Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Thập địa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHƯƠNG

QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường  

PHẨM HAI MƯƠI SÁU

PHẨM THẬP ĐỊA  

PHẦN BA  

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát tùy thuận đại bi đại từ như vậy, lúc dùng tâm thâm trọng trụ bậc Sơ Địa, đối với tất cả vật không hề lẫn tiếc, cầu Phật trí, tu đại xả. Phàm có thứ chi đều có thể bố thí cả.

Những là tiền, lúa, kho, đụn, vàng, bạc, Ma Ni, châu ngọc, đồ trang sức, voi, ngựa, xe cộ, tôi tớ, nhân dân, thành ấp, tụ lạc, vườn rừng, lầu đài, vợ con quyến thuộc, đầu, mắt, tay, chân, máu, thịt, xương, tủy, tất cả đều không tiếc, để cầu trí huệ rộng lớn của Chư Phật. Ðây gọi là thành tựu đại xả của bậc Bồ Tát trụ Sơ Ðịa.

Chư Phật Tử! Bồ Tát dùng tâm từ bi đại thí này là vì muốn cứu hộ tất cả chúng sanh. Thêm cầu những sự lợi ích thế gian và xuất thế, vì không nhàm đủ liền được thành tựu tâm không mỏi nhàm.

Ðược tâm không mỏi nhàm rồi, với tất cả Kinh Luận, không lòng khiếp nhược, vì lòng không khiếp nhược liền được thành tựu nhất thiết Kinh Luận trí.

Ðược trí này rồi thời có thể hay so lường việc nên làm, việc chẳng nên làm. Với tất cả chúng sanh căn cơ thượng, trung, hạ, thuận theo chỗ đáng độ, năng lực và thói quen của họ mà làm cho họ đều được lợi ích. Do đây Bồ Tát được thành thế trí. Thành được thế trí rồi liền biết thời tiết, biết lượng số.

Vì tàm quý mà siêng tu đạo hạnh tự lợi lợi tha nên thành tựu tàm quý trang nghiêm. Trong hạnh này siêng tu hạnh giải thoát không thối chuyển thành sức kiên cố. Ðược sức kiên cố rồi thời siêng cúng dường Chư Phật. Nơi giáo pháp của Phật có thể thật hành đúng như lời dạy.

Chư Phật Tử! Bồ Tát thành tựu mười pháp thanh tịnh các Trí Địa như vậy.

Chính là: Bi, từ, xả, không mỏi nhàm, biết Kinh Luận, hiểu thế pháp, tàm quý, sức kiên cố, cúng dường Chư Phật và y giáo tu hành.

Chư Phật Tử! Bồ Tát đã trụ bậc Hoan Hỷ Ðịa này rồi, do sức đại nguyện được thấy nhiều Đức Phật. Như là thấy trăm Đức Phật, thấy ngàn Đức Phật, trăm ngàn Đức Phật, ức Phật, trăm ức Phật, ngàn ức Phật, trăm ngàn ức Phật, ức na do tha Phật, trăm ức na do tha Phật, ngàn ức na do tha Phật, trăm ngàn ức na do tha Phật.

Với Chư Phật này, Bồ Tát đều dùng đại tâm, thâm tâm, cung kính tôn trọng phụng thờ cúng dường những y phục, ẩm thực, ngọa cụ, y dược và tất cả đồ dùng, cũng cúng dường tất cả Chúng Tăng, Bồ Tát đem công đức thiện căn này đều hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề.

Chư Phật Tử! Vì cúng dường Chư Phật, Bồ Tát này thành tựu được chúng sanh pháp, dùng hai nhiếp pháp trước là bố thí và ái ngữ để nhiếp lấy chúng sanh. Còn hai nhiếp pháp sau thời chỉ do sức tín giải mà thật hành chớ chưa thông đạt.

Bồ Tát này ở trong mười Ba La Mật, thời đàn Ba La Mật được thượng. Với chín Ba La Mật kia thời tùy sức tùy phần mà thật hành.

Bồ Tát này trong lúc siêng cúng dường Chư Phật Giáo hóa chúng sanh đều để tu hành thanh tịnh pháp Trí Địa. Bao nhiêu thiện căn đều hồi hướng bậc nhất thiết chủng trí, lần thêm sáng sạch, điều nhu thành tựu, tùy ý đều dùng được.

Chư Phật Tử! Ví như thợ kim hoàn, khéo luyện vàng, cho vào lửa thường thời vàng càng thêm sáng sạch mịn nhuyễn tùy ý người thợ dùng. Cũng vậy, Bồ Tát này cúng dường Chư Phật Giáo hóa chúng sanh đều để tu hành thanh tịnh pháp Trí Địa, bao nhiêu thiện căn đều hồi hướng bậc nhất thiết chủng trí, càng thêm sáng sạch điều nhu thành tựu có thể dùng tùy ý.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát trụ bậc Sơ Địa phải đến chỗ Chư Phật, Bồ Tát, thiện tri thức tìm cầu thưa hỏi. Ở trong địa này, từ nơi tướng và đắc quả không nhàm đủ, vì muốn thành tựu pháp của Trí Địa này.

Lại cũng phải đến chỗ Phật, Bồ Tát, thiện tri thức tìm cầu thưa hỏi tướng và đắc quả của Nhị Ðịa, Tam Ðịa nhẫn đến Thập Ðịa không nhàm đủ, vì muốn thành tựu pháp của các Trí Ðịa đó.

Bồ Tát này khéo biết trong các Trí Địa: Chướng và đối trị, địa thành hay hoại, địa tướng và quả. Cũng biết rõ địa đắc tu, địa pháp thanh tịnh, địa tiến tu lên, phải địa chẳng phải địa, trí thù thắng của các địa, bất thối chuyển của các địa. Cũng khéo biết thanh tịnh tu trị tất cả Trí Địa, nhẫn đến chuyển vào Như Lai địa.

Chư Phật Tử! Bồ Tát khéo biết địa tướng như vậy. Ban đều ở bậc Sơ Địa phát khởi tu hành không giám đoạn, nhẫn đến nhập bậc Thập Địa không gián đoạn. Do trí huệ sáng suốt của các Trí Địa đây mà thành trí huệ quang minh của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ví như vị thương chủ biết rành phương tiện muốn dắt các thương gia đến đại thành, lúc chưa khởi hành, trước hỏi rõ sự lành dữ dọc đường và chỗ đến ở an hay nguy, được hay không. Sau đó trang bị tu lương vật dụng đầy đủ rồi mới cùng nhau lên đường.

Chư Phật Tử! Vị thương chủ kia dầu chưa khởi hành mà đã biết rõ lộ trình lành dữ tất cả sự an nguy, khôn khéo suy tính sắm sửa hành trang lương thực không để thiếu sót, mới có thể dắt đoàn thương gia đến đại thành một các toàn vẹn an ổn.

Chư Phật Tử! Bồ Tát cũng như vậy. Trụ bậc Sơ Địa biết rành chướng và đối trị của các Trí Địa, nhẫn đến biết rành tất cả Trí Địa thanh tịnh chuyển nhập Như Lai địa, sau đó mới lo đủ tu lương phước và trí, dắt các chúng sanh đi qua đường hiểm sanh tử, đến thành nhất thiết chủng trí một các an toàn.

Vì lẽ trên đây nên Bồ Tát phải thường siêng tu công hạnh thanh tịnh thù thắng của các Trí Địa nhẫn đến chứng nhập Như Lai địa.

Chư Phật Tử! Ðây gọi là lược nói môn nhập bậc Sơ Địa của đại Bồ Tát. Nói rộng ra thời có vô lượng vô biên trăm ngàn vô số sự sai khác.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát trụ bậc Sơ Địa này phần nhiều hiện làm Vua ở Diêm Phù Ðề, giàu mạnh tự tại thường hộ trì chánh pháp. Hay dùng hạnh đại thí để nhiếp thủ chúng sanh, khéo trừ tật tham lam bỏn sẻn của chúng sanh. Tất cả công việc làm như là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự đều chẳng rời niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Chẳng rời niệm Bồ Tát đồng hạnh, chẳng rời niệm hạnh Bồ Tát, các môn Ba La Mật, các Trí Địa. Chẳng rời niệm lực, vô úy, pháp bất cộng. Chẳng rời niệm nhất thiết chủng trí.

Bồ Tát này lại nghĩ rằng: Tôi phải ở trong tất cả chúng sanh làm thượng thủ, làm thắng, làm thù thắng, làm diệu, làm vi diệu, làm thượng, làm vô thượng, làm Ðạo Sự, làm tướng, làm soái, nhẫn đến làm người y chỉ của nhất thiết chủng trí.

Bồ Tát này nếu muốn bỏ nhà để siêng tu Phật Pháp, liền có thể bỏ nhà vợ con ngũ dục, vào nhà Như Lai xuất gia học đạo.

Ðã xuất gia rồi thời tinh tấn tu hành, trong khoảng một niệm trăm Tam Muội, được thấy trăm Đức Phật, biết thần lực của trăm Ðức Phật, có thể chấn động Thế Giới của tăm Ðức Phật, có thể qua Thế Giới của trăm Ðức Phật, có thể chiếu Thế Giới của trăm Ðức Phật.

Có thể giáo hóa chúng sanh trong trăm Thế Giới, có thể trụ thọ trăm kiếp, có thể biết những việc đã qua và sẽ tới trong trăm kiếp, có thể vào trăm pháp môn, có thể thị hiện trăm thân, ở mỗi thân có thể thị hiện trăm vị Bồ Tát làm quyến thuộc.

Nếu dùng nguyện lực thù thắng của Bồ Tát tự tại thị hiện hơn nơi số trên đây, thời cả trăm kiếp ngàn kiếp, nhẫn đến trăm ngàn ức na do tha kiếp cũng chẳng tính biết được.

Kim Cang Tạng Bồ Tát muốn tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng:

Nếu người tu điều lành

Ðủ những pháp bạch tịnh

Cúng dường Chư Thế Tôn

Tùy thuận đạo từ bi.

Tin hiểu rất rộng lớn

Chí nguyện cũng thanh tịnh

Vì cầu trí huệ Phật

Phát tâm vô thượng này.

Tu tất cả trí lực

Và cùng vô sở úy

Thành tựu các Phật Pháp

Cứu nhiếp các quần sanh.

Vì được đại từ bi

Và chuyển thắng pháp luân

Nghiêm tịnh Phật Quốc Độ

Phát tâm tối thắng này.

Một niệm biết Tam Thế

Mà không có phân biệt

Thời gian sai khác nhau

Ðể hiển thị thế gian

Lược nói cầu Chư Phật

Tất cả thắng công đức

Phát sanh tâm quảng đại

Lượng đồng cõi hư không.

Bi trước, huệ làm chủ

Tương ưng cùng phương tiện

Tâm tín giải thanh tịnh

Phật vô lượng thần lực.

Trí vô ngại hiện tiền

Tự ngộ chẳng do người

Ðầy đủ đồng Chư Phật

Phát tâm tối thắng này.

Phật Tử mới phát sanh

Tâm diệu bảo như vậy

Thời siêu hạng phàm phu

Vào chỗ đi của Phật.

Sanh tại nhà Như Lai

Chủng tộc không tội lỗi

Ðồng bình đẳng với Phật

Quyết thành vô thượng giác,

Vừa sanh lòng như vậy

Liền được vào Sơ Địa

Chí nguyện chẳng bị động

Dường như núi Tu Di.

Nhiều vui, nhiều ưa thích.

Lại cũng nhiều tịnh tín

Tâm dũng mãnh rất lớn

Và cùng tâm mừng rỡ.

Xa rời sự đấu tránh

Não hại và giận hờn

Kính thuận mà chất trực

Khéo gìn giữ sáu căn.

Ðấng cứu thế vô thượng

Có bao nhiêu trí huệ

Bậc này tôi sẽ được

Ghi nhớ sanh hoan hỷ.

Mới được vào Sơ Địa.

Liền siêu năm điều sợ:

Chẳng sống, thiếng xấu, chết,

Ác đạo, chúng oai đức.

Vì chẳng tham chấp ngã

Và chẳng chấp ngã sở

Các Phật Tử như đây

Xa rời năm điều sợ.

Thường thật hành đại từ

Luôn kính tin tùy thuận.

Ðủ công đức tàm qúy

Ngày đêm thêm pháp lành.

Thích thật lợi chánh pháp

Chẳng ưa thọ dục lạc

Tu duy pháp đã nghe

Rời xa hạnh chấp trước.

Chẳng tham cầu lợi dưỡng

Chỉ thích Phật bồ đề

Nhất tâm cầu Phật trí

Chuyên ròng không niệm khác.

Tu tập Ba la mật

Xa rời dua dối gạt

Thật hành đúng lời Phật

An trụ trong thật ngữ.

Chẳng nhơ nhà Chư Phật

Chẳng bỏ giới Bồ Tát

Chẳng thích những thế sự

Thường lợi ích thế gian.

Làm lành không nhàm đủ

Thêm cầu đạo tăng thắng

Ưa thích pháp như vậy

Tương ưng nghĩa công đức.

Thường phát khởi đại nguyện

Nguyện thấy Chư Như Lai

Hộ trí Phật chánh pháp

Nhiếp lấy đạo vô thượng.

Thường sanh nguyện như vậy:

Tu hành hạnh tối thắng.

Thành thục mọi quần sanh

Nghiêm tịnh Phật Quốc Độ.

Tất cả các Cõi Phật

Ðều đông dầy Phật Tử

Bình đẳng chung một lòng

Việc làm đều chẳng luống.

Nơi tất cả chân lông

Ðồng thời thành Chánh Giác

Những đại nguyện như vậy

Vô lượng vô biên tế.

Hư không cùng chúng sanh

Pháp giới và Niết Bàn

Thế gian Phật ra đời

Phật trí tâm cảnh giới,

Trí của Như Lai chứng

Cùng tam chuyển pháp tận

Tất cả đó có tận

Nguyện của tôi mới tận,

Như đó không cùng tận

Nguyện của tôi cũng vậy,

Phát nguyện lớn như thế

Tâm nhu nhuyến điều thuận.

Hay tin công đức Phật

Quan sát nơi chúng sanh

Biết từ nhân duyên khởi

Liền sanh lòng từ mẫn:

Chúng sanh khổ như vậy

Nay tôi phải cửu thoát

Vì những chúng sanh này

Thật hành việc bố thí.

Ngôi Vua và trân bảo

Nhẫn đến voi, ngựa, xe,

Ðầu, mắt, cùng tay, chân,

Nhẫn đến máu, thịt, xương

Tất cả đều xả thí

Không có lòng hối tiếc.

Cầu các thứ Kinh thơ

Không hề biết nhàm mỏi

Khéo hiểu nghĩa thú kia

Hay thuận theo thế gian.

Tàm quý tự trang nghiêm

Tu hành càng kiên cố

Cúng dường vô lượng Phật

Cung kính và tôn trọng.

Thường tu tập như vậy

Ngày đêm không nhàm mỏi

Thiện căn càng sáng sạch

Như lửa luyện chân kim.

Bồ Tát trụ nơi đây

Tịnh tu mười Trí Địa

Chỗ làm không chướng ngại

Ðầy đủ chẳng đoạn tuyệt.

Ví như vị thương chủ

Vì lợi cho thương gia

Hỏi rõ đường dễ khó

An ổn đến đại thành

Bồ Tát trụ Sơ Địa

Phải biết cũng như vậy.

Dũng mãnh không chướng ngại

Ðến bậc đệ Thập Địa.

Trụ trong Sơ Địa này.

Làm chủ công đức lớn

Ðem pháp dạy chúng sanh

Tâm từ không tổn hại.

Thống lãnh Diêm Phù Ðề

Giáo hóa tất cả chúng

Ðều trụ hạnh đại xả

Thành tựu trí huệ Phật.

Muốn cầu đạo tối thắng

Bỏ ngôi Quốc Vương mình

Hay ở trong Phật Giáo

Dũng mãnh siêng tu tập,

Liền được trăm Tam Muội

Và thấy trăm Đức Phật

chấn động trăm Thế Giới

Quang minh chiếu trăm cõi,

Ðộ trăm cõi chúng sanh

Chứng nhập trăm pháp môn

Hay biết việc trăm kiếp

Thị hiện trăm thân Phật

Và hiện trăm Bồ Tát

Ðể dùng làm quyến thuộc,

Nếu nguyện lực tự tại

Hơn số này vô lượng.

Ở trong nghĩa Sơ Địa

Tôi lược thuật phần ít,

Nếu muốn giảng giải rộng

Ức kiếp chẳng hết được.

Bồ Tát đạo tối thắng

Lợi ích mọi quần sanh

Pháp Sơ Địa như vậy

Nay tôi đã nói xong.

Chúng Bồ Tát đã nghe

Ðịa tối thắng vi diệu

Tâm các Ngài thanh tịnh

Tất cả đều vui mừng

Ðồng rời tòa đứng dậy

Vọt bay dừng trên không

Khắp rải hoa báu đẹp

Ðồng thời chung khen ngợi:

Lành thay Kim Cang Tạng

Bậc đại trí vô úy

Khéo nói những pháp lành

Của Sơ Địa Bồ Tát.

Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt

Biết lòng chúng thanh tịnh

Thích nghe những hành tướng

Của đệ nhị Ly Cấu

Liền thỉnh Kim Cang Tạng:

Ðại trí xin diễn thuyết

Phật tử đều thích nghe

Ðệ nhị Ly Cấu Ðịa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần