Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Chín - Phẩm âm Hưởng - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM CHÍN

PHẨM ÂM HƯỞNG  

PHẦN HAI  

Này Bồ Tát Giải Thích! Đó gọi là trí tự tại hết sức nhanh nhạy của Như Lai với nhiều chốn lợi ích của nó, có thể nhận biết khắp tâm thức của chúng sinh hữu hình trong mười phương để hóa độ họ.

Bồ Tát Giải Thích lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Mọi âm hưởng được phát ra của Như Lai sáng tỏ hay không sáng tỏ, mờ tối hay không mờ tối đều có thể hướng tới để thành tựu nơi đạo giáo.

Còn chỗ chiếu tỏ của ánh sáng Mặt Trời thì có nhiều chỗ làm tổn thương đối tượng, những đối tượng vui thích với sự tối tăm cũng nhiều, sao có thể dùng điều ấy làm ví dụ?

Đức Phật bảo vị Tộc Tánh Tử: Như người đi trong cõi không, ý mê khó tỉnh ngộ. Bồ Tát nay cũng giống như thế vì chưa lãnh hội được ví dụ của ta. Ta nay đã nói về âm hưởng của Như Lai phát ra ở nơi bốn đại, có thể phát sinh ra hết thảy các pháp.

So với ánh sáng của Thiên Tử Mặt Trời tỏa chiếu đến khắp mọi vật hữu hình thì có hai điểm chính giống nhau: Một là có khả năng làm phát sinh ra các pháp. Hai là có thể tỏa chiếu đến khắp đối tượng hữu hình.

Như thế thì có gì sai biệt mà đem lòng hồ nghi?

Bấy giờ Bồ Tát Giải Thích liền tự tư duy một cách sâu xa và hoát nhiên đại ngộ, bèn lại một lần nữa thưa với Đức Phật: Lành thay! Đức Thế Tôn! Như Lai là Bậc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đã dùng các đối tượng hữu hình làm phương tiện để giảng dạy, trao truyền các pháp vô hình, đã dùng ngôn thuyết phương tiện để giảng dạy, trao truyền giáo pháp vô ngôn.

Nay con xin trân trọng tỏ bày, kính mong Đức Thế Tôn nhân lúc này mà chỉ dẫn khắp, khiến không còn mối hồ nghi nào nữa.

Đức Phật nói: Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc Tánh Tử! Như Lai sẽ dùng phương tiện quyền xảo để chỉ dẫn cho khắp mọi người.

Bồ Tát Giải Thích thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là thần thông hữu thường, thần thông vô thường, thần thông tự nhận biết về thọ mạng đời trước, thần thông biết về thọ mạng của đời trước của kẻ khác, thần thông nhãn thức, thần thông nhĩ thức, diệu nghĩa của sáu pháp ấy có những sai khác ra sao?

Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Giải Thích: Đúng vậy! Đúng vậy! Như chỗ Bồ Tát vừa hỏi, sáu pháp thần thông ấy mỗi mỗi loại chẳng rời nhau. Nay ta sẽ nêu rõ. Đại Bồ Tát đạt được thần thông hữu thường thì sẽ quan sát và nhận biết muôn vật sinh sinh nối tiếp nhau không dứt, sinh ra trước thì là tiền sinh, sinh ra sau thì là hậu sinh.

Như trải qua một kiếp đến trăm ngàn kiếp, kiếp dấy lên thì gọi là khởi, kiếp diệt mất thì gọi là diệt. Nhưng quan sát nhận thấy thức ấy là không bị hủy hoại.

Vì sao?

Vì gốc của vô minh rất sâu xa, chẳng có thể hủy hoại được.

Lại nữa, về thần thông vô thường ấy lại cũng có thể quan sát và nhận thấy tất cả các loài chúng sinh hữu hình có sinh có diệt, từ một kiếp sinh cho đến trăm ngàn kiếp, kiếp dấy lên là khởi, kiếp diệt đi là diệt, biết về sự thọ nhận hình tướng của chúng sinh thảy đều quy về sự hao mòn hủy diệt, chẳng cái gì là thường còn. Đó gọi là Đại Bồ Tát đạt được thần thông hữu thường và vô thường với những sai khác như vậy.

Đức Phật bảo Bồ Tát Giải Thích: Này vị Tộc Tánh Tử! Nếu các vị Đại Bồ Tát đạt được thần thông tự thức thì liền có thể tự thấy được về một thân mạng, hai thân mạng, đến trăm ngàn thân mạng, từ kiếp này tới kiếp khác.

Nói chung là trong quá trình lưu chuyển của thân mạng đều có thể tự nhận biết đầy đủ: Ta sinh ở nước nào, thuộc tỉnh huyện gì, tên họ, chủng tộc ra sao?

Lại tự nhận biết từ lúc mới thọ lãnh thân tướng bốn đại với từng ấy chi tiết, cũng nhận biết rõ về các nẻo tạo tác thiện ác.

Đó gọi là thần thông tự thức vậy.

Đức Phật bảo vị Tộc Tánh Tử: Đại Bồ Tát đạt được pháp thần thông tha nhân trí ấy thì từ Cõi Dục, Cõi Sắc này cho đến Cõi Trời Hữu Tưởng, Vô Tưởng đều có thể phân biệt đầy đủ về mỗi mỗi nơi chốn hướng tới, từ một năm đến trăm ngàn vạn năm, từ một kiếp đến trăm ngàn vạn kiếp, trong ấy mọi nơi chốn trải qua với bao sự thành bại đều có thể phân biệt và nhận biết hoàn toàn. Đó gọi là Đại Bồ Tát đạt được pháp thần thông Tri tha nhân.

Đức Phật bảo vị Tộc Tánh Tử: Đại Bồ Tát đạt được nhãn thức thông thì có thể quan sát khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, nhận biết các đối tượng thọ nhận hình tướng, hay không thọ nhận hình tướng, thảy đều nhận thấy các chúng sinh hữu hình.

Từ một năm đến năm ngàn vạn năm, từ một kiếp đến trăm ngàn vạn kiếp thảy đều quan sát thấy được, không hề lẫn lộn. Đó gọi là Đại Bồ Tát có đủ nhãn thần thông dứt hết mọi nẻo tham chấp.

Đức Phật bảo vị Tộc Tánh Tử: Đại Bồ Tát đạt được nhĩ thức thông thì tất có thể nghe được mọi âm thanh về nỗi khổ vui của hết thảy chúng sinh trong mười phương, cả những âm thanh không khổ, không vui, những âm thanh khi thọ nhận hay không thọ nhận các quả báo thiện ác.

Nói chung là đều có thể nghe được, nhận biết không hề bị lầm lạc. Đó gọi là Đại Bồ Tát có đủ nhĩ thức thông đã dứt hết mọi tham chấp. Đấy chính là những điểm sai khác của sáu pháp thần thông.

Bấy giờ Bồ Tát Giải Thích thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Về thần thông hữu thường, Bồ Tát đạt được pháp ấy thì nhận biết đầy đủ về các loài hữu hình sinh sinh nối tiếp nhau không hề dứt. Còn về thần thông vô thường thì các loài hữu hình ấy sinh sinh mà diệt.

Như nay quan sát và nhận thấy sinh trước chẳng phải là sinh sau, vậy làm sao cho là sinh sinh nối tiếp không dứt?

Lại nữa, Như Lai do đạt được tự thức thông nên nhận biết hoàn toàn về thân mạng đời trước, từ một thân, hai thân đến trăm ngàn thân, từ một kiếp, hai kiếp đến trăm ngàn vạn kiếp. Nhưng thân hiện tại chẳng phải là thân sau này, thân ấy cũng khác với thân trước. Lại thức hiện nay chẳng phải là thức sau này, thức ấy cũng khác với thức trước. Sự nhận biết nếu lìa thức ấy thì sẽ đồng với chúng sinh.

Vậy làm sao Đức Thế Tôn cho rằng đạt được tự thức túc mạng thông?

Thế Tôn lại cho rằng: Đại Bồ Tát đạt được thần thông biết rõ thức của người khác, thì có thể biết đầy đủ về mọi nẻo tâm thức của tất cả chúng sinh. Có được tự thức tâm không, cũng biết rõ về tâm mình và tâm người khác. Đạt được tha nhân tâm thông thì cũng biết rõ về tâm mình và tâm kẻ khác.

Vậy thì hai thần thông này có gì khác nhau?

Như Thế Tôn dạy Đại Bồ Tát đạt được nhãn thông thì có thể quan sát nhận thấy khắp mười phương, từ Cõi Dục lên đến Cõi Trời Hữu Tưởng, Vô Tưởng, tất cả thảy đều nhận thấy các loài thọ nhận hình tướng hay không thọ nhận hình tướng, có thọ nhận quả báo thiện ác hay không thọ nhận quả báo thiện ác.

Lại nói, nếu đạt được nhĩ thông thì Bồ Tát tất nghe được âm thanh khổ vui, hay không khổ vui của mọi chúng sinh trong mười phương, cũng nghe được những âm thanh khi thọ nhận hay không thọ nhận các quả báo thiện ác.

Nhãn thông cũng thấy, nhĩ thức cũng nghe, vậy hai pháp ấy có gì khác nhau?

Kính mong Đức Thế Tôn một lần nữa diễn nói phân biệt rõ khiến cho chúng con vĩnh viễn dứt mọi mối hồ nghi.

Đức Phật bảo Bồ Tát Giải Thích: Đại Bồ Tát đạt được thần thông hữu thường thì sẽ thông tỏ các pháp, biết được tính chất an trụ của pháp tánh là không biến đổi. Đại Bồ Tát đạt được pháp thần thông vô thường thì sẽ thấu đạt các pháp đều có sự biến dịch. Đó là thần thông vô thường.

Lại nữa, thể tánh của các pháp là như nhiên, tự như thế, có Phật hay không Phật cũng không làm cho thể tánh ấy sinh ra hay bị diệt đi. Đó là thần thông hữu thường.

Lại nữa, các pháp là vô thường, trôi chảy, thảy đều quy về tính chất hao mòn, hoại diệt, chẳng có gì là tồn tại lâu dài, sinh sinh nối tiếp không trụ. Đó là thần thông vô thường.

Đại Bồ Tát đạt được pháp thần thông hữu thường thì liền có được đầy đủ các pháp của Như Lai như bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Hiền Thánh đạo. Đó là thần thông hữu thường.

Các pháp về quá khứ, hiện tại và vị lai, các pháp thiện, pháp ác, thảy đều là không chốn có. Đó gọi là thần thông vô thường.

Lại nữa, Đại Bồ Tát lại quan sát nhận thấy chúng sinh phát huy ba thừa của đạo pháp nên đạt quả A La Hán, cầu Thầy chỉ dạy để đạt quả giác ngộ như sở nguyện, tất nhiên dứt mọi hồ nghi.

Lại thấy chúng sinh phát tâm cầu đạo quả Duyên Giác, riêng ở nơi chốn thanh vắng, quạnh quẻ, tu tập đạt đạo quả như sở nguyện, tất nhiên dứt hết nghi hoặc. Lại thấy chúng sinh phát tâm Bồ Tát, đúng theo sở nguyện tu tập, tất nhiên dứt sạch nghi ngờ.

Đó gọi là Đại Bồ Tát đạt được thần thông hữu thường. Như có các hàng thiện nam, thiện nữ lúc đầu tu tập mong đạt đạo quả A La Hán và Bích Chi Phật rồi cùng tu tập hạnh Bồ Tát nhưng trên con đường ấy lại thoái chuyển xuống hàng phàm phu, không thành tựu được đạo quả. Đó gọi là sự lãnh hội của thần thông vô thường.

Lại nữa, nếu có các vị Đại Bồ Tát đã đạt được thần thông tự thức túc mạng, tự nhận biết về vô số thân mạng đời trước, lúc đầu phát tâm Bồ Đề tạo lập công đức, rồi dốc tâm lễ bái cúng dường Chư Phật Thế Tôn và thành tựu trọn vẹn đạo quả. Lại tự nhớ biết là mình chưa hề thọ nhận thân bốn đại nên gắn bó với không, chẳng chút tham đắm. Đấy cũng được gọi là tự thức túc mạng.

Hoặc có Chư Phật Đại Bồ Tát đạt được pháp thần thông tri tha nhân tâm, đối với mọi sự thọ nhận thân mạng cùng thọ nhận hình tướng của chúng sinh chỉ nhận biết nhưng không thể nhận rõ mọi lưu chuyển từ chốn gốc đến nay. Đó gọi là trí tha tâm của thế gian.

Lại có các hàng thiện nam, thiện nữ đã đạt được pháp thần thông tri tha nhân tâm trí, có thể nhận biết hoàn toàn đầy đủ về mọi thứ thần thông trong ngoài. Đó gọi là thần thông tự thức biết rõ về tâm trí của người khác, mỗi mỗi loại có những sai biệt như thế.

Nếu có các thiện nam, thiện nữ đã đạt được nhãn thông trong ngoài đều thanh tịnh thì có thể nhận thấy trọn vẹn cội nguồn của chúng sinh trong ba đời.

Hoặc có các vị Đại Bồ Tát dùng thiên nhãn để nhận thấy một ngàn Quốc Độ, hoặc có vị Bồ Tát nhận thấy được hai ngàn Quốc Độ hay có vị Bồ Tát nhận thấy được cả Tam Thiên Đại Thiên Quốc Độ.

Hoặc có các vị Bồ Tát dùng thiên nhãn trông thấy một Cõi Phật, hay hai, Ba Cõi Phật, trong ấy thảy đều nhận biết rõ về những chúng sinh không thoái chuyển hay bị thoái chuyển. Đó gọi là Đại Bồ Tát đạt được thiên nhãn thông, thảy đều nhận biết các cõi là không chốn có.

Đức Phật bảo vị Tộc Tánh Tử: Nếu có các vị Đại Bồ Tát đã đạt được nhĩ thông, nghe được tận cùng mọi âm hưởng nơi các Quốc Độ trong mười phương, có âm thanh thiện và âm thanh không thiện, có âm thanh tốt đẹp và âm thanh không tốt đẹp.

Lại có các hàng thiện nam, thiện nữ đạt được pháp thần thông ấy có thể lắng nghe khắp về âm thanh nơi một ngàn, hai ngàn, ba ngàn Quốc Độ. Hoặc có các vị Đại Bồ Tát nhờ pháp thần thông đó mà thấu triệt được mọi âm hưởng nơi một, hai, Ba Cõi Phật, cho đến cả vô số Cõi Phật.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Giải Thích: Đối với sáu pháp thần thông kia, Bồ Tát đã lãnh hội đầy đủ về sự khác biệt của chúng chưa?

Bồ Tát Giải Thích thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như Lai là Bậc Đại Từ đã nêu bày, biện giải vô lượng nẻo, mỗi mỗi đều nhận rõ tính chất bền vững của chúng sinh để thuyết giảng về sáu pháp thần thông chẳng thể nghĩ bàn, là cảnh giới của hàng A La Hán và Bích Chi Phật khó có thể nhận biết được.

Như Đức Thế Tôn đã dạy, diễn nói về sáu pháp thần thông là nhằm dứt mọi pháp tham chấp cùng các nẻo hành hóa còn do dự, hồ nghi. Như Đức Thế Tôn đã nêu rõ, thần thông hữu thường nói về các pháp Niết Bàn, thần thông vô thường nói về các pháp hữu vi.

Nếu khiến cho các hàng thiện nam, thiện nữ đạt được thần thông hữu vi thì có thể làm thân ý liền chọn lấy sự diệt độ chăng?

Đức Phật nói: Không hề có chuyện ấy!

Bồ Tát Giải Thích hỏi: Hết thảy các pháp là không sinh không diệt.

Hôm nay Đức Như Lai đã tự nhận biết về thân tướng tức là diệt độ chăng?

Như thế thì lại có pháp gì để ngôn thuyết, giáo hóa?

Đức Thế Tôn nói: Chẳng phải là không nói về pháp Niết Bàn hữu thường, cũng chẳng nói về thần thông vô thường.

Chỉ là những pháp thần thông ta đạt được, nhận biết rõ về lẽ hữu vô nên thuyết giảng về điều ấy.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các vị Tộc Tánh Tử: Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ đạt được pháp thần thông hữu thường thì liền được gọi là Bậc Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Còn như đạt được thần thông vô thường thì những người ấy hoặc ở nơi quả vị Thánh, hoặc ở nơi hàng phàm phu. Đó gọi là sự khác nhau giữa hai pháp thần thông đó.

Lúc này Bồ Tát Giải Thích liền thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác đã đạt được thần thông nhãn thức nên có thể nhận thấy một cách thấu triệt về mọi chúng sinh trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, đó mới gọi là thần thông.

Rồi Thế Tôn lại dạy: Nhĩ thông có thể nghe được vô số âm thanh nơi cuộc sống trong ba đời quá khứ, hiện tại, tương lai.

Nếu cho rằng mắt thấy được hình sắc quá khứ chăng?

Quá khứ đã dứt rồi.

Thấy được hình sắc vị lai chăng?

Vị lai ấy chưa có hình tướng. Mắt nhận thức về pháp giới hiện tại thì đều ấy con không hề hồ nghi. Kính mong Thế Tôn hãy chỉ dạy, khiến cho mọi chúng sinh không được nghe biết vĩnh viễn được khai ngộ.

Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Giải Thích: Bồ Tát hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ ghi nhớ! Ta sẽ vì Bồ Tát mà nêu rõ các ý nghĩa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần