Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Năm - Phẩm An Lạc Hạnh - Tập Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
PHẨM NĂM
PHẨM AN LẠC HẠNH
TẬP MỘT
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Đại Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại: Này thiện nam! Đại Bồ Tát tu hành mười pháp, ở bất cứ nơi đâu tâm cũng thường tịch tĩnh, trụ an lạc.
Những gì là mười?
Đó là: Khéo tu nhớ nghĩ, quán sát về thân, thọ, tâm, pháp. Khéo tu nhớ nghĩ, quán sát cảnh giới nơi A Lan Nhã, các làng xóm, quốc thành, đô ấp, các sự lợi dưỡng, cung kính, tiếng danh, các giới cấm Như Lai đã chế, các loại phiền não bậc thượng, trung, hạ nơi bì nhục tâm. Khéo tu nhớ nghĩ quán sát như vậy.
Thiện nam! Bồ Tát quán sát thân mà trụ nơi an lạc như thế nào?
Đại Bồ Tát dùng trí tuệ quán sát thân này từ chân đến đỉnh đầu, chỉ thấy thân này là ba mươi sáu vật giả hợp thành người, niệm niệm sinh diệt, vô thường hư hoại, gân mạch liên kết đầy nhẫy bất tịnh, không đáng ưa thích. Quán sát như vậy liền sinh chán bỏ.
Do nhàm chán nên sự nhiễm thân, tham thân, kiến chấp thân, say đắm thân không còn sinh khởi. Do nhân duyên ấy nên tất cả những điều bất thiện cùng thân tương ưng đều được lìa xa, các pháp thiện cùng thân tương ưng được tăng trưởng.
Quán cảm thấy thọ, khéo tu ức niệm, trụ nơi an lạc như thế nào?
Đại Bồ Tát khởi sự tư duy: Phàm tất cả các thọ đều là khổ.
Vì sao?
Vì kẻ phàm phu tối tăm, vô trí, điên đảo nên trong sự khổ tưởng là vui. Tất cả Thánh Nhân chỉ thấy là khổ, lại có thể an lập tất cả chúng sinh đối với pháp này khiến được tùy thuận. Học pháp như vậy, được quán thọ rồi, khéo trụ niệm xứ, nơi thọ khổ, thọ lạc không khởi sân, không khởi tham. Vì diệt thọ nên siêng tu ức niệm, ở trong pháp này khuyến hóa người khác cũng hành như vậy.
Quán sát tâm niệm xứ, trụ nơi an lạc như thế nào?
Bồ Tát khởi sự tư duy: Tâm này điên đảo, vô thường tưởng là thường, khổ tưởng là vui. Tất cả Thánh Nhân chỉ thấy là khổ, lại có thể an lập tất cả chúng sinh đối với pháp này khiến được tùy thuận.
Học pháp như vậy, được quán thọ rồi, khéo trụ niệm xứ, nơi thọ khổ, thọ lạc không khởi sân, không khởi tham. Vì diệt thọ nên siêng tu ức niệm, ở trong pháp này khuyến hóa người khác cũng hành như vậy.
Quan sát tâm niệm xứ, trụ nơi an lạc như thế nào?
Bồ Tát khởi sự tư duy: Tâm này điên đảo, vô thường tưởng là thường, khổ tưởng là vui, pháp vô ngã tưởng là ngã, ở trong bất tịnh tưởng là tịnh, dao động biến chuyển, một niệm không dừng.
Vì các phiền não làm căn bản, vì chúng sinh mãi mãi mở cửa nơi ba đường dữ. Vì các khổ não làm nhân duyên đóng cửa đường thiện, phát khởi tham sân si… vì tất cả pháp làm tăng thượng duyên. Trong tất cả pháp, tâm là thượng thủ, nếu biết rõ tâm thì khéo biết được tất cả các pháp.
Tâm có khả năng tạo ra tất cả thế gian, các loại sắc tượng. Chỉ có tâm thấy tâm. Chỉ có tâm tạo nghiệp thiện, bất thiện. Chỉ có tâm luân chuyển, không tạm dừng nghĩ giống như vòng lửa. Chỉ có tâm phóng dật, giống như ngựa hoang. Chỉ có tâm có thể thiêu đốt giống như lửa dữ.
Chỉ có tâm luôn luôn sinh khởi giống như các đại. Quán sát trụ nơi tâm niệm xứ như vậy, liền có khả năng không duyên theo tâm, nhưng lại làm thầy của tâm. Do làm thầy của tâm nên được làm thầy của tất cả pháp. Nếu ai đối với tâm mà được tự tại thì đối với pháp cũng được tự tại.
Bồ Tát quán pháp niệm xứ, trụ nơi an lạc như thế nào?
Đối với các pháp bất thiện như vậy, Đại Bồ Tát biết một cách như thật. Nói bất thiện tức là tham, sân, si và các phiền não… do vô minh sinh. Vì nhân duyên như vậy nên tu pháp môn đối trị. Nếu tâm tham sinh, thì tu quán bất tịnh. Nếu tâm sân sinh thì tu quán từ bi. Nếu tâm si sinh thì tu quán mười hai nhân duyên.
Tu hành siêng năng chân chánh khiến trừ diệt tất cả phiền não… lại hay quán sát tất cả pháp thiện. Thấy pháp thiện rồi, ở trong pháp thiện thâu tóm tâm an trụ, ức niệm quán sát thọ trì pháp này. Ở trong pháp này lại đem khuyến hóa, làm cho chúng sinh cũng an trụ trong ấy.
Đối với các cảnh giới, Bồ Tát thâu giữ quán sát, trụ nơi an lạc như thế nào?
Đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, hoặc tốt hoặc xấu, Bồ Tát không sinh tâm tham, sân, ái luyến hay ngăn ngại.
Bồ Tát khởi sự tư duy: Ta nay không nên khởi tâm như vậy: Tất cả các pháp đều chẳng thể nắm giữ, tại sao nay ta lại sinh ái luyến vướng mắc?
Đối với pháp này, nếu ái luyến thì ta là kẻ ngu si, là kẻ không thông hiểu, là kẻ điên đảo.
Vì sao?
Vì như Phật dạy: Do ái luyến nên sinh đắm nhiễm. Do đắm nhiễm nên chấp giữ nơi cảnh giới. Do ngu si nên không thông hiểu pháp thiện và bất thiện. Do nhân duyên ấy nên bị đọa vào các cõi ác.
Bồ Tát lại nghĩ: Ta nay không nên sinh tâm như vậy: Đối với pháp nguy hại mà khởi tâm ngăn ngại. Nếu sinh tâm ngăn ngại thì không thể kham nhẫn. Do không nhẫn nại, liền sinh sân hận. Do sinh sân nên bị các Thánh Nhân quở trách, các bạn đồng học chê cười, không tán thán. Bồ Tát quán như vậy rồi nên đối với cảnh trái ý, oán giận, liền khéo tu ức niệm mà trụ nơi an lạc.
Bồ Tát trụ nơi A Lan Nhã như thế nào?
Đại Bồ Tát nghĩ như vậy: A Lan Nhã là nơi chôn cư trú của tam muội Vô tránh. Nơi A Lan Nhã này có nhiều chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà… chứng đắc tha tâm trí, chứng biết tâm ta và các pháp nơi tâm. Do vậy, ta nay ở trong rừng này không nên khởi các tư duy bất thiện. Đối với các pháp, nếu không sinh tư duy bất thiện thì quán hành thành đạt, tu nhiều pháp thiện.
Bồ Tát ở nơi thôn xóm, làng mạc, quốc thành, đô ấp… khởi sự quán sát, trụ nơi an lạc như thế nào?
Đại Bồ Tát sống nơi làng mạc nếu thấy chỗ này không thích nghi với người xuất gia thì phải nên tránh xa.
Đó là những chỗ nào?
Đó là quán rượu, nhà dâm nữ, nhà quan quyền, Vua chúa, nơi vui chơi của các binh lính… cho đến chỗ tụ tập uống rượu, chỗ bạch y tụ tập đàn ca, múa hát. Phàm là người xuất gia, những chỗ không thích nghi đều phải nên tránh xa. Quán sát như vậy mà trụ nơi an lạc.
Đối với những sự lợi dưỡng, cung kính, danh tiếng… Bồ Tát quán sát trụ nơi an lạc như thế nào?
Về những lợi dưỡng do đàn việt cúng dường trong sự công đức, Đại Bồ Tát đối với những lợi dưỡng này nên cảnh tỉnh, điều phục tâm mình, chớ để tham đắm, chớ sinh ái lạc, cũng lại không sinh tâm ngã và ngã sở. Nếu được lợi dưỡng thì đem cho tất cả chúng sinh thiếu thốn thọ dụng một cách đồng đều, bình đẳng.
Nếu nhờ vậy mà được danh tiếng thì ở trong danh ấy, Bồ Tát không tự cao, không sinh kiêu mạn, cũng không phóng túng, nên khởi niệm như vậy: Ta nay được danh tiếng như vậy, thời gian không lâu sẽ tự tiêu tan.
Người được danh tiếng cùng với danh đạt được, tất cả đều vô thường. Có người trí nào đối với những cái hư vọng, vô thường, mau chóng, tan hoại, nguy hiểm, không có chỗ an lập mà lại sinh tâm tham đắm, khởi tâm kiêu mạn, khinh chê người khác. Bồ Tát quán sát như vậy thì trụ nơi an lạc.
Đối với những giới luật Như Lai đã chế, Bồ Tát ức niệm quán sát, trụ nơi an lạc như thế nào?
Đại Bồ Tát nghĩ như vậy: Ở đời quá khứ, các Đức Như Lai học pháp luật này mới thành Đẳng Chánh Giác mà nhập Niết Bàn. Ở đời vị lai, các Đức Như Lai học pháp luật này sẽ thành Chánh Giác mà nhập Niết Bàn. Ở đời hiện tại, các Đức Như Lai cũng học pháp này, nay thành Chánh Giác mà nhập Niết Bàn.
Quán như vậy rồi, đối với các pháp luật, Bồ Tát chí tâm cung kính, siêng năng cầu học pháp ấy, tu hành các thiện được trụ nơi an lạc.
Đối với ba loại phiền não bậc thượng, trung, hạ nơi bì nhục tâm, Bồ Tát ức niệm quán sát, trụ nơi an lạc như thế nào?
Đại Bồ Tát quán sát những phiền não ngoài da và cũng quán sát những phiền não trong tâm. Do quán sát nên biết nhân duyên của nó.
Những phiền não này từ duyên gì sinh?
Những nhân duyên ấy lại dựa vào đâu sinh?
Liền được thấy biết nhân duyên phiền não là từ vô minh.
Do vô minh nên tư duy bất thiện.
Tư duy bất thiện lại do nhân gì sinh?
Do không thông hiểu chánh pháp.
Không thông hiểu chánh pháp lại do nhân duyên gì?
Do không gần thiện hữu. Đã biết nhân duyên của phiền não như vậy, nguyên do của phiền não, cảnh giới của phiền não thì có khả năng lìa xa mà được trụ nơi an lạc.
Này thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp sống bất cứ nơi đâu tâm cũng luôn tịch tĩnh, trụ nơi an lạc.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có đủ mười pháp mặc y phấn tảo.
Những gì là mười?
Đó là:
1. Thọ trì kiên cố.
2. Kham nhẫn khiêm cung.
3. Tâm không mệt mỏi.
4. Tâm không nhiễm ô.
5. Không thấy thô xấu, chỉ thấy công đức.
6. Cũng không tự cao.
7. Không khinh chê người.
8. Đầy đủ giới tịnh.
9. Cảm đến Chư Thiên.
10. Loài người cúng dường, cung kính lễ bái.
Bồ Tát thọ trì kiên cố như thế nào?
Thiện nam! Đại Bồ Tát tín căn thành tựu, lòng luôn thanh tịnh, thuận theo pháp Phật Như Lai đã chế, thà mất thân mạng chứ trọn đời chẳng cố phạm.
Đã thọ trì pháp, hành trì kiên cố rồi được tâm khiêm cung. Do tâm khiêm cung nên kiêu mạn không sinh. Không kiêu mạn nên lượm nhặt y hư hoại của thế gian đã bỏ, khác với y thế tục mặc. Nhặt lượm được rồi, giặt nhuộm sửa sang, làm hoại màu sắc củ, kết nạp thành y.
Không sinh phiền não, không chút lao nhọc, tâm không mệt mỏi, cũng không nhiễm ô, thẳng tiến thành tựu, tạo tác công đức. Đối với những y phấn tảo như vậy, Bồ Tát không thấy những cái thô xấu như phấn tảo là loại xấu xí, bẩn thỉu, quá thô tệ, nhiều rận rệp, bức bách thân ta, xuất ra cấu uế. Do nghĩa này nên Bồ Tát quán sát y phấn tảo, chỉ thấy công đức.
Y phấn tảo này tất cả hàng Tiên Thánh đã từng thọ trì, hợp với vô dục, thuận với Thánh chủng, được tất cả Chư Phật tán thán. Không vì nhân duyên này mà sinh tâm ngã mạn, cũng không tự cao, không khinh chê người. Nếu lìa kiêu mạn thì không khinh chê người khác.
Không khinh chê người khác nên giới phẩm đầy đủ.
Giới đầy đủ nên được tất cả hàng Thích, Phạm và các Thiên chúng cúng dường, xưng tán, lễ bái, được tất cả Chư Phật hộ niệm, được tất cả Bồ Tát ủng hộ, được hàng nhân phi nhân… cung kính, được gia tộc Quốc Vương và các thần dân cúng dường, được tất cả bạn đồng học khuyến tấn.
Thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp mặc y phấn tảo.
Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại thưa: Kính bạch Thế Tôn! Tất cả Bồ Tát tâm địa rộng lớn, vì nhân duyên gì mà thích y phấn tảo thô tệ, thua kém?
Phật bảo: Thiện nam! Tất cả Bồ Tát vì muốn hết thảy thế gian thành tựu nguyện lực tự tại, nhưng các Bồ Tát đối với nguyện lực thì chưa được thành tựu. Vì không để các phiền não phát sinh nên Bồ Tát tu tập pháp môn đối trị.
Thiện nam! Ý ông nghĩ sao?
Tâm của Như Lai Thế Tôn rộng lớn chăng?
Ý thô lậu chăng?
Tâm thua kém chăng?
Bồ Tát đáp: Con không thể nói điều này.
Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì sự ứng hiện và tín giải của Chư Phật, Như Lai chẳng phải là cảnh giới của con.
Vì sao?
Vì chỉ có Đức Thế Tôn là thấy rõ pháp này, chỉ có Tugià đà là thấy rõ pháp này. Không có một pháp nào mà Chư Phật Như Lai không thấy biết, không thể tin hiểu.
Phật bảo: Thiện nam! Ý ông nghĩ sao?
Vì nhân duyên gì mà Như Lai Thế Tôn ở Cõi Diêm Phù Đề, với đủ loại căn tánh, đủ loại tín giải của hàng nhân phi nhân… ở trước chúng sinh, Như Lai hiện hạnh thô lậu?
Và ở trước Chư Thiên, rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà… Như Lai tán dương ca tụng công đức Đầu Đà?
Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại thưa: Bạch Thế Tôn! Vì những chúng sinh ấy cần được hóa độ nên Như Lai hiện việc này. Và vì vô lượng người mới phát tâm hành hạnh Bồ Đề, phiền não chưa đoạn, Như Lai chỉ rõ pháp môn đối trị.
Đức Phật bảo: Thiện nam! Như vậy Bồ Tát đạt được lực thệ nguyện chỉ vì giáo hóa các chúng sinh nên mặc y phấn tảo chứ chẳng phải tâm thấp kém.
Này thiện nam! Vì nhân duyên như vậy nên Đại Bồ Tát mặc y phấn tảo.
Thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp thọ trì ba y.
Những gì là mười?
Đó là:
1. Tâm thường biết đầy đủ và ít tham muốn.
2. Lìa xa tham cầu.
3. Lìa xa sự lưu trữ.
4. Đã không lưu trữ nên không lo mất.
5. Đã không lo mất nên lìa cái khổ bị mất.
6. Lìa khổ bị mất nên tâm ác không sinh.
7. Tâm ác không sinh nên không sầu não.
8. Không sầu não nên không tìm giữ.
9. Không tìm giữ nên khéo tu hành.
10. Dứt tận các hữu lưu.
Thiện nam!
Do biết đủ nên Đại Bồ Tát tùy nghi ăn mặc, tự cho là đủ.
Do tự biết đủ nên liền được ít ham muốn.
Do ít ham muốn nên lìa xa tham cầu.
Lìa xa tham cầu nên không lưu trữ.
Không lưu trữ nên không buồn bị mất.
Không buồn bị mất nên không sinh khổ não.
Không khổ não nên tâm ác không sinh.
Tâm ác không còn nên không sinh sầu não.
Không sầu não nên không tìm giữ.
Không tìm giữ nên khéo tu hành dứt tận các hữu lưu.
Thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp thọ trì ba y.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Năm - Phẩm An Lạc Hạnh - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Lại Tra Hòa La
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Một - Phẩm Vua Lăng Già Thưa Hỏi
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Năm - Pháp Hội Vô Tận Huệ Bồ Tát