Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Bốn - Phẩm đà la Ni - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẨM BỐN

PHẨM ĐÀ LA NI  

TẬP BỐN  

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp không quên tâm bồ đề.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Lìa xa huyễn hoặc tà nịnh, cao ngạo.

2. Ngay thẳng, hòa hợp, tín tâm thanh tịnh.

3. Ở trong chánh pháp đoạn trừ nghi hoặc.

4. Thích trao pháp ấy cho các chúng sinh, không tiếc lẫn, không làm thầy giấu pháp.

5. Những nhân duyên này làm suy tổn chánh pháp, đều phải lìa bỏ, không nên vi phạm.

6. Phải tu hành như lời nói.

7. Thọ trì tất cả Kinh Điển đại thừa.

8. Nếu thấy có người thọ trì pháp đại thừa thì phải sinh tâm ân trọng, cung kính lễ bái, tác tưởng như bạn đồng học.

9. Nhất tâm nhất ý thính thọ đại thừa.

10. Đối với người nói pháp, sinh tưởng như Đức Như Lai.

Này thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp không quên tâm bồ đề.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp chứng đắc túc mạng.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Đã nhiều lần cúng dường, phụng sự Chư Phật.

2. Đã từng thọ trì chánh pháp của Chư Phật.

3. Giới phẩm thanh tịnh.

4. Lìa xa mọi thứ trạo cử, hối nghi.

5. Không có các chướng ngại.

6. Tâm luôn hoan hỷ.

7. Tu tâm ngay thẳng.

8. Đắc nhập thiền định.

9. Thường thọ hóa sinh.

10. Không tâm nghi hoặc.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát đã nhiều lần cúng dường Chư Phật quá khứ, kính trọng chánh pháp, sinh tâm khiêm cung đối với người hành trì pháp. Nhờ nhân duyên này nên nghe chánh pháp được thành tựu, thọ trì, đọc tụng thông đạt văn cú, rộng vì người khác phân biệt giải nói, hoằng dương chánh pháp không tiếc thân mạng.

Giới cấm thanh tịnh nghĩa là đối với ba phẩm giới thân khẩu ý hành trì giới thanh tịnh.

Lìa các trạo, hối, sinh tâm cung kính.

Vì sao?

Vì nhờ giữ giới thanh tịnh nên không trạo của hối nghi.

Không trạo, hối nên lìa các chướng ngại.

Lìa các chướng ngại nên sinh hoan hỷ.

Thường hoan hỷ nên có khả năng tham nhận tu tâm, khiến ngay thẳng.

Do tu tâm nên liền được nhập định.

Được thiền định nên nơi sáu cõi đạt thanh tịnh.

Sáu cõi đạt thanh tịnh nên thọ hóa sinh.

Thọ hóa sinh nên không tâm nghi hoặc.

Không nghi hoặc nên chứng đắc trí túc mạng, nhớ lại quá khứ một đời, hai đời, ba, bốn, năm đời, mười đời, hai mươi, ba mươi đời, bốn mươi, năm mươi đời, cho đến vô lượng trăm vạn ức đời.

Này thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp chứng đắc trí túc mạng.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp gặp tri thức thiện.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Không lìa thấy Phật.

2. Không lìa nghe Pháp.

3. Không lìa cúng dường Chúng Tăng phước điền.

4. Không lìa cung kính lễ bái, khiêm cung, chắp tay thừa sự Chư Phật và Bồ Tát.

5. Không lìa đa văn và giảng nói pháp.

6. Không lìa nghe các hạnh Ba la mật.

7. Không lìa nghe ba mươi bảy phẩm pháp trợ đạo.

8. Không lìa nghe ba môn giải thoát.

9. Không lìa nghe bốn tâm vô lượng.

10. Không lìa nghe nhất thiết chủng trí.

Thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp được gặp thiện hữu.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp lìa xa tri thức ác.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Lìa xa người phá giới, nên biết gọi là lìa tri thức ác.

2. Lìa xa người tà kiến.

3. Lìa xa người mất oai nghi.

4. Lìa xa người tà mạng.

5. Lìa xa những nơi ồn ào, tạp loạn.

6. Lìa xa người biếng nhác, bê trễ.

7. Lìa xa người ưa trụ nơi sinh tử.

8. Lìa xa người bỏ hạnh bồ đề.

9. Lìa xa người tại gia bận rộn.

10. Lìa xa hết thảy phiền não.

Đây gọi là các tri thức ác, Đại Bồ Tát phải nên lìa xa.

Này thiện nam! Tuy lìa những chỗ này, nhưng ở gần chúng sinh, không sinh tâm ác cũng không sinh sân, tâm không nóng nảy, cũng không khinh chê.

Ở trước chúng sinh Bồ Tát suy nghĩ: Như Phật đã nói, tất cả chúng sinh là sự tụ hội khí loại, vì gần tri thức các nên mất lợi lớn. Do vậy, nay ta sớm lìa xa các tri thức ác.

Này thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp nên xa lìa tri thức ác.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp đạt được pháp thân Phật.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Thân không gì sánh bằng.

2. Thân thanh tịnh.

3. Thân không tỳ vết.

4. Thân chẳng phải do tu tập đạt được.

5. Thân chẳng thể nghĩ lường.

6. Thân pháp thâm diệu.

7. Thân vượt mọi sự nghĩ bàn.

8. Thân tịch tĩnh.

9. Thân đồng hư không.

10. Thân Phật trí.

Thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp đạt được pháp thân Phật.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát trụ nơi chỗ nào để có thể đắc pháp thân như vậy của Như Lai?

Phật đáp: Này thiện nam! Bồ Tát ở địa thứ nhất được thân không gì sánh bằng.

Vì sao?

Vì đã lìa xa hết thảy thân sai biệt, tùy thuận hết thảy pháp bình đẳng của Bồ Tát.

Bồ Tát trụ Địa thứ hai được thân thanh tịnh, vì giới phẩm thanh tịnh.

Bồ Tát trụ Địa thứ ba được thân không tỳ vết, vì lìa xa hết thảy sân hận.

Bồ Tát trụ Địa thứ tư được thân chẳng phải do tu đắc, vì đã tu pháp Phật.

Bồ Tát trụ Địa thứ năm được thân chẳng thể nghĩ bàn, vì đã thông đạt hết thảy pháp.

Bồ Tát trụ Địa thứ sáu được pháp thân thâm diệu vì đã tu pháp chẳng thể nghĩ bàn.

Bồ Tát trụ Địa thứ bảy được thân vượt mọi sự nghĩ bàn, vì đã tu tập theo phương tiện thiện xảo.

Bồ Tát trụ Địa thứ tám được thân tịch tĩnh, vì đã lìa xa hết thảy hý luận, không còn phiền não.

Bồ Tát trụ Địa thứ chín được thân đồng hư không, ánh sáng rự rỡ.

Bồ Tát trụ Địa thứ mười được thân diệu trí.

Vì sao?

Vì đã tu hết thảy cảnh giới của đối tượng được nhận thức.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn!

Pháp Thân Như Lai và pháp thân Bồ Tát có sai khác không?

Phật bảo: Thiện nam! Được các loại thân không có sai khác, nhưng công đức sáng tối thì có sai khác?

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là các loại thân không có sai khác mà riêng công đức, oai thần có sai khác?

Phật bảo: Thiện nam! Thân kia, thân đây không có sai khác.

Vì sao?

Vì tu một thân. Nhưng tướng nơi công đức, oai thần lại có khác. Phải nên quán như vậy.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Hai thân sai khác nên quán thế nào?

Phật bảo: Thiện nam! Hãy lắng nghe, lắng nghe!

Ta sẽ vì ông nói thí dụ để rõ nghĩa này: Này thiện nam! Như ngọc báu ma ni được mài dũa, làm cho đẹp, có ánh sáng trong suốt rực rỡ, vì đã tinh luyện.

Đối với các ngọc ma ni chưa được tinh luyện so với ma ni trước có thể bằng chăng?

Bồ Tát thưa: Không, bạch Thế Tôn! Ngọc ma ni đã tinh luyện, ánh sáng trong suốt, mọi người thích thú. Còn ma ni chưa luyện thì chẳng được như vậy.

Phật bảo: Đúng vậy! Thân ngọc ma ni của Bồ Tát chẳng bằng thân ngọc ma ni của Như Lai. Tuy cùng là pháp thân thanh tịnh, nhưng pháp thân Bồ Tát chẳng thể sánh với pháp thân Như Lai thanh tịnh rốt ráo.

Vì sao?

Vì thân Như Lai chẳng thể hạn lượng, trùm khắp cõi chúng sinh, chiếu suốt khắp cõi hư không.

Vì sao?

Vì thân tối cực thanh tịnh, lìa xa hết thảy các trần cấu. Còn thân ngọc ma ni của Bồ Tát ánh sáng chẳng như vậy.

Vì sao?

Vì còn sót cấu bẩn.

Thiện nam! Ví như đầu tháng, ánh trăng bắt đầu, dần dần tăng trưởng, cho đến ngày thứ mười lăm mới tròn sáng. Trong thời gian ấy đều được gọi là trăng, nhưng trăng đầu tháng chẳng thể so với trăng đêm mười lăm.

Vì sao?

Vì pháp của nó là như vậy. Chư Phật và Bồ Tát tuy đồng danh pháp thân, nhưng thân Bồ Tát chẳng thể sánh với thân Như Lai ánh sáng chiếu khắp.

Thiện nam! Thân Phật và thân Bồ Tát như vậy, tuy đồng là tướng thân nhưng tướng công đức, oai thần của Phật và của Bồ Tát chẳng phải là một tướng.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp được thân Kim Cang chắc thật, kiên cố, chẳng thể hủy hoại.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Tham, sân, si… chẳng thể hủy hoại.

2. Oán giận, phẫn hận, chướng nạn, kiêu mạn, cao ngạo, tà kiến, điên đảo chẳng thể hủy hoại.

3. Tám thức gió thế gian chẳng thể hủy hoại.

4. Ba khổ nơi cõi ác chẳng thể hủy hoại.

5. Các khổ chúng sinh chẳng thể hủy hoại.

6. Sinh, già, bệnh, chết, chẳng thể hủy hoại.

7. Các Phạm Chí ngoại đạo, các luận sư tà chẳng thể hủy hoại.

8. Hết thảy chúng ma, các thiên ma chẳng thể hủy hoại.

9. Hết thảy Thanh Văn và Duyên Giác chẳng thể hủy hoại.

10. Hết thảy dục lạc cũng chẳng thể hủy hoại.

Thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát mười pháp được thân Kim Cang chắc thật, kiên cố, chẳng thể hủy hoại.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp làm bậc thương chủ lớn.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Đáng được chúc mừng.

2. Đáng được cung kính.

3. Hay giỏi tế độ.

4. Đáng được nương tựa.

5. Có thể an lập.

6. Tư lương đầy đủ, dồi dào.

7. Sửa soạn đầy đủ hành trang khi đi.

8. Không có chán đủ.

9. Bậc dẫn đường thượng thủ.

10. Khéo giỏi tùy thuận vào thành nhất thiết trí.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần