Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Niệm Trụ đẳng - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ HAI
PHẨM MƯỜI BẢY
PHẨM NIỆM TRỤ ĐẲNG
PHẦN MỘT
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là bốn niệm trụ.
Thế nào là bốn?
Một là thân niệm trụ.
Hai là thọ niệm trụ.
Ba là tâm niệm trụ.
Bốn là pháp niệm trụ.
Thân niệm trụ nghĩa là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, tuy trụ ở nội thân quán theo thân, hoặc trụ ở ngoại thân quán theo thân, hoặc trụ ở nội ngoại thân quán theo thân nhưng vĩnh viễn không phát sanh tầm tư theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ái.
Thọ niệm trụ nghĩa là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, tuy trụ ở nội thọ quán theo thọ, hoặc trụ ở ngoại thọ quán theo thọ, hoặc trụ ở nội ngoại thọ quán theo thọ nhưng vĩnh viễn không phát sanh tầm tư theo thọ, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ái.
Tâm niệm trụ nghĩa là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, tuy trụ ở nội tâm quán theo tâm, hoặc trụ ở ngoại tâm quán theo tâm, hoặc trụ ở nội ngoại tâm quán theo tâm nhưng vĩnh viễn không phát sanh tầm tư theo tâm, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ái.
Pháp niệm trụ ấy là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, tuy trụ ở nội pháp quán theo pháp, hoặc trụ ở ngoại pháp quán theo pháp, hoặc trụ ở nội ngoại pháp quán theo pháp nhưng vĩnh viễn không phát sanh tầm tư theo pháp, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ái.
Thế nào là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, trụ ở nội thân quán theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu?
Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, quán sát kỹ thân mình khi đi biết đi, khi đứng biết đứng, khi ngồi biết ngồi, khi nằm biết nằm.
Oai nghi thân mình sai khác như vậy, như vậy, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu. Đó là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, trụ ở nội thân quán theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, quán sát kỹ thân mình chánh tri như thật đi lại, chánh tri như thật nhìn tới, nhìn lui, chánh tri như thật cúi xuống ngước lên, chánh tri như thật co duỗi, mặc Tăng già chi, đắp y cầm bát, hoặc ăn hoặc uống, nghỉ ngơi kinh hành, ngồi dậy, đón rước, thức ngủ nói năng im lặng, nhập xuất các định, đều chánh niệm tỉnh giác.
Đó là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, có trụ nội thân quán theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, quán sát kỹ thân mình, lúc thở vào biết thở vào, khi thở ra biết thở ra, khi thở hơi dài biết thở hơi dài, khi thở hơi ngắn biết thở hơi ngắn.
Như thợ quay bánh xe hoặc đệ tử người ấy, khi bánh xe quay nhiều biết bánh xe quay nhiều, khi bánh xe quay ít biết bánh xe quay ít. Đại Bồ Tát này cũng như vậy, biết rõ các hơi thở khi vào hoặc ra, dài ngắn khác nhau.
Đó là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, đem vô sở đắc làm phương tiện, trụ ở nội thân quán theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, quán sát kỹ thân mình, với các giới sai khác. Nghĩa là địa giới, thủy, hỏa, phong giới. Như người đồ tể khéo léo hoặc học trò người ấy giết chết bò rồi, lại dùng dao bén phân chia thân bò ra làm bốn phần, hoặc ngồi hoặc đứng quán biết như thật. Đại Bồ Tát này cũng như vậy, quán sát thân mình với bốn giới địa, thủy, hỏa, phong sai khác.
Đó là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, trụ ở nội thân quán theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, quán sát kỹ thân mình từ chân đến đầu có các thứ bất tịnh đầy nhẫy trong ấy, bên ngoài được lớp da mỏng bao bọc.
Gọi là thân này chỉ có các thứ: Tóc, lông, móng, răng, da dày, da mỏng, máu, thịt, gân, mạch, xương, tủy, tim, gan, phổi, thận, mật, lá lách, dạ dày, ruột già, ruột non, phẩn, nước tiểu, nước dãi, nước mắt, mồ hôi, đất bẩn, đàm, mủ, mỡ lá, óc, màng, ghèn, cứt ráy. Những thứ bất tịnh như thế đầy nhẫy trong thân.
Như trong kho của người nông phu hoặc các Trưởng Giả có chứa đầy các loại ngũ cốc như là: Nếp, mè, lúa, đậu, bắp v.v… có người mắt sáng mở kho đó ra xem có thể biết như thật trong đó chỉ có các loại ngũ cốc như: Nếp, mè, lúa v.v… Đại Bồ Tát này cũng như vậy, quán sát kỹ thân mình từ chân đến đầu đầy nhẫy bất tịnh không thể ưa thích.
Đó là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, trụ ở nội thân quán theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đến nơi vắng vẻ quán tử thi quăng bỏ đã qua một ngày, hoặc hai ngày cho đến bảy ngày, thi thể ấy sình trướng chuyển sang màu xanh bầm, hôi thối, da nứt, máu mủ chảy ra.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân ta có tánh như vậy, đủ pháp như vậy, chưa được giải thoát, cuối cùng cũng lại như thế. Đó là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, trụ ở nội thân quán theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đến nơi vắng vẻ quán tử thi quăng bỏ đã qua một ngày, hoặc hai ngày cho đến bảy ngày, bị các loài cầm thú: Diều hâu, quạ, chim khách, cú mèo, cọp, beo, chồn, sói, chó, dã can v.v… hoặc mổ, hoặc xé, làm cho xương thịt rơi rớt ngổn ngang, mà tranh giành ăn nuốt. Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân mình có tánh như vậy, đủ pháp như vậy, chưa được giải thoát, cuối cùng sẽ bị như thế.
Đó là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, trụ ở nội thân quán theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đến chỗ vắng vẻ quán sát tử thi bị cầm thú ăn rồi, nhơ nhớp bấy nát, máu mủ chảy lìa, có vô lượng loại trùng giòi sinh ra mùi hôi thối còn hơn chó chết.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân mình có tánh như vậy, đủ pháp như vậy, chưa được giải thoát, cuối cùng sẽ bị như thế. Đó là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, trụ ở nội thân quán theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đến chỗ vắng vẻ quán sát tử thi quăng bỏ bị trùng giòi ăn rồi, hết thịt lồi xương, đốt chân tay liền nhau nhờ gân, với máu thịt rã còn sót lại.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân ta có tánh như vậy, đủ pháp như vậy, chưa được giải thoát cuối cùng sẽ bị như thế. Đó là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, trụ ở nội thân quán theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đến nơi vắng vẻ quán sát tử thi quăng bỏ, đã thành xương trắng không còn máu thịt, chỉ còn gân liền nhau.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân ta có tánh như vậy, đủ pháp như vậy, chưa được giải thoát cuối cùng sẽ bị như thế. Đó là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, trụ ở nội thân quán theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đến nơi vắng vẻ quán sát tử thi quăng bỏ chỉ còn các xương, xương ấy trắng xám màu như ngọc kha, các gân nát bấy, các đốt chân tay rời ra.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân ta có tánh như vậy, đủ pháp như vậy, chưa được giải thoát cuối cùng sẽ bị như thế. Đó là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, trụ ở nội thân quán theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đến nơi vắng vẻ quán sát thây chết quăng bỏ, đã thành xương trắng, các đốt tay chân phân tán, rơi lạc phương khác.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân ta có tánh như vậy, đủ pháp như vậy, chưa được giải thoát cuối cùng sẽ bị như thế. Đó là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, trụ ở nội thân quán theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đến nơi vắng vẻ quán sát tử thi quăng bỏ, các xương rơi rã mỗi cái một nơi, xương chân một nơi, xương ống một nơi, xương đầu gối một nơi, xương đùi một nơi, xương vế một nơi, xương sườn một nơi, xương sống một nơi, xương ngực một nơi, xương vai một nơi, xương tay một nơi, xương ngón một nơi, xương cổ một nơi, xương cằm một nơi, xương má một nơi, xương đầu cũng ở nơi khác.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân ta có tánh như vậy, đủ pháp như vậy, chưa được giải thoát cuối cùng sẽ bị như thế. Đó là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, trụ ở nội thân quán theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đến nơi vắng vẻ quán sát tử thi quăng bỏ, xương cốt ngổn ngang, gió thổi nắng đốt, mưa chan sương phủ, trải qua nhiều năm, màu sắc như ngọc kha.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân ta có tánh như vậy, đủ pháp như vậy, chưa được giải thoát cuối cùng sẽ bị như thế. Đó là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, trụ ở nội thân quán theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đến nơi vắng vẻ quán sát tử thi quăng bỏ, xương còn lại tan lộn trên đất, trải qua hàng trăm năm, hoặc hàng ngàn năm, tướng trạng biến ra màu xanh, giống như lông chim bồ câu, hoặc mục nát như bụi, hòa chung với đất khó có thể phân biệt được.
Thấy việc này rồi, tự nghĩ thân ta có tánh như vậy, đủ pháp như vậy, chưa được giải thoát cuối cùng sẽ bị như thế. Đó là Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, trụ ở nội thân quán theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu.
Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, như trụ ở nội thân quán theo thân sai khác như vậy, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu. Trụ ở ngoại thân quán theo thân, trụ ở nội ngoại thân quán theo thân, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu tùy theo chỗ thích hợp cũng như vậy.
Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với trong và ngoài bao gồm thọ, tâm, pháp, khi trụ quán theo thọ, tâm, pháp, thắp sáng tinh tấn nỗ lực tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu. Tùy chỗ thích hợp đều nên giảng rộng.
Này Thiện Hiện! Như vậy, Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với trong và ngoài bao gồm thọ, tâm, pháp, khi trụ quán theo thân, thọ, tâm, pháp. Tuy quán như vậy nhưng vô sở đắc.
Này Thiện Hiện! Nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là bốn chánh đoạn.
Thế nào là bốn?
Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với các pháp ác bất thiện chưa sanh, vì muốn làm cho không sanh nên sanh tâm mong muốn cố gắng, phát sanh siêng năng giữ gìn, đó là thứ nhất.
Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với các pháp ác bất thiện đã sanh, vì muốn đoạn trừ hẳn nên sanh tâm mong muốn cố gắng siêng năng giữ gìn, đó là thứ hai.
Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, pháp thiện chưa sanh vì làm cho phát sanh, nên sanh tâm mong muốn cố gắng siêng năng giữ gìn, đó là thứ ba.
Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, pháp thiện đã sanh, vì làm cho an trụ không quên, càng tăng thêm làm cho viên mãn nên sanh tâm mong muốn cố gắng siêng năng giữ gìn, đó là thứ tư.
Này Thiện Hiện! Nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tam Muội Niệm Phật - Phẩm Mười Bốn - Bản Hạnh Của Các Bồ Tát
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bất Tịnh Quán
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Bảy Mươi Ba - Phật Thuyết Kinh Giết Rồng Cứu Cả Nước
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Bốn Mươi Chín