Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Bốn - Phẩm Hai Mươi Bảy - Phẩm Kiên Cố - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ BỐN
PHẨM HAI MƯƠI BẢY
PHẨM KIÊN CỐ
PHẦN MỘT
Lúc ấy, Ngài Xá Lợi Tử hỏi Ngài Thiện Hiện: Khi các Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa là hành pháp bền chắc hay hành pháp không bền chắc?
Thiện Hiện thưa: Khi các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa là hành pháp không bền chắc, không hành pháp bền chắc.
Vì sao?
Xá Lợi Tử! Vì bát nhã Ba la mật đa sâu xa và tất cả pháp hoàn toàn không có tánh bền chắc.
Vì sao?
Vì khi các Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa thì ngay nơi bát nhã Ba la mật đa sâu xa và tất cả pháp còn chẳng thấy có pháp không bền chắc có thể đắc, huống là thấy có pháp bền chắc có thể đắc.
Bấy giờ có vô lượng Thiên Tử Cõi Dục, Thiên Tử Cõi Sắc đồng nghĩ: Nếu các thiện nam tử Bồ Tát thừa v.v… có thể phát tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thì tuy thực hành nghĩa lý sâu xa của bát nhã Ba la mật đa nhưng thường không chứng đắc Niết Bàn, không rơi vào địa vị Thanh Văn, Độc Giác. Do nhân duyên này nên loài hữu tình này rất là hiếm có, thường làm được những việc khó làm, phải nên kính lễ.
Vì sao?
Vì các thiện nam tử Bồ Tát thừa v.v… này tuy hành tánh pháp nhưng ngay nơi đó không chứng đắc.
Khi ấy, Thiện Hiện biết tâm niệm các Thiên Tử nên bảo với họ: Các thiện nam tử Bồ Tát thừa v.v… này không chứng Niết Bàn, không rơi vào địa vị Thanh Văn, Độc Giác, cũng chưa phải là rất hiếm có, cũng chưa phải là khó.
Nếu Đại Bồ Tát nào biết tất cả pháp và các hữu tình hoàn toàn chẳng có, hoàn toàn bất khả đắc, mà vẫn phát tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, mặc áo giáp tinh tấn, thề độ vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, giúp vào cảnh giới Vô Dư bát Niết Bàn, thì các Đại Bồ Tát này mới thật là hiếm có, thường làm được việc khó làm.
Thiên Tử nên biết! Nếu Đại Bồ Tát nào tuy biết hữu tình hoàn toàn chẳng có, hoàn toàn bất khả đắc mà vẫn phát tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, mặc giáp tinh tấn vì muốn điều phục các loài hữu tình thì giống như có người muốn điều phục hư không.
Vì sao?
Này Thiên Tử! Vì hư không ly, nên biết tất cả hữu tình cũng ly. Hư không không, nên biết tất cả hữu tình cũng không. Hư không không chắc thật, nên biết tất cả hữu tình cũng không chắc thật. Hư không không sở hữu, nên biết tất cả hữu tình cũng không sở hữu. Do nhân duyên này, Đại Bồ Tát đó mới thật là hiếm có, thường làm được những việc khó làm.
Thiên Tử nên biết! Đại Bồ Tát này mặc giáp thệ nguyện vì muốn điều phục tất cả hữu tình, nhưng các hữu tình hoàn toàn chẳng có, hoàn toàn bất khả đắc, thì giống như có kẻ mặc áo giáp chiến đấu cùng hư không Thiên Tử nên biết!
Đại Bồ Tát này mặc giáp thệ nguyện vì muốn lợi ích tất cả hữu tình, nhưng các hữu tình và áo giáp đại nguyện hoàn toàn chẳng có, hoàn toàn bất khả đắc.
Vì sao?
Này các Thiên Tử! Vì hữu tình ly, nên áo giáp đại nguyện này phải biết cũng ly. Vì hữu tình không, nên áo giáp đại nguyện này phải biết cũng không. Hữu tình không bền chắc, nên áo giáp đại nguyện này phải biết cũng không bền chắc. Hữu tình không sở hữu, nên áo giáp đại nguyện này phải biết cũng không sở hữu.
Thiên Tử nên biết! Việc Đại Bồ Tát này điều phục lợi ích hữu tình cũng bất khả đắc.
Vì sao?
Này các Thiên Tử! Vì hữu tình ly, nên việc điều phục lợi ích này phải biết cũng ly. Hữu tình không, nên việc điều phục lợi ích này phải biết cũng không. Hữu tình không bền chắc, nên việc điều phục lợi ích này phải biết cũng không bền chắc. Hữu tình không sở hữu, nên việc điều phục lợi ích này phải biết cũng không sở hữu.
Thiên Tử nên biết! Các Đại Bồ Tát cũng không sở hữu.
Vì sao?
Này các Thiên Tử! Vì hữu tình ly, nên các Đại Bồ Tát phải biết cũng ly. Hữu tình không, nên các Đại Bồ Tát phải biết cũng không. Hữu tình không chắc thật, nên các Đại Bồ Tát phải biết cũng không chắc thật. Hữu tình không sở hữu, nên các Đại Bồ Tát phải biết cũng không sở hữu.
Thiên Tử nên biết! Nếu Đại Bồ Tát nào nghe như vậy không chìm đắm, cũng không lo buồn, hối hận, chẳng kinh, chẳng sợ, thì nên biết Đại Bồ Tát này là người thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa.
Vì sao?
Này Thiên Tử!
Vì hữu tình ly, nên phải biết sắc uẩn cũng ly. Hữu tình ly, nên phải biết thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết nhãn xứ cũng ly. Hữu tình ly, nên phải biết nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết sắc xứ cũng ly. Hữu tình ly, nên phải biết thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết nhãn giới cũng ly. Hữu tình ly, nên phải biết nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết sắc giới cũng ly. Hữu tình ly, nên phải biết thanh, hương, vị, xúc, pháp giới cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết nhãn thức giới cũng ly. Hữu tình ly, nên phải biết nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết nhãn xúc cũng ly. Hữu tình ly, nên phải biết nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cũng ly. Hữu tình ly, nên phải biết các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết địa giới cũng ly. Hữu tình ly, nên phải biết thủy, hỏa, phong, không, thức giới cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết nhân duyên cũng ly. Hữu tình ly, nên phải biết đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết vô minh cũng ly. Hữu tình ly, nên phải biết hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết Bố Thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết Thánh Đế khổ cho đến Thánh Đế đạo cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định Vô Sắc cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết tám giải thoát cho đến mười biến xứ cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết tịnh quán địa cho đến Như Lai Địa cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết Cực Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết năm loại mắt, sáu phép Thần Thông cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết mười lực của Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết Dự Lưu quả cho đến Độc Giác Bồ Đề cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết tất cả hạnh Đại Bồ Tát, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết trí nhất thiết trí cũng ly.
Hữu tình ly, nên phải biết tất cả pháp cũng ly.
Thiên Tử nên biết! Nếu Đại Bồ Tát nào khi nghe thuyết tất cả pháp đều ly, tâm vị đó chẳng kinh, chẳng sợ, chẳng khiếp, chẳng chìm, chẳng đắm… thì nên biết Đại Bồ Tát đó là người thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa.
Khi ấy, Thế Tôn bảo Thiện Hiện: Vì nhân duyên gì các Đại Bồ Tát khi nghe thuyết tất cả pháp đều ly, thì tâm vị đó không kinh, không sợ, không khiếp, không chìm, không đắm?
Cụ thọ Thiện Hiện bạch: Kính bạch Thế Tôn! Do tất cả pháp đều xa lìa nên các Đại Bồ Tát khi nghe thuyết tất cả pháp đều ly, tâm vị đó không kinh, không sợ, không khiếp, không chìm, không đắm.
Vì sao?
Vì các Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp hoặc sự sợ, đối tượng để sợ, hoặc nơi chốn sợ, thời gian sợ, người sợ v.v… những sợ này hoàn toàn không sở đắc, vì tất cả pháp không thể đắc vậy.
Kính bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát nào nghe thuyết việc như vậy, tâm không chìm đắm, cũng không kinh sợ, không lo buồn, không ăn năn, thì nên biết Đại Bồ Tát này là người thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa.
Vì sao?
Vì Đại Bồ Tát này thấy tất cả pháp đều bất khả đắc, chẳng thể trình bày là đối tượng đắm chìm, sự chìm, nơi chốn đắm chìm, thời gian đắm chìm, người đắm chìm v.v… do các sự đắm chìm v.v… này mà các Đại Bồ Tát nghe như vậy tâm không chìm đắm, cũng không sợ hãi, không lo buồn, không hối hận.
Kính bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát nào có thể thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa như vậy thì Chư Thiên, Ðế Thích, Ðại Phạm Thiên Vương, Chủ Thế Giới v.v… cùng nhau kính lễ, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi.
Phật Bảo Thiện Hiện: Nếu Đại Bồ Tát nào thường thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa như vậy thì chẳng những thường được Chư Thiên, Ðế Thích, Ðại Phạm Thiên Vương, Chủ Thế Giới v.v… cùng nhau kính lễ, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, mà Đại Bồ Tát này cũng được Trời Cực Quang Tịnh, hoặc Trời Biến Tịnh, Trời Quảng Quả, Trời Tịnh Cư và Trời, Rồng, A Tố Lạc v.v… khác cũng đều kính lễ, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi.
Đại Bồ Tát này thường thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa như vậy, cũng được tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các chúng Đại Bồ Tát ở vô lượng, vô số, vô biên Thế Giới trong mười phương thường hộ niệm.
Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát này thường thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa như vậy tức là làm cho tất cả công đức căn lành mau được viên mãn.
Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát nào thường thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thế, thì thường được Chư Phật và chư Bồ Tát cùng các Trời, Rồng, A Tố Lạc v.v… nhớ nghĩ, bảo vệ. Nên biết Đại Bồ Tát đó là người đi đúng chỗ Chư Phật đã đi, cũng tu hành đúng hạnh Phật đã tu hành, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát này đã được không thối lui quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, tất cả quân ma và các ngoại đạo, bạn bè xấu ác v.v… chẳng thể làm chướng ngại được.
Vì sao?
Vì Đại Bồ Tát này tâm của họ vững chắc hơn Kim cang. Giả sử các loài hữu tình trong Thế Giới tam thiên đại thiên đều biến thành ma, mỗi một ma này lại hóa ra chừng ấy ác ma. Các ác ma đó đều có vô lượng, vô số thần lực, các ác ma đó dùng hết thần lực của mình cũng chẳng thể làm chướng ngại được Đại Bồ Tát này thực hành được bát nhã Ba la mật đa sâu xa, hoặc thối lui quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Vì sao?
Vì Đại Bồ Tát này đã đắc phương tiện thiện xảo của bát nhã Ba la mật đa, biết tất cả pháp bất khả đắc vậy.
Lại nữa, Thiện Hiện! Để việc các loài hữu tình trong Thế Giới tam thiên đại thiên đều biến thành ma qua một bên. Giả sử tất cả hữu tình ở Thế Giới Chư Phật nhiều như cát sông Hằng trong mười phương đều biến thành ma. Các chúng ma này lại hóa thành chừng ấy ác ma, các ác ma này đều có vô lượng, vô số Thần lực.
Các ác ma này dùng hết Thần lực của mình cũng chẳng thể làm chướng ngại Đại Bồ Tát này thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, hay thối lui quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề được.
Vì sao?
Vì Đại Bồ Tát này đã đắc phương tiện thiện xảo của bát nhã Ba la mật đa, biết tất cả pháp bất khả đắc vậy.
Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát nào thành tựu được hai pháp thì tất cả ác ma chẳng thể làm chướng ngại, khiến không thể thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, hay thối lui quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Hai pháp đó là:
Một, chẳng bỏ tất cả hữu tình.
Hai, quán sát các pháp đều Không.
Lại nữa Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát nào thành tựu hai pháp, thì tất cả ác ma chẳng thể làm chướng ngại, khiến không thể thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, hay thối lui quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Hai pháp đó là:
Một, làm đúng tất cả như những gì đã nói.
Hai, thường được Chư Phật hộ niệm.
Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát nào thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa như vậy thì các Thiên Thần v.v… thường đến lễ kính, gần gũi, cúng dường, thưa hỏi khuyến khích.
Thưa thế này: Lành thay Ðại Sĩ! Ngài thường thực hành phương tiện thiện xảo của bát nhã Ba la mật đa sâu xa, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, có thể làm nơi nương tựa cho tất cả hữu tình không có nơi nương tựa.
Làm chỗ quay về nương tựa cho kẻ không có chỗ quay về nương tựa, làm người cứu hộ cho kẻ không có người cứu hộ, làm chỗ hướng đến cho kẻ không nơi hướng đến, làm nhà cửa cho kẻ không nhà cửa, làm hòn đảo cho kẻ không hòn đảo, làm ánh sáng cho kẻ mù tối, làm tai mắt cho kẻ điếc đui.
Vì sao?
Thiện nam tử! Vì nếu thường an trụ phương tiện thiện xảo của bát nhã Ba la mật đa sâu xa, thì sẽ mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, tất cả ác ma chẳng thể làm chướng ngại được.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba