Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Thập Hồi Hướng - Phần Mười Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHƯƠNG

QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường  

PHẨM HAI MƯƠI NĂM

PHẨM THẬP HỒI HƯỚNG  

PHẦN MƯỜI MỘT  

Chư Phật Tử!

Ðại Bồ Tát lúc hồi hướng như vậy, thời được thế này:

Vì trang nghiêm thanh tịnh khắp tất cả Thế Giới nên được tất cả Cõi Phật bình đẳng.

Vì khắp chuyển pháp luân vô ngại nên được tất cả chúng sanh bình đẳng.

Vì khắp phát tất cả trí nguyện nên được tất cả Bồ Tát bình đẳng.

Vì quan sát Chư Phật thể tánh vô nhị nên được tất cả Chư Phật bình đẳng.

Vì biết khắp các pháp tánh thể không đổi dời nên được tất cả pháp bình đẳng.

Vì dùng trí phương tiện khéo hiểu tất cả ngữ ngôn nên được tất cả thế gian bình đẳng.

Vì tùy theo các thứ thiện căn đều hồi hướng hết cả nên được tất cả Bồ Tát bình đẳng.

Vì siêng tu hành Phật Sự trong tất cả thời gian không ngớt hở nên được tất cả thời gian bình đẳng.

Vì nơi các thiện căn thế gian và xuất thế đều không nhiễm trước và đều rốt ráo nên được tất cả nghiệp quả bình đẳng.

Vì tùy thuận thế gian hiện Phật Sự nên được tất cả thần thông tự tại của Phật bình đẳng.

Chư Phật Tử! Ðây là Đại Bồ Tát chân như tướng hồi hướng thứ tám. Ðại Bồ Tát trụ nơi bậc hồi hướng này chứng được vô lượng pháp môn thanh tịnh, có thể làm Như Lai Ðại Sư Tử hống tự tại vô úy, dùng thiện phương tiện giáo hóa thành tựu vô lượng Bồ Tát khắp trong tất cả thời gian không ngừng nghỉ.

Ðược vô lượng thân viên mãn của Phật, mỗi thân bao khắp tất cả Thế Giới.

Ðược vô lượng âm thanh viên mãn của Phật, mỗi âm thanh khai ngộ tất cả chúng sanh.

Ðược vô lượng sức viên mãn của Phật, trong mỗi chân lông có thể dung nạp khắp tất cả cõi nước.

Ðược vô lượng thần thông viên mãn của Phật, để các chúng sanh trong một vi trần.

Ðược vô lượng giải thoát viên mãn của Phật, nơi thân một chúng sanh thị hiện tất cả cảnh giới của Chư Phật thành Vô Thượng Giác.

Ðược vô lượng tam muội viên mãn của Phật, trong mỗi tam muội có thể hiện khắp tất cả tam muội.

Ðược vô lượng biện tài viên mãn của Phật, diễn nói một câu pháp cùng tận kiếp vị lai vẫn không hết, trừ sạch tất cả sự nghi lầm của chúng sanh.

Ðược đủ mười trí lực của Phật, thị hiện thành Chánh Giác khắp chúng sanh giới.

Chư Phật Tử! Ðây là Đại Bồ Tát đem tất cả thiện căn thuận theo chân như tướng mà hồi hướng.

Bấy giờ Kim Cang Tràng Bồ Tát thừa oai lực của Phật, quan sát khắp mười phương mà nói kệ rằng:

Bồ Tát chí nguyện thường an trụ

Chánh niệm kiên cố lìa mê lầm

Tâm Ngài lành mềm luôn sạch mát

Chứa nhóm vô biên hạnh công đức.

Bồ Tát khiêm thuận không trái nghịch

Bao nhiêu chí nguyện đều thanh tịnh

Ðã được trí huệ quang minh lớn

Khéo hay soi rõ tất cả nghiệp.

Bồ Tát tư duy hạnh rộng lớn

Các thứ sai biệt rất hy hữu

Ý quyết tu hành không thối chuyển

Dùng đây lợi ích các quần sanh

Những hạnh sai khác vô lượng thứ

Bồ Tát tất cả đều siêng tu

Tùy thuận chúng sanh chẳng trái ý

Khiến họ tâm tịnh sanh hoan hỷ.

Ðã lên bậc Ðiều Ngự tôn quý

Lìa những nhiệt não tâm vô ngại

Nơi pháp nơi nghĩa đều khéo biết

Vì lợi chúng sanh mà siêng học.

Bồ Tát tu hành những hạnh lành

Vô lượng vô số hạnh sai khác

Nơi đó tất cả đều biết rõ

Vì lợi quần sanh nên hồi hướng

Dùng diệu trí huệ thường quán sát

Lý chân thật rộng lớn rốt ráo

Dứt hết hữu lậu không để thừa

Như chân như kia, khéo hồi hướng.

Ví như chân như khắp tất cả

Nhiếp khắp thế gian cũng như vậy

Bồ Tát dùng tâm hồi hướng này

Ðều khiến chúng sanh không chấp trước.

Nguyện lực Bồ Tát khắp tất cả

Ví như chân như đâu cũng có

Hoặc thấy chẳng thấy, niệm đều cùng

Trọn đem công đức mà hồi hướng.

An trụ trong đêm, ngày cũng trụ

Nửa tháng, một tháng cũng an trụ

Cũng đều trụ trong năm cùng kiếp

chân như dường ấy, hạnh cũng vậy.

Tất cả thời gian và không gian

Tất cả chúng sanh và các pháp

Ðều trụ trong đó, nhưng vô trụ

Dùng hạnh như vậy mà hồi hướng.

Ví như tự tánh của chân như

Bồ Tát phát tâm cũng như vậy

chân như ở đâu nguyện ở đó

Dùng hạnh như vậy mà hồi hướng

Ví như tự tánh của chân như

Trong đó chư từng có một pháp

Chẳng được tự tánh là chân tánh

Ðem hạnh như vậy mà hồi hướng.

Như tướng chân như, hạnh cũng vậy

Như tánh chân như, hạnh cũng vậy

Như tánh chân như vốn chân thật

Hạnh cũng như vậy đồng chân như.

Ví như chân như không ngằn mé

Hạnh cũng như vậy không có ngằn

Nhưng ở trong đó không chấp trước

Thế nên hạnh này được thanh tịnh.

Bồ Tát trí huệ lớn như vậy

Chí nguyện kiên cố không động lay

Dùng sức trí huệ khéo thông đạt

Vào tạng phương tiện của Chư Phật.

Giác ngộ Pháp Vương pháp chân thật

Trong đó không chấp cũng không lấy

Vô ngại tự tại tâm như vậy

Chưa từng thấy có một pháp sanh.

pháp thân Như Lai hiển công hạnh

Tất cả thế gian như tướng đó

Nói các pháp tướng đều vô tướng

Biết tướng như vậy là biết pháp.

Bồ Tát trụ cảnh bất tư nghì

Trong đó tư nghì chẳng hết được

Vào chỗ bất khả tư nghì này

Tư và phi tư đều vắng bặt.

Tư duy phát tánh như thế ấy

Rõ thấu tất cả nghiệp sai biệt

Bao nhiêu ngã chấp đều diệt trừ

Trụ nơi công đức không bị động.

Những nghiệp quả báo của Bồ Tát

Ðều được vô tận trí ấn khả

Tự tánh vô tận như vậy hết

Vô tận phương tiện cũng dứt diệt.

Bồ Tát quán tâm chẳng ở ngoài

Cũng lại chẳng được thấy ở trong

Biết tâm tánh kia vốn không có

Ngã pháp đều lìa trọn tịch diệt

Các Phật Tử kia biết như vậy

Tất cả pháp tánh thường trống lặng

Không có một pháp hay tạo tác

Ðồng với Chư Phật ngộ vô ngã.

Rõ biết tất cả các thế gian

Cùng chân như tánh tướng bình đẳng

Thấy tướng bất khả tư nghì này

Ðây thời hay biết pháp vô tướng.

Nếu hay trụ pháp thậm thâm này

Thường thích tu hành hạnh Bồ Tát

Vì muốn lợi ích các quần sanh

Nguyện lớn trang nghiêm không thối chuyển

Ðây thời vượt hơn nơi thế gian

Tất cả đều từ nghiệp duyên được

Vì muốn cứu độ tu các hạnh

Nhiếp khắp ba cõi không ai sót

Rõ biết chúng sanh loại sai khác

Ðều là tưởng hành mà phân biệt

Quán sát nơi đây đều rõ ràng

Mà chẳng hư hoại tánh các pháp

Bậc trí rõ biết các Phật Pháp

Ðem hạnh như vậy mà hồi hướng

Thương xót tất cả các chúng sanh

Khiến tánh tu duy nơi thiệt pháp.

Chư Phật Tử! Thế nào là Đại Bồ Tát vô trước vô phược giải thoát hồi hướng?

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát này sanh lòng tôn trọng đối với tất cả thiện căn, như là:

Lòng tôn trọng với sự thoát khỏi sanh tử.

Lòng tôn trọng với sự nhiếp thủ tất cả căn lành.

Lòng tôn trọng với sự mong cầu tất cả căn lành.

Lòng tôn trọng với sự ăn năn tội lỗi.

Lòng tôn trọng với sự tùy hỷ căn lành.

Lòng tôn trọng với sự lễ kính Chư Phật.

Lòng tôn trọng với sự chắp tay cung kính.

Lòng tôn trọng với sự đảnh lể Tháp Miếu.

Lòng tôn trọng với sự khuyến thỉnh Ðức Phật thuyết pháp.

Với những thiện căn như vậy, Bồ Tát đều tôn trọng tùy thuận bằng lòng.

Chư Phật Tử! Lúc Đại Bồ Tát sanh lòng tôn trọng đối với những thiện căn thời tín giải kiên cố, rất mực mừng vui, tự mình được an trụ và làm cho người khác được an trụ, siêng tu không chấp trước, tự tại chứa nhóm công đức, trọn nên chí nguyện thù thắng, ở cảnh giới Như Lai thêm lớn thế lực, đều được thấy biết.

Ðại Bồ Tát đem các căn lành hồi hướng như vậy. Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát để thành tựu thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp của Phổ Hiền.

Cũng dùng tâm này để phát khởi hạnh tinh tấn rộng lớn của Phổ Hiền, để đầy đủ môn Đà La Ni âm thanh vô ngại của Phổ Hiền, âm thanh này vang lớn khắp đến mười phương, cũng để đầy đủ môn Đà La Ni thấy tất cả Phật của Phổ Hiền, thường thấy tất cả Chư Phật ở mười phương.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát thành tựu môn Đà La Ni hiểu rõ tất cả cam thanh, đồng tất cả âm thanh thuyết vô lượng pháp. Dùng tâm này để thành tựu môn Đà La Ni trụ tất cả kiếp của Phổ Hiền, tu hạnh Bồ Tát khắp mười phương. Dùng tâm này để thành tựu sức tự tại của Phổ Hiền, ở trong thân một chúng sanh thị hiện tu tất cả hạnh Bồ Tát cùng tận kiếp vị lai không xen dứt, như nơi thân của một chúng sanh, trong tất cả thân chúng sanh cũng như vậy.

Dùng tâm này để thành tựu sức tự tại của Phổ Hiền vào khắp tất cả Đạo Tràng, hiện ở khắp trước tất cả Chư Phật mà tu hạnh Bồ Tát.

Dùng tâm này để thành tựu sức Phật tự tại của Phổ Hiền, ở trong một thị hiện trải qua bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp trọn không cùng tận, làm cho tất cả chúng sanh đều được ngộ nhập. Như trong một môn, trong tất cả môn thị hiện cũng như vậy, hiện thân ở khắp trước tất cả Chư Phật.

Dùng tâm này để thành tựu sức tự tại của Phổ Hiền, trong mỗi niệm làm cho bất khả thuyết bất khả thuyết chúng sanh trụ nơi mười trí lực, không hề mệt mỏi.

Dùng tâm này để thành tựu sức tự tại của Phổ Hiền, trong thân của tất cả chúng sanh hiện tất cả thần thông tự tại của Phật, làm cho tất cả chúng sanh trụ hạnh Phổ Hiền.

Cũng để thành tựu sức tự tại của Phổ Hiền, ở trong ngữ ngôn của tất cả chúng sanh làm ra tất cả ngữ ngôn, cho tất cả chúng sanh đều trụ nơi bậc nhất thiết trí.

Cũng để thành tựu sức tự tại của Phổ Hiền, ở trong thân mỗi chúng sanh dung nạp tất cả thân chúng sanh, khiến họ đều tự cho là trọn nên thân Phật.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát này để thành tựu sức tự tại của Phổ Hiền, có thể dùng một cái bông để trang nghiêm tất cả Thế Giới ở mười phương.

Dùng tâm này để thành tựu sức thiện tri thức của Phổ Hiền phát âm thanh lớn khắp pháp giới tất cả Cõi Phật đều nghe, nhiếp thọ điều phục tất cả chúng sanh.

Dùng tâm giải thoát vô trước vô phược để thành tựu sức tự tại của Phổ Hiền, cùng tận thuở vị lai bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp, trong mỗi niệm đều có thể vào khắp tất cả Thế Giới dùng Phật thần lực mà trang nghiêm tùy ý. Cùng dùng đây để thị hiện thành Phật xuất thế. Cũng dùng đây để thành tựu Phổ Hiền, một tia sáng chiếu khắp tất cả Thế Giới.

Cũng dùng tâm này để thành tựu hạnh Phổ Hiền, được vô lượng trí huệ tất cả thần thông diễn thuyết các pháp. Dùng tâm giải thoát vô trước vô phược để thành tựu hạnh Phổ Hiền vào vô lượng thần thông trí huệ bất tư nghì của Phật suốt tất cả kiếp.

Cũng dùng tâm này để thành tựu hạnh Phổ Hiền, ở khắp pháp giới, chỗ của Chư Phật, dùng thần lực Phật để tu tập tất cả hạnh Bồ Tát, thân, khẩu, ý không hề mỏi nhọc.

Cũng dùng tâm này để thành tựu hạnh Phổ Hiền: Chẳng trái nghĩa, chẳng hoại pháp, biện tài vô tận, lời nói đều thanh tịnh, giáo hóa điều phục tất cả chúng sanh, làm cho họ đều được vô thượng bồ đề.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát tu hạnh Phổ Hiền, lúc chứng nhập một pháp môn liền phóng Vô Lượng Quang minh chiếu thấu tất cả bất tư nghì pháp môn.

Như chứng nhập một pháp môn, tất cả pháp môn cũng như vậy, đều thông đạt vô ngại, rốt ráo sẽ được bậc nhất thiết trí. Dùng tâm giải thoát vô trước vô phược trụ hạnh Bồ Tát tự tại đối với các pháp, đến nơi cảnh tự tại trang nghiêm của Phổ Hiền, nơi mỗi cảnh giới đều dùng nhất thiết trí quan sát chứng nhập nhưng nhất thiết trí vẫn không cùng tận.

Dùng tâm giải thoát vô trước vô phược, từ đời này đến cùng tận thuở vị lai an trụ nơi hạnh Phổ Hiền thường không xen hở, được nhất thiết trí, ngộ bất khả thuyết bất khả thuyết pháp chân thật, đối với các pháp đều rốt ráo không còn mê lầm.

Dùng tâm vô trước vô phước giải thoát tu hạnh Phổ Hiền, phương tiện tự tại được pháp quang minh, đối với công hạnh của Bồ Tát tu đều rành rẽ vô ngại.

Cũng dùng tâm này tu hạnh Phổ Hiền, được phương tiện trí biết tất cả phương tiện, như là: Phương tiện vô lượng, phương tiện bất tư nghì, phương tiện Bồ Tát, phương tiện nhất thiết trí, phương tiện điều phục của tất cả Bồ Tát. Phương tiện chuyển vô lượng pháp luân, phương tiện bất khả thuyết, phương tiện diễn nói các pháp, phương tiện vô biên tế vô úy tạng, phương tiện diễn nói đủ tất cả pháp.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát an trụ hạnh Phổ Hiền thành tựu thân nghiệp, khiến tất cả chúng sanh đều hoan hỷ khi được thấy, chẳng sanh lòng chê, do đây họ phát tâm Bồ Đề trọn không thối chuyển rốt ráo thanh tịnh.

Cũng dùng tâm này tu hạnh Phổ Hiền, được trí thanh tịnh hiểu rõ tất cả ngôn ngữ của chúng sanh, tất cả lời nói ra đều đầy đủ và trang nghiêm, ứng hiệp với khắp chúng sanh đều làm cho họ vui mừng.

Cũng dùng tâm này an trụ nơi hạnh Phổ Hiền, lập chí thù thắng, đủ tâm thanh tịnh, được thần thông rộng lớn, trí huệ rộng lớn, đến khắp tất cả thế gian rộng lớn, cõi nước rộng lớn, chúng sanh rộng lớn, diễn nói vô lượng pháp rộng lớn và tạng trang nghiêm viên mãn của Như Lai.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát thành tựu viên mãn Hạnh Nguyện hồi hướng của Phổ Hiền, được thân Phật thanh tịnh, tâm thanh tịnh, hiểu biết thanh tịnh, công đức thanh tịnh ở cảnh giới Phật, trí huệ chiếu khắp, thị hiện công nghiệp thanh tịnh của Bồ Tát, khéo vào tất cả cú nghĩa sai biệt, vì tất cả chúng sanh thị hiện thành Chánh Giác. 

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát siêng tu thiện căn Hạnh Nguyện Phổ Hiền được thiện căn thông lợi, căn điều thuận, căn tất cả pháp tự tại, căn vô tận, căn siêng tu tất cả căn lành, căn cảnh giới bình đẳng của tất cả Phật.

Căn đại tinh tấn thọ ký tất cả Bồ Tát bất thối chuyển, căn Kim Cang giới rõ biết tất cả Phật Pháp, căn Kim Cang diệm trí huệ quang minh của tất cả Phật, căn tự tại phân biệt tất cả căn, căn an lập vô lượng chúng sanh nơi nhất thiết trí, căn rộng lớn vô biên, căn viên mãn tất cả, căn thanh tịnh vô ngại. Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát tu hạnh Phổ Hiền được tất cả thần lực của Bồ Tát.

Như là: Thần lực vô lượng quảng đại lực, thần lực vô lượng tự tại trí, thần lực hiện ở khắp Cõi Phật mà thân chẳng động, thần lực tự tại vô ngại chẳng dứt, thần lực nhiếp khắp tất cả Cõi Phật để ở một chỗ, thần lực một thân khắp đầy tất cả Cõi Phật, thần lực giải thoát du hí vô ngại.

Thần lực nhất niệm tự tại vô tác, thần lực trụ vô tánh vô y, thần lực thứ tự đặt để bất khả thuyết Thế Giới trong một chân lông đi khắp Đạo Tràng của Chư Phật trong pháp giới giáo hóa chúng sanh đều làm cho được vào môn trí huệ.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát vào môn Phổ Hiền sanh hạnh Bồ Tát, dùng trí tự tại trong khoảng một niệm vào khắp vô lượng Cõi Phật, một thân dung thọ vô lượng nước Phật, được trí hay trang nghiêm thanh tịnh vô lượng Phật Quốc, thường dùng trí huệ xem thấy vô biên Phật Độ, vĩnh viễn chẳng khởi tâm Nhị Thừa.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát tu hạnh phương tiện Phổ Hiền vào cảnh giới trí huệ, sanh vào Nhà Phật, trụ đạo Bồ Tát, đầy đủ bất khả thuyết bất khả thuyết vô lượng tâm thù thắng bất tư nghì, thật hành vô lượng nguyện luôn không dứt, rõ biết tất cả pháp giới suốt ba đời.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát thành tựu pháp môn thanh tịnh Phổ Hiền, nơi một chân lông bao dung tất cả tận hư không biến pháp giới bất khả thuyết bất khả thuyết Thế Giới đều làm cho mọi người thấy rõ, như nơi một chân lông, nơi tất cả chân lông mỗi mỗi cũng đều như vậy.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát thành tựu phương tiện thâm tâm Phổ Hiền, trong khoảng một niệm hiện bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp niệm tâm của một chúng sanh, nhẫn đến hiện ngần ấy kiếp niệm tâm của tất cả chúng sanh cũng như vậy.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát vào bậc phương tiện hồi hướng Phổ Hiền, ở trong một thân đều có thể bao nạp tận pháp giới bất khả thuyết, bất khả thuyết thân, nhưng chúng sanh giới không hề tổn giảm, nhẫn đến tất cả thân khắp pháp giới mỗi mỗi dung nạp cũng đều như vậy.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát, thành tựu đại nguyện phương tiện Phổ Hiền, lìa bỏ tất cả tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo vào khắp cảnh giới của Chư Phật, thường thấy pháp thân thanh tịnh của Chư Phật đồng hư không giới, tướng tốt trang nghiêm thần thông tự tại, thường dùng Diệu Âm khai thị diễn thuyết không ngại không dứt, khiến người nghe thọ trì đúng pháp, đối với thân Như Lai rõ biết là vô sở đắc.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát tu hạnh Phổ Hiền, trụ bậc Bồ Tát, nơi trong một niệm vào tất cả Thế Giới. Như là vào Thế Giới ngửa, Thế Giới úp, Thế Giới rộng lớn bất khả thuyết bất khả thuyết như lưới giăng khắp tất cả mười phương.

Dùng phương tiện phân biệt nhân đà la võng phân biệt khắp tất cả pháp giới, đem các Thế Giới vào một Thế Giới, đem bất khả thuyết bất khả thuyết vô lượng Thế Giới vào một Thế Giới, đem tất cả pháp giới an lập vô lượng Thế Giới vào một Thế Giới, đem tất cả hư không Giới an lập vô lượng Thế Giới vào một Thế Giới, nhưng vẫn không hư hoại tướng an lập, đều làm cho được thấy rõ.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát tu tập Hạnh Nguyện Phổ Hiền, được Phật quán đảnh, ở trong một niệm vào bậc phương tiện thành tựu viên mãn trí an trụ các hạnh, có thể rõ biết cả các thứ tâm tưởng, như là: Tưởng chúng sanh, tưởng pháp, tưởng cõi, tưởng phương, tưởng Phật.

Tưởng thế, tưởng nghiệp, tưởng hành, tưởng giới, tưởng giải, tưởng căn, tưởng thời, tưởng trì, tưởng, phiền não, tưởng thanh tịnh, tưởng thành thục, tưởng thấy Phật, tưởng chuyển pháp luân, tưởng nghe pháp hiểu rõ, tưởng điều phục, tưởng vô lượng, tưởng xuất ly, tưởng các thứ bậc.

Tưởng vô lượng bậc, tưởng Bồ Tát rõ biết, tưởng Bồ Tát tu tập, tưởng Bồ Tát tam muội, tưởng Bồ Tát tam muội khởi, tưởng Bồ Tát thành, tưởng Bồ Tát hoại, tưởng Bồ Tát sanh, tưởng Bồ Tát diệt, tưởng Bồ Tát giải thoát, tưởng Bồ Tát tự tại, tưởng Bồ Tát Trụ Trì, tưởng Bồ Tát cảnh giới.

Tưởng kiếp thành, hoại, tưởng sáng, tưởng tối, tưởng ngày, tưởng đêm, tưởng nửa tháng, một tháng, một giờ, một năm biến khác, tưởng đi, tưởng đến, tưởng đứng, tưởng ngồi, tưởng ngủ, tưởng thức. Các thứ tưởng như vậy, trong khoảng một niệm đều có thể rõ biết cả.

Nhưng vẫn lìa tất cả tưởng không hề phân biệt, dứt tất cả chướng, không hề chấp trước, Phật trí tràn đầy nơi tâm, Phật Pháp làm lớn căn lành, đồng một thân với Chư Phật, được tất cả Chư Phật nhiếp thọ ly cấu thanh tịnh, với tất cả Phật Pháp đều tu học theo đến bờ đại giác.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát vì tất cả chúng sanh mà tu hạnh Phổ Hiền sanh trí huệ lớn, ở trong mỗi tâm biết vô lượng tâm, tùy theo chỗ y chỉ, chỗ phân biệt, những chủng tánh, sự tạo tác, các nghiệp dụng, những tướng tạng, chỗ tư giác, các loại chẳng đồng của tâm đều thấy rõ cả.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát thành tựu nguyện trí lớn Phổ Hiền, ở trong một chỗ biết bất khả thuyết vô lượng chỗ, ở trong tất cả chỗ cũng rõ biết như vậy.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát tu tập hạnh nghiệp trí địa Phổ Hiền ở trong một nghiệp có thể biết bất khả thuyết vô lượng nghiệp. Thấy rõ những nghiệp đó đều do các nhân duyên tạo thành. Ở trong tất cả nghiệp cũng đều rõ biết như vậy.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát tu tập biết tất cả pháp của Phổ Hiền, ở trong một pháp biết bất khả thuyết vô lượng pháp, ở trong vô lượng pháp biết một pháp. các pháp đó đều sai khác, không chướng ngại, không trái, không dính mắc.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát an trụ nơi hạnh Bồ Tát được trọn vẹn nhĩ căn vô ngại của Phổ Hiền, ở trong một ngôn âm nhiều loại sai khác nhưng vẫn không chấp trước. Nơi tất cả ngôn âm cũng đều như vậy.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát tu trí Phổ Hiền, khởi hạnh Phổ Hiền, trụ bậc Phổ Hiền ở trong mỗi mỗi pháp diễn nói bất khả thuyết vô lượng pháp, những pháp đó rộng lớn vô lượng sai khác giáo hóa nhiếp thọ tương ứng với phương tiện bất tư nghì.

Nơi vô lượng thời gian, tất cả thời gian, tùy theo chỗ ưa thích, chỗ hiểu biết, theo căn, theo thời của chúng sanh mà dùng âm thanh của Phật để thuyết pháp cho họ. Dùng âm thanh vi diệu là cho vô lượng chúng sanh trong vô lượng Đạo Tràng đều hoan hỷ.

Ở chỗ Chư Phật vô lượng Bồ Tát dẫy đầy pháp giới mà lập chí thù thắng, sanh tri kiến rộng lớn, rõ biết rốt ráo tất cả hạnh, trụ bậc Phổ Hiền, tùy chỗ thuyết pháp, trong mỗi niệm đều chứng nhập được cả.

Trong khoảng một sát na thêm lớn vô lượng bất khả thuyết bất khả thuyết trí huệ lớn, thuyết pháp suốt thuở vị lai không cùng tận. Trong tất cả cõi tu tập hạnh rộng lớn đồng hư không, đều thành tựu viên mãn.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát tu tập những căn hạnh Phổ Hiền thành vua đại hạnh. Ở trong mỗi mỗi căn, đều có thể rõ biết vô lượng căn, vô lượng tâm sở thích, diệu hạnh từ cảnh giới bất tư nghì phát sanh.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát an trụ nơi tâm đại hồi hướng Phổ Hiền hạnh, được trí huệ rõ thấu sắc thậm vi tế, thân thâm vi tế, cõi thậm vi tế, thế thậm vi tế, phương thậm vi tế, thời thậm vi tế, số thậm vi tế, nghiệp báo thậm vi tế, thanh tịnh thậm vi tế.

Tất cả những thứ thậm vi tế như vậy, trong khoảng một niệm đều rõ biết cả mà không lòng kinh sợ, chẳng mê lầm, chẳng tán loạn, chẳng nhiễm nhơ, chẳng ty liệt. Tâm vẫn duyên nơi một, khéo tịch định, khéo phân biệt, khéo an trụ.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát an trụ nơi trí Bồ Tát, tu hạnh Phổ Hiền không hề mỏi nhọc, có thể tất cả chúng sanh thú rất vi tế, chúng sanh tử rất vi tế, chúng sanh sanh rất vi tế, chúng sanh trụ rất vi tế, chúng sanh xứ rất vi tế, chúng sanh phẩm loại rất vi tế, chúng sanh cảnh giới rất vi tế, chúng sanh hạnh rất vi tế, chúng sanh thủ trước rất vi tế, chúng sanh phan duyên rất vi tế.

Chúng sanh giới rất vi tế như vậy, trong khoảng một niệm đều biết rõ cả. Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát lập chí nguyện sâu tu hạnh Phổ Hiền, có thể biết tất cả Bồ Tát từ sơ phát tâm vì tất cả chúng sanh mà tu hạnh Bồ Tát rất vi tế, Bồ Tát trụ xứ rất vi tế, Bồ Tát thần thông tất vi tế, Bồ Tát du hành vô lượng Cõi Phật rất vi tế.

Bồ Tát pháp quang minh rất vi tế, Bồ Tát thanh tịnh nhãn rất vi tế, Bồ Tát thành tựu tâm thủ thắng rất vi tế, Bồ Tát qua đến Đạo Tràng của Chư Phật rất vi tế, Bồ Tát Đà La Ni môn trí rất vi tế, Bồ Tát biện tài vô úy diễn thuyết rất vi tế, Bồ Tát vô lượng tam muội tướng rất vi tế, Bồ Tát trí thấy tam muội của Chư Phật rất vi tế, Bồ Tát trí tam muội thậm thâm rất vi tế.

Bồ Tát trí tam muội đại trang nghiêm rất vi tế, Bồ Tát pháp giới trí tam muội rất vi tế, Bồ Tát trí tam muội thần thông tự tại rất vi tế, Bồ Tát trí tam muội Trụ Trì hạnh rộng lớn cùng tận thuở vị lai rất vi tế, Bồ Tát trí xuất sanh vô lượng tam muội sai khác rất vi tế.

Bồ Tát trí tam muội xuất sanh ra trước Chư Phật siêng tu tập cúng dường luôn chẳng bỏ rời rất vi tế, Bồ Tát tu hành tất cả trí tam muội thậm thâm rộng rãi không chướng, không ngại rất vi tế, Bồ Tát rốt ráo trí tam muội lìa che chướng nhất thiết trí địa, Trụ Trì hạnh trí địa, đại thần thông địa, quyết định nghĩa địa rất vi tế. Tất cả những sự vi tế như vậy đều có thể biết rõ.

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát tu hạnh Phổ Hiền, biết trí an lập của Bồ Tát rất vi tế.

Bồ Tát địa rất vi tế.

Bồ Tát hạnh rất vi tế.

Bồ Tát xuất sanh hồi hướng rất vi tế.

Bồ Tát được Phật tạng rất vi tế.

Bồ Tát quan sát trí rất vi tế.

Bồ Tát thần thông nguyện lực rất vi tế.

Bồ Tát diễn thuyết tam muội rất vi tế.

Bồ Tát tự tại phương tiện rất vi tế.

Bồ Tát ấn rất vi tế.

Bồ Tát Nhất Sanh Bổ Xứ rất vi tế.

Bồ Tát sanh Ðâu Suất Thiên rất vi tế.

Bồ Tát ở Thiên Cung rất vi tế.

Bồ Tát nghiêm tịnh Phật Độ rất vi tế.

Bồ Tát quan sát nhân gian rất vi tế.

Bồ Tát phóng đại quang minh rất vi tế.

Bồ Tát chủng tộc thù thắng rất vi tế.

Bồ Tát Đạo Tràng chúng hội rất vi tế.

Bồ Tát thọ sanh khắp tất cả Thế Giới rất vi tế.

Bồ Tát nơi một thân nhị hiện tất cả thân mạng chung rất vi tế.

Bồ Tát vào thai mẹ rất vi tế.

Bồ Tát trụ thai mẹ rất vi tế.

Bồ Tát ở trong thai mẹ tự tại thị hiện Đạo Tràng chúng hội khắp pháp giới rất vi tế.

Bồ Tát ở trong thai mẹ thị hiện Phật thần lực rất vi tế.

Bồ Tát thị hiện đản sanh rất vi tế.

Bồ Tát dũng trí đi bảy bước sư tử rất vi tế.

Bồ Tát trí phương tiện thị hiện ở vương cung rất vi tế.

Bồ Tát xuất gia tu hạnh điều phục rất vi tế.

Bồ Tát tọa Đạo Tràng dước cội Bồ Đề rất vi tế.

Bồ Tát phá ma quân thành Vô Thượng Chánh Giác rất vi tế.

Đức Như Lai ngồi tòa Bồ Đề phóng đại quang minh chiếu khắp cõi nước mười phương rất vi tế.

Đức Như Lai thị hiện vô lượng thần biến rất vi tế.

Đức Như Lai sư tử hống Đại Niết Bàn rất vi tế.

Đức Như Lai điều phục tất cả chúng sanh mà vẫn vô ngại rất vi tế.

Đức Như Lai sức tự tại bất tư nghì tâm bồ đề như kim Cang rất vi tế.

Đức Như Lai hộ niệm khắp tất cả thế gian rất vi tế.

Đức Như Lai ở khắp tất cả Thế Giới làm Phật Sự tột kiếp vị lai không thôi nghỉ rất vi tế.

Đức Như Lai thần lực vô ngại cùng khắp pháp giới rất vi tế.

Ðức Như Lai hiện thành Phật khắp pháp giới hư không Giới điều phục chúng sanh rất vi tế.

Đức Như Lai nơi một thân Phật hiện vô lượng thân Phật rất vi tế.

Đức Như Lai trí huệ tự tại đều ngự Đạo Tràng suốt quá khứ, vị lai, hiện tại rất vi tế.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần