Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Ba - Phẩm Nhất Thừa - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TÁT GIÀ NI

KIỀN TỬ SỞ THUYẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BA

PHẨM NHẤT THỪA  

TẬP MỘT  

Lúc bấy giờ, sau khi nghe Thánh Giả Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử hỏi như thế rồi, Đức Thế Tôn bảo: Lành thay, này Pháp Vương tử! Lành thay, này Văn Thù Sư Lợi!

Nay ông khéo hỏi Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri về pháp môn thực hành sâu xa của Bồ Tát.

Vì sao?

Này Văn Thù Sư Lợi! Vì ông thấy thật nghĩa các Pháp Bảo đang hiện hữu rõ ràng, không có nghi ngờ, hoàn toàn đạt đến đến bờ kia của đệ nhất trí tuệ Ba la mật. Nay, vì muốn đem lại lợi ích cho vô số chúng sinh để họ đi vào đạo vô thượng của Bồ Tát nên mới hỏi điều đó.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ông lại có thể vì chúng sinh trong đời vị lai mà đốt lên ngọn đuốc lớn, quét sạch tăm tối nên mới hỏi pháp này.

Hay thay, hay thay, này Văn Thù Sư Lợi! Giờ ông hãy lắng nghe, ta sẽ nói pháp môn hạnh phương tiện nhanh chóng rốt ráo của Bồ Tát.

Văn Thù Sư Lợi bạch Đức Phật: Lành thay, bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn thuyết giảng, con rất muốn nghe.

Bấy giờ, các đại chúng Bồ Tát nhất tâm đồng thanh bạch Đức Phật: Lành thay, bạch Thế Tôn! Chúng con rất muốn được nghe.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn thuyết pháp này, nên bảo đại chúng rằng: Này các thiện nam! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào thành tựu hoàn toàn mười hai pháp thì có khả năng phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Những gì là mười hai pháp?

1. Tự tánh tin pháp đại thừa, để từ bỏ tâm tiểu thừa thấp kém nên phát tâm bồ đề.

2. Tự tánh thành tựu đại bi rộng lớn, để muốn đầy đủ các bạch pháp nên phát tâm bồ đề.

3. Tâm ngay thẳng, hạnh căn bản vững chắc, để nhàm chán sinh tử, hướng đến bờ kia nên phát tâm bồ đề.

4. Khéo tích tập các công đức, vì muốn tu đầy đủ các hạnh nguyện nên phát tâm bồ đề.

5. Kheo cúng dường các Đức Phật, vì muốn phát khởi tốt các bạch pháp nên phát tâm bồ đề.

6. Ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, để lìa bỏ tất cả ác hạnh nên phát tâm bồ đề.

7. Xa lìa những bạn ác, vì muốn gần gũi những bạn tot nên phát tâm bồ đề.

8. Nghe pháp, rồi y theo pháp tu hành, vì không dối gạt chúng sinh nên phát tâm bồ đề.

9. Vì muốn lợi ích cho tất cả, tích chứa của cải nhưng không tham lam keo kiệt nên phát tâm bồ đề.

10. Vì được các Đức Phật gia hộ, vì xa lìa các ma oán nên phát tâm bồ đề.

11. Đối với những chúng sinh thường khởi lòng từ bi rộng lớn, có thể xả bỏ tất cả trong ngoài các vật, để xa lìa tánh keo kiệt, đố kỵ nên phát tâm bồ đề.

12. Vì đầy đủ năng lực pháp hành có thể thành tựu các công đức, nên phát tâm bồ đề.

Này thiện nam tử! Đó gọi là mười hai pháp vi diệu. Nếu thiện nam hay nữ nào thành tựu được mười hai pháp này mới có thể phát tâm cầu đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này thiện nam! Lại có mười hai pháp thù thắng, nếu Bồ Tát thành tựu được thì mới gọi là phát tâm cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Những gì là mười hai?

1. Tâm an ổn, làm cho tất cả chúng sinh được an lạc nên phát tâm bồ đề.

2. Tâm thương xót, tức là khi người khác mang đến đến cho mình thêm nhiều điều xấu thì ta hãy nhẫn nhục giúp đỡ họ, chớ sinh ý nghĩ khác, nên phát tâm bồ đề.

3. Tâm đại bi, vì gánh nặng cho chúng sinh nên phát tâm bồ đề.

4. Tâm đại từ rộng lớn, vì nhổ sạch tất cả khổ đau trong đường ác nên phát tâm bồ đề.

5. Tâm thanh tịnh, đối với các thừa khác không sinh tâm thỏa mãn, lạc thú nên phát tâm bồ đề.

6. Tâm không nhiễm, vì xa lìa tất cả cấu đục phiền não nên phát tâm bồ đề.

7. Tâm trong sáng, vì cầu tự tánh vô thượng thanh tịnh sáng chiếu nên phát tâm bồ đề.

8. Tâm huyễn, có khả năng biết các pháp hoàn toàn không có gì cả nên phát tâm bồ đề.

9. Tâm không vật, có thể biết tất cả đều không có sở hữu nên phát tâm bồ đề.

10. Tâm vững chắc, đối với trong các pháp không bị lay động nên phát tâm bồ đề.

11. Tâm không thoái lui, có thể chứng các pháp hoàn toàn rốt ráo nên phát tâm bồ đề.

12. Tâm cứu độ tất cả chúng sinh mà không nhàm chán, theo giáo pháp tu hành nên phát tâm bồ đề.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói lại kệ rằng:

Hỡi các thiện nam tử

Nếu có chúng sinh nào

Muốn tu các pháp thắng

Thành tựu pháp vô cấu

Ở giữa oán và thân

Tâm từ bi bình đẳng

Những Bồ Tát như thế

Đúng phát tâm bồ đề.

Nếu có chúng sinh nào

Đã trong vô lượng kiếp

Dẫn dắt ác tri thức

Cúng dường thiện tri thức

Giữ gìn pháp Bồ Tát

Khởi các hạnh nguyện lớn

Những Bồ Tát như thế

Đúng phát tâm bồ đề.

Nếu có chúng sinh nào

Nghĩ về đời quá khứ

Việc vô lượng ức kiếp

Vững chắc như núi chúa

Tâm siêng năng không chán

Thường tu hành không nghĩ

Những Bồ Tát như thế

Đúng phát tâm bồ đề.

Nếu có chúng sinh nào

Xa lìa các pháp ác

Tâm từ bi đầy đủ

Tâm an ổn thành tựu

Dạy bảo các chúng sinh

Tất cả các đường thiện

Những Bồ Tát như thế

Đúng phát tâm bồ đề.

Nếu có chúng sinh nào

Thấy những bậc thắng trí

Nghĩ đến đại bồ đề

Công đức vô thượng thắng

Muốn đổi các thừa khác

Tâm sạch không chút uế

Những Bồ Tát như thế

Đúng phát tâm bồ đề.

Bồ Tát được tâm tịnh

Lìa hư dối phan biệt

Xem thế gian, Niết Bàn

Bình đẳng không sai khác

Tuy hành hóa chúng sinh

Như thấy cảnh trong gương

Người phát tâm như thế

Thật là tâm bồ đề.

Đã lìa lỗi phiền não

Tất cả những trần lao

Trí thanh tịnh hư không

Không bị nhuốm dơ bẩn

Các tướng hằng tịch diệt

Ra khỏi đường ngôn ngữ

Đó gọi tu đầy đủ

Tâm bồ đề thanh tịnh.

Những Bồ Tát như thế

Không lâu ngồi Đạo Tràng

Đắc đại Đà La Ni

Biện tài không ai bằng

Đủ ba hai tướng quý

Thân tám mươi vẻ đẹp

Được ở trong công đức

Bản tánh của Chư Phật.

Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Đại Bồ Tát có thể trụ trong công đức thù thắng như thế, thì có mười hai hạnh bố thí vi diệu, có lợi ích lớn mau chóng đến bồ đề. Bồ Tát nên thực hành bố thí Ba la mật.

Những gì là mười hai?

1. Bố thí có thể mau chóng tăng trưởng lợi ích, công đức vô thượng bồ đề, cho nên Bồ Tát phải thực hành bố thí Ba la mật.

2. Bố thí được sinh ở nơi giàu có đầy đủ, trong tay tuôn ra vô số của báu, cho nên Bồ Tát phải thực hành bố thí Ba la mật.

3. Bố thí tùy theo lời nguyện sẽ được sinh ở nơi Đế Thích, Phạm Thiên, Vua và những nhà quyền quý, cho nên Bồ Tát phải thực hành bố thí Ba la mật.

4. Bố thí lìa tất cả lỗi tâm keo kiệt, tham lam, xả bỏ các hữu, không sinh lời nguyện hưởng lạc, cho nên Bồ Tát phải thực hành bố thí Ba la mật.

5. Bố thí có thể xả bỏ sự trói buộc tham đắm ở thế gian, cho nên Bồ Tát phải thực hành bố thí Ba la mật.

6. Bố thí được ra khỏi loài ngạ quỷ, lìa các đường ác, cho nên Bồ Tát phải thực hành bố thí Ba la mật.

7. Bố thí được xa lìa nhiều người cùng với súc vật thế gian, có khả năng đạt được bồ đề, không chung cùng với súc vật, cho nên Bồ Tát phải thực hành bố thí Ba la mật.

8. Bố thí được chúng sinh khen ngợi, tâm rất vui mừng, cho nên Bồ Tát phải thực hành bố thí Ba la mật.

9. Bố thí có thể xả bỏ trong ngoài, thực hành theo hạnh Đức Phật, cho nên Bồ Tát phải thực hành bố thí Ba la mật.

10. Bố thí thì đối với trong mọi việc ái dục có thể xa lìa tâm trói buộc, cấu uế, cho nên Bồ Tát phải thực hành bố thí Ba la mật.

11. Bố thí có thể thực hành đầy đủ bố thí Ba la mật Vô Thượng, cho nên Bồ Tát phải thực hành bố thí Ba la mật.

12. Bố thí có thể thực hành theo lời dạy của Như Lai và thành tựu sở nguyện, cho nên Bồ Tát phải thực hành bố thí Ba la mật.

Này thiện nam! Đó là mười hai pháp tu hành bố thí Ba la mật, được lợi ích lớn của Đại Bồ Tát, hồi hướng đến quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ tụng khen ngợi Bố Thí Ba la mật như sau:

Muốn cầu đạo vô thượng

Tu hành các công đức

Bỏ keo kiệt, tham lam

Bố thí là bậc nhất.

Phật Tử hành tâm xả

Thấy người đến cầu xin

Hãy sinh tâm vui mừng

Tất cả không luyến tiếc

Đất nước và vợ con

Cho đến chức Vua Trời

Da thịt và tay chân

Đầu mắt các tủy não

Mắt thanh tịnh trong sáng

Cho rồi tâm vui vẻ

Hành tâm xả như thế

Là thí Ba la mật,

Tất cả chư Như Lai

Đầy đủ các công đức

Trọn vẹn đạo Niết Bàn

Đều do bố thí vậy!

Cho nên những Phật Tử

Muốn cầu đạo vô thượng

Thường phải tu tâm xả

Hành thí Ba la mật.

Bố thí được bồ đề

Không trụ ở thế gian

Cho nên các Bồ Tát

Thường thực hành tâm xả.

Bố thí hết nghèo khó

Giàu đủ bảy tịnh tài

Hết keo kiệt, ghen ghét

Thanh tịnh Phật bồ đề,

Bố thí được đầy đủ

Thành tựu mười tự tại

Cho nên chư Như Lai

Khen ngợi hạnh bố thí.

Bồ Tát thấy lợi này

Được thành Ba la mật

Cho nên tu tâm xả

Bố thí tất cả vật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần