Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Xuất Gia

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH XUẤT GIA  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật ở tại Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà trong thành Vương Xá.

Bấy giờ có xuất gia họ Bà Sa, đến chỗ Phật, cùng Thế Tôn thăm hỏi, khích kệ xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng: Thưa Cù Đàm, con có điều muốn hỏi, Ngài có rảnh thì giờ giải đáp cho không?

Bấy giờ Thế Tôn ngồi im lặng. Bà Sa xuất gia hỏi hai, ba lần, Phật cũng hai, ba lần ngồi im lặng.

Lúc này, Bà Sa xuất gia bạch Phật: Con cùng Cù Đàm cả hai tùy thuận nhau.

Hôm nay có điều muốn hỏi vì sao Ngài lại im lặng?

Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: Bà Sa xuất gia này lúc nào cũng chất trực, không dối trá. Những gì muốn hỏi hôm nay đều từ không biết, chứ không phải cố ý nhiễu loạn. Ta nay, nên dùng A Tỳ Đàm, Luật để nạp thọ ông ta.

Nghĩ xong, liền bảo Bà Sa xuất gia: Tùy những gì ông hỏi, ta sẽ vì ông mà giải đáp.

Bà Sa bạch Phật: Thế nào, thưa Cù Đàm, có pháp thiện, pháp bất thiện không?

Phật đáp: Có.

Bà Sa bạch Phật: Xin Ngài vì con mà nói về pháp thiện, pháp bất thiện, khiến cho con được hiểu.

Phật bảo Bà Sa: Hôm nay, Ta sẽ vì ông mà nói lược về pháp thiện và pháp bất thiện. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Này Bà Sa, tham dục là pháp bất thiện. Điều phục được tham dục là pháp thiện. Sân nhuế, ngu si là pháp bất thiện. Điều phục được sân nhuế ngu si là pháp thiện.

Sát sanh là pháp bất thiện. Lìa sát sanh, là pháp thiện. Trộm cắp, tà dâm, nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, thêu dệt, tham nhuế, tà kiến là pháp bất thiện. Không trộm cắp cho đến chánh kiến, đó là pháp thiện.

Này Bà Sa, hôm nay Ta đã nói ba thứ pháp thiện và ba thứ pháp bất thiện. Cũng vậy, khi Thánh Đệ Tử biết như thật về ba thứ pháp thiện và ba thứ pháp bất thiện. Biết như thật về mười loại pháp thiện và mười loại pháp bất thiện, thì đối với tham dục được diệt tận không còn sót.

Khi sân nhuế, ngu si, được diệt tận không còn, thì đối với tất cả pháp hữu lậu đều diệt tận, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng:

Ta, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.

Bà Sa bạch Phật: Có Tỳ Kheo nào, đối với pháp luật này sạch được hữu lậu, vô lậu tâm giải thoát, cho đến không còn tái sanh đời sau nữa không?

Phật bảo Bà Sa: Không những chỉ có một, hai, ba, mà cho đến năm trăm. Có rất nhiều Tỳ Kheo, đối với pháp luật này đã sạch hết các hữu lậu, cho đến không tái sanh đời sau nữa.

Bà Sa bạch Phật: Hãy gác Tỳ Kheo lại! Có một Tỳ Kheo Ni nào đối với pháp luật này mà hết sạch các hữu lậu, cho đến không tái sanh đời sau nữa không?

Phật bảo Bà Sa: Không những một, hai, ba Tỳ Kheo Ni mà cho đến năm trăm, có rất nhiều Tỳ Kheo Ni, đối với pháp luật này đã hết các hữu, cho đến không tái sanh đời sau nữa.

Bà Sa bạch Phật: Xin gác Tỳ Kheo Ni lại!

Có một Ưu Bà Tắc nào tu các phạm hạnh, đối với pháp luật này đã thoát khỏi hồ nghi không?

Phật bảo Bà Sa: Không những chỉ có một, hai, ba, mà cho đến năm trăm Ưu Bà Tắc, cho đến có rất nhiều Ưu Bà Tắc, tu các phạm hạnh, đối với pháp luật này, đã đoạn năm hạ phần kết, được thành A Na Hàm không tái sanh lại cõi này nữa.

Bà Sa bạch Phật: Xin gác Ưu Bà Tắc lại!

Có một Ưu Bà Di nào, đối với pháp luật này tu các phạm hạnh.

Đối với pháp luật này đã thoát khỏi hồ nghi không?

Phật bảo Bà Sa: Không những chỉ có một, hai, ba, mà cho đến năm trăm Ưu Bà Di, cho đến có rất nhiều Ưu Bà Di, đối với pháp luật này, đã đoạn năm hạ phần kết, đối với họ hóa sanh đắc A Na Hàm không tái sanh lại cõi này nữa.

Bà Sa bạch Phật: Xin hãy gác Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di tu phạm hạnh lại!

Có Ưu Bà Tắc nào hưởng thọ ngũ dục, mà đối với pháp luật này thoát khỏi hồ nghi không?

Phật bảo Bà Sa: Không những chỉ có một, hai, ba, mà cho đến năm trăm, cho đến có rất nhiều Ưu Bà Tắc, có gia đình vợ con, trang sức hương hoa, nuôi dưỡng nô tỳ, mà đối với pháp luật này đã đoạn trừ ba kết. Tham, nhuế, si đã mỏng, đắc Tư Đà Hàm, chỉ còn một lần qua lại, cứu cánh thoát khổ.

Bà Sa bạch Phật: Xin gác Ưu Bà Tắc lại!

Có một Ưu Bà Di nào hưởng thọ ngũ dục mà đối với pháp luật này thoát khỏi hồ nghi không?

Phật bảo Bà Sa: Không những một, hai, ba mà cho đến năm trăm, cho đến rất nhiều Ưu Bà Di ở tại gia, nuôi nấng con cái, hưởng thụ ngũ dục, trang điểm hoa thơm, mà đối với pháp luật này đã đoạn tận ba kết, đắc Tu Đà Hoàn, không còn đọa vào pháp đường ác, quyết định hướng thẳng Chánh Giác, chỉ còn qua lại bảy lần sanh trong Trời, Người, cứu cánh thoát khổ.

Bà Sa bạch Phật: Thưa Cù Đàm, như Sa Môn Cù Đàm đã thành Đẳng Chánh Giác. Nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di tu phạm hạnh, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di hưởng thụ ngũ dục, mà không được công đức như vậy, thì không đầy đủ.

Nhưng vì Sa Môn Cù Đàm thành Đẳng Chánh Giác và Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di tu phạm hạnh, cùng Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di hưởng thụ ngũ dục, do thành tựu những công đức như vậy, nên đó là sự đầy đủ. Thưa Cù Đàm, bây giờ con sẽ nói thí dụ.

Phật bảo Bà Sa: Ông cứ tùy ý mà nói.

Bà Sa bạch Phật: Như Trời mưa to, nước chảy xuống thành dòng. pháp luật của Cù Đàm lại cũng như vậy. Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, hoặc nam, hoặc nữ, tất cả đều theo dòng hướng đến Niết Bàn, chuyển đến Niết Bàn.

Kỳ lạ thay! Phật, pháp, Tăng, bình đẳng pháp và luật.

Còn những xuất gia ngoại đạo khác đến chỗ Cù Đàm, ở trong chánh pháp luật muốn cầu xuất gia thọ Cụ Túc thì phải mất bao nhiêu thời gian mới cho phép xuất gia?

Phật bảo Bà Sa: Nếu những xuất gia ngoại đạo khác muốn cầu xuất gia thọ cụ túc ở trong chánh pháp luật, phải qua bốn tháng ở bên Hòa Thượng thọ y chỉ mà an trụ. Nhưng điều này chỉ vì người mà tạm bày ra giới hạn mà thôi.

Bà Sa bạch Phật: Nếu những xuất gia ngoại đạo muốn đến cầu xuất gia thọ Cụ Túc ở trong chánh pháp luật, được phép ở bên Hòa Thượng nhận lãnh y chỉ và nếu đủ bốn tháng thì cho phép xuất gia.

Vậy, nay con có thể ở bên Hòa Thượng bốn tháng thọ y chỉ. Nếu ở trong chánh pháp luật mà được xuất gia thọ cụ túc, thì con sẽ xuất gia thọ cụ túc tu trì phạm hạnh ở trong pháp Cù Đàm.

Phật bảo Bà Sa: Trước đây Ta không nói là tạm vì người mà bày ra giới hạn sao?

Bà Sa bạch Phật: Đúng vậy, thưa Cù Đàm!

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các ông nên độ Bà Sa này xuất gia thọ Cụ Túc ở trong chánh pháp luật. Xuất gia dòng họ Bà Sa liền được phép xuất gia thọ Cụ Túc thành Tỳ Kheo ở trong chánh pháp luật, cho đến trong vòng nửa tháng những gì cần học nên biết, nên phân biệt, nên thấy, nên đắc, nên hiểu rõ, nên chứng, thì đều biết, đều phân biệt, đều thấy, đều đắc, đều hiểu rõ, đều chứng chánh pháp của Như Lai.

Tôn Giả Bà Sa tự nghĩ: Nay ta đã học những gì nên biết, nên phân biệt, nên thấy, nên đắc, nên hiểu rõ, nên chứng. Tất cả những điều đó ta đều biết, đều phân biệt, đều thấy, đều đắc, đều hiểu rõ, đều chứng. Bây giờ, nên đến gặp Thế Tôn.

Ngay lúc ấy, Bà Sa đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi đứng sang một bên, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, những gì cần học nên biết, nên phân biệt, nên thấy, nên đắc, nên hiểu rõ, nên chứng, con đều biết, đều phân biệt, đều thấy, đều đắc, đều hiểu rõ, đều chứng chánh pháp của Thế Tôn.

Xin Thế Tôn vì con mà thuyết pháp, sau khi con nghe rồi, sẽ ở một mình nơi vắng vẻ chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, tư duy về lý do người Thiện Nam cạo bỏ râu tóc, mặc áo Cà Sa, chánh tín xuất gia học đạo, cho đến tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.

Phật bảo Bà Sa: Có hai pháp tu tập, tu tập nhiều, đó là chỉ và quán. Tu tập, tu tập nhiều hai pháp này, thì sẽ biết được quả báo của các cõi, hiểu rõ các cõi. Biết các thứ cõi, hiểu rõ các thứ cõi.

Tỳ Kheo như vậy là muốn cầu ly dục, pháp ác bất thiện, cho đến thành tựu, trụ đệ Tứ Thiền. An trụ từ, bi, hỷ xả, không nhập xứ, thức nhập xứ, vô sở hữu nhập xứ, Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ.

Khiến ba kết của ta diệt tận, đắc Tu Đà Hoàn. Với ba kết đã tận diệt, tham, nhuế, si mỏng, đắc Tư Đà Hàm. Với năm hạ phần kết đã diệt tận, đắc A Na Hàm.

Với các thứ cảnh giới thần thông, Thiên nhãn, Thiên Nhĩ, Tha Tâm trí, Túc Mạng trí, Sanh Tử trí, Lậu Tận trí, tất cả đều đạt được. Cho nên Tỳ Kheo, nên tu hai pháp, tu tập, tu tập nhiều. Nhờ tu tập hai pháp, nên biết các thứ cõi, cho đến lậu tận.

Sau khi Tôn Giả Bà Sa nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ làm lễ mà lui. Bấy giờ, Tôn Giả Bà Sa ở một mình nơi vắng vẻ chuyên tinh tư duy, sống không buông lung,  cho đến tự biết không còn tái sanh đời sau nữa. Lúc ấy có nhiều Tỳ Kheo phượng tiện trang nghiêm muốn đến cung kính cúng dường Thế Tôn.

Bấy giờ, Tôn Giả Bà Sa hỏi các Tỳ Kheo: Có phải các ông phương tiện trang nghiêm muốn đến cung kính cúng dường Thế Tôn không?

Các Tỳ Kheo đáp: Vâng.

Lúc này Bà Sa nói các Tỳ Kheo: 

Tôn Giả cho tôi gởi lời kính lễ thăm hỏi Thế Tôn: Ngài sống nhẹ nhàng, ít bệnh, ít não, an lạc không?

Và thưa Tỳ Kheo Bà Sa bạch Thế Tôn rằng: Con đã cúng dường, phụng sự Thế Tôn đầy đủ, khiến Ngài hài lòng, chứ không phải không hài lòng. Những gì mà đệ tử của Đại Sư cần làm, con đã làm xong. Đã cúng dường Đại Sư, khiến Ngài hài lòng, chứ không phải không hài lòng.

Bấy giờ, các Tỳ Kheo đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân, ngồi lui qua một bên, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, Tôn Giả Bà Sa Đê đầu kính lễ dưới chân Thế Tôn, cho đến hài lòng chứ không phải không hài lòng.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Chư Thiên đã nói trước cho ta rồi, nay các ông lại nói. Như Lai đã thành tựu tri kiến đệ nhất, cũng như Tỳ Kheo Bà Sa có đức lực như vậy. Bấy giờ Thế Tôn vì Tỳ Kheo Bà Sa kia mà nói thọ ký bậc nhất.

Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường