ái, kết của chướng ngại, kết của vô minh, kết của kiến giải, kết của sinh, kết của kiêu mạn, phải đoạn trừ hết các kết này.
Thế nào là sử?
Là sử của dục nhiễm, sử của hữu nhiễm, sử của kiến giải, sử của chướng ngại, sử của mạn, sử của vô minh. Kết của hành trang, kết của chướng ngại, kết của ganh ghét, kết của đố kỵ, sử của nghi hoặc do các nhân duyên này mà luân hồi trong ba cõi, đi trong ba cõi, quay tròn nơi ba đường ác, đi dài qua ba thời gian. Đối với ba phẩm huân tập theo ba thọ, là nhân duyên luân chuyển sinh tử trong ba đời.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Tỳ Kheo kia làm sao nhận biết về nhân duyên của nhãn?
Người kia quán nhãn do nhân gì duyên gì mà sinh?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Nghiệp là nhân của nhãn, nhãn nhân nơi nghiệp mà sinh. Chúng xoay tròn như thế. Giống như hạt Ni Cư Đà trong thế gian, từ hạt mà mọc ra cây Ni Cư Đà. Cây ấy lại sinh ra hạt. Chúng bị trói buộc trong nhân duyên như vậy.
Biết do nghiệp sinh, nghiệp lại chuyển sinh. Có sinh thì có già, chết, lo buồn, than khóc, khổ não. Do nghiệp nhân bị trói chặt trong lưới ái, khiến cho hết thảy kẻ phàm phu ngu si luân chuyển trong biển sinh tử mà tưởng là đến chỗ tất cả ái. Do không tạo nghiệp nên không có ái, do không có ái nên không có thọ.
Nhân duyên đó giống như ngọn đèn: Nhờ có tim đèn, bầu đèn, dầu, lửa mà có ánh sáng đèn phát ra liên tục. Tỳ Kheo kia quán xét nguyên nhân của thọ, quán kỹ tất cả thọ sinh ra do nghiệp nhân, nghiệp pháp và nghiệp lực. Bầu đèn dụ cho thân, dầu dụ cho căn, tim đèn dụ cho thọ, dục, sân si dụ cho lửa luôn luôn phát sinh, lửa dụ cho từng niệm trí phát sinh, ánh sáng dụ cho trí tuệ.
Người tu hành kia thấy biết tất cả nơi ba cõi đều có thọ này. Giống như người thợ vàng hoặc đệ tử của ông ta được vàng ròng thì có thể tạo thành những vật trang sức tốt đẹp. Người thợ thiện xảo kia dụ cho người tu hành, vàng ròng dụ cho duyên dựa theo điều thiện. Nếu duyên dựa theo thiện thì được nghiệp thiện đạt đến đạo Niếtbàn, còn duyên dựa theo điều bất thiện thì đưa đến nghiệp bất thiện.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Biết rõ nhân và duyên
Định rõ nghĩa vi tế
Luôn hỷ lạc giải thoát
Không bị ái sai khiến.
Chúng sinh theo dòng nghiệp
Rồi theo nghiệp mà sinh
Quả nghiệp trói buộc rồi
Đi trong cõi hiểm ác.
Ai lìa nghiệp bất thiện
Thường hỷ lạc nghiệp thiện
Người tu hành như thế
Như trăng sáng trong lành.
Người kia đốt nghiệp ác
Như lửa đốt cỏ khô
Chói sáng trong ba cõi
Giải thoát các pháp ác.
Nếu ai cầu giải thoát
Tâm không thích sinh tử
Không bị sinh tử trói
Như chim bay trên không.
Biết rõ nguyên nhân thọ
Biết rõ quả báo thọ
Thì sẽ được giải thoát
Biết rõ về ba cõi.
Khổ vui không lay động
Tốt xấu không để tâm
Thấy thế gian như lửa
Người tu hành từ bi.
Ý không bị lỗi lầm
Thích thực hành chánh pháp
Tâm thích pháp Tỳ Kheo
Thế gọi là Tỳ Kheo.
Không thích gặp thân ái
Thích gặp bậc hiền thiện
Xuất gia lìa nhà cấu
Như vậy là Tỳ Kheo.
Giữ các căn tịch tĩnh
Không tham đắm cảnh giới
Đi nhìn đất một tầm
Như vậy là Tỳ Kheo.
Không mắng nhiếc người khác
Nhất định không mua bán
Không thích đến ngã tư
Như vậy là Tỳ Kheo.
Không thích xem ca múa
Không ưa chốn người giàu
Thích ở nơi gò mả
Như vậy là Tỳ Kheo.
Ngày chỉ ăn một bữa
Không cất để ngày mai
Ăn vừa đủ hai phần
Như vậy là Tỳ Kheo.
Xả bỏ áo quần đẹp
Ưa thích y phấn tảo
Ăn khế hợp với tu
Như vậy là Tỳ Kheo.
Không tạo nghiệp thế tục
Không mong quả thế gian
Không khổ cầu vật dụng
Như vậy là Tỳ Kheo.
Giải thoát khỏi dục, sân
Lìa bỏ tâm bùn si
Pháp ác không làm dơ
Như vậy là Tỳ Kheo.
Vượt qua tất cả kiết
Xả ly tất cả sử
Giải thoát mọi trói buộc
Như vậy là Tỳ Kheo.
Đi đường tám chánh đạo
Hướng đến thành Niết Bàn
Lìa ý ác phiền não
Như vậy là Tỳ Kheo.
Ý vững, căn vắng lặng
Lìa bỏ vũng bùn dục
Thường nhất tâm chánh niệm
Như vậy là Tỳ Kheo.
Đã chứng được trí địa
Tâm tịch tĩnh thấy rõ
Biết thiện, ác các địa
Như vậy là Tỳ Kheo.
Pháp lậu, pháp vô lậu
Đều do duyên mà sinh
Biết tất cả mọi pháp
Như vậy là Tỳ Kheo.
Chánh trực tu phạm hạnh
Tịch tĩnh lìa biếng trễ
Dạy sớm, tịnh, cung kính
Như vậy là Tỳ Kheo.
Ưa thích tu định, huệ
Lại ưa thích Tứ Thiền
Ưa thích chốn vắng lặng
Như vậy là Tỳ Kheo.
Như chim bay trên không
Bóng nó luôn theo bên
Như ý thuận chánh pháp
Như vậy là Tỳ Kheo.
Hay diệt các phiền não
Quán thiện ác bình đẳng
Khéo biết thở ra vào
Như vậy là Tỳ Kheo.
Nếu biết theo thứ tự
Thấy rõ pháp mình tu
Biết rõ đạo, phi đạo
Như vậy là Tỳ Kheo.
Được lạc, tâm không hỷ
Gặp khổ, lòng không ưu
Hỷ, ưu, tâm bình đẳng
Như vậy là Tỳ Kheo.
Nếu biết rõ sinh tử
Thiên, Tu La kính lạy
Biết chúng sinh thiện ác
Như vậy là Tỳ Kheo.
Y bát thường biết đủ
Không chứa của cải quý
Thiểu dục và phạm hạnh
Như vậy là Tỳ Kheo.
Nhất thực lìa cấu uế
Không tham đắm mùi vị
Thường xả bỏ lợi dưỡng
Như vậy là Tỳ Kheo.
Hành tâm xả, tâm bi
Lìa bỏ ác ganh tỵ
Thiêu đốt mọi lỗi lầm
Như vậy là Tỳ Kheo.
Tỳ Kheo kia trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát thọ như vậy.
Quán thọ được trí vi tế rồi, vị ấy lại quan sát sâu xa: Biết thọ do xúc sinh, do duyên mà hoạt động. Như vậy quán chỗ duyên dựa thứ hai của nhãn tác hợp lại thì diệt thọ do xúc sinh. Duyên dựa nơi thọ do nhãn xúc sinh đã diệt thì duyên dựa với âm thanh, ta sinh ái thọ.
Nếu không ái thọ thì tâm không cùng diệt. Tỳ Kheo kia dùng dây chẳng sầu cột tâm vào cây cột duyên dựa. Thọ kia đã diệt thì chỗ duyên dựa của âm thanh và thọ thuộc về nhĩ đều diệt.
Tỷ duyên với hương mà sinh tỷ thọ. Tỳ Kheo kia quán thọ do tỷ xúc sinh.
Vị ấy tư duy: Tỷ của ta cùng với hương mà sinh thọ thuộc tỷ là thiện hay bất thiện, ký hoặc vô ký?
Tỷ này của ta thọ thì tâm không diệt. Tỳ Kheo quán xét sự hoại diệt của tâm với chỗ duyên dựa luôn luôn hoạt động. Như vậy thì phải điều phục tâm, lấy pháp thiện huân tập tâm để trở thành pháp thiện vô lậu. Bấy giờ được bất động.
Thiệt duyên hợp với vị, duyên hợp này là thiện hay bất thiện, ký hoặc vô ký. Tỳ Kheo biết rõ sự duyên dựa này rồi, tiếp tục quan sát về thọ khổ, vui, không khổ, không vui.
Quán như vậy và tư duy: Tâm này của ta hoại hay không hoại?
Lại quan sát thọ do duyên hợp với vị mà sinh, nó có thể phá hoại tâm. Quán xét như vậy rồi, dùng sợi dây chẳng sầu cột tâm kia vào cây cột duyên hợp, phải giữ gìn như vậy do sự tu hành. Nếu tâm như thế thì các sự ưa thích của vị do thiệt thọ không bị cướp mất.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Bảy - Phẩm Biến Hóa
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Năm Mươi Mốt - Kinh Thuê Chung Người ở
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm đại Thừa Như Hư Không
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Bốn Mươi Chín - Phẩm Nhân ít, Quả Nhiều
Phật Thuyết Kinh Trung Bổn Khởi - Phẩm Năm - Phẩm Xá Lợi Phất, đại Mục Kiền Liên đến Học đạo