Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn Hậu Phần - Phẩm Ba - Phẩm Sự Trở Về Cội Nguồn Phải Làm Tròn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nhã Na Bạt Đà La, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN HẬU PHẦN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nhã Na Bạt Đà La, Đời Đường
PHẨM BA
PHẨM SỰ TRỞ VỀ
CỘI NGUỒN PHẢI LÀM TRÒN
Đức Phật lại bảo các đại chúng: Nay thời giờ sắp đến, toàn thân của ta nhức nhối.
Nói lời ấy xong, Đức Thế Tôn liền nhập vào bậc thiền thứ nhất, đem ánh sáng Niết Bàn quán sát khắp Thế Giới, nhập vào định tịch diệt.
Bấy giờ, chưa dứt lời, Đức Thế Tôn liền nhập vào bậc thiền thứ nhất. Từ cõi thiền thứ nhất, xuất định rồi nhập vào cõi thiền thứ hai. Từ cõi thiền thứ hai, xuất định rồi nhập vào cõi thiền thứ ba. Từ cõi thiền thứ ba, xuất định rồi nhập vào cõi thiền thứ tư.
Từ cõi thiền thứ tư, xuất định rồi nhập vào Hư không xứ. Từ Không xứ xuất định rồi nhập vào Vô biên thức xứ. Từ Thức xứ, xuất định rồi nhập vào Bất dụng xứ. Từ Bất dụng, xuất định rồi nhập vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Từ Phi phi tưởng xứ, xuất định rồi nhập vào Diệt tận định. Từ Diệt tận định, xuất định rồi nhập vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Từ Phi phi tưởng xứ, xuất định rồi nhập vào Bất dụng xứ. Tứ Bất dụng xứ, xuất định rồi nhập vào Vô biên thức xứ. Từ Vô biên thức xứ, xuất định rồi nhập vào Hư không xứ.
Từ Không xứ, xuất định rồi nhập vào cõi thiền thứ tư. Từ cõi thiền thứ tư, xuất định rồi nhập vào cõi thiền thứ ba. Từ cõi thiền thứ ba, xuất định rồi nhập vào cõi thiền thứ hai. Từ cõi thiền thứ hai, xuất định rồi nhập vào cõi thiền đầu tiên.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhập các cõi thiền định tuần tự ngược và xuôi như thế xong, rồi bảo khắp đại chúng: Ta đem bát nhã rất mực sâu xa quán sát khắp tất cả sáu nẻo đường, các núi non, biển cả, quả đất, các loài có mạng sống trong ba cõi. Tính căn bản của ba cõi như thế là xa rời, rốt cuộc tịch diệt giống như tướng hư không.
Không có danh, không có thức, mãi mãi dứt bỏ quả báo trong các cõi, xưa nay vốn dĩ bình đẳng, không có ý tưởng cao thấp. Không thấy, không nghe, không hay, không biết. Không thể trói buộc, không thể giải thoát. Không có chúng sinh, không có thọ mạng. Không sinh cũng chẳng khởi, không tận cũng chẳng diệt. Không phải thế gian, cũng chẳng phải phi thế gian.
Niết Bàn, sinh tử đều không thể nắm bắt được, vì hai cõi bình đẳng với các pháp. Ở nơi yên tĩnh, xa lánh chỗ ồn ào, không có làm điều gì, rốt ráo an định không thể nắm bắt được. Từ trước đến nay không có pháp để trụ thì pháp tánh làm gì thì thi hành được.
Cắt đứt tất cả tướng, không có gì để nắm bắt cả. Pháp tướng như thế, nếu ai biết được điều ấy thì gọi là người ra khỏi thế gian, sự việc này nếu ai chẳng biết thì gọi là bắt đầu sự sống chết. Đại chúng các ông cần phải dứt bỏ sự vô minh và diệt trừ sự mở đầu sống chết.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói lời này xong, lại nhập thiền định siêu việt. Từ cõi thiền đầu tiên, xuất định rồi vào cõi thiền thứ ba. Từ cõi thiền thứ ba, xuất định rồi đi vào hư không xứ. Từ hư không, xuất định rồi nhập vào cõi Vô sở hữu xứ. Từ Vô sở hữu, xuất định rồi nhập vào Diệt tận tưởng định.
Từ Diệt tận định, xuất định rồi theo thứ tự nhập vào thiền định trở lại, đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Từ Phi phi tưởng, xuất định rồi nhập vào Vô biên thức xứ. Từ Thức xứ, xuất định rồi đi vào cõi thiền thứ tư. Từ cõi thiền thứ tư, xuất định rồi đi vào cõi thiền thứ hai. Từ cõi thiền thứ hai, xuất định rồi nhập vào bậc thiền đầu tiên.
Đức Thế Tôn nhập vào thiền định siêu việt theo lối ngược và xuôi như thế xong, rồi lại bảo đại chúng: Ta đem Ma Ha Bát Nhã quán sát khắp các loài có tình thức và loài không có tình thức trong ba cõi, tất cả nhân và pháp thảy đều rốt ráo, không có sự trói buộc, không có sự giải thoát, không có chủ, không có sự nương tựa, không thể nắm giữ.
Chẳng ra khỏi ba cõi, không đi vào các cõi, xưa nay vốn thanh tịnh, không có nhơ bẩn, không có phiền não, cùng sánh ngang với hư không, không bình đẳng, không phải không bình đẳng, hết các sự động niệm, tâm suy nghĩ dứt hẳn, pháp tướng như thế gọi là Đại Niết Bàn, thấy pháp này một cách chân thật thì gọi là giải thoát. Hạng phàm phu không biết thì gọi là vô minh.
Nói lời ấy xong, Đức Phật lại nhập thiền định siêu việt. Từ cõi thiền đầu tiên xuất định cho đến nhập vào diệt tận định. Từ Diệt tận định xuất định cho đến nhập vào cõi thiền thứ nhất.
Đức Thế Tôn nhập vào thiền định siêu việt theo lối ngược và xuôi như thế xong, rồi lại bảo với đại chúng: Ta dùng mắt Phật xem khắp tất cả các pháp trong ba cõi, sự vô minh từ đầu cho đến cùng cực, tính vốn giải thoát.
Mong cầu ở mười phương, hoàn toàn không thể được. Bởi vì gốc rễ không có, nên cành lá nương theo thảy đều giải thoát. Vì sự vô minh được giải thoát, cho đến sự già chết đều được giải thoát. Do nhân duyên ấy, nay ta an trụ ở ánh sáng thường tịch diệt gọi là Đại Niết Bàn.
Bấy giờ, nỗi buồn rầu, âu sầu thống khổ của A Nan không có chỗ cùng tột, lòng dạ hoảng hốt cuống cuồng, tình thức hôn mê. Như người say khướt thì hoàn toàn không hay biết gì cả, A Nan không trông thấy bốn chúng và chẳng biết Đức Như Lai đã nhập Niết Bàn hay là chưa Niết Bàn.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn nhập vào các thiền định siêu việt, trải qua ba lần như thế, lại quán xét khắp cả pháp giới, rồi ba lần nói pháp cho đại chúng. Như Lai nhập vào các thiền định hết lần này đến lần khác, trải qua hai mươi bảy lần như thế. Vì A Nan không biết, cho nên khi Đức Phật đi vào một cõi thiền, ông liền nêu một câu hỏi.
Hai mươi bảy lần trở đi trở lại như thế, A Nan hỏi A Nê Lâu đậu: Đức Phật đã Niết Bàn hay là chưa Niết Bàn?
A Nê Lâu đậu biết rất rõ Đức Như Lai nhập các thiền định, trở đi trở lại hai mươi bảy lần nên trả lời A Nan: Đức Phật chưa Niết Bàn.
Bấy giờ, tất cả đại chúng thảy đều hoảng loạn, hoàn toàn chẳng hay biết gì, rằng Đức Như Lai đã Niết Bàn hay là chưa Niết Bàn.
Lúc ấy, ba lần Đức Thế Tôn nhập các thiền định, ba lần dạy bảo rõ cho mọi người xong, bèn nằm nghiêng hông về bên phải ở chiếc giường làm bằng bảy thứ quý báu, gối đầu về phương Bắc, chân chỉ phương Nam, mặt hướng về phương Tây, lưng quay về phương Đông.
Chiếc giường bằng bảu thứ quý báu ấy dùng chuỗi ngọc anh lạc vi diệu để trang nghiêm. Khu rừng cây Ta La có tám cây mọc thành bốn đôi, phương Tây có một cây mọc sóng đôi ở trước mặt Đức Như Lai, phương Đông có một cây mọc sóng đôi ở đằng sau Đức Như Lai, phương Bắc có một cây mọc sóng đôi ở phía trên đầu của Đức Phật, phương Nam có một cây mọc sóng đôi ở phía chân của Đức Phật.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nằm ngủ tại giường báu ở dưới rừng Ta La, vào giữa đêm hôm ấy, Ngài nhập cõi thiền thứ tư, im lìm không một tiếng động, vào đúng giây phút đó, Phật Bát Niết Bàn. Đấng Đại Giác Thế Tôn nhập Niết Bàn rồi, tại khu rừng Ta La ấy, hai cây mọc sóng đôi ở phương Đông và phương Tây hợp lại thành một cây.
Hai cây mọc sóng đôi ở phương Nam và phương Bắc hợp lại thành một cây, các cây rủ xuống bao phủ giường báu che Đức Như Lai. Cây Ta La ấy tức thời thảm thương biến đổi thành màu trắng giống như con hạc trắng. Cành, lá, hoa, quả, vỏ cây, thân cây thảy đều nứt toác và rơi xuống, dần dần khô héo gãy đổ không để sót lại gì.
Lúc ấy, tất cả mặt đất khắp Thế Giới của Chư Phật bằng vô số muôn ức số lượng cát sông Hằng trong mười phương, đều chấn động dữ dội, phát ra đủ mọi thứ âm thanh mà xướng lên: Khổ thay! Khổ thay! Thế Giới trống rỗng! Rồi xuất ra tiếng buồn than về sự vô thường, khổ, không.
Bấy giờ, tất cả các núi non ở Thế Giới mười phương, núi Mục chân lân đà, núi Ma ha Mục chân lân đà, núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, núi Tu Di, núi Hương, núi có nhiều châu ngọc quý báu, núi vàng, núi Đen, hết thảy các ngọn núi có trong đại địa, cùng một lúc chấn động rạn nứt, toàn bộ đều sụp đổ, phát ra âm thanh lớn gầm vang Thế Giới mà xướng lên: Khổ thay! Khổ thay!
Cớ sao trong một sớm, thế gian trơ trọi không ai che chở, Mặt Trời trí tuệ lặn mất sau núi Đại Niết Bàn, tất cả chúng sinh mất đấng cha lành chân thật, mất vị Trời được mọi người cung kính, không có ai để chiêm ngưỡng.
Lúc ấy, tất cả biển lớn ở Thế Giới khắp mười phương thảy đều vẩn đục, sóng cả sôi sục trào dâng, phát ra đủ mọi thứ âm thanh mà xướng lên: Khổ thay! Khổ thay! Đấng Chánh Giác đã diệt độ, chúng sinh chịu tội lỗi khổ đau, đêm dài tăm tối, trôi lăn mãi trong biển cả sống chết, lạc mất con đường chính, thì làm thế nào để được giải thoát?
Bấy giờ, tất cả sông ngòi, suối nước, khe núi, dòng sông, nguồn suối, giếng lạch, ao tắm thảy đều nghiêng đổ, hết nước, khô cạn. Khi ấy, hư không và mặt đất ở Thế Giới khắp mười phương im lìm và rất mực tối tăm, ánh sáng mặt trời và mặt trăng hết sạch đều không có sự sáng soi nữa, tối tăm sầu não giăng bủa đầy cả Thế Giới.
Vào đúng thời gian ấy, bỗng dưng ngọn gió đen giận dữ nổi lên gây chấn động kinh hồn, thổi tung cát bụi đầy cả Thế Giới tối tăm.
Lúc này, tất cả cây cỏ, cỏ thuốc, cành lá hoa quả của những cây cối ở mặt đất thảy đều gãy vụn rơi xuống không bỏ sót. Vào đúng giây phút đó, tất cả Chư Thiên ở Thế Giới trong mười phương đầy khắp hư không, họ đau xót kêu gào, buồn rầu than thở làm chấn động ba ngàn đại thiên Thế Giới.
Trời mưa xuống vô số trăm ngàn đủ các thứ hoa Trời và hương Trời đẹp đẽ thượng hạng, đầy khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới, chất cao như núi Tu Di để cúng dường Đức Như Lai.
Ở trên không trung lại mưa xuống vô số cờ Cõi Trời, phướn Cõi Trời, chuỗi ngọc anh lạc Cõi Trời, lọng che Cõi Trời, châu báu Cõi Trời đầy khắp cả hư không rồi biến thành đài báu, bốn mặt thắt quấn đá quý châu ngọc và đồ làm bằng bảy thứ quý báu, ánh sáng lộng lẫy rực rỡ, để cúng dường Đức Như Lai.
Ở trên không trung lại tấu lên vô số khúc nhạc Cõi Trời vi diệu, trống đánh, sáo thổi, đàn dây, ca khúc phát ra đủ mọi thứ âm thanh mà xướng lên: Khổ thay! Khổ thay! Đức Phật đã Niết Bàn, Thế Giới trống rỗng, con mắt của mọi loài chúng sinh đã diệt mất. Phiền não, quỷ La Sát, lòng tham muốn tột cùng lưu hành. Hành khổ nối tiếp nhau, bánh xe đau thương không ngừng.
Bấy giờ, tâm của A Nan hoảng hốt mê muội, hoàn toàn không hay biết gì cả, chẳng nhận biết Đức Như Lai đã nhập Niết Bàn hay là chưa nhập Niết Bàn, ông chỉ thấy cảnh giới không bình thường, rồi lại hỏi Lâu đậu: Đức Phật Niết Bàn rồi chăng?
Lậu đậu trả lời: Đức Đại Giác Thế Tôn đã nhập Niết Bàn.
Lúc ấy, nghe lời nói đó rồi, A Nan sầu muộn tuyệt vọng, ngã nhào xuống đất dường như người chết, lặng yên không còn hơi thở, mịt mịt mờ mờ không hiểu rõ. Bấy giờ, Lâu đậu lấy nước mát lạnh vẩy vào mặt A Nan rồi dìu đỡ đứng dậy.
Lâu đậu dùng phương tiện khéo léo, an ủi và nói lời giải thích cho A Nan hiểu: Thương thay! Thương thay! Nỗi thống khổ biết làm thế nào, biết làm thế nào, ông chớ quá sầu khổ, bứt rứt loạn tâm. Nhân duyên hóa độ của Như Lai đã chu tất, hết thảy hàng Trời và người không ai có thể giữ Đức Thế Tôn lại được.
Khổ thay! Khổ thay! Biết làm thế nào, biết làm thế nào! Tại sao lại đến hôm nay, bậc thầy của hàng Trời và người đã làm công việc rốt ráo, không ai có thể giữ lại được. Biết làm thế nào, ta và các ông hãy tạm cùng đè nén bớt.
Lâu đậu lại an ủi và nói lời giải thích: Này A Nan! Mặc dù Đức Phật Niết Bàn, nhưng đã có Xá Lợi và Pháp Bảo vô thượng thường trụ ở đời, có thể làm chỗ quay về và nương tựa cho chúng sinh. Ta và các ông hãy nên chăm chỉ siêng năng, đem giáo pháp quý báu của Đức Phật đe trao cho chúng sinh, khiến họ thoát mọi nỗi khổ, ngõ hầu đền trả ân đức của Như Lai.
Bấy giờ, A Nan nghe lời an ủi và dẫn dụ xong, dần dần được tỉnh ngộ. Ông nghẹn ngào đầm đìa nước mắt, nỗi buồn rầu tự mình không chịu nổi. Giữa rừng Ta La thuộc thành Câu Thi na ấy, chiều rộng và bề dọc ba mươi hai do tuần, đại chúng Trời Người thảy đều đầy khắp, trên đầu nhọn mũi kim thu nhận vô lượng chúng, không có chỗ trống xen lẫn, chẳng che khuất lẫn nhau.
Lúc này, vô số ức Bồ Tát, tất cả đại chúng thảy đều mê mờ, sầu muộn, tâm trí hỗn loạn u mê, họ hoàn toàn không hay biết, rằng Đức Như Lai Niết Bàn hay chưa Niết Bàn, chỉ thấy sự biến động không bình thường, ngay cùng một lúc họ hỏi lâu đậu: Đức Phật Niết Bàn chăng?
Bấy giờ, Lâu đậu bảo các đại chúng và tất cả hàng Trời và người: Đấng Đại Giác Thế Tôn đã nhập Niết Bàn.
Lúc ấy, vô số hết thảy đại chúng nghe lời nói ấy xong, ngay một lúc họ hôn mê, sầu muộn tuyệt vọng rồi ngã xuống đất. Nỗi khổ đau đớn khắc vào lòng, tiếng tai ách không vượt ra.
Trong số đó, hoặc có người diệt độ theo Đức Phật, hoặc có người thất thần, hoặc có người thân tâm run rẩy, có người nắm tay nhau nghẹn ngào chảy nước mắt, hoặc có người thường xuyên đấm ngực kêu to, hoặc có người giơ tay vỗ đầu tự bứt tóc mình.
Hoặc có người xướng lên: Đau đớn thay! Đau đớn thay! Đày đọa khổ thay!
Hoặc có người xướng lên: Như Lai Niết Bàn, sao mà nhanh quá vậy!
Hoặc có người xướng lên: Vị Trời mà chúng ta tôn kính đã mất.
Hoặc có người than: Thế Giới trống rỗng, con mắt của chúng sinh diệt mất.
Hoặc có người than: Con quỷ lớn phiền não đã lưu hành.
Hoặc có người than: Mầm non hạt giống tốt lành của chúng sinh đã diệt.
Hoặc có người than: Ma Vương vui mừng cởi bỏ mũ và áo giáp. Hoặc có kẻ tự quở trách và quán thân tâm vô thường. Hoặc có người chánh quán được giải thoát. Hoặc có người thương cảm thở than, rằng không có chỗ quay về nương tựa.
Trong số đó có người khắp than thể máu xuất ra rồi chảy rơi vãi trên mặt đất. Chủng loại khác nhau và tiếng nói khác nhau, tiếng đau thương của tất cả đại chúng làm chấn động khắp hết thảy Thế Giới.
Bấy giờ, vị chủ quản Thế Giới Ta Bà là Đại Phạm Thiên Vương Thi Khí biết Đức Phật đã nhập Niết Bàn, nên cùng với các chúng Cõi Trời lập tức từ cõi thiền thứ nhất bay giữa hư không mà xuống, cất tiếng khóc lớn, đau xót nghẹn ngào, đầm đìa nước mắt, gieo mình trước Đức Như Lai, sầu muộn tuyệt vọng và ngã nhào xuống đất, hồi lâu mới tỉnh lại, nỗi buồn thương tự mình không chịu nổi.
Họ liền trở trước Đức Phật dùng kệ buồn than:
Xưa kia Thế Tôn vốn thệ nguyện
Vì chúng con nên ở cõi nhẫn
Bèn giấu vô lượng sức tự tại
Độ những chúng sinh ít ưa pháp.
Phương tiện hợp dần tiện nên nói
Chúng sinh đều nhận sự an vui
Dẫn dụ khiến thoát khổ ba cõi
Rốt ráo đều đến đạo Niết Bàn.
Mẹ hiền Như Lai nuôi chúng sinh
Khắp chúng sinh uống sữa đại bi
Sao chỉ một sớm chợt lìa bỏ
Người Trời côi cút không chỗ dựa.
Thương thay mầm giống tốt chúng sinh
Không cam lộ Trời khiến tăng trưởng
Mầm thiện dần dần suy diệt rồi
Tội nghiệp dắt nhau đọa đường ác.
Làm sao Thế Giới đều rỗng không
Mắt chính tuệ chúng sinh đã diệt
Đã đi trong đen tối vô minh
Đọa lạc ba cõi khổ chìm đắm.
Làm sao không cứu tội chúng sinh
Nguyện nương Xá Lợi được giải thoát
Khuyến thỉnh đại bi lực Như Lai
Cứu hộ khiến con thoát nỗi khổ.
Xót thay sao hẹn đời ác này
Như Lai bỏ con nhập Niết Bàn.
Bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhân cùng với các đại chúng từ hư không mà xuống rồi xướng lên: Khổ thay! Khổ thay! Họ phát ra tiếng khóc òa, nức nở thương đau, đầm đìa nước mắt.
Họ gieo mình trước Đức Như Lai, sầu muộn tuyệt vọng, ngã nhào xuống đất, hồi lâu mới tỉnh lại, buồn thương nghẹn ngào, quỳ đầu gối sát đất ở trước Đức Phật rồi nói bài kệ than vãn:
Bao kiếp Như Lai hành khổ hạnh
Khắp vì quần sinh chúng con nên
Đắc thành đạo Chánh Giác Vô Thượng
Nuôi chúng sinh sánh như con một.
Pháp thí là thuốc hay bậc nhất
Chữa bệnh là thầy thuốc tuyệt vời
Mây đại từ bi che chúng sinh
Mưa tuệ cam lộ đổ xuống khắp.
Ánh vầng tuệ soi tối vô minh
Chúng sinh vô minh thấy Thánh Đạo
Ánh từ trăng Thánh rọi sáu đường
Ba cõi nhờ ánh sáng thoát khổ.
Sao hẹn giờ đây bỏ đại từ
Đã nhập Niết Bàn chúng chẳng thấy
Đại bi bản thệ nay ở đâu
Vứt bỏ chúng sinh như nhổ bọt.
Hết hảy các chúng sinh chúng con
Như nghé mất mẹ ắt phải chết
Bốn chúng nắm tay nhau khóc lóc
Đau xót đấm ngực động ba cõi.
Khổ thay khổ thay người các cõi
Cớ sao một sớm đều côi cút
Phước chúng con hết thật khổ đau
Mầm thiện cháy than không tươi nữa.
Chỉ nguyên ánh Xá Lợi Pháp Bảo
Chiếu con khiến thoát khổ ba cõi
Thương thay xót thay lũ chúng con
Chừng nào được thấy lại Như Lai!
Bấy giờ, Lâu đậu bi ai gào khóc, nỗi thương xót không lường.
Ông quỳ gối trước Đức Phật, than buồn bằng bài kệ:
Pháp vương Chánh Giác nuôi chúng con
Cho uống sữa pháp lớn pháp thân
Pháp thân chúng sinh chưa thành lập
Lại còn tuệ mạng ít tư lương.
Cần dùng tám âm thường diễn sướng
Khiến chúng nghe xong đều ngộ đạo
Thường phóng ánh đại từ năm màu
Khiến chúng nhờ sáng đều giải thoát.
Cớ sao hôm nay Niết Bàn mãi
Chúng sinh hành khổ dựa hướng đâu
Khổ thay Thế Tôn bỏ đại bi
Chúng con trơ trọi ắt phải chết.
Tuy biết Thế Tôn hiện phương tiện
Chúng con không thể không bi ai
Bốn chúng lòng hôn mê sầu muộn
Buồn động Trời đất rung ba cõi.
Thế Tôn ở riêng rất an vui
Chúng sinh rất khổ muốn đi đâu
Xưa kia Thế Tôn vì chúng con
Bao kiếp bỏ đầu cắt tay chân.
Được thành đạo Chánh Giác Vô Thượng
Ở đời không lâu liền Niết Bàn
Con và bốn chúng ở vô minh
Ma vương vui mừng bỏ mũ giáp.
Xót thay Thế Tôn nguyện đại bi
Ánh từ Xá Lợi thâu chúng con
Cúi xin Thế Tôn thương bốn chúng
Pháp bảo chảy thấm nguyện không cùng.
Chúng con không thể chết ngay được
Nếu mạng còn dư đặng bao lâu
Khổ thay thống thiết khó chịu đựng
Không hẹn kỳ gặp lại Thế Tôn.
Lúc ấy, sự sầu muộn tuyệt vọng của A Nan dần dần được tỉnh ngộ.
Ông giơ tay, vỗ đầu, đấm ngực, nghẹn ngào buồn khóc, nước mắt ròng ròng, nỗi xót thương tự mình không chịu nổi, quỳ gối trước Đức Phật, buồn than bằng bài kệ:
Xưa con và Phật cùng thệ nguyện
May cùng sinh trong dòng họ Thích
Như Lai được thành đạo Chánh Giác
Con làm người hầu hai mươi năm.
Thâm tâm kính dưỡng tình chưa đủ
Một sớm thấy bỏ nhập Niết Bàn
Đau thay xót thay khổ tàn hại
Đêm dài vô cực lòng thống thiết.
Thân con chưa thoát lưới các cõi
Mạng trứng vô minh chưa ra khỏi
Mỏm tuệ Thế Tôn chưa mổ phá
Cớ sao được bỏ chóng Niết Bàn.
Con như đứa trẻ mới sinh ra
Mất mẹ không lâu ắt sẽ chết
Cớ sao Thế Tôn buông bỏ được
Riêng ra ba cõi hưởng yên vui.
Nay con sám hối với Thế Tôn
Hầu Phật đến nay hai chục năm
Trong bốn uy nghi nhiều biếng nhác
Chẳng thể làm Đại Thánh vui lòng.
Nguyện đấng Chánh Giác đại từ bi
Cho con cam lộ khiến an vui
Con nguyện cùng tận mé vị lai
Thường làm thị giả hầu Thế Tôn.
Xin nguyện ánh đại từ Thế Tôn
Tất cả Thế Giới nhiếp thụ con
Đau thay xót thay không thể nói
Sụt sùi sao thể kể ân Thánh.
Bấy giờ, vô số ức Hằng hà sa Bồ Tát, hết thảy hàng Trời Người và đại chúng trong thế gian, họ nắm tay lẫn nhau, buồn rầu khóc lóc, nước mắt ròng ròng, nỗi đau xót không tài nào tự chịu nổi, mỗi người đè nén nhau.
Tức thời ai nấy đều tự mình bày biện vô số hương hoa vi diệu, Hoa Mạn Đà La, Hoa Ma Ha Mạn Đà La, Hoa Mạn Thù Sa, Hoa Ma Ha Mạn Thù Sa, vô số Hải ngạn chiên đàn và trầm thủy ở trên Cõi Trời và nhân gian, trăm ngàn vạn loại bột hương hòa trộn, vô số hương sáp, nước thơm, lọng báu, cờ báu, phướn báu, chân châu, ngọc anh lạc đầy khắp cả hư không, các vị rải vào trước Đức Như Lai để cúng dường một cách buồn thảm.
Lúc này, hết thảy mọi người, trai gái lớn bé ở bên trong thành Câu Thi đều thương xót chảy nước mắt, mỗi người đều sắm sửa vô số hương, hoa, lọng báu vi diệu v.v… đẹp đẽ hơn trước gấp bội, họ rải vào chỗ Đức Như Lai để cúng dường một cách buồn thảm.
Lúc ấy, bốn vị Thiên Vương cùng với các chúng Cõi Trời buồn thảm tuôn rơi nước mắt, mỗi người đều sắm sửa vô số hương và hoa, hết thảy mọi thứ bằng gấp ba lần hơn trước, họ buồn khóc rơi nước mắt đi đến chỗ Đức Phật, rải các thứ vào trước Đức Như Lai để cúng dường một cách đau xót thảm thương.
Cũng như thế, đồ cúng dường của năm Cõi Trời Tịnh Cư đẹp đẽ hơn trước gấp bội phần. Chư Thiên ở Cõi Sắc và Cõi Vô Sắc cũng cúng dường như thế gấp bội phần hơn trước.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Thập địa - Phẩm Một - Phẩm địa Cực Hỷ - Tập Một
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Mười Bảy - Vô Tận
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Năm Mươi Ba
Phật Thuyết Kinh Na Tiên đàm đạo - Phần Chín - Khoảnh Khắc Tái Sanh
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Tam Tụ
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Thập Vô