Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Hai Mươi Mốt - Phẩm Tướng Không - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ BA
PHẨM HAI MƯƠI MỐT
PHẨM TƯỚNG KHÔNG
PHẦN BA
Thiện Hiện liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?
Phật Bảo: Thiện Hiện! Chân như của các pháp gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sao nói là chân như của các pháp là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Phật Bảo: Thiện Hiện!
Chân như của sắc uẩn cho đến thức uẩn là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của nhãn xứ cho đến ý xứ là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của sắc xứ cho đến pháp xứ là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của nhãn giới cho đến ý giới là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của sắc giới cho đến pháp giới là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của nhãn thức giới cho đến ý thức giới là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của nhãn xúc cho đến ý xúc là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của Địa giới cho đến thức giới là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của nhân duyên cho đến tăng thượng duyên là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của vô minh cho đến lão tử là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của Thánh Đế khổ, tập, diệt, đạo là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của tám giải thoát cho đến mười biến xứ là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của Tịnh Quán Địa cho đến Như Lai Địa là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của Cực Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của năm loại mắt, sáu phép thần thông là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả đó là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của quả Dự Lưu cho đến Ðộc Giác Bồ Đề là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chân như của sanh tử, Niết Bàn là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Thiện Hiện nên biết! Vì chân như của các pháp không tăng, không giảm nên quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật cũng không tăng, không giảm.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát không xa lìa bát nhã Ba la mật đa sâu xa thì luôn được an lạc, an trụ vào chân như của các pháp, và hoàn toàn không thấy pháp có tăng hay giảm. Do đó mà nghĩa của bất khả thuyết không tăng, không giảm.
Bố Thí Ba la mật đa nói rộng cho đến trí nhất thiết tướng cũng không tăng, không giảm. Vì nghĩa của bất khả thuyết vô sở hữu nên bố thí Ba la mật đa nói rộng cho đến trí nhất thiết tướng cũng vô sở hữu.
Này Thiện Hiện! Như vậy, các Đại Bồ Tát y vào không tăng, không giảm và vô sở hữu để làm phương tiện mà tu hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa. Nhờ đó mà làm nơi chứa nhóm các công đức để đạt đến quả vị viên mãn, chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát ấy do tâm ban đầu phát sanh để chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, hay do tâm sau phát sanh để chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?
Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát ấy nếu tâm ban đầu phát sanh để chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, vậy lúc ban đầu phát sanh thì tâm sau chưa phát sanh, nghĩa ấy không hòa hợp. Nếu tâm sau phát sanh để chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, vậy lúc tâm sau phát sanh thì tâm trước đã diệt, nghĩa không hòa hợp.
Như vậy, tâm và tâm sở pháp trước sau mà tấn thối, suy vi thì nghĩa không hòa hợp.
Như vậy làm sao có thể chứa nhóm được căn lành?
Nếu các căn lành không được chứa nhóm thì làm sao căn lành của Bồ Tát viên mãn để chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ta sẽ lược nói ví dụ với nghĩa đó để ông dễ hiểu. Những ai có trí, nghe ý nghĩa trong ví dụ đó liền được giác ngộ.
Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Khi đốt đèn, ngọn lửa lúc đầu làm cháy tim hay ngọn lửa lúc sau làm cháy tim?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Theo ý con hiểu thì chẳng phải ngọn lửa ban đầu làm cháy tim, cũng không lìa ngọn lửa ban đầu mà làm cháy tim. Chẳng phải ngọn lửa sau cháy tim, cũng không lìa ngọn lửa sau mà cháy tim.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Tim đèm có cháy không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ở thế gian hiện tại thấy tim đèn ấy thật sự cháy.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề cũng như vậy. Chẳng phải do tâm ban đầu phát sanh mà có thể chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, và cũng không lìa tâm ban đầu.
Chẳng phải do tâm sau phát sanh mà có thể chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, và cũng không lìa tâm sau, mà các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu phải làm cho các căn lành phát triển mau viên mãn, để chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát từ khi mới phát tâm tu hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, cho đến tâm cuối cùng viên mãn Thập Địa thì chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Bấy giờ, Thiện Hiện liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát tu học viên mãn Thập Địa nào để chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?
Phật Bảo: Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát tu Cực Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa được viên mãn thì chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Cũng học Tịnh Quán Địa cho đến Như Lai Địa được viên mãn thì chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát siêng năng tinh tấn tu học mười Địa ấy để đạt đến quả vị viên mãn. Khi đắc Bồ Đề, chẳng phải tâm ban đầu phát sanh mà chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, cũng không lìa tâm ban đầu.
Chẳng phải tâm sau phát sanh mà chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, cũng không lìa tâm sau, mà các Đại Bồ Tát phải siêng năng tinh tấn tu học Thập Địa như vậy để đạt đến quả vị viên mãn, chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Ý nghĩa duyên khởi được Như Lai nói ra rất là vi diệu, rất là sâu xa, nghĩa là các Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, lấy vô sở đắc làm phương tiện để tu học Thập Địa. Khi đắc bồ đề, chẳng phải tâm ban đầu phát sanh mà chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, cũng không lìa tâm ban đầu.
Chẳng phải tâm sau phát sanh mà chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, cũng không lìa tâm sau, mà các Đại Bồ Tát từ khi mới phát tâm tu hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, đến tâm cuối cùng viên mãn Thập Địa thì chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Sau khi tâm diệt rồi thì có thể sanh lại nữa không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không! Tâm đó diệt rồi thì không thể sanh lại được.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Tâm đã sanh có pháp để diệt không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu tâm đã sanh nhất định có pháp diệt.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Có pháp diệt thì tâm chẳng phải diệt phải không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không! Nếu có pháp diệt thì tâm nhất định phải diệt.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Tâm trụ có giống chân như của tâm không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Chân như của tâm cũng giống như sự trụ của tâm.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Nếu sự trụ của tâm giống như chân như thì tâm ấy là như.
Tánh thật tế của chân như thường trụ, phải không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không!
Tâm ấy chẳng phải thật tế chân như. Tánh của nó là thường trụ.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Chân như của các pháp có sâu xa không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chân như của các pháp rất là sâu xa.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Chân như có phải là tâm không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không!
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Lìa chân như có tâm không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không!
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Tâm ấy là chân như phải không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không!
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Lìa tâm có chân như không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không!
Phật Bảo: Thiện Hiện!Ý ông thế nào?
Chân như có thể thấy chân như không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không!
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Nếu Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì đó có phải là hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Nếu Đại Bồ Tát có thể hành như vậy thì đó là hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Nếu Đại Bồ Tát có thể hành như vậy là hành chỗ nào?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát hành như vậy, hoàn toàn không có chỗ hành.
Vì sao?
Vì Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, trụ trong chân như, không có tâm hiện hành, không có chỗ hiện hành.
Vì sao?
Vì nếu Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, trụ trong chân như đều không hiện hành, thời gian hiện hành, nơi chốn hiện hành.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Khi Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, hành vào đâu?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Khi Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu thì hành vào thắng nghĩa đế. Trong đây hai loại hiện hành đều không có.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Nếu khi Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, mặc dù không chấp thủ tướng nhưng có hành theo tướng không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không!
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Đại Bồ Tát ấy khi hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, hành trong thắng nghĩa đế có phá tướng không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Đại Bồ Tát ấy khi tu hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, hành trong thắng nghĩa đế có phá tướng tưởng không?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không!
Phật Bảo: Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy khi tu hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, vì sao không phá tướng, cũng không phá tướng tưởng?
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát ấy khi tu hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, không nghĩ như vậy: Ta sẽ phá tướng và tướng tưởng.
Cũng không nghĩ: Ta sẽ phá vô tướng và vô tướng tưởng.
Vì sao?
Vì đối với tất cả loại ấy đều không có phân biệt.
Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát ấy hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, mặc dầu có thể lìa các sự phân biệt như vậy nhưng chưa viên mãn mười lực Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, và mười tám Pháp Phật bất cộng v.v… vô lượng, vô biên thù thắng công đức, chưa đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát ấy thành tựu phương tiện thiện xảo tối thắng. Nhờ phương tiện thiện xảo tối thắng này mà đối với tất cả pháp, không giữ lấy, không phá hoại.
Vì sao?
Vì Đại Bồ Tát ấy hiểu rõ các pháp là tự tướng không.
Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát ấy trụ trong tự tướng không của các pháp là vì muốn thành thục các hữu tình nên thể nhập vào ba đẳng trì. Dùng phương tiện ba đẳng trì này mà thành thục các hữu tình.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói.
Thiện Hiện lại bạch Phật: Đại Bồ Tát ấy làm thế nào để thể nhập vào ba thứ đẳng trì này, dùng phương tiện thành thục các hữu tình?
Phật Bảo: Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy trụ vào không đẳng trì, thấy các hữu tình do hư vọng phân biệt ngã và ngã sở, rồi dùng sức phương tiện chỉ dạy họ trụ vào không Tam Ma Địa. Đại Bồ Tát ấy trụ vào Vô tướng đẳng trì, thấy các hữu tình do hư vọng phân biệt tướng của các pháp, nên dùng sức phương tiện chỉ dạy họ an trụ vào Vô tướng Tam Ma Địa.
Đại Bồ Tát ấy trụ vào Vô nguyện đẳng trì, thấy các hữu tình do hư vọng phân biệt nhiều ham muốn về những an vui, nên dùng phương tiện chỉ dạy họ an trụ vào Vô nguyện Tam Ma Địa.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, dùng phương tiện thiện xảo thể nhập vào ba đẳng trì, để thành thục các loài hữu tình tùy theo sở thích của họ mà được lợi ích lớn.
Bấy giờ, Xá Lợi Tử hỏi cụ thọ Thiện Hiện: Nếu Đại Bồ Tát ở trong mộng mà thể nhập vào ba loại đẳng trì này thì đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa có tăng trưởng ích lợi không?
Thiện Hiện đáp: Đại Bồ Tát khi thức, thể nhập vào ba đẳng trì này thì đối với bát nhã Ba la mật đa thâm sâu có tăng trưởng ích lợi. Vậy thì nhập trong mộng kia cũng có tăng trưởng ích lợi.
Vì sao?
Vì trong lúc thức và mộng đều không khác nhau.
Xá Lợi Tử! Nếu Đại Bồ Tát khi thức tu hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, thì gọi là tu tập bát nhã Ba la mật đa thâm sâu. Nếu Đại Bồ Tát ấy trong mộng mà tu hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu cũng gọi là tu tập bát nhã Ba la mật đa thâm sâu. Đối với bát nhã Ba la mật đa thâm sâu thì ba đẳng trì này có thể làm tăng trưởng lợi ích tương ưng như vậy.
Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện: Trong mộng, các Đại Bồ Tát tạo nghiệp có tăng trưởng ích lợi hay tổn giảm không?
Phật Bảo: Các pháp được tạo ra là do hư vọng, nó không thật, là như mộng, thì nghiệp kia làm sao có thể tăng trưởng ích lợi hay tổn giảm?
Vì sao?
Vì các nghiệp trong mộng tạo ra chẳng có tăng trưởng ích lợi, chủ yếu khi thức nhớ tưởng lại, phân biệt những gì đã tạo ra trong mộng, lúc đó mới có tăng trưởng ích lợi hay tổn giảm?
Thiện Hiện hỏi Xá Lợi Tử: Có những người lúc thức giết người rồi, sau đó ở trong mộng nhớ tưởng lại, phân biệt tự mình thấy thích thú. Hoặc có người nằm mộng, thấy giết người rồi, khi thức sanh lòng vui sướng.
Với hai nghiệp này, ý ông thế nào?
Xá Lợi Tử hỏi lại Thiện Hiện: Nếu không có duyên sự thì cả tư và nghiệp đều không phát sanh. Chủ yếu có sở duyên thì tư, nghiệp mới phát sanh.
Trong mộng duyên vào đâu để sanh tư và nghiệp?
Thiện Hiện đáp: Đúng vậy! Đúng vậy! Nếu trong mộng hoặc lúc thức không có duyên sự thì tư và nghiệp không sanh. Chủ yếu có duyên sự thì tư nghiệp mới phát sanh.
Vì sao?
Này Xá Lợi Tử! Ở trong sự thấy nghe hay biết các pháp, cần phải có giác tuệ chuyển biến. Do đây mà có nhiễm hay có tịnh. Nếu không thấy nghe hay biết các pháp, không có giác tuệ chuyển biến thì cũng không có nhiễm tịnh. Do đó nếu trong mộng hay thức có duyên sự thì tư nghiệp mới phát sanh, còn không có duyên sự thì tư nghiệp không phát sanh.
Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện: Đức Phật nói tư nghiệp đều lìa tự tánh.
Vậy sao nói tư và nghiệp có duyên mới sanh, còn không thì không sanh?
Thiện Hiện đáp: Mặc dù tự tánh của tư nghiệp và sở duyên đều là không, nhưng do tâm chấp lấy tướng mà phân biệt, nên nói tư nghiệp có sở duyên mới sanh, còn nếu không có sở duyên thì tư nghiệp không sanh.
Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện: Nếu Đại Bồ Tát ở trong mộng mà tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã, đem những căn lành này bình đẳng cho các hữu tình, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thì Đại Bồ Tát ấy có thật hồi hướng đại bồ đề không?
Thiện Hiện đáp: Bồ Tát Từ Thị đã từ lâu được thọ ký đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề bất thối chuyển. Còn một đời nữa nhất định thành Phật, có thể trả lời vấn nạn một cách thông suốt, hiện đang ở trong hội này. Hãy thỉnh Ngài để hỏi, Bổ Xứ Từ Tôn nhất định sẽ trả lời.
Theo lời Thiện Hiện nói, Xá Lợi Tử cung kính thỉnh hỏi Bồ Tát Từ Thị.
Bồ Tát Từ Thị hỏi lại Xá Lợi Tử: Những gì gọi là Từ Thị mà có thể trả lời?
Là sắc uẩn?
Là thọ, tưởng, hành, thức uẩn?
Là không của sắc uẩn?
Là không của thọ, tưởng, hành, thức uẩn?
Là chân như của sắc uẩn?
Là chân như của thọ, tưởng, hành, thức uẩn?
Vả lại, sắc uẩn không thể trả lời. Thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng không thể trả lời. Không của sắc uẩn không thể trả lời. Không của thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng không thể trả lời. Chân như của sắc uẩn không thể trả lời. Chân như của thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng không thể trả lời.
Vì sao?
Vì tôi hoàn toàn không thấy có pháp để trả lời, pháp được trả lời, nơi chốn trả lời, thời gian trả lời, và theo đó trả lời cũng đều không thấy. Tôi hoàn toàn không thấy có pháp để ghi nhận, pháp được ghi nhận, nơi chốn ghi nhận, thời gian ghi nhận và theo đó ghi nhận cũng đều không thấy.
Vì sao?
Này Xá Lợi Tử! Do bản tánh của tất cả pháp là không, hoàn toàn không có sở hữu, không hai, không khác, nên thành tựu hay hư hoại đều bất khả đắc.
Bấy giờ, Xá Lợi Tử lại hỏi Bồ Tát Từ Thị: Pháp mà Ngài nói là theo sở chứng phải không?
Bồ Tát Từ Thị nói: Pháp của tôi nói, chẳng phải theo sở chứng.
Vì sao?
Vì các pháp của tôi chứng không thể nói ra.
Cụ thọ Thiện Hiện nói với Xá Lợi Tử: Giác tuệ của Đại Bồ Tát Từ Thị rất rộng sâu, đã tu tập thành tựu viên mãn tất cả bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa lâu rồi, đã lấy vô sở đắc làm phương tiện, có thể trả lời tất cả vấn nạn.
Khi ấy, Phật dạy Xá Lợi Tử: Ý ông thế nào?
Ông nhờ pháp này mà thành A La Hán, được thấy pháp này là có thể nói hay sao?
Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không!
Phật Bảo: Xá Lợi Tử! Các Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, tánh của các pháp được chứng cũng như vậy, không thể giảng nói.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát ấy không nghĩ: Ta nhờ pháp này mà đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật đã được thọ ký, đang được thọ ký và sẽ được thọ ký.
Không nghĩ: Nhờ pháp này ta gần chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát ấy tu hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa không sanh nghi ngờ: Ta đắc hay không đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Chỉ nghĩ như vậy: Ta nhất định phải đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát ấy tu hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, nghe pháp sâu xa không kinh khiếp, không khủng hoảng, không sợ sệt, không thối lui. Đối với đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề cũng không lo sợ, quyết định tự biết ta sẽ chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề theo sở cầu, chuyển diệu pháp luân, độ các loài hữu tình.
Bấy giờ, Phật Bảo cụ thọ Thiện Hiện: Có Đại Bồ Tát tu hành bố thí Ba la mật đa, thấy các hữu tình bị đói khát hành hạ, áo quần rách rưới, vật dụng nằm thiếu thốn, mong muốn của cải đều không như ý.
Thấy như vậy liền suy nghĩ: Ta phải làm thế nào để cứu giúp các loài hữu tình xa lìa xan tham, đầy đủ không thiếu thốn.
Sau khi suy nghĩ như vậy, liền phát nguyện: Ta phải siêng năng tinh tấn, không tham đắm vật gì cả, tu hành bố thí Ba la mật đa, thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, để mau viên mãn chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Trong Cõi Phật của ta không có các loài hữu tình bị thiếu thốn vật dụng như vậy mà tất cả đều giống như chúng Trời Lục Dục, hưởng thọ những vật ưa thích thượng hạng, nhưng ở trong đó không bị chấp trước.
Thiện Hiện nên biết! Nhờ bố thí Ba la mật đa này nên Đại Bồ Tát ấy mau được viên mãn, gần chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Có Đại Bồ Tát tu hành tịnh giới Ba la mật đa, thấy các hữu tình bị phiền não bừng cháy nên giết hại lẫn nhau, cho đến tà kiến. Do đó mà chết yểu, nhiều bệnh, dung nhan tiều tụy, không có oai đức, thiếu thốn của cải, sanh vào nhà hạ tiện, thân thể tàn tật, các việc nhơ bẩn v.v…
Thấy việc như vậy, Đại Bồ Tát suy nghĩ: Ta phải làm thế nào để cứu vớt các loài hữu tình này, mau xa lìa quả báo của các nghiệp ác.
Sau khi suy nghĩ như vậy, lại nguyện: Ta nên siêng năng tinh tấn, không tham luyến. Phải tu hành tịnh giới Ba la mật đa, thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, khiến mau viên mãn và mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Trong Cõi Phật của ta không có quả báo của các nghiệp ác như vậy. Tất cả hữu tình đều tu hành mười điều thiện, sống lâu và được các quả báo tốt đẹp.
Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát ấy nhờ Tịnh Giới Ba la mật đa này mà mau được viên mãn, gần chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có Đại Bồ Tát tu hành an nhẫn Ba la mật đa, thấy các hữu tình sân giận nhau, miệng phát ra những lời như gươm giáo, mắng chửi, mạ nhục nhau, dùng dao gậy v.v… tàn hại lẫn nhau, cho đến bỏ mạng mà tâm ác không xả.
Thấy việc này rồi, Đại Bồ Tát ấy suy nghĩ: Ta phải làm thế nào để cứu vớt các loài hữu tình này xa lìa những điều ác ấy.
Sau khi suy nghĩ rồi, lại nguyện: Ta phải tinh tấn siêng năng, không tham đắm. Phải tu hành an nhẫn Ba la mật đa, thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, khiến mau được viên mãn và mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Trong Cõi Phật của ta không có các loài hữu tình bị nghiệp ác phiền não. Tất cả hữu tình gần gũi, thân thiết nhau như cha mẹ, bạn thân, quyến thuộc, không chống trái nhau, đem lòng từ sống với nhau để làm lợi ích an lạc cho nhau.
Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát ấy nhờ an nhẫn Ba la mật đa này mà mau được viên mãn, gần chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có Đại Bồ Tát tu hành tinh tấn Ba la mật đa, thấy các hữu tình biếng nhác giải đãi, chẳng siêng năng tinh tấn, xả bỏ ba thừa, cũng không tu hành nghiệp thiện của Trời, Người.
Thấy vậy, Đại Bồ Tát ấy suy nghĩ: Ta phải làm thế nào để cứu vớt các loài hữu tình này xa lìa biếng nhác, giải đãi.
Sau khi suy nghĩ rồi, lại nguyện: Ta phải tinh tấn siêng năng, không tham đắm. Phải tu hành tinh tấn Ba la mật đa, thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, khiến mau được viên mãn và mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Trong Cõi Phật của ta không có các loài hữu tình biếng nhác, giải đãi, mà tất cả hữu tình Cõi của ta siêng năng dõng mãnh, siêng năng gieo nhân về cõi lành và ba thừa, sanh trong Cõi Trời, người mau chứng giải thoát.
Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát ấy nhờ tinh tấn Ba la mật đa này mà mau được viên mãn, gần chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có Đại Bồ Tát tu hành tịnh lự Ba la mật đa, thấy các hữu tình bị năm triền cái ngăn che nên xa lìa tịnh lự, vô lượng, Vô Sắc, lại tán loạn buông lung, không tu tập các việc thiện.
Thấy vậy, Đại Bồ Tát ấy suy nghĩ: Ta phải làm thế nào để cứu vớt các loài hữu tình này xa lìa các tán động của các triền cái.
Sau khi suy nghĩ rồi, lại nguyện: Ta phải tinh tấn siêng năng, không tham đắm. Phải tu hành tịnh lự Ba la mật đa, thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, khiến mau được viên mãn và mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Trong Cõi Phật của ta không có các loài hữu tình bị năm triền cái làm tán động như vậy, mà tất cả hữu tình được tự tại ra vào tịnh lự, vô lượng, Vô Sắc thắng định.
Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát ấy nhờ tịnh lự Ba la mật đa này mà mau được viên mãn, gần chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa, thấy các hữu tình ngu si ác tuệ, chánh kiến về thế gian và xuất thế gian đều bị mất, bác bỏ nói không có nghiệp thiện ác và quả báo của nghiệp, chấp đoạn, chấp thường, chấp một, chấp khác, các loại tà pháp tương ưng hoặc không tương ưng v.v…
Thấy vậy, Đại Bồ Tát ấy suy nghĩ: Ta phải làm thế nào để cứu vớt các loài hữu tình này, giúp họ xa lìa ác tuệ, tà kiến.
Sau khi suy nghĩ rồi, lại nguyện: Ta phải tinh tấn siêng năng, không tham đắm. Phải tu hành bát nhã Ba la mật đa, thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, khiến mau được viên mãn và mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Trong Cõi Phật của ta không có các loài hữu tình có ác hạnh, tà kiến mà tất cả hữu tình đều thành tựu chánh kiến, được trang nghiêm đầy đủ các diệu tuệ.
Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát ấy nhờ bát nhã Ba la mật đa này mà mau được viên mãn, gần chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có Đại Bồ Tát tu tập đầy đủ sáu pháp Ba la mật đa, thấy sự sai khác của ba nhóm hữu tình:
Một là nhóm chánh định.
Hai là nhóm tà định.
Ba là nhóm bất định.
Thấy vậy, Đại Bồ Tát ấy suy nghĩ: Ta phải làm thế nào để cứu vớt các loài hữu tình ra khỏi nhóm tà định và bất định.
Sau khi suy nghĩ rồi, lại nguyện: Ta phải tinh tấn siêng năng, không tham đắm. Phải tu hành sáu pháp Ba la mật đa, thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, mau được viên mãn, mau chứng đắc trí nhất thiết trí. Trong Cõi Phật của ta không có các loài hữu tình nhóm tà định và bất định, cũng không có nghe tên của hai nhóm ấy, mà tất cả hữu tình đều trụ vào nhóm chánh định.
Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát ấy nhờ sáu pháp Ba la mật đa này mà mau được viên mãn, gần chứng đắc trí nhất thiết trí.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có Đại Bồ Tát tu tập đầy đủ sáu pháp Ba la mật đa, thấy các hữu tình đọa ba đường ác, chịu đủ các khổ, đó là Địa ngục, bàng sanh và ngạ quỷ.
Thấy vậy, Đại Bồ Tát suy nghĩ: Ta phải làm thế nào để cứu vớt khiến họ vĩnh viễn đoạn trừ khổ trong ba đường ác.
Suy nghĩ như vậy rồi, liền nguyện: Ta sẽ tinh tấn siêng năng, không tham đắm. Phải tu hành sáu pháp Ba la mật đa, thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, mau được viên mãn, mau chứng đắc trí nhất thiết trí. Trong Cõi Phật của ta không có địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ, cũng không có tên của Cõi ác ấy. Tất cả hữu tình đều ở cảnh giới thiện.
Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát ấy nhờ sáu pháp Ba la mật đa này mà mau được viên mãn, gần chứng đắc trí nhất thiết trí.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Thập địa - Phẩm Một - Phẩm địa Cực Hỷ - Tập Một
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Mười Bảy - Vô Tận
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Năm Mươi Ba
Phật Thuyết Kinh Na Tiên đàm đạo - Phần Chín - Khoảnh Khắc Tái Sanh
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Tam Tụ
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Thập Vô