Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bí Mật Chẳng Nghĩ Bàn Của Như Lai - Phẩm Hai - Phẩm Mật Ngữ Của Bồ Tát

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BÍ MẬT

CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM HAI

PHẨM MẬT NGỮ CỦA BỒ TÁT  

Đại Bí Mật Chủ Đại Bồ Tát Kim Cang Thủ lại bảo Đại Bồ Tát Tịch Tuệ: Này thiện nam! Sao gọi là ngữ nghiệp thanh tịnh trong mật ngữ của Bồ Tát?

Tịch Tuệ nên biết! Nơi nào Bồ Tát sinh ra thì nơi ấy chính là bản sinh của Bồ Tát. Tùy theo bản sinh của Bồ Tát tức là thể nhập vào âm thanh của Bồ Tát. Tất cả những âm thanh ngôn ngữ của hữu tình, các lời nói, ngôn từ diễn đạt để hiểu, nói chung là tất cả những lời nói về mọi sự tướng qua lại, quán sát kỹ về khổ vui… đều có trong âm thanh của Bồ Tát.

Tuy vậy, nhưng Bồ Tát vẫn không chướng ngại, không chấp trước vào tri kiến, tất cả đều tùy chuyển. Cho đến những âm thanh vi tế như tiếng của muỗi, trùng, ruồi, bướm, Bồ Tát đều có thể hiểu rõ và nêu ra được, khiến cho các hữu tình nghe được âm thanh của Bồ Tát thân tâm được khinh an.

Tùy theo những gì đã nghe mà nêu rõ ra, đều là từ miệng Bồ Tát nói ra, trong đó nói kệ rằng:

Tùy các hữu tình vô cùng tận

Chủng loại đó cũng nhiều vô kể

Dù trong trăm kiếp nói không hết

Chẳng nghĩ bàn này sao thể nói

Ta dùng thí dụ như nghĩa nói

Nói pháp Bồ Tát cũng không mất

Không tăng, không giảm như hư không

Khởi tâm rộng lớn mà khai diễn.

Lại nữa, này Bồ Tát Tịch Tuệ! Ở chỗ Phạm Vương ấy, có tất cả loại âm thanh như loại âm thanh của Đế Thích, loại âm thanh của Thiên Vương Hộ Thế, loại âm thanh của các hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già…, cho đến mọi loại âm thanh của tất cả hữu tình. Bồ Tát đều dùng âm thanh tùy theo đối tượng mà hòa nhập.

Lại nói kệ rằng:

Phạm âm Bồ Tát hoan hỷ nói

Siêu việt hơn cả tiếng Phạm Vương

Lời nói tương ứng hành từ, bi

Hỷ, Xả bốn pháp đều hòa hợp

Đế Thích Ca vịnh tiếng vừa ý

Âm thanh Bồ Tát lại bao trùm

Tùy chỗ phát tiếng ca vi diệu

Cần nên phân biệt các pháp nghĩa.

Chúng Khẩn Na La tiếng vi diệu

Tiếng của Bồ Tát vượt hơn cả

Lửa tham thiêu đốt khiến dứt trừ

Theo lời đã nói sinh vui thích.

Tiếng vừa ý của Trời Cõi Dục

Chư Thiên ca vịnh tiếng đều khác

Pháp nghĩa tùy thuận như lý nói

Khiến cho tất cả sinh hoan hỷ

Các hữu tình tham, sân, si, mạn

Lại thêm kiêu ngạo, dối, nghi hoặc

Nghe tiếng như nghĩa của Bồ Tát

Thảy đều chấm dứt tham, sân, si

Tất cả các chúng Trời Cõi Sắc

Nghe tiếng của Bậc Thượng Nhân rồi

Tất cả đều sinh tâm hoan hỷ

Nguyện cầu bồ đề sinh đường thiện.

Các tiếng âm nhạc của các loài

Ma hầu, Càn Thát Bà và Rồng

Nghe lời của Bậc Công Đức Hải

Tất cả ai nấy rất mừng vui.

Âm thanh vang khắp cả mọi nơi

Người ở trong Cõi Diêm Phù Đề

Nghe tiếng vi diệu của Bồ Tát

Nghe rồi tất cả được giải thoát

Địa cư, Không cư, các Cõi Trời

Âm thanh Bồ Tát đều hòa nhập

Tùy theo chủng loại tiếng hòa nhập

Tuyên nói chân thật quyết định pháp

Ca lăng tần già, câu chỉ la

Ngỗng, Nhạn, Anh Vũ và Thu Lộ

Khổng Tước, Cộng Mạng, Câu Na La

Chim Cát Tường và loài Uyên Ương

Sư Tử, Hổ, Báo, Beo, Hươu, Nai

Voi, Ngựa, Tê, Trâu, Mèo, Chó, Heo

Các loài thú chạy và chim bay

Âm thanh hòa nhập đều hoan hỷ.

Tất cả hữu tình loại bốn chân

Hai chân, nhiều chân và không chân

Âm thanh Bồ Tát đều hòa nhập

Cảnh tỉnh khiến chúng sinh mến, sợ.

Hữu tình trong ba ngàn Thế Giới

Bậc thượng, trung, hạ đều sai khác

Tam đồ và hàng Trời, người kia

Âm thanh Bồ Tát đều hòa nhập.

Tuy thế Bồ Tát không phân biệt

Không chấp, không buộc, không tư tưởng

Tâm trụ thiền định, không tán loạn

Tùy theo thích ứng hiện các tướng

Thanh tịnh nguyện cầu của hữu tình

Âm thanh diễn rõ trăm ngàn cõi

Quá hằng hà sa số cũng vậy

Tâm ấy không trì, không tìm hiểu.

Quân ma trong ba ngàn Thế Giới

Đều nghe tiếng lớn của Bồ Tát

Nghe rồi kinh sợ vội quy tâm

Chắp tay cung kính xin đảnh lễ.

Các hữu tình thường hay tranh luận

Tâm tăng thượng mạn không quy tín

Nghe giọng thanh tịnh của Bồ Tát

Chắp tay cung kính xin đảnh lễ.

Điếc, ngọng cộng thêm những kẻ câm

Cà lăm phá hoại các hữu tình

Do nhờ tiếng hay của Bồ Tát

Khi đã nghe rồi liền nói được.

Phiền não thiêu đốt thêm bức bách

Tạo tội, gây ác càng chất chồng

Nhờ nghe tiếng thanh tịnh Bồ Tát

Tâm được mát mẻ dứt các ác.

Hữu tình nếu nghe tiếng vô thường

Tức được nghe tiếng Phật, Pháp, Tăng

Pháp Thí, Nhẫn, Giới cũng như vậy

Tinh tấn, định, tuệ thảy đều nghe

Tất cả công đức như biển ấy

Trong vô lượng kiếp nói không cùng

Âm thanh vô biên, trí vô biên

Đều trụ tiếng Phật không đoạn mất.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Nên biết trong âm thanh, ngôn ngữ của Đại Bồ Tát không có lời đắm trước, không có lời dữ tợn hung ác, không có lời si loạn, không có lời nhiễm ô, không có lời buộc mở, không có lời cao thấp, không có lời thô lỗ, không có lời ác ngang trái, không có lời khiếm lậu, không có lời ương ngạch cứng cõi.

Không có lời trái thuận, không có lời thoái thất, không có lời nói theo ác, không có lời nói trái nghịch nhau, không có lời nói tùy nhiễm, không có lời nói bất định, không có lời nói thô tháo, không có lời nói cống cao, không có lời nói giận dữ, không có lời nói chẳng hợp thời, không có lời nói tạp dục, không có lời nói hỷ ái tùy theo hoàn cảnh.

Không có những lời nói quyến luyến, không có lời nói dài dòng, không có lời nói quá nhanh, không có lời nói phá hoại các căn, không có lời nói hoại âm thanh, không có lời nói phá hoại tâm, không có lời nói tà vạy quanh co, không có lời nói yếu hèn, không có lời nói úp mở, không có lời nói suy thoái, không có lời nói trở mặt lật lưng.

Không có lời nói thâm hiểm, không có lời nói không xuất ly, không có lời nói không thương xót, không có lời nói phá hoại người khác, không có lời nói làm ly gián giữa mình và người, không có lời nói nói ra nói vào, không có lời nói chấp thủ, không có lời nói không thanh tịnh, không có lời nói không như lý, không có lời nói bất nhẫn.

Không có lời nói tạp loạn, không có lời nói vu khống hủy báng, không có lời nói phi pháp, không có lời nói cao ngạo đắc thắng, không có lời nói thấp hèn, không có lời nói quá thời, không có lời nói lỗi lầm sai trái, không có lời nói hư dối, không có lời nói tà vạy, không có lời nói mong cầu lợi dưỡng, không có lời nói không quy nhiếp.

Không có lời nói ngu si nghi ngờ, không có lời nói không khả ái, không có lời nói khoe khoang, không có lời nói khinh mạn, không có lời nói tự cho mình là cao cường, không có lời nói làm cho người khác phải chia lìa, không có lời nói tự khen công năng của mình, không có lời nói phá công năng người khác, không có lời nói chê trách.

Không có lời nói chèn ép người khác, không có lời nói không phải việc làm, không có lời nói trái với việc làm, không có lời nói phá hoại bí mật, không có lời nói không phòng hộ, không có lời nói khinh mạn người trí, không có lời nói hủy báng Hiền Thánh, không có lời nói trau chuốc cho hay, không có lời nói tâng bốc.

Không có lời nói nêu lên lỗi lầm của người khác, không có lời nói như tên bắn, không có lời nói bàn về cái quấy của người khác, không có lời nói không cứu giúp, không có nói ra những lời nói tăng thượng mạn, không có lời nói tội nghiệp, không có lời nói không nhiêu ích.

Tịch Tuệ nên biết! Lời nói mà Bồ Tát nói ra đều là thần thông trí lực từ nơi quả báo phước hạnh mà thành, hạt giống thiện phát triển liên tục không có gián đoạn. Hễ có nói ra thảy đều thành tựu.

Có lúc Bồ Tát đi đứng, nằm, ngồi dưới gốc cây, nếu có người đến chỗ của Bồ Tát hỏi: Ngài có biết cây này có bao nhiêu lá không?

Lúc đó Bồ Tát không nhìn cây ấy, cũng không đếm lá ấy, liền đáp: Cây này có số lá.

Y như lời Bồ Tát nói, số lá của cây ấy không có tăng giảm.

Lại có người hỏi Bồ Tát:

Sông Khắc già có bao nhiêu cát?

Là trăm ư?

Là ngàn ư?

Là trăm ngàn ư?

Là ức ư?

Là trăm ức ư?

Là triệu ư?

Là trăm triệu ư?

Là trăm trăm ức ư?

Là trăm trăm triệu ư?

Là vô lượng ư?

Là A tăng kỳ ư?

Là hơn A tăng kỳ ư?

Là quá hơn A tăng kỳ ư?

Là không thể đếm ư?

Lúc đó Bồ Tát không nhìn sông ấy, không đếm số cát ấy liền đáp: Con sông này có vô lượng cát.

Y như lời Bồ Tát nói, số cát sông này không tăng không giảm, cũng đồng với số mà trí Như Lai đã biết. Lời của Bồ Tát nói ra như thật không hư vọng, không dựa vào các hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca lầu la, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già v.v… và Thanh Văn, Duyên Giác để chứng biết, mà chỉ có Phật Như Lai mới có thể chứng biết.

Này Tịch Tuệ! Các duyên như vậy cần phải biết.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Ta nhớ thời quá khứ rất xa xưa, có một vị Tiên Nhân tên là Diệu Ái, có một Bà La Môn tên là Hắc Tướng. Lúc đó có một cây lớn Ni Câu Đà tên là Hiền Thiện, nhành lá rất nhiều.

Bóng cây rợp mát ngang rộng đến một Câu Lô Xá. Tiên Nhân Diệu Ái ở bên cây ấy, trải qua bảy ngày dùng thần lực quán sát kỹ lưỡng, biết rõ số lá của cây ấy. Sau một thời gian, Bà La Môn Hắc Tướng đi vào thành khất thực, rồi đến dưới gốc cây ấy thọ thực, thọ thực xong bèn đến chỗ của Tiên Nhân Diệu Ái, thăm hỏi nhau bằng những lời lẽ tốt đẹp, thật rất hoan hỷ, đàm luận rất lâu, cả hai đều thích.

Lúc đó Tiên nhân hỏi: Này đại Bà La Môn, Ngài có biết trong thế gian này ai có thể quán sát kỹ biết được số lá của cây lớn Ni Câu Đà này không?

Bà La Môn đáp: Thưa Tôn Giả, thế gian này cũng có người biết đấy.

Tiên nhân hỏi lại: Là ai?

Bà La Môn đáp: Chính là Ngài đấy. Ngài nên vì tôi mà nói đi.

Tiên nhân nói: Đại Bà La Môn, Ngài hãy nói cho tôi nghe.

Lúc đó vị Bà La Môn không nhìn cây ấy, không đếm số lá ấy, liền đáp bài kệ rằng:

Số lượng đó là tám ngàn triệu

Chín mươi hai ức số lá ấy

Sáu mươi trăm ức số nên biết

Mười sáu ngang bằng số nhánh ấy

Lại nữa ba mươi triệu số lá

Chín mươi sáu trăm trăm ức triệu

Mười ba trăm trăm triệu số lá

Số lượng này đều là lá cây

Cây này có cành thêm có lá

Số lượng như trên không tăng giảm

Ta tùy trí lực như thật nói

Ai nghi tự đếm không hề sai.

Nghe như vậy, Tiên Nhân Diệu

Ái sinh tâm kinh dị, liền nói kệ rằng:

Này Bà La Môn trí thần thông

Dùng lời chân thật đã khéo nói

Thọ Vương Ni Câu Đà Hiền thiện

Đã biết như thật nhánh lá ấy

Ngài cũng chưa từng nhìn cây ấy

Và chưa bao giờ đếm lá ấy

Số lượng nhánh lá thật khó lường

Ngài dùng tâm trí biết rõ ràng.

Tiên nhân nói kệ xong, lại hỏi: Thưa đại Bà La Môn, theo những lời Ngài đã nói thì đó, là tự trí Ngài biết, hay là nhờ vào sự trợ giúp của Hiền Thánh mà biết?

Bà La Môn đáp: Thưa Tôn Giả! Nay Ngài hãy lắng nghe! Tôi dùng trí của con người như thật mà nói, hư không có thể phá hoại được, nhưng lời nói này không có sai lầm.

Bấy giờ, Đại Bí Mật Chủ Đại Bồ Tát Kim Cang Thủ lại bảo Đại Bồ Tát Tịch Tuệ: Này thiện nam! Vị Tiên Nhân Diệu Ái thuở đó nay chính là đại trí Xá Lợi Phất, Bà La Môn Hắc Tướng nay chính là Thế Tôn Thích Ca Sư Tử. Do như vậy, cho nên Bồ Tát có ngữ công đức hải, có khả năng an trụ vào công đức chân thật pháp nghĩa như lý.

Tịch Tuệ! Đây là ngữ nghiệp bí mật thanh tịnh của Bồ Tát. Trong số đó nếu có người hiểu được chút ít nào, ta cho rằng người đó là người có trí tuệ tối thượng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần