Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Hai Mươi Mốt - Phẩm Tướng Không - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ BA  

PHẨM HAI MƯƠI MỐT

PHẨM TƯỚNG KHÔNG  

PHẦN MỘT   

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát bất thối chuyển này thành tựu công đức hi hữu rộng lớn vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn.

Phật Bảo: Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát này đã đạt được trí thù thắng vô lượng, vô biên, không đồng hạng với Thanh Văn và Ðộc Giác. Trụ trong trí này sẽ phát khởi bốn sự hiểu biết thông suốt thù thắng. Do bốn sự hiểu biết thông suốt thù thắng này, Trời, Người, A tu la v.v… ở thế gian không thể vấn nạn, khiến cho trí tuệ biện tài của Đại Bồ Tát này đi đến chỗ bị cùng tận.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có thể trải qua hằng hà sa số kiếp để tuyên thuyết các hành động tướng trạng của Đại Bồ Tát bất thối chuyển mà Thế Tôn đã nói. Hoặc chỉ rõ các hành động tướng trạng của Đại Bồ Tát bất thối chuyển đã thành tựu công đức thù thắng vô thượng.

Cúi xin Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác nói lại nghĩa lý sâu xa, khiến cho các Đại Bồ Tát an trụ trong đó có thể hành bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa mau được viên mãn.

Có thể hành pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không mau được viên mãn.

Có thể hành chân như cho cảnh giới bất tư nghì mau được viên mãn.

Có thể hành Thánh Đế khổ, tập, diệt, đạo mau được viên mãn.

Có thể hành bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo mau được viên mãn.

Có thể hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc mau được viên mãn.

Có thể tu hành tám giải thoát cho đến mười biến xứ mau được viên mãn.

Có thể hành pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện mau được viên mãn.

Có thể hành các Bậc của Đại Bồ Tát mau được viên mãn.

Có thể hành tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa mau được viên mãn.

Có thể hành năm loại mắt, sáu phép thần thông mau được viên mãn.

Có thể hành mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng mau được viên mãn.

Có thể hành đại từ, đại bị đại hỷ, đại xả mau được viên mãn.

Có thể hành ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp mau được viên mãn.

Có thể hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả mau được viên mãn.

Có thể hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng mau được viên mãn.

Phật Bảo: Thiện Hiện! Lành thay! Lành thay! Nay ông mới có thể vì các chúng Đại Bồ Tát thỉnh hỏi Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác về nghĩa lý sâu xa, khiến cho các Bồ Tát an trụ trong đó tu hành các công đức mau được viên mãn.

Thiện Hiện nên biết! Nghĩa lý sâu xa ấy là không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vô sanh, vô diệt, lìa nhiễm, Niết Bàn, chân như, pháp giới, pháp tánh, thật tế. Tất cả những pháp ấy là nghĩa lý sâu xa.

Thiện Hiện nên biết! Tất cả những lời lẽ thù thắng mà Như Lai đã nói về nghĩa lý sâu xa này đều để chỉ rõ nghĩa của Niết Bàn là thậm thâm.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chỉ có nghĩa của Niết Bàn là thậm thâm hay các pháp khác cũng gọi là thậm thâm?

Phật Bảo: Thiện Hiện! Tất cả các pháp khác cũng gọi là thậm thâm. Đó là sắc uẩn cho đến thức uẩn cũng gọi là thậm thâm. Nhãn xứ cho đến ý xứ cũng gọi là thậm thâm.

Sắc xứ cho đến pháp xứ cũng gọi là thậm thâm. Nhãn giới cho đến ý giới cũng gọi là thậm thâm. Sắc giới cho đến pháp giới cũng gọi là thậm thâm.

Nhãn thức giới cho đến ý thức giới cũng gọi là thậm thâm. Nhãn xúc cho đến ý xúc cũng gọi là thậm thâm. Các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra cũng gọi là thậm thâm.

Ðịa giới cho đến thức giới cũng gọi là thậm thâm. Nhân duyên cho đến tăng thượng duyên cũng gọi là thậm thâm. Vô minh cho đến lão tử cũng gọi là thậm thâm. Bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa cũng gọi là thậm thâm.

Pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không cũng gọi là thậm thâm. Chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì cũng gọi là thậm thâm. Thánh Đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo cũng gọi là thậm thâm.

bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo cũng gọi là thậm thâm. Bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định Vô Sắc cũng gọi là thậm thâm. Tám giải thoát cho đến mười biến xứ cũng gọi là thậm thâm.

Pháp Môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện cũng gọi là thậm thâm. Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa cũng gọi là thậm thâm. Cực Hỷ địa cho đến Pháp Vân địa cũng gọi là thậm thâm. pháp môn Ðà la ni, pháp môn Tam Ma Địa cũng gọi là thậm thâm. Năm loại mắt, sáu phép Thần Thông cũng gọi là thậm thâm.

Mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng cũng gọi là thậm thâm. Ðại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả cũng gọi là thậm thâm. Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp cũng gọi là thậm thâm.

Pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả cũng gọi là thậm thâm. Trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng gọi là thậm thâm. Quả Dự Lưu cho đến Ðộc Giác Bồ Đề cũng gọi là thậm thâm. Tất cả hạnh Đại Bồ Tát, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật cũng gọi là thậm thâm.

Bấy giờ, Thiện Hiện lại bạch Phật: Vì sao sắc uẩn cũng gọi là thậm thâm?

Vì sao thọ, tưởng, hành, thức cũng gọi là thậm thâm?

Nói rộng cho đến vì sao tất cả hạnh Đại Bồ Tát cũng gọi là thậm thâm?

Vì sao quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật cũng gọi là thậm thâm?

Phật Bảo: Thiện Hiện! Vì chân như sắc uẩn rất thậm thâm nên sắc uẩn cũng gọi là thậm thâm. Chân như thọ, tưởng, hành, thức uẩn rất thậm thâm nên thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng gọi là thậm thâm.

Nói rộng cho đến chân như tất cả hạnh Đại Bồ Tát rất thậm thâm nên tất cả hạnh Đại Bồ Tát cũng gọi là thậm thâm. Chân như quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật rất thậm thâm nên quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật cũng gọi là thậm thâm.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Vì sao chân như sắc uẩn thậm thâm?

Vì sao chân như thọ, tưởng, hành, thức uẩn thậm thâm?

Nói rộng cho đến vì sao chân như tất cả hạnh Đại Bồ Tát thậm thâm?

Vì sao chân như quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật thậm thâm?

Phật Bảo: Thiện Hiện! Chân như sắc uẩn chẳng phải sắc uẩn. Chẳng phải lìa sắc uẩn nên thậm thâm.

Chân như thọ, tưởng, hành, thức uẩn chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức uẩn. Chẳng phải lìa thọ, tưởng, hành, thức uẩn nên thậm thâm.

Nói rộng cho đến chân như tất cả hạnh Đại Bồ Tát chẳng phải tất cả hạnh Đại Bồ Tát. Chẳng phải lìa tất cả hạnh Đại Bồ Tát nên thậm thâm.

Chân như quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật chẳng phải quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật. Chẳng phải lìa quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật nên thậm thâm.

Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật kỳ lạ! Phương tiện nhiệm mầu vì Đại Bồ Tát bất thối chuyển đem ví dụ khác về sắc uẩn để hiển bày Niết Bàn. Đem ví dụ khác về thọ, tưởng, hành, thức uẩn để hiển bày Niết Bàn.

Nói rộng cho đến đem ví dụ khác về tất cả hạnh Đại Bồ Tát để hiển bày Niết Bàn. Đem ví dụ khác về quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật để hiển bày Niết Bàn.

Bạch Thế Tôn! Thật kỳ lạ! Phương tiện nhiệm mầu vì Đại Bồ Tát bất thối chuyển đem ví dụ khác về tất cả pháp thế gian, hoặc pháp xuất thế gian, hoặc cộng pháp, hoặc bất cộng pháp, hoặc pháp hữu lậu, hoặc pháp vô lậu, hoặc pháp hữu tránh, hoặc pháp vô tránh, hoặc pháp hữu tội, hoặc pháp vô tội, hoặc pháp hữu vi, hoặc pháp vô vi để hiển bày Niết Bàn.

Phật Bảo: Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói.

Bạch Thế Tôn! Thật kỳ lạ! Với phương tiện nhiệm mầu vì Đại Bồ Tát bất thối chuyển mà Ngài đem ví dụ khác về sắc uẩn để hiển bày Niết Bàn. Đem ví dụ khác về thọ, tưởng, hành, thức uẩn để hiển bày Niết Bàn. Nói rộng cho đến đem ví dụ khác về tất cả hạnh Đại Bồ Tát để hiển bày Niết Bàn. Đem ví dụ khác về quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật để hiển bày Niết Bàn.

Bạch Thế Tôn! Thật kỳ lạ! Với phương tiện nhiệm mầu vì Đại Bồ Tát bất thối chuyển, Ngài đã đem ví dụ khác về tất cả pháp thế gian, hoặc pháp xuất thế gian, hoặc pháp cộng, hoặc pháp bất cộng, hoặc pháp hữu lậu, hoặc pháp vô lậu, hoặc pháp hữu tránh, hoặc pháp vô tránh, hoặc pháp có hữu tội, hoặc pháp vô tội, hoặc pháp hữu vi, hoặc pháp vô vi để hiển bày Niết Bàn.

Thiện Hiện! Đối với nghĩa lý thâm sâu này, các Đại Bồ Tát nên dựa vào nghĩa lý tương ưng với bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, suy nghĩ thật kỹ, so lường quán sát, nên nghĩ thế này: Ta nay phải trụ như bát nhã Ba la mật đa thâm sâu đã dạy. Nay ta phải học như bát nhã Ba la mật đa thâm sâu đã nói.

Thiện Hiện nên biết!  Đối với nghĩa lý thậm thâm như thế, Đại Bồ Tát có thể dựa vào nghĩa lý tương ưng với bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, suy nghĩ thật kỹ, quán sát so lường, như bát nhã Ba la mật đa thâm sâu đã dạy mà trụ, như bát nhã Ba la mật đa thâm sâu đã nói mà học.

Đại Bồ Tát này do siêng năng tu học như vậy, do dựa vào bát nhã Ba la mật đa thâm sâu chỉ khởi lên một tâm niệm mà còn có thể lãnh thọ vô số, vô lượng, vô biên căn lành, vượt qua sanh tử luân hồi trong vô lượng kiếp, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, huống chi thường tu bát nhã Ba la mật đa không gián đoạn, thường trụ tác ý tương ưng bồ đề.

Giống như người đam mê dục lạc cùng với thiếu nữ xinh đẹp yêu nhau, cùng hẹn ước. Nhưng thiếu nữ ấy gặp trắc trở, không thể đến chỗ đã ước hẹn. Người này dục tâm hừng hẫy lan tràn.

Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Do đâu mà dục tâm người ấy lan tràn?

Bạch Thế Tôn! Do người nữ kia mà dục âm người này bừng cháy lan tràn, khởi lên ý nghĩ: Vì sao người ấy chẳng đến đây để cùng nhau vui chơi hưởng lạc.

Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Người ấy suốt ngày đêm đã khởi lên bao nhiêu dục niệm?

Bạch Thế Tôn! Suốt ngày đêm người này khởi lên rất nhiều dục niệm.

Phật Bảo: Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát dựa vào bát nhã Ba la mật đa thâm sâu khởi lên một niệm như bát nhã Ba la mật đa thâm sâu đã thuyết mà học, thì đã vượt qua số kiếp sanh tử lưu chuyển nhiều như số dục niệm của người đam mê dục lạc suốt cả ngày đêm.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát này nương theo nghĩa lý thâm sâu của bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, suy nghĩ tu học mà được giải thoát và có thể ngăn cản những lỗi lầm của quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Thế nên, Bồ Tát nương vào bát nhã Ba la mật đa thâm sâu tính tấn tu học, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào bát nhã Ba la mật đa thâm sâu đã thuyết trải qua một ngày đêm thì đạt được công đức. Nếu công đức này có hình tướng thì hằng hà sa số ba ngàn đại thiên Thế Giới Chư Phật cũng không thể dung chứa hết.

Giả sử có các công đức khác nhiều như cát Sông Hằng, đầy dẫy cả Thế Giới Phật ba ngàn đại thiên, đem so sánh với công đức này thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, cho đến không bằng một phần rất nhỏ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần