Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Cứu Cánh Kiên Cố Và Mật Nhân Của Như Lai Về Chư Bồ Tát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa - Phần Hai Mươi Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH CỨU CÁNH
KIÊN CỐ VÀ MẬT NHÂN CỦA NHƯ LAI
VỀ CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH ĐỂ TU
CHỨNG LIỄU NGHĨA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường
PHẦN HAI MƯƠI HAI
Này Khánh Hỷ! Ở Thế Giới Kham Nhẫn có tám mươi bốn ngàn tinh tú báo hiệu cho tai biến xấu. Trong số đó có hai mươi tám đại tinh tú là báo hiệu cho điềm xấu nhất. Và trong đó lại có tám đại tinh tú là báo hiệu cho điềm xấu cực kỳ.
Chúng hiện ra đủ mọi hình thù, và có thể phát sanh đủ mọi tai ương khác lạ khi xuất hiện ở thế gian. Tuy nhiên, nếu ở chốn nào có Thần Chú này thì trong vòng mười hai yojana sẽ trở thành chỗ kết giới, mọi tai ương điềm xấu thảy đều diệt trừ và vĩnh viễn không thể lọt vào.
Cho nên Như Lai đã tuyên thuyết Thần Chú này là để bảo hộ những hành giả mới tu học ở vào đời vị lai, hầu giúp họ vào chánh định, thân tâm an nhiên, và được an ổn tự tại. Lại nữa, họ sẽ không bị tất cả chúng ma quỷ thần cùng oán thù tai ương ở đời trước và nghiệp vay nợ thuở xưa từ vô thỉ đến não hại.
Giả sử ông và các vị hữu học cùng những hành giả ở vào đời vị lai y theo cách kiến lập đàn tràng mà Ta đã dạy và trì giới đúng như giáo Pháp, lại được thọ giới từ vị Tăng thanh tịnh, và cũng trì chú này với lòng không sanh nghi ngờ hay hối tiếc, nếu như thiện nam tử này ở ngay tại thân do cha mẹ sanh ra mà tâm chẳng thông đạt, thì tức là mười phương Như Lai đã vọng ngữ.
Khi nói lời ấy xong, vô lượng trăm ngàn kim cang thần ở trong chúng hội đồng một lúc chắp tay và đảnh lễ ở trước Phật, rồi thưa với Phật rằng: Tùy thuận như lời dạy của Phật, chúng con sẽ thành tâm bảo hộ những vị tu đạo như thế.
Lúc bấy giờ Phạm Vương, Năng Thiên Đế, và Tứ Đại Thiên Vương cũng đồng một lúc đảnh lễ ở trước Phật, rồi thưa với Phật rằng: Nếu có những người thiện nào tu học như thế, chúng con sẽ tận tâm chí thành bảo hộ và khiến cho việc làm của họ ở trong đời hiện tại sẽ như ước nguyện.
Lại có vô lượng đại tướng tiệp tật, chúa quỷ bạo ác, chúa quỷ úng hình, chúa quỷ hút tinh khí, chướng ngại thần, và các đại quỷ vương khác cũng chắp tay và đảnh lễ ở trước Phật, rồi thưa rằng: Chúng con cũng phát thệ nguyện để hộ trì những người ấy và làm cho đạo tâm của họ mau được viên mãn.
Lại có vô lượng Nhật Thiên Tử, Nguyệt Thiên Tử, phong thiên, vũ thiên, vân thiên, lôi thiên, điện thiên, và những vị khác như thế, cùng với những vị quan Trời niên tuế tuần tra và hàng quyến thuộc cũng ở trong Pháp hội, họ đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi thưa với Phật rằng: Chúng con cũng sẽ bảo hộ những người tu hành này, làm cho Đạo Tràng bình an và họ sẽ không phải sợ bất cứ điều gì.
Lại có vô lượng thần núi, thần biển, muôn chúng thần linh của vạn vật đi trên đất, bơi trong nước, hay bay giữa Trời, cùng với chúa thần của gió và các vị Trời từ Cõi Vô Sắc, cũng đồng một lúc cúi đầu ở trước Như Lai, rồi thưa với Phật rằng: Chúng con cũng sẽ bảo hộ các vị tu hành này để họ vĩnh viễn không có những việc ma và mau được thành đạo.
Bấy giờ tám mươi bốn ngàn nayuta hằng hà sa ức chư Bồ Tát ở trong chủng tộc của Kim Cang Tạng Vương đang ở giữa đại hội, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi thưa với Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Tương tự như các vị khác tu hành công đức, từ lâu chúng con đã giác ngộ nhưng lại không chọn vào tịch diệt. Trái lại, chúng con luôn đi theo để cứu hộ những ai chân chánh tu hành môn chánh định của Thần Chú này ở vào thời mạt pháp.
Thưa Thế Tôn! Những ai tu tâm để cầu chánh định như thế, hoặc họ ở tại Đạo Tràng, hoặc đang đi trên đường, và cho đến tâm tán loạn khi dạo qua xóm làng, thì quyến thuộc chúng con cũng sẽ luôn tùy tùng để bảo vệ người ấy.
Cho dù Ma Vương ở Trời Tha Hóa Tự Tại thường mãi tìm cách để trục lợi từ họ thì vĩnh viễn không thể được. Trong vòng mười yojana, hàng tiểu quỷ thần không thể đến gần những người thiện này duy trừ họ đã phát khởi đạo tâm và vui thích tu thiền định.
Thưa Thế Tôn! Nếu những ác ma như thế hoặc hàng quyến thuộc của ma mà muốn đến xâm hại hay quấy nhiễu người hiền lương này, chúng con sẽ vung chày báu đập nát đầu của chúng ra thành như các hạt vi trần. Chúng con cũng luôn giúp mọi việc làm của người ấy sẽ như ước nguyện.
Lúc ấy Ngài Khánh Hỷ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi bạch Phật rằng: Chúng con ngu độn, chỉ thích đa văn, và vẫn ở trong các tâm hữu lậu mà chẳng mong ra khỏi. Nhờ lời dạy từ bi của Phật nên chúng con mới tu hành chân chánh, thân tâm an nhiên, và được lợi ích lớn lao.
Bạch Thế Tôn! Giả sử có người tu chứng chánh định của Phật như thế nhưng vẫn chưa đạt đến tịch diệt. Sao gọi là giai đoạn của trí tuệ khô?
Bốn mươi bốn giai đoạn mà tâm lần lượt trải qua để đạt đến mục đích tu hành là những gì?
Ở giai đoạn nào thì gọi là vào trong Mười Địa?
Sao gọi là Bồ Tát ở giai đoạn Đẳng Giác?
Khi nói lời ấy xong, Ngài cúi đầu đảnh lễ sát đất. Đại chúng cũng nhất tâm chờ đợi âm thanh từ bi của Phật và chiêm ngưỡng không nháy mắt.
Lúc bấy giờ Thế Tôn ngợi khen Ngài Khánh Hỷ rằng: Lành thay, lành thay! Các ông đã có thể rộng vì đại chúng cùng tất cả chúng sanh ở vào thời mạt pháp, là những vị tu chánh định và cầu Pháp Đại Thừa, mà hỏi Ta chỉ ra con đường tu hành chân chánh vô thượng để dẫn họ từ giai đoạn phàm phu cho đến vào đại tịch diệt sau cùng.
Ông nay hãy lắng nghe! Ta sẽ thuyết giảng cho ông. Tôn Giả Khánh Hỷ cùng đại chúng chắp tay với tâm khai mở và yên lặng chờ đợi giáo huấn.
Đức Phật bảo: Này Khánh Hỷ! Phải biết rằng diệu tánh viên minh lìa mọi danh tướng và nó vốn không có Thế Giới hay chúng sanh. Nhân bởi hư vọng mà có sanh khởi và nhân bởi sanh khởi mà có diệt mất. Sanh diệt là hư vọng. Một khi hư vọng diệt trừ thì đó là chân thật. Sự xoay chuyển để trở về bất nhị này gọi là tuệ giác vô thượng của Như Lai, là đại tịch diệt.
Này Khánh Hỷ! Ông nay muốn tu hành chánh định chân chánh để thẳng đến đại tịch diệt của Như Lai, thì trước tiên phải hiểu nhân của hai loại điên đảo: Đó là chúng sanh và Thế Giới. Khi điên đảo không sanh thì chánh định chân thật của Như Lai sẽ hiện ra.
Này Khánh Hỷ! Sao gọi là điên đảo về chúng sanh?
Này Khánh Hỷ! Do vì giác tánh của chân tâm là sự hiểu biết viên minh và nhân bởi sự hiểu biết này phát sanh một tánh khác, rồi từ tánh đó sanh ra một vọng kiến. Do vậy từ trong bổn giác hoàn toàn chẳng có gì mà cứu cánh thành có gì.
Mọi thứ từ cái có này đều không dựa ở bất cứ nhân nào. Chỗ nương trụ và tướng trụ của nó hoàn toàn vốn chẳng có căn gốc. Mặc dù chỗ trụ của nó vốn không có căn gốc, nhưng Thế Giới và các chúng sanh lại được kiến lập.
Sự mê muội về bổn giác viên minh là sanh bởi hư vọng. Tánh của hư vọng này chẳng có tự thể và nó không có chỗ y tựa. Giả sử như muốn trở về tánh chân, nhưng cái muốn cho sự chân thật đó đã chẳng phải là chân thật rồi.
Tánh của chân như không phải là một chân thật mà có thể mong cầu để trở về. Khi uyển chuyển như thế sẽ trở thành phi tướng, rồi phi sanh, phi trụ, phi tâm, và phi pháp sẽ triển chuyển phát sanh. Từ năng lực của sanh phát khởi hiểu biết. Khi huân tập sẽ trở thành nghiệp. Nghiệp tương đồng sẽ thu hút với nhau. Nhân bởi có nghiệp cảm nên tương sanh tương diệt. Bởi vậy mới có điên đảo về chúng sanh.
Này Khánh Hỷ! Sao gọi là điên đảo về Thế Giới?
Do từ cái có mà hư vọng sanh khởi phần này đoạn kia. Nhân đó mà ranh giới thành lập. Nó không dựa vào nhân nào hoặc làm nhân dựa cho thứ gì, không trụ hoặc có chỗ nào của trụ, và chỉ có đổi dời không ngừng. Nhân đó mà Thế Giới thành lập. Do ba đời và bốn phương của Thế Giới hòa hợp tương giao nên chúng sanh biến hóa và trở thành một trong mười hai thể loại.
Cho nên Thế Giới nhân bởi dao động mà có âm thanh. Nhân bởi âm thanh mà có hình sắc. Nhân bởi hình sắc mà có mùi hương. Nhân bởi mùi hương mà có xúc chạm. Nhân bởi xúc chạm mà có vị nếm. Nhân bởi vị nếm mà biết pháp trần. Do vì sáu loại vọng tưởng rối ren này nên hình thành nghiệp tánh và mười hai thể loại chúng sanh phải chịu luân chuyển.
Do vì có sắc thanh hương vị xúc pháp ở thế gian nên chúng sanh tiếp nối sanh ra ở trong mười hai thể loại và kết thành một vòng tròn. Do bởi cưỡi ở trên tướng điên đảo của luân chuyển này nên Thế Giới mới có chúng sanh sanh ra từ trứng, sanh ra từ bào thai, sanh ra từ ẩm ướt, hoặc sanh ra từ biến hóa. Có chúng sanh có sắc, vô sắc, có tưởng, vô tưởng, chẳng phải có sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải hoàn toàn có tưởng, hay chẳng phải hoàn toàn vô tưởng.
1. Này Khánh Hỷ! Nhân bởi chúng sanh luân hồi ở trong Thế Giới do hư vọng nên sanh khởi điên đảo từ dao động và nó hòa hợp với tinh khí để tạo thành tám mươi bốn ngàn loài loạn tưởng để bay hoặc bơi. Cho nên mới có giai đoạn phát triển đầu tiên của chúng sanh sanh ra từ trứng. Đó là cá, rùa, hay rắn và chủng loại của chúng đầy khắp Thế Giới.
2. Nhân bởi chúng sanh luân hồi ở trong Thế Giới do tạp nhiễm nên sanh khởi điên đảo từ ái dục và nó hòa hợp với chất sinh sản để tạo thành tám mươi bốn ngàn loài loạn tưởng để đứng thẳng hoặc đứng ngang. Cho nên mới có giai đoạn phát triển đầu tiên của chúng sanh sanh ra từ bào thai. Đó là con người, thú vật, rồng hay tiên và chủng loại của chúng đầy khắp Thế Giới.
3. Nhân bởi chúng sanh luân hồi ở trong Thế Giới do chấp trước nên sanh khởi điên đảo từ thú hướng và nó hòa hợp với ấm áp để tạo thành tám mươi bốn ngàn loài loạn tưởng để di chuyển mau lẹ. Cho nên mới có giai đoạn phát triển đầu tiên của chúng sanh sanh ra từ ẩm ướt. Đó là những loài sâu bọ và chủng loại của chúng đầy khắp Thế Giới.
4. Nhân bởi chúng sanh luân hồi ở trong Thế Giới do biến đổi nên sanh khởi điên đảo từ giả mượn và nó hòa hợp với xúc chạm để tạo thành tám mươi bốn ngàn loài loạn tưởng để thay mới bỏ cũ. Cho nên mới có giai đoạn phát triển đầu tiên của chúng sanh sanh ra từ biến hóa. Đó là những loài lột xác bay hoặc bò và chủng loại của chúng đầy khắp Thế Giới.
5. Nhân bởi chúng sanh luân hồi ở trong Thế Giới do ngăn ngại nên sanh khởi điên đảo từ chướng ngại và nó hòa hợp với chấp trước hiển thị để tạo thành tám mươi bốn ngàn loài loạn tưởng để sáng chói. Cho nên mới có giai đoạn phát triển đầu tiên của chúng sanh có sắc. Đó là những loài phát quang cho điềm tốt hay xấu và chủng loại của chúng đầy khắp Thế Giới.
6. Nhân bởi chúng sanh luân hồi ở trong Thế Giới do tiêu tán nên sanh khởi điên đảo từ nghi ngờ và nó hòa hợp với u ám để tạo thành tám mươi bốn ngàn loài loạn tưởng để ẩn tàng. Cho nên mới có giai đoạn phát triển đầu tiên của chúng sanh vô sắc. Đó là chúng sanh ở Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, hoặc Phi tưởng phi phi tưởng xứ và chủng loại của chúng đầy khắp Thế Giới.
7. Nhân bởi chúng sanh luân hồi ở trong Thế Giới do ảnh tượng giả tạo nên sanh khởi điên đảo từ bóng hình và nó hòa hợp với ký ức để tạo thành tám mươi bốn ngàn loài loạn tưởng để giấu kín. Cho nên mới có giai đoạn phát triển đầu tiên của chúng sanh có tưởng. Đó là quỷ thần yêu tinh ma quái và chủng loại của chúng đầy khắp Thế Giới.
8. Nhân bởi chúng sanh luân hồi ở trong Thế Giới do ám độn nên sanh khởi điên đảo từ si mê và nó hòa hợp với ngu đần để tạo thành tám mươi bốn ngàn loài loạn tưởng để khô héo. Cho nên mới có giai đoạn phát triển đầu tiên của chúng sanh vô tưởng. Tinh thần của chúng hóa thành đất, gỗ, kim loại, hay đá và chủng loại của chúng đầy khắp Thế Giới.
9. Nhân bởi chúng sanh luân hồi ở trong Thế Giới do phụ thuộc lẫn nhau nên sanh khởi điên đảo từ hư ngụy và nó hòa hợp với nhiễm ô để tạo thành tám mươi bốn ngàn loài loạn tưởng để cộng sinh. Cho nên mới có giai đoạn phát triển đầu tiên của chúng sanh chẳng phải có sắc. Chúng bao gồm nhiều loài khác nhau, như là hải quỳ phải nương con tôm để thấy và chủng loại của chúng đầy khắp Thế Giới.
10. Nhân bởi chúng sanh luân hồi ở trong Thế Giới do giao tiếp nên sanh khởi điên đảo từ bổn tánh và nó hòa hợp với chú thuật để tạo thành tám mươi bốn ngàn loài loạn tưởng để bị hô triệu. Cho nên mới có giai đoạn phát triển đầu tiên của chúng sanh chẳng phải vô sắc. Đó là những chúng sanh bị chú thuật trù ếm và chủng loại của chúng đầy khắp Thế Giới.
11. Nhân bởi chúng sanh luân hồi ở trong Thế Giới do hư vọng họp hội nên sanh khởi điên đảo từ giả dối và nó hòa hợp với dị biệt để tạo thành tám mươi bốn ngàn loài loạn tưởng để thay thế. Cho nên mới có giai đoạn phát triển đầu tiên của chúng sanh chẳng phải hoàn toàn có tưởng. Đó là giống ong thắt lưng nhỏ, hoặc những loài phát triển thân mình ở các loài khác, và chủng loại của chúng đầy khắp Thế Giới.
12. Nhân bởi chúng sanh luân hồi ở trong Thế Giới do oán hại nên sanh khởi điên đảo từ giết hại và nó hòa hợp với quái ác để tạo thành tám mươi bốn ngàn loài loạn tưởng để ăn thịt cha mẹ. Cho nên mới có giai đoạn phát triển đầu tiên của chúng sanh chẳng phải hoàn toàn vô tưởng.
Đó là những loài như: Con kiêu bám đất sanh con, chim phá kính đẻ trứng trong quả của cây độc để giữ con của nó. Khi con của chúng to lớn, nó lại ăn thịt cha mẹ mình, và chủng loại của chúng đầy khắp Thế Giới.
Đây là mười hai thể loại chúng sanh.
Này Khánh Hỷ! Mỗi loài trong mười hai thể loại chúng sanh này cũng đều có đầy đủ mười hai thứ điên đảo. Cũng như hoa đốm phát sanh khi ấn vào mắt, những điên đảo đó hoàn toàn che khuất chân tâm minh tịnh nhiệm mầu viên mãn với hư vọng loạn tưởng. Ông nay muốn tu chứng chánh định của Phật.
Ông phải kiến lập ba bước để dần dần thứ tự tăng tiến thì mới diệt trừ được căn nguyên bổn nhân của loạn tưởng đó. Như việc làm sạch một cái hũ đã đựng qua mật ong độc, chúng ta phải dùng nước nóng trộn với tro đốt trong lư hương để tẩy trừ. Sau khi cái hũ đã rửa sạch thì mới có thể đựng cam lộ.
Ba bước để dần dần thứ tự tăng tiến là những gì?
1. Tu tập để diệt trừ nhân hỗ trợ.
2. Chân thật tu trì để cắt đứt mọi vi phạm đến chánh hạnh căn bổn.
3. Thực hành tinh tấn để đối trị với nghiệp hiện ra.
Sao gọi là nhân hỗ trợ?
Này Khánh Hỷ! Hãy quán sát như sau: Mười hai thể loại chúng sanh trong thế gian không thể tự bảo toàn. Họ phải nương một trong bốn loại thức ăn để sinh sống. Đó là thức ăn của tiêu hóa, thức ăn của chạm xúc, thức ăn của ý niệm, và thức ăn của tâm thức. Cho nên Phật mới nói rằng, tất cả chúng sanh đều phải nhờ thức ăn để sinh sống.
Này Khánh Hỷ! Do vì hết thảy chúng sanh phải ăn mới có thể sống, nhưng nếu họ ăn phải chất độc thì sẽ tử vong. Những chúng sanh nào mong muốn vào chánh định thì phải tuyệt hẳn năm loại thực vật hôi nồng. Nếu ăn chín năm loại thực vật hôi nồng này thì sẽ phát sanh dâm dục, còn ăn sống thì sẽ gia tăng sân khuể.
Cho dù những người ăn năm loại thực vật hôi nồng mà có thể giảng giải mười hai Bộ Kinh đi nữa, nhưng do Chư Thiên và Tiên Nhân ở các Thế Giới trong mười phương rất ghét mùi xú uế của các loại thực vật đó nên họ đều sẽ xa lánh.
Ngược lại thì những loài ngạ quỷ sẽ đến liếm và hôn môi của người đã ăn các loại thực vật đó. Kẻ kia sẽ luôn chung sống với quỷ, phước đức ngày càng suy hao và chỉ tăng trưởng những việc không lợi ích.
Khi những người tu chánh định ăn các loại thực vật đó, chư Bồ Tát, Trời, tiên, và các thiện thần trong mười phương sẽ không đến bảo hộ. Trái lại, những đại lực Ma Vương sẽ thừa cơ hội đến ở trước họ, rồi hiện ra thân Phật và thuyết giảng tà pháp. Chúng sẽ phá hủy giới cấm và ca ngợi tham sân si. Sau khi mạng chung, họ sẽ tự động làm quyến thuộc của Ma Vương. Khi đã hưởng hết phước làm ma, họ sẽ đọa địa ngục Vô Gián.
Này Khánh Hỷ! Những ai tu hành Đạo giác ngộ thì phải vĩnh viễn tuyệt hẳn năm loại thực vật hôi nồng. Đây gọi là bước thứ nhất để dần dần thứ tự tăng tiến trong việc tu hành.
Sao gọi là chánh hạnh căn bổn?
Này Khánh Hỷ! Những chúng sanh nào muốn vào chánh định thì trước tiên phải nghiêm trì giới luật thanh tịnh. Họ phải vĩnh viễn đoạn tuyệt tâm dâm dục. Họ không được uống rượu hay ăn thịt. Họ có thể dùng thức ăn thanh tịnh khi đã được nấu và như thế sẽ không ăn sanh khí của rau quả.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai Mươi Năm - Tịnh Phục Tịnh Vương
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Hai Mươi Hai - Pháp Hội đại Thần Biến - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Ba Mươi Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bốn Quả - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Như Lai Giáo Thắng Quân Vương