Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Tám Mươi Tám - Phật Thuyết Kinh Nho đồng Thọ Ký

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH LỤC TẬP ĐỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

PHẦN TÁM MƯƠI TÁM

PHẬT THUYẾT KINH

NHO ĐỒNG THỌ KÝ  

Thuở xưa, Bồ Tát sinh ở nước Bát Ma, làm Phạm Chí tên là Nho Đồng, tự tìm thầy học hỏi, ngửa xem thiên văn, các sách về mưu lược, sấm ký, hễ nghe thấy là liền hiểu, giữ chân, chuộng hiếu. Nho Sĩ trong nước đều khen ngợi.

Một hôm, thầy hỏi: Ngươi nay đạo đầy, nghề đủ, sao không dốc chí ra đi giáo hóa kẻ mới học?

Phạm Chí thưa: Con vốn nghèo thiếu, không có của cải gì để báo đền ân thầy, nên không dám đi. Vả lại mẹ bệnh rất nặng không thuốc thang chữa trị, xin đi làm thuê để lo thuốc thang cho mẹ.

Thầy nói: Tốt lắm.

Phạm Chí bèn cúi đầu lễ thầy ra đi, dạo khắp nước gần đó, thấy năm trăm vị Phạm Chí tụ hội nơi giảng đường, bày biện một tòa ngồi cao, đặt một người con gái đẹp và năm trăm đồng bạc nói: Ai lên ngồi trên tòa cao để các Nho Sĩ cùng vấn nạn, nếu thấy trí rộng, đạo sâu thì sẽ dâng cô gái và số tiền ấy.

Bồ Tát đến xem, thấy họ trí cạn, bị gạn hỏi tất hết lời, bèn bảo các Nho Sĩ: Tôi cũng con Phạm Chí, có thể dự bàn được không?

Mọi người đều đáp: Được.

Bồ Tát liền lên ngồi tòa cao, các Nho Sĩ hỏi đạo cạn thì đáp đạo sâu, hỏi nghĩa hẹp thì giải nghĩa rộng.

Các Nho Sĩ nói: Người này đạo cao trí rộng, có thể làm thầy.

Rồi họ đều cúi đầu chịu phục. Bồ Tát xin cáo lui.

Các Nho Sĩ nói: Người này tuy trí tuệ cao minh, nhưng là người nước khác, cưới con gái nước ta làm vợ không hợp, hãy lấy thêm tiền để tặng cho.

Bồ Tát đáp: Người đạo cao thì đức sâu, ta muốn đạo vô dục, điều muốn ấy mới quý giá. Đem đạo truyền cho thần, đem đức trao cho Thánh, Thần Thánh truyền nhau thì nền giáo hóa lớn lao mới không hư, đáng gọi là kẻ nối dòng tốt. Các ông muốn mất đạo, chặt gốc rễ của phước đức, có thể gọi là kẻ vô hậu.

Nói rồi liền lui. Các Nho Sĩ bẽn lẽn, xấu hổ.

Người con gái nói: Bậc cao sĩ kia đúng là chồng ta.

Rồi nàng vén áo bước ra đường, lần theo dấu vết, trải qua khắp các nước, chân đau sức mệt, ngất xỉu bên vệ đường.

Đến nước Bát Ma, Quốc Vương hiệu là Chế Thắng, đang tuần hành biên giới, thấy người con gái mệt xỉu, liền hỏi: Cô là ai mà nằm bên vệ đường vậy?

Người con gái thuật đầy đủ về nguyên do. Vua khen chí của cô và rất thương xót.

Nhà Vua ra lệnh cho cô gái: Hãy theo ta về cung, ta sẽ nhận con làm con gái.

Cô gái tâu: Thức ăn của họ khác, có thể ngồi không mà ăn sao?

Xin cho giữ một chức gì thì sẽ theo Đại Vương.

Vua nói: Cô hái các loại hoa quý dâng cho ta trang sức.

Cô gái xin vâng lời, theo Vua về cung, ngày ngày hái hoa đẹp để dâng lên cho Vua dùng.

Nho Đồng trở về nước, thấy trên đường người ta xúm nhau san gò lấp hố, quét dọn sạch sẽ, bòn hỏi người đi đường: Dân chúng hớn hở, chắc có gì vui vẻ?

Họ đáp: Đức Định Quang Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Đạo Tối Chánh Giác Đạo Pháp Ngư Thiên Nhân Sư sắp đến đây giáo hóa, nên dân chúng hớn hở.

Nho Đồng lòng vui, lặng lẽ nhập định, tâm thanh tịnh không nhơ, thấy Đức Phật sắp đến. Trên đường gặp cô gái khi trước hái hoa cắm bình hoa, bèn đi theo xin được năm cành hoa. Vua, Hoàng Hậu, thứ dân đều tự mình sửa sang đường, Bồ Tát nài xin một đoạn nhỏ để tự mình lo sửa.

Dân nói: Còn có một khe nhỏ, nước chảy xiết, đất đá không đứng yên được.

Bồ Tát nói: Ta dùng sức thiền hạ ngôi sao nhỏ kia, lấp vào đấy được không?

Lại nghĩ: Nghi thức cúng dường là phải dùng bốn lực lớn, khổ mình mới tốt. Liền để ngôi sao mà kéo đá, đem sức mình lấp khe đó. Sức hiền lực trụ rồi, còn chút rãnh bùn thì Đức Phật đã đến, Bồ Tát bèn cởi áo da nai đang mặc phủ lên chỗ đất bùn, đem năm cành hoa tung lên cúng Phật, hoa trùm lên không trung, như lấy tay rải hạt giống vào đất mọc lên.

Đức Phật gọi Bồ Tát nói: Sau chín mươi mốt kiếp, hiền giả sẽ thành Phật hiệu là Năng Nhân Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Đạo Tối Chánh Giác Đạo Pháp Ngự Thiên Nhân Sư.

Đời ấy điên đảo, cha con thù nhau, sự cai trị của Vua tổn hại đến dân, khác nào Trời mưa đao kiếm, dân tuy cố tránh nhưng khó thoát nạn. Người sẽ ở nơi cõi đời ấy cứu vớt chúng sinh, số người được độ không thể tính kể.

Nho Đồng mừng vui, nhảy lên hư không cách mặt đất bảy nhận, rồi từ trên không đáp xuống, lấy tóc trải đất cho Phật bước qua.

Đức Thế Tôn đi qua rồi, bảo các Tỳ Kheo: Đừng đạp lên đất ấy. Sở dĩ như vậy là vì đó là nơi thọ ký, tôn kính vô thượng. Kẻ sĩ có trí dựng ngôi Chùa nơi đây thì cùng đồng với thọ ký.

Chư Thiên đều đồng thanh nói: Chúng tôi sẽ tạo Chùa ở đây.

Bây giờ, có con ông trưởng giả tên là Hiền Càn, lấy một ít củi nhỏ xếp lên chỗ đất ấy, nói: Chùa ta đã dựng rồi!

Chư Thiên ngoái nhìn nói với nhau: Đứa bé phàm phu mà có trí tuệ của bậc Thượng Thánh ư?

Hiền Càn bèn chở các báu đến, dựng Chùa trên đó, rồi cúi đầu thưa: Xin nguyện cho con được thành Phật, giáo hóa như nay.

Hiện đã dựng Chùa rồi thì phước ấy ra sao?

Đức Thế Tôn nói: Khi Nho Đồng thành Phật, con sẽ được thọ ký.

Đức Phật bảo Tôn Giả Thu Lộ Tử: Nho Đồng ấy là thân ta, cô gái bán hoa nay là Câu Di, con ông trưởng giả nay là Phi La Dư đang ngồi trong chúng hội.

Philadư liền cung kính đảnh lễ nơi chân Phật. Đức Phật thọ ký cho sau này sẽ thành Phật hiệu là Khoái Kiên.

Đức Phật thuyết giảng Kinh xong, bốn chúng đệ tử, Trời, Người, Rồng, Quỷ... không ai là không hoan hỷ, làm lễ và lui.

Trí tuệ độ vô cực rộng khắp của Bồ Tát luôn thể hiện sự sáng suốt như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần