Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Bảo Khiếp - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG BẢO KHIẾP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng
Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẦN NĂM
Thưa Đại Đức! Những điều mà Đại Đức đã nhìn thấy đều không thật, tương ứng sinh diệt. Thế Giới hư không thì không nhờ nhân duyên mà có, nhưng bản tánh của hư không vẫn tồn tại.
Cũng vậy, thưa Đại Đức! Phiền não khách trần làm nhiễm ô tâm ý, nhưng bản tánh của tâm vẫn không ô nhiễm.
Thưa Đại Đức! Như tai họa về lửa đốt cháy trong các kiếp nhiều bằng số cát sông Hằng nhưng không hề thiêu đốt hư không.
Cũng vậy, thưa Đại Đức! Trong các kiếp nhiều như số cát Sông Hằng, mỗi chúng sinh đều tạo tác các nghiệp bất thiện, các tội đại nghịch nhưng bản tánh của tâm họ vẫn không bị nhiễm ô.
Thưa Đại Đức! Thiện nam, thiện nữ nào hiểu rõ được sự thanh tịnh của bản tánh pháp giới như vậy thì không có phiền não, nhơ uế, sự che lấp hay sự trói buộc nào có thể làm cho tâm họ bị buồn bực được.
Đó gọi là pháp môn không có sự ngăn che trói buộc. Nếu nương tựa vào pháp môn này thì tất cả các pháp đều không thể che lấp, hiểu rõ được sự thể nhập thanh tịnh của tất cả các pháp, hoàn toàn không có một pháp nào ngăn che được tâm ý.
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thần thông biến hóa giảng nói pháp như vậy. Tôi thấy những sự thần thông của Bồ Tát, các Bồ Tát còn không thể đạt được, huống nữa là các Thanh Văn.
Bấy giờ, Đại Đức A Nan lại thưa với Đại Đức Xá Lợi Phất: Tôi cũng đã từng nhìn thấy thần thông biến hóa của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.
Thưa Đại Đức! Ngày trước, một thuở nọ, Đức Thế Tôn ở tại Tinh Xá nơi khu vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng đại Tỳ Kheo Tăng tám trăm vị, chúng Đại Bồ Tát gồm một vạn hai ngàn vị. Lúc ấy, Trời nổi mưa to bảy ngày bảy đêm mà vẫn không tạnh.
Các Đại Đức Thanh Văn, vị thì đạt được thiền định và giải thoát, vị thì nhập vào thiền định bảy ngày không ăn, những người phàm phu và các vị hữu học khác thì tuyệt thực trong năm ngày, ai nấy đều đói lả và ốm gầy hẳn, nên không thể đến để diện kiến Đức Phật Thế Tôn và để cung kính cúng dường.
Khi đó, tôi nghĩ: Các vị Tỳ Kheo đang thật là khổ sở, mình nên đến thưa trình lên Phật.
Rồi tôi liền đến chỗ Đức Thế Tôn, đảnh lễ ngang chân Phật, thưa: Bạch Thế Tôn! Các vị Tỳ Kheo đã tuyệt thực năm ngày nay, tất cả các vị đều ốm gầy, không thể đứng dậy nổi.
Đức Thế Tôn hỏi: Này A Nan! Bây giờ, ông hãy đem việc này đến nói với Văn Thù Sư Lợi. Vị ấy sẽ cung cấp thức ăn đầy đủ cho các Tỳ Kheo.
Tôi vâng lời Phật dạy, đi đến chỗ tịnh thất của Bồ Tát Văn Thù. Đến nơi, tôi trình bày tường tận mọi việc như vậy.
Khi ấy, đang giảng pháp cho các Vua Trời Đế Thích, Phạm Vương và bốn Vua Trời Hộ Thế, Bồ Tát Văn Thù liền đáp lời tôi: Thưa Đại Đức A Nan! Đại Đức hãy trải tòa ngồi, khi nào thấy tôi đến thì đánh kiền chùy lên.
Tôi nghe được lời nói ấy của Bồ Tát Văn Thù, liền trải tòa ngồi ở một chỗ nọ để nhìn lúc nào thì Bồ Tát Văn Thù ra khỏi thất. Bồ Tát Văn Thù vừa mới giảng thuyết Tam Muội Phân biệt nhất thiết thân cho các Vua Trời Đế Thích, Phạm Vương và bốn Vua Trời Hộ thế, xong Bồ Tát vẫn không ra khỏi phòng.
Tôi suy nghĩ: Chắc Bồ Tát Văn Thù sẽ không cho thực phẩm cho các Tỳ Kheo kia. Bồ Tát Văn Thù biến hóa thân hình, vì các Vua Trời Đế Thích, Phạm Thiên và bốn Vua Trời Hộ Thế, giảng nói tam muội phân biệt nhất thiết thân. Bồ Tát Văn Thù cũng liền nhập vào tam muội này, từ phòng đi ra, Bồ Tát vào thành Xá Vệ để lần lượt khất thực, nhưng lúc ấy tôi không nhìn thấy Bồ Tát.
Ma Vương Ba Tuần nghĩ: Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đã thốt lên tiếng gầm Sư Tử rồi, sẽ vào thành Xá Vệ để đi khất thực. Ta sẽ ngăn che hết trong thành Xá Vệ, làm cho các Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ không ai ra vao để cúng dường thức ăn. Khi đó, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đi đến trước các nhà dân, nhưng mọi nơi, cửa nẻo đều đóng kín, không người lui tới.
Bồ Tát Văn Thù liền quan sát biết rõ: Đây chính là do Ma Ba Tuần che giấu hết mọi người. Ta nên nói lên lời thệ nguyện chân thành.
Nghĩ xong, Bồ Tát Văn Thù nói lời chí thành: Tôi đã chứa nhóm được trong mỗi lỗ chân lông đều có phước đức và trí tuệ, giả sử các Thế Giới Phật nhiều như số cát trong Sông Hằng, các Ma ở đầy trong đó đều là không thật có.
Nếu lời nói của tôi là đúng như thật thì sự ngăn che của ma hãy tan đi, khiến cho tự thân của ma đều làm thân hình Cư Sĩ ở trong các giao lộ và trên mọi ngả đường và nói lên như sau: Nên cúng dường Bồ Tát Văn Thù! Nên cúng dường Bồ Tát Văn Thù! Người nào cúng dường như vậy sẽ đạt được phước báo lớn.
Nếu bố thí cho tất cả các chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới các vật dụng ưa thích trong trăm ngàn ức năm thì phước cũng không bằng cúng dường cho Bồ Tát Văn Thù một chút thực phẩm bằng đầu móng tay.
Trong khoảng chốc lát, Bồ Tát Văn Thù lập thệ nguyện như thế. Khi ấy, các vị Trời làm cho tất cả các cửa của các nhà ở trong thành đều mở ra, khiến mọi người đều hướng đến Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.
Ma Ba Tuần làm thân hình Cư Sĩ ở trên khắp các ngả đường, nói lớn như sau: Hãy cúng dường Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nên cúng dường Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nếu ai cúng dường Bồ Tát Văn Thù, sẽ đạt được phước báo lớn.
Nếu bố thí cho tất cả các chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới các đồ dùng ưa thích, trải qua trăm ngàn năm thì phước đức cũng không bằng cúng dường Bồ Tát Văn Thù một chút thực phẩm bằng đầu móng tay.
Khi ấy, Bồ Tát Văn Thù dùng diệu lực thần thông khiến cho một bình bát của Bồ Tát đựng được tất cả các đồ ăn, thức uống… nhưng không bị trộn lẫn, giống như đang đựng trong các đồ đựng khác nhau. Thức ăn để đủ cho tám trăm Tỳ Kheo và một vạn hai ngàn Bồ Tát đều dùng đựng trong một bình bát ấy, nhưng vẫn không thấy vơi cũng chẳng thấy đầy.
Bấy giờ, khất thực ở thành Xá Vệ xong, Bồ Tát Văn Thù ra khỏi thành, bưng bình bát đặt xuống đất và bảo Ma Ba Tuần: Nếu ngươi là người thanh tịnh thì hãy bưng bình bát trước mặt này đi.
Ma Ba Tuần không thể nhấc bình bát lên nổi, vô cùng xấu hổ, nói: Tôi không thể nhấc bình bát này lên được.
Bồ Tát Văn Thù hỏi: Ngày hôm nay, ngươi đã thành tựu thần lực nơi thành lớn này, sao lại không nhấc nổi một chiếc bình bát nhỏ lên khỏi mặt đất?
Khi đó, Ma Ba Tuần dùng hết thần lực cũng không thể nhấc chiếc bát lên được một phần nhỏ dù chỉ bằng một phần sợi lông, lấy làm kỳ lạ cho là điều chưa từng có, nói: Thần lực của tôi nhấc bổng được núi Y Sa Đà, đặt núi ấy trên tay rồi đưa thẳng lên hư không, sao bây giờ lại không thể nhấc một chiếc bát nhỏ này lên được một phần dù chỉ bằng một phần sợi lông.
Bồ Tát Văn Thù nói với Ma Ba Tuần: Chỉ có bậc đại chúng sinh, đại nhân, đại lực mới có thể bưng bình bát, còn Ma Ba Tuần như ngươi thì không thể nào bưng lên được.
Nói xong, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi liền dùng một ngón tay bưng bình bát lên đặt vào tay Ma Ba Tuần và nói với ma: Ngươi là người thanh tịnh, hãy bưng bình bát này đi trước ta.
Ma Ba Tuần dùng hết thần lực của mình để bưng bình bát rồi đi trước Bồ Tát.
Bấy giờ, Thiên Tử Tự Tại cùng với hai ngàn Thiên Tử hầu hạ xung quanh, đồng đến chỗ của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, đảnh lễ ngang chân Bồ Tát, đi nhiễu quanh bên phải Bồ Tát xong, nói với Ma Ba Tuần: Ngươi chẳng phải là người hầu, sao lại bưng bình bát đi trước Bồ Tát?
Ma Ba Tuần đáp lời Thiên Tử: Hôm nay, tôi không thể trái lời người có thần lực.
Thiên Tử nói: Này Ma Ba Tuần! Ngươi cũng thành tựu năng lực đại oai thần mà.
Khi ấy, Ma Ba Tuần nhờ năng lực hộ trì của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, đáp: Này Thiên Tử! Năng lực của kẻ ngu si là năng lực của ma, năng lực của bậc trí tuệ là năng lực của Bồ Tát. Năng lực của kẻ kiêu mạn là năng lực của ma, năng lực đại trí tuệ là năng lực của Bồ Tát. Năng lực các tà kiến là năng lực của ma, năng lực không, vô tướng, vô tác là năng lực của Bồ Tát.
Các năng lực điên đảo là năng lực của ma, năng lực của chân lý chắc thật là năng lực của Bồ Tát. Năng lực ngã, ngã sở là năng lưc của ma, năng lực đại từ bi là năng lực của Bồ Tát. Năng lực tham, sân, si là năng lực của ma, năng lực giải thoát là năng lực Bồ Tát. Năng lực sinh tử là năng lực của ma, năng lực không sinh, không diệt, không tạo tác và năng lực pháp nhẫn vô sinh là năng lực của Bồ Tát…
Ma Vương Ba Tuần nói pháp này xong, trong đại chúng có năm trăm Thiên Tử phát tâm cầu đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, một ngàn hai trăm Bồ Tát đạt được pháp nhẫn vô sinh. Khi ấy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi cùng với Ma Ba Tuần bưng bình thức ăn ấy đến để trong vườn hoa Ca Lợi La rồi đều đi ra.
Lúc đó, tôi không thấy Bồ Tát Văn Thù, cho đến giờ thọ thực mà Bồ Tát van chưa ra khỏi phòng.
Tôi suy nghĩ: Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi chắc sẽ không giúp cho đại chúng các Tỳ Kheo rồi, mình nên về thưa lại Đức Phật.
Tôi liền về lại chỗ Đức Phật, đảnh lễ ngang chân Phật rồi thưa: Thưa Thế Tôn! Giờ ngọ đã đến mà Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi vẫn chưa ra khỏi phòng.
Đức Phật nói: Này A Nan! Ông không đến vườn Ca Lợi La và không nhìn thấy gì hay sao?
Tôi đáp: Bạch Thế Tôn! Con chỉ thấy một chiếc bình bát nhỏ, trong đó có đầy thức ăn.
Đức Phật nói: Hãy mau đi đánh kiền chùy để tập hợp đại chúng Tỳ Kheo.
Tôi thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng Tỳ Kheo thì đông, chỉ một bình bát thức ăn này thì biết cho vị nào?
Đức Phật nói: Ông đừng lo chuyện ấy! Giả sử tất cả các chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới ăn một bình bát thức ăn này trong trăm ngàn năm còn không hết được.
Vì sao?
Vì nhờ thần lực của Bồ Tát Văn Thù giữ gìn bình bát này. Văn Thù Sư Lợi có pháp bố thí Ba La Mật với vô lượng công đức.
Vâng lời Đức Phật, tôi liền đánh kiền chùy để tập hợp Chúng Tăng. Khi ấy, thức ăn trong bình bát không bị trộn lẫn, hương vị rất thơm ngon hảo hạng, đại chúng đã dùng no đủ mà thức ăn trong bát vẫn không vơi giảm.
Lúc này, vì muốn quấy nhiễu Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Ma Ba Tuần lại biến hóa ra bốn ngàn Tỳ Kheo, y phục rách rưới, oai nghi thô tháo, tay bưng bình bát bể mẻ, mặt mũi hốc hác, tay chân khẳng khiu, thân hình xấu xí, đi đứng lôi thôi lếch thếch… các Tỳ Kheo ấy lấy thức ăn trong bình bát kia ăn no đầy đủ.
Khi ấy, Ma Ba Tuần lại khiến cho các Tỳ Kheo này mỗi người ăn nhiều bằng mười lần dân chúng thành Ma Kiệt Đà ăn, nhưng thức ăn trong bình bát vẫn còn đầy không hề vơi bớt.
Khi đó, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi dùng thần lực giữ gìn nên các Tỳ Kheo do Ma Ba Tuần hóa ra có ăn bao nhiêu thì bình bát vẫn không vơi đi một phần nào.
Họ dùng tay bốc ăn no nê tràn đầy, không thể nào nuốt nổi nữa, tất cả đều bị nghẹn hơi, trợn mắt và ngã lăn xuống đất.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Ma Ba Tuần: Các Tỳ Kheo của ngươi sao không ăn nữa?
Ma ác đáp: Thưa Nhân Giả! Các Tỳ Kheo này đều ngã xuống đất gần chết, Nhân Giả đã bỏ thuốc độc vào thức ăn phải không?
Bồ Tát Văn Thù nói: Người đã diệt hết các độc thì làm gì còn chất độc. Người bên trong vẫn còn độc thì cho người khác chất độc, còn người bên trong không còn độc thì không cho người khác chất độc.
Này Ba Tuần! Chất độc nghĩa là tham, sân, si. Người đã thuần thục trong pháp khen ngợi hoàn hảo mà cho người khác chất độc, điều đó không thể có.
Lại nữa, này Ba Tuần! Độc nghĩa là vô minh, hữu ái, chấp ngã, ngã sở, chấp không có nhân duyên, chấp vào danh sắc, chấp tham, sân, si, chấp ngã, chấp chúng sinh, chấp các triền cái, chấp thủ các ấm, khởi tâm kiêu mạn, chấp thủ các nhập, thường ở trong ba cõi, bị lệ thuộc, nương tựa, giữ gìn những điều lấy bỏ…
Hoặc đến, hoặc đi, đắm nhiễm nơi thân, chấp chặt vào thọ mạng, suy nghĩ bất tịnh, tâm ưa thích điều ô nhiễm, tạo nhiều lỗi lầm, trái nghịch pháp nhân duyên, chấp thường, chấp đoạn, dua nịnh, kiêu mạn, vọng tưởng phân biệt, làm điều dối trá, chấp giữ vào chỗ ở, vào ra, co duỗi đều Kinh sợ pháp không, ở trong pháp vô tưởng lại cho là đọa lạc.
Trong pháp vô tác lại sinh ý tưởng sợ chết, trong pháp vô trước lại khởi ý tưởng sợ hãi, đối với việc ra khỏi sinh tử thì khởi tưởng cho là trói buộc, ở trong dòng phien não không hề có ý tưởng vượt qua, đối với pháp hỗ trợ đạo quả Bồ Đề lại cho là phi pháp, đối với tà kiến lại tưởng là chánh kiến, đối với tri thức ác lại cho là tri thức thiện.
Trái lời Phật dạy, chê bai chánh pháp, khinh thường Chúng Tăng, không bỏ kiêu mạn, tăng trưởng tranh cãi, thật cho là không thật, không thật cho là thật, ở trong dục lạc lại cho là pháp công đức, ở trong hữu vi tâm sinh dối trá, mê hoặc, ở trong sinh tử không thấy lỗi lầm của nó, đối với Niết Bàn lại sinh ý tưởng sợ hãi.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Bốn Mươi Chín - Phẩm Nhân ít, Quả Nhiều
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Phần Mười Ba - như Pháp Thọ Trì
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn - Pháp Hội Tịnh Cư Thiên Thử - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tam Muội Ngồi Thiền - Phần Bốn - Pháp Môn Trị Lo Nghĩ