Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Cứu Cánh Kiên Cố Và Mật Nhân Của Như Lai Về Chư Bồ Tát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa - Phần Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH CỨU CÁNH

KIÊN CỐ VÀ MẬT NHÂN CỦA NHƯ LAI

VỀ CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH ĐỂ TU

CHỨNG LIỄU NGHĨA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường  

PHẦN SÁU  

Này Khánh Hỷ! Hãy xem xét về biệt nghiệp vọng kiến của những chúng sanh kia. Khi có ai với mắt bị nhặm thì nhìn thấy những vòng ánh sáng ở xung quanh ngọn đèn. Tuy có cảnh tượng như thế xuất hiện, nhưng thật sự những gì họ thấy là do bởi mắt bị nhặm.

Bởi con mắt bị nhặm nên làm lao nhọc thị giác, chứ chẳng phải do những vòng ánh sáng tạo ra. Tuy nhiên, sự nhận biết của mắt bị nhặm thì vĩnh viễn không sai lầm. Tương tự như thế, tất cả những gì mắt của ông thấy bây giờ, như là núi sông, quốc thổ, và các chúng sanh, đều là căn bệnh đã tồn tại trong thị giác của ông từ vô thỉ.

Thị giác và các duyên của thấy dường như hiện ra cảnh tượng ở trước. Tuy bổn nguyên chân giác của ta trong sáng, nhưng thị giác và các duyên của thấy thì có sai lầm. Mặc dù sự nhận biết của thị giác có sai lầm, nhưng giác duyên của bổn giác minh tâm thì không sai lầm.

Đó là chân giác, sự nhận biết của cái nhận biết sai lầm, thì không sai lầm. Nó thật sự là chân giác của nhận biết, và không nên nhầm lẫn với thị giác bình thường, thính giác, hay bất cứ loại giác quan nào khác.

Đúc kết lại, thị giác của ông bây giờ cảm nhận ta, chính bản thân mình và mười loại chúng sanh trong thế gian, đều là sự nhận biết sai lầm, không phải là sự nhận biết của cái nhận biết sai lầm. Tánh của thị giác tinh nguyên chân thật thì không sai lầm. Do đó nó chẳng phải là thị giác mà ta thường hay gọi.

Này Khánh Hỷ! Hãy xem xét về đồng phần vọng kiến của những chúng sanh kia, rồi so sánh nó với biệt nghiệp vọng kiến của một người có mắt bị bệnh. Tình cảnh giữa người có mắt bị bệnh đồng với chúng sanh ở trong nước kia.

Người ấy thấy những vòng ánh sáng là do mắt nhặm hư vọng sanh ra. Còn những việc bất tường thấy bởi chúng sanh ở trong nước kia là do ác khí khởi sanh từ nghiệp chung của họ. Sự hình thành của biệt nghiệp và cộng nghiệp là do vọng kiến đã tồn tại từ vô thỉ.

Mặc dù vậy, hết thảy chúng sanh hữu lậu cùng tất cả Quốc Độ trong mười phương, bao gồm Thế Giới Kham Nhẫn với bốn biển lớn và ba ngàn châu lục ở châu Thắng Kim, thảy đồng với tâm nhiệm mầu vô lậu, trong sáng và giác liễu. Các duyên cần thiết để tất cả chúng khởi sanh đều là hư vọng, có bệnh trong thị giác, thính giác, và những giác quan khác. Khi các duyên hòa hợp này hiện hữu, chúng sanh và Quốc Độ hư vọng hình thành. Khi các duyên hòa hợp này không còn, chúng sanh và Quốc Độ hư vọng diệt mất.

Nếu ai có thể xa rời các duyên hòa hợp và không hòa hợp, họ tức sẽ diệt trừ tất cả nhân của sanh tử. Bấy giờ, họ sẽ viên mãn tuệ giác, chính là tánh không sanh không diệt, thanh tịnh bổn tâm và bổn giác thường trụ.

Này Khánh Hỷ! Tuy ông đã hiểu rằng tánh của thị giác nhiệm mầu trong sáng và bổn nguyên giác liễu, chẳng khởi sanh từ nhân hay duyên và tánh của nó cũng chẳng phải tự nhiên. Nhưng ông còn chưa tỏ ngộ, rằng thị giác bổn nguyên giác liễu của ông cũng chẳng phải do hòa hợp hay không hòa hợp mà sanh.

Này Khánh Hỷ! Ta nay lại hỏi ông về những trần cảnh mà ông nhận biết ở trước mặt. Do ông bây giờ ôm giữ vọng tưởng hòa hợp với các tánh nhân duyên của mọi thứ trong thế gian, nên tự mình hoài nghi, rằng có phải tâm giác ngộ chứng đắc là do hòa chung khởi sanh chăng. Cứ cho điều ông đang suy nghĩ là đúng.

Vậy thị giác nhiệm mầu thanh tịnh và tinh khiết của ông, là hòa chung với ánh sáng, là hòa chung với đen tối, là hòa chung với hư không, hay là hòa chung với ngăn che?

Nếu là hòa chung với ánh sáng, vậy khi ông nhìn vào ánh sáng hiện tiền đó thì nó hòa chung ở chỗ nào?

Nếu ông có thể phân biệt tướng của thị giác, thì nó có hình dáng ra sao ở trong sự hòa chung với ánh sáng?

Nếu không phải là thị giác thì làm sao ông thấy ánh sáng?

Nếu là thị giác thì làm sao thị giác thấy chính nó?

Nếu tánh của thị giác đã viên mãn thì làm sao có nơi để hòa chung với ánh sáng?

Nếu ánh sáng đã viên mãn thì nó không thể hòa chung với thị giác của ông.

Do bởi thị giác khác biệt với ánh sáng, nó sẽ diệt mất chính nó nếu hòa chung ở trong ánh sáng. Cũng vậy, ánh sáng sẽ mất tên gọi của nó nếu hòa chung ở trong thị giác. Tóm lại, nói rằng thị giác hòa chung với ánh sáng là chẳng đúng. Tương tự, thị giác đối với đen tối, hư không, và ngăn che thì cũng lại như thế.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Ta nay lại hỏi ông.

Thị giác nhiệm mầu thanh tịnh và tinh khiết của ông, là hợp nhất với ánh sáng, là hợp nhất với đen tối, là hợp nhất với hư không, hay là hợp nhất với ngăn che?

Nếu là hợp nhất với ánh sáng, tướng của ánh sáng sẽ diệt mất khi đen tối đến, thế thì làm sao ông có thể thấy đen tối khi mà thị giác chẳng hợp nhất với đen tối?

Giả sử thị giác chẳng hợp nhất với đen tối mà hợp nhất với ánh sáng, vậy khi thấy đen tối, ông lẽ ra sẽ không thấy ánh sáng.

Nếu ông chẳng thấy ánh sáng thì làm sao gọi là hợp nhất với ánh sáng?

Nhưng thực tế thì ông có thể thấy ánh sáng và biết rõ đó không phải là đen tối. Tương tự, thị giác đối với đen tối, hư không, và ngăn che thì cũng lại như thế.

Ngài Khánh Hỷ thưa với Phật rằng: Thưa thế Tôn! Nay con suy nghĩ rằng, thị giác nhiệm mầu và giác liễu bổn nguyên này, không hòa chung hay hợp nhất với các duyên trần hoặc với tâm niệm suy tư.

Đức Phật bảo: Nay ông lại nói rằng, giác tánh của ông chẳng hòa chung hay hợp nhất. Ta lại hỏi ông.

Nếu thị giác nhiệm mầu tinh khiết này của ông chẳng hòa chung, là chẳng hòa chung với ánh sáng, là chẳng hòa chung với đen tối, là chẳng hòa chung với hư không, hay là chẳng hòa chung với ngăn che?

Nếu chẳng hòa chung với ánh sáng, thì tất sẽ có một ranh giới giữa thị giác của ông và ánh sáng.

Ông bây giờ hãy quán sát tường tận, ánh sáng ở chỗ nào?

Thị giác của ông ở chỗ nào?

Ranh giới giữa thị giác của ông và ánh sáng ở chỗ nào?

Này Khánh Hỷ! Nếu thị giác của ông hoàn toàn không ở trong phạm vi của ánh sáng, thì tức là cả hai chẳng tiếp xúc. Do đó ông cũng không biết ánh sáng ở chỗ nào.

Thế thì ranh giới giữa chúng làm sao tồn tại?

Tương tự, thị giác đối với đen tối, hư không, và ngăn che thì cũng lại như thế.

Lại nữa, nếu thị giác nhiệm mầu tinh khiết này của ông chẳng hợp nhất, là chẳng hợp nhất với ánh sáng, là chẳng hợp nhất với đen tối, là chẳng hợp nhất với hư không, hay là chẳng hợp nhất với ngăn che?

Nếu chẳng hợp nhất với ánh sáng, thì tánh của thị giác và ánh sáng sẽ hoàn toàn không tương quan. Đây giống như thính giác và ánh sáng chẳng tương quan. Chúng sẽ không bao giờ tiếp xúc với nhau.

Như ông chẳng biết ánh sáng ở chỗ nào, thì làm sao có thể biết được ánh sáng có hợp nhất hay chẳng hợp nhất với thị giác của ông?

Tương tự, thị giác đối với đen tối, hư không, và ngăn che thì cũng lại như thế.

Này Khánh Hỷ! Ông vẫn còn chưa hiểu, rằng tướng của hết thảy trần cảnh đều là huyễn hóa. Chúng tùy theo chỗ mà sanh ra và tùy theo chỗ mà diệt mất. Tướng của chúng gọi là huyễn hóa hư vọng, nhưng tánh của chúng thật sự ở trong diệu giác minh thể. Cho đến năm uẩn, sáu nhập, mười hai xứ, và mười tám giới thì cũng lại như thế. Chúng do nhân duyên hòa hợp mà hư vọng sanh ra, và cũng do nhân duyên biệt ly mà hư vọng diệt mất.

Ông hoàn toàn chẳng biết rằng, mọi thứ sanh diệt và đến đi vốn là từ trong tánh chân như nhiệm mầu, thường trụ diệu minh, và bất động chu viên của Như Lai tạng. Cho dù ông tìm cầu sự đến đi, mê ngộ, hay sanh diệt ở trong tánh chân thường của Như Lai Tạng, thì vĩnh viễn chẳng thể được.

Này Khánh Hỷ! Làm sao năm uẩn vốn là từ tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng?

Này Khánh Hỷ! Ví như có người với đôi mắt trong sáng nhìn lên bầu Trời quang đãng, họ chỉ thấy hư không và hoàn toàn chẳng có gì khác. Giả sử, chẳng biết vì nguyên nhân gì, mắt của người ấy chẳng hề nháy và trừng mắt nhìn cho đến khi riêng chỉ một mình họ thấy những hoa đốm giữa hư không, cùng với đủ mọi hình ảnh hỗn loạn và không có tướng chân thật. Ông nên biết rằng sắc uẩn thì cũng lại như vậy.

Này Khánh Hỷ! Những hoa đốm này chẳng phải từ hư không đến và cũng chẳng phải từ mắt sanh ra.

Như thế, Khánh Hỷ! Giả sử những hoa đốm này từ hư không đến. Nhưng nếu chúng từ hư không đến thì sẽ vào lại hư không. Nếu có sự sanh ra và vào lại hư không thì đó chẳng phải là hư không. Nếu hư không mà chẳng phải rỗng không thì sẽ không thể dung chứa hiện tượng sanh khởi và diệt mất của những hoa đốm này. Đây ví như thân thể của Khánh Hỷ thì chẳng thể dung chứa một Khánh Hỷ khác vậy.

Ngược lại, giả sử những hoa đốm này từ mắt sanh ra. Nhưng nếu chúng từ mắt sanh ra thì sẽ vào lại trong mắt. Nếu tánh của những hoa đốm từ mắt sanh ra, chúng sẽ hợp chung ở trong thị giác của con mắt. Nếu chúng có thị giác, thì khi từ con mắt ra khỏi, chúng có thể vào lại và nhìn thấy con mắt.

Còn nếu chúng chẳng có thị giác, thì khi từ con mắt ra khỏi, chúng sẽ che khuất một phần của hư không, rồi khi chúng vào lại, chúng sẽ che khuất nhãn lực. Hơn nữa, nhãn lực của người ấy không thể bị che khuất, do bởi họ có thể thấy những hoa đốm.

Và chẳng phải trước đó chúng ta nói rằng người ấy với đôi mắt trong sáng nhìn lên bầu Trời quang đãng hay sao?

Cho nên phải biết rằng, sắc uẩn là hư vọng. Nó vốn chẳng sanh ra từ nhân hay duyên, và tánh nó cũng chẳng phải tự nhiên.

Này Khánh Hỷ! Ví như có người với chân tay thả lỏng để nghỉ ngơi và toàn khắp thân thể được an hòa. Ngay lúc này, người ấy bỗng quên đi thân thể của mình, và chẳng cảm thấy vừa ý hay chẳng phải không vừa ý. Giả sử, chẳng biết vì nguyên nhân gì, người ấy chà xát hai lòng bàn tay với nhau ở trong hư không. Ở giữa hai lòng bàn tay, người ấy vọng sanh ra những cảm giác thô sáp, trơn mịn, ấm áp hay lạnh giá. Ông nên biết rằng thọ uẩn thì cũng lại như vậy.

Này Khánh Hỷ! Những cảm giác xúc chạm huyễn hóa này chẳng do từ hư không đến và cũng chẳng do từ lòng bàn tay sanh ra.

Như thế, Khánh Hỷ! Giả sử hư không có thể tạo ra những cảm giác xúc chạm ở lòng bàn tay, tại sao nó lại chẳng xúc chạm đến thân?

Hư không lẽ ra không nên có sự tuyển lựa nơi xúc chạm.

Ngược lại, giả sử những cảm giác xúc chạm này từ lòng bàn tay sanh ra, thì đáng lẽ không cần phải cọ xát hai lòng bàn tay.

Lại nữa, nếu những cảm giác xúc chạm này từ hai lòng bàn tay sanh ra, thì chúng đáng lẽ sẽ nhận biết được những cảm giác xúc chạm đó. Và khi người ấy tách rời hai lòng bàn tay, cảm giác xúc chạm lẽ ra phải vào lại cổ tay, cánh tay, rồi xương tủy, và lẽ ra những nơi ấy cũng nhận biết được tung tích khi nó vào lại. Trong trường hợp đó thì tâm chắc chắn cũng nhận biết được nó khi ra khi vào, tựa như có một vật đến đi ở trong thân vậy.

Thế thì cần gì phải đợi có hai lòng bàn tay cọ xát để tạo ra những cảm giác xúc chạm đó?

Cho nên phải biết rằng, thọ uẩn là hư vọng. Nó vốn chẳng sanh ra từ nhân hay duyên, và tánh nó cũng chẳng phải tự nhiên.

Này Khánh Hỷ! Ví như có người chảy nước miếng khi nhắc đến trái mận chua, hoặc lòng bàn chân bỗng dưng đau nhức khi nghĩ đến đang bước trên bờ vực thẳm. Ông nên biết rằng tưởng uẩn thì cũng lại như vậy.

Này Khánh Hỷ! Như trường hợp chảy nước miếng khi nhắc đến trái mận chua, thì chẳng do từ trái mận thật và cũng chẳng do từ miệng của người ấy.

Như thế, Khánh Hỷ! Nếu chảy nước miếng là do từ trái mận thật, vậy có nghĩa là trái mận chịu trách nhiệm nhắc đến chính nó.

Thế thì đâu cần phải đợi người khác nhắc đến chúng làm gì?

Trái lại, nếu chảy nước miếng là do từ miệng, vậy có nghĩa là cái miệng có thể nghe được. Thế thì đâu cần lỗ tai làm gì?

Còn nếu chỉ riêng tai nghe được, vậy có phải lỗ tai cũng có thể tiết ra nước miếng chăng?

Về việc lòng bàn chân bỗng dưng đau nhức khi nghĩ đến đang bước trên bờ vực thẳm và trường hợp chảy nước miếng khi nhắc đến trái mận chua thì cả hai giống nhau.

Cho nên phải biết rằng, tưởng uẩn là hư vọng. Nó vốn chẳng sanh ra từ nhân hay duyên, và tánh nó cũng chẳng phải tự nhiên.

Này Khánh Hỷ! Ví như các dòng chảy xiết, những làn sóng nối tiếp liên tục, và những làn sóng ở sau thì không bao giờ bắt kịp những làn sóng ở trước. Ông nên biết rằng hành uẩn thì cũng lại như vậy.

Này Khánh Hỷ! Các dòng chảy xiết như thế chẳng do từ hư không tạo ra, và cũng chẳng do từ nước mà có. Chúng chẳng giống như nước, nhưng đồng thời chúng cũng không tách rời khỏi nước hay hư không.

Như thế, Khánh Hỷ! Nếu các dòng chảy xiết nhân bởi hư không mà sanh ra, thế thì vô tận hư không khắp mười phương sẽ trở thành những dòng chảy vô tận, và tất cả Thế Giới đều sẽ bị nhấn chìm. Còn nếu các dòng chảy xiết nhân bởi nước mà có, thế thì tánh của các dòng chảy xiết này sẽ chẳng giống như tánh của nước. Các dòng chảy xiết và nước sẽ tách rời và riêng biệt. Nhưng rõ ràng thì chúng không phải.

Ngược lại, nếu các dòng chảy xiết và nước giống nhau, thì khi nước lắng trong, nó sẽ chẳng còn là nước nữa. Tuy nhiên, các dòng chảy xiết và nước không thể tách rời nhau, do bởi sẽ không có các dòng chảy xiết nếu chẳng có nước. Các dòng chảy xiết cũng không thể tách rời hư không, do bởi chẳng gì tồn tại ở ngoài hư không.

Cho nên phải biết rằng, hành uẩn là hư vọng. Nó vốn chẳng sanh ra từ nhân hay duyên, và tánh nó cũng chẳng phải tự nhiên.

Này Khánh Hỷ! Ví như có người lấy một cái bình trống rồi bịt nắp lại. Người ấy nghĩ rằng đã chứa đầy hư không ở trong bình, rồi đi xa một ngàn dặm để đến nước khác. Ông nên biết rằng thức uẩn thì cũng lại như vậy.

Này Khánh Hỷ! Hư không ở trong bình thật sự chẳng đến từ nơi khởi hành và cũng chẳng đến từ nơi đích.

Như thế, Khánh Hỷ! Nếu hư không ở trong bình đến từ nơi đích, thì hư không chứa ở nơi khởi hành đã bị thất thoát. Còn nếu hư không đến từ nơi khởi hành, thì khi mở nắp và lật ngược bình xuống, lẽ ra phải thấy hư không ở trong tuôn ra.

Cho nên phải biết rằng, thức uẩn là hư vọng. Nó vốn chẳng sanh ra từ nhân hay duyên, và tánh nó cũng chẳng phải tự nhiên.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Làm sao sáu nhập vốn là tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai Tạng?

Này Khánh Hỷ! Như thí dụ ở trên về người trừng mắt nhìn hư không cho đến khi mắt mệt mỏi. Những gì mắt nhìn thấy khi bị căng thẳng và cũng như căn mắt, đều hình thành từ sự căng thẳng đè lên tuệ giác. Sự căng thẳng làm cho biến dạng trong nhận thức.

Nhân do hai loại trần cảnh hư vọng của ánh sáng và đen tối hút vào trong căn mắt, rồi có sự hấp thu của trần cảnh đó mà gọi là thấy. Nếu lìa khỏi hai trần cảnh của ánh sáng và đen tối thì thị giác cứu cánh chẳng có tự thể.

Cũng vậy, Khánh Hỷ! Phải biết rằng thị giác này chẳng phải đến từ ánh sáng hay đen tối, chẳng phải ra từ căn mắt, và cũng chẳng phải sanh từ hư không.

Vì sao thế?

Bởi nếu thị giác đến từ ánh sáng thì đen tối liền theo đó mà diệt mất và sẽ chẳng thấy đen tối. Nếu đến từ đen tối thì ánh sáng liền theo đó mà diệt mất và sẽ chẳng thấy ánh sáng. Nếu từ căn mắt sanh ra thì tất sẽ chẳng có ánh sáng hay đen tối. Thị giác như vậy vốn chẳng có tự tánh. Nếu từ hư không sanh ra thì sẽ nhìn thấy trần cảnh trước mắt và khi quay trở lại cũng sẽ nhìn thấy căn mắt. Nếu hư không có thể tự thấy thì có liên quan gì với căn mắt của ông.

Cho nên phải biết rằng, căn mắt là hư vọng. Nó vốn chẳng sanh ra từ nhân hay duyên, và tánh nó cũng chẳng phải tự nhiên.

Này Khánh Hỷ! Ví như có người lấy những ngón tay bịt mạnh hai tai của mình. Sự ấn vào lỗ tai sẽ làm cho có tiếng lùng bùng ở trong đầu. Những gì tai nghe được khi bị căng thẳng và cũng như căn tai, đều hình thành từ sự căng thẳng đè lên tuệ giác. Sự căng thẳng làm cho biến dạng trong nhận thức.

Nhân do hai loại trần cảnh hư vọng của dao động và yên tĩnh hút vào trong căn tai, rồi có sự hấp thu của trần cảnh đó mà gọi là nghe. Nếu lìa khỏi hai trần cảnh của dao động và yên tĩnh thì thính giác cứu cánh chẳng có tự thể.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần