Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Thắng ý Lạc
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ NĂM
PHẨM HAI MƯƠI
PHẨM THẮNG Ý LẠC
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát với ý muốn thù thắng, cầu chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề thì thường nên gần gũi cung kính cúng dường, tôn trọng khen ngợi bạn lành chơn tịnh.
Bấy giờ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những ai là bạn lành chơn tịnh của Bồ Tát?
Phật Bảo Thiện Hiện: Chư Phật đều là bạn lành của Bồ Tát. Nếu người nào có thể tuyên thuyết bát nhã Ba la mật đa sâu xa, dạy bảo truyền trao cho các chúng Bồ Tát, làm cho ngộ nhập pháp môn sâu xa bát nhã Ba la mật đa, cũng được gọi là bạn lành của Bồ Tát. Bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, nên biết cũng là bạn lành của Bồ Tát.
Như vậy, sáu pháp Ba la mật đa là thầy, là Bậc dẫn đường, là ánh sáng, là bó đuốc, là sự rực rỡ, là sự sáng soi, là nhà cửa, là sự hộ trì, là chỗ quay về, là nơi hướng đến, là hòn đảo, là cồn bãi, là cha lành, là mẹ hiền của các Bồ Tát. Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều nương sáu pháp Ba la mật đa mà được thành tựu sự nghiệp công đức.
Vì sao?
Vì sáu pháp Ba la mật đa như thế có khả năng thu nhiếp, hộ trì khắp tất cả Phật Pháp.
Thế nên, này Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề thì nên học sáu pháp Ba la mật đa.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát muốn học sáu pháp Ba la mật đa thì nên chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, quán sát nghĩa lý, Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa, cầu xin xác quyết điều nghi ngờ.
Vì sao?
Vì Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa này có thể làm tôn chỉ, làm người dẫn đường, làm mẹ sinh đẻ nuôi dưỡng cho sáu pháp Ba la mật đa.
Thiện Hiện nên biết: Nếu các Bồ Tát muốn được hạnh không theo người khác chỉ dạy, muốn trụ Bậc không theo người khác chỉ dạy, muốn dứt nghi cho tất cả hữu tình, muốn mãn nguyện cho tất cả hữu tình, thì nên học bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thế.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật đa sâu xa lấy gì làm tướng?
Phật Bảo Thiện Hiện: Bát Nhã Ba la mật đa sâu xa lấy vô ngại làm tướng.
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có nhiều nhân duyên nên bát nhã Ba la mật đa sâu xa có tướng vô ngại.
Tất cả các pháp khác cũng có được chăng?
Phật Bảo Thiện Hiện: Có nhân duyên nên bát nhã Ba la mật đa sâu xa có tướng vô ngại, các pháp khác cũng có thể nói là có.
Vì sao?
Vì tất cả pháp đều như bát nhã Ba la mật đa sâu xa là không, viễn ly.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều là không, viễn ly, thì tại sao hữu tình có nhiễm, có tịnh?
Vì sao?
Vì chẳng phải pháp không, viễn ly có thể nói có nhiễm có tịnh, chẳng phải pháp không, viễn ly có thể chứng Bồ Đề, chẳng phải lìa pháp không, viễn ly, riêng có pháp có thể đắc.
Làm sao để con hiểu được nghĩa như thế?
Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?
Hữu tình thường có ngã v.v… và tâm chấp ngã v.v… không?
Thiện Hiện bạch: Bạch Thế Tôn! Đúng như thế.
Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?
Hữu tình do chấp ngã và ngã sở mà có không, viễn ly phải không?
Thiện Hiện bạch: Bạch Thế Tôn! Đúng như thế.
Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?
Hữu tình do chấp ngã, ngã sở nên lưu chuyển sanh tử phải không?
Thiện Hiện bạch: Bạch Thế Tôn! Đúng như thế.
Phật Bảo Thiện Hiện: Hữu tình lưu chuyển sanh tử như thế nên tạo ra có tạp nhiễm và thanh tịnh. Do các hữu tình chấp trước sai lầm về ngã và ngã sở nên nói có tạp nhiễm, nhưng ở trong đó chẳng có sự tạp nhiễm. Do các hữu tình không chấp trước về ngã và ngã sở một cách sai lầm nên nói có thanh tịnh, nhưng ở trong đó chẳng có sự thanh tịnh.
Thế nên, này Thiện Hiện!
Tuy tất cả pháp đều Không, viễn ly, nhưng các hữu tình cũng có thể tạo ra có nhiễm, có tịnh. Nếu các Bồ Tát luôn thực hành như thế thì gọi là hành bát nhã Ba la mật đa.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Hy hữu thay!
Bạch Thế Tôn! Tuy tất cả pháp đều không, viễn ly, nhưng các hữu tình có nhiễm, có tịnh. Nếu các Bồ Tát có thể hành như thế thì chẳng hành sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thế gian, Trời, Người, A Tố Lạc v.v… đều chẳng thể chế phục, hơn tất cả hạnh tu hành của Thanh Văn và Độc Giác, đạt đến chỗ không gì hơn.
Các Đại Bồ Tát này do tác ý tương ưng với bát nhã Ba la mật đa này, nên ngày đêm an trú phương tiện thiện xảo, hướng thẳng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Phật Bảo Thiện Hiện: Đúng như vậy! Đúng như vậy!
Lại nữa, Thiện Hiện! Ý ông thế nào?
Giả sử tất cả hữu tình trong Châu Thiệm Bộ này đồng một lúc đều được thân người, rồi đều phát tâm bồ đề, trọn đời bố thí. Lại đem việc bố thí này hồi hướng Bồ Đề.
Do nhân duyên này được phước nhiều chăng?
Thiện Hiện bạch: Rất nhiều!
Bạch Thế Tôn! Phật Bảo Thiện Hiện: Nếu có Bồ Tát dù chỉ một ngày an trụ tác ý tương ưng bát nhã Ba la mật đa, thì đạt được công đức nhiều hơn trước vô lượng, vô số.
Vì sao?
Vì Bồ Tát như thế, đúng như thật an trụ tác ý tương ưng bát nhã Ba la mật đa sâu xa, như thế thì có thể làm ruộng phước cho tất cả hữu tình. Do Bồ Tát này phát sanh tâm từ nên các loài hữu tình không ai bằng, chỉ trừ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.
Bồ Tát như thế đầy đủ trí tuệ thù thắng vi diệu. Do trí tuệ thù thắng vi diệu nên thấy các hữu tình chịu khổ não lớn như bị hình phạt chém giết, sanh lòng đại bi.
Lại dùng Thiên Nhãn thấy loài hữu tình lãnh thọ nghiệp vô gián, đọa chốn vô gián, chịu các khổ não, hoặc bị lưới tà kiến phủ che, chẳng thấy được đường chánh.
Thấy xong thương xót, càng sanh lòng nhàm chán, sợ hãi duyên khắp tất cả hữu tình ở thế gian, khởi tác ý tương ưng với đại từ bi: Ta phải làm Bậc thầy dẫn đường lớn để cho tất cả hữu tình thoát khỏi các khổ. Mặc dầu nghĩ như thế nhưng không an trú tưởng này, cũng chẳng an trú tưởng khác. Như thế gọi là Bồ Tát có ánh sáng trí tuệ lớn.
Do an trú trên sự an trú này nên có thể làm ruộng phước cho tất cả thế gian. Tuy chưa chứng đắc trí nhất thiết trí, nhưng đối với Bồ Đề không còn thối chuyển, có thể thọ nhận tất cả sự cúng dường của thí chủ. Bồ Tát như thế là an trú bát nhã Ba la mật đa, đã có thể đền ơn thí chủ một cách trọn vẹn, cũng gần gũi trí nhất thiết trí.
Thế nên, Bồ Tát muốn chẳng nhận lãnh sự cúng dường của tín thí thế gian một cách hư dối, muốn chỉ dạy con đường chơn tịnh cho hữu tình, muốn làm lợi ích lớn cho hữu tình, muốn làm ánh sáng lớn cho thế gian, muốn giải thoát cho hữu tình ra khỏi lao ngục sanh tử, muốn ban cho hữu tình Pháp Nhãn thanh tịnh.
Thì thường nên an trú tác ý tương ưng với bát nhã Ba la mật đa sâu xa. Do tác ý này nên nói ra điều gì cũng đều tương ưng với nghĩa thú của bát nhã Ba la mật đa. Các tác ý khác không bao giờ khởi lên.
Vì sao?
Vì Bồ Tát tác ý tương ưng bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thế, tiếp nối lưu chuyển. Ví như có người trước kia chưa từng có ngọc báu mạt ni, sau có được, hoan hỷ vui mừng, nhưng gặp duyên bị mất, lòng rất buồn khổ, luôn nhớ nghĩ than tiếc khôn nguôi, suy nghĩ nên tìm phương kế gì để được lại ngọc ấy.
Do đó người kia luôn nhớ nghĩ đến ngọc báu này không lúc nào quên. Bồ Tát cũng thế, thường an trú tác ý tương ưng bát nhã Ba la mật đa sâu xa. Nếu chẳng an trú tác ý như thế thì làm tiêu tan mất tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí.
Bấy giờ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp và các tác ý đều lìa tự tánh thì vì lẽ gì Bồ Tát chẳng lìa tác ý tương ưng trí nhất thiết trí của bát nhã?
Phật Bảo Thiện Hiện: Nếu các Bồ Tát biết tất cả pháp và các tác ý đều lìa tự tánh thì các Bồ Tát chẳng lìa trí nhất thiết trí của bát nhã Ba la mật đa.
Vì sao?
Vì trí nhất thiết trí của bát nhã sâu xa và các tác ý, tự tánh đều không, không tăng, không giảm.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu bát nhã Ba la mật đa sâu xa tự tánh thường là không, không tăng, không giảm thì làm sao Bồ Tát tăng trưởng bát nhã Ba la mật đa để có thể gần gũi Bồ Đề?
Phật Bảo Thiện Hiện: Nếu các Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, biết tất cả pháp không tăng, không giảm thì đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa cũng không tăng, không giảm.
Nếu các Bồ Tát có thể nghe biết tất cả pháp không tăng, không giảm như thế mà chẳng kinh chẳng sợ, cũng chẳng chìm đắm, thì các Bồ Tát này hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa đã đạt đến rốt ráo, an trụ địa vị Bồ Tát bất thối chuyển, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch: Bạch Thế Tôn! Có phải ngay nơi bát nhã Ba la mật đa mà có thể hành bát nhã Ba la mật đa chăng?
Này Thiện Hiện!Chẳng phải!
Bạch Thế Tôn! Có phải xa lìa bát nhã Ba la mật đa có pháp có thể đắc, có thể hành bát nhã Ba la mật đa chăng?
Này Thiện Hiện! Chẳng phải!
Bạch Thế Tôn! Có phải ngay nơi không của bát nhã Ba la mật đa có thể hành bát nhã Ba la mật đa chăng?
Này Thiện Hiện! Chẳng phải!
Bạch Thế Tôn! Có phải xa lìa không của bát nhã Ba la mật đa, có pháp có thể đắc, có thể hành bát nhã Ba la mật đa chăng?
Này Thiện Hiện! Chẳng phải!
Bạch Thế Tôn! Có phải ngay nơi không, có thể hành bát nhã Ba la mật đa chăng?
Này Thiện Hiện! Chẳng phải!
Bạch Thế Tôn! Có phải xa lìa Không, có pháp có thể đắc, có thể hành bát nhã Ba la mật đa chăng?
Này Thiện Hiện! Chẳng phải!
Bạch Thế Tôn! Có phải ngay nơi không mà có thể hành không chăng?
Này Thiện Hiện! Chẳng phải!
Bạch Thế Tôn! Có phải xa lìa không, có pháp có thể đắc, có thể hành không chăng?
Này Thiện Hiện! Chẳng phải!
Bạch Thế Tôn! Có phải ngay nơi bát nhã Ba la mật đa có thể hành không chăng?
Này Thiện Hiện! Chẳng phải!
Bạch Thế Tôn! Có phải xa lìa bát nhã Ba la mật đa có pháp có thể đắc, có thể hành không chăng?
Này Thiện Hiện! Chẳng phải!
Bạch Thế Tôn! Có phải ngay nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức v.v… có thể hành bát nhã Ba la mật đa và hành không chăng?
Này Thiện Hiện! Chẳng phải!
Bạch Thế Tôn! Có phải xa lìa sắc, thọ, tưởng, hành, thức v.v… có pháp có thể đắc, có thể hành bát nhã Ba la mật đa và hành không chăng?
Này Thiện Hiện! Chẳng phải!
Bạch Thế Tôn! Có phải ngay nơi không của sắc, thọ, tưởng, hành, thức v.v… có thể hành bát nhã Ba la mật đa và hành không chăng?
Này Thiện Hiện! Chẳng phải!
Bạch Thế Tôn! Có phải xa lìa không của sắc, thọ, tưởng, hành, thức v.v… có thể hành bát nhã Ba la mật đa và hành không chăng?
Này Thiện Hiện! Chẳng phải!
Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu như thế thì Bồ Tát dùng những pháp nào để có thể hành bát nhã Ba la mật đa và hành Không?
Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?
Ông thấy có pháp có thể hành bát nhã Ba la mật đa và hành không chăng?
Thiện Hiện bạch: Bạch Thế Tôn! Không!
Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?
Ông thấy có bát nhã Ba la mật đa và thấy có không là chỗ hành của các Bồ Tát chăng?
Thiện Hiện bạch: Bạch Thế Tôn! Không!
Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?
Pháp mà ông không thấy, pháp này có thể đắc được chăng?
Thiện Hiện bạch: Bạch Thế Tôn! Không!
Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?
Pháp chẳng thể đắc đó có sanh chăng?
Thiện Hiện bạch: Bạch Thế Tôn! Không!
Phật Bảo Thiện Hiện: Có thật tướng của pháp mà ông chẳng thấy, chẳng đắc, đó là vô sanh pháp nhẫn của Bồ Tát. Bồ Tát thành tựu nhẫn như thế thì được thọ ký quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, cũng gọi là đạo Vô sở úy của Như Lai. Nếu các Bồ Tát siêng năng hành đạo này mà chẳng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trí đại, trí diệu, trí tự nhiên, trí nhất thiết trí và trí Như Lai thì không có lẽ đó.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát vì các pháp vô sanh mà được thọ ký quả vị giác ngộ của Phật chăng?
Này Thiện Hiện! Chẳng phải vậy.
Bạch Thế Tôn! Nếu thế thì làm sao các Bồ Tát có thể được thọ ký quả vị giác ngộ của Phật?
Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?
Ông thấy có pháp để thọ ký quả vị giác ngộ của Phật chăng?
Thiện Hiện bạch: Bạch Thế Tôn! Không! Con chẳng thấy có pháp có thể được thọ ký quả vị giác ngộ của Phật, cũng chẳng thấy có người có thể chứng đắc quả vị giác ngộ của Phật, thời gian chứng, nơi chốn chứng và do đây chứng, hoặc có pháp được chứng cũng đều chẳng thấy.
Phật Bảo Thiện Hiện: Vì tất cả pháp bất khả đắc nên chẳng nên nghĩ: Đây là năng chứng, đây là sở chứng quả vị giác ngộ của Phật.
Khi ấy, Trời Ðế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật đa như thế rất là sâu xa, khó thấy, khó biết, rốt ráo xa lìa, chẳng phải với chút ít căn lành mà các loài hữu tình có thể đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thế biên chép, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng.
Bấy giờ Phật Bảo Trời Ðế Thích: Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ông nói.
Kiều Thi Ca! Giả sử tất cả hữu tình trong Châu Thiệm Bộ này đều thành tựu Mười Thiện Nghiệp Đạo, phước như thế so với phước đạt được của người có thể biên chép, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa thì trăm phần chẳng bằng một, ngàn phần chẳng bằng một, cho đến vô số cực phần cũng không bằng một.
Khi ấy có Bí Sô bảo với Trời Ðế Thích: Nếu có người biên chép, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng bát nhã Ba la mật đa thì đạt được công đức hơn Ngài?
Trời Ðế Thích thưa: Các loài hữu tình kia chỉ cần khi mới phát tâm đầu tiên, còn hơn tôi, huống là biên chép, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng pháp bát nhã Ba la mật đa.
Bí Sô nên biết! Loài hữu tình đó chính là Bồ Tát. Bồ Tát ấy đạt được lượng phước hơn khắp tất cả thế gian, Trời, Người, A Tố Lạc v.v… Lượng phước mà Bồ Tát ấy đã đạt được cũng hơn tất cả Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán, Độc Giác. Cũng hơn tất cả Bồ Tát xa lìa phương tiện thiện xảo của bát nhã Ba la mật đa mà tu hạnh bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Ba la mật đa và các công đức khác.
Bí Sô nên biết! Nếu các Bồ Tát đúng như lời dạy dùng phương tiện thiện xảo tu hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, thì các Bồ Tát này hơn khắp tất cả thế gian, Trời, Người, A Tố Lạc v.v… Thế gian, Trời, Người, A Tố Lạc v.v… đều nên cúng dường.
Vì sao?
Vì các Bồ Tát này có thể đúng theo như lời dạy mà tu hành rốt ráo bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Bồ Tát này có thể tiếp nối chủng tánh trí nhất thiết trí không mất, thường chẳng xa lìa Chư Phật Thế Tôn, thường không xa lìa tòa Bồ Đề vi diệu, thường có thể cứu vớt các loài hữu tình chìm đắm trong bùn sanh tử.
Các Bồ Tát này khi tu học như thế, thường học pháp cần nên học của Bồ Tát, chẳng học pháp nên học của Nhị Thừa.
Các Thiên Thần v.v… thường theo ủng hộ, bốn Ðại Thiên Vương đi đến chỗ của người đó cung kính, cúng dường, đồng thưa: Lành thay Ðại Sĩ! Nên siêng năng tinh tấn tu học pháp cần nên học của chúng Bồ Tát, sẽ mau được an tọa tòa Bồ Đề vi diệu, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Như Thiên Vương xưa kia dâng bốn bát, con cũng sẽ dâng.
Bí Sô nên biết! Đối với các Bồ Tát này, Thiên Ðế chúng con còn đi đến chỗ của vị ấy cung kính, cúng dường, huống là các Thiên Thần khác.
Bí Sô nên biết! Các Bồ Tát này khi học như thế, tất cả Như Lai và các Bồ Tát, Chư Thiên, Rồng v.v… thường theo hộ vệ. Do nhân duyên này, tất cả hiểm nạn nguy khốn ở thế gian làm cho thân tâm buồn khổ chẳng thể làm tổn hại, cũng chẳng có thể phát sanh các thứ bệnh.
Bí Sô nên biết! Các Bồ Tát này đạt được những lợi ích thù thắng hiện tại như thế, và công đức ở đời sau thì vô lượng vô biên.
Khi ấy, A Nan Đà thầm nghĩ: Thiên chủ Ðế Thích tự mình có biện tài khen ngợi công đức của Bồ Tát như thế, hay là nhờ oai thần của Như Lai gia bị?
Trời Ðế Thích nương oai thần của Phật, biết được ý nghĩ của A Nan Đà, nên bạch: Thưa Đại Đức! Chẳng phải biện luận tài của tôi mà nhờ oai thần của Như Lai gia bị.
Bấy giờ, Phật Bảo A Nan Đà: Đúng như vậy! Đúng như vậy! Hôm nay Trời Ðế Thích nương oai thần của Phật nên có thể nói như thế.
Khánh Hỷ nên biết! Nếu lúc Bồ Tát tư duy, tu học bát nhã Ba la mật đa sâu xa thì khi ấy tất cả ác ma ở Thế Giới tam thiên đại thiên đều sanh tâm nghi ngờ, sợ hãi nghĩ: Các Bồ Tát này đang ở giai đoạn chứng Niết Bàn, hay thối lui vào địa vị nhị thừa, hay là thẳng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, chuyển vận bánh xe diệu pháp, làm cảnh giới của ta trống không.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Bảy Mươi - Phẩm Bất Khả động - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Về Sứ Giả Của Cái Bụng
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Tám - Phẩm Bất Thoái Chuyển Luân
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Bảy - Phẩm Trường Thọ Vương - Kinh Bát Niệm
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Hai