Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát - Phẩm Tám - Phẩm Thọ Ký

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẠI TẬP

HIỀN HỘ BỒ TÁT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy  

PHẨM TÁM

PHẨM THỌ KÝ  

Khi ấy Bồ Tát Hiền Hộ thưa: Bạch Thế Tôn! Ngài rất là hy hữu đã vì hàng Bồ Tát tại gia, xuất gia đức tin thuần thục hâm mộ diệu pháp dạy cho họ pháp vô thượng, để họ an trụ trong vô lượng pháp hành sau đó họ sẽ được quán sát và giảng giải tam muội này.

Bạch Thế Tôn! Sau khi Ngài diệt độ môn tam muội này còn phổ biến trong Cõi Diêm Phù Đề không?

Phật dạy: Sau khi ta diệt độ khoảng bốn chục năm Kinh tam muội này còn phổ biến trong cõi Diêm Phù Đề. Qua năm trăm năm sau lúc chánh pháp diệt, Tỳ Kheo tạo điều ác, lúc chánh pháp bị phỉ báng, lúc chánh pháp bị phá hoại, lúc ít người giữ giới hạnh, hạng phá giới Tăng trưởng, lúc các nước đánh nhau.

Vào khoảng trong vòng trăm năm này có chúng sanh nào thiện căn bền vững khi xưa đã từng gần gũi Chư Phật cúng dường tu hành gieo hạt giống lành, nhờ vậy hàng trượng phu này được Kinh Điển như thế đem ra lưu hành và do đó Kinh được phổ biến trở lại trong Thế Giới Diêm Phù Đề.

Đây là nhờ oai thần của Phật nên khiến cho họ sau khi ta diệt độ được nghe Kinh này rồi sanh vui mừng biên chép phổ biến, thọ trì đọc tụng, suy ngẫm ý nghĩa, dạy bảo kẻ khác, thực hành như lời dạy.

Khi đó Bồ Tát Hiền Hộ và chàng Ly Xa Bảo Đức vừa nghe Như Lai nói chánh pháp diệt thương khóc nước mắt rơi xuống như mưa mới cùng rời chỗ ngồi đứng dậy, sửa sang y phục ngay ngắn trịch áo bày vai mặt, gối mặt quỳ chấm đất cung kính thưa rằng: Trong vòng trăm năm sau năm trăm năm Đức Như Lai nhập Niết Bàn là lúc chánh pháp diệt, lúc các Sa Môn điên đảo, chánh pháp bị phỉ báng, phá hoại, kẻ giữ giới ít oi phá giới lại Tăng.

Bậc Hộ Pháp hiếm hoi, kẻ sống phi pháp lại nhiều, chúng sanh chịu ly loạn, các nước đánh nhau, khi ấy chúng con sẽ đọc tụng thọ trì suy ngẫm nghĩa lý Kinh Điển tam muội vi diệu này, lại còn đem giảng nói cho kẻ khác nghe.

Tại sao chúng con hành động như vậy?

Là vì tâm chúng con không nhàm chán, không tri túc đối với Kinh Điển Như Lai dạy bảo, vì chúng con có khả năng nghe nhận, biên chép phổ biến, đọc tụng thọ trì, suy ngẫm nghĩa lý tu hành và giảng nói cho kẻ khác.

Khi ấy có các cư sĩ thuộc giới thương gia tên là Dà Ha Cấp Đa và Na La Đạt Đa Ma Nạp v.v… xót thương chánh pháp diệt nước mặt rơi đầm đìa cũng cùng đứng dậy thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng con nguyện bảo vệ Kinh Điển Như Lai nói và kẻ thọ trì Kinh Điển làm cho được tăng trưởng. Chúng con sẽ gìn giữ Kinh Điển vi diệu do Như Lai dạy được lưu hành phổ biến và tồn tại lâu dài trên đời.

Do vì Kinh Điển này đã từng trong vô lượng số kiếp đem lại nhiều quả trí giác vô thượng cho chúng sanh.

Bạch Thế Tôn! Chúng con được nghe pháp hy hữu xin nguyện hết lòng thọ trì suy ngẫm ý nghĩa, đem dạy lại cho người để pháp được phổ biến.

Bạch Thế Tôn! Với pháp sâu xa tất cả thế gian khó có người tin, con sẽ vì chúng sanh trước tiên gây thiện căn cho họ sau đó sẽ giảng giải ý nghĩa.

Khi đó trong chúng có năm trăm Tỳ Kheo Tỳ Kheo Ni cư sĩ nam cư sĩ nữ nghe Đức Như Lai nói chánh pháp hoại diệt trong thời gian sắp đến lòng cảm thấy đau nhói nước mắt tuôn rơi, đều đứng dậy sửa sang y phục trịch áo bày vai mặt, gối mặt quỳ chấm đất cung kính chấp tay thưa: Bạch Thế Tôn!

Chúng con xin nguyện thọ trì chánh pháp của Như Lai. Còn các bậc Đại Sĩ thiện trượng phu vào lúc này đã làm bậc y chỉ cho chúng con, đã che chở dạy dỗ làm chúng con hiểu được ý nghĩa chân thật của Kinh Điển sâu xa mà Như Lai đã dạy và nhờ đó chúng con thực hành như pháp.

Cúi xin Thế Tôn Ngài hãy thọ ký rõ ràng cho các thiện trượng phu và chúng con. Vì con và các Ngài đó đủ có năng lực gìn giữ chánh pháp và người thọ trì.

Đức Thế Tôn liền mỉm cười từ miệng toát ra ánh sáng màu vàng ròng soi khắp mười phương các Thế Giới Phật, và ánh sáng trở về chỗ Phật, xoay quanh Như Lai ba vòng theo chiều mặt xoay lên đến đỉnh đầu thì biến mất. 

Tôn Giả A Nan thầm nghĩ lúc Thế Tôn cười chắc có việc gì lạ ta nên hỏi Ngài gì cớ gì Ngài cười.

Nghĩ vậy xong, Ngài đứng dậy sửa sang y phục lại, trịch áo bày vai mặt, gối mật chấm đất chấp tay hướng về Phật dùng kệ thưa:

Tâm Ngài trong sáng hạnh không nhơ

Có đại oai đức, thần thông lớn

Cao cả đáng tôn trọng cõi đời

Hiển hiện khác gì ánh trăng trong.

Thánh trí vô ngại, tâm giải thoát

Tiếng Ca Lăng tối thượng Cõi Trời

Tất cả dị luận không xao động

Nay bỗng mỉm cười do duyên gì?

Thông đạt chánh chân vì con nói

Đấng lưỡng túc đem nhiều lợi ích

Nên nghe âm thanh vi diệu này

Con sẽ hết lòng vui hớn hở.

Chẳng lẽ Thế Tôn luống cười khan?

Khi Phật phóng quang có người lành

Thưa ai hôm nay được lợi lớn?

Ai trong phút này được chứng chân?

Ai hiện giờ đây được quán đảnh?

Ai phút bây giờ lên ngôi Phật?

Ai hiện tại đem lợi cho đời?

Ai sẽ nói hết kho Phật Pháp?

Ai hằng thường trụ trong Phật trí

Mà Đức Thế Tôn hiện duyên cười?

Phật liền dùng kệ đáp lại: A Nan!

Ông thấy Hiền Hộ không?

Cùng năm trăm người ông giáo hóa

Thân tâm vui vẻ lời thành thật

Bọn họ tương lai được pháp này.

Bọn họ nhất tâm nhìn ngóng ta

Bất cứ lúc nào cũng như vậy.

Đối trước nơi ta phát đại nguyện,

Họ sẽ tương lai đạt đạo này.

Lại có tám chúng đứng dậy thưa

Trong đó năm trăm là thượng thủ

Họ sẽ ở vào đời pháp hoại

Vì cả thế gian nói pháp này.

Ta cũng bảo ông biết như vậy:

Họ là kẻ có trí vô ngại

Nào từng chỉ ở đời một Phật

Đứng dậy chấp tay kính Thế Tôn,

Ta quán khi xưa vô lượng đời

Trải qua tám muôn các Đức Phật

Tám người đã từng đứng dậy thưa

Lại cũng hộ trì diệu pháp này

Trước đó tám muôn ức do tha

Cũng gặp vô số Phật như thế

Tâm được giải thoát, tiếng đồn xa.

Lúc đó hạng này đã thọ trì

Nay lại ở trong diệu pháp ta

Làm thượng thủ hạng giữ lợi ích

Bọn họ sau khi ta diệt độ

Đem xá lợi ra để cúng dường.

Khéo giữ các Phật Sự của ta

Đặt trong rương hộp khắp mười phương

Xây tháp giữa đồng hay trên núi

Dặn dò Trời Rồng và Kim Điểu:

Các ông nương tựa Kinh pháp này

Mạng dứt sẽ đều lên Cõi Trời

Sau đó trở lại chốn nhân gian

Thường sanh vào nhà họ sang trọng

Khéo gìn việc bồ đề của ta

Lại phát đại nguyện theo bổn tâm,

Hoặc vì chánh pháp đến nước người

Để tìm cầu Kinh sâu như thế

Đắc rồi lại truyền trao kẻ khác

Do tâm vui vẻ không ganh tỵ.

Cầu pháp tinh thành không biếng nhát

Khinh tài nhẹ mạng há yêu thân!

Hàng phục tất cả ngoại đạo luận

Hằng đem chánh pháp ban cho họ.

Lúc đó không ai thọ trì Kinh

Cũng không đọc tụng, dạy kẻ khác.

Chỉ có năm trăm Đấng hiền này

Và tám Đại Bồ Tát như thế

Tương lai miền Bắc truyền diệu pháp

Phổ biến Kinh Điển rất sâu xa.

Như thế Tỳ Kheo và Ni chúng

Các cư sĩ nam cư sĩ nữ.

Trí khéo, không hiểm, lên Pháp Sư

Sẽ thành bậc Chánh Giác đức lớn.

Kẻ này từ đây đến khi chết

Không bao giờ sa vào đường ác

Trong các đời sanh được may mắn

Gặp gỡ bồ đề việc hy hữu

Đã xa lìa hẳn các đường ác

Lại tránh không gặp các nạn tai

Công đức khó biết được ngằn mé

Hưởng phước như thế nhiều vô cùng

Sẽ gặp được Phật Di Lặc

Tâm hằng tương xứng với Phật này

Cúng Phật cung kính lợi chúng sanh

Chỉ vì mong cầu trí bồ đề

Vào khoảng mạt thế lúc pháp diệt

Họ cũng lại thường giữ gìn pháp

Có thể ở vào khoảng hiền kiếp

Làm cho thế gian khắp sáng soi

Bảo vệ Kinh này cùng mọi nơi,

Trụ chỗ không sợ giữa ba đời

Tương lai số ức các Đức Phật

Khó thể tính lường và nghĩ suy

Đều cúng dường hết, rộng tu hành

Hằng giữ gìn các thắng Phật Sự

Nay đây Hiền Hộ Đại Bồ Tát

Và ông Bảo đức, báu trong chúng

Thương chủ Cấp Đa Dà Ma Da

Sẽ được gặp Phật nhiều hằng sa

Nghe và lãnh thọ Kinh vô lượng

Nếu có chúng sanh được nghe tên

Hoặc lúc tỉnh táo hay ngủ nghỉ

Hạng này được Trời người tôn kính

Nếu có chúng sanh vừa nghe tên

Liền sanh kính tin và tùy hỷ

Tất cả thành Phật không nghi ngờ

Huống gì cúng dường với các Phật

Họ được thọ ký khó nghĩ lường

Sống lâu, pháp trụ cũng vô lượng

Lợi ích rộng lớn không cùng tận

Công đức trí huệ cũng khó biết.

A Nan nếu người trì Kinh này

Biên chép đọc tụng và ghi nhớ

Ông nên quyết định sanh kính mến

Không nên xa họ năm trăm dặm,

A Nan! Nếu người trình Kinh này

Tự siêng năng mong cầu bền vững

Giữ giới trong sạch, bỏ ngủ nghỉ

Chắc chắn đắc được diệu tam muội

Trong luật ta dạy về Mộc Xoa

Các hạng Tỳ Kheo ở Lan Nhã

Thường hành Đầu Đà không xả bỏ

Đắc được tam muội rất chắc chắn.

Tất cả thỉnh riêng đều từ chối

Dù là vị ngon cũng bỏ qua

Coi thầy như Phật tâm cung kính

Ai nói họ không chứng tam muội?

Trước hết rõ cả tham sân si

Xả bỏ ngã mạn và ganh tỵ

Tình không nhơ bợn niệm vô vi

Đọc tụng suy ngẫm tam muội này

Nếu có Bồ Tát còn tại gia

Tâm hằng bền vững việc xuất gia

Thọ trì đọc tụng thành nghiệp miệng

Tâm hằng nhớ học tam muội này,

Luôn giữ gìn năm căn bản giới

Cũng thường thọ trì Bát quan trai

Hằng xả tài sản cúng Chùa Tháp

Đọc tụng quán sát môn tam muội,

Không có mê say hàng thê thiếp

Không đắm nữ sắc và tài sản,

Giữ hạnh cư sĩ hằng hổ thẹn

Chỉ một lòng nhớ tam muội này.

Không khởi tâm hại các kẻ khác

Chỉ nghỉ suy bỏ các chơi giỡn

Không kẹt nơi nào, tâm an nhẫn

Chỉ nhớ một môn tam muội này.

Chớ nên ôm giữ các tài vật

Hoa hương phấn thoa và vòng hoa

Không đắm nơi nào, hằng an nhẫn

Tam muội như thế luôn giữ gìn.

Nếu Tỳ Kheo Ni cầu Kinh này

Nên phải quy kính, bỏ ganh tỵ

Bỏ đùa, cống cao và ngã mạn

Chứng được bồ đề nào khó gì.

Nên phải siêng năng trừ mê ngủ

Tất cả mong cầu đều bỏ lìa

Tâm mến pháp, nuôi mạng trong sạch

Chỉ đọc tụng Kinh tam muội này,

Hằng không hợp tác với tham dục

Không nổi sân hận dày vò người

Không đem dây ma trói chúng sanh

Chỉ một lòng trì môn tam muội

Không do nịnh hót mà hành động

Không ham áo đẹp và hương xoa

Không nói hai lưỡi chia cách người

Chỉ biết môn tam muội phải trì.

Tiếng sắc gái trai nào bợn tâm

Tịch tịnh hết rối mối nghĩ bậy

Kính thầy nào khác Đức Phật Đà

Và chỉ thọ trì niệm tam muội.

Sanh ra xa lìa các đường ác

Trong biển Phật Pháp nào tin suông

Phá trừ các chướng trong ba cõi

Mong muốn lãnh thọ Tam Ma Đề.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần