Phật Thuyết Kinh Khen Ngợi Công đức Của Chư Phật - Phần Mười

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Ca Cát Dạ, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH KHEN NGỢI

CÔNG ĐỨC CỦA CHƯ PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Ca Cát Dạ, Đời Nguyên Ngụy  

PHẦN MƯỜI  

Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết kệ khen:

Phương trên có cõi Nhật Nguyệt Anh

Danh hiệu Phật ấy Hiền Tràng Vương

Pháp Vương Đại Tiên nơi cõi đó

Tướng hảo tròn sáng như trăng rằm

Người nào được nghe tôn hiệu Ngài

Đi trong sinh tử căn vẫn sáng

Ở trong các pháp thường tăng trưởng

Quán rõ trụ vào dòng Như Lai

Chí tâm niệm Phật và kính lạy

Trừ năm mươi kiếp tội nơi sinh tử.

Lại nữa Ca Diếp! Phương trên có cõi tên là Bảo Chủng, ở đó có Phật hiệu Nhất Thiết Bảo Trí Sắc Trì Như Lai là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Chúng Hựu Thế Tôn, độ người vô lượng.

Cõi nước đó vì lẽ gì tên là Bảo chủng?

Tôn Giả Ca Diếp nên biết! Tất cả chúng sinh nơi Cõi Phật ấy đều cầu đạo chánh chân vô thượng.

Bồ Tát trong cõi nước đó thần túc đều dõng mãnh thù thắng. Vô số Bồ Tát cùng một lúc chỉ trong khoảnh khắc dùng sức thần túc bay đến mười phương cúng dường vô lượng hằng sa Chư Phật, có thể tạo mọi thành tựu cho chung sinh khắp các nơi chốn. Khi nói về công đức của Chư Phật ấy, nếu có người nghe tin ưa tức là đã đến quốc độ của Chư Phật này rồi.

Ai có thể phát khởi hạnh đại tinh tấn?

Có các Đại Bồ Tát, nếu người nào thọ trì danh hiệu các Đại Bồ Tát này: Bồ Tát Sư Tử Hý, Bồ Tát Sư Tử Phấn Tấn, Bồ Tát Sư Tử Phan, Bồ Tát Sư Tử Tác, Bồ Tát Kiên Dũng Tinh Tấn, Bồ Tát Kích Kim Cang Tuệ…

Hoặc người nào được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Nhất Thiết Bảo Trí Sắc Trì và danh hiệu của các Bồ Tát Đại Sĩ đó, thì đều được mười lực và mười tám pháp bất cộng của Như Lai, thường hay chuyển pháp luân bất thoái, trừ sáu trăm kiếp tội nơi sinh tử.

Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết kệ:

Ta nay nói về các Pháp Vương

Thảy đều an ổn và thường trụ

Đại Đạo sư không thầy tự ngộ

Thành Chánh Giác được vui Niết Bàn

Danh hiệu Như Lai tánh trong lành

Các pháp oai nghi hành thanh tịnh

Vào thời tối hậu nghe hồng danh

Phát đại hoan hỷ tâm cung kính

Không nên hồ nghi Đức Như Lai

Chí thành tin thờ, chớ nói suông

Ông nên biết đây, Xá Lợi Phất!

Đời trước họ từng cúng dường ta

Hoặc đã cúng dường các Đức Phật

Người đó vào cuối đời sợ hãi

Được nghe những loại Kinh tôn quý

Nhất tâm tin ưa không còn nghi

Con đường đại trí của Chư Phật

Tuệ thông đạt tối thượng khó sánh

Thành tựu nhiều chỗ trong pháp ấy

Lẽ gì trong đó nghi Kinh này

Găp được ngọc báu không ngờ báu

Kẻ ngu không biết chê không tốt

Người nghèo do dự, ý chưa rõ

Không trọng giá trị của báu ấy

Pháp này xuất sinh Đẳng Chánh Giác

Pháp này Đại Sĩ đã được nghe

Người trí đức cạn không tuệ nhãn

Người này do đâu có thể tin

Người nào giàu có chứa các báu

Nghe ngọc như ý rất vui mừng

Khen ngợi rất nhiều về vật báu

Ta sẽ mua về để trang sức

Người nào tích tập nhiều phước tuệ

Nghe danh hiệu Phật rất hoan hỷ

Trân trọng khen ngợi muốn được nghe

Được ngọc Chánh Giác tự trang nghiêm

Người hành pháp ác tìm người ác

Người nào dua nịnh và ngang trái

Người phước đức trí tuệ mỏng ít

Không thể thọ nhận nghe pháp này

Hèn kém, điên đảo và ngu si

Rất nhiều xan tham khởi ý xấu

Người tham, dâm, sân và mê loạn

Kẻ đó không thể nghe pháp này

Học ít, biếng nhác thêm kiêu mạn

Thân cận bạn ác, ý chưa thành

Tự nêu, thâu tóm, ngoài như sạch

Hạng ấy không thể nghe Kinh này

Khi vô số Thiên Nhân xướng lên

Bậc Chánh Giác cao vời vô thượng

Quý thay pháp diệu khó được nghe

Nên nghe đạo vô thượng tôn quý

Nghe danh hiệu các Đức Như Lai

Được lợi ích lớn không nói hết

Chư Thiên ở trên, giữa hư không

Dâng hoa, đánh trống, tấu âm nhạc.

Hương diệu Chư Thiên xông cùng khắp

Đại Thiên Thế Giới kết mây thơm

Hào quang chiếu sáng khắp mười phương

Tất cả cõi chấn động sáu cách.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn thuyết giảng về danh hiệu của các Đức Như Lai, toàn thể chúng hội đều ngồi trên tòa, từ xa chiêm ngưỡng Chư Phật Thế Tôn ấy. Mỗi Đức Thế Tôn đều ở giữa đại chúng nơi nước đó thuyết giảng Kinh pháp. Mọi người đều từ nơi tòa ngồi đứng dậy đảnh lễ chư Thế Tôn, tất cả đại chúng đều hết mực hoan hỷ, vui thích.

Lúc này, trong pháp hội, vô số trăm ngàn người đã đắc đạo, hoặc chưa, tất cả đều phát tâm bồ đề vô thượng. Các Bồ Tát nhiều như cát Sông Hằng trong mười phương Thế Giới đều đi đến pháp hội này để đảnh lễ Đức Thích Ca Văn. Nơi chúng hội có một ức Tỳ Kheo được quả A La Hán.

Lại có mười vạn Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni được pháp nhãn thanh tịnh, mười vạn người được pháp nhẫn. Năm trăm Ưu Bà Tắc, bốn trăm Ưu Bà Di cùng một lúc từ tòa đứng dậy, sửa lại y phục, cúng dường Như Lai đều phát tâm vô thượng chánh chân đạo ý.

Khi ấy, Tôn Giả Xá Lợi Phất ở trước Phật quỳ gối, chắp tay thưa: Kính bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì và phụng trì như thế nào?

Phật nói: Kinh này tên Xưng Dương Chư Phật Công Đức Pháp Phẩm. Cũng gọi là Tập Chư Phật Hoa, nên theo đấy mà phụng hành.

Đức Thế Tôn thuyết giảng Kinh này xong, Tôn Giả Xá Lợi Phất và các Tỳ Kheo, Chư Thiên, Dân Chúng, Rồng, A Tu La, tất cả đại hội đều rất hoan hỷ, ở trước Phật cúi đầu đảnh lễ và lui ra.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần