Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Ba Mươi Bảy - Tăng Trưởng - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG VÔ TƯỞNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

CHƯƠNG BA MƯƠI BẢY

TĂNG TRƯỞNG  

TẬP BỐN  

Lại nữa, này thiện nam! Như cây Am La khi chưa ra quả, gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu ra quả, chúng sinh lấy dùng được, thì gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Đại Bồ Tát nào chưa thành tựu được tam muội này thì gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu thành tựu được, gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Nếu chưa có khả năng độ thoát các chúng sinh, gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu có khả năng độ thoát, gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Không có khả phá trừ tất cả tà kiến, gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu có khả năng phá trừ tất cả tà kiến thì gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Không có khả năng dứt hẳn mọi phiền não, gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu có khả năng dứt hẳn thì gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Này thiện nam! Đó gọi là cây.

Lại nữa, này thiện nam! Như hạt hồ ma khi chưa thành dầu, không thể tiêu trừ bệnh khổ cho chúng sinh, gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu thành dầu rồi, có khả năng tiêu trừ mọi bệnh khổ cho chúng sinh thì gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Đại Bồ Tát nào chưa thành tựu được tam muội này thì gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu thành tựu được, gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Nếu chưa có khả năng độ thoát các chúng sinh, gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu có khả năng độ thoát thì gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Không có khả phá trừ tất cả tà kiến, gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu có khả năng phá trừ tất cả tà kiến thì gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Không có khả năng dứt hẳn mọi phiền não, gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu có khả năng dứt hẳn thì gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Này thiện nam! Đó gọi là vị béo phì vị.

Lại nữa, này thiện nam! Như kho báu ẩn núp trong lòng đất, không thể làm thấm nhuần lợi ích cho tất cả chúng sinh, nên gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu ra khỏi lòng đất, chúng sinh lấy dùng, được lợi ích lớn thì gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Đại Bồ Tát nào chưa thành tựu được tam muội này thì gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu thành tựu được, gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Nếu chưa có khả năng độ thoát các chúng sinh, gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu có khả năng độ thoát, gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Không có khả phá trừ tất cả tà kiến, gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu có khả năng phá trừ tất cả tà kiến thì gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Không có khả năng dứt hẳn mọi phiền não, gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu có khả năng dứt hẳn thì gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Này thiện nam! Đó gọi là Bảo tạng Phục tàng.

Lại nữa, này thiện nam!

Giống như da rắn, khi chưa lột da gọi là gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu lột da rồi thì gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Đại Bồ Tát nào chưa thành tựu được tam muội này thì gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu thành tựu được, gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Nếu chưa có khả năng độ thoát các chúng sinh, gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu có khả năng độ thoát, gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Không có khả phá trừ tất cả tà kiến, gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu có khả năng phá trừ tất cả tà kiến thì gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Không có khả năng dứt hẳn mọi phiền não, gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu có khả năng dứt hẳn thì gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Lại đoạn dứt bốn thứ tâm nghi ngờ nơi chúng sinh đã khởi lên đối với Phật, gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Này thiện nam! Đó gọi là Xà bì da rắn.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát trụ tam muội này dựa vào năm việc ấy mà diễn nói Như Lai là thường, lạc, ngã, tịnh, có thể nói về ngã, nhân, thường, chúng sinh, sĩ phu. Có khả năng thấy như vậy gọi là chánh kiến.

Bạch Thế Tôn! Như Lai đã nói về năm việc ấy, nghĩa đó không phải như vậy.

Vì sao?

Như Lai thường nói trong các Kinh, các pháp là vô thường như năm việc vừa nêu, nhân cũng vô thường, quả cũng vô thường. Nếu khiến Bồ Tát trụ vào tam muội này như năm việc ấy thì cũng phải là vô thường. Do ý nghĩa đó, tất cả các pháp đều là vô thường.

Bạch Thế Tôn! Có nhân tất có quả, có quả tất có nhân. Tất cả chúng sinh cùng với các vị Bồ Tát cũng như vậy. Có sinh ắt có tử, có tử ắt có sinh. Nếu như thế thì thường cũng vô thường, vô thường cũng là thường.

Do ý nghĩa đó, tất cả các pháp đều có hai tánh: Thường và vô thường. Chớ nên khẳng định thế pháp vô thường, pháp xuất thế là thường.

Như Lai nói lời chân thật, tại sao lại phát ra những lời hư vọng ấy?

Này thiện nam! Tại sao ông nay như con tằm tự trói buộc mình trong kén vậy?

Này thiện nam! Nếu có ai nói: Người đoan nghiêm giống như Mặt Trăng tròn. Hương tượng đẹp trắng giống như núi Tuyết, người thật ra chẳng phải Mặt Trăng, voi chẳng phải là núi Tuyết, phần nào có điểm giống nhau nên dẫn làm ví dụ.

Này thiện nam! Năm việc thế gian cũng như vậy, có phần nào đó là thường nên dẫn làm ví dụ. Thật ra, Chư Phật Như Lai là không thể ví dụ. Giống như là dẫn ví dụ để làm ví dụ.

Bạch Thế Tôn! Nếu Như Lai thường thì tại sao Như Lai lại nói trong các Kinh khác là giống như ngọn đèn tắt mất.

Giải thoát cũng vậy?

Bạch Thế Tôn! Nếu Như Lai thường, sao gọi là diệt mất?

Còn diệt mất, sao gọi là thường?

Nếu Như Lai nói: Cũng vừa thường, cũng vừa diệt thì đấy há chẳng phải là lời nói hư vọng sao?

Lại nữa, như Ngài đã nói: Tất cả các pháp giống như ánh trăng dưới nước, nếu các pháp là thường thì tại sao lại nói giống như ánh trăng dưới nước?

Này thiện nam! Ta nói pháp hữu vi như ánh trăng dưới nước, thế nên ta mới có pháp thường, có pháp vô thường: Nếu có chúng sinh nào chưa được giải thoát, chưa đoạn trừ phiền não, chưa dứt bỏ danh, tướng, chưa đoạn dứt tướng chúng sinh, chưa đạt pháp tướng, chưa được tu tập tam muội này thì gọi là vô thường.

Còn nếu chúng sinh nào đã được giải thoát, đã dứt hẳn phiền não, danh, tướng, tướng chúng sinh. Đã đạt được pháp tướng, đã tu tập được tam muội này thì gọi là thường.

Vì vậy, mới nói có pháp thường và pháp vô thường.

Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy thì tại sao Như Lai nói Phật Niết Bàn giống như ngọn đèn tắt mất?

Ngọn đèn tắt mất là dụ cho thân diệt, là dụ cho sự ràng buộc bị diệt. Giống như dầu không lìa đèn và đèn cũng không lìa dầu. Chúng sinh cũng vậy, thân không lìa sự ràng buộc, sự ràng buộc cũng không lìa nơi thân.

Vậy tại sao nói là diệt?

Phật đáp: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Nếu thấy như vậy, gọi là cái thấy chân chánh.

Này thiện nam!

Thân có hai loại: Thân phiền não và Pháp thân. Thân phiền não diệt, giống như ngọn đèn tắt mất, thế nên Ta nói là có pháp vô thường.

Pháp thân không diệt, giống như hư không, thế nên Ta nói là có pháp thường.

Đoạn trừ mọi thứ phiền não chất chứa gọi là giải thoát. Được giải thoát khỏi thân vô thường thì Chư Phật Thế Tôn là đoạn kiến.

Nếu các thứ phiền não chất chứa là thường không diệt, thì Chư Phật Thế Tôn là thường kiến.

Do trải qua vô lượng A tăng kỳ kiếp đoạn hai kiến chấp này, nên Chư Phật Thế Tôn chắc chắn không còn hai kiến: Thường đoạn.

Nếu Như Lai có tướng chúng sinh thì phải là vô thường. Như Lai đã trải qua vô lượng kiếp đoạn tướng chúng sinh. Nếu nói Như Lai có tướng chúng sinh thì hoàn toàn không có chuyện đó.

Này thiện nam! Ví như Đại Vương Xuất cung đi tuần. Khi ở ngoài cung, thì trong cung không thể thấy. Trong cung tuy không thấy, nhưng không thể nói là không có Vua. Bên ngoài cũng như vậy.

Đại Bồ Tát trụ vào tam muội này thì đã đoạn vô thường. Do vì chúng sinh nên mới thọ thân vô thường. Nếu nói thân Như Lai vô thường, hoàn toàn không có chuyện đó.

Do vậy, Ta nói thường cùng với vô thường, nói ngã với vô ngã, nói chúng sinh với phi chúng sinh, nói nhân với phi nhân, nói mạng với phi mạng, nói sĩ phu với phi sĩ phu. Như Lai thường nói pháp hữu vi đều là vô thường, chứ không nói là thường. Nếu nói thường, chuyện đó hoàn toàn không có.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát trụ vào tam muội này, đoạn trừ các thứ kiến chấp của thế gian, kiến chấp về thọ mạng, kiến chấp của hàng Nhị Thừa, không có tham ái, không lấy, không cầu, thường hằng không biến đổi, thành tựu an trụ, được vô sở úy, không có kiêu mạn, không bị cấu nhiễm. Vì thế, Ta nói là thường, lạc, ngã, tịnh.

Này thiện nam! Ta nói Thanh Văn, Phật Bích Chi thừa, tất cả người đời không thể nào lãnh hội được. Mặc dù họ không hiểu nhưng rốt cuộc cũng không thể thủ đắc.

Nói về trí tệ cũng như vậy. Người đời tuy thấy Như Lai vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, nhưng cũng không thể nói là người có trí tuệ, tức giống với kiến chấp kia.

Những kẻ phước mỏng, căn tánh chậm lụt, hành theo tà đạo, lại nói như vậy: Như Lai vô thường, vĩnh viễn diệt độ, Niết Bàn. Nếu nói Như Lai vĩnh viễn diệt độ, nên biết người ấy không lìa khỏi ba nẻo ác.

Này thiện nam! Ví như trong hồ nước vẩn đục sâu rộng kia có ngọc báu, thế nhưng mọi người không ai thấy được.

Có người nói: Trong hồ nước đục kia có ngọc báu. Nghe thế, mọi người liền vội vàng tìm kiếm. Có người tìm được ngói, đá, cát, sỏi, hoặc là cỏ cây, nhưng hoàn toàn không ai tìm được ngọc báu. Do tìm không được nên liền cho là dối trá.

Thế rồi có một người khéo léo, biết cách đem bỏ hạt châu vô giá xuống hồ nước đục ấy, nước tức thì trong lại, nhân đó, mọi người đều thấy châu báu.

Này thiện nam! Các hàng Thanh Văn, Duyên Giác không hiểu diệu lực của tam muội này, nên nói: Như Lai vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, trống rỗng, không thật có. Họ không biết Như Lai thường hằng bất biến, dù luân chuyển trong sinh tử. Đại Bồ Tát trụ vào tam muội này khéo giải những mật ngữ của Như Lai. Thế nên đem hạt châu vô giá ấy để dụ cho tam muội.

Này thiện nam! Nếu người nam, người nữ nào muốn thấy Như Lai thường hằng bất biến thì phải nên tu tập tam muội này. Đại Bồ Tát nào trụ vào tam muội ấy thì thấy được Như Lai thường hằng bất biến. Sự giải thoát cũng như vậy.

Này thiện nam! Ví như bóng cây, người đi đường dựa vào đó để nghỉ ngơi. Các vị Bồ Tát trụ vào tam muội này cũng như vậy, vì các chúng sinh mà làm bóng mát phủ che.

Thiện Nam! Nếu có ai nói Như Lai vô thường, vĩnh viễn vào Niết Bàn thì kẻ ấy chính là đệ tử của ma. Nếu không phải như vậy, người đó mới đích thật là đệ tử của Ta.

Nếu ai nói Như Lai rốt ráo nhập vào Niết Bàn, nên biết kẻ ấy làm ô nhục pháp của ta. Nếu ai tin nhận những lời như vậy thì thật là đáng thương.

Khi Đức Phật giảng nói xong phần pháp này, bốn phía chúng hội liền phát ra ánh sáng lớn. Ánh sáng màu vàng ấy chiếu khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới, lấn át cả ánh sáng của Phạm Thiên, Mặt Trời, Mặt Trăng, chỉ không thể lấn át được ánh sáng của Phật, ngoài ra, mọi ánh sáng khác thì bị lu mờ, không hiện.

Từ núi Tu Di lớn nhỏ, rừng rậm, cỏ cây, khoảng giữa hai nước, những nơi tối tăm không nơi nào là không có ánh sáng ấy chiếu tới. Những chúng sinh nơi địa ngục gặp được ánh sáng ấy, mọi thống khổ đều chấm dứt, thân được an lạc.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần