Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Bốn - Phẩm đà la Ni - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẨM BỐN

PHẨM ĐÀ LA NI  

TẬP BA  

Lúc này, vị lương y đối trước các người bệnh tự khen mình: Này những bệnh nhân! Nên biết ta là đại Y Vương khéo giỏi trị bệnh, biết rõ gốc bệnh, thông hiểu việc chẩn đoán, thông hiểu về thuốc thang. Người bệnh nghe rồi tin biết vị lương y nên đến nương nhờ. Đại Y Vương này liền vì những người bệnh kia mà điều trị cho họ. Các loại bệnh tật liền đó được khỏi.

Thiện nam! Ý ông nghĩ sao?

Lương y này có thể gọi là cao ngạo không?

Bồ Tát thưa: Không, bạch Thế Tôn!

Phật dạy: Thiện nam! Chư Phật Như Lai cũng lại như vậy, là Đại Y Vương, rõ biết tất cả trọng bệnh phiền não, cũng biết căn nguyên của bệnh phiền não. bố thí cho khắp chúng sinh pháp diệu dược lớn mà người bệnh phiền não chẳng nhận thức được.

Như Lai Y Vương thấy việc ấy rồi, nên đối trước những người bệnh mới tự khen công đức mình. Những chúng sinh nghe được công đức chân thật của Như Lai đều sinh tín tâm, quy hướng với Như Lai. Vì những người này, Như Lai Đại Y Vương dùng các loại đại pháp dược vi diệu điều trị tất cả trọng bệnh phiền não đều khiến dứt tận.

Những gì gọi là đại pháp dược?

Đó là quán bất tịnh, quán từ bi, quán mười hai nhân duyên…

Thiện nam! Phật thấy vô lượng lợi ích như vậy nên tự khen công đức mình, chẳng phải là cao ngạo.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp xa lìa tất cả các nguyện nương.

Những gì là mười?

Đó là: Tuy nguyện bố thí nhưng không nương vào sự thí. Tuy nguyện giới, nhẫn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, cho đến ba cõi, bồ đề, Niết Bàn nhưng thảy đều không nương vào nguyện.

Vì sao?

Vì Bồ Tát lìa xa tất cả các nguyện, đem vô sở nguyện hành khắp thế gian.

Thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp lìa xa tất cả nguyện nương.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp dùng từ làm thân.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Đầy đủ từ không ít phần.

2. Đầy đủ từ không đây, kia.

3. Đầy đủ pháp từ.

4. Đầy đủ từ tịch tĩnh.

5. Đầy đủ từ không tìm lỗi.

6. Đầy đủ từ lợi ích.

7. Đầy đủ từ sinh bình đẳng đối với chúng sinh.

8. Đầy đủ từ không phẫn hận.

9. Đầy đủ từ phủ khắp mười phương cõi.

10. Đầy đủ từ xuất thế gian.

Thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp dùng từ làm thân.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp dùng bi làm thân.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Thấy các chúng sinh khốn khổ không ai cứu giúp, không ai bảo hộ, không chỗ nương tựa nên Bồ Tát liền phát tâm Bồ Đề.

2. Phát tâm này rồi, nỗ lực tu hành dũng mãnh tinh tấn, được pháp này.

3. Đắc pháp này rồi, vì các chúng sinh mà làm lợi ích.

4. Thấy kẻ keo kiệt, khuyên sống bố thí.

5. Thấy kẻ phá giới, khuyên bảo trì giới.

6. Thấy kẻ sân hận, khuyên tu nhẫn nhục.

7. Thấy kẻ biếng nhác, khuyên tu tinh tấn.

8. Thấy kẻ tán loạn, khuyên tu nhiếp tâm.

9. Thấy kẻ vô trí, khuyên tu trí tuệ.

10. Tuy thấy các chúng sinh bị bức bách, cực khổ, khó có khả năng kham nhẫn, nhưng Đại Bồ Tát vẫn không thoái chuyển hạnh bồ đề.

Thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp dùng bi làm thân.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp trụ nơi hoan hỷ.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Ta đã được thoát khỏi nhà lửa lao ngục trong ba cõi nên sinh hoan hỷ.

2. Ta đã đoạn trừ mạng lưới sinh tử trói buộc từ vô thỉ nên sinh hoan hỷ.

3. Ta đã vượt qua các loại giác quán buông lung trụ tán loạn nơi biển lớn sinh tử, nên sinh hoan hỷ.

4. Ta đã bẻ gãy cờ kiêu mạn được dựng từ lâu, nên sinh hoan hỷ.

5. Ta dùng chày trí Kim Cang đập vụn núi cao phiền não, rốt ráo sạch tận, không sót một mảy may nên sinh hoan hỷ.

6. Ta đã vui sống, lại an ủi người chưa vui sống khiến được vui vẻ nên sinh hoan hỷ.

7. Ta đã giác ngộ, từ vô thỉ lâu xa, thế gian mê ngủ, bị khát ái bức bách, vô minh si ám che lấp mắt sáng, người chưa giác ngộ, ta khiến cho giác ngộ, nên sinh hoan hỷ.

8. Ta đã thoát khỏi sáu đường ác và các loại khổ báo, lại đang độ thoát các chúng sinh khác kẻ đang thọ khổ báo nơi cõi ác nên sinh hoan hỷ.

9. Từ vô thỉ đến nay ta mê mờ nơi rừng rậm hoang vu sinh tử, một mình không bè bạn, lo sợ, bôn ba, chưa từng thấy đường ra chẳng biết chánh đạo, không người chỉ dẫn. Ngày nay bỗng nhiên gặp được thầy dẫn đường nên sinh hoan hỷ.

10. Ta nay tạm gần thành nhất thiết trí, kề cận nơi Phật, an tọa nên sinh hoan hỷ.

Thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp trụ nơi hoan hỷ.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp trụ nơi xả ưu tất xoa.

Những gì là mười?

Đó là: Nhãn thức rõ biết cảnh giới của sắc, trong ấy xả ly, không vì sắc cảnh mà tự tổn hại, không tạo ung nhọt.

Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp, thảy đều xả ly, không vì ý thức rõ biết các pháp mà tự tổn hại, tạo ra ung nhọt, cũng không ngăn ngại.

Đối với hành khổ, khổ khổ, hoại khổ xả ly mà trụ. Đối với ba khổ này không tự làm tổn hại, không để lại ung nhọt, cũng không ngăn ngại. Công việc đã xong, các Thánh Nhân mới xả tâm mà an trụ, các Thánh Nhân mới sinh đại hoan hỷ.

Bồ Tát lại nghĩ: Những Thánh Nhân này vốn còn ở hàng phàm phu, ta nên hóa độ khiến họ thành Thánh. Nguyện ta đã thành nên trụ nơi tâm xả.

Thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát có đủ mười pháp trụ nơi tâm xả.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp thần thông diệu dụng.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Xuống từ Cõi Trời Đâu Suất.

2. Gá thần vào thai mẹ.

3. Thị hiện thọ sinh.

4. Thọ lạc trong cung.

5. Vượt thành xuất gia.

6. Thích nơi thanh vắng tu đạo khổ hạnh.

7. Ngồi tòa Đạo Tràng hàng phục quân ma.

8. Thành Đẳng Chánh Giác.

9. Chuyển bánh xe pháp.

10. Thị hiện Niết Bàn.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại bạch Phật: Bạch Thế Tôn!

Vì nhân duyên gì mà Đại Bồ Tát thị hiện từ Cõi Trời Đâu Suất xuống, cho đến thị hiện Niết Bàn?

Phật bảo: Này thiện nam! Ở Thiên Cung Đâu Suất kia có các chúng sinh tưởng chấp về hữu thường, khi thấy Bồ Tát tối thắng, chí tôn, chí cực, vô thượng, vô biên, chẳng nhiễm dục lạc, từ nơi ấy, cung Đâu Suất đi xuống thế gian. Khi ấy, sự tưởng chấp thường của họ liền diệt, sinh tưởng vô thường. Nhờ nương vào tưởng vô thường nên không phóng dật.

Này thiện nam! Ở Thiên Cung kia có các chúng sinh buông lung, phóng dật, đối với Bồ Tát họ sinh tâm hoan hỷ, nhưng vì tham luyến dục lạc nên không muốn gần gũi Bồ Tát để tu hành, cũng chẳng thừa sự Bồ Tát.

Họ nghĩ: Bồ Tát thường tại, chúng ta cũng vậy, thời gian con dài, lo gì không được thân cận ngài. Do vậy, vì trừ sự phóng dật của những chúng sinh này, nên Bồ Tát thị hiện thoái chuyển. Các chúng sinh kia bỗng thấy Bồ Tát thoái chuyển, liền hết lòng áo não, lìa bỏ năm dục, chẳng con phóng dật. Nhờ không phóng dật nên quyết định sẽ đạt được bồ đề vô thượng.

Này thiện nam! Có các chúng sinh ở trong thai cần nhận sự giáo hóa, Bồ Tát ở trong thai với oai thần rực rỡ, những chúng sinh này thấy rồi liền sinh tâm cho là hy hữu. Vì những chúng sinh ấy nên Bồ Tát ở trong thai tùy nghi vì họ nói pháp, khiến cho quyết định sẽ chứng đắc bồ đề vô thượng.

Này thiện nam! Có các chúng sinh cần Bồ Tát làm anh nhi và ở trong hoàng cung mới có thể thành thục, Bồ Tát vì những chúng sinh ấy được thành tựu đầy đủ. Ngoài ra, vì tùy thuận những chúng sinh thấp kém, ưa pháp nhỏ cho nên thị hiện làm hình tướng anh thi, trụ ở trong cung.

Này thiện nam! Có các chúng sinh cần thấy Bồ Tát vượt thành xuất gia, Bồ Tát vì muốn tạo mọi thành tựu đầy đủ cho chúng sinh ấy nên thị hiện vượt thành xuất gia.

Này thiện nam! Có các chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà… ưa sự tệ lậu, vì những người này nên Bồ Tát thị hiện khổ hạnh.

Lại vì nhẵn hàng phục các ngoại đạo mà thị hiện khổ hạnh.

Này thiện nam! Có các chúng sinh đợi khi Bồ Tát ngồi nơi Đạo Tràng họ sẽ đến đó hiện bày các đồ cúng dường, vì những chúng sinh ấy nên Bồ Tát thị hiện ngồi nơi Đạo Tràng. Các chúng sinh này đến chỗ Bồ Tát thiết lễ cúng dường, do nhân duyên ấy chắc chắn sẽ đắc bồ đề vô thượng.

Này thiện nam! Có các chúng sinh kiêu mạn, cứng cõi, vì nhằm chế ngự họ nên Bồ Tát ngồi nơi Đạo Tràng hàng phục quân ma.

Này thiện nam! Vì có các chúng sinh thiện căn thành thục, tấn tu công đức thù thắng, lợi ích nên Bồ Tát thị hiện thành Chánh Giác. Khi Bồ Tát thành Chánh Giác, các loại âm thanh trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều ngưng bặt. Tam thiên đại thiên Thế Giới không chỗ nào là không tịch tĩnh.

Những chúng sinh này thấy việc ấy rồi liền phát thệ nguyện rộng lớn: Ta nguyện đời vị lai, an tọa nơi Đạo Tràng chứng đắc đạo quả bồ đề vô thượng.

Này thiện nam! Có các chúng sinh tự cho mình là thầy thế gian, nhưng chẳng biết rõ rốt ráo pháp thanh tịnh xuất ly, cho đến đời vị lai cũng chẳng được một phần pháp ấy.

Vì nhằm chiết phục các chúng sinh này và vì các chúng sinh thiện căn thành thục, có khả năng làm bậc pháp khí, vì chỉ bày đạo pháp cho những chúng sinh này nên sau khi đắc đạo, Bồ Tát liền đến thành Ca Thi chuyển pháp luân. Mười hai pháp luân ấy chuyển đủ ba lần. Ở giữa đại chúng, Bồ Tát nói pháp như sư tử gầm.

Này thiện nam! Có các chúng sinh khi Bồ Tát Niết Bàn, họ mới nhận sự giáo hóa. Vì hóa độ những người này nên Bồ Tát thị hiện nhập Niết Bàn.

Này thiện nam! Vì những nhân duyên ấy nên Bồ Tát thị hiện từ Cõi Trời Đâu Suất xuống Cõi Diêm Phù Đề, cho đến thị hiện nhập Niết Bàn.

Này thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp thần thông diệu dụng.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp lìa xa tám nạn.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Lìa xa tất cả các nghiệp bất thiện.

2. Chẳng dám cố phạm các giới cấm Như Lai đã chế.

3. Lìa xa tham tiếc.

4. Trồng các căn lành nơi Phật quá khứ.

5. Phước đức tương ưng với trí tuệ đầy đủ.

6. Phương tiện thiện xảo.

7. Phát thệ nguyện rộng lớn.

8. Tu tưởng, xuất ly.

9. Dũng mãnh.

10. Tinh tấn.

Này thiện nam! Bồ Tát chẳng tạo các nghiệp bất thiện nên chẳng chiêu cảm nơi địa ngục. Có các chúng sinh bị đọa nơi địa ngục, thọ các loại khổ bất như ý. Tại địa ngục ấy, các chúng sinh thọ khổ đã lâu, còn sinh sân hận với nhau. Vì Bồ Tát giữ tánh giới thanh tịnh, đầy đủ mười điều thiện, cho nên Bồ Tát không bị đọa địa ngục.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát đối với các giới cấm Như Lai chế ra chẳng dám cố phạm, tùy thân thọ trì, cho nên không sinh trong nẻo ác Súc Sanh.

Vì sao?

Vì các súc sanh luôn thọ khổ của loài súc sanh.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát tâm không tham tiếc. Nhân duyên tham tiếc sẽ bị đọa nơi cõi ngạ quỷ, thọ khổ ngạ quỷ.

Đại Bồ Tát không sinh nơi nhà hà tiện, tà kiến.

Vì sao?

Vì chúng sinh tà kiến không thể gần gũi tri thức thiện. Vì từ vô số kiếp lâu xa trong quá khứ, Bồ Tát đã trồng các căn lành nơi chư Như Lai. Do nhân duyên này nên đời đời kiếp kiếp, Bồ Tát sinh nơi nhà chánh kiến, giàu sang sung túc, tu tập nhân quả, thành tựu viên mãn, phước đức trí tuệ ngày càng tăng trưởng.

Đại Bồ Tát đạt được các căn đầy đủ không khuyết. Do nhân duyên các căn đầy đủ, làm bậc pháp khí của Phật, nên công đức của Bồ Tát được thành tựu. Đã cùng với nghiệp phước đức tương ưng nên đối với Tháp Miếu Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, Bồ Tát bày biện cúng dường các loại.

Do nhân duyên cúng dường, tu tập nghiệp thiện nên Bồ Tát được các căn đầy đủ. Các căn đầy đủ liền được làm bậc pháp khí của Chư Phật. Đại Bồ Tát không sinh nơi biên địa.

Vì sao?

Vì chúng sinh nơi biên địa nhiều ám độn ngu si, câm ngọng, chẳng rõ, chẳng hiểu ngôn ngữ, chẳng thể thính thọ pháp thiện và pháp bất thiện, chẳng biết đạo lý với ý nghĩa sâu xa, chẳng thể làm bậc pháp khí cam lộ, chẳng gọi là Sa Môn, chẳng gọi là Tín Sĩ.

Do vậy, Bồ Tát sinh nơi trung tâm Quốc Độ. Chúng sinh nơi trung tâm Quốc Độ nhiều lợi căn, thông minh sáng suốt, người trí khen ngợi, có thể lãnh thọ phân biệt những lời nói về pháp thiện và pháp bất thiện, hiểu sâu ý nghĩa có thể làm bậc pháp khí cam lồ của Chư Phật, gọi là Sa Môn, gọi là Tín Sĩ.

Vì sao?

Vì lực nguyện cùng trí tuệ từ đời quá khứ.

Bồ Tát không thọ sinh nơi Cõi Trời Trường thọ. Nếu sinh ở Cõi Trời ấy thì vô lượng Chư Phật xuất hiện nơi thế gian Bồ Tát chẳng được thấm nhuần chánh pháp, chẳng được pháp lợi, việc làm lợi ích cho chúng sinh liền bị phế bỏ. Do vậy, Bồ Tát sinh nơi Dục Giới, xuống cõi chúng sinh gặp Phật xuất thế, giáo hóa thành thục.

Vì sao?

Vì phương tiện thiện xảo của Bồ Tát là như vậy.

Bồ Tát không sinh nơi không có Phật xuất hiện.

Vì sao?

Vì nơi ấy chúng sinh không nghe tên Phật, không nghe tên Pháp, không nghe tên Tăng, không kính Tam Bảo. Do vậy, Bồ Tát sinh vào Quốc Độ nơi có Tam Bảo, như quá khứ đã phát thệ nguyện đầy đủ viên mãn. Chúng sinh hung dữ, bướng bỉnh, khó hóa độ, Bồ Tát thì không như vậy.

Vì sao?

Vì nghe khổ của tám nạn, Bồ Tát không thể không chán bỏ. Vì chán bỏ nên dũng mãnh tinh tấn tu hành chân chánh, diệt trừ các pháp bất thiện như vậy.

Thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp xa lìa tám nạn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần