Phật Thuyết Kinh đại Tập Ví Dụ Vương - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI TẬP VÍ DỤ VƯƠNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẦN BỐN
Thế nên, Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát đối với pháp thâm diệu này, nên dùng trí mà quán để biết pháp là vô ngã.
Xá Lợi Phất! Ví như cõi hư không, không có sự tương tợ. Như vậy, pháp giới cũng không có sự tương tự.
Bồ Tát Ma Ha Tát đối với pháp thâm diệu này, nên dùng trí mà quán.
Xá Lợi Phất! Ví như có người, múc nước ở biển cả, nước mà được múc lên đó, cũng chỉ có một vị mặn.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Trong một pháp giới lại phát sinh Thanh Văn.
Vì sao?
Vì pháp giới, chỉ có một, chứ không hai.
Bồ Tát Ma Ha Tát đối với chỗ sâu xa trong pháp thâm diệu này nên dùng trí mà phân biệt. Đối với trí tuệ Ba la mật trong pháp này cũng nên tùy thuận tu hành, chứ không phải như ở chỗ khác mà rộng nói thí dụ.
Đối với pháp vô ngã thì nên tư duy, nên quan sát, nên mong cầu, nên hòa hợp, nên sinh tâm mong muốn, nên siêng năng tinh tấn dụng lực tạo nghiệp. thiện nam, thiện nữ. Đối với pháp thâm diệu này nên dùng trí quán để biết các pháp là vô ngã.
Xá Lợi Phất! Ví như trong biển, lớn có loại cá thân dài cả trăm du xà na, cho đến bảy trăm du xà na, các loài cá ấy thân có phát triển đến bảy trăm du xà na, nhưng biển cả có thể thấy là không tăng giảm. Và đến khi cá ấy chết đi, biển cả cũng không tăng giảm.
Thế nên, Bồ Tát Ma Ha Tát cần học như vậy: Tuy có hằng hà sa số Chư Phật diệt độ, nhưng pháp giới vẫn thấy không tăng không giảm. Lại có vô lượng Thanh Văn diệt độ, pháp giới cũng không tăng giảm. Tuy là cùng một vị giải thoát, nhưng các Thanh Văn không thể chuyển sinh trí này, như các Đức Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà.
Xá Lợi Phất! Ví như trong cung của Chuyển Luân Thánh Vương, mới phát sinh ra các loại báu. Các loại báu này, nó không phát sinh ở những chỗ khác.
Vì sao?
Vì xưa kia Chuyển Luân Thánh Vương tạo ra nghiệp Chuyển Luân Vương. Nhờ nghiệp nhân đó, cho nên chỉ có trong cung, mới phát sinh các báu.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát tâm thanh tịnh, đã dùng tâm tịnh mà phát tâm vô thượng phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Cho nên, nếu muốn bố thí cho người nào thì đều theo ý muốn mà phát sinh các thứ.
Vì sao?
Vì đời trước, Bồ Tát đã khéo có được tịnh tâm.
Này Xá Lợi Phất! Ví như có người, vào trong tánh báu nghĩa là chỗ sinh ra châu báu, mới hỏi người vào trước: Này bạn! Trân báu giống cái gì?
Và tướng của nó ra sao?
Người vào trước trả lời: Anh ngu quá vậy!
Tại sao đã được vào tánh báu, tự thấy được các loại báu, lại đi hỏi báu?
Như vậy, này Xá Lợi Phất!
Nếu có thiện nam, thiện nữ hỏi như vậy: Pháp giới giống cái gì và tướng của nó ra sao?
Xá Lợi Phất! Lúc đó, các Bồ Tát Ma Ha Tát, nên mặc áo giáp như thế này. Nay ta sẽ chỉ bày về pháp giới ấy, để vì chúng sinh thuyết khiến cho họ được trụ.
Xá Lợi Phất! Tánh báu là pháp giới. Người kia đã vào trong tánh báu mà đi hỏi, đó là hàng phàm phu ngu muội. Còn người vào trong tánh báu trước, là Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà.
Này Xá Lợi Phất! Ví như biển cả không hề nghĩ như vậy: Ta phát sinh các Ma Ni báu hữu giá, hoặc phát sinh các Ma Ni báu vô giá.
Như vậy, này Xá Lợi Phất!
Pháp giới cũng không nghĩ như vậy: Có ai biết ta đã phát sinh trí hữu hạn hoặc phát sinh trí vô biên.
Xá Lợi Phất! Như vậy, ở nơi pháp giới nhất định tùy theo sự hiểu biết, mà được trí hữu hạn, cũng lại ở nơi pháp giới, định tùy theo sự hiểu biết mà được trí vô biên.
Này Xá Lợi Phất! Ví như chưa hết một ngày, mà vẫn biết được bao nhiêu sát na, bao nhiêu la bà, bao nhiêu bình, bao nhiêu nhạc cụ, ống trúc như vậy mà biết được một ngày có bao nhiêu thứ.
Xá Lợi Phất! Chưa rốt ráo, nên phát sinh khổ, tập, diệt, đạo.
Thế nên, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát nên biết đó là ta nói Bồ Tát thừa chứng tín, cho các thiện nam, thiện nữ chưa đến bồ đề.
Này Xá Lợi Phất! Ví như nước đổ dồn vào đại địa, nhưng nó cũng không làm cho hư không thêm lên.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Tuy là hằng hà sa số Chư Phật Thế Tôn Niết Bàn, nhưng pháp giới cũng không tăng giảm. Vô biên các chúng Thanh Văn diệt độ, pháp giới cũng không thấy tăng giảm.
Thế nên, Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát nên mặc áo giáp như vậy, tất cả chúng sinh giới không thấy tăng giảm, pháp giới cũng không thấy tăng giảm. Ta rống lên tiếng rống sư tử, cho đến giác ngộ Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Xá Lợi Phất! Không có việc này, nhưng ta đưa ra để phân biệt giảng nói.
Như có người đến bờ biển của Long vương nói lên như vậy: Ta muốn chẻ một sợi lông của ta ra làm trăm phần lông, dùng một phần để lấy một giọt nước.
Khi đó, Long vương nói: Này anh chàng! Anh muốn lấy một phần của sợi lông chẻ ra đó, để lấy một giọt nước thì ta không bỏ biển cả.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Đối với vô biên chúng sinh giới, cần phải dạy dỗ, khiến cho họ hoan hỷ trong việc tu tập thần lực.
Nhưng các chúng sinh ấy lại nói: Chúng tôi không thể phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, ta đối với pháp, cũng không có dự vào phần nào.
Này Xá Lợi Phất! Ví như sau mùa Xuân, mùa Hạ nắng gắt, có người đến Sông Hằng uống nước, nhưng lại có một người ngăn cản không cho uống.
Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?
Người này không phải là chủ của con sông, mà lại đi ngăn cản, làm như thế có thuận không?
Xá Lợi Phất thưa: Không thuận, thưa Thế Tôn.
Phật nói: Đúng vậy! Xá Lợi Phất! Không thâu giữ pháp giới, không thâu giữ các pháp Phật. Cũng có thiện nam, thiện nữ phát tâm đại thừa, tin hiểu khát ngưỡng, nhưng cũng có chúng sinh nói lỗi của đại thừa, để người khác xa lìa.
Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?
Người nói lỗi của đại thừa có thuận không?
Xá Lợi Phất thưa: Không thuận, thưa Bà Già Bà! Không thuận, thưa Tu Già Đà.
Phật nói: Do vậy, thiện nam, thiện nữ! Khi nghe lời này rồi, phải nhanh chóng phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, phát khởi tinh tấn, tương ưng với dụng lực. Thiện nam, thiện nữ đối với pháp thâm diệu này, nên dùng trí quán để biết các pháp là vô ngã.
Này Xá Lợi Phất! Ví như trong đại địa này, có một số đất, mà người trong Châu Diêm Phù này không canh tác.
Vì sao?
Vì đất ấy hầm, hố, gò, trũng, vách đá, gai gốc, cao vút, như vậy chỉ có bỏ phế mà thôi.
Xá Lợi Phất! Trong các chúng sinh giới cũng có các chúng sinh không thể dùng được. Đó là những người phát tậm thừa Thanh Văn, Độc Giác. Những người ấy, đối với chúng sinh tức không chỗ sử dụng
Này Xá Lợi Phất! Ví như có một số đất ở trong đại địa này, được người trong Châu Diêm Phù canh tác.
Vì sao?
Vì nó đầy đủ sự thuận tiện, như vườn, rừng, ao, hồ, hoặc có chỗ lại phát sinh kim ngân, nhờ vậy, mà người trong Châu Diêm Phù có để thọ dụng.
Này Xá Lợi Phất! Trong chúng sinh cũng có chúng sinh dùng được, nhưng số được đó lại rất ít.
Vì sao?
Vì các chúng sinh ấy, nếu phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thì phải làm chỗ nương tựa cho các chúng sinh và tạo mọi niềm vui rốt ráo cho chúng sinh.
Này Xá Lợi Phất! Ví như trong biển cả, có Ma Ni báu vô giá, nhưng người trong Châu Diêm Phù không được thọ dụng.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Tuy các A La Hán, Thanh Văn, có vô biên thiện căn, giới, định, trí, giải thoát tri kiến. Nhưng những vị ấy đối với các chúng sinh, không thể là chỗ dùng được. Còn các Bồ Tát Ma Ha Tát, cũng có các thiện căn, giới, định, trí, giải thoát, giải thoát tri kiến, nhưng các vị ấy, lại là chỗ cho chúng sinh thọ dụng.
Thế nên, Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát nên mặc áo giáp như vậy. Nếu không làm chỗ thọ dụng cho chúng sinh, không tạo niềm vui rốt ráo cho chúng sinh thì không phải là thiện căn của ta.
Này Xá Lợi Phất! Ví như hạt Ni cù đà tử, tuy nhỏ nhưng lúc sinh, lúc lớn, rễ của nó phát triển rất nhanh, nên tàng lá bao phủ rất rộng.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát mới phát tâm, thiện căn lúc sinh, lúc lớn, nên biết những thiện căn khác đều không thể sánh bằng, nó trụ vào nơi tối thượng.
Thế nên, Xá Lợi Phất! thiện nam, thiện nữ đã phát tâm Bồ Tát thừa, thiện căn tuy nhỏ, nhưng không thể khinh thường, chớ cho là không tăng trưởng.
Vì sao?
Vì người phát tâm đại thừa, lúc thiện căn được tăng trưởng, nên biết nó sẽ tạo ra vô lượng A tăng kỳ.
Này Xá Lợi Phất! Ví như có người của cải giàu có, thọ hưởng vô cùng đầy đủ, có rất nhiều bối ngọc, san hô, kim ngân. Người đó là Sát Đế Lợi, con nhà giàu, hoặc Bà La Môn con nhà giàu, hoặc Trưởng Giả con nhà giàu.
Những người ấy, khi ra đường hay ra chợ, ai muốn nhìn thì nhìn, ai muốn đến thì đến, ai muốn hỏi thì hỏi. Người có các loại báu như là đại Ma Ni báu, trị giá đến trăm ngàn, ai có muốn xem thì xem, muốn đến thì đến, muốn hỏi thì hỏi.
Vì sao?
Vì người ấy, tâm họ còn lớn hơn giá mua bán này.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát ở trong pháp Phật đại thừa này, muốn hỏi thì hỏi, muốn nói thì nói.
Vì sao?
Vì lòng tin của các vị ấy, rộng lớn như thế, cho nên nói ra không bao giờ dứt. Do vậy, muốn đến thì đến, muốn hỏi thì hỏi, muốn xem thì xem, muốn nói thì nói.
Này Xá Lợi Phất! Ví như chỗ có Ma Ni báu, giá trị của nó có đến trăm ngàn.
Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?
Ma Ni báu giá trị đó, có thể đem để chung với thủy tinh được không?
Xá Lợi Phất thưa: Không được, thưa Bà Già Bà! Không được thưa Tu Già Đà! Vì sao?
Vì Ma Ni báu ấy, chỉ để chung với Ma Ni báu mà thôi, chứ không thể để chung với thủy tinh, hay các thứ khác được và cũng không thể đem ví dụ.
Phật nói: Đúng thế, đúng thế! Xá Lợi Phất! thiện nam, thiện nữ tu Bồ Tát thừa. Thì cùng ở, cùng đi chung, cùng du hóa, thân gần, thuận theo, cấp dưỡng và tham cứu Kinh Điển với chúng sinh phát tâm đại thừa. Trong thời gian đó, tỉnh thức nhớ nghĩ và học hỏi theo đó.
Này Xá Lợi Phất! Ví như có người muốn học bắn tên, nên lúc nào cũng thân gần, ghi nhớ lời của thầy dạy bảo.
Vì sao?
Vì người ấy cố học bắn giỏi. Do vậy, mà trong khoảng thời gian đó, thầy dạy phải làm thế nào để học trò luôn ghi nhớ phát giác, điều cần hơn hết là gần gủi để dạy học trò về cách sử dụng cung: Như mang cung như vậy, nắm cung như vậy, kéo cung như vậy và bắn như vậy. Nhờ sự dạy dỗ tận tình của thầy, học trò cứ theo đó mà học, nên sớm được thành tựu.
Xá Lợi Phất! Các thiện nam, thiện nữ phát tâm đại thừa ấy, nên thân gần, tùy thuận, cúng dường Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Ở chỗ của thiện nam, thiện nữ phát tâm đại thừa đó, Như Lai sẽ cùng ở, cùng đi và cùng suy nghĩ. Các thiện nam, thiện nữ phát tâm đại thừa ấy, đã thân gần, tùy thuận, cúng dường rồi thì nên dạy họ tỉnh thức ghi nhớ, điều cần nhất là an ủi phủ dụ làm sao cho họ học theo.
Như học theo Đàn Na Ba la mật, Thi La Ba la mật, Sằn Đề Ba la mật, Tỳ Lê Da Ba la mật, Đệ Da Na Ba la mật, Bát Nhã Ba la mật, Phương Tiện Ba la mật học theo như vậy nên tất cả thiện căn và chủng trí đều biến khắp. Ở trong đó, việc chỉ dạy phải khiến cho họ nhớ nghĩ, không những thế, lại còn an ủi khuyên bảo để thiện nam, thiện nữ đó học theo, mà được thành tựu.
Này Xá Lợi Phất! Ví như Chuyển Luân Vương đi qua Châu Diêm Phù này, không làm cho chúng sinh kinh sợ hay gây thương tổn, mà Vua còn để lại rất nhiều kim ngân, khiến mọi người trụ vào mười đạo nghiệp thiện. Do Chuyển Luân Vương làm việc như vậy, nên khi đi qua khiến cho vô lượng chúng sinh thương khóc, nhớ nghĩ đến công đức.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát ở trong các Cõi Phật, lúc đi, lúc du hóa, nên học theo công đức thù thắng của Chư Phật, mỗi một chỗ hành, đều thuận theo pháp giới hành.
Chỗ đi qua ấy không làm cho chúng sinh kinh sợ hay thương tổn, không những thế, còn để lại nhiều kim ngân, khiến cho các chúng sinh trụ vào mười nghiệp thiện và trên mỗi đạo nghiệp thiện, đều khiến sinh pháp thiện, nên hành như vậy, để đạt đến cõi vô lậu.
Như thế thì nơi đã trải qua đó. Các chúng sinh nên học, nên ghi nhớ, đó mới là thiện hữu cùng đi với ta, cùng đem các pháp thiện trau dồi trí tuệ và cùng diễn thuyết pháp thâm diệu để giáo hóa chúng sinh. Bồ Tát Ma Ha Tát nên học theo công đức thù thắng tối thượng như vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi - Phẩm Thất Nhật - Phần Một
Phật Thuyết Muôn Pháp Hội Trổ Một Hoa Vô Tướng - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bản Sự
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Mười - Phẩm Kệ Tụng Phần Thứ Nhất - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cận Trụ
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Minh Triết - Thí Dụ Ba Mươi Hai