Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Năm - Phẩm Vương Luận - Tập Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TÁT GIÀ NI

KIỀN TỬ SỞ THUYẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM NĂM

PHẨM VƯƠNG LUẬN  

TẬP SÁU  

Đại Vương! Người đầy đủ mười công đức như vậy, gọi là Vua thực hành pháp hạnh thành tựu.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thành tựu mười loại công đức như thế mới gọi Vua thực hành pháp hạnh. Nếu như trong nước ấy có Vua chư hầu phản nghịch, chuẩn bị bốn loại binh mã để chiến đấu tranh giành đất nước với Vua pháp hạnh. Hoặc ngay cả Vua nước ngoài đến xâm lăng.

Họ muốn mở một cuộc đại chiến, tập bốn bộ binh mã, tất cả đều sẵn sàng thì Vua thực hành pháp hạnh bằng cách nào để đối phó với cuộc chiến tranh này?

Đáp: Đại Vương! Vua thực hành pháp hạnh nên suy nghĩ ở trong ba thời điểm, đưa ra ba phương tiện để vào trận chiến đấu.

Ba thời điểm đó là: Vào lúc đầu, vào lúc giữa và vào lúc cuối.

Đại Vương! Lúc đầu muốn vào khởi phương tiện, nếu Vua thực hành pháp hạnh thấy Vua chư hầu phản nghịch thì ngay lúc ấy nên suy nghĩ ba điều này:

1. Suy nghĩ rằng: Binh mã của Vua chư hầu phản nghịch là cũng của chúng ta và họ sẽ chiến thắng ta. Nếu ta cũng chiến đấu với họ thì sẽ tổn thất rất lớn, không có lợi ích gì. Nếu họ chiến thắng ta thì họ sống còn ta chết. Nhà Vua suy nghĩ như thế rồi, nên đi tìm những người bạn thân hoặc người quen của vị Vua phản nghịch kia, nhờ họ hòa giai để chấm dứt cuộc chiến này.

2. Vua thực hành pháp hạnh thấy thế lực của Vua phản nghịch kia ngang mình hoặc hơn mình, trong tâm tự nghĩ: Không nên chiến đấu với họ, nên cung cấp của cải cho họ để chấm dứt chiến tranh.

3. Neu thấy Vua phản nghịch kia có nhiều binh sĩ, quyến thuộc, bè đảng. Thế lực bốn binh voi, ngựa, xe và bộ rất hùng mạnh. Còn binh sĩ của Vua thực hành pháp hạnh tuy ít, nhưng có thể dùng phương tiện hiện đại hùng mạnh chống cự, làm cho Vua phản nghịch kia sinh tâm sợ hãi, chấm dứt chiến tranh.

Đó là trong thời gian đầu suy nghĩ về dụng của ba phương tiện.

Đại Vương! Nếu như dùng ba việc bạn thân, của cải và uy hiếp làm cho sợ hãi này mà không dập tắt được cuộc chiến tranh kia. Lúc này, Vua thực hành pháp hạnh nên suy nghĩ ba điều rồi, đi thẳng vào trận chiến.

Ba điều suy nghĩ:

1. Nghĩ rằng: Đây là Vua phản nghịch không có tâm từ bi, tự mình giết hại chúng sinh và thấy người khác giết hại chúng sinh cũng không ngăn chặn. Hôm nay, ta không thể để cho họ giết hại lẫn nhau như thế này. Đây là tâm ban đầu bảo hộ chúng sinh.

2. Nghĩ rằng: Ta nên dùng phương tiện thu phục Vua phản nghịch để quân sĩ binh mã hai bên không chiến đấu.

3. Nghĩ rằng: Ta nên dùng phương tiện bắt sống, trói lại không để họ giết hại lẫn nhau.

Khởi lên tâm từ bi này rồi, sau đó chuẩn bị bốn loại binh mã phân bố ra. Các tướng sĩ đọc hiệu lệnh, tuyển chọn binh lính, phân ra làm ba phẩm. Ở trong phẩm thượng thì có thượng, trung và hạ. Chọn những người dũng mãnh của bậc thấp trong phẩm thượng đặt ở phía trước. Tiếp theo, chọn những người khỏe mạnh trong phẩm trung đứng ở thứ hai. Tiếp theo, chọn những binh lính có sức khỏe mạnh nhất của phẩm thượng phân ra ở hai bên bảo hộ các bộ binh, để cho họ sợ hãi.

Lúc ấy, Vua thực hành pháp hạnh ở giữa quân ra lệnh cho đại quân hùng mạnh voi, ngựa, xe và bộ của phẩm tối thượng đi vào trận chiến.

Vì sao?

Vì có năm việc khiến cho đại quân hùng mạnh không thối chí.

Năm việc đó là:

1. Biết hổ thẹn với Vua.

2. Tất cả phải sợ Vua.

3. Nắm được ý của Vua.

4. Làm cho binh lính ở sau không sợ hãi.

5. Khiến cho mọi người nghĩ đến việc báo ân Quốc Vương.

Với thế lực phân chia như vậy, không sinh sự thoái lui, có khả năng dũng mãnh chiến đấu.

Đại Vương!

Vua thực hành pháp hạnh đã thiết lập phương tiện vào trận chiến đấu, lúc ấy dẫu có giết hại chúng sinh thì vị ấy chỉ mắc tội rất nhẹ, không cần sám hoi cũng có thể tiêu trừ được.

Vì sao?

Vì Vua thực hành pháp hạnh kia trước khi muốn vào trận chiến đấu đã khởi ba tâm từ bi, thì dầu cho có làm điều ác này cũng chỉ mắc tội nhẹ, không hẳn chịu quả báo.

Đại Vương! Vua thực hành pháp hạnh kia vì chúng sinh, vì bảo hộ Sa Môn, vì bảo Hộ Pháp Sa Môn, vì bảo hộ vợ con, dòng họ và những tư thức mà có thể xả bỏ thân mình và của cải. Nhân tạo những nghiệp như thế, nên Vua thực hành pháp hạnh kia được vô lượng phước.

Đại Vương! Nếu vì bảo vệ đất nước, chăm lo đời sống nhân dân mà khởi binh chiến đấu, trong lúc ấy, Quốc Vương trước hết phải khởi ba tâm ở trên, rồi mới ra lệnh Vua chư hầu phải một mực tuân theo lệnh của Vua, chiến đấu như thế là có phước không có tội.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua thực hành pháp hạnh thường sinh bao nhiêu tâm để bảo hộ chúng sinh như thế?

Đáp: Đại Vương! Vua thực hành pháp hạnh đối với các chúng sinh khởi lên tám tâm.

Tám tâm đó là:

1. Nghĩ đến tất cả chúng sinh như nhớ nghĩ về con của mình.

2. Nghĩ đến những chúng sinh làm việc ác như nghĩ đến đứa con bệnh hoạn của mình.

3. Thường nghĩ chịu khổ thay cho chúng sinh, sinh tâm đại bi.

4. Nghĩ chia xẻ niềm vui thù thắng của chúng sinh, sinh tâm hoan hỷ.

5. Nghĩ đối với những chúng sinh oan gia, sinh ý tưởng bảo hộ.

6. Có thể đối với những chúng sinh bạn bè thân thuộc thì sinh ý tưởng bảo hộ che chở.

7. Đối với của cải sinh ý tưởng như thuốc.

8. Đối với chúng sinh, sinh ý tưởng vô ngã.

Đại Vương! Nghĩ đến các chúng sinh, sinh ý tưởng như con, nên phát khởi hai tâm:

1. Như cha mẹ nghĩ đến con, ngăn ngừa các điều ác.

2. Đối với tất cả chúng sinh thường không bỏ tâm từ bi.

Nghĩ đến những chúng sinh làm việc ác như nghĩ về đứa con bệnh tật, nên phát khởi hai tâm:

1. Có khả năng chịu đựng, như người bệnh ở thế gian chửi mắng các thầy thuốc giỏi, những thầy thuốc vẫn không tức giận.

2. Vì muốn đoạn dứt tất cả lỗi lầm, nên thực hành tâm như thế.

Nghĩ chịu khổ đau thay cho chúng sinh, sinh tâm đại từ, nên phát khởi hai tâm:

1. Ở trong hoạn nạn nguy cấp, cứu chúng sinh thoát khỏi khổ đau.

2. Có khả năng hưởng niềm vui an ổn thù thắng.

Đối với những chúng sinh thọ lạc, sinh tâm hoan hỷ, nên phát khởi hai tâm:

1. Đối với của cải và đời sống của người khác không sinh tâm tham.

2. Đối với hạnh phúc và sự giàu sang của người khác không sinh tâm đố kỵ.

Đối với những chúng sinh oan gia sinh ý tưởng bảo hộ, nên phát khởi hai tâm:

1. Thường nghĩ diệt trừ lỗi lầm cho họ, nhân đó xa lìa oan gia.

2. Đối với những chúng sinh oan gia sinh ý nghĩ như bè bạn thân thích, huống gì những chúng sinh khác chẳng phải oan gia?

Đối với những chúng sinh bạn bè thân thích, sinh ý tưởng bảo hộ che chở, nên khởi hai tâm:

1. Nghĩ làm cho tình bạn càng thêm vững chắc.

2. Nghĩ đến cho tất cả chúng sinh không oán thù nhau.

Đối với vật dụng sinh ý tưởng như thuốc, nên khởi hai tâm:

1. Có ái dục nhưng không tà dâm.

2. Đối với sắc, thanh, hương, vị và xúc tùy theo thế gian thọ dụng, không sinh tâm tham đắm.

Đối với tự thân không sinh ý tưởng là ngã, nên khởi hai tâm:

1. Thường đi đến những bậc Sa Môn, người đại trí để nghe Phật Pháp.

2. Nghe pháp rồi, y theo lời dạy mà tu hành.

Đại Vương! Vua thực hành pháp hạnh thường tư duy tám pháp như thế, không mong cầu của cải mà người thế gian tự nhiên hiến dâng. Những châu báu, kỹ vat kỳ lạ ở trong nước không có mà kho lẫm vẫn đầy dẫy. Dù cho những vị Vua làm việc ác, phi pháp trong thế gian dùng roi đánh đập, bức hiếp nhân dân nộp của cải thì cũng không bằng một phần của Vua pháp hạnh.

Đại Vương! Vua thực hành pháp hạnh thực hành tám pháp này, đối với những việc làm thì ở năm tháng, Mặt Trời, Mặt Trăng và sao thường hiện điềm lành. Tất cả phi nhân, các loại tà ác quỷ muốn tìm chỗ sơ hở cũng không thể được. Ở trong nước ấy, thời tiết mưa hòa gió thuận, ngũ cốc được mùa, nhân dân no đủ, không còn nghĩ đến việc đói khát nữa.

Tất cả những loài có thể mang đến cho thế gian những điều bất lợi như trùng sâu, chim sẻ, chuột, rồng, mưa đá thảy đều tiêu diệt hết. Nếu trong nước ấy có giặc cướp, tất cả đều y theo tội lỗi do hành động của chính mình mà chịu những sự đau khổ, hành động của mình chấm dứt thì quả báo cũng không còn.

Đại Vương! Vua thực hành pháp hạnh có thể bảo hộ chúng sinh như thế, bảo vệ thế gian, không phụ tất cả chúng sinh. Tất cả mọi người làm việc thiện, người trí tuệ và Bậc Thánh trong thế gian đều không thể quở trách.

Vì sao?

Vì không có tội.

Đại Vương! Vua thực hành các hạnh thiện như thế, sau khi mạng chung sẽ sinh lên Cõi Trời và hưởng thọ cảnh giới an lạc vi diệu ở các Cõi Trời kia.

Rồi nói bài kệ rằng:

Trọng pháp không buông lung

Thường nghĩ lợi chúng sinh

Quyến thuộc có lễ phép

Biết giỏi hạnh lợi tha

Chính mình thường thanh tịnh

Lìa những việc vô ích

Vua kia hơn thế gian

Gọi Vua hành pháp hạnh.

Tướng quý, nói hòa nhã

Siêng chuyên cần làm thiện

Biết giỏi việc thế gian

Tất cả các nghề nghiệp,

Vì thường không biếng nhác

Phương tiện hộ tất cả

Chúng sinh được an vui

Không có người đau khổ,

Thường thích việc lợi tha

Tâm muốn hộ tất cả

Phát ngôn lời ái ngữ

Quyết định nói an ổn,

Biết lỗi, có công đức

Biết hơn và biết kém

Vua đều cũng như thế

Chúng sinh sống an lạc.

Với người tâm bình đẳng

Hay thí vật, giải nghĩa

Các quan và quyến thuộc

Tất cả yêu mến Vua,

Nhóm đầy đủ điều thiện

Thường có thế lực mạnh

Vua chánh pháp như thế

Ở lâu trên vương vị.

Tâm từ lìa giết hại

Bố thí diệt trộm cắp

Chánh hạnh phòng tà dâm

Lời thật dứt nói dối,

Hòa hợp lìa chia rẽ

Nói nhẹ ngăn ác khẩu

Nói ngay trị phù phiếm

Sống sạch bỏ uống rượu,

Tịnh tâm bỏ ba độc

Thọ vương vị Cõi Trời

Đại Vương phải nên biết

Thường khéo hộ các giới.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần