Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Bảy - Phẩm Bảo Tích - Tập Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẨM BẢY

PHẨM BẢO TÍCH  

TẬP NĂM  

Lúc đó, Trưởng Lão Tu Bồ Đề hỏi các Sa Môn: Các ông đã đi đến đâu?

Nay từ đâu lại?

Các Sa Môn đáp: Thưa Trưởng Lão! Phật giảng nói pháp không từ đâu đến, cũng không đi về đâu.

Hỏi: Sa Môn các ông làm sao nghe pháp?

Các Sa Môn đáp: Chẳng bị trói buộc, chẳng được giải thoát.

Hỏi: Sa Môn các ông tập hành pháp gì?

Đáp: Chẳng do được nên không bị mất.

Hỏi: Ai điều phục các ông?

Đáp: Thân không bền chắc, tâm không chỗ chấp, là hai yếu tố điều phục tôi.

Hỏi: Các ông làm sao được giải thoát?

Đáp: Không đọa vô minh, cũng không sinh minh.

Hỏi: Các ông là đệ tử của ai?

Đáp: Là đệ tử của vô chứng, vô giác.

Hỏi: Các ông khi nào nhập Niết Bàn?

Đáp: Khi nào hóa nhân của Đức Như Lai tạo ra mà nhập Niết Bàn thì chúng tôi sẽ nhập.

Hỏi: Các ông đã được tự lợi chăng?

Đáp: Tự lợi chẳng thể thủ đắc.

Hỏi: Nẻo hành hóa của các ông đã thành chăng?

Đáp: Ngã và ngã sở đều chẳng thể thủ đắc.

Hỏi: Các ông tu phạm hạnh chăng?

Đáp: Ở trong ba cõi không hành, cũng chẳng có gì là chẳng hành, là phạm hạnh của chúng tôi.

Hỏi: Các ông phiền não đã tận chăng?

Đáp: Tất cả các pháp đều rốt ráo tận diệt.

Hỏi: Các ông phá trừ chúng ma chăng?

Đáp: Ấm ma chẳng thể thủ đắc.

Hỏi: Các ông thừa sự Đức Như Lai chăng?

Đáp: Chẳng dùng thân tâm để thừa sự.

Hỏi: Các ông trụ nơi phước điền chăng?

Đáp: Không có chỗ trụ.

Hỏi: Các ông đọa các sự sinh tử qua lại chăng?

Đáp: Không thường loạn.

Hỏi: Các ông đoạn các hành chăng?

Đáp: Giải thoát vô ngại đoạn trừ.

Hỏi: Các ông rốt ráo sẽ đến chỗ nào?

Đáp: Tùy theo hóa nhân của Như Lai đến.

Khi Trưởng Lão Tu Bồ Đề hỏi các Sa Môn thì năm trăm Sa Môn không còn thọ nhận các dòng chảy sinh tử, tâm được giải thoát. Ba vạn hai ngàn người lìa xa trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh.

Bấy giờ, nơi pháp hội có Đại Bồ Tát tên là Phổ Minh, ở giữa đại chúng chắp tay cung kính bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát muốn học Kinh Bảo Vân này, nên học như thế nào?

Đức Phật bảo: Này thiện nam! Ông nên chuyên tâm học Kinh Điển ấy.

Vì sao?

Vì Chư Phật Như Lai giảng nói Kinh Điển Bảo Vân vi diệu này cho người có thiện căn, thực hành chân thật sẽ được lợi ích lớn.

Thiện nam! Ví như có người chèo thuyền bằng đất, muốn qua sông lớn.

Thiện nam! Ý ông nghĩ sao?

Người chèo thuyền bằng đất này dùng tinh tấn gì để qua được sông lớn như vậy?

Bồ Tát Phổ Minh thưa: Bạch Thế Tôn! Nên dùng sức tinh tấn đại dũng mãnh.

Vì sao?

Vì người này nghĩ: Ta nay trôi chìm giữa bốn dòng nước, chớ để thuyền này rơi vào giữa mà bi tan hoại. Phải dũng mãnh tinh tấn mới qua được.

Đức Phật bảo Đại Bồ Tát Phổ Minh: Bồ Tát cũng vậy, muốn học pháp này phải chuyên cần tinh tấn gấp bội hơn đây.

Vì sao?

Vì thân này là vô thường, không có chắc thật, khó tin, khó dưỡng, ắt sẽ tan hoại, chẳng được trụ lâu, cuối cùng đều biến, diệt. Chưa được pháp lợi, chớ để nữa chừng bị tan hoại. Vì độ chúng sinh nơi bốn dòng chảy, Như Lai ở giữa sông lớn thường tạo thuyền pháp, qua lại sinh tử độ các chúng sinh.

Bồ Tát tạo thuyền pháp như thế nào?

Là dùng tâm bình đẳng làm nhân duyên thuyền đối với các chúng sinh.

Lấy sự hành trì vô lượng thiện làm bền chắc.

Dùng giới hạnh thanh tịnh làm đồ vượt chướng ngại.

Lấy sự bố thí và quả bố thí làm vật trang sức.

Dùng tín tâm nơi Phật đạo làm các cây rừng.

Dùng tất cả phước đức làm đồ sửa chữa.

Lấy từ, bi, hỷ, xả làm dây cột chắc chắn.

Lấy sự nhớ nghĩ nhẫn nhục, nhu hòa làm đinh.

Các bồ đề phần luôn tinh tấn kiên cường.

Các pháp diệu thiện tối thượng trong rừng sinh ra vô lượng thiền định, công đức, tuệ nghiệp… chẳng thể nghĩ bàn như vậy. Lấy sự khéo điều tâm vắng lặng làm thầy, thợ.

Hoàn toàn không hủy hoại tâm đại bi thâu phục.

Dùng bốn nhiếp pháp rộng độ sâu xa.

Dùng đao trí tuệ đề phòng các thứ giặc ác.

Khéo dùng phương tiện, quyền biến ra các loại pháp.

Gom tất cả sự phụng hành làm đồ trang sức.

Dùng bốn chánh niệm xứ làm lầu gác.

Dùng hạnh bốn chánh cần làm nhân lực.

Dùng bốn như ý túc làm gió mạnh.

Lấy sự quán sát khéo léo của năm căn làm thuyền sư.

Dùng năm lực cường tráng làm đồ phòng bị.

Dùng sự giác ngộ về bảy giác chi phá trừ giặc ma.

Dùng tám chánh đạo ngay thẳng tùy ý đến bờ kia.

Lấy sự lìa pháp ngoại đạo, sự dừng chỉ làm sự điều ngự, chế phục.

Lấy sự quán sát làm lợi ích, không rơi vào nhị biên.

Dùng pháp nhân duyên đem lại an ổn rốt ráo.

Thông suốt pháp đại thừa, biện tài vô tận, danh tiếng lưu khắp, cứu độ mười phương tất cả chúng sinh, tự xướng lên: Các ông nên bước lên thuyền pháp của tôi, theo đạo an ổn, đến được Niết Bàn, vượt qua đoạn thường, đến bờ vô vi.

Thiện nam! Đại Bồ Tát thường phải tạo tập thuyền pháp như vậy. Dùng vô lượng trăm ngàn vạn ức thuyền pháp này lướt đi trong A tăng kỳ kiếp sinh tử, độ thoát chúng sinh bị trôi dạt đắm chìm.

Phật lại dạy Đại Bồ Tát Phổ Minh: Này thiện nam! Lại có pháp hành có thể làm cho Bồ Tát sớm được thành Phật.

Đó là các việc làm chân thật, không hư dối, tu tập pháp thiện sâu dày, thân tâm thanh tịnh, không bỏ tinh tấn, ưa gần ánh sáng, tu tập thiện căn, thường nhớ nghĩ chân chánh, ưa thích pháp thiện, không chán đa văn, đầy đủ trí tuệ, đập nát kiêu mạn, tăng ích trí tuệ, trừ diệt hý luận, đầy đủ công đức.

Thích sống nơi núi rừng, không có tranh giành, không ở nơi ồn ào, lìa các bạn ác, tìm cầu các pháp, quyết định nương vào Đệ nhất nghĩa, mong cầu trí tuệ, thông đạt các pháp tướng một cách chân thật, cầu việc làm chân chánh nơi pháp không, cầu sự xa lìa, hoàn thành tịch diệt.

Thiện nam! Như vậy là Bồ Tát sớm đạt được thần thông của Chư Phật, nên học như vậy, tu hành như vậy.

Khi ấy, Trưởng Lão Đại Ca Diếp lại bạch Phật: Hy hữu thay! Bạch Thế Tôn! Kinh Đại Thừa Bảo Vân như vậy là Kinh Điển vi diệu, là lợi ích cho vô lượng, vô biên tất cả hạng trời, người.

Nếu thiện nam, thiện nữ nào đối với Kinh Điển Đại Thừa Bảo Vân này mà thọ trì, đọc tụng, giảng nói cho người khác, hoặc tán thán, hoặc dùng các loại cờ phướn, hương hoa, đèn để cúng dường, cho đến đọc tụng một bài kệ bốn câu, hoan hỷ tín thọ, không hủy báng, thì người này được phước vô lượng, vô biên.

Vì sao?

Vì quả báo tài thí chỉ ở trong ba cõi, còn diệu lực của pháp thí vượt khỏi tam giới, không già, bệnh, chết, được vui Niết Bàn.

Nếu người nữ nào hay đọc tụng Kinh này thì liền lìa được bốn cõi ác, từ nay về sau vĩnh viễn không thân nữ, sau khi chuyển thân nữ được làm thân nam, thông minh trí tuệ, sinh nhà chánh tín, sẽ sớm được thành tựu pháp thân Như Lai với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân Kim Cang chân thật, bất hoại.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần