Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Năm Mươi Ba - Phẩm Bổn Sinh Của Phật Thi Khí - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT

KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy  

PHẨM NĂM MƯƠI BA

PHẨM BỔN SINH

CỦA PHẬT THI KHÍ  

PHẦN MỘT  

Khi Bồ Tát còn tu khổ hạnh ở bên bờ sông Ưu Lâu Tần Loa, ngồi nằm theo hoàn canh, mặc áo xấu cũ, chỉ nhận vật dùng cần thiết.

Mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, hoặc một hạt lúa canh, hoặc một hạt tiểu đậu, hoặc một hạt đại đậu, hoặc một hạt lục đậu, hoặc một hạt đậu đỏ, hoặc một hạt đậu xanh.

Lúc đó Vua Thâu Đầu Đàn tìm kiếm Bồ Tát, không biết ở đâu nên hỏi mọi người: Hiện giờ con ta ở xứ nào?

Làm công việc gì?

Vào tháng, năm ấy Vua thầm sai một sứ giả đi thăm hỏi chỗ ở của Bồ Tát.

Nhà Vua dặn sứ giả: Khanh ngày hãy tìm kiếm con ta đang ở đâu?

Làm việc gì?

Báo tin cho ta biết.

Khi ấy các sứ giả lãnh sứ mạng, tâu Vua: Hạ thần sẽ y như lệnh Đại Vương dạy, không dám trái lời. Họ vội đi khắp nơi hỏi thăm tin tức, lần lần đi đến xứ Ưu Lâu Tần Loa, thấy Bồ Tát ở nơi đây tu hạnh khổ hạnh khó tu.

Sứ giả vội trở về báo tin cho Vua Thâu Đầu Đàn: Bạch Đại Vương, lành thay! Hiện nay Đồng Tử đang tu khổ hạnh tại xứ Ưu Lâu Tần Loa, chỗ ở của người đều tùy theo hoàn cảnh, mỗi ngày ăn một hạt đậu xanh.

Đại Vương Thâu Đầu Đàn nghe tâu như vậy, lòng buồn áo não không vui, cất tiếng than: Ôi thôi, con ta ơi! Thân con mềm mại yếu đuối, vì việc gì con phải làm như thế!

Tuần tự trong vòng sáu năm, sứ giả luôn luôn đem những tin tức lành dữ tâu lên cho Đại Vương biết.

Thuở ấy, nàng Da Du Đà La dòng họ Thích nghe sứ giả tâu: Đồng Tử đang ở chỗ khổ sở, tu khổ hạnh, chỗ ở ngủ nghỉ tùy hoàn cảnh, mỗi ngày ăn một hạt đậu xanh.

Nàng nghe việc như vậy rồi suy nghĩ: Vì sao chồng ta đang tu khổ hạnh mà ta an nhiên hưởng thọ. Thật là điều không tốt. ta cũng tùy thuận pháp tu của Đồng Tử mà hành khổ hạnh.

Nàng suy nghĩ như vậy rồi, liền cởi bỏ tất cả các đồ trang sức quý giá như chuỗi anh lạc, vàng, bạc, lưu ly, chân châu, ma ni, phấn sáp, tràng hoa rồi mặc toàn đồ trắng, chỉ để lại búi tóc trên đầu. Đồ nằm tầm thường, ăn cơm dỡ chỉ sao cho đủ sống. Người đời khổ hạnh không hơn như vậy được.

Sau khi Đức Thế Tôn đã thành đạo rồi, Ưu Đà Di bạch Phật: Tại sao Da Du Đà La khi biết Thế Tôn tu khổ hạnh trong rừng núi, nàng khéo tùy thuận Thế Tôn mà tu khổ hạnh, các người thế gian không thể sánh bằng?

Đức Phật bảo Ưu Đà Di: Này Ưu Đà Di, nàng Da Du Đà La dòng họ Thích, chẳng chỉ mới đời này khi thấy ta tu khổ hạnh trong rừng núi, nàng có thể theo pháp của ta mà tu khổ hạnh, nhưng trong đời quá khứ, khi thấy ta lâm ách nạn nàng cũng theo ta vào nơi đại khổ nạn.

Ưu Đà Di bạch Phật: Việc ấy như thế nào, xin Ngài kể rõ.

Đức Phật bảo Ưu Đà Di: Ta nhớ thuở quá khứ lâu xa, trong vùng núi rừng khe thác vô cùng vắng vẻ, yên tĩnh. Ở đó có một con nai chúa dẫn đầu bầy nai, ăn cỏ lá để sống. Vào một hôm nọ, nai tuần tự dạo khắp đó đây, bị sa vào bẫy lưới của một thợ săn.

Bầy nai hoảng hốt bỏ chạy tứ tản. Khi ấy chỉ còn một con nai cái thây nai chúa sa bẫy, liền đứng lại không chạy.

Thuở ấy bầy nai biết tiếng người, nên nai cái dùng kệ nói với nai chúa:

Nai chúa phải nỗ lực

Đầu và chân phải mạnh

Thợ săn rập bủa lưới

Lúc này họ chưa đến.

Nai chúa dùng kệ đáp lại nai cái:

Ta nay tuy dùng sức

Không thể phá bẫy này

Vì da làm dây lưới

Trói buộc lại càng chặt.

Núi rừng cảnh tuyệt đẹp

Suối ngọt, cỏ xanh ngon

Nguyện cho đời vị lai

Chẳng còn tai ương này.

Có kệ:

Thuở ấy hai nai này

Sợ hãi lệ tuôn trào

Do vì thợ săn đến

Cầm gậy lại cầm dao.

Thấy thợ săn cầm gậy đến, nai chúa dùng kệ bảo nai cái:

Kia là thợ săn, họ sắp đến

Mặc áo da nai, thân đen sạm

Nay đến quyết lột lấy da ta

Chặt nhỏ thân ta, họ mang về.

Khi ấy nai cái ngước nhìn thợ săn đang tiến đến trước mặt mình, nói kệ:

Lành thay bác thợ săn.

Nay nên trải cỏ ra

Trước mổ da thịt ta

Rồi giết nai chúa sau.

Thợ săn hỏi nai cái: Nai chúa này cùng với ngươi thân thuộc thế nào?

Nai cái đáp: Nai chúa này là chồng của tôi, hết sức yêu kính nhau.

Vì vậy nên tôi nghĩ thế này: Mong rằng chúng tôi chẳng bị cảnh ái biệt mà phân ly. Vì vậy xin bác giết tôi trước, sau mới giết nai chúa.

Lúc ấy tên thợ săn nghĩ: Hiền phụ này thật là ít có. Là loài nai mà có lòng chung thủy sâu nặng như vậy.

Thợ săn đối với nai cái hết sức vui lòng, dùng kệ đáp:

Từ nhỏ đến nay chưa từng nghe

Thấy có loài thú biết tiếng người

Việc này thế gian thật ít có

Ta nào nỡ sinh tâm sất hại.

Ta nay chẳng những không giết ngươi

Chồng ngươi ta cũng đều phóng thích

Vậy mạng hai ngươi đều được sống

Nguyện vợ chồng ngươi hường đoàn tụ.

Thợ săn đến chỗ bẫy, thả nai chúa ra.

Nai cái thấy chồng mình được tự do, rất vui mừng hớn hở toàn thân, không thể tự chế, lại dùng kệ thưa thợ săn:

Lành thay thợ săn thật cao cả!

Thân quyến thấy bác đều hoan hỷ

Như ta thấy được chồng giải thoát

Vui mừng hớn hở cũng như nhau.

Đức Phật bảo Ưu Đà Di: Thầy phải biết, nai chúa thuở ấy đâu phải người nào khác, là thân ta ngày nay. Nai cái thuở đó là tiền thân của nàng Da Du Đà La ngày nay. Da Du Đà La thuở ấy còn theo ta chịu đại khổ ách, huống chi là ngày hôm nay tùy thuận ta thực hành đại khổ hạnh.

Đối với việc người đời không thể làm được mà nàng có thể làm được. Nói về La Hầu La, do bị nghiệp nhân quá khứ làm khổ sở nên ở trong thai mẹ sáu năm. Còn Da Du Đà La vì Bồ Tát nên chịu buồn khổ, không trang điểm.

Khi Như Lai mãn sáu năm tu khổ hạnh, chứng quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vua Thâu Đầu Đàn vẫn sai sứ giả theo dõi tin tức.

Khi sứ giả thấy Đức Phật Thế Tôn rời chỗ ngồi thì vội vã trở về Hoàng Cung, tâu Vua Thâu Đầu Đàn: Bạch Đại Vương, ngày nay Thái Tử đã thỏa mãn tâm ý, rời khỏi chỗ ngồi, không còn tu khổ hạnh nữa.

Vua Thâu Đầu Đàn nghe tâu như vậy, liền sai sứ giả khác và dặn: Các khanh phải đi đến chỗ Thái Tử.

Đến đó truyền lời của ta như thế này: Con không còn tu khổ hạnh, vậy mau trở về thống lãnh Quốc Gia, làm chuyển Luân Thánh Vương đầy đủ bảy báu. Hai sứ giá vâng lãnh sắc lệnh, như lời Vua dạy theo đúng sắc lệnh, đi đến chỗ Thái Tử.

Đến nơi, họ đầu mặt đảnh lễ sát chân Thái Tử, đứng lui về một bên, bạch Thái Tử: Lành thay!

Thưa Thái Tử, Đại Vương Thâu Đầu Đàn sai hạ thần đến đây truyền lời Đại Vương cho Thái Tử biết: Con không còn tu khổ hạnh, nên mau trở về thống lãnh Quốc Gia, làm chuyển Luân Thánh Vương đầy đủ bảy báu.

Nghe hai sứ giả thưa như vậy, Thế Tôn nói kệ:

Người nào đã điều phục

Người đời không lay chuyển

Cảnh Chư Phật vô biên

Đến đi không tung tích.

Nếu người không sa lưới

Ái không do đâu sinh

Cảnh Chư Phật vô biên

Đến đi không tung tích.

Khi ấy Da Du Đà La ở trong cung, nghe tin Thái Tử hết tu khổ hạnh, hy vọng chẳng bao lâu chắc chắn sẽ trở về thọ lãnh Vương vị, làm chuyển Luân Thánh Vương cai trị dân chúng.

Bà lại nghĩ: Thái Tử làm chuyển Luân Thánh Vương, ta sẽ làm đệ nhất phi. Vì vậy bà vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân, không thể tự chế, đem các loại dầu thơm thoa vào thân, mặc y phục quý giá và trang sức bằng chuỗi anh lạc, ăn toàn thức ăn thượng vị, nằm ngủ trên bảo sàng với đồ mềm mại. Làm như vậy là để chờ đón Thái Tử.

Khi La Hầu La ở trong thai mẹ đã sáu năm, nghiệp báo trong quá khứ đã mãn, cũng chính là lúc Da Du Đà La tự bổ dưỡng cho mình. Do vậy, La Hầu La mới chào đời.

Khi La Hầu La ra đời, mọi người trong cung vội vã đến tâu lên Vua Thâu Đầu Đàn: Lạ thay! Tâu Đại Vương, Da Du Đà La đến nay mới sinh con.

Nhà Vua nghe tâu như vậy, hết sức phẫn nộ, nói: Thái Tử con ta xả tục xuất gia đã sáu năm, đến nay Da Du Đà La mới sinh con, ở đâu có vậy?

Lúc ấy Thích Đề Bà Đạt Đa thưa: Đứa bé đó là con tôi.

Đại Vương Thâu Đầu Đàn lại càng tức giận, liền cho triệu tập tất cả người trong Hoàng Gia, tuyên bố: Này các khanh phải biết, Da Du Đà La không giữ gìn thanh danh Thái Tử con ta, cũng không giữ gìn thanh danh ta, cũng không giữ danh dự.

Tâm ý nàng buông lung làm ô nhục tôn tộc chúng ta, ngày nay chúng ta phải làm gì để phạt nó?

Bấy giờ tất cả hoàng tộc đồng thanh nói: Da Du Đà La làm ô nhục gia tộc chúng ta. Chúng ta phải đem khổ nhục pháp của hoàng gia mà trị phạt.

Lúc ấy trong cuộc họp có một Đại Thần đề nghị: Nên cắt tóc nó. Dùng gậy đánh nó, đánh rồi gây thương tích trên người.

Lại có một Đại Thần khác đề nghị: Phải cắt tai, mũi nó quăng đi.

Lại có một Đại Thần khác đề nghị: Nên móc hai con mắt nó.

Lại có một Đại Thần khác đề nghị: Đâm lủng thân nó rồi xỏ cột trên cây.

Lại có một Đại Thần khác đề nghị: Ném nó xuống dưới giếng lạng.

Lại có một Đại Thần khác đề nghị: Ném nó trong đống lửa.

Lại có một Đại Thần khác đề nghị: Bắt nó ôm cột sắt nung cháy.

Lại có một Đại Thần khác đề nghị: Cột tay chân nó rồi cho bầy bò giậm đến chết.

Lại có một Đại Thần khác đề nghị: Bắt nó nằm trên đất cho voi lớn giậm qua.

Lại có một Đại Thần khác đề nghị: Dùng cưa xả ra từ đầu đến chân.

Lại có một Đại Thần khác đề nghị: Chặt thân nó làm tám khúc.

Bấy giờ Đại Vương Thâu Đầu Đàn tuyên bố với các Đại Thần: Ngày nay ta ra lệnh cho Da Du Đà La và con của nó đều phải chết. Thuở ấy Thái Tử đã thành đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nên nhìn thấy nàng Da Du Đà La và con nàng bị ách nạn.

Do lòng từ bi nên nơi nào khổ nạn Ngài cũng đều thấy. Có Trời Tỳ Sa Môn cách Đức Phật chẳng xa, Thiên Vương này biết được ý của Như Lai, liền cầm bút mực và lá kè dâng lên Như Lai.

Lúc ấy tự tay Thế Tôn viết thư cho Phụ Vương: Thưa Đại Vương, đứa bé Da Du Đà La sinh ra là con của con. Xin Phụ Vương chớ nghi. Lúc ấy Thiên Vương Tỳ Sa Môn vội vã đi đến giữa đám Quần Thần của Vua Thâu Đầu Đàn, đưa thư này cho Nhà Vua.

Có bức thư làm chứng rõ ràng, Vua Thâu Đầu Đàn xem xét mới thấy rõ ràng những dòng chữ trong bức thư này chính là tay Thái Tử Tất Đạt Đa, con mình viết. Vua Thâu Đầu Đàn và các vị Đại Thần vì bức thư này mới hoan hỷ đối với Da Du Đà La.

Thuở ấy, Da Du Đà La nghe người nói lại: Đại Vương ra sắc lệnh sắp giết hai mẹ con mình.

Vì để bảo tồn thân mạng nên nàng vội vã đi đến Cung Điện của Ma Ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di tâu lên: Lành thay! Thưa Tôn hậu, việc này con vô tội. Hài nhi này là dòng máu của Thái Tử. Nghe rằng một thời gian ngắn nữa, Thái Tử sẽ trở về. Khi Thái Tử về thì sự vụ này sẽ rõ.

Nếu nay tính giết mẹ con con, thật là oan uổng! Khi Ma Ha Ba Xà Ba Đề nghe Da Du Đà La tâu lên như vậy, rất hoan hỷ, liền cho tỳ nữ đến thỉnh Vua Thâu Đầu Đàn đến vườn cây A Du Ca.

Khi Nhà Vua giá lâm thì Ma Ha Ba Xà Ba Đề tâu lên Nhà Vua: Cúi xin Đại Vương xét cho.

Nay nàng Da Du Đà La dòng họ Thích đến đây tâu với thiếp: Việc này con vô tội. Hài nhi này là dòng máu của Thái Tử. Nếu Thái Tử về đây thì việc này hư thật tự rõ. Vì vậy, xin Đại Vương đừng ra lệnh giết mẹ con họ. Cần phải đợi Thái Tử về liền biết việc này sự thật thế nào.

Khi ấy Vua Thâu Đầu Đàn nghe Ma Ha Ba Xà Ba Đề tâu những điều hợp tình hợp lý như vậy, liền bảo Ma Ha Ba Xà Ba Đề: Lời này thật có lý, nên y như lời của tôn hậu, chúng ta nên đợi Thái Tử về. Nếu không đúng như vậy thì việc này chẳng biết xác định thế nào. Tuy như vậy, nhưng Nhà Vua đối với Da Du vẫn chưa hoan hỷ. Do vậy, nên chỉ cấp một ít y phục và chuỗi anh lạc, đồng thời ra lệnh an trí sống một mình.

Sau đó Da Du Đà La lại đi đến Ma Ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di tâu lên: Lành thay! Thưa Tôn hậu, ngày nay con muốn đến trong vườn để tế lễ đền đáp nguyện nhỏ với Chư Thiên, không biết Tôn hậu có cho phép hay không?

Lúc bấy giờ Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng Da Du Đà La đem theo La Hầu La, sắm đầy đủ lễ vật đi đến đền thờ Thiên Thần. Vị Thần này tên là Lô Đề La Ca nên lâm viên cũng lấy tên Thiên Thần là Lô Đề La Ca. Nơi đây thuở xưa, khi còn tại gia Bồ Tát thường đến vui chơi an nghỉ nơi vườn này. Trong vườn có một tảng đá lớn, là nơi khi xưa Bồ Tát ngồi trên đó.

Lúc ấy Da Du Đà La đặt La Hầu La nằm nghỉ trên tảng đá này, rồi sau đó xô tảng đá xuống nước, thề nguyện: Ta nay phát lời thề chân thật không giá dối. Việc này chỉ với Thái Tử, ngoài ra không với một người đàn ông nào khác. Đứa con của tôi thật là dòng máu của Thái Tử.

Nếu điều này không hư dối thì khiến tảng đá này nổi lên mặt nước, không chìm. Lúc ấy tảng đá lớn đúng như lời thề, nổi trên mặt nước, giống như tàu lá chuối nổi trên nước, không bị chìm.

Bấy giờ mọi người thấy việc như vậy cho là điều hy hữu, xôn xao, vui mừng hớn hở không thôi, reo hò, ca múa, xướng hát, vung vạt áo, tay áo rồi lại trổi các kỹ nhạc.

Khi Vua Thâu Đầu Đàn nghe việc này, hết sức vui mừng tràn ngập toàn thân, không thể tự chế, liền ra lệnh trong hoàng thành Ca Tỳ La Bà Tô Đô dọn dẹp gai góc, sạn sỏi, đất đá và các vật bất tịnh ô uế.

Lại dùng nước thơm rưới mặt đường, quét dọn sửa sang bằng phẳng, tại các nơi, an trí lư hương được đốt bằng các loại hương thơm tuyệt diệu. Xen lẫn giữa các lư hương đặt những bình quý đựng đầy nước hoa với những cành hoa thơm ngát.

Lại giữa các hư hương và bình hoa có trồng các cây chuối thành hàng dài, trên đó treo những dải lụa sặc sỡ, với những cờ phướn đầy đủ màu sắc cùng những chuỗi ngọc quý tung bay khắp nơi, cùng với mành lưới gắn linh vàng bủa khắp phía trên.

Lại tạo những hình mặt trời, mặt trăng, tinh tú treo trên hư không với những chuỗi hoa bằng ngọc rủ xuống.

Lại dùng các đuôi mao ngưu xen lẫn bên trong. Khi thành Ca Tỳ La được trang hoàng xong, tráng lệ giống như thành Càn Thát Bà. Sau khi trang hoàng xong, Nhà Vua liền rước La Hầu La vào thành.

Sau đó Vua lại triệu tập thân bằng quyến thuộc hoàng gia họ Thích, tất cả đều tề tựu đông đủ rồi mới trần thiết các vật cần dùng, tài vật, đồ ăn uống Lại tổ chức một ngày sinh nhật riêng cho La Hầu La.

Khi Da Du Đà La lâm bồn thì Thần La Hầu La A Tu La Vương dùng tay che ánh sáng mặt trăng trong khoảng thời gian ngắn, chốc lát rồi buông ra.

Do vậy, các Quần Thần quyến thuộc họ Thích nhóm họp lại bàn luận: Khi Thần A Tu La che mặt trăng trong thời gian ngắn thì nhằm lúc sinh Đồng Tử, vì vậy đặt tên cho Đồng Tử là La Hầu La. La Hầu La khôi ngô dễ thương, mọi người trông thấy ai cũng hoan hỷ.

Da thịt trắng vàng như màu vàng chân kim, đầu tròn như chiếc lọng, mũi cao thẳng như chim anh vũ, đôi cánh tay dài thon duỗi dài quá gối. Tất cả các bộ phận trên người không có khuyết giảm. Các căn đều hoàn hảo, không một căn nào là không hoàn bị.

Bấy giờ Vua Thâu Đầu Đàn vì La Hầu La chọn bốn di mẫu.

Bốn di mẫu làm những gì?

Một bà bồng bế, một bà tắm rửa, một bà bú mớm, một bà dẫn dạo chơi. Bốn di mẫu này tùy theo thời tiết nuôi dưỡng nên chẳng bao lâu La Hầu La đã được khôn lớn.

Thuở đó Đức Thế Tôn chuyển pháp luân tại thành Ba La Nại, tiếng thuyết pháp được Chư Thiên các Cõi Trời truyền nhau lên đến cõi Phạm đảnh.

Khi ấy Vua Thâu Đầu Đàn nghe Thái Tử thành đạo, sau khi thành đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, Thế Tôn đến thành Ba La Nại chuyển đại pháp luân, vì Chư Thiên và dân chúng mà thuyết giảng diệu pháp.

Bấy giờ Vua Thâu Đầu Đàn đối với Thế Tôn nhớ nhung gấp bội, suy nghĩ: Ta phải dùng phương tiện gì để khiến Thái Tử thương xót quyến thuộc, mau trở về thành Ca Tỳ La?

Rồi Vua lại nghĩ: Phải sai ai làm sứ giả?

Ai là người có trí lược thông thạo trong việc này?

Vua lại nghĩ thế này: Ưu Đà Di, con của Quốc Sư, kế đến là Xa Nặc. Hai người này từ nhỏ đến lớn đã cùng với Tất Đạt Đa luôn luôn gần gũi thân thiết, giao du với nhau. Hai người này có khả năng đi đến chỗ Tất Đạt Đa. Vậy nay ta có thể sai hai người này làm sứ giả.

Nhà Vua liền đòi Ưu Đà Di con Quốc Sư và Xa Nặc đến, bảo: Này hai khanh, nay hai khanh phải biết, ngày nay Thái Tử đã thành tựu quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Người đã đến thành Ba La Nại chuyển pháp luân, vì Chư Thiên, dân chúng mà diễn nói các pháp.

Nay các khanh nên mau đến đó, đọc sắc lệnh của ta, truyền ý muốn của ta: Ngày nay Thái Tử tu khổ hạnh đã đến chỗ cùng tột, thỏa mãn tâm ý, đã chứng quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đã chuyển Vô Thượng pháp luân, vì Chư Thiên, dân chúng diễn thuyết các pháp.

Lành thay! Thưa Thái Tử, hãy thương xót quyến thuộc mà trở về thành Ca Tỳ La.

Bấy giờ Ưu Đà Di, con của Quốc Sư cùng với Xa Nặc tâu Vua: Đại Vương phải biết, nếu Thái Tử Tất Đạt Đa không về thì chúng tôi không biết phải dùng kế gì?

Đại Vương bảo: Hai khanh chỉ nghe lời Thái Tử dạy bảo.

Ưu Đà Di, con Quốc Sư và Xa Nặc liền tâu Nhà Vua: Theo như lời Đại Vương dạy, kẻ hạ thần này không dám trái lệnh. Hai người lãnh chiếu chỉ, đảnh lễ dưới chân Nhà Vua, rồi mỗi người trở về gia đình mình từ giã cha mẹ, quyến thuộc. Hai người lần lần đi đến Vườn Nai, chỗ ở của Chư Tiên Nhân, thuộc nước Ba La Nại.

Đến nơi, hai người đảnh lễ dưới chân Thế Tôn rồi đứng lui về một bên và bạch: Ngày nay chúng tôi phụng lệnh Đại Vương Thâu Đầu Đàn mang Thánh chỉ đến đây.

Thánh chỉ dạy: Lành thay Thái Tử, ngày nay Thái Tử tu khổ hạnh đã được siêu việt, đã mãn nguyện chứng quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, chuyển đại pháp luân, lại vì Chư Thiên, dân chúng diễn thuyết các pháp.

Lành thay Thái Tử, nay vì thương xót tất cả thân bằng quyến thuộc có thể trở về thành Ca Tỳ La Bà Tô Đô.

Đức Thế Tôn nghe nói như vậy liền nói kệ:

Nếu người đã điều phục

Người đời không lay chuyển

Cảnh Chư Phật vô biên

Đến đi không tung tích.

Nếu người không sa lưới

Ái không do đâu sinh

Cảnh Chư Phật vô biên

Đến đi không tung tích.

Lúc bấy giờ Ưu Đà Di con Quốc Sư và Xa Nặc bạch: Thế Tôn muốn chúng tôi nên làm gì?

Đức Phật dạy: Các ông có thể học pháp xuất gia như các đệ tử này của ta được không?

Tuy Thế Tôn hỏi hai người như vậy nhưng trước họ đã đối với Phật có ý ngưỡng mộ xuất gia, nhân đấy họ bạch Phật: Hai chúng tôi đều hâm mộ xuất gia. Khi ấy Đức Thế Tôn liền cho họ xuất gia thọ giới Cụ túc.

Từ khi Đức Thế Tôn xuất gia cho đến khi thành đạo, rời khỏi tòa chưa từng xoay mặt về hướng quê hương thành Ca Tỳ La, cho đến khi chưa hóa độ năm Tỳ Kheo thiện hữu tri thức và cho đến thân bằng thiện hữu của Da Du Đà, bốn vị trưởng giả ở thành Ba La Nại: Một là Tỳ Ma La, hai là Tô bà hầu, ba là Phú Lâu Na và bốn là Bà Bà Bát Đế.

Bấy giờ Tôn Giả Da Du Đà có trên năm mươi bạn thân.

Trưởng lão Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử có đồ chúng là ba mươi mốt người.

Trưởng lão Ma Ha Ca Chiên Diên lại có tám vạn bốn ngàn đệ tử.

Trưởng lão Bà Tỳ Da cũng có đệ tử lớn, là ba mươi người và số bạn thân đồng hành là sáu mươi người. Tại làng Mê Kỳ Da có trưởng lão Na Tỳ Ca Tê Na Da Na.

Lại một Bà La Môn có hai người con gái, một người là Nan Đà, một người là Bà La.

Lại có vợ chồng Bà La Môn Đề Bà, trưởng lão Tần Loa Ca Diếp gồm có năm trăm Phạm chí Loa kế.

Lại có trưởng lão Phạm Chí Loa Kế Na Đề Ca Diếp gồm ba trăm đồ chúng.

Lại có trưởng lão Dà Da Ca Diếp với số đồ chúng là hai trăm người.

Lại có trưởng lão Ưu Ba Tư Na có hai trăm năm mươi người.

Lại có năm trăm Tiên Nhân tu khổ hạnh trong rừng Thọ Lâm. Vì họ mà Đức Phật đã tuôn trận mưa pháp.

Lại Vua Tần Bà Sa La và bá quan, dân chúng trong thành Vương Xá gồm có chín mươi hai na do tha người.

Lại có trưởng lão Ma Ha Ca Diếp, trưởng lão Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và năm trăm đệ tử của ngoại đạo San Xà Da Ba Lê Bà Xà Ca.

Khi Đức Thế Tôn Giáo hóa những người ấy rồi, sau đó Ngài mới ngồi xoay mặt về hướng quê hương thành Ca Tỳ La.

Bấy giờ Ưu Đà Di thấy Thế Tôn ngồi xoay mặt về quê hương thành Ca Tỳ La.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần