Phật Thuyết Kinh đại Minh độ Kinh đạo Hành Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm Bồ Tát Phổ Từ

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI MINH ĐỘ KINH ĐẠO

HÀNH BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

PHẨM HAI MƯƠI TÁM

PHẨM BỒ TÁT PHỔ TỪ  

Phật bảo Thiện Nghiệp: Này Thiện Nghiệp! Bồ Tát muốn mau thành Phật nên cầu minh độ vô cực, nên như Bồ Tát Phổ Từ.

Thiện Nghiệp thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Hiện giờ Bồ Tát Phổ Từ đang ở đâu?

Đức Phật dạy: Bồ Tát Phổ Từ hiện ở phương trên, vượt qua sáu trăm ba mươi ức Cõi Phật. Đức Phật hiệu là Hương Tích, cõi ấy tên Chúng Hương.

Thiện Nghiệp thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao Bồ Tát ấy cầu minh độ?

Phật dạy: Đời trước Bồ Tát Phổ Từ làm nhiều công đức, theo đuổi bản nguyện để đạt đến. Trước kia Bồ Tát đã cúng dường vô số Đức Phật.

Trong lúc ngủ, Bồ Tát mộng thấy Đức Phật đến bảo rằng: Nếu cầu Đại pháp thì hãy thức dậy để cầu! Bồ Tát cầu mà không thấy cho nên trong ý buồn bực.

Vì muốn gặp được Đức Phật, nghe pháp đại minh, bấy giờ gặp đời không có Phật, trong nước không có Bồ Tát thực hành pháp thanh tịnh cho nên buồn thảm. Như người có tội bị bắt đến chỗ Vua, tài sản đều mất hết, cha mẹ và chính thân mình bị giam trong lao ngục.

Lúc ấy, người ở Cõi Trời Đao Lợi nhìn xuống thấy Bồ Tát khóc cả ngày, biết có tâm chí thành tinh tấn cầu đạo, người ở Cõi Trời ấy liền ở trong quyến thuộc của vị học ấy tên gọi Bồ Tát. Trước đó, ở đời có Đức Phật tên là Cảnh Pháp Tự Uế Lai Vương, diệt độ đã lâu nên không thấy Phật, không nghe Kinh, không thấy Tỳ Kheo Tăng.

Lúc nằm mộng thấy người ở Trời Đao Lợi bảo rằng trước có Đức Phật tên là Cảnh Pháp Tự Uế Lai Vương, mộng nghe tên Phật thì thức giấc, thức dậy Bồ Tát rất vui mừng, liền bỏ nhà vào núi, xem thường thân mạng, không tham luyến gì cả.

Ngài lại khóc to và tự nghĩ: Sao đã đến mà không thấy Phật, không nghe Kinh, không được pháp mà Bồ Tát đã thực hành?

Lúc ấy, trên hư không có tiếng bảo rằng: Này thiện nam! Hãy nín đi, đừng buồn thảm nữa! Có pháp lớn tên là minh độ, nếu vững chí thực hành, ngươi sẽ mau thành Phật. Ngươi nên cầu pháp ấy. Người nào nghe rồi hành trì được thêm công đức của Phật ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Ngươi sẽ được tướng ấy, cũng sẽ dạy Kinh pháp cho người ở khắp mười phương.

Bồ Tát ấy lên tiếng hỏi trong hư không: Làm sao được nghe?

Nên đến nơi nào cầu và thực hành phương tiện gì?

Trong hư không có tiếng đáp: Theo phương Đông này đi mãi, không được dừng nghĩ. Lúc đi, ngươi chớ nên nghĩ nhớ phải, trái, trước, sau, trên, dưới, đi, dừng… chớ nghĩ đến sợ hãi, vui mừng, ăn uống, ngồi, đứng, dừng lại giữa đường. Chớ nghĩ đếm dâm, nộ, si.

Chớ nghĩ đến hành trí có chỗ chứng đắc. Chớ nghĩ trong ngoài năm ấm, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm, địa, thủy, hỏa, phong, không. Chớ nghĩ đến chúng sinh, ta và thọ mạng của ta, có không, không có có không, có đạo, không đạo, có Kinh, không Kinh, sinh lên Trời, sinh ở thế gian.

Bồ Tát đối với việc thiện ác, tất cả niệm yêu ghét không bị dính mắc. Đi về hướng Đông đi, thực hành hạnh này mãi không bỏ. Không bao lâu sẽ được minh độ. Chư Phật quá khứ hành đạo Bồ Tát cũng cầu như thế. Được minh độ như vậy rồi, theo lời dạy ấy tinh tấn hành trì, chắc chắn mau thành Phật.

Nghe xong, Bồ Tát rất vui mừng, thưa: Con sẽ vâng theo lời dạy của Ngài.

Có tiếng bảo: Ngươi chớ quên mất lời dạy này! Nói xong, Bồ Tát không còn nghe gì nữa. Theo lời dạy, Bồ Tát liền đi về hướng Đông, không suy nghĩ điều gì.

Đi nửa đường, Bồ Tát nghĩ: Đi như vậy bao lâu mới được minh độ?

Nên lại buồn thảm.

Trên hư không có tiếng của hóa Phật bảo rằng: Lành thay, lành thay! Ngươi đã cầu được việc rất khó, thực hành tinh tấn như vậy, không bao lâu sẽ được.

Bồ Tát Phổ Từ chắp tay ngước lên, thấy hóa Phật có ba mươi hai tưóng, thân mầu vàng, phát ra mười ức tia sáng.

Rất vui mừng, Bồ Tát chắp tay bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Cúi xin Ngài nói pháp. Nếu nghe Phật giảng, con sẽ được pháp ấy.

Phật dạy: Nếu lãnh thọ pháp ta dạy, phải nên nghĩ nhớ, giữ gìn. Các Kinh pháp vốn không, không có lo sợ, vốn thanh tịnh, không có đầu mối.

Trụ vào các Kinh pháp không có đầu mối, không nói về trụ, không nói về dạy bảo, như hư không chẳng có hình tướng, trụ như diệt độ không khác, không từ đâu sinh ra, không có hình tướng trụ, như huyễn, như bóng dưới đáy nước, như những điều thấy trong mộng. Những việc ấy đều như nhau không khác.

Âm thanh của Đức Phật như vậy, nên tùy theo Kinh dạy mà vun trồng ý chí, giữ gìn thanh tịnh. Bồ Tát đi về hướng Đông được hai muôn dặm, có cõi nước tên là Hương Tịnh, Pháp Vương dùng pháp xử trị. Nước ấy giàu có, sung sướng, nhân dân đông đúc.

Chu vi thành ấy rộng bốn trăm tám mươi dặm, đều làm bằng bảy báu. Thành ấy có bảy lớp, trong thành có cây bảy báu, trên thành che nhiều màn trướng bằng lụa là, vật báu. Giữa thành có các vật báu giao nhau, treo linh rủ xuống. Ngoài bốn cửa thành có vô số trò vui chơi.

Chung quanh thành có bảy lớp ao, trong nước có nhiều loại hoa sen xanh và nhiều hoa đẹp, mùi thơm tỏa khắp nước, màu sắc sáng chói rực rỡ ra xa. Người nào đi gần bên hoa, thân thể y phục giống như hoa mọc ở trong ao. Gò đất giữa ao có nhiều Chiêm Bặc xen giữa những hoa đẹp lạ, có mấy trăm loại như vậy.

Trong ao có nhiều chim như: Le, nhạn, uyên ương và mấy trăm loại chim khác. Có thuyền bảy báu, những người trong thuyền chèo thuyền dạo chơi trên mặt ao, chung quanh bày đầy cờ phướn năm mầu, lọng hoa nhiều mầu che khắp các ngã đường, giống như cung điện Đế Thích ở Cõi Trời Đao Lợi, âm thanh của các phướn treo lấy đạo đức làm gốc, làm cho mọi người suốt ngày nghe mãi rồi thực hành tinh tấn như trên Cõi Trời kia, tiếng âm nhạc ở hý trường Nan đàn hằng không bao giờ dứt.

Trong thành đều là Bồ Tát, có vị thành tựu, có vị mới phát tâm, phục sức vô số ngọc quý sáng chói, trong đó có Bồ Tát tên Pháp Lai, đứng đầu trong các Bậc Thánh, có sáu trăm tám mươi muôn ngọc nữ. Các Bồ Tát thường cung kính Ngài.

Ở giữa nước bày tòa cao theo thứ lớp thấp dần xuống, tòa vàng ròng, tòa bạc trắng, tòa lưu ly, tòa thủy tinh. Trên các tòa ấy đều trải lụa là, thêu hoa văn chằng chịt, giữa tòa rải nhiều thứ hoa thơm, ở trên có lọng báu, khắp cả trong ngoài đều đốt hương thơm.

Bồ Tát Pháp Lai thường ở trên tòa cao giảng nói minh độ cho các Bồ Tát. Trong đó có người nghe, có người học, có người viết chép, có người tụng đọc, giữ gìn. Nếu đến đó, Bồ Tát sẽ giảng nói cho ông. Ngài đã từng làm thầy ông mấy ngàn ức đời trước. Vị này là thầy lúc ông phát tâm. Khi đến chỗ Đức Phật, nếu đã nghe thấy nên cẩn thận, chớ nghi ngờ, lười biếng.

Vì sao?

Vì nếu chưa hiểu Minh tuệ quyền biến thì nên xem xét kỹ việc tà vạy. Đối với tà giáo, bậc Thiện sĩ phải cẩn thận, chớ nghĩ thầy ở cung sâu mà biếng nhác, phải cung kính Chư Phật. Vì Kinh pháp nên không nghĩ đến tài lợi, không tham lam của báu, nên dâng vật báu ấy với tâm từ hiếu, tôn quý đối với Thầy. Người nào thực hành hạnh này sẽ được pháp lớn.

Nghe lời dạy này từ đức hóa Phật, Bồ Tát vui mừng quên thân liền thấy định của các Đức Phật trong mười phương.

Từ xa Chư Phật đều khen ngợi: Lành thay, lành thay! Này Thiện Nam! Chúng ta vốn cầu đạo Bồ Tát, nhờ tinh tấn nên được minh độ, thành tựu trí nhất thiết, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, mười lực, bốn vô uý, bốn việc không cứu giúp, mười tám pháp Bất cộng và cũng được Chư Phật khen. Nếu muốn cầu Phật tích nên theo chúng ta thực hành hạnh này là công đức của Bồ Tát thì ngươi sẽ được đầy đủ pháp ấy.

Sau khi xuất định, Bồ Tát Phổ Từ nghĩ rằng: Chư Phật vốn từ đâu đến và đi về đâu?

Nghĩ đoạn, Bồ Tát buồn rầu nhớ lại lời Đức Phật dạy đến chỗ Ngài Pháp Lai.

Bồ Tát lập tức ra đi, giữa đường gặp một cõi nước, cõi nước ấy tên là Tà sở lạc, nghỉ đêm ở ngoài thành rồi tự nghĩ: Pháp Phật quý báu, khó được nghe, ta phải hết sức cúng dường Pháp Sư. Nay ta có một mình, lại nghèo khổ, không có châu báu và hoa thơm cúng dường Pháp Sư.

Nghĩ đoạn, Bồ Tát vào thành, đến ngã tư đường tự rao: Có ai muốn mua tôi không?

Lúc ấy ở ngoài thành, tà ma đang vui chơi với cả muôn thể nữ, nghe tiếng Bồ Tát rao, liền nghĩ: Bồ Tát tự bán thân mình muốn cúng dường ngài Pháp Lai, có ý cầu Phật sẽ thoát ra khỏi nước của ta hóa độ nhiều người, bây giờ ta phải hại ông ta.

Tà ma làm cho mọi người trong nước không thấy bóng dáng, không nghe tiếng rao của Bồ Tát. Như vậy, mọi người trong thành đều không nghe không thấy bóng dáng, tiếng rao của Bồ Tát.

Bán thân không được, Bồ Tát nằm lăn ra đất khóc lóc, than van: Tôi bán thân để cúng dường Pháp Sư nhưng không ai mua, tôi phải làm sao đây?

Từ xa trông thấy Bồ Tát tinh tấn như vậy, Đế Thích bèn xuống thử để biết và chí thành cầu Phật hay chỉ giả vờ mà thôi.

Đế Thích liền hóa thành một vị Phạm Chí, hỏi: Cao sĩ muốn cầu gì mà siêng năng chịu khổ như vậy?

Cần gì mà phải lăn khóc như vậy?

Bồ Tát đáp: Không nên hỏi.

Phạm Chí hỏi đến ba lần: Ông muốn gì xin hãy hỏi, tôi sẽ giúp ông.

Bồ Tát đáp: Tôi tự bán thân để cúng dường Pháp Sư.

Phạm Chí nói: Tôi sắp có buổi cúng tế lớn, muốn có tim, tủy, máu, thịt của người. Nếu ông có thể cho tôi thì tôi sẽ giúp ông nhiều của báu.

Nghe xong, Bồ Tát rất vui mừng, liền lấy dao tự đâm hai cánh tay, lấy máu rồi cắt thịt hai vế và chẻ xương lấy tủy đưa cho Phạm Chí.

Vừa muốn đâm vào ngực mình thì trên lầu có con gái trưởng giả từ xa trông thấy, rất thương xót liền cùng với năm trăm tỳ nữ xuống chỗ Bồ Tát, hỏi: Này Cao Sĩ! Ngài tuổi còn trẻ, lại khôi ngô như thế, tại sao lại tự chém chặt thân thể đến như vậy?

Bồ Tát đáp: Tôi lấy máu, cắt thịt, chẻ tủy bán cho Phạm Chí để cúng dường Pháp Sư.

Con gái của trưởng giả hỏi: Nếu cúng dường Pháp Sư thì được những gì?

Tên họ Pháp Sư là gì?

Hiện ở đâu?

Bồ Tát đáp: Pháp Sư tên là Pháp Lai, ở phương Đông. Ngài sẽ giảng nói minh độ cho tôi. Người nào nghe pháp ấy sẽ giữ gìn tịnh hạnh, mau chóng được thân ba mươi hai tướng, mười lực, bốn vô uý, bốn việc không che chở, mười tám pháp bất cộng của Phật, được xoay bánh xe pháp độ người ở khắp mười phương.

Nghe việc ấy, con gái trưởng giả vui mừng thưa: Nếu đúng như lời Ngài nói thì khắp trong thiên hạ không có gì bằng.

Tại sao ngài phải tự mình chịu khổ đến như vậy?

Tôi sẽ cung cấp đầy đủ của báu cho ngài và đích thân tôi cùng các tỳ nữ xin nguyện đi theo ngài cúng dường Minh Sư để nghe Kinh sâu xa ấy.

Bồ Tát nói: Rất tốt!

Phạm Chí nói: Lành thay, lành thay! Bồ Tát hạnh cao, tinh tấn khó ai bằng. Tôi không phải Phạm Chí mà là Trời Đế Thích. Tôi cố ý đến thử Ngài. Ngài muốn gì tôi sẽ cung cấp cho.

Bồ Tát đáp: Nếu Thiên Vương thương xót tôi thì giúp cho thân tôi bình phục lại.

Nguyện vừa xong thì vết thương lành lặn, thân thể khỏe mạnh, khí lực dồi dào như trước.

Sau đó, Đế Thích bèn đi, con gái của trưởng giả thưa với Bồ Tát Phổ Từ: Xin ngài đến gặp cha mẹ của tôi xin của báu rồi từ biệt ra đi.

Bồ Tát gặp cha mẹ của con gái trưởng giả, con gái trưởng giả trình bày đầy đủ mọi việc, cha mẹ nàng dạy: Rất tốt! Ta cũng có chí nhưng tiếc rằng tuổi già, thân thể rã rời, trái với tâm nguyện. Con muốn gì cứ tự nói ra.

Con gái trưởng giả thưa: Thưa cha mẹ, con muốn ngọc ngà châu báu.

Cha mẹ bảo: Con cứ tự tiện lấy.

Con gái của trưởng giả liền lấy vật báu dệt thành Chiên đàn, hương thơm và nhiều vật báu chở đầy năm trăm xe, năm trăm cô gái hầu tự thưa với cha mẹ của con gái trưởng giả: Chúng con muốn hầu quý cô đi theo Bồ Tát.

Cha mẹ của con gái trưởng giả cho họ đi. Họ lên đường và từ xa trông thấy nước Hương tịnh, thành quách bảy báu, cờ phướn được kết bằng các thứ báu xen lẫn nhau, mầu sắc sáng rực, có chuông linh, âm nhạc, cây báu, nhà vui chơi, hương thơm từ các thị nữ đi xe, đi bộ tỏa ra bốn phía giống như trên Cõi Trời.

Từ xa trông thấy như vậy, Bồ Tát và các Thiện Nữ vui mừng không nói nên lời, chỉ nghĩ: Chúng ta nên xuống xe đi bộ vào thành.

Họ đi vào cửa phía Tây, hỏi người đi đường: Vì sao những đài bảy báu kia trang hoàng đẹp đến như vậy?

Người đi đường đáp: Hiền Giả không biết sao?

Có Bồ Tát Pháp Lai là người cao quý nhất, ai ai cũng cúng dường, đảnh lễ. Bồ Tát ấy dùng minh độ làm nên đài này. Trong đó có hộp bằng bảy báu, dùng toàn vàng ròng màu tím, viết Kinh minh độ đựng trong hộp.

Dùng nhiều trăm loại hương thơm hằng ngày cúng dường Bồ Tát Pháp Lai và đem hương thơm nhiều loại hoa, đốt đèn, treo tràng hoa, lọng báu trổi lên đủ các loại nhạc đạo kính lễ cúng dường. Bồ Tát khác cũng vậy. Chư Thiên Cõi Trời Đao Lợi ngày đêm ba lần hương hoa thơm Cõi Trời cúng dường minh độ.

Nghe việc ấy, Bồ Tát Phổ Từ và các Thiện Nữ rất vui mừng, lấy nhiều hương thơm, tơ dệt bằng vàng may thành nhiều y trải lên trên, làm cờ, đệm, rèm trải lên đất, rồi đến tòa cao của Bồ Tát Pháp Lai, cách pháp hội không xa. Từ xa trông thấy ngay trên tòa cao là một người trẻ tuổi, dung mạo trang nghiêm, tỏa ánh sáng rực chiếu suốt cả muôn ức người, đang giảng nói về minh độ.

Đến gặp Bồ Tát Pháp Lai, họ dâng lên Pháp Sư nhiều loại hương thơm, bao nhiêu y báu rồi đảnh lễ, nhiễu quanh tám trăm vòng và tự quy y, thưa: Chúng con nguyện tiến đến hạnh cao cả, được Kinh tôn quý.

Bồ Tát Pháp Lai an ủi họ: Các vị đem nhiều lễ vật đến, không ai mỏi mệt chứ?

Các vị muốn gì, ta sẽ chiều theo, chớ có nghi ngại. Ta là thầy độ người, cho nên sẽ đáp ứng hết, không hề luyến tiếc điều gì.

Bồ Tát Phổ Từ thưa: Thưa Pháp Sư! Con vốn cầu minh độ. Lúc ở trong núi, con đang buồn rầu thì trên hư không có hóa Phật, thân ba mươi hai tướng, mầu vàng tía tỏa ra mười ức tia sáng rực rỡ.

Đức Phật khen ngợi con: Lành thay, lành thay! Cầu minh độ đến như vậy! Hãy đi về hướng Đông hơn hai muôn dặm, gặp nước Hương tịnh, trong đó có Bồ Tát Pháp Lai là vị được tôn kính nhất, thường hay dạy người. Nếu đến nghe sẽ được minh độ.

Nhiều muôn ức kiếp trước, vị ấy thường làm thầy ông. Khi ông mới phát tâm, vị này là thầy ông. Con nghe tên thầy, trong lòng rất vui mừng khôn xiết. Do vui mừng nên con liền thấy định của các Đức Phật mười phương.

Lúc ấy, các Đức Phật khen ngợi con: Lành thay, lành thay! Chúng ta cầu Phật, cầu minh độ cũng như vậy, tự đạt đến thành Phật.

Khi tỉnh dậy, không thấy gì cả, con tự nghĩ: Phật từ đâu đến và đi về đâu?

Cúi xin Pháp Sư nói cho biết.

Ngài Pháp Lai nói: Này Hiền Giả! Hãy nghe cho rõ, không, vô tướng, vô nguyện vốn không từ đâu đến, cũng không đi về đâu.

Đức Phật cũng vậy, không nơi chốn, không từ đâu sinh ra, không hình tướng như huyễn hóa, như ngựa bóng nắng, như người trong mộng. Diệt hết tưởng tượng, không sinh, không lớn, không có gì ưa thích, đi qua các cõi nhưng vốn thật không có nơi đến, đi cũng không về đâu, muốn biết Phật cũng vậy.

Bồ Tát Phổ Từ nghe pháp sâu xa như thế, có số đông Tỳ Kheo ngay tại chỗ ngồi đắc được sáu muôn định môn.

Thế nào là định môn là định không xứ sở?

Là định bỏ các tà vạy, trong không kinh sợ, là định gốc bỏ ái dục, là định thoát các hoạn nạn, là định không thể chấp các pháp cú nhập. Ví như nước biển không thể đo lường nhiều ít, so với trí tuệ đã nhập định. Núi Tu Di trang nghiêm là do công đức của định trang nghiêm.

Nếu lấy năm ấm, bốn đại, sáu suy không hình tướng mà quán định sẽ thấy định của Chư Phật, định của Bồ Tát. Các Kinh pháp không hình tướng của đạo thấy có nói về định. Châu báu trang sức cho định đều quán về châu báu nhập định, đều nghĩ nhớ về định của các Đức Phật.

Định của Bồ Tát trên tòa cao thật không thoái chuyển và quay bánh xe pháp là chuyển định, là trang nghiêm công đức của Phật, được nghe các việc thanh tịnh để đến được định thanh tịnh, được nghe các việc để biết về biển định. Không đạt được gì nếu không đi qua định.

Muốn âm thanh của Kinh khắp đến định thì sự hiển bày của Kinh pháp là cờ phướn của định. Thân Như Lai không hình tướng nhập định, thì các Kinh không hình tướng thấy khắp các định. Bồ Tát ghi khắc định, mắt Như Lai thấy định, chiếu sáng cảnh giới định.

Cõi Phật đã nguyện có đầy đủ định, hiểu được định khó trong mười phương, định trang nghiêm, sắp thành Phật định nhiều loại hoa khác mầu sắc, định nhiều thứ châu báu, định bánh xe pháp thường quay. Các âm thanh nghe từ xa cốt yếu nhập vào định, định căn bản nhập vào người ở khắp mười phương, các chí định cùng khắp ba cõi, định các công đức thành Phật, định lúc Bồ Tát ngồi dưới cây không gì hơn sáu độ.

Lưới định phá hoại ngoại đạo khác, định Như Lai thấy bay, định vô lượng công đức trang nghiêm, định các công đức trí tuệ châu báu, định trí nhất thiết địa, tất cả đều thanh tịnh từ định, đều chiếu sáng khắp định, đi vào người khắp mười phương là nhờ núi định. Trí tuệ căn bản phát ra từ trong định. Định cả ba đời đều bình đẳng. Như vậy so với Bồ Tát Phổ Từ được sáu muôn định.

Bấy giờ, Bồ Tát Pháp Lai đứng dậy đi vào cung điện.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần