Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Căn Bản Nghi Quỹ - Phẩm Năm - Phẩm Pháp Thành Tựu Tối Thượng - Tập Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thiên Tức Tai, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG
BỒ TÁT TẠNG VĂN THÙ SƯ LỢI
CĂN BẢN NGHI QUỸ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thiên Tức Tai, Đời Tống
PHẨM NĂM
PHẨM PHÁP THÀNH TỰU
TỐI THƯỢNG
TẬP BỐN
Bấy giờ, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật quán sát chúng ở Đại Hội trong Cõi Trời Tịnh Quang có căn cơ thành thực, thuần thiện tương ứng, rồi bảo Diệu Cát Tường Đồng Tử rằng: Ta vì các ông, muốn nói việc Nghi Tắc của Tranh Tượng Trung Phẩm có sự nghiệp của Trung Phẩm, pháp thành tựu của Trung Phẩm.
Lành thay! Các ông hãy nghe cho kỹ! Hãy khéo nghĩ nhớ!
Khi ấy, Diệu Cát Tường Đồng Tử bạch Phật rằng: Thế Tôn! Đức Như Lai là bậc thầy của Trời, Người trong tất cả thế gian, lợi lạc hữu tình, cứu bạt quần phẩm. Nguyện xin Đức Thế Tôn thương xót chúng con với chúng sinh đời mạt thế. Nay hãy vì chúng con lược tuyên nói hết thảy pháp.
Đức Thế Tôn bảo Diệu Cát Tường: Nay ông hãy nghe cho kỹ! Nếu có Trì Tụng A Xà Lê hoặc hay tu các phạm hạnh, trì giới thanh tịnh, thân tâm như nhuyễn, thương xót hữu tình. Hoặc an cư ở pháp thành tựu của tất cả Chân Ngôn này, tác Quán Tưởng ấy, trì tụng, Hộ Ma, quyết định chẳng hư dối…thời đều được thành tựu như nghi quỹ Vương đã nói.
Nếu Mạn Noa La A Xà Lê nhiếp thọ đệ tử khiến vào Mạn Noa La cho kẻ ấy Quán Đỉnh.
Đệ tử đã thọ nhận y theo pháp tiến tu, luôn nhập vào tam muội, thân tâm bình đẳng, trí tuệ minh đạt, nói năng thành thật kỹ lưỡng, lìa các niệm hư vọng, dũng mãnh chẳng lui, cung kính, hiếu thuận, chẳng già chẳng trẻ, đối với các lợi dưỡng thì không có yêu dính, đối với giới hạnh của mình cũng không có khuyết phạm, thương xót hữu tình, tất cả bình đẳng. Người như vậy đối với Mật hạnh của Chân Ngôn, trước tiên làm cho tinh thục, rồi sau đó cầu pháp.
Lại A Xà Lê này đối với Mật Hạnh của Diệu Cát Tường Mạn Noa La Chân Ngôn vào sâu không ngăn ngại, được Đại Tổng Trì, khéo hay phân biệt diệu hạnh của ba Mật.
Đối với pháp giới tính không có sợ, không có dính, đầy đủ tướng con người, sinh trong nhà quý tộc, dũng mãnh tinh tiến, khéo chữa trị mọi bệnh, chặt đứt tham sân si. Người có Đức như vậy thì gọi là Mạn Noa La A Xà Lê, cho vị ấy làm thầy, hạnh ấy không có gì ngang bằng.
Nếu đệ tử ấy, phàm muốn cầu pháp thời đối với Diệu Cát Tường Đồng Tử nghi quỹ tam muội ôm giữ sự yêu thích sâu xa, tâm cung kính, cúi năm vóc sát đất, thành tâm cáo bạch: Nay con nguyện cầu nhận Quán Đỉnh, nguyện xin A Xà Lê từ bi nhiếp thọ.
A Xà Lê quán sát đệ tử ấy: Uy nghi, phạm hạnh, giới phẩm, thân tâm… dược như lúc trước nói thời nhiếp thọ. Y theo pháp, quỹ nghi, thí nghiệm nhóm ấy, cho người ấy Quán Đỉnh, dạy truyền Chân Ngôn, khiến vào tam muội, học Ấn bí mật.
Như người này tin thích bền chắc chẳng lùi, liền giúp cho giải thoát, nghi quỹ thành tựu của tất cả Chân Ngôn. Nếu chẳng phải là người này thì đối với nghi quỹ này chẳng được vì họ nói.
Nếu đệ tử ấy được A Xà Lê vui vẻ thì tùy theo sức của mình, duyên như pháp cúng dường. Thời A Xà Lê dạy truyền, nuôi dưỡng như là cha con. Nghiệp đã có được, lại khiến tùy theo nơi, dựng lập Đạo Trường, hết thảy nghi quỹ như trước đã nói.
Chọn lựa đất Đàn tốt, nơi trong sạch không có các uế tạp, gạch, đá vụn, hài cốt… an trí tranh tượng, triệu thỉnh Hiền Thánh. Dùng hương, hoa, đèn, đuốc, mọi loại cúng dường, hiến nước Át Già, hiến tòa ngồi với Phát Khiển. Một ngày ba thời tắm gội, mặc áo sạch mới, trì tụng… ngày ngày như vậy.
Lại nữa, A Xà Lê tinh tiến trì giới, suy tư xem xét kỹ lưỡng pháp giới Dharma dhātu vi diệu, chán ngấy thế gian, xa lìa Pháp huyễn, đối với các Chân Ngôn thông đạt không có hai, thành tựu Phán Hành tối thượng sâu xa, tự làm ủng hộ như Đức Phật đã nói. Chân Ngôn Vương này, nếu người y theo thực thành ắt được Thánh Đạo Ārya mārga.
Lại người trì tụng khéo hay phân biệt nghiệp báo của ba đời, đối với tội nhỏ nhiệm sinh sợ hãi rộng lớn.
Hết thảy Chú Pháp của thế gian, Chân Ngôn của Chư Phật, Kim Cương Bộ Tộc, Liên Hoa Bộ Tộc… pháp giáo như vậy chẳng nản sợ, siêng năng chịu khó, dũng mãnh tu tập khiến cho thành tựu. Nếu được thành tựu ở nơi vắng lặng, như lúc suy nghĩ, chí tâm trì tụng, lợi ích hữu tình, thực chứng gốc đức. Người có hạnh đức như vậy thì có thể làm thầy.
Nếu có người học, viết chép, thọ trì Pháp Hành của Chân Ngôn, làm Mạn Noa La cầu nhận Quán Đỉnh, như được thành tựu thì lợi ích không cùng tận. Lại tự tùy theo sức Duyên của mình cúng dường đến thầy.
Dùng thức ăn uống, quần áo, giường nằm, thuốc thanh, hương, hoa, đèn, quả trái… cung kính cúng dường như cúng Chư Phật mà không có khác. Đối với bốn uy nghi không khiến cho khuyết phạm, bảo trọng vị thầy như bảo vệ mạng của mình. Chỗ học thành tựu thì sống lâu không có bệnh, tất cả ước nguyện đều được đầy đủ.
Nếu đệ tử ấy tôn trọng, phụng sự thầy, được vị thầy vui vẻ thì hết thảy Chư Phật Thế Tôn, Thanh Văn, Duyên Giác với các Bồ Tát, tất cả Trời, Người trong quá khứ hiện tại đều sinh vui vẻ.
Nếu vị thầy có đức hay không có đức, có phạm hạnh hay không có phạm hạnh thì chẳng được hủy phạm. Lại vị thầy từ đạo pháp như pháp giải nói không có tiếc rẻ che dấu, khiến cho người kia tu học, nuôi lớn con mắt pháp Dharma cakṣu: Pháp nhãn khiến cho tất cả chúng sinh có chỗ quy y.
Như vậy đệ tử y theo A Xà Lê được vào Pháp Tạng bí mật của Chư Phật. Như vậy A Xà Lê y theo đệ tử ấy truyền thông Thánh Pháp khiến gieo trồng mầm thiện. Chính vì thế cho nên của cải của vị thầy tương ứng thành tựu, Phật Pháp chẳng đứt đoạn, Tam Bảo được nối tiếp.
Nếu không có đệ tử để trao cho pháp giáo thì luôn thực hành yêu thương giúp đỡ chúng sinh nghèo khổ, cho kẻ ấy tuyên nói, nhập vào Thánh pháp tài tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, định tuệ tài, nghi quỹ, Chân Ngôn.
Pháp giáo của đại thừa, đường lối thiết yếu tu hành Phẩm Thượng Trung Hạ, pháp tối thượng hiếm có khó được, xông ướp sinh mầm trí mà được thông đạt pháp hành tối thượng, y theo giáo phụng hành, tùy theo chỗ, trở lại tu Pháp Mạn Noa La.
Như Nghi lúc trước nói, chọn lựa Thắng Địa, ở bờ Sông Hằng, bờ sông Tín Độ, hoặc biển lớn, hoặc chỗ hoang vắng rộng lớn, hoặc núi cao, hoặc gần núi, hoặc sâu trong núi, hoặc dưới cái cây, hoặc trong rừng, hoặc trong thôn xóm của đất nước. Nơi thanh tịnh thù thắng như vậy, chí thành trì tụng, tâm lìa tán loạn, tùy duyên đi xin thức ăn. Ăn xong, yên lặng, tâm sáng tỏ mật tụng thì giáng ma, tức tai không có gì chẳng thành tựu.
Nếu lại vì điều mà người đã làm thì cũng nên tin trọng, yêu thích, nhẫn nhục, nhu hòa, các căn không có thiếu, đầy đủ tướng con người, tất cả việc pháp theo thứ tự mà dạy truyền. Khiến cho người ấy thức dậy sớm, ở trong biển lớn, lấy nước sông kia, lọc qua không có loài trùng, dùng tự tắm rửa khiến cho thân không có dơ.
Lại dùng hương bột, chí ý gia trì, rồi xoa bôi thân, liền khiến vào Đàn A Xà Lê ấy cũng tự tắm rửa, ngồi ờ bên bờ sông, lại dùng đất sạch rửa tay hai mươi mốt lần, sau đó chà răng, chỉnh đốn quần áo, ở trước mặt Phật cúi đầu mặt làm lễ. Dùng hương, hoa, thức ăn uống, mọi loại cúng dường, mọi loại tán thán…lại dùng hương hoa, hiến nước Át Già.
Hiến xong lễ kính, lại tự bạch rằng: đệ tử họ tên… từ vô thủy trôi lăn trong nghiệp tội vô biên, bảy chi của thân miệng ba nghiệp của thân là sát sinh, trộm cắp, tà dâm với bốn nghiệp của miệng là nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói thô ác lỗi ấy chẳng phải là phạm một lần. Nay đối trước mặt Đức Phật, con xin chí thành bày tỏ, nguyện cho tội được tiêu diệt.
Sám Hối như vậy. Lại từ chỗ ngồi đứng dậy, ở trước bức tranh ấy, ngồi trên tòa cỏ cát tường, tay cầm tràng hạt, một lòng trì tụng. Chân Ngôn đã tụng nên y theo sự truyền thụ của thất, văn ngôn quyết định, tức hứa cho trì tụng. Nếu chẳng phải được truyền thụ, hoặc nghĩa câu sai lầm với chân ngôn khác thì chẳng được trì tụng… sợ chẳng thành tựu.
Lại Đàn Pháp này có thượng trung hạ, nay chỉ nói việc pháp của Trung Phẩm. Khóa tụng, nghi quỹ, Chân Ngôn, Phạm vận đều làm Trung Phẩm. Lại âm vận đã phát ra cũng chẳng được cao, chẳng được thấp, tiếng đều hòa nhã, câu văn rõ ràng. Đây là Trung Đẳng, tranh tượng cũng thế là điều mà Chư Phật quá khứ đã đồng tuyên nói.
Lại mỗi khi tụng Chân Ngôn, đừng để cho người khác nghe được, sợ kẻ kia nghi ngờ, trở ngược lại thành bị đọa. Nên ở nơi vắng lặng, kết giới, an cư, chí tâm trì tụng.
Nếu khi trì tụng thời ở phần thứ tư của đêm ngày có sáu phần, đêm có sáu phần. Phần thứ tư của đêm vào khoảng 0 giờ đến hai giờ hoặc lúc nửa đêm, ngồi kiết già trì tụng đến sáng sớm khi mọc trời mọc, thứ tự đến giữa giờ Ngọ, hiến nước Át Già, phát khiển Hiền Thánh.
Việc ấy xong rồi, tuyên dương nghĩa lý, giải nói Pháp Cú Dharma pada. Tiếp theo đọc tụng Kinh Điển, đọc Kinh Thập Địa, Kinh Bát Nhã Ba La Mật… như vậy đọc tụng, cung kính, cúng dường, cúi đầu mặt làm lễ. Lại tụng Căn Bản Chân Ngôn, điều phục các căn, chuyên tâm Phật Đạo liền được thành tựu Pháp tối thượng.
Lại nữa, khi A Xà Lê nếu vào thôn xóm cầu hóa thực xin thức ăn thời yên lặng trong sạch đi, ngầm tụng Pháp Cú, nhìn ngó lối đi, chỗ đất không có loài trùng thì mới được đi.
Nhà cho thức ăn là người có tâm đạo, chính kiến trọng Phật tức được xin thức ăn. Nếu người không có tâm đạo, tà kiến điên đảo, chẳng phải là nhân mà tính toán là nhân… thì chẳng đến chỗ của kẻ ấy, sợ sinh nghi ngờ chê bai, bị rơi vào nhóm ấy.
Lại ở thôn xóm, nếu thấy nhóm cảnh hình sắc, âm thanh mỹ diệu thì chẳng được tham dính, vọng sinh ưa thích, như vào quân trận dũng mãnh không có sợ hãi phá cường địch ấy, như gặp oan gia ôm giữ sâu xa mồi hiềm thù chán ghét. Nếu thấy người nữ thi tưởng quán bất tịnh, xấu ác, máu mủ, giòi trùng, thối nát, hư hoại như rừng Thi Đà, mọi loại xương khô…sinh tâm chán lìa sâu xa.
Nếu kẻ ngu kia, mù quáng sinh cái thấy điên đảo như nơi chấp ưa thích chẳng sạch thì tính toán cho là sạch. Đối với nữ sắc ấy đắm trước chẳng buông bỏ, sợi dây nghiệp ràng buộc khiến rơi vào trong sáu nẻo, luân hồi qua lại không có cùng tận, sinh tử nối tiếp nhau, khổ não chẳng đứt đoạn.
Ví như có người cầm sợi dây đánh đu, qua lại cao thấp thì sợi dây chẳng lìa bàn tay. Sợi dây nghiệp cũng thế, sáu nẻo thăng trầm, nghiệp chẳng lìa thân. Như bánh xe cấp nước, như con kiến tuần hoàn mà không có cùng tận.
Đức Phật nói người nữ là gốc rễ của khổ, do đó các khổ nối tiếp nhau mà sinh ra, thế nên Hành Nhân nên khởi Tâm xa lìa.
Nếu A Xà Lê, hoặc bị người nữ dụ, nếu bị bệnh thì không có tăng ích ấy, chỗ mong cầu chẳng thành. Thượng Phẩm, Trung Phẩm cho đến pháp thành tựu của Hạ Phẩm đều chẳng thành tựu vì tội phá giới. Chư Phật, Bồ Tát không có hộ niệm, tất cả Chân Ngôn đều không có thắng lực, chút phần khoái lạc thuộc phước báo của người Trời cũng chẳng thể có, huống chi là pháp tối thượng của Chân Ngôn.
Lại nếu gần gũi người nữ thì ở đời vị lai cầu bồ đề, Niết Bàn vĩnh viễn chẳng thành tựu.
Tại sao thế?
Vì nữ sắc hủy hoại người, gây chướng ngại cho Thánh Đạo. Ví như có người chặt đầu cây Đa La thì ở chỗ bị chặt ấy vĩnh viễn chẳng sinh mầm. Mầm giống trí cũng thế khi bị con dao nữ chặt đứt thì mầm thiện chẳng thể phát. Thế nên lỗi lầm về người nữ rất sâu, cần phải xa lìa.
Nếu bậc trí kia, tâm chẳng tà loạn, lìa hư vọng, trong sạch quán nữ sắc ấy như hoa trong hư không, như mặt trăng trong nước, chẳng tham, chẳng dính, không được, không buông thì ở Mạn Noa La thành pháp tối thượng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba