Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Mười - Phẩm Phân Biệt Tà Chính

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Hiển, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Hiển, Đời Đông Tấn   

PHẨM MƯỜI

PHẨM PHÂN BIỆT TÀ CHÍNH  

Phật bảo Ca Diếp: Có bốn loại pháp. Pháp của ma thuyết. Pháp của Phật thuyết. Có những chúng sinh theo pháp ma nói. Có những chúng sinh theo pháp Phật thuyết.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Chúng con làm sao biết để phân biệt?

Xin Phật chỉ dạy, chúng con muốn nghe!

Phật bảo Ca Diếp: Này thiện nam tử! Sau ta Nê Hoàn khoảng bảy trăm năm, giáo pháp Như Lai từ đó ẩn dần. Bấy giờ chúng ma giả làm Tỳ Kheo nhiễu loạn chánh pháp, hiện tướng thợ săn cố che giấu mình. Thiên Ma Ba Tuần giả tướng Tỳ Kheo, tướng Tỳ Kheo Ni, tướng Ưu Bà Tắc, tướng Ưu Bà Di, tướng Tu Đà Hoàn, tướng Tư Đà Hàm, tướng A Na Hàm, tướng A La Hán, và cả tướng Phật.

Bỏ tướng thế tục nhưng lại hành động pháp của thế gian để phá pháp ta.

Ba Tuần nói rằng: Như Lai từ Trời Đâu Suất chết đi, giáng thần vào nhà của vua Tịnh Phạn, Phu Nhân Ma Da ái dục hòa hợp mà sinh ra thân. Nếu như nói rằng không phải từ chuyện ái dục mà sinh, là điều không thật.

Ngài cũng sinh ra như cách người đời, nhưng được Trời, người và A Tu La cung kính cúng dường là bởi đời trước Ngài đã gieo trồng cội gốc phước đức, tự đem vợ con và mọi tài sản ra làm bố thí, nhờ đó thành Phật. Phải biết đây là tướng mạo, lời nói, Kinh Luật của ma.

Tại sao như vậy?

Bởi Đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Giác vì muốn giáo hóa cho mọi chúng sinh mà sinh ra đời, chẳng phải Như Lai sinh ra từ sự mẹ cha ái nhiễm, thị hiện tướng ấy là để tùy thuận thế gian mà thôi. Phải biết tướng mạo và lời nói này chính là Kinh Luật của Đức Phật thuyết. Nếu chúng sinh nào tin tưởng Kinh Luật của chúng ma nói, phải biết bọn họ là quyến thuộc ma.

Nếu chúng sinh nào tin tưởng Kinh Luật của Đức Phật thuyết, phải biết họ là những bậc Bồ Tát.

Lại nói: Như Lai xuất hiện ở đời, hướng về mười phía, bước đi bảy bước, chẳng phải thị hiện nói là thị hiện, nên chẳng thể tin. Phải biết đây là Kinh Luật ma nói. Nếu nói Như Lai lúc vừa đản sinh, hướng về mười phương, bước đi bảy bước, đó là Như Lai phương tiện thị hiện.

Phải biết đây là Kinh Luật Phật thuyết. Kinh Luật ma nói, nếu người nào tin, phải biết người đó là quyến thuộc ma. Kinh Luật Phật thuyết, nếu người nào tin, phải biết người đó chính là Bồ Tát. Lại nói Như Lai đi đến Miếu Trời, cung kính lễ bái, chẳng phải Thiên Thần lễ bái Bồ Tát.

Bởi vì sao vậy?

Thiên Thần đứng trước, Như Lai đứng sau. Phải biết đây là Kinh Luật ma nói.

Kinh Luật Như Lai là nói thế này: Như Lai phương tiện đi đến Miếu Trời, Chư Thiên, Đế Thích, Phạm Thiên đều phải cung kính đảnh lễ, hầu hạ Bồ Tát. Kinh Luật ma nói, nếu người nào tin, phải biết người đó bị ma dạy dỗ. Nếu người nào tin Kinh Luật Phật nói, đó là Bồ Tát.

Lại nói Như Lai lúc làm Thái Tử, hưởng thụ năm món dục lạc cùng với cung nhân mỹ nữ. Phải biết đây là Kinh Luật ma nói.

Còn nói Như Lai thị hiện ở trong thâm cung đầy đủ dục lạc, mỹ nữ vậy mà Ngài bỏ như nhổ đàm giải để đi xuất gia, thì đây chính là Kinh Luật Phật thuyết. Kinh Luật ma nói mà có người tin, phải biết người đó bị ma dạy dỗ. Nếu người nào tin Kinh Luật Phật nói, đó là Bồ Tát.

Lại nói Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Giác ở rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Độc thụ nhận tiền tài, vàng bạc, vật báu, đồng, sắt, lưu ly, hạt trai, ngọc bội, san hô, hổ phách, nuôi giữ súc vật voi, ngựa, trâu, dê, gà, chó, mèo, chồn, khỉ, chuột các loại…, ruộng nương nhà cửa, buôn bán trao đổi, nuôi dưỡng nam nữ, tích trữ lúa gạo. Vô số vật dụng như vậy vì lòng thương xót thế gian, nên nhận về hết. Phải biết đây là những lời ma nói.

Đức Phật Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Giác thương xót tất cả chúng sinh muôn loài, khi trụ ở rừng Na La ta đã từng nói với Bà La Môn Di La Kì La và Vua Ba Tư Nặc rằng: Đại Vương! Nói những đệ tử của ta thụ nhận những vật phi pháp là điều không có. Chẳng hạn nói nuôi nô tỳ, voi ngựa, trâu, dê, gà, chó, mèo, chồn, khỉ, chuột, đồng, sắt, lưu ly, vàng bạc, hạt trai, ngọc bội, cẩm thạch, san hô, hổ phách, nhiều loại vật khác.

Ruộng nương nhà cửa, buôn bán trao đổi, nuôi dưỡng nam nữ, tích trữ lúa gạo, tự nấu đồ ăn, dạy người nấu nướng, học xem tướng số, học luyện bùa chú.

Tập luyện theo tiếng của các loài chim, tính toán ngày tháng nhật thực, nguyệt thực, đoán xem số mạng, học kết hoa tóc, học làm thợ mộc, học sáu mươi bốn thuật đoán giải mộng, uống thuốc tiêu thực, sửa sang răng, môi, cài hoa trên tóc, thân ướp dầu thơm, dua nịnh tiến thân.

Giả tướng tri túc mà sự thật thì lòng tham không chán, nói cười chuyện phiếm, tham ăn vị ngon, cá, thịt các thứ, gom các thuốc độc, hoặc gom dầu thơm, làm các nhạc khí, giày dép, nón mũ bằng đồ da thú, chẻ tre, dệt vải khắc vẽ, thêu thùa, uống các loại thuốc hòa trộn nhiều hương.

Học cách ăn nói theo lối Vương gia, đứng ngồi, nói cười an nhiên trầm mặc, học bọn đàn bà trang sức hương hoa, nói năng đùa bỡn, y phục lòe loẹt, làm lầu gác vàng, vào hội quán rượu và nhà dâm nữ… bao nhiêu những điều phi pháp như vậy, hoặc làm, hoặc nhận, hoặc cho người khác. Đại Vương nên biết, ta đều nghiêm cấm không cho Tỳ Kheo làm những việc đó.

Bởi vì sao vậy?

Bởi vì những điều phi pháp này giống như đám cỏ dại sẽ làm hư hoại ruộng lúa tốt tươi. Ta phải khổ nhọc trừ bỏ nó đi. Phải biết những lời như vừa nói đó là Kinh Luật Phật.

Những người tin theo Kinh Luật ma nói, phải biết bọn họ bị ma dạy dỗ. Những người tin theo Kinh Luật của Phật, phải biết người đó chính là Bồ Tát.

Nếu nói Như Lai không thể thị hiện đi vào Miếu Trời, cũng không thể nào hàng phục Chư Thiên, loài người trong đó. Cũng không thể ở trong chín mươi sáu đạo mà xuất gia.

Không thể thị hiện kiếp thành kiếp bại, không thể học hết tất cả y thuật. Cũng không thể nào hóa hiện làm người nô bộc nam, nữ, hay làm cây thuốc, làm Vua, Đại Thần.

Giả sử Như Lai làm được việc ấy, thì Ngài chẳng phải là đấng Như Lai, thấy biết như vậy là bọn tà kiến. Như Lai bình đẳng với mọi ân, oán. Không có oán giận, chẳng có yêu thương, cũng không có các tâm niệm như vậy. Nên biết đây là Kinh Luật của ma.

Còn nói Như Lai thị hiện vào trong tất cả Miếu Trời, ở trong chín mươi sáu đạo xuất gia, làm kiếp thành, bại, vào các giảng đường Chú thuật đọc sách, làm thân nô bộc, thân nam, thân nữ, hoặc làm cây thuốc, làm Vua, Đại Thần, vào nhà dâm nữ.

Hoặc làm trưởng giả, cư sĩ, phạm chí, bần cùng, nam nữ, hoặc là phi nam, hiện hữu khắp nơi trong hai lăm cõi, biến hóa không cùng mà chẳng hề bị thân ấy nhiễu hại, giống như hoa sen chẳng nhiễm bùn dơ.

Phải nên biết rằng, vì để hóa độ tất cả chúng sinh mà phải tùy thuận theo cách thế gian biến hóa ra đủ tướng mạo như thế. Những điều ghi chép như vậy chính là Kinh Luật của Phật. Những ai tin theo Kinh Luật ma nói, phải biết bọn họ bị ma dạy dỗ. Còn ai tin theo Kinh Luật của Phật, đó là Bồ Tát.

Nếu ai nói rằng: Trong Kinh Luật ta, Thế Tôn đã dạy đây là tội lỗi, đây là điều ác, đây là điều nhẹ, đây là điều nặng, đây là tội thô, đây là tội tính, đây là tội chế… ta nói giới luật này là chân thật.

Ông cũng nói giới luật ông là thật, nên bỏ giới của ta theo của ông?

Ông cho rằng đây là giới luật của thế gian hay sao?

Kinh Luật của ta là chín Bộ Kinh Như Lai đã thuyết, có dấu chứng thật. Trong chín Bộ Kinh ta chưa từng nghe một câu, một chữ, thậm chí nửa lời về Kinh Phương Đẳng.

Kinh Điển Như Lai có mười bộ chăng?

Bộ Kinh Phương Đẳng vô lượng như vậy, phải biết đều là do Điều Đạt làm, vì muốn phá hoại tất cả nghĩa lý nên mới tạo ra lời hư vọng đó. Kinh Điển Phương Đẳng tạo ra từ những ý nghĩ hư vọng, chúng ta đừng tin.

Phật bảo Ca Diếp: Những lời như vậy làm loạn giáo pháp của Đức Như Lai, bài báng Khế Kinh Phương Đẳng của Phật. Phải biết đó là Kinh Luật ma nói. Ở đời tương tai có bọn người đó. Ai cũng cho rằng mình có Kinh Luật, cùng tranh luận với Kinh Luật tà thuyết.

Có các Tỳ Kheo biết được ngoài chín Bộ Kinh Như Lai thuyết riêng một bộ Đại Kinh Phương Đẳng, nên dốc lòng tin. Đối với giới luật không hề chấp trước những điều tà kiến.

Những gì bất tịnh, không hợp uy nghi đều xả bỏ hết. Đối với pháp luật của Đức Như Lai đầy đủ thanh tịnh tựa như trăng tròn.

Biết tất cả Kinh, mỗi mỗi pháp luật, mọi điều giới hạnh số nhiều như cát ở trong Sông Hằng, không thể tính đếm, nghĩa lý chân thật, mọi nghĩa lý đó đều do Phật thuyết.

Nếu người nào nói giới luật của ta không có giới này, phải biết giới này chẳng phải Phật thuyết. Hoặc nói giới luật ta giữ chỉ có giới hạn mà thôi. Phải biết đây là những người phạm giới. Kinh Luật nào nói thiểu dục, thanh tịnh, hợp với lời Phật, phải biết nghĩa này đều là Kinh Điển của đại thừa thuyết.

Nếu ai bảo rằng, Đức Phật Như Lai vì muốn an ổn và vì cứu độ tất cả chúng sinh cho nên thuyết Kinh Phương Đẳng Đại Thừa Đại Bát Nê Hoàn. Phải biết người này là đệ tử ta. Những người nói khác thì ta chẳng phải là thầy của họ, chẳng phải xuất gia học đạo nơi ta, mà là đệ tử ngoại đạo tà kiến. Các dấu hiệu trên phải biết đó là Kinh Luật Phật thuyết.

Người nào tin theo Kinh Luật ma thuyết, phải biết người đó bị ma dạy dỗ. Đối với Kinh Luật của Như Lai thuyết người nào tin theo, phải biết người đó chính là Bồ Tát.

Như Lai thành tựu công đức vô lượng, đắc tuệ không vô, vì chúng sinh thuyết khổ, không, vô ngã, nay đã đến lúc vô thường hoại diệt nên nhập Nê Hoàn, không phải thị hiện tùy thuận thế gian. Những lời như vậy đều là ma nói. Phải biết Như Lai không thể nghĩ bàn.

Ngài đã thành tựu vô lượng vô số công đức trang nghiêm, là Phật, Thế Tôn, là pháp thường trụ, không phải là pháp thay đổi, biến hoại, chẳng phải tất cả như cây Đa La đã bị chặt ngọn, nhưng Thế Tôn thuyết bốn pháp bất độ như cây Đa La đã bị chặt ngọn. Lại nói mỗi một bất độ tựa như đá chẻ làm đôi. Ai tự cho rằng mình đã chứng được pháp hơn người thì sẽ bị đọa ngục Vô Gián trở lên. Pháp hơn người là chưa thật chứng quả nói mình chứng quả.

Nếu có Tỳ Kheo ít muốn, biết đủ, lại nhiều tri thức, vua và đại thần, cùng với dân chúng thấy đều cung kính, nói kệ tán thán thầy Tỳ Kheo ấy công đức vô lượng, xưng là Tôn Giả, nói rằng sau khi Tôn Giả xả bỏ thân này chắc chắn sẽ thành Phật Đạo.

Thầy Tỳ Kheo ấy nghe vậy liền nói: Các ông chớ nên lấy đạo giải thoát tán thán những người chưa chứng đạo quả, bởi những lời đó đắm trên chữ nghĩa, Phật chẳng hài lòng. Các ông im đi, chớ nên suốt đời vì người tu hành pháp lạc như ta mà nói những lời đa dục như vậy, ta tự biết mình chưa chứng đạo quả.

Vua và Đại Thần bảo Tỳ Kheo rằng: Tôn Giả ngày nay chẳng khác Đức Phật, mọi người nghe tiếng, đều sẽ theo Ngài học Kinh, Luật, Luận. Nên biết Nhà Vua cùng với đại thần nói kệ tán thán sẽ được thành tựu công đức vô lượng. Còn Tỳ Kheo kia tu trì phạm hạnh, không vi phạm giới, chẳng phạm bất độ, không phạm vào lỗi tự cho rằng mình có pháp hơn người.

Lại có Tỳ Kheo diễn thuyết rộng rãi Kinh Tạng Như Lai, nói rằng: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính của mình. Một khi vô lượng phiền não trong thân đã trừ diệt hết thì tính Phật ấy sẽ hiển lộ ra, trừ nhất xiển đề.

Bấy giờ quốc vương cùng với đại thần hỏi Tỳ Kheo kia: Ngài sẽ làm Phật hay chẳng làm Phật?

Trong thân của Ngài cũng có Phật tính?

Tỳ Kheo kia đáp: Chưa biết tôi sẽ thành Phật hay không, nhưng tôi biết chắc là trong thân tôi thật có tính Phật.

Lại hỏi Tỳ Kheo: Như Ngài chẳng làm hạng nhất xiển đề, vậy thì phải chăng Ngài tự cho rằng mình sẽ làm Phật?

Tỳ Kheo ấy đáp: Đúng vậy! Chỉ cần trong thân thật có Phật tính. Dù Tỳ Kheo kia nói lời như vậy, chẳng phải tự xưng đắc pháp hơn người, bởi vì sự thật là có Phật tính, nhờ giữ giới luật mới thành Phật Quả.

Lại có Tỳ Kheo tư duy như vậy: Ta sẽ thành Phật, chắc chắn như vậy, không nghi ngờ gì. Tư duy như vậy, dù chưa chứng đắc đạo quả giải thoát, người ấy vẫn có phước đức vô lượng. Vì ý nghĩa này, tất cả Tỳ Kheo đều nên tu hành pháp tư duy đó.

Bởi vì sao vậy?

Vì sẽ ngay đây xa lìa tám mươi ức pháp bất tịnh. Thanh tịnh, thiểu dục tất được thành tựu, chân tính Như Lai nhờ đó hiển hiện, mau được trăm ngàn kho tàng pháp báu. Thế Tôn đại bi mới nói lời này. Phải biết tướng trạng trình bày ở trước chính là Kinh Luật của Đức Phật thuyết. Kinh Luật của ma, người nào tin theo, phải biết người đó bị ma dạy dỗ. Người nào tin theo Kinh Luật Phật thuyết, phải biết người đó chính là Bồ Tát.

Lại nữa, nếu ai bảo rằng: Chẳng có bốn pháp tội đọa, mười ba tăng tàn, ba mươi pháp xả, chín mốt pháp đọa, nhiều pháp chúng học, bốn pháp hối lỗi, hai pháp bất định, bảy pháp diệt tránh.

Không Việt Tỳ Ni, cũng chẳng tội nặng, không có ngũ nghịch, chẳng báng Kinh Pháp, chẳng có hạng người là nhất xiển đề, cũng chẳng có chuyện phạm các giới này sẽ bị quả báo đọa trong địa ngục. Tất cả Tỳ Kheo và những ngoại đạo đều được sinh Thiên, nhưng Phật Thế Tôn để hù dọa người nên thuyết giới luật.

Nếu muốn mặc tình hưởng thụ khoái lạc ở cuộc đời thì hãy bỏ pháp phục, trở lại thế tục thụ hưởng năm dục, chừng nào thấy chán năm món dục rồi, trở lại tu thiện, ăn năn sám hối. Thời Phật tại thế cũng có Tỳ Kheo thụ hưởng năm dục được sinh Cõi Trời, cũng được giải thoát. Xưa nay đều có những chuyện như vậy, chẳng phải riêng ta tự tạo dựng nên.

Phạm bốn tội đọa, cho đến năm giới, cùng với tất cả luật nghi bất tịnh, nhận vật phi pháp… đều được giải thoát. Nếu ai nói rằng, tội Việt Tỳ Ni đọa trong địa ngục chịu khổ lâu dài, thời gian bằng tám vạn bốn ngàn năm của Trời Đao Lợi, còn các tội khác phần nào chuyển thành quả báo nặng hơn.

Đây là những lời của các Luật Sư giả danh Phật Giáo, vọng nói hư ngụy, chẳng nên tin tưởng. Những điều trên đó, phải biết chính là Kinh Luật của ma. Tội Việt Tỳ Ni rất là vi tế.

Nếu Tỳ Kheo nào phạm mỗi mỗi điều luật nghi vi tế, biết mình phạm tội mà cố che giấu, như rùa giữ kỹ sáu chi của mình, với bọn người này phải nên xa lìa, đừng nên gần gũi, như ta nói kệ:

Nếu người phạm tội nhỏ

Nói dối bằng im lặng

Không kể trong đời sau

Việc ác nào cũng làm.

Đây là những điều nhỏ nhặt vi tế, đều do Như Lai quyết định giáo giới, huống phạm tội nặng?!

Giới luật không kể là lớn hay nhỏ đều phải giữ vững, vì là Phật tính.

Nếu ai bảo rằng: Chín Bộ Kinh Điển không nói chúng sinh đều có Phật tính. Kinh Điển Phương Đẳng cũng thuyết vô ngã chính là bài báng chín bộ Khế Kinh.

Tại sao lại không khơi mở cái thấy ở nơi chúng sinh?

Trong chín Bộ Kinh chưa từng nghe nói tất cả chúng sinh đều có Phật tính.

Ta làm sao tin?

Hoặc là tự xưng nói pháp hơn người. Phải biết những lời bọn họ vừa nói, như bảo biển cả chẳng có của báu. Người kia tuy có học chín Bộ Kinh, nhưng mà yếu tạng của Kinh Phương Đẳng, biển pháp đại thừa, vô lượng pháp bảo chẳng phải là cảnh giới của người kia.

Đức Phật thuyết pháp đâu vì tất cả Thanh Văn, Duyên Giác, cảnh giới đại thừa không phải của họ. Thấy được nhân duyên, dấu hiệu Phật thuyết, lại cũng biết được tất cả chúng sinh đều có Phật tính, không hoại các tướng ngô ngã, thọ mạng, tâm giữ trung đạo, nói trong thân ta đều có Phật tính, ta sẽ thành Phật, ta nay phải đoạn tất cả phiền não. Ai nói như vậy, thì bản thân họ chính là Thanh Văn, nếu ai nói khác gọi là tự xưng được pháp hơn người.

Nếu ai bảo rằng: Ta đã thành Phật, ta đã thấy pháp, trụ ở Phật Địa, chính là tự xưng được pháp hơn người. Ai không nói vậy thì không bao lâu họ sẽ thành Phật. Pháp Phật thâm sâu quyết định như vậy.

Trong những Tỳ Kheo tự cho rằng mình được pháp hơn người vì cầu lợi dưỡng, dua nịnh tiến thân, giả đi khất thực, ngu si phạm giới, chưa chứng đạo quả mà nói với người là mình đã chứng, để mọi người biết nhằm được cung kính, hưởng sự cúng dường, tăng thêm tham muốn, chờ đợi cúng dường, không tu niệm pháp, nhưng giả uy nghi làm vui lòng người. Ta nói bọn này là kẻ tự xưng được pháp hơn người.

Lại có Tỳ Kheo vì để hộ trì chánh pháp nên giả tham cầu lợi dưỡng, ưa muốn nổi danh, suy nghĩ như vậy: Phải khiến tất cả mọi người được biết, khen ngợi lành thay, cung kính, thừa sự. Ta sẽ nhân đó, hàng phục ngoại đạo và bọn phạm giới, quang rạng oai đức Trời người tôn kính của Đức Như Lai, rộng tuyên Kinh Điển Phương Đẳng Đại Thừa Đại Bát Nê Hoàn, khai đạo chúng sinh khéo hiểu Kinh Luật và luật liên hệ của Như Lai thuyết.

Nuôi lớn hạt giống Như Lai tự thân, khiến cho Phật tính nhanh chóng hiển bày, vô lượng kết hoạn đồng thời trừ diệt, bảo các chúng sinh: Mọi người đều có khả tính thành Phật, cho nên hãy gắng diệt sạch phiền não. Vì tâm hộ pháp mà nói như vậy, ta bảo người này là hàng Bồ Tát, chỉ vì hộ pháp nên chẳng có tội nói pháp hơn người.

Tội Việt Tỳ Ni còn bị đọa địa ngục chịu khổ với thời gian bằng tám vạn bốn ngàn năm của Trời Đao Lợi, huống là tội nặng?

Trong pháp đại thừa người phạm tội nặng đều bị trục xuất. Có tâm chiếm giữ là phạm tội nặng. Như người giữ Tháp mà chiếm một vật nhỏ bằng hạt cải, lấy một quyển Kinh mà không hỏi chủ, đều phạm tội nặng. Có lòng gian tà phá hoại Tháp Phật, cũng phạm tội nặng, tất phải trục xuất.

Nếu Vua, Đại Thần xây dựng Chùa, Tháp, cúng dường Xá Lợi, hoặc vì cung kính mời một Tỳ Kheo thay Vua sắp đặt, giữ gìn tiền bạc, nhưng Tỳ Kheo đó làm theo ý mình khiến chủ quở trách. Những Tỳ Kheo này cũng phải trục xuất. Những người bất nam và người nhị căn, đều phải trục xuất.

Bởi vì sao vậy?

Vì vượt năm giới. Thậm chí phải có từ tâm bố thí sự không sợ hãi cho cả con kiến, là pháp Sa Môn. Giả sử chỉ nghe mùi rượu đã phải nhanh chóng rời xa, là pháp Sa Môn. Pháp của Sa Môn thì ở trong mộng cũng không vọng ngữ.

Pháp của Sa Môn thì ở trong mộng cũng không ở chung chỗ có người nữ. Nếu ở trong mộng mà cùng ở chung, dù chưa phạm giới, như hương của hoa khiến người xao xuyến, tâm khởi buông lung.

Đều do ban ngày nhìn thấy cảnh vật, tâm liền sinh theo, nên tối nằm mộng, khi tỉnh mộng rồi ý niệm thêm loạn, như nghĩ đến ăn mới đi khất thực, làm sao khiến tâm phóng túng không sinh?

Ngay ở trong mộng, tâm niệm mới sinh phải mau trừ diệt. Những điều nêu trên phải biết đó là Kinh Luật của Phật. Nếu ai tin theo Kinh Luật của ma, phải biết người đó bị ma dạy dỗ. Còn ai tin theo Kinh Luật Phật thuyết, phải biết người đó chính là Bồ Tát.

Nếu ai bảo rằng: Như Lai cho phép những bậc Đại Nhân chỉ ngồi một chỗ, uy nghi đi đứng, không nói là pháp. Gieo đầu vào đá, tự uống thuốc độc, hoặc là nhịn ăn, sát hại sinh vật, trói buộc chúng sinh để nuôi thân thể, làm nghề mưu mẹo, luyện thuật bùa Chú khiến người mê loạn, hạng Chiên Đà La, bất nam, nhị căn, thân thể khuyết tật… đều được xuất gia, vì thương chúng sinh.

Vì lòng từ bi, nên những sữa, mật, lụa là, ngọc bội, thuộc da, lúa gạo… đều không nên dùng, những loài cỏ cây đều có mạng sống. Nê Hoàn diệt hẳn. Những lời như trên phải biết chính là Kinh Luật ma thuyết.

Trừ bốn uy nghi của bậc Đại Nhân, nếu ai bảo rằng ta cho phép được uống thứ thuốc độc, lao đầu vào lửa, nhịn ăn đến chết, gieo đầu vào đá, tàn sát chúng sinh, làm nghề mưu mẹo, luyện thuật bùa Chú khiến người mê loạn, những loại sữa, mật, lụa là, ngọc bội, lúa gạo nấu chín nghĩ đó là thịt.

Đối với hết thảy cỏ cây nghĩ rằng chúng có thọ mạng… ai nói như vậy ta không hài lòng. Người nói điều đó, phải biết họ là đệ tử ngoại đạo. Những ai hành trì theo lời ta dạy là đệ tử ta, không nói bốn đại là có mạng sống. Những điều như vậy phải biết chính là Kinh Luật Phật thuyết.

Những điều so sánh còn nhiều vô lượng. Những ai tin theo Kinh Luật ma thuyết, phải biết người đó bị ma dạy dỗ. Những ai tin theo Kinh Luật Phật thuyết, phải biết người đó chính là Bồ Tát.

Này thiện nam tử! Phải khéo phân biệt, tướng trạng sai khác giữa Kinh Phật thuyết, với Kinh ma thuyết, như vừa trình bày.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Hay thay, Thế Tôn! Hôm nay chúng con mới hiểu lời dạy của Đức Như Lai thật là thâm sâu.

Phật bảo Ca Diếp: Lành thay, lành thay!

Này thiện nam tử! Phải học như vậy mới là người có trí tuệ thông suốt.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần