Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Mười Hai - Phẩm Công đức Của Tín Thọ Trì Kinh
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI TÁT GIÀ NI
KIỀN TỬ SỞ THUYẾT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM MƯỜI HAI
PHẨM CÔNG ĐỨC CỦA TÍN THỌ TRÌ KINH
Bấy giờ, tất cả đại chúng trong hội đều rất vui mừng hớn hở, mỗi người tự cởi chiếc áo ngoài trên thân mình cúng dường Đức Như Lai rồi thưa rằng: Như Lai Thế Tôn! Nay đối với thế gian chuyển pháp luân lần hai, khi xưa ở thành Ba La Nại, Như Lai đã sơ chuyển pháp luân. Và bây giờ, Như Lai lại ở Thành Uất Xà Diên này chuyển đệ nhị pháp luân.
Lại thưa: Thưa Thế Tôn! Chúng con thường nghe, không bao giờ bỏ pháp môn báu vi diệu này. Chúng con nguyện mãi mãi ở bên cạnh Thiện Nam Tử Tát Già.
Bấy giờ, ở trong hư không, âm nhạc tiếng trống vi diệu phát ra của Chư Thiên. Mưa Trời các loài hoa, như Hoa Ưu Bát La, Hoa Bát Đầu Ma, Hoa Câu Nâu Đầu, Hoa Phân Đà Lợi, Hoa Bà Sư Ca đầy cả dưới chân Đức Phật.
Trời ở trong hư không rải xuống các loại y báu đầy cả Trời giống như mây và thưa: Nếu có thiện nam, thiện nữ nào có khả năng thọ trì, đọc tụng, biên chép, vì người khác giải nói pháp môn vi diệu này thì người kia nhất định được vô lượng, vô biên công đức.
Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử thưa Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ nào có khả năng thọ trì, đọc tụng, biên chép và nói rộng pháp môn vi diệu này cho người khác thì thành tựu được bao nhiêu công đức?
Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử: Văn Thù Sư Lợi! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào đến được những chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới, hoặc có sắc, hoặc không có sắc, hoặc có tưởng, không tưởng.
Đối với chúng sinh ở trong Thế Giới chúng sinh, trí tuệ Đức Phật biết tất cả chúng sinh ở trong Thế Giới chúng sinh, cùng một lúc đều được sinh làm người. Khi được sinh làm người rồi, họ đều cùng nhau tu hạnh Ba la mật, cùng thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Chư Phật kia trụ một kiếp ở thế gian. Có thiện nam, thiện nữ nào, suốt một kiếp đó cúng dường các Chư Phật Như Lai ấy, lễ bái, cung kính, tôn trọng, khen ngợi. Đầy đủ tất cả những sự cúng dường thù thắng, cho đến tất cả các thứ hoa, hương và âm nhạc.
Văn Thù Sư Lợi! Ý ông nghĩ sao?
Thiện nam, thiện nữ kia được phước nhiều không?
Văn Thù Sư Lợi thưa: Thưa Thế Tôn, rất nhiều! Thưa Thiện Thệ, rất nhiều! Thiện nam, thiện nữ kia được vô lượng, vô biên công đức không thể tính được, không thể đếm được, không thể biết, không thể nói.
Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Nếu có thiện nam! Thiện nữ nào thọ trì, đọc tụng, biên chép, xiển dương và vì người khác nói rộng pháp môn Bồ Tát Hành Phương Tiện Công Đức này thì được công đức vượt hơn công đức của thiện nam, thiện nữ cúng dường Chư Phật vô lượng, vô biên không thể kể hết, không thể so sánh kia.
Văn Thù Sư Lợi bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu, thật là hiếm có. Đức Như Lai vì muốn tất cả chúng sinh đều được an lạc, nên nói pháp môn này.
Lại thưa Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Đối với cõi Diêm phù đàn Thế Tôn tru thế được bao lâu?
Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Khi ta nhập Niết Bàn, có tám đại Quốc Vương vì muốn lưu bố xá lợi của ta nên lúc đó chia làm tám phần cho tám nước, đặt trong tám chiếc hộp. Mỗi người giữ lấy một hộp mang về nước mình, lập tháp miếu tôn thờ, cúng dường.
Bấy giờ, Vua A Xà Thế cũng được một phần xá lợi của ta. Chép Kinh này ở trên bảng vàng, cùng với xá lợi. Tất cả đều đặt ở trong hộp bảy báu. Ở phía ngoài Thành Vương Xá đào đất làm hồ, ở giữa xây Tháp trang hoàng rất đặc biệt, đặt hộp xá lợi ở trong Tháp ấy. Treo trăm ngàn vạn A tăng kỳ cờ báu, lộng báu, rải tất cả những loại hương hoa vô giá, bình hương bảy báu đựng đầy nước hoa thơm, đèn đuốc lớn sáng mãi một trăm năm không tắt.
Văn Thù Sư Lợi! Sau một trăm năm ta nhập Niết Bàn, có Vua A Thâu Ca, xuất hiện ở thế gian, sinh vào trong nhà Mao lê, làm Vua Chuyển Luân Thánh Vương ở Diêm Phù Đề, đạt được tự tại và có năng lực đầy đủ, khéo hàng phục các chúng sinh kiên cường. Lúc ấy, vị Vua kia chắc chắn quan sát ta, có thể nghĩ về ta, hộ trì pháp của ta, tôn trọng, cung kính đối với Pháp Thân của ta.
Văn Thù Sư Lợi! Vua A Thâu Ca kia có một Tỳ Kheo tên là Tịnh Tự Tại, sinh ở trong hàng Vương Tử, rồi xuất gia cầu đạo. Vua A Thâu Ca nhận làm thầy. Vị ấy có năng lực thần thông rất lớn, có năng lực uy đức rất lớn, hộ trì pháp Chư Phật, hộ trì đại phương quảng. Vua A Thâu Ca rất tôn trọng Tỳ Kheo Tịnh Tự Tại nên không để cho Tỳ Kheo ấy đi nơi khác, thường ở trong cung, nhà Vua đích thân cúng dường.
Văn Thù Sư Lợi! Vua A Thâu Ca vì muốn lưu bố xá lợi của ta, vì muốn tất cả chúng sinh được lợi ích nên muốn mở hộp đựng xálợi ra nên cùng với vô lượng đại thần, Vương Tử, Trưởng Giả, Cư Sĩ quyến thuộc vây quanh nhà Vua. Trần thiết rất trang nghiêm, thể hiện uy lực lớn của nhà Vua, rồi mang các loại hương hoa, hương bột, hương tán và trổi lên trăm ngàn loại âm nhạc vi diệu, cùng nhà Vua đi đến Thành Vương Xá.
Thiết lập tất cả sự cúng dường vi diệu thù thắng vô lượng, vô biên không thể tính được. Nhà Vua cho đào đất lấy hộp báu xá lợi, để bảy ngày, dùng tất cả các loại hương thơm, tất cả các loại hoa, tất cả vòng hoa, tất cả hương tán, tất cả hương hoa và tất cả các loại âm nhạc cung kính cúng dường.
Trải qua bảy ngày, tất cả các Quốc Độ trong Diêm Phù Đề, chẳng phải lúc trước, lúc sau mà ở trong một lúc, một ngày, trong một khoảng khắc, khắp cả Diêm Phù Đàn cùng xây dựng tám vạn bốn ngàn ngôi tháp thờ xá lợi Phật.
Bấy giờ, Tỳ Kheo Tịnh Tự Tại lấy pháp môn này từ ở trong hộp đựng xá lợi mang đến cõi nước lớn Bắc cương để truyền bá rộng rãi.
Văn Thù Sư Lợi! Mặc dù Tỳ Kheo Tịnh Tự Tại kia nỗ lực truyền bá, nhưng người lãnh hội thọ trì pháp môn này rất ít. Có nhiều người không biết, nhiều người không hiểu, nhiều người không giữ gìn, nhiều người không thọ trì đọc tụng pháp môn này.
Vì sao?
Vì đây là pháp môn thù thắng, chúng sinh bạc phước không thể nghe được. Nhiều người giấu kín đặt ở trong hộp Kinh, trong các kho lẩm.
Vì sao?
Vì không có pháp khí thì không thể gieo trồng thiện căn vô thượng được.
Vì sao?
Vì pháp môn này khó tin, khó thực hành và khó lường.
Văn Thù Sư Lợi! Phàm người nào không có thiện căn đời trước, đã từng nghe đại thừa sinh tâm nghi ngờ phỉ báng. Cho nên, khi nghe pháp môn vô thượng này không thể sinh lòng tin, không thể hội nhập được.
Văn Thù Sư Lợi! Đến thời kỳ mạt pháp, khi tượng pháp sắp diệt, nếu có người nghe pháp môn này có thể sinh lòng tin, người có khả năng tìm cầu, người có khả năng ngộ nhập thì nên biết rằng, những người này trong quá khứ đã từng cúng dường vô lượng, vô biên Chư Phật, khéo thực hành các hạnh nên mới có khả năng tin hiểu và ngộ nhập pháp môn Đại Thừa này.
Văn Thù Sư Lợi! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào ở trong thời kỳ mạt pháp nghe tên Kinh này. Nghe rồi có thể sinh lòng tin, thọ trì, đọc tụng, biên chép, giải nói. Biên chép rồi tôn trọng cúng dường quyển Kinh. Những chúng sinh ấy nên tự suy nghĩ biết rằng, trong quá khứ đã từng gặp vô lượng hằng sa Chư Phật, cung kính cúng dường hằng sa Chư Phật.
Văn Thù Sư Lợi!Những chúng sinh ấy cũng thấy ra ở tại nước này thuyết pháp môn này và cũng thấy các chúng trong đại hội này.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo A Nan: Này A Nan! Ông nên thọ trì, đọc tụng pháp môn vi diệu này, tuyên thuyết rộng rãi cho các chúng sinh. Ông nên quán chúng sinh, xem người nào có căn Đại Thừa, có thể tin thọ rồi mới thuyết pháp môn này cho họ, không được sơ xuất, không quán mà nói.
Vì sao?
Vì những chúng sinh ít phước nghe pháp môn này sẽ sinh tâm bất tín, chịu tội vô lượng.
Này A Nan! pháp môn này gọi là công đức chân thật của Như Lai, gọi là Tạng bí mật của Như Lai, gọi là Tạng thuần tịnh vi diệu của Như Lai, gọi là Tạng pháp ấn của Như Lai, gọi là Tạng hộ tâm của Như Lai, gọi là Tạng hiện thật tánh của Như Lai. Vì vậy, ông nên giữ kỹ, chớ vội vàng tuyên thuyết, ngoại trừ các Phật Tử Đại Bồ Tát.
Vì sao?
Vì Thiện Nam ấy, đối với Chư Phật đã gieo trồng thiện căn sâu xa, có khả năng hộ trì tạng pháp, có thể lợi mình và lợi mgười thì ông nên nói cho người đó.
A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Con đã lãnh hội pháp môn vi diệu này.
Thưa Thế Tôn! Nay pháp môn này gọi tên là gì?
Thọ trì như thế nào?
Đức Phật bảo A Nan: Pháp môn vi diệu này gọi là pháp môn Bồ Tát Hành Phương Tiện Cảnh Giới Phấn Tấn, gọi là Tạng Bí Mật Sâu Xa Của Như Lai, gọi là Như Lai Đầy Đủ Công Đức, gọi là Cảnh Giới Sâu Xa Của Như Lai, gọi là Thuyết Nhất Thừa, gọi là Kinh Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết, gọi là Kinh Tát Già Ni Kiền Tử Thọ Ký, gọi là Kinh Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết.
Nay ông nên tụng trì như vậy! Khi Đức Như Lai nói pháp môn này, có ba mươi ức na do tha chúng sinh phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, có sáu mươi ngàn Bồ Tát đạt được vô sinh pháp nhẫn. Có vô lượng, vô biên chúng sinh rốt ráo không thoái tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Khi Đức Phật thuyết Kinh này xong, Tuệ mạng A Nan, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử và tất cả các Đại Bồ Tát, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Thích Đề Hoàn Nhân, Tứ Thiên Vương, Phạm Thiên Vương, Trời, Người, A Tu La… đều rất hoan hỷ tin thọ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Vị Tằng Hữu Chánh Pháp - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Thứ Mười Một - Pháp Hội Xuất Hiện Quang Minh - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Chín Mươi Bốn - Kinh Lỗ Hổng Ma Ni
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Sáu - Phẩm Một - Phẩm Duyên Khởi
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Mười Ba - Kinh Bảo Người Hay Giận
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Năm Mươi Chín - Phẩm Tập Cận