Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Ba - Phẩm Nhất Thừa - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TÁT GIÀ NI

KIỀN TỬ SỞ THUYẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BA

PHẨM NHẤT THỪA  

TẬP BỐN  

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười hai cảnh giới tu hành phương tiện sẽ được lợi ích lớn. Vì thế, Bồ Tát phải tu phương tiện Ba la mật.

Những gì là mười hai?

1. Phương tiện không lìa cảnh giới Niết Bàn thanh tịnh mà vẫn thị hiện trong các cảnh giới dơ uế của thế gian, vì thế Bồ Tát phải tu phương tiện Ba la mật.

2. Phương tiện không xa lìa một cảnh giới vắng lặng nào, nhưng vẫn thị hiện trong cảnh giới quen náo nhiệt của thế gian, cho nên Bồ Tát phải tu phương tiện Ba la mật.

3. Phương tiện không xa lìa cảnh giới thiền định sâu xa mà vẫn thị hiện ở cảnh giới cung Vua trong thế gian, cho nên Bồ Tát phải tu phương tiện Ba la mật.

4. Phương tiện không lìa cảnh giới vô công dụng thanh tịnh, mà vẫn thị hiện trong cảnh giới có hoạt động ở thế gian, nên Bồ Tát phải tu phương tiện Ba la mật.

5. Phương tiện không lìa cảnh giới chân thật vô sinh nhưng lại thị hiện ở nơi các cảnh giới, sinh đấy chết kia, chết đấy sinh kia của thế gian, cho nên Bồ Tát phải tu phương tiện Ba la mật.

6. Phương tiện có khả năng vượt qua tất cả cảnh giới bốn ma nhưng vẫn thị hiện trong đó để thu phục ma ở thế gian, cho nên Bồ Tát phải tu phương tiện Ba la mật.

7. Phương tiện không lìa tất cả cảnh giới Thánh Nhân mà vẫn thị hiện ở cảnh giới phàm phu ở thế gian, nên Bồ Tát phải tu phương tiện Ba la mật.

8. Phương tiện không rời cảnh giới xuất thế gian mà vẫn hiện diện trong các cảnh giới của thế gian, cho nên Bồ Tát phải tu phương tiện Ba la mật.

9. Phương tiện không lìa các cảnh giới trí tuệ mà vẫn thị hiện trong cảnh giới vô trí ở thế gian, nên Bồ Tát phải tu phương tiện Ba la mật.

10. Phương tiện không lìa Thế Giới thật tế của Bồ Tát mà vẫn thị hiện ở các cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác, cho nên Bồ Tát phải tu phương tiện Ba la mật.

11. Phương tiện là có năng lực khéo biết tất cả các pháp đều vô tướng nhưng vẫn thị hiện ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp để giáo hóa chúng sinh, cho nên Bồ Tát phải tu phương tiện Ba la mật.

12. Phương tiện có năng lực đi vào các cảnh giới ma bình đẳng mà vẫn có thể thị hiện các cảnh giới ma, nên Bồ Tát phải tu phương tiện Ba la mật.

Này thiện nam! Đó là mười hai phương tiện Ba la mật mà Bồ Tát trụ ở trong đó thì được lợi ích lớn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói kệ ca ngợi Phương Tiện Ba la mật như sau:

Tất cả những Bồ Tát

Hành các Ba la mật

Nếu không có phương tiện

Không thể đến bờ kia

Tự lợi và lợi tha

Ở đời và Niết Bàn

Không tịnh nhiễm như thế

Đều do phương tiện cả.

Tất cả Đức Như Lai

Các cảnh giới hành động

Nhị thừa chẳng nghĩ bàn

Đều do sức phương tiện.

Vì thế, các Phật Tử

Muốn hành việc Như Lai

Thường siêng năng tu hành

Phương Tiện Ba la mật

Bồ Tát luôn thanh tịnh

Phương tiện giúp chúng sinh

Thật không các dục cấu

Thị hiện làm hạnh xấu

Tắm trong ao Niết Bàn

Phương tiện hiện các cõi

Gọi là các Bồ Tát

Không trụ ở hai biên.

Thường giữ thân, khẩu, ý

Vắng lặng nghĩa đệ nhất

Vì lợi ích chúng sinh

Phương tiện đồng thế gian

Như ong vào vườn hoa

Không chỉ hút một hoa

Bồ Tát hành phương tiện

Tất cả các cảnh giới.

Hoặc hiện các loại tướng

Tuyệt đẹp trang nghiêm thân

Khắp trong các cung nữ

Thực hành hạnh phóng dật

Hoặc hiện ở địa ngục

Cứu khổ các chúng sinh

Tuy hiện tướng như vậy

Thường không bỏ thiền định,

Không xả các tam muội

Mà hiện trong tán loạn

Thị hiện hành tổn hại

Chính là sức phương tiện.

Bồ Tát đã lìa xa

Tất cả hạnh hữu vi

Nhưng trong hữu và vô

Cũng không tâm phân biệt

Lìa hiện hành các nhiễm

Không sinh lửa dâm dục

Thị hiện trong phương tiện

Phân biệt tướng hữu vi.

Bồ Tát trong các cõi

Không sinh cũng không mất

Thị hiện việc sinh mất

Sức trí phương tiện vậy

từ bỏ chốn ma nghiệp

Ở trong cảnh giới Phật

Trí tuệ không khiếp sợ

Thị hiện các việc ma.

Bồ Tát sức đại bi

Trí phương tiện nhanh chóng

Trụ nơi Thánh vô thượng

Nhưng hiện việc phàm phu

Do nhập tướng các pháp

Biết thể các pháp không

Thường ở nơi Niết Bàn

Mà không bỏ thế gian

Tự thể các pháp không

Vắng lặng không tướng trạng

Vì lợi ích chúng sinh

Thân trang nghiêm tướng tốt

Không ngu hiện không trí

Không giận hiện không thương

Để lợi ích chúng sinh

Chính đó là phương tiện.

Các vị Đại Bồ Tát

An trụ vào nơi ấy

Đó gọi là Thánh Nhân

Hiện các loại phương tiện.

Lại nữa, thiện nam! Như Lai Ứng Chánh Biến Tri cũng có phương tiện, các ông phải nên biết.

Vì sao?

Này thiện nam! Các Đức Phật Như Lai có mười hai công đức thù thắng vi diệu, giống như đề hồ đối với các vị thì ngon bổ hơn cả, là vị hàng đầu có thể làm tịnh tất cả cõi của Chư Phật. Như Lai ở trong ấy thành tựu bồ đề giải thoát vô thượng.

Những gì là mười hai?

1. Thị hiện kiếp xấu xa.

2. Thị hiện thời gian xấu xa.

3. Thị hiện chúng sinh xấu xa.

4. Thị hiện phiền não vẩn đục.

5. Thị hiện mạng sống xấu xa.

6. Thị hiện ba thừa khác nhau xấu xa.

7. Thị hiện Cõi Phật bất tịnh xấu xa.

8. Thị hiện chúng sinh xấu xa khó giáo hóa.

9. Thị hiện nói các loại phiền não xấu xa.

10. Thị hiện ngoại đạo xấu xa, lộn xộn.

11. Thị hiện ma xấu xa.

12. Thị hiện nghiệp ma xấu xa.

Này thiện nam! Tất cả Quốc Độ của Chư Phật đều là công đức xuất thế trang nghiêm đầy đủ thanh tịnh, không có các thứ xấu xa. Như lỗi lầm này đều do năng lực phương tiện của các Đức Phật thị hiện để làm lợi ích cho chúng sinh.

Các ông nên biết như vậy!

Lúc bấy giờ, Thánh Giả Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử bạch Đức Thế Tôn: Bạch Thế Tôn! Như Lai Ứng Cúng Chanh Biến Tri nói về mười hai Cõi Phật có công đức thanh tịnh tối thắng này.

Vậy thì, Như Lai đang ở cõi nào để thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Một là, chúng sinh ở Cõi Phật kia hoàn toàn thành kiếp thanh tịnh tối thắng, xa lìa các kiếp xấu xa và có đầy đủ công đức. Cõi thanh tịnh như thế, Như Lai ở trong ấy thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Hai là, chúng sinh ở Cõi Phật kia hoàn toàn thành tựu thời gian tối thắng vi diệu, hành theo pháp của Chư Phật không mất thời tiết. Cõi sạch như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Ba là, chúng sinh ở Cõi Phật, kia đã hoàn toàn thành tựu pháp khí tối thắng, nhận lấy Chánh Giác của Đức Phật. Cõi tịnh như thế, Như Lai ở trong ấy thành tựu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bốn là, chúng sinh ở Cõi Phật kia hoàn toàn thành tựu biển trí trong sạch tuyệt đẹp, làm thanh tịnh tất cả các phiền não xấu xa. Cõi tịnh như thế, Như Lai ở trong ấy thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Năm là, chúng sinh ở Cõi Phật kia hoàn toàn có khả năng thành tựu tâm nhu hòa, ở trong đó thường là các chúng sinh đã được thu phục. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Sáu là, chúng sinh ở Cõi Phật kia đã hoàn toàn thành tựu cỗ xe tối thắng vi diệu, có thể dùng cứu cánh nhất thừa đạt Niết Bàn Vô Thượng. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành tựu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bảy là, chúng sinh ở Cõi Phật kia hoàn toàn thành tựu khí thế gian thù thắng, không có các tướng trạng khác. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Tám là, chúng sinh ở Cõi Phật kia hoàn toàn thành tựu chánh giáo của Như Lai, không có các pháp tà của ngoại đạo. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Chín là, chúng sinh ở Cõi Phật kia đã hoàn toàn thành tựu tâm ngay thẳng, không quanh co. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Mười là, chúng sinh ở Cõi Phật kia hoàn toàn thành tựu công đức không cấu uế, thành tựu tất cả pháp thắng thanh tịnh. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Mười một là, chúng sinh của Cõi Phật kia hoàn toàn thành tựu các pháp Thánh Nhân, ở trong ấy luôn có những ruộng phước thù thắng. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Mười hai là, chúng sinh của Cõi Phật kia rốt ráo thành tựu Đạo Tràng thắng diệu mà Chư Phật trong quá khứ đã thành đạo ở đó. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Văn Thù Sư Lợi! Đó là mười hai công đức tối thắng, thanh tịnh Cõi Phật. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Văn Thù Sư Lợi! Cõi Phật của ta không nói về sự sai biệt của Thanh Văn hay Bích Chi Phật… vì sao?

Vì Chư Phật Như Lai đã xa lìa những lỗi lầm chấp tướng.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu Như Lai nói pháp đại thừa cho một loại chúng sinh, nói Duyên Giác thừa cho một loại chúng sinh, nói Thanh Văn thừa cho một loại chúng sinh. Nói như thế thì Như Lai đã có tâm không thanh tịnh, Như Lai có tâm không bình đẳng, Như Lai có tâm đấu tránh lỗi lầm, Như Lai có tâm không từ bi bình đẳng, Như Lai có tâm các tướng lỗi lầm, Như Lai đối với các pháp sinh tâm keo kiệt.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ta đã nói những pháp gì cho chúng sinh, thì tất cả những pháp ấy đều tùy thuận Bồ Đề, tùy thuận đại thừa mà giữ lấy nhất thiết trí. Nhất định hoàn toàn đến một nơi, nghĩa là đi đến chỗ nhất thiết trí.

Này Văn Thù Sư Lợi! Vì thế cõi của ta không có thừa sai khác.

Lúc bấy giờ, Thánh Giả Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn!

Nếu không có ba thừa khác nhau thì tại sao Đức Như Lai nói pháp ba thừa cho chúng sinh, và cho rằng: Thanh Văn học thừa này, Duyên Giác học thừa này và Bồ Tát học thừa này?

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Chư Phật Như Lai nói ba thừa là chỉ bày quả vị khác nhau chứ chẳng phải thừa khác nhau. Chư Phật Như Lai nói ba thừa là nói pháp tướng khác nhau, chẳng phải thừa khác nhau. Chư Phật Như Lai nói ba thừa là nói người khác nhau, chẳng phải thừa khác nhau. Chư Phật Như Lai nói ba thừa là chỉ bày ít công đức và biết nhiều công đức, nhưng Phật Pháp thì không có thừa khác nhau.

Vì sao?

Vì tánh pháp giới vốn không có sự khác nhau.

Này Văn Thù Sư Lợi! Chư Phật Như Lai nói ba thừa để khiến cho các chúng sinh đều được đi vào pháp môn của Chư Phật Như Lai, làm cho các chúng sinh dần dần đi vào pháp môn đại thừa của Như Lai, cũng như người học nghề phải theo thứ tự để luyện tập.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như thợ bắn cung đối với sự hiểu biết về bắn cung đã hoàn toàn đạt đến tài bắn cung số một và có thể dùng vô số phương pháp để dạy những đệ tử, khiến tất cả hoàn toàn có khả năng hiểu biết như mình.

Này Văn Thù Sư Lợi! Cũng vậy, Như Lai như thợ bắn cung, ở trong các pháp đều hoàn toàn đến bờ kia. Như Lai liền dùng nhất thiết trí phân biệt để nói, để chỉ dạy các chúng sinh ở ba thừa khác nhau, như người thợ bắn cung dạy các đệ tử.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như một đóm lửa nhỏ của đống lửa lớn, nó dần dần lớn lên lan khắp cả Thế Giới, cho đến thành một kiếp lửa thiêu đốt.

Văn Thù Sư Lợi! Lửa trí tuệ của Như Lai cũng như vậy. Tánh sáng suốt của trí kia dần dần tăng trưởng thành tựu tất cả ánh sáng tri kiến của đại trí Như Lai. Ánh sáng đại trí có thể đốt cháy tất cả các phiền não xấu xa.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như các núi lớn Tu Di không có tâm phân biệt, chúng sinh đến đó đều đồng một màu sắc, đó là màu vàng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần